KINH THỦ-LĂNG-NGHIÊM GIẢNG GIẢI
HT THANH TỪ
PHẦN TỰA
Thông thường, vào đầu
các bộ kinh có lục chủng chứng tín hay lục chủng thành
tựu, tức là sáu điểm căn bản để cho người sau tin chắc kinh này là của Phật
nói.
Tôi nghe như vầy, một
hôm Phật ở tinh xá Kỳ Hoàn, thành Thất-la-phiệt, cùng với chúng đại tỳ kheo một
ngàn hai trăm năm mươi vị, đều là bậc vô lậu đại A-la-hán, là hàng Phật tử trụ
trì, khéo vượt qua các cõi, hay ở nơi quốc độ này mà thành tựu các oai nghi.
Các vị theo Phật chuyển bánh xe pháp, khéo tham nhận những lời di chúc của Phật
và nghiêm giữ giới luật thanh tịnh để làm mô phạm khắp trong ba cõi, ứng thân
vô lượng để độ thoát chúng sanh, cứu giúp đời vị lai vượt khỏi các trần lụy.
Tên các ngài là: Đại Trí Xá-lợi-phất, Ma-ha Mục-kiền-liên, Ma-ha Câu-hy-la,
Phú-lâu-na-di-đa-la-ni-tử, Tu-bồ-đề, Ưu-ba-ni-sa-đà v.v... là các bậc thượng
thủ.
Lại có vô lượng hàng
Bích-chi vô học cùng với những vị sơ tâm đồng đến chỗ Phật. Nhằm ngày chư
Tỳ-kheo mãn hạn Tự tứ, các vị Bồ-tát ở mười phương đến thưa hỏi để giải quyết
tâm nghi, kính mong đức Phật chỉ dạy nghĩa sâu kín.
Liền khi đó đức Như Lai
trải toà ngồi yên, vì chúng hội mà chỉ bày nghĩa sâu xa. Pháp hội thanh tịnh
được điều chưa từng có. Tiếng Phật nói như chim ca-lăng-tần-già vang khắp các
cõi ở mười phương. Hằng sa Bồ-tát đến nhóm họp ở đầu tràng, ngài Văn-thù-sư-lợi
làm bậc thượng thủ.
Đoạn này giới thiệu các
đệ tử lớn của Phật và hàng Bích-chi cùng chư vị Bồ-tát tụ hội tại tinh xá Kỳ
Hoàn, tức là chỗ ông Cấp Cô Độc và thái tử Kỳ-đà cúng. Như vậy quyển kinh này
nhắm vào hàng đệ tử lớn của Phật làm chỗ đối cơ.
Hôm ấy, nhân ngày giỗ
của phụ vương, vua Ba-tư-nặc thiết trai cúng dường Phật. Đích thân ông sắp bày
những thức ăn ngon quý thượng vị, cung thỉnh Như Lai và các vị đại Bồ-tát vào
cung cúng dường. Đồng thời trong thành cũng có những vị trưởng giả, cư sĩ cũng
thiết lễ trai tăng, mong chờ Đức Phật đến để dâng cúng. Phật dạy ngài Văn-thù
phân chia các vị Bồ-tát và A-la-hán đến nhận lễ cúng dường của các trai chủ.
Chỉ có A-nan, trước đã
nhận lời thỉnh riêng, đi xa chưa trở về, nên không kịp cùng dự trong hàng tăng
chúng, trên đường về chỉ có một mình, không có bậc Thượng tọa và A-xà-lê. Ngày
ấy không được ai cúng dường, A-nan liền ôm bình bát đi vào trong thành, theo
thứ lớp khất thực.
Theo luật Phật dạy, các
Tỳ-kheo trẻ đi khất thực phải có những vị Thượng tọa từ hai mươi hạ trở lên
hoặc A-xà-lê từ năm hạ trở lên cùng đi chứ không được đi một mình. Khi ấy vì
A-nan nhận thọ thỉnh riêng đi xa, trở về không kịp dự vào hàng tăng, nên lẻ loi
đi khất thực một mình. Lúc đó nhằm ngày tự tứ, các thí chủ đều lo cúng dường
chúng tăng, không ai cúng riêng nên ngài đi khất thực khó khăn, không có người
dâng cúng.
Trong tâm A-nan, ban đầu
muốn tìm một người đàn-việt rốt sau để làm trai chủ, không luận thuộc dòng họ
trong sạch hay ô uế, phát tâm viên thành vô lượng công đức cho tất cả chúng
sanh.
A-nan đã biết đức Như
Lai Thế Tôn quở trách Tu-bồ-đề và Đại-ca-diếp là A-la-hán mà tâm không bình
đẳng. Do quý kính lời dạy của đức Như Lai đã mở bày không ngăn ngại, vượt qua
hết các việc nghi ngờ chê bai của người. A-nan đi đến bên thành, thong thả bước
vào cửa, oai nghi nghiêm chỉnh, kính cẩn đúng theo phép hóa trai.
Đàn-việt rốt sau tức là
người chưa cúng dường cho ai, bây giờ phát tâm cúng dường. A-nan nhớ đức Phật
từng quở ngài Ca-diếp đi khất thực chỉ lựa người nghèo, còn Tu-bồ-đề chỉ đến
nhà giàu, là chưa bình đẳng. Trong tâm ngài rất kính trọng lời dạy của đức Như
Lai đã dẹp được sự nghi ngờ chê bai của mọi người, cho rằng chư tăng có người
thích nghèo, có người ưa giàu. Vì vậy ngài không chọn lựa dòng Sát-đế-lợi tôn
quý hay dòng Chiên-đà-la. Thực hành lòng từ bi bình đẳng, không chọn lựa sang
hèn.
Khi ấy, A-nan theo thứ
lớp khất thực, đi qua nhà dâm nữ, bị Ma-đăng-già dùng đại huyễn thuật với thần
chú Sa-tỳ-ca-la tiên Phạm thiên, bắt vào phòng dâm, dựa kề vuốt ve làm cho ông
sắp mất giới thể. Như Lai biết A-nan bị dâm thuật làm hại, nên thọ trai xong
liền trở về. Vua, đại thần, trưởng giả, cư sĩ đều đi theo Phật, mong được nghe
pháp yếu.
Khi ấy, đức Thế Tôn từ
đảnh phóng ra hào quang trăm báu vô úy. Trong hào quang sanh ra hoa sen báu
ngàn cánh, có hóa thân Phật ngồi kiết già tuyên nói thần chú. Phật dạy Bồ-tát
Văn-thù-sư-lợi đem thần chú đó đến cứu hộ A-nan, tiêu diệt chú ác, dẫn A-nan và
Ma-đăng-già trở về chỗ Phật.
Câu chuyện đưa đến lý do
Phật nói kinh này có liên hệ đến thần chú cứu ngài A-nan. Nhưng tại sao thần
chú đó không từ miệng Phật nói ra, mà lại từ hóa Phật nói? Bởi vì thần chú là
do diệu dụng từ hóa thân Phật nói, chứ không phải pháp thân hay báo thân Phật
nói.
Đức Phật dạy ngài
Văn-thù đem thần chú đến giải nạn cho A-nan. Tại sao Phật không sai một vị nào
khác mà lại sai Văn Thù? Nếu xét về mặt huyền bí của thần chú thì đây là dùng
chú chân chánh để phá tà chú. Thần chú của hóa Phật nói ra, ngài Văn-thù đến đó
đọc lại để phá tan tà tri rồi dẫn A-nan về.
Nếu xét về mặt thực
tế, có khi chúng ta bị thần chú làm cho mê hoặc, nhưng cũng nhiều lúc do trí
tuệ của chúng ta bị che mờ vì một việc nào đó. Ngài Văn-thù chính là tượng
trưng cho trí tuệ, trí đến thì mê hết. A-nan lúc gặp Ma-đăng-già, bỏ quên
trí tuệ khiến bị mắc nạn. Nên khi trí vừa sáng trở lại thì
ngài mạnh dạn trở về. Trí tuệ sáng trở lại tức là hiện thân của Văn-thù.
Ngày nay cũng có lắm
người tu chúng ta, tuy học hành thông thạo nhưng chưa chịu tu nhiều, đạo lực
kém cũng dễ bị nạn này. Thế nên về sau trong chùa sợ người tu bị sắc dục
làm trở ngại, cũng dạy phải tụng chú Lăng-nghiêm, để thần chú này sẽ làm tiêu
tan ác chú dẫn dắt đi sai đường trong lúc tu hành. Nhưng nếu tụng mà tâm mình
chưa phải là Văn-thù, đôi khi cũng không tiêu nổi.
Câu chuyện này có chỗ
không hợp lý. Thông thường trước ngày tự tứ chư tăng phải an cư một chỗ, không
được nhận thỉnh riêng đi xa, tự tứ xong mới nhận biệt thỉnh. Vậy tại sao A-nan
lại đi xa về không kịp? Điều đó cho thấy chi tiết được hư cấu để tạo thành lý
do Phật nói kinh này.
Thọ trai xong biết A-nan
bị nạn nên đức Phật liền trở về ngay. Theo đúng pháp, sau khi thọ trai gia đình
thí chủ đến ngồi xung quanh nghe Phật thuyết pháp, thuyết xong Phật
mới ra về. Hôm nay vừa thọ trai xong đức Phật ra về liền, vua và đại thần,
trưởng giả, cư sĩ... nghĩ là có chuyện bất thường nên cùng đi theo Phật để được
nghe chỉ dạy. Do duyên cớ đó khiến cho pháp hội này rất đông, trở thành
một hội thuyết pháp lớn.
A-nan vừa thấy Phật,
đảnh lễ buồn khóc, hận mình từ vô thủy đến giờ, chỉ một bề học rộng mà chưa
được toàn vẹn đạo lực. Ông ân cần thỉnh Phật dạy cho các phương tiện ban đầu là
Chỉ, Quán và Thiền, chư Như Lai mười phương do đây được thành tựu Bồ-đề.
Khi ấy lại có hằng sa
Bồ-tát và các vị đại A-la-hán, Bích-chi Phật v.v... ở mười phương đều mong
muốn được nghe, lui về ngồi yên lặng, chờ nghe lời dạy của Phật.
Câu hỏi của A-nan rõ
ràng mang tinh thần thiền. Ngài hỏi về phương tiện tu hành ban đầu là Chỉ, Quán
và Thiền, là pháp tu mà chư Phật mười phương đều nhờ đó được thành đạo quả, chứ
không riêng một vị nào. Nghĩa là ai tu tập muốn thành Phật cũng phải đi con
đường đó.
Chỉ là dừng tâm. Quán là
quán thân, quán cảnh. Thiền là gồm cả Chỉ và Quán.
Comments
Post a Comment