KINH THỦ LĂNG NGHIÊM
QUYỂN VI
[25]
VIÊN-THÔNG VỀ NHĨ-CĂN
Thuật lại chỗ tu-chứng
Khi bấy-giờ, ngài Quán-thế-âm Bồ-tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng: "Thưa Thế-tôn, tôi nhớ vô-số hằng-sa kiếp về trước, có đức Phật ra đời, hiệu là Quán-thế-âm; từ đức Phật kia, tôi phát-tâm Bồ-đề. Đức Phật kia dạy tôi, do nghe, nghĩ và tu, mà vào Tam-ma-đề.
Ban đầu, ở trong tính-nghe, vào được dòng viên-thông, không còn tướng sở-văn nữa. Trần-tướng đã vẳng-lặng, hai tướng động, tĩnh rõ thật không sinh. Như vậy thêm lần, các tướng năng-văn, sở-văn đều hết. Không dừng lại nơi chỗ dứt hết năng-văn, sở-văn mà tiến lên nữa, thì năng-giác, sở-giác, đều không. Không-giác tột bậc viên-mãn, các tướng năng-không, sở-không đều diệt. Sinh-diệt đã diệt, thì bản-tính tịch-diệt hiện-tiền. Bỗng nhiên, vượt ngoài thế-gian và xuất thế-gian, sáng-suốt cùng khắp mười phương, được hai cái thù-thắng: Một là, trên hợp với bản-giác-diệu-tâm thập phương chư Phật, cùng với chư Phật Như-lai đồng một từ-lực; hai là, dưới hợp với tất-cả chúng-sinh lục-đạo mười phương, cùng với các chúng-sinh đồng một bi-ngưỡng.
Do từ-lực, hiện ra 32 ứng-thân
Bạch Thế-tôn, do tôi cúng-dường đức Quán-âm Như-lai, nhờ Ngài truyền-thụ cho tôi Như-huyễn Văn-huân Văn-tu Kim-cương-tam-muội, được cùng chư Phật đồng một từ-lực, nên làm cho thân tôi thành-tựu 32 ứng-thân vào các cõi-nước.
Bạch Thế-tôn, nếu các vị Bồ-tát vào Tam-ma-đề, tiến-tu pháp vô-lậu, thắng-giải hiện đã viên-mãn, tôi hiện ra thân Phật, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được giải-thoát.
Nếu các hàng hữu-học tu phép Diệu-minh vẳng-lặng, chỗ thắng-diệu đã viên-mãn. Tôi ở trước người kia, hiện ra thân Độc-giác, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được giải-thoát.
Nếu các hàng hữu-học đoạn 12 Nhân-duyên; do các nhân-duyên đã đoạn mà phát ra thắng-tính và thắng-tính đó hiện đã viên-mãn, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Duyên-giác, vì họ mà thuyết-pháp khiến cho được giải-thoát.
Nếu các hàng hữu-học được phép-không của Tứ-đế, tu đạo-đế vào diệt-đế, thắng-tính hiện viên-mãn, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Thanh-văn, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được giải-thoát.
Nếu chúng-sinh muốn tâm được tỏ-ngộ, không phạm vào cảnh ngũ-dục và muốn cho thân được thanh-tịnh, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Phạm-vương, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được giải-thoát.
Nếu các chúng-sinh muốn làm Thiên-chúa, thống-lĩnh chư thiên, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Đế-thích, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu các chúng-sinh muốn thân được tự-tại, đi khắp mười phương, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Tự-tại-thiên, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu các chúng-sinh muốn thân được tự-tại, bay đi trên hư-không, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Đại-tự-tại-thiên, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu các chúng-sinh muốn thống-lĩnh quỷ-thần, cứu-giúp cõi-nước, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Thiên-đại-tướng-quân, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu các chúng-sinh muống sinh nơi thiên-cung, sai khiến quỷ-thần, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Thái-tử, con của Tứ-thiên-vương, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu các chúng-sinh muốn làm vua cõi người, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Vua, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu các chúng-sinh muốn làm chủ gia-đình danh-tiếng, thế-gian kính-nhường, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Trưởng-giả vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu các chúng-sinh thích đàm-luận những lời hay, giữ mình trong-sạch, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Cư-sĩ, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu các chúng-sinh muốn trị cõi-nước, chia-đoán các bang, các ấp, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Tể-quan, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu các chúng-sinh thích các số-thuật, tự-mình nhiếp-tâm giữ thân, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Bà-la-môn, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có người con trai muốn học phép xuất-gia, giữ các giới-luật, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Tỷ-khưu, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có người con gái muốn học phép xuất-gia, giữ các cấm-giới, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Tỷ-khưu-ni, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có người con trai thích giữ ngũ-giới, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Ưu-bà-tắc, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có người con gái tự giữ ngũ-giới, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Ưu-bà-di, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có người con gái lập-thân trong nội-chính, để tu-sửa nhà nước, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Nữ-chúa hay thân Quốc-phu-nhân, mệnh-phụ, đại-gia, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có chúng-sinh không phá nam-căn, tôi ở trước người kia, hiện ra thân đồng-nam, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có người xử-nữ, thích thân xử-nữ, không cầu sự xâm-bạo, tôi ở trước người kia, hiện ra thân đồng-nữ, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có chư-thiên muốn ra khỏi loài trời, tôi hiện ra thân chư-thiên, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có các con rồng muốn ra khỏi loài rồng, tôi hiện ra thân rồng, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có dược-xoa muốn thoát khỏi loài mình, tôi ở trước họ, hiện ra thân dược-xoa, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có càn-thát-bà muốn thoát khỏi loài mình, tôi ở trước họ, hiện ra thân càn-thát-bà, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có a-tu-la, muốn thoát khỏi loài mình, tôi ở trước họ, hiện ra thân a-tu-la, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có khẩn-na-la muốn thoát khỏi loài mình, tôi ở trước họ, hiện ra thân khẩn-na-la, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có ma-hô-la-già muốn thoát khỏi loài mình; tôi ở trước họ, hiện ra thân ma-hô-la-già, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có chúng-sinh thích làm người, tu cho được thân người, tôi hiện ra thân người, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có loài phi-nhân, hoặc có hình, hoặc không hình, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, muốn thoát khỏi loài mình, tôi ở trước họ, hiện ra thân như họ, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Ấy gọi là 32 ứng-thân diệu-tịnh, vào các cõi-nước. Những thân ấy đều do vô-tác-diệu-lực của Văn-huân Văn-tu Tam-muội, mà tự-tại thành tựu.
Do bi-ngưỡng, bố-thí 14 công-đức vô-úy
"Bạch Thế-tôn, do tôi lại dùng vô-tác-diệu-lực của Văn-huân Văn-tu Kim-cương-tam-muội ấy, cùng với tất-cả lục-đạo chúng-sinh trong mười phương ba đời, đồng một lòng bi-ngưỡng, nên khiến các chúng-sinh, nơi thân-tâm tôi, được 14 thứ công-đức vô-úy:
Một, là do tôi không tự quán cái tiếng, mà quán cái tâm năng-quán, nên khiến cho chúng-sinh khổ-não thập phương kia, quán cái âm-thanh, thì liền được giải-thoát.
Hai, là tri-kiến đã xoay trở lại, khiến cho các chúng-sinh, dầu vào đống lửa, lửa không thể đốt được.
Ba, là quán cái nghe đã xoay trở lại, khiến cho các chúng-sinh bị nước lớn cuốn đi, mà không chết-đuối.
Bốn, là diệt hết vọng-tưởng, tâm không sát-hại, khiến các chúng-sinh vào những nước quỷ, quỷ không thể hại được.
Năm, là huân-tập và thành-tựu được tính-nghe, cả sáu căn đều tiêu về bản-tính, đồng như cái nghe, cái tiếng, có thể khiến cho chúng-sinh, lúc đương bị hại, dao gãy từng đoạn, khiến cho các binh-khí chạm vào thân người như cắt dòng nước, như thổi ánh-sáng, bản-tính không hề lay-động.
Sáu, là huân-tập tính-nghe sáng-suốt thấu khắp pháp-giới, thì các tính tối-tăm không thể toàn được, có thể khiến cho chúng-sinh, tuy các loài dược-xoa, la-sát, cưu-bàn-trà, tỳ-xá-già, phú-dan-na, vân vân ... ở gần một bên, con mắt chúng vẫn không thể thấy được.
Bảy, là các tiếng đều viên-tiêu, thấy-nghe đã xoay vào tự-tính, rời các trần-cảnh hư-vọng, có thể khiến cho các chúng-sinh, những thứ cùm, dây, gông, xiềng không thể dính vào mình được.
Tám, là diệt tướng âm-thanh, viên-thông tính-nghe, phát-sinh từ-lực cùng khắp, có thể khiến cho chúng-sinh đi qua đường hiểm, giặc không cướp được.
Chín, là huân-tập phát ra tính-nghe, rời các trần-tướng, sắc-dục không lôi-kéo được, có thể khiến cho tất-cả chúng-sinh đa-dâm, xa rời lòng tham-dục.
Mười, là thuần một thật-tướng của âm-thanh, không còn gì là tiền-trần, căn và cảnh điều viên-dung, không có năng, sở đối-đãi, có thể khiến cho tất-cả chúng-sinh nóng-giận, rời-bỏ lòng thù-ghét.
Mười một, là tiêu-diệt trần-tướng, xoay về tính bản-minh, thì pháp-giới, thân, tâm đều như ngọc lưu-ly, sáng-suốt không ngăn-ngại, có thể khiến cho những kẻ ngu-ngốc u-mê, xa-rời hẳn sự si-mê tối-tăm.
Mười hai, là viên-dung các hình-tướng, xoay tính-nghe trở về đạo-trường bất-động, hòa vào thế-gian mà không hủy-hoại thế-giới, cúng-dường được chư Phật Như-lai như số vi-trần, cùng khắp mười phương, ở bên mỗi mỗi đức Phật, làm vị Pháp-vương-tử, có thể khiến cho trong pháp-giới, những chúng-sinh không con, cầu có con trai, sinh ra đứa con trai có phúc-đức trí-tuệ.
Mười ba, là sáu căn viên-thông, soi-sáng không hai, trùm khắp thập phương thế-giới, thành-lập đại-viên-kính Không-như-lai-tạng, vâng-lĩnh pháp-môn bí-mật của thập-phương vi-trần Như-lai, không có thiếu-sót, có thể khiến cho trong pháp-giới, những chúng-sinh không con, cầu có con gái, sinh ra người con gái có tướng-tốt, đoan-chính, phúc-đức, dịu-dàng, được mọi người yêu-kính.
Mười bốn, là trong tam-thiên đại-thiên thế-giới này, có trăm ức mặt trời, mặt trăng, các Pháp-vương-tử hiện ở trong thế-gian, số-lượng có đến 62 số cát sông Hằng, đều tu Phật-pháp, nêu gương-mẫu, giáo-hóa chúng-sinh, tùy-thuận chúng-sinh, phương-tiện trí-tuệ của mỗi mỗi vị không đồng nhau. Do tôi được tính viên-thông, phát ra diệu-tính của nhĩ-căn, cho đến thân-tâm nhiệm-mầu bao trùm khắp pháp-giới, nên có thể khiến cho chúng-sinh chấp-trì danh-hiệu của tôi, so với những người chấp-trì danh-hiệu của tất-cả các vị Pháp-vương-tử số-lượng bằng 62 số cát sông Hằng kia, phúc-đức hai bên thật bằng bậc, không sai khác.
Bạch Thế-tôn, một danh-hiệu của tôi cùng với rất nhiều danh-hiệu kia không khác, là do tôi tu-tập được tính viên-thông chân-thật. Ấy gọi là 14 sức thí-vô-úy, đem phúc khắp cho chúng-sinh.
Theo cơ-cảm hiện ra 4 diệu-đức không nghĩ-bàn
"Bạch Thế-tôn, do tôi đã được Đạo tu-chứng viên-thông vô-thượng đó, nên lại khéo được 4 vô-tác-diệu-đức không nghĩ-bàn:
Một, là do tôi chứng được tính-nghe chí-diệu, nơi tâm-tính không còn có tướng năng-văn, các sự thấy, nghe, hay, biết không còn cách-biệt và đều thành một bảo-giác viên-dung thanh-tịnh, nên tôi có thể hiện ra rất nhiều hình-dung nhiệm-mầu, nói ra vô-số thần-chú bí-mật. Trong đó, hoặc hiện ra một đầu, 3 đầu, 5 đầu, 7 đầu, 9 đầu, 11 đầu, như thế cho đến 108 đầu, 1000 đầu, 10000 đầu, 84000 cái đầu, đầy-đủ các tướng; hoặc hiện ra hai tay, 4 tay, 6 tay, 12 tay, 14, 16, 18, 20, 24, như thế cho đến 108 tay, 1000 tay, 10000 tay, 84000 cái tay bắt-ấn; hoặc hiện ra hai mắt, 3 mắt, 4 mắt, 9 mắt, như thế cho đến 108 mắt, 1000 mắt, 10000 mắt, 84000 con mắt báu thanh-tịnh; hoặc khi thì từ, hoặc khi thì oai, hoặc khi thì định, hoặc khi thì tuệ, cứu-giúp chúng-sinh được rất tự-tại.
Hai, là do cái nghe, cái nghĩ của tôi, thoát ra ngoài sáu trần như cái tiếng qua bức tường, không thể bị ngăn-ngại, cho nên diệu-dụng của tôi có thể hiện mỗi mỗi hình, tụng mỗi mỗi chú, hình đó, chú đó đều có thể đem sức vô-úy mà bố-thí cho các chúng-sinh; vì thế, cõi nước thập phương như vi-trần đều gọi tôi là vị Thí-vô-úy.
Ba, là tôi tu-tập, phát ra căn-tính bản-diệu viên-thông thanh-tịnh, nên đi qua thế-giới nào, đều khiến cho chúng-sinh xả-thân, xả đồ trân-bảo, cầu tôi thương-xót.
Bốn, là do tôi được tâm Phật, chứng đến chỗ rốt-ráo, nên có thể đem các thứ quý-báu cúng-dường thập phương Như-lai, cả đến chúng-sinh lục-đạo trong pháp-giới, ai cầu vợ thì được vợ, cầu con thì được con, cầu Tam-muội thì được Tam-muội, cầu sống lâu thì được sống lâu, như thế, cho đến cầu Đại-niết-bàn thì được Đại-niết-bàn.
Kết-luận về viên-thông nhĩ-căn
"Phật hỏi về viên-thông, tôi do văn-chiếu Tam-muội nơi nhĩ-căn mà duyên-tâm được tự-tại; nhân tướng nhập-lưu, được Tam-ma-đề, thành tựu quả Bồ-đề, đó là thứ nhất. Bạch Thế-tôn, đức Phật Như-lai kia, khen tôi khéo được pháp-môn viên-thông, ở trong Đại-hội, thụ-ký cho tôi cái hiệu là Quan-thế-âm; do tôi thấy-nghe thấu-suốt mười phương, nên danh-tiếng Quan-âm cùng khắp thập phương thế-giới".
Khi bấy giờ, đức Thế-tôn nơi sư-tử tọa, năm vóc đồng phóng ra hào-quang báu, rọi xa trên đỉnh thập phương Như-lai số như vi-trần và trên đỉnh các vị Pháp-vương-tử, các vị Bồ-tát. Các đức Như-lai kia, năm vóc cũng đồng phóng ra hào-quang báu, từ các thế-giới số như vi-trần đến rọi trên đỉnh Phật và trên đỉnh các vị Đại-bồ-tát và A-la-hán trong Hội; rừng cây, ao hồ đều diễn ra pháp-âm; hào-quang giao-xen cùng nhau như lưới tơ báu. Cả trong đại-chúng được cái chưa từng có; tất-cả đều được Kim-cương-tam-muội. Liền khi ấy, trời mưa hoa sen bách-bảo màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng xen-lộn lẫn nhau, thập phương hư-không hóa-thành sắc thất-bảo. Đất liền, núi sông của cõi Sa-bà nầy cùng một lúc không hiện ra, chỉ thấy vi-trần quốc-độ thập-phương hợp-thành một giới, tiếng hát ca-ngợi tự-nhiên nổi lên.
PHẬT BẢO NGÀI VĂN-THÙ LỰA-CHỌN CĂN VIÊN-THÔNG
Khi bấy-giờ, đức Như-lai bảo Ngài Văn-thù-sư-lỵ Pháp-vương-tử rằng: "Ông hãy xét trong 25 vị vô-học Đại-bồ-tát và A-la-hán, mỗi mỗi đều trình-bày phương-tiện hành-đạo lúc đầu, đều nói tu-tập tính viên-thông chân-thật; chỗ tu-hành của các vị kia, thật không có hơn, kém, trước, sau gì khác nhau. Nay tôi muốn khiến cho ông A-nan khai-ngộ, thì trong 25 phép tu, phép nào hợp với căn-cơ của ông ấy; lại, sau khi tôi diệt-độ rồi, chúng-sinh trong cõi nầy vào thừa Bồ-tát, cầu đạo vô-thượng, thì do pháp-môn phương-tiện gì, được dễ thành-tựu hơn?"
Tán-thán tính-giác vốn diệu và chỉ rõ mê-vọng vốn không
Ngài Văn-thù-sư-lỵ Pháp-vương-tử, vâng từ-chỉ của Phật, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật, dựa vào uy-thần của Phật, nói bài kệ đáp lại:
"Bản-tính biển Giác khắp đứng-lặng,
Tính khắp đứng-lặng vốn nhiệm-mầu,
Bản-minh chiếu ra hình-như sở,
Lập tướng sở, bỏ mất bản-minh.
Do mê-vọng, mà có hư-không,
Nương hư-không, lập-thành thế-giới;
Tư-tưởng chăm-chú thành cõi-nước,
Hay-biết mọi việc, là chúng-sinh.
Hư-không sinh ra trong đại-giác,
Như một bọt-nước sinh trong bể;
Các nước hữu-lậu, như vi-trần
Đều nương hư-không, mà phát-sinh;
Bọt-nước diệt, vốn không hư-không,
Huống nữa là, hình-tướng ba cõi.
(
Giác hải tánh trừng viên
Viên trừng giác nguyên diệu
Nguyên minh chiếu sanh sở
Sở lập chiếu tánh vong.
Mê vọng hữu hư không
Y không lập thế giới
Tưởng trừng thành quốc độ
Tri giác nãi chúng sanh.
Không sanh đại giác trung
Như hải nhất âu phát
Hữu lậu vi trần quốc
Giai tòng không sở sanh
Âu diệt không bổn vô
Huống phục chư tam hữu.
)
Nêu rõ phương-tiện có mau chậm
"Bản-tính xoay về, vốn không hai,
Phương-tiện tu-chứng có nhiều cách,
Cách nào cũng thông vào bản-tính,
Nói thuận, nghịch, chỉ là phương-tiện;
Do hàng sơ-tâm vào Tam-muội,
Bên mau, bên chậm không đồng nhau.
(
Quy nguyên tánh vô nhị
Phương tiện hữu đa môn
Thánh tánh vô bất thông
Thuận nghịch giai phương tiện
Sơ tâm nhập tam muội
Trì tốc bất đồng luân.
)
Lựa ra 6 trần
"Vọng-tưởng kết-lại thành sắc-trần,
Hay-biết không thể thông-suốt được;
Làm sao, chính chỗ không thông-suốt,
Tu-hành, lại được tính viên-thông?
Âm-thanh xen-lộn với lời nói,
Chỉ nương theo ý-vị danh-từ;
Nếu một, không trùm được tất-cả,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Hương, chỉ lúc hợp, mới rõ-biết,
Lúc rời-cách, thì vốn không có;
Nếu sở-giác, không được thường-xuyên,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Vị, không phải bản-nhiên tự có,
Cần phải nếm, mới biết có vị;
Nếu giác-quan, không thường duy-nhất,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Xúc, do các vật chạm mà biết,
Không vật chạm, thì không thành xúc;
Khi hợp, khi ly, không nhất-định,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Pháp, cũng có tên là nội-trần,
Nương theo trần, tất phải có sở;
Năng sở, không viên-dung nhập một,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
(
Sắc tưởng kết thành trần.
Tinh liễu bất năng triệt.
Như hà bất minh triệt.
Ư thị hoạch viên thông?
Âm thanh tạp ngữ ngôn.
Đãn y danh cú vị.
Nhất phi hàm nhất thiết.
Vân hà hoạch viên thông?
Hương dĩ hợp trung tri.
Ly tắc nguyên vô hữu.
Bất hằng kỳ sở giác.
Vân hà hoạch viên thông?
Vị tánh phi bản nhiên.
Yếu dĩ vị thời hữu.
Kỳ giác bất hằng nhất.
Vân hà hoạch viên thông?
Xúc dĩ sở xúc minh.
Vô sở bất minh xúc.
Hợp ly tánh phi định.
Vân hà hoạch viên thông?
Pháp xưng vi nội trần.
Bằng trần tất hữu sở.
Năng sở phi biến thiệp.
Vân hà hoạch viên thông?
)
Lựa-ra 5 căn
"Cái thấy, tuy rỗng-suốt rất xa,
Nhưng thấy trước, mà không thấy sau;
Bốn-bề, còn thiếu mất một nửa,
Thì làm sao, được tính viên-thông!
Mũi, có thở ra và thở vào,
Chặng giữa, hiện không có hơi-thở,
Nếu không viên-dung sự cách-bức,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Ngoài sở-nhập, tính-nếm không thành,
Nhân các vị, mới có hay-biết;
Không có vị, rốt-ráo không có,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Thân biết-xúc với cảnh sở-xúc,
Đều có hạn, không phải cùng khắp;
Nếu không nhận tính không bờ-bến,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Ý-căn xen với các loạn-tưởng,
Đứng-lặng, rốt-cuộc không thấy gì;
Nếu không thoát được các tưởng-niệm,
Thì làm sao, được tính viên-thông?"
(
Kiến tánh tuy đỗng nhiên.
Minh tiền bất minh hậu.
Tứ duy khuy nhất bán.
Vân hà hoạch viên thông?
Tỵ tức xuất nhập thông.
Hiện tiền vô giao khí.
Chi ly phỉ thiệp nhập.
Vân hà hoạch viên thông?
Thiệt phi nhập vô đoan.
Nhơn vị sanh giác liễu.
Vị vong liễu vô hữu.
Vân hà hoạch viên thông?
Thân dữ sở xúc đồng.
Các phi viên giác quán.
Nhai lượng bất minh hội.
Vân hà hoạch viên thông?
Ý căn tạp loạn tư.
Trạm liễu chung vô kiến.
Tưởng niệm bất khả thoát.
Vân hà hoạch viên thông?
)
Lựa-ra 6 thức
"Nhãn-thức, phát-khởi nhờ căn trần,
Gạn-cùng, vốn không có tự-tướng;
Cả tự-thể, còn không nhất-định,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Tâm nghe rỗng-thấu cả mười phương,
Là do sức hoằng-thệ rộng-lớn;
Sơ-tâm, không thể đến chỗ ấy
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Quán đầu-mũi, vốn là duyên-cơ,
Chỉ để nhiếp-tâm được an-trụ;
Nếu cảnh-quán, lại thành sở-trụ,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Thuyết-pháp, diệu-dụng các danh-từ;
Cốt phải đã được khai-ngộ trước;
Nếu lời nói, không phải vô-lậu,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Giữ giới, chỉ câu-thúc cái thân,
Ngoài cái thân, lấy gì câu-thúc;
Vốn không phải cùng khắp tất-cả,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Thần-thông, do túc-tập từ trước,
Nào dính gì ý-thức phân-biệt;
Tưởng-niệm, không thoát-ly sự-vật,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
(
Thức kiến tạp tam hoà.
Cật bổn xưng phi tướng.
Tự thể tiên vô định.
Vân hà hoạch viên thông?
Tâm văn đỗng thập phương.
Sanh vu đại nhân lực.
Sơ tâm bất năng nhập.
Vân hà hoạch viên thông?
Tỵ tưởng bổn quyền cơ.
Kỳ linh nhiếp tâm trụ.
Trụ thành tâm sở trụ.
Vân hà hoạch viên thông?
Thuyết pháp lộng âm văn.
Khai ngộ tiên thành giả.
Danh cú phi vô lậu.
Vân hà hoạch viên thông?
Trì phạm đãn thúc thân.
Phi thân vô sở thúc.
Nguyên phi biến nhất thiết.
Vân hà hoạch viên thông?
Thần thông bổn túc nhơn.
Hà quan pháp phân biệt.
Niệm duyên phi ly vật.
Vân hà hoạch viên thông?
)
Lựa-ra 7 đại
"Nếu quán cái tính của địa-đại,
Thì nó ngăn-ngại, không thông-suốt;
Pháp hữu-vi, không phải chân-tính,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Nếu quán cái tính của thủy-đại,
Quán-tưởng, đâu phải là chân-thật,
Nếu không đi đến Diệu-chân-như,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Nếu quán hỏa-đại, trừ dâm-dục,
Chán cái có, không phải thật ly;
Phương-tiện, không hợp với sơ-tâm,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Nếu quán cái tính của phong-đại,
Động, tĩnh, đâu phải không đối-đãi;
Đối-đãi, trái với vô-thượng-giác,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Nếu quán cái tính của không-đại,
Hư-không vô-tri, không hay-biết;
Không biết, khác hẳn với Bồ-đề,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Nếu quán cái tính của thức-đại,
Thức sinh-diệt, đâu phải thường-trụ,
Để tâm trong phân-biệt hư-vọng,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Tất-cả các hành đều vô-thường,
Tưởng-niệm, vốn trong vòng sinh diệt,
Nhân và quả, khác nhau như thế,
Thì làm sao, được tính viên-thông?"
)
Nhược dĩ địa tánh quán.
Kiên ngại phi thông đạt.
Hữu vi phi thánh tánh.
Vân hà hoạch viên thông?
Nhược dĩ thủy tánh quán.
Tưởng niệm phi chơn thật.
Như như phi giác quán.
Vân hà hoạch viên thông?
Nhược dĩ hoả tánh quán.
Yếm hữu phi chơn ly.
Phi sơ tâm phương tiện.
Vân hà hoạch viên thông?
Nhược dĩ phong tánh quán.
Động tịch phi vô đối.
Đối phi vô thượng giác.
Vân hà hoạch viên thông?
Nhược dĩ không tánh quán.
Hôn độn tiên phi giác.
Vô giác dị bồ đề.
Vân hà hoạch viên thông?
Nhược dĩ thức tánh quán.
Quán thức phi thường trụ.
Tồn tâm nãi hư vọng.
Vân hà hoạch viên thông?
Chư hành thị vô thường.
Niệm tánh vô sanh diệt.
Nhân quả kim thù cảm.
Vân hà hoạch viên thông?
)
Hợp với giáo-thể cõi Sa-bà
"Tôi nay xin bạch đức Thế-tôn,
Phật ra đời trong cõi Sa-bà,
Trong cõi nầy, lối dạy chân-thật,
Thanh-tịnh, do chỗ nói và nghe;
Nay muốn tu-chứngTam-ma-đề,
Thật nên do cái nghe mà vào."
(
Ngã kim bạch Thế Tôn
Phật xuất ta-bà giới
Thử phương chơn giáo thể
Thanh tịnh tại âm văn
Dục thủ tam ma đề
Thật dĩ văn trung nhập.
)
Xưng-tán ngài Quán-thế-âm
"Rời cái khổ và được giải-thoát,
Hay thay cho ngài Quán-thế-âm;
Trong kiếp số như cát sông Hằng,
Vào cõi Phật như số vi-trần,
Được sức tự-tại rất to-lớn,
Bố-thí vô-úy cho chúng-sinh.
Ngài Quán-thế-âm, tiếng nhiệm-mầu,
Tiếng trong-sạch và tiếng hải-trào,
Cứu đời, mọi việc được yên-lành,
Xuất-thế-gian, được quả thường-trụ."
(
Ly khổ đắc giải thoát
Lương tai Quán Thế Âm
Ư hằng sa kiếp trung
Nhập vi trần phật quốc
Đắc đại tự tại lực
Vô úy thí chúng sanh
Diệu âm Quán Thế Âm
Phạm âm hải triều âm
Cứu thế tất an ninh
Xuất thế hoạch thường trụ.
)
Xưng-tán nhĩ-căn
"Tôi nay kính bạch đức Như-lai,
Như lời ngài Quán-âm vừa nói:
Ví-như, có người trong yên-lặng,
Chung-quanh mười phương đều đánh trống,
Thì đồng-thời nghe khắp mười nơi,
Như thế, mới là viên-chân-thật.
Mắt bị ngăn-che, không thấy được,
Thiệt-căn, tỷ-căn cũng như vậy,
Thân-căn, lúc hợp mới biết-xúc,
Ý-căn, phân-vân không manh-mối;
Cách tường, nhĩ-căn vẫn nghe tiếng,
Dầu xa, dầu gần, đều nghe được;
Năm căn so-sánh thật không bằng,
Như thế, mới là thông-chân-thật.
Tính thanh-trần, có động, có tĩnh,
Trong tính-nghe thành có, thành không;
Khi không tiếng, gọi là không nghe,
Đâu phải thật không còn tính-nghe;
Không tiếng, tính-nghe đã không diệt,
Có tiếng, tính-nghe đâu phải sinh;
Trọn-rời cả hai thứ sinh-diệt,
Như thế, mới là thường-chân-thật.
Dầu cho, trong lúc đương ngủ mê,
Không vì không nghĩ, mà không nghe;
Tính-nghe ra ngoài sự suy-nghĩ,
Thân, ý không thể so bằng được.
(
Ngã kim khải Như Lai
Như Quán Âm sở thuyết
Thí như nhân tĩnh cư
Thập phương câu kích cổ
Thập xứ nhất thời văn
Thử tắc viên chơn thật
Mục phi quán chướng ngoại
Khẩu tỵ diệc phục nhiên
Thân dĩ hợp phương tri
Tâm niệm phân vô tự
Cách viên thính âm hưởng
Hà nhĩ câu khả văn
Ngũ căn sở bất tề
Thị tắc thông chơn thật
Âm thinh tánh động tĩnh
Văn trung vi hữu vô
Vô thinh hiệu vô văn
Phi thật văn vô tánh
Thinh vô ký vô diệt
Thinh hữu diệc phi sanh
Sanh diệt nhị viên ly
Thị tắc thường chơn thật
Túng linh tại mộng tưởng
Bất vị bất tư vô
Giác quán xuất tư duy
Thân tâm bất năng cập.
)
Chuyển mê thành ngộ
“Hiện nay, trong cõi Sa-bà nầy,
Các thứ thanh-luận được truyền-bá,
Do chúng-sinh bỏ mất tính-nghe,
Theo thanh-trần, nên bị lưu-chuyển;
A-nan, tuy có tính nhớ dai,
Vẫn không khỏi mắc các tà-niệm;
Há không phải tùy chỗ chìm-đắm,
Xoay ngược dòng, thoát khỏi hư-vọng.
A-nan, ông hãy nghe cho chín,
Nay tôi nương uy-lực của Phật,
Tuyên-nói phép Tam-muội chân-thật,
Chắc như Kim-cương-vương, như-huyễn,
Không nghĩ-bàn, xuất-sinh chư Phật.
Ông nghe tất-cả pháp bí-mật
Của chư Phật, số như vi-trần,
Nếu trước hết, không trừ dục-lậu,
Nghe nhiều, chứa-chấp thành lầm-lỗi;
Dùng cái nghe thụ-trì Phật-pháp,
Sao lại không tự nghe cái nghe?
Tính-nghe không phải tự-nhiên sinh,
Nhân thanh-trần mà có danh-hiệu,
Xoay cái nghe, thoát-ly thanh-trần,
Cái thoát-ly ấy, gọi là gì?
Một căn, đã trở về bản-tính,
Thì cả sáu căn, được giải-thoát,
Thấy, nghe như bệnh lòa huyễn-hóa,
Ba cõi như hoa-đốm hư-không;
Xoay tính-nghe, gốc lòa tiêu-trừ,
Trần-tướng tiêu, giác-tính viên-tịnh.
Tột thanh-tịnh, trí-quang thông-suốt,
Thể tịch-chiếu trùm khắp hư-không,
Trở lại xem các việc thế-gian
Thật giống như chiêm-bao không khác.
Nàng Ma-đăng-già là chiêm-bao
Thì còn ai bắt ông được nữa?
Như các huyễn-sư khéo trong đời,
Làm trò, thành ra các trai, gái;
Tuy thấy các căn đều cử-động,
Cốt-yếu, do cái máy dật dây;
Nghỉ máy, tất-cả đều yên-lặng,
Các trò, trở thành không có tính.
Cả sáu căn cũng giống như thế,
Vốn đều nương một tính tinh-minh
Chia ra thành sáu thứ hòa-hợp;
Một nơi, đã rời-bỏ quay về,
Thì cả sáu, đều không thành-lập;
Trong một niệm, trần-cấu đều tiêu,
Chuyển-thành tính Viên-minh tịnh-diệu,
Còn sót trần-cấu là học-vị,
Sáng-suốt cùng-tột, tức Như-lai.
Hỡi đại-chúng và ông A-nan,
Hãy xoay lại cái nghe điên-đảo,
Xoay cái nghe về, nghe tự-tính,
Nhận tự-tính, thành đạo vô-thượng;
Thật-tính viên-thông là như thế."
(
Kim thử ta-bà quốc.
Thanh luận đắc tuyên minh.
Chúng sanh mê bổn văn.
Tuần thinh cố lưu chuyển.
A-nan túng cường ký.
Bất miễn lạc tà tư.
Khởi phi tùy sở luân.
Triền lưu hoạch vô vọng.
A-nan nhữ đế thính:
Ngã thừa Phật oai lực.
Tuyên thuyết Kim cang vương.
Như huyễn bất tư nghị.
Phật mẫu chơn tam muội.
Nhữ văn vi trần Phật.
Nhất thiết bí mật môn.
Dục lậu bất tiên trừ.
Súc văn thành quá ngộ.
Tương văn trì phật phật.
Hà bất tự văn văn?
Văn phi tự nhiên sanh.
Nhơn thinh hữu danh tự.
Triền văn dữ thinh thoát.
Năng thoát dục thùy danh?
Nhất căn ký phản nguyên.
Lục căn thành giải thoát.
Kiến văn như huyễn ế.
Tam giới nhược không hoa.
Văn phục ế căn trừ.
Trần tiêu giác viên tịnh.
Tịnh cực quang thông đạt.
Tịch chiếu hàm hư không.
Khước lai quán thế gian.
Du như mộng trung sự.
Ma-đăng-già tại mộng.
Thùy năng lưu nhữ hình?
Như thế xảo huyễn sư.
Huyễn tác chư nam nữ.
Tuy kiến chư căn động.
Yếu dĩ nhất cơ trừu.
Tức cơ quy tịch nhiên.
Chư huyễn thành vô tánh.
Lục căn diệc như thị.
Nguyên y nhất tinh minh.
Phân thành lục hoà hợp.
Nhất xứ thành hưu phục.
Lục dụng giai bất thành.
Trần cấu ứng niệm tiêu.
Thành viên minh tịnh diệu.
Dư trần thượng chư học.
Minh cực tức Như Lai.
Đại chúng cập A-nan.
Triền nhữ đảo văn cơ.
Phản văn văn tự tánh.
Tánh thành vô thượng đạo.
Viên thông thật như thị.
Thử thị vi trần Phật.
)
Chọn lấy nhĩ-căn làm phương-tiện thích-hợp
"Đây thật là một đường thẳng tiến
Vào Niết-bàn của vi-trần Phật;
Các đức Như-lai trong quá-khứ
Đều đã thành-tựu pháp-môn nầy;
Các vị Bồ-tát trong hiện-tại
Điều viên-minh vào pháp-môn ấy;
Những người tu-học đời vị-lai
Đều nên nương theo pháp-môn đó;
Tôi cũng do pháp ấy mà chứng,
Không phải chỉ ngài Quán-thế-âm.
Thật như lời đức Phật Thế-tôn
Đã hỏi tôi về các phương-tiện
Để cứu-giúp, trong đời mạt-pháp,
Những người cầu pháp xuất-thế-gian
Thành-tựu được tâm-tính Niết-bàn
Thì ngài Quán-âm là hơn cả.
Còn tất-cả các phương-tiện khác
Đều là nhờ uy-thần của Phật,
Tức nơi sự, rời-bỏ trần-lao,
Không phải phép tu-học thường-xuyên,
Nông hay sâu cũng đồng nghe được.
)
Nhất lộ niết-bàn môn.
Quá khứ chư Như Lai.
Tư môn dĩ thành tựu.
Hiện tại chư bồ tát.
Kim các nhập viên minh.
Vị lai tu học nhơn.
Đương y như thị pháp.
Ngã diệc tòng trung chứng.
Phi duy Quán Thế Âm.
Thành như Phật Thế Tôn.
Tuân ngã chư phương tiện.
Dĩ cứu chư mạt kiếp.
Cầu xuất thế gian nhơn.
Thành tựu niết-bàn tâm.
Quán Thế Âm vi tối.
Tự dư chư phương tiện.
Giai thị Phật oai thần.
Tức sự xả trần lao.
Phi thị trường tu học.
Thiển thâm đồng thuyết pháp.
)
Đỉnh-lễ cầu gia-bị
"Xin đỉnh-lễ tính Như-lai-tạng,
Vô-lậu, không còn sự nghĩ-bàn,
Nguyện gia-bị cho đời vị-lai,
Nơi pháp-môn nầy, không lầm-lẫn.
Đây là phương-tiện dễ thành-tựu,
Nên đem dạy cho ông A-nan
Cùng những kẻ trầm-luân mạt-kiếp,
Chỉ dùng nhĩ-căn mà tu-tập,
Thì viên-thông chóng hơn pháp khác;
Tâm-tính chân-thật là như thế."
(
Đảnh lễ Như Lai tạng.
Vô lậu bất tư nghị.
Nguyện gia bị vị lai.
Ư thử môn vô hoặc.
Phương tiện dị thành tựu.
Kham dĩ giáo A-nan.
Cập mạt kiếp trầm luân.
Đãn dĩ thử căn tu.
Viên thông siêu dư giả.
Chơn thật tâm như thị.
)
NGHE PHÁP ĐƯỢC CHỨNG
Lúc ấy, ông A-nan cùng cả đại-chúng, thân tâm tỏ-rõ, nhận được sự khai-thị to-lớn, xem quả Bồ-đề và Đại-niết-bàn của Phật, cũng như có người nhân có việc phải đi xa, chưa trở về được, song đã biết rõ con đường về nhà. Trong Pháp-hội, cả đại-chúng, thiên-long bát-bộ, hàng Nhị-thừa hữu-học và tất-cả các Bồ-tát mới phát-tâm, số-lượng bằng mười số cát sông Hằng, đều được bản-tâm xa trần-tướng, rời cấu-nhiễm, được pháp-nhãn thanh-tịnh. Bà Tính-tỷ-khưu-ni nghe nói bài kệ xong, thành quả A-la-hán; vô-lượng chúng-sinh đều phát-tâm Vô-đẳng-đẳng-vô-thượng Chính-đẳng-chính-giác.
3 PHÁP VÔ-LẬU-HỌC
Ông A-nan sửa áo chỉnh-tề, ở trong đại-chúng, chấp tay đỉnh-lễ; tâm-tích trọn-sáng, vừa mừng vừa tủi; vì muốn lợi-ích cho các chúng-sinh vị-lai, cúi đầu bạch Phật: "Thưa đức Thế-tôn đại-bi, tôi nay đã ngộ được pháp-môn thành Phật, tu-hành trong đó, được không nghi-hoặc. Tôi thường nghe đức Như-lai dạy như thế nầy: Tự mình chưa được độ, trước đã độ người, đó là chỗ phát-tâm của các vị Bồ-tát; tự mình giác-ngộ viên-mãn, có thể giác-ngộ kẻ khác, đó là sự ứng-thế của các đức Như-lai. Tôi tuy chưa được độ, song nguyện độ tất-cả chúng-sinh trong đời mạt-pháp. Bạch Thế-tôn, các chúng-sinh đó cách Phật ngày càng xa, những tà-sư thuyết-pháp; số như cát sông Hằng; nếu muốn họ nhiếp-tâm vào Tam-ma-đề, thì nên khiến họ dựng-lập đạo-trường thế nào để rời các ma-sự, được không thoái-khuất nơi tâm Bồ-đề."
Khi bấy giờ, đức Thế-tôn, ở trong đại-chúng, khen-ngợi ông A-nan: "Hay lắm, hay lắm, như chỗ ông hỏi về dựng-lập đạo-trường, cứu-giúp chúng-sinh chìm-đắm trong đời mạt-pháp, ông hãy nghe cho chín, tôi sẽ vì ông mà nói". Ông A-nan và cả đại-chúng kính vâng lời-dạy của Phật.
Phật bảo ông A-nan: "Ông thường nghe tôi, trong Tỳ-nại-gia, tuyên-nói ba nghĩa quyết-định của sự tu-hành, đó là thu-nhiếp cái tâm là giới, nhân giới mà sinh định, nhân định mà phát tuệ, thế gọi là 3 pháp Vô-lậu-học."
GIỚI DÂM
"A-nan, thế nào thu-nhiếp cái tâm thì gọi là giới?
Nếu chúng-sinh lục-đạo các thế-giới, cái tâm không dâm, thì không đi theo dòng sinh-tử tiếp-tục. Ông tu phép Tam-muội cốt để ra khỏi trần-lao, nếu không trừ lòng dâm, thì không thể ra khỏi trần-lao được. Dầu có nhiều trí thiền-định hiện-tiền, nếu không đoạn lòng dâm, cũng chắc lạc vào ma-đạo, hạng trên thành ma-vương, hạng giữa thành ma-dân, hạng dưới thành ma-nữ; các bọn ma kia cũng có đồ-chúng, mỗi mỗi tự xưng là thành đạo vô-thượng. Sau khi tôi diệt-độ rồi, trong đời mạt-pháp, có nhiều bọn ma nầy sôi-nổi trong thế-gian, gây nhiều việc tham-dâm, lại giả làm người thiện-tri-thức, khiến cho các chúng-sinh sa vào hầm ái-kiến; bỏ mất con đường Bồ-đề. Ông dạy người đời tu pháp Tam-ma-đề, trước hết phải đoạn cái dâm trong tự tâm. Ấy gọi là lời dạy-bảo rõ-ràng thanh-tịnh, quyết-định thứ nhất của các đức Như-lai Tiên-Phật Thế-tôn. Vậy nên ông A-nan, nếu không đoạn lòng dâm mà tu thiền-định, thì cũng như nấu cát, nấu đá muốn cho thành cơm, dầu trải qua trăm nghìn kiếp cũng chỉ gọi là cát nóng, đá nóng, vì cớ sao? Vì đó là giống cát, giống đá, không phải là bản-nhân của cơm vậy. Ông đem thân dâm cầu diệu-quả của Phật, dầu được diệu-ngộ, cũng chỉ là gốc dâm, cỗi-gốc đã thành dâm, thì phải trôi-lăn trong tam-đồ, chắc không ra khỏi, còn đường nào tu-chứng Niết-bàn Như-lai. Chắc phải khiến cho thân tâm đều đoạn hết giống dâm, cho đến tính-đoạn cũng không còn nữa, thì mới trông-mong chứng quả Bồ-đề của Phật. Như lời tôi nói đây, gọi là lời nói của Phật; không như lời nói đó, tức là lời nói của ma Ba-tuần."
GIỚI SÁT
"A-nan, lại các chúng-sinh lục-đạo trong các thế-giới, nếu cái tâm không sát, thì không theo dòng sinh-tử tiếp-tục. Ông tu phép Tam-muội, cốt ra khỏi trần-lao, nếu không trừ lòng sát, thì không thể ra khỏi trần-lao được. Dầu có nhiều trí thiền-định hiện-tiền, nếu không đoạn lòng sát, thì chắc phải lạc vào thần-đạo; người bậc trên thì thành đại-lực-quỷ, người bậc giữa thì thành phi-hành-dạ-xoa và các loài quỷ-soái, người bậc dưới thì thành địa-hành la-sát, các loài quỷ-thần kia cũng có đồ-chúng, mỗi mỗi tự xưng là thành đạo vô-thượng. Sau khi tôi diệt-độ rồi, trong đời mạt-pháp, có nhiều quỷ-thần nầy sôi-nổi trong thế-gian, tự nói rằng ăn thịt, được đạo Bồ-đề. A-nan, tôi khiến hàng tỷ-khưu ăn năm thứ tịnh-nhục, thịt kia đều do thần-lực tôi hóa-sinh ra, vốn không có mạng-căn. Xứ Bà-la-môn các ông, đất-đai phần nhiều nóng-ướt, lại thêm cát đá, rau-cỏ không sinh được; tôi dùng sức đại-bi gia-bị, nhân sức đại-từ-bi, giả gọi là thịt và các ông cũng nhận được cái vị như thịt; làm sao, sau khi Như-lai diệt-độ, người ăn thịt chúng-sinh, lại gọi là Phật-tử! Các ông nên biết những người ăn thịt đó, dầu cho tâm được khai-ngộ, giống như Tam-ma-đề, đều là loài la-sát, quả-báo hết rồi, phải chìm-đắm trong bể khổ, không phải đệ-tử Phật. Những người như vậy, giết nhau, nuốt nhau, ăn nhau chưa thôi, làm sao, lại được ra khỏi ba cõi. Ông dạy người đời tu phép Tam-ma-đề, thứ nữa, phải đoạn lòng sát. Ấy gọi là lời dạy rõ-ràng thanh-tịnh, quyết-định thứ hai của các đức Như-lai Tiên-Phật Thế-tôn.
Vậy nên A-nan, nếu không đoạn lòng sát mà tu thiền-định, thì cũng ví-như có người tự bịt lỗ tai, cất tiếng kêu to mà trông-mong người khác không nghe; bọn này gọi là muốn giấu thì càng lộ. Hàng tỷ-khưu thanh-tịnh và các vị Bồ-tát đi trong đường rẽ, không dẫm cỏ non, huống nữa là lấy tay nhổ cỏ; làm sao đức Đại-bi, lại lấy máu thịt của các chúng-sinh, mà làm đồ-ăn?
Nếu các hàng tỷ-khưu không mặc những đồ tơ-lụa, là-lượt phương Đông và không dùng những giày-dép, áo-cừu, áo-len hay các thứ sữa, phó-mát, đề-hồ, thì những tỷ-khưu như thế, đối với thế-gian, thật là giải-thoát, trả hết nợ cũ xong, thì không vào trong ba cõi nữa, vì cớ sao? Dùng những bộ-phận thân-thể chúng-sinh, thì đều bị ảnh-hưởng chúng-sinh, cũng như con người ăn giống bách-cốc trong đất, thì chân không rời khỏi đất. Quyết phải khiến cho thân tâm, đối với thân-thể hay bộ-phận thân-thể của chúng-sinh, đều không mặc, không ăn, thì những người như thế, tôi mới gọi thật là giải-thoát. Như lời tôi nói đây, gọi là lời nói của Phật; không như lời nói đó, tức là lời nói của ma Ba-tuần."
GIỚI ĐẠO
"A-nan, lại như chúng-sinh lục-đạo trong thế-giới, tâm không thâu-đạo, thì không theo dòng sinh-tử tiếp-tục. Ông tu phép Tam-muội, cốt ra khỏi trần-lao, nếu lòng thâu-đạo không trừ, thì không thể ra khỏi trần-lao được; dầu có nhiều trí thiền-định hiện-tiền, nếu không đoạn được lòng thâu-đạo, thì chắc phải lạc vào tà-đạo, hạng trên thì thành tinh-linh, hạng giữa thì thành yêu-mị, hạng dưới thì thành người tà-đạo bị các loài quỷ-mị nhập vào; các bọn tà-đạo kia cũng có đồ-chúng, mỗi mỗi tự xưng là thành đạo vô-thượng. Sau khi tôi diệt-độ rồi, trong đời mạt-pháp, có nhiều những hạng yêu-mị tà-đạo ấy sôi-nổi trong thế-gian, chúng lén-núp gian-dối, tự xưng là thiện-tri-thức, mỗi người tự xưng đã được đạo-pháp thượng-nhân, lừa-gạt kẻ không biết, doạ-dẫm khiến cho mất lòng chính-tín; chúng đi qua đến đâu, cửa nhà người ta đều bị hao-tổn tan-nát. Tôi dạy hàng tỷ-khưu theo thứ lớp khất-thực để bỏ lòng tham, thành đạo Bồ-đề. Các hàng tỷ-khưu không tự nấu ăn, gửi cái sống thừa tạm-bợ trong ba cõi, thị-hiện chỉ đi về một phen, đi rồi không trở lại nữa. Làm sao, bọn giặc mượn y-phục đạo Phật, buôn-bán Như-lai, gây các thứ nghiệp mà đều gọi là Phật-pháp, lại còn chê-bai các vị tỷ-khưu đầy-đủ giới-luật xuất-gia là đạo Tiểu-thừa; do chúng làm cho vô-lượng chúng-sinh mắc phải nghi-lầm, nên sẽ bị đọa vào ngục vô-gián. Sau khi tôi diệt-độ rồi, nếu có tỷ-khưu phát-tâm quyết-định tu phép Tam-ma-đề, biết ở trước hình-tượng Như-lai, chính mình thắp một cây đèn, đốt một đốt ngón tay hay ở trên thân, đốt một mồi hương, tôi nói người ấy, túc-trái vô-thủy, trong một thời trả hết, cáo-từ thế-gian, thoát hẳn các lậu. Người ấy, tuy chưa hiểu rõ đạo vô-thượng-giác, nhưng đối với Phật-pháp, tâm đã quyết-định; nếu không làm được cái nhân nhỏ-mọn xả-thân ấy, thì dầu thành đạo vô-vi, cùng phải lại sinh làm người, trả các nợ củ, như quả-báo mã-mạch của tôi, thật không sai khác. Ông dạy người đời tu phép Tam-ma-đề, sau nữa, phải đoạn lòng thâu-đạo. Ấy gọi là lời-dạy rõ-ràng thanh-tịnh, quyết-định thứ ba của các đức Như-lai Tiên-Phật Thế-tôn. Vậy nên ông A-nan, nếu không đoạn lòng thâu-đạo mà tu thiền-định, thì cũng như người lấy nước rót vào chén thủng, mong cho đầy chén, dầu trải qua kiếp-số như vi-trần, rốt-cuộc không thể đầy được. Nếu các hàng tỷ-khưu, ngoài y-bát ra, mảy-may không tích-trữ, xin ăn có dư, thì bố-thí cho chúng-sinh đói, nơi nhóm Hội lớn, chấp tay vái chào đại-chúng, có người đánh-mắng cũng đồng như khen-ngợi, quyết-định rời-bỏ cả thân và tâm, thân-thịt xương-máu thành sở-hữu chung của chúng-sinh, không đem những lời-dạy bất-liễu-nghĩa của Như-lai làm chỗ hiểu của mình, khiến cho kẻ sơ-học phải lầm-lạc, thì Phật ấn-chứng người ấy, thật được Tam-muội. Như lời tôi nói đây, gọi là lời nói của Phật; không như lời nói đó, tức là lời nói của ma Ba-tuần."
GIỚI VỌNG
"A-nan, chúng-sinh lục-đạo trong thế-giới như thế, tuy nơi thân tâm không còn sát, đạo, dâm, cả ba hạnh đã được viên-mãn, nếu mắc phải đại-vọng-ngữ, thì Tam-ma-đề không được thanh-tịnh, thành giống ma ái-kiến và mất giống Như-lai; tức như chưa được gọi rằng được, chưa chứng gọi rằng chứng, hoặc để cầu thế-gian tôn-trọng tột-bậc, bảo người khác rằng: Nay tôi đã được quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, đạo A-la-hán, thừa Bích-chi-Phật hay các quả-vị Bồ-tát trong thập-địa hay trước thập-địa, trông-mong người kia lễ-sám, tham sự cúng-dường. Những tên nhất-điên-ca ấy, tự tiêu-diệt giống Phật, như người lấy dao chặt cây đa-la; Phật ấn-ký người ấy, mất hẳn thiện-căn, không còn chính-tri-kiến, chìm-đắm trong ba bể khổ, không thành-tựu pháp Tam-muội. Tôi bảo các hàng Bồ-tát và A-la-hán, sau khi tôi diệt-độ rồi, hiện ra ứng-thân, sinh trong đời mạt-pháp kia, hiện ra nhiều hình-tướng khác nhau, đề độ những người còn trong vòng luân-hồi, hoặc làm sa-môn, bạch-y-cư-sĩ, vua-chúa, quan-lại, đồng-nam, đồng-nữ, như thế cho đến người dâm-nữ, người quả-phụ, người gian-dối, trộm-cắp, người hàng-thịt, buôn-bán, để khen-ngợi Phật-thừa với những người đồng-sự, khiến cho thân tâm của họ vào được Tam-ma-đề; nhưng rốt-ráo không tự bảo rằng tôi thật là Bồ-tát, thật là A-la-hán, khinh-xuất nói với những người chưa học, làm tiết-lậu mật-nhân của Phật, chỉ trừ đến lâm-chung, hoặc chăng, thầm có những lời di-chúc; làm sao, lại còn có lừa-gạt chúng-sinh, thành tội đại-vọng-ngữ. Ông dạy người đời tu phép Tam-ma-đề, sau-rốt phải đoạn-trừ các đại-vọng-ngữ. Ấy gọi là lời-dạy rõ-ràng thanh-tịnh, quyết-định thứ tư của các đức Như-lai Tiên-Phật Thế-tôn.
Vậy nên ông A-nan, nếu không đoạn-trừ lòng đại-vọng-ngữ, thì cũng như khắc phân người làm thành hình cây chiên-đàn, mà muốn được hương-thơm, thật không có lẽ nào như vậy. Tôi dạy hàng tỷ-khưu lấy trực-tâm làm đạo-trường, trong hết thảy hành-động, nơi bốn uy-nghi, còn không có giả-dối, làm sao, lại có kẻ tự xưng đã được đạo-pháp thượng-nhân! Ví-như người dân-cùng xưng càn là đế-vương để tự chuốc lấy sự tru-diệt, huống nữa, là vị Pháp-vương, làm sao, lại dám xưng-càn! Nhân đã không thật, quả ắt quanh-co, như thế, mà cầu đạo Bồ-đề của Phật, thì cũng như người muốn cắn rốn, làm sao, mà thành-tựu được. Nếu như các hàng tỷ-khưu, tâm như dây đàn thẳng, tất-cả đều chân-thật mà vào Tam-ma-đề, thì hẳn không có các ma-sự, tôi ấn-chứng người đó, thành-tựu được vô-thượng tri-giác của các hàng Bồ-tát. Như lời tôi nói đây, gọi là lời nói của Phật; không như lời nói đó, tức là lời nói của ma Ba-tuần."
Comments
Post a Comment