KINH THỦ LĂNG NGHIÊM
PHẦN CHÍNH TÔNG
15. A NAN CHẤP DO NHÂN
DUYÊN
Ananda Attaches to Causes and Conditions
Khi bấy giờ ông A-nan, ở
trong đại-chúng, đỉnh-lễ chân Phật, đứng dậy bạch Phật: "Đức Thế-tôn hiện
nói về các nghiệp sát, đạo, dâm. Về ba duyên đoạn rồi, thì ba nhân không sinh
và tính điên anh Diễn-nhã-đạt-đa trong tâm tự hết; hết, tức là Bồ-đề, không do
người khác đưa tới; như thế, rõ-ràng là nhân-duyên rồi, làm sao đức Như-lai lại
bỏ nghĩa nhân-duyên? Chính tôi, do nhân-duyên, mà tâm được khai-ngộ.
Bạch Thế-tôn, nghĩa ấy
đâu chỉ đối với hàng Thanh-văn hữu-học, ít tuổi như chúng tôi, mà hiện nay,
trong Hội nầy, ông Đại-mục-kiền-liên, ông Xá-lỵ-phất, ông Tu-bồ-đề, vân vân ...
cũng từ ông Lão-phạm-chí nghe lý nhân-duyên của Phật, mà phát-tâm khai-ngộ,
được thành quả vô-lậu. Nay Phật dạy rằng Bồ-đề không do nhân-duyên, thì các
thuyết tự-nhiên của bọn Câu-xá-ly, thành Vương-xá, lại thành đệ-nhất-nghĩa. Xin
Phật rủ lòng đại-bi, khai-phá chỗ mê-lầm cho chúng tôi".
Phật bảo ông A-nan :
"Tức như anh Diễn-nhã-đạt-đa trong thành, nếu diệt-trừ được nhân-duyên
tính điên, thì tính không điên tự-nhiên hiện ra; các lý nhân-duyên, tự-nhiên,
cuối-cùng chỉ như vậy."
"A-nan, như cái đầu
anh Diễn-nhã-đạt-đa vốn là tự-nhiên, nó đã tự-nhiên như thế, thì có lúc nào lại
không tự-nhiên, vậy vì nhân-duyên gì, mà sợ cái đầu, phát điên bỏ chạy? Nếu cái
đầu tự-nhiên, vì nhân-duyên mà điên, thì sao không tự-nhiên, vì nhân-duyên mà
mất đi? Cái đầu vốn không mất, điên-sợ giả-dối phát ra, chứ nào có thay-đổi gì,
mà phải nhờ đến nhân-duyên. Nếu tính điên vốn là tự-nhiên và vốn có sẵn tính
điên-sợ, thì khi chưa điên, cái điên núp vào chỗ nào? Nếu tính không điên là
tự-nhiên, thì cái đầu vẫn không việc gì, sao lại phát điên bỏ chạy? Nếu ngộ
được cái đầu sẵn có, biết mình vì phát điên mà bỏ chạy, thì nhân-duyên và
tự-nhiên đều là hý-luận."
"Vậy nên tôi nói: Ba
duyên đoạn-trừ rồi, tức là tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề sinh, tâm sinh-diệt diệt, đó
chỉ là sinh-diệt. Diệt và sinh đều hết, thì gọi là vô-công-dụng-đạo. Nếu có
tự-nhiên, như vậy là phát-minh tâm tự-nhiên sinh, tâm sinh-diệt diệt, thế cũng
là sinh-diệt và lấy cái không-sinh-diệt, gọi là tự-nhiên. Cũng như, trong
thế-gian các tướng hòa-lẫn thành ra một thể, gọi là tính hòa-hợp; cái không
phải hòa-hợp, thì gọi là tính bản-nhiên. Bản-nhiên không phải bản-nhiên,
hòa-hợp không phải hòa-hợp, hòa-hợp và bản-nhiên đều rời-bỏ, rời-bỏ và không
rời-bỏ đều "phi", câu nói nầy, mới gọi là pháp không-hý-luận."
"Bồ-đề Niết-bàn còn
ở xa-xôi, nếu ông không trải qua nhiều kiếp siêng-năng tu-chứng, thì tuy
ghi-nhớ diệu-lý thanh-tịnh mười hai bộ kinh của thập phương Như-lai, như cát
sông Hằng, cũng chỉ càng thêm hý-luận. Ông tuy nói lý nhân-duyên, tự-nhiên
chắc-chắn rõ-ràng, người đời gọi ông là đa-văn bậc nhất. Với cái huân-tập
đa-văn nhiều kiếp đó, ông không thoát khỏi được nạn Ma-đăng-già, phải đợi
thần-chú Phật-đỉnh của tôi, làm cho lửa dâm trong tâm nàng Ma-đăng-già hết đi
và nàng được quả A-na-hàm, ở trong Phật-pháp thành rừng tinh-tiến, sông ái khô
cạn, mới khiến cho ông được giải-thoát. Vậy nên ông A-nan, tuy ông nhiều kiếp
ghi-nhớ những pháp bí-mật diệu-nghiêm của Như-lai, cũng không bằng một ngày
tu-nghiệp vô-lậu, xa-rời hai khổ ưa-ghét thế-gian. Như nàng Ma-đăng-già, trước
kia là dâm-nữ, do sức thần-chú, tiêu-diệt lòng ưa-muốn, nay ở trong Phật-pháp,
gọi tên là Tính-tỷ-khưu-ni, cùng với mẹ La-hầu-la là Gia-du-đà-la, đồng ngộ
nhân trước, biết đã trải qua nhiều đời, nhân vì tham-ái mà khổ, một niệm
huân-tu pháp vô-lậu-thiện, thì người đã ra khỏi ràng-buộc, người thì được Phật
thụ-ký, làm sao, ông còn tự dối mình, mắc-míu mãi trong vòng nghe-thấy".
Ông A-nan và cả đại-chúng
nghe lời Phật dạy, tiêu hết nghi-hoặc, ngộ được thật-tướng, thân và ý đều
yên-lành, được pháp chưa từng có. Rồi lại thương-khóc, đỉnh-lễ chân Phật, quỳ
dài chấp tay mà bạch Phật rằng: "Đức vô-thượng đại-bi thanh-tịnh
Bảo-vương, khéo khai-ngộ cho tâm chúng tôi, dùng các nhân-duyên như thế,
phương-tiện dắt-dìu những kẻ chìm-đắm ra khỏi bể khổ. Bạch Thế-tôn, nay tôi tuy
được vâng nghe pháp-âm như vậy, nhận-biết tâm-tính diệu-minh Như-lai-tạng cùng
khắp thế-giới mười phương, trùm-chứa các cõi Phật bảo-nghiêm thanh-tịnh trong
thập phương quốc-độ; Như-lai lại trách tôi nghe nhiều mà vô-dụng, không
kịp-thời tu-tập. Nay tôi, giống như người lênh-đênh xiêu-bạt, bỗng-nhiên gặp vị
Thiên-vương cho cái nhà tốt; tuy được nhà lớn, nhưng cốt-yếu phải biết cửa mà
vào; xin nguyện đức Như-lai không ngớt lòng đại-bi, chỉ-bày cho những kẻ mờ-tối
trong Hội nầy, rời-bỏ pháp Tiểu-thừa và đều nhận được con đường phát-tâm tu-tập
đi đến vô-dư Niết-bàn của Như-lai, khiến cho những hàng hữu-học biết cách
uốn-dẹp tâm phan-duyên lâu đời, được pháp tổng-trì, chứng-nhập tri-kiến của
Phật". Ông A-nan nói lời ấy rồi, năm vóc gieo xuống đất, ở trong Hội một
lòng, mong đợi từ-chỉ của Phật.
Comments
Post a Comment