BA TIỆM THỨ
"A-nan, như thế, chúng-sinh trong mỗi mỗi loài, cũng đều đủ
hết 12 thứ điên-đảo. Cũng như dụi con mắt, thì hoa-đốm đủ thứ phát-sinh ra,
chân-tâm diệu-viên trong-sạch sáng-suốt mà điên-đảo, thì đầy-đủ những tư-tưởng
càn-loạn giả-dối như vậy. Nay, ông tu-chứng Tam-ma-đề của Phật, thì đối với
những tư-tưởng càn-loạn, làm nguyên-nhân cỗi-gốc của các điên-đảo, nên lập ra
ba tiệm-thứ mới trừ-diệt được, cũng như, trong khí-mãnh trong-sạch, trừ-bỏ mật-độc,
dùng nước nóng và các thứ chất tro, chất thơm rửa-sạch khí-mãnh rồi, về sau,
mới đựng nước cam-lộ.
"Thế nào gọi là ba tiệm-thứ? Một là tu-tập, trừ các
trợ-nhân; hai là chân-tu, nạo-sạch chính-tính; ba là tăng-tiến, trái lại
hiện-nghiệp.
Thế nào là trợ-nhân? A-nan, 12 loài chúng-sinh đó trong
thế-giới, không thể tự-toàn, phải nương theo bốn cách ăn mà an-trụ, nghĩa là,
nương theo đoạn-thực, xúc-thực, tư-thực và thức-thực; vậy nên Phật bảo tất-cả
chúng-sinh, đều nương với cái ăn mà an-trụ. A-nan, tất-cả chúng-sinh, ăn thức
lành thì sống, ăn thức độc thì chết; vậy, các chúng-sinh, cầu Tam-ma-đề, nên
dứt-bỏ năm thứ rau-cay trong thế-gian. Năm thứ rau-cay nầy, ăn chín, thì phát
lòng-dâm, ăn sống, thì thêm lòng-giận. Những người ăn rau-cay đó, trên thế-giới,
dù biết giảng nói 12 bộ kinh, thiên-tiên 10 phương, hiềm vì nó hôi-nhớp, đều
tránh xa cả; các loài ngạ-quỷ, vân vân... nhân trong lúc người kia ăn rau-cay,
liếm môi-mép của người đó; người ấy thường ở với quỷ một chổ, phúc-đức ngày
càng tiêu, hằng-lâu không được lợi-ích. Người ăn rau-cay đó, tu phép Tam-ma-đề,
Bồ-tát, Thiên-tiên, Thiện-thần thập phương không đến giữ-gìn ủng-hộ; Đại-lực
Ma-vương được phương-tiện đó, hiện ra thân Phật, đến thuyết-pháp cho người kia,
chê-phá cấm-giới, tán-thán dâm-dục, nóng-giận, si-mê; đến khi mệnh-chung, tự
mình người ấy làm quyến-thuộc của Ma-vương; khi hưởng-thụ phúc ma hết rồi, thì
đọa vào ngục Vô-gián. A-nan, người tu đạo Bồ-đề, phải đoạn-hẳn năm thứ rau-cay;
ấy gọi là tiệm-thứ tu-hành tăng-tiến thứ nhất.
Thế nào là chính-tính? A-nan, chúng-sinh như vậy vào Tam-ma-đề,
cốt-yếu trước hết, phải nghiêm-chỉnh giữ giới thanh-tịnh, đoạn-hẳn lòng dâm,
không dùng rượu thịt, chỉ ăn đồ-ăn trong-sạch nấu chín, không ăn đồ sống.
A-nan, người tu-hành đó, nếu không đoạn dâm-dục và sát-sinh, mà ra khỏi được ba
cõi, thì thật không có lẽ như vậy. Nên xem sự dâm-dục như là rắn-độc, như thấy
giặc-thù. Trước hết, phải giữ tứ-khí, bát-khí của giới-luật Thanh-văn, nắm-giữ
cái thân không lay-động; về sau, hành-trì luật-nghi thanh-tịnh Bồ-tát, nắm-giữ
cái tâm không móng lên. Cấm-giới đã thành-tựu, thì ở trong thế-gian, hẳn không
còn những nghiệp sinh nhau, giết nhau; đã không làm việc trộm-cướp, thì không
còn mắc nợ nhau và cũng khỏi phải trả các nợ kiếp trước trong thế-gian.
Con người thanh-tịnh ấy, tu phép Tam-ma-đề, chính nơi nhục-thân cha mẹ sinh ra,
không cần thiên-nhãn, tự-nhiên thấy được thập phương thế-giới, thấy Phật nghe
Pháp, chính mình vâng-lĩnh thánh-chỉ của Phật, được phép đại-thần-thông, đi
khắp thập phương thế-giới; túc-mạng được thanh-tịnh, không còn những điều
khó-khăn nguy-hiểm; ấy gọi là tiệm-thứ tu-hành tăng-tiến thứ hai.
Thế nào là hiện-nghiệp? A-nan, người giữ-gìn cấm-giới thanh-tịnh
như vậy, tâm không tham-dâm, không hay giong-ruổi theo lục-trần ở ngoài; nhân
không giong-ruổi, tự xoay lại về tính bản-nguyên; trần đã không duyên, thì căn
không ngẫu-hợp với đâu nữa; trở-ngược dòng về chỗ toàn-nhất, sáu cái dụng không
hiện-hành, cõi-nước mười phương sáng-suốt thanh-tịnh, ví-như ngọc lưu-ly, có
mặt trăng sáng treo ở trong ấy. Thân tâm khoan-khoái, tính diệu-viên bình-đẳng,
được đại-an-ẩn, tất-cả mật-viên tịnh-diệu các đức Như-lai đều hiện trong đó;
người ấy liền được Vô-sinh-pháp-nhẫn. Từ đó, lần-lượt tu-tập, tùy cái hạnh phát
ra mà an-tập các thánh-vị, đó gọi là tiệm-thứ tu-hành tăng-tiến thứ ba.
Comments
Post a Comment