KINH
THỦ LĂNG NGHIÊM
PHẦN CHÁNH TÔNG
1. PHÁP TU THIỀN ĐỊNH XA MA THA
Khi ấy đức Thế-tôn,
ở trong đại-chúng, đưa cánh tay kim-sắc xoa đầu ông A-nan, chỉ-bảo ông A-nan và
đại-chúng rằng : "Có pháp Tam-ma-đề tên là
Đại-phật-đỉnh-thủ-lăng-nghiêm-vương, gồm đủ muôn hạnh. Thập phương Như-lai đều
do một pháp-môn ấy vượt lên đường diệu-trang-nghiêm. Ông nên chăm-chú lắng
nghe". Ông A-nan đỉnh-lễ, kính vâng lời Phật dạy.
Phật bảo ông A-nan:
"Tôi với ông đồng phái, tình như anh em ruột; lúc ông mới phát-tâm thì ở
trong Phật-pháp, thấy những tướng tốt gì mà bỏ được những ân-ái sâu-nặng
thế-gian?"
Ông A-nan bạch Phật:
"Tôi thấy 32 tướng của Như-lai tốt-đẹp lạ thường, hình-thể sáng-suốt như
ngọc lưu-ly, thường tự suy-nghĩ: Tướng ấy không thể do dục-ái sinh ra, vì sao?
giống dâm-dục nhơ-nhớp, tanh-hôi kết-cấu, máu mủ xen-lộn, làm sao sinh được
thân vàng thắm chói trong-sạch sáng-suốt như vậy, nên tôi ước-mong, cắt tóc
theo Phật tu-học".
Phật dạy: "Hay thay,
A-nan, các ông nên biết hết thảy chúng-sinh từ vô-thủy đến nay sống chết nối
luôn, đều do không biết thể-tính trong-sạch sáng-suốt của thường-trụ chân-tâm
mà lại chỉ dùng các vọng-tưởng, vì vọng-tưởng đó không chân-thật nên mới có
luân-hồi. Nay ông muốn học đạo vô-thượng Bồ-đề, phát-minh chân-tính thì nên lấy
tâm ngay-thẳng mà đáp lại những câu hỏi của tôi. Thập phương Như-lai đều do một
đường thoát-ly sinh-tử là dùng tâm ngay-thẳng. Tâm mà nói là ngay-thẳng thì cứ
như vậy, từ địa-vị đầu đến địa-vị cuối cùng, chặng giữa, hẳn không có những
tướng quanh-co".
A-nan, nay tôi hỏi ông :
"Ðương khi ông do 32 tướng của Như-lai mà phát-tâm thì ông đem cái gì mà
thấy và cái gì ưa-muốn?"
Ông A-nan bạch Phật:
"Thưa Thế-tôn, ưa-muốn như vậy là dùng cái tâm và con mắt của tôi. Do mắt
thấy tướng tốt Như-lai, tâm sinh ưa-muốn nên tôi phát-tâm muốn tu-hành thoát
khỏi sống chết".
Phật bảo ông A-nan:
"Như lời ông nói : Thật do tâm và con mắt mà có ưa muốn. Nếu không biết
tâm và con mắt ở đâu thì không thể hàng-phục được trần-lao; ví như ông vua một
nước bị giặc xâm-lấn, phát-binh đánh-dẹp, thì binh ấy cần biết giặc ở chỗ nào mới
đánh-dẹp được. Hiện ông còn mắc phải luân-hồi là lỗi tại tâm và con mắt của
ông". Nay tôi hỏi ông: "Tâm và con mắt ấy hiện ở chỗ nào?"
CHẤP
TÂM Ở TRONG THÂN 1
Ông A-nan bạch Phật :
"Thưa Thế-Tôn tất-cả mười loài chúng-sinh trong thế-gian đều cho cái tâm
hay biết là ở trong thân. Dầu tôi xem con mắt như hoa sen xanh của Như-lai cũng
ở trên mặt Phật; tôi thấy con mắt vật-chất của tôi ở trên mặt tôi. Như vậy thì
tâm hay biết thật ở trong thân".
Phật bảo ông A-nan :
"Hiện nay ông ngồi trong giảng-đường Như-lai. Ông hãy xem rừng Kỳ-đà hiện
ở chỗ nào?"
- Thưa Thế-tôn,
giảng-đường cao lớn thanh-tịnh này ở trong vườn Cấp-cô-độc, còn rừng Kỳ-đà hiện
thật ở ngoài giảng-đường.
- A-nan, nay ông ở trong
giảng-đường thì ông thấy cái gì trước?
- Thưa Thế-tôn, tôi ở
trong giảng-đường, trước thấy Như-lai, sau xem đại-chúng, rồi trông ra ngoài
thấy vườn rừng.
- A-nan, do đâu ông thấy
được vườn rừng?
- Thưa Thế-tôn, do các
cửa giảng-đường mở rộng nên tôi ở trong thấy suốt được đến ra ngoài xa.
Phật bảo ông A-nan:
"Như ông vừa nói: Ở trong giảng-đường, do cửa mở rộng nên ông trông xa
thấy được rừng vườn; phỏng có chúng-sinh nào ở trong giảng-đường, không thấy
Như-lai mà lại thấy được ngoài giảng-đường chăng?"
Ông A-nan bạch Phật:
"Thưa Thế-tôn, ở trong giảng-đường không thấy Như-lai mà thấy được rừng
suối ở ngoài, thật không có lẽ nào như vậy".
- A-nan, chính ông cũng
vậy. Cái tâm của ông rõ-biết hết thảy. Nếu hiện nay cái tâm rõ-biết ấy thật ở
trong thân thì trước hết nó phải rõ-biết trong thân-thể. Vậy có chúng-sinh nào,
trước thấy bên trong thân, rồi sau mới thấy những vật ở ngoài không? Dầu không
thấy được tim gan tì vị, nhưng móng tay mọc, tóc dài ra, gân chuyển, mạch nhảy,
lẽ phải rõ-biết, sao lại không biết? Đã không biết bên trong, sao lại biết được
bên ngoài? Vậy nên biết rằng ông nói cái tâm hay-biết hiện ở trong thân, thật
không có lẽ nào như vậy.
CHẤP
TÂM Ở NGOÀI THÂN 2
Ông A-nan cúi đầu bạch
Phật: "Tôi nghe lời Phật dạy như vậy, mới rõ tâm tôi thật ở ngoài thân. Vì
sao? Ví như đèn thắp trong phòng, trước hết phải chiếu trong phòng, rồi sau mới
do nơi cửa chiếu sáng ngoài sân. Hết thảy chúng-sinh không thấy bên trong thân
mà riêng thấy bên ngoài, cũng như ngọn đèn, để ở ngoài phòng, không thể chiếu
sáng trong phòng. Nghĩa ấy rõ-ràng, có lẽ không lầm, chưa biết có đúng với
nghĩa-lý rốt-ráo của Phật hay không?"
Phật bảo ông A-nan:
"Vừa rồi, các tỷ-khưu theo tôi khất-thực trong thành Thất-la-phiệt, nay đã
về rừng Kỳ-đà. Tôi đã thụ-trai rồi, ông hãy xem trong hàng tỷ-khưu, khi một
người ăn thì các người khác có no không?"
Ông A-nan bạch Phật:
"Thưa Thế-tôn, không; vì rằng các tỷ-khưu tuy là A-la-hán, nhưng thân-thể
khác nhau, lẽ nào một người ăn lại làm cho cả chúng đều no được".
Phật bảo ông A-nan:
"Nếu cái tâm hay-biết của ông thật ở ngoài thân thì thân và tâm
riêng-cách, tất-nhiên không dính-líu gì với nhau; vậy cái gì tâm biết thì thân
không thể hay, cái gì thân hay thì tâm không thể biết. Nay tôi giơ tay
đâu-la-miên cho ông xem, trong khi mắt ông thấy thì tâm ông có biết là tay của
tôi không?"
Ông A-nan bạch Phật:
"Thưa Thế-tôn, đúng thế".
Phật bảo ông A-nan:
"Nếu thân với tâm cùng hay-biết một lúc với nhau thì làm sao tâm lại ở
ngoài thân? Vậy nên biết rằng ông nói tâm hay-biết hiện ở ngoài thân, thật
không có lẽ nào như vậy".
CHẤP
TÂM NÚP SAU CON MẮT 3
Ông A-nan bạch Phật:
"Thưa Thế-tôn, như lời Phật dạy: vì không thấy bên trong, tâm không ở
trong thân, vì thân tâm cùng biết, không thể rời nhau, tâm không ở ngoài thân,
nay tôi suy-nghĩ, biết tâm ở một chổ!"
Phật dạy: "Chỗ ấy ở
đâu?"
Ông A-nan bạch Phật:
"Cái tâm hay-biết đã không biết bên trong mà lại thấy bên ngoài, theo ý
tôi nghĩ thì nó núp sau con mắt. Ví như có người lấy chén lưu-ly úp vào hai con
mắt, con mắt tuy có vật úp vào nhưng không làm ngăn-ngại, con mắt kia liền thấy
thì liền phân-biệt được ngay. Song tâm hay-biết của tôi không thấy bên trong là
vì tâm ở nơi con mắt; nhưng lại thấy bên ngoài rõ-ràng, không bị ngăn-ngại, là
vì tâm núp sau con mắt".
Phật bảo ông A-nan:
"Như ông vừa nói: Tâm núp sau con mắt như con mắt núp sau chén lưu-ly; vậy
người kia đương khi lấy chén lưu-ly úp vào hai mắt, trông-thấy núi sông thì có
trông-thấy chén lưu-ly không?"
-Thưa Thế-tôn, đúng thế,
người ấy đương khi lấy chén lưu-ly úp vào hai mắt, thật có thấy chén lưu-ly.
Phật bảo ông A-nan:
"Nếu tâm ông núp sau con mắt như con mắt núp sau chén lưu-ly thì trong khi
trông-thấy núi sông sao không trông-thấy con mắt? Nếu trông-thấy con mắt thì
con mắt hình như ngoại-cảnh, không thể liền thấy mà liền biết được. Nếu không
thấy được con mắt thì sao lại nói rằng tâm hay-biết núp sau con mắt như con mắt
núp sau chén lưu-ly? Vậy nên biết rằng ông nói cái tâm hay-biết núp sau con mắt
như con mắt núp sau chén lưu-ly, thật không có lẽ nào như vậy".
CHẤP MỞ
MẮT THẤY SÁNG LÀ THẤY BÊN “NGOÀI” THÂN
NHẮM
MẮT THẤY TỐI LÀ THẤY BÊN “TRONG” THÂN 4
Ông A-nan bạch Phật:
"Thưa Thế-tôn, nay tôi lại nghĩ như vầy: Trong thân-thể chúng-sinh này,
phủ-tạng ở trong, khiếu-huyệt ở ngoài, có tạng thì tối, có khiếu thì sáng. Nay
tôi trả-lời Phật rằng: Mở mắt thấy sáng gọi là thấy bên ngoài, nhắm mắt thấy
tối gọi là thấy bên trong. Nghĩa ấy thế nào?"
Phật bảo ông A-nan:
"Đương khi ông nhắm mắt thấy tối, cái cảnh tối ấy là đối với mắt hay không
đối với mắt. Nếu đối với mắt thì cái tối trước mắt, sao lại ở trong thân? Nếu
thành ở trong thân thì khi ở trong phòng tối, không có ánh sáng mặt trời, mặt
trăng và đèn, cái gì ở trong phòng tối đó đều là tam-tiêu lục-phủ của ông hay
sao? Còn như cái tối không đối với mắt, thì làm sao thành ra có thấy? Dầu
tách-rời lối thấy bên ngoài mà cho rằng con mắt đối vào trong nên thấy tối, thì
nhắm mắt thấy tối, gọi là thấy bên trong thân; vậy mở mắt thấy sáng sao lại
không thấy cái mặt. Nếu không thấy cái mặt thì cái nghĩa con mắt đối vào trong,
không thành-lập được. Còn như thấy được cái mặt thì cái tâm hay-biết ấy và con
mắt đều ở ngoài hư-không, sao lại thành ở trong thân được? Nếu tâm và con mắt ở
ngoài hư-không thì tất-nhiên không phải là thể-chất của ông, vì không lẽ hiện
nay Như-lai thấy mặt ông cũng là thân của ông hay sao? Và như thế thì con mắt
đã biết, thân ông lẽ phải không biết. Nếu ông chấp rằng thân và con mắt đều có
biết thì ông phải có hai tính-biết, rồi chính một thân ông sẽ thành hai đức
Phật hay sao? Vậy nên biết rằng ông nói thấy tối là thấy bên trong thân, thật
không có lẽ nào như vậy".
CHẤP
TÂM HỢP VỚI CHỖ NÀO THÌ LIỀN CÓ Ở CHỔ ẤY 5
Ông A-nan bạch Phật:
" Tôi thường nghe Phật chỉ-dạy tứ-chúng : Do tâm sinh nên các thứ pháp
sinh, do pháp sinh nên các thứ tâm sinh. Nay tôi suy-nghĩ thì tức cái thể
suy-nghĩ đó thật là tâm-tính của tôi, hễ hợp với chỗ nào thì tâm liền có ở chỗ
đó, chứ không phải ở trong, ở ngoài hay ở chặng giữa".
Phật bảo ông A-nan:
"Nay ông nói rằng : Do pháp sinh nên các thứ tâm sinh, hễ hợp với chỗ nào
thì tâm liền có ở chỗ đó. Cái tâm ấy nếu không có tự-thể thì không thể hợp
được; chứ còn nếu không có tự-thể mà vẩn hợp được thì giới thứ 19 cùng trần thứ
7 hợp lại được hay sao? Nghĩa ấy quyết không đúng. Còn nếu có tự-thể thì trong
khi ông lấy tay tự gãi thân ông, cái tâm biết gãi của ông ở trong thân ra hay
từ bên ngoài vào? Như ở trong thân ra thì lại phải thấy bên trong, còn như từ
ngoài vào thì trước hết phải thấy cái mặt".
Ông A-nan bạch Phật:
" Thấy là con mắt, còn tâm thì biết chứ không phải thấy như con mắt; nói
tâm thấy là không đúng nghĩa".
Phật dạy: " Nếu con
mắt thấy được thì khi ông ở trong phòng, cái cửa có thấy được không? Lại những
người chết rồi, vẫn còn con mắt, lẽ ra phải thấy được vật; mà nếu thấy được vật
thì sao gọi là chết. A-nan, lại nếu cái tâm hay-biết của ông phải có tự-thể thì
có một thể hay có nhiều thể? Nay tâm ở nơi thân ông, thể ấy cùng khắp cả mình
hay không cùng khắp? Nếu tâm có một thể thì ông lấy tay gãi một chi, lẽ ra cả
tứ chi đều biết; mà nếu đều biết thì lại không biết gãi ở chỗ nào. Nếu biết chỗ
gãi thì cái thuyết một thể của ông tự-nhiên không thể thành-lập được. Nếu như
có nhiều thể thì thành ra nhiều người, còn biết cái thể nào là thể của ông. Nếu
cái thể ấy cùng khắp cả mình thì lại như trước kia, không biết được chỗ gãi.
Nếu còn như không cùng khắp thì khi ông chạm trên đầu, đồng-thời cũng chạm dưới
chân, hễ đầu có biết, lẽ ra chân phải không biết, nhưng hiện nay ông lại không
phải như thế. Vậy nên biết rằng hễ hợp với chỗ nào, tâm liền có ở chỗ đó, thật
không có lẽ nào như vậy".
CHẤP
TÂM Ở CHẶNG GIỮA 6
Ông A-nan bạch Phật:
"Thưa Thế-tôn, trong khi Phật nói thật-tướng với các vị
pháp-vương-tử như ngài Văn-thù, tôi có nghe đức Thế-tôn cũng dạy rằng: Tâm
không ở trong, cũng không ở ngoài. Theo ý tôi nghĩ: Tâm ở trong thân, sao lại
không thấy bên trong; tâm ở ngoài thân thì thân và tâm không cùng biết. Vì tâm
không biết bên trong nên không thể nói tâm ở trong thân, vì thân và tâm cùng
biết nên nói tâm ở ngoài cũng không đúng lý. Nay thân và tâm cùng biết,
lại tâm không thấy được bên trong thân thì tâm phải ở chặng giữa".
Phật bảo ông A-nan:
"Ông nói "ở chặng giữa" thì cái giữa ấy chắc không lẫn-lộn và
không phải không có chỗ. Nay ông nhận-định cái giữa ấy ở chỗ nào, ở nơi cảnh
hay ở nơi thân? Nếu ở nơi thân mà ở một bên thì không phải là giữa; còn nếu ở
giữa thân thì cũng như ở trong thân. Nếu cái giữa ở nơi cảnh thì có thể nêu ra
được hay không thể nêu ra được? Không nêu ra được thì cũng như không có cái
giữa, còn nêu ra được thì lại không nhất-định ở giữa. Vì sao? Ví như có người
lấy một cây nêu, nêu một chỗ làm cái giữa, thì phương Đông trông qua, cái nêu
lại ở phương Tây; phương Nam nhìn ra, cái nêu thành ở phương Bắc. Cái giữa nêu
ra đã lẫn-lộn thì tâm phải rối-bời, không rõ ở đâu".
Ông A-nan bạch Phật:
"Cái giữa của tôi nói, không phải hai thứ ấy. Như đức Thế-tôn thường dạy:
Nhãn-căn và sắc-trần làm duyên, phát-sinh nhãn-thức. Nhãn-căn có phân-biệt,
sắc-trần không hay-biết, nhãn-thức sinh ra ở giữa thì tâm ở chỗ đó".
Phật dạy: "Nếu tâm
ông ở giữa căn và trần thì cái thể tâm ấy gồm cả hai bên hay không gồm cả hai
bên? Nếu gồm cả hai bên thì ngoại-vật và tâm-thể xen-lộn, còn biết tâm là gì?
Ngoại-vật không phải có biết như tâm-thể; bên có biết, bên không biết, trái hẳn
lẫn nhau thì lấy cái gì làm cái ở giữa? Gồm cả hai bên cũng không được và nếu
không phải có biết và cũng không phải không biết thì tức là không có thể-tính,
lấy gì làm cái tướng ở giữa. Vậy nên biết rằng ông nói cái tâm phải ở chặng
giữa, thật không có lẽ nào như vậy".
CHẤP
TÂM KHÔNG DÍNH DÁNG VÀO ĐÂU TẤT CẢ 7
Ông A-nan bạch Phật:
"Thưa Thế-tôn, trước đây tôi thấy Phật cùng chuyển pháp-luân với 4 vị
đại-đệ-tử là Đại-mục-liên, Tu-bồ-đề, Phú-lâu-na, Xá-lỵ-phất, Phật thường dạy :
Cái tính của tâm hay-biết cũng chẳng ở trong, cũng chẳng ở ngoài, cũng chẳng ở chặng
giữa, chẳng ở chỗ nào cả, không dính-dáng vào đâu tất-cả thì gọi là tâm. Vậy
tôi lấy cái không dính-dáng của tôi mà gọi là tâm, có được chăng?".
Phật bảo ông A-nan:
"Ông nói tính của tâm hay-biết, không ở đâu cả. Vậy các vật-tượng thế-gian
như hư-không và các loài thủy, lục, không, hành, gọi là tất-cả sự-vật mà ông
không dính-dáng vào, là có hay là không có? Không, thì đồng như lông rùa, sừng
thỏ, còn gì mà không dính-dáng? Đã có cái không dính-dáng thì không thể gọi là
không. Không có tướng thì là không, không phải không thì có tướng; có tướng thì
có chỗ ở, làm sao lại không dính-dáng được. Vậy nên biết rằng ông nói cái không
dính-dáng vào đâu tất-cả gọi là tâm hay-biết, thật không có lẽ nào như
vậy".
Khi bấy giờ ông A-nan, ở
trong đại-chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trật vai áo bên phải, đầu gối bên
phải chấm đất, chấp tay cung-kính mà bạch Phật rằng: "Tôi là em rất nhỏ
của Như-lai, nhờ Phật thương-yêu, nay tuy được xuất-gia, còn ỷ-lại nơi lòng
thương của Phật. Vì vậy nên tôi học rộng nghe nhiều mà chưa chứng-quả vô-lậu,
không uốn-dẹp được chú Sa-tỳ-cà-la, bị nó bắt phải vào nhà dâm-nữ; nguyên-do là
vì không biết đường tu-tập đi đến chỗ chân-thật. Cầu xin Thế-tôn đại từ
thương-xót, chỉ-dạy cho chúng tôi đường tu Xa-ma-tha, cũng khiến cho những
ngưòi không tin trừ-bỏ những tư-tưởng xấu".
Ông A-nan nói như vậy
rồi, năm vóc gieo xuống đất, cùng với đại-chúng, hết lòng mong được nghe lời
Phật dạy.
Khi bấy giờ đức Thế-tôn,
từ trước mặt, phóng ra các thứ hào-quang, hào-quang ấy chói sáng như trăm nghìn
mặt trời, khắp các thế-giới chư Phật, sáu thứ rung-động, như thật các cõi nước
mười phương, nhiều như vi-trần, hiện ra trong một lúc. Oai-thần của Phật khiến
các thế-giới hợp lại thành một thế-giới. Trong thế-giới nầy, tất-cả các
vị Bồ-tát hiện có, đều an-trụ nơi nước mình, chấp tay vâng nghe lời Phật dạy.
Phật bảo ông A-nan:
“Tất-cả chúng-sinh từ vô-thủy đến nay điên-đảo nhiều cách, giống nghiệp
tự-nhiên nhóm lại như chum quả ác-xoa. Những người tu-hành không thành được đạo
vô-thượng Bồ-đề, đến nỗi lại thành Thanh-văn, Duyên-giác hoặc thành ngoại-đạo,
chư Thiên, Ma-vương hay bà con Ma, đều do không biết hai chữ cỗi-gốc, tu-tập
sai-lầm, cũng như nấu cát mà muốn thành cơm, dầu trải qua nhiều kiếp như
vi-trần, rốt-cuộc vẫn không thể thành được. Thế nào là hai thứ cỗi-gốc? A-nan,
một là cái cỗi-gốc sống chết vô-thủy, tức như ông ngày nay cùng các chúng-sinh
dùng cái tâm phan-duyên mà làm tự-tính. Hai là cái thể bản-lai thanh-tịnh Bồ-đề
Niết-bàn vô-thủy thì như hiện nay cái tính bản-minh thức-tính của ông, sinh ra các
duyên ma lại bị bỏ rơi. Do các chúng-sinh bỏ rơi cái bản-minh ấy nên tuy cả
ngày sống trong tính bản-minh mà không tự-giác, oan-uổng vào trong lục đạo.
A-nan, nay ông muốn biết
đường tu Xa-ma-tha ra khỏi sống chết, tôi lại hỏi ông :
Liền đó đức Như-lai giơ
cánh tay kim-sắc, co năm ngón tay, bảo ông A-nan : « Ông có thấy không ? »
Ông A-nan bạch Phật : «
Thấy».
Phật bảo: “Ông thấy cái
gì?”
Ông A-nan bạch: “Tôi thấy
Như-lai giơ cánh tay, co ngón tay thành nắm tay sáng-ngời, chói tâm và con mắt
của tôi”.
Phật bảo: “Ông đem cái gì
mà thấy?”.
Ông A-nan bạch: “Tôi cùng
đại-chúng đều đem con mắt mà thấy”.
Phật bảo ông A-nan: “Ông
trả-lời tôi rằng Như-lai co ngón tay làm thành nắm tay sáng-ngời, chói tâm và
con mắt của ông; con mắt ông thì thấy được, còn ông lấy cái gì làm tâm để đối
với cái nắm tay chói-sáng của tôi?”.
Ông A-nan bạch: “Như-lai
hiện nay gạn-hỏi tâm ở chỗ nào, tôi thì dùng tâm suy-nghĩ tìm-xét: Tức cái biết
suy-nghĩ ấy, tôi lấy nó làm tâm”.
Phật bảo: “Sai rồi,
A-nan, cái ấy không phải là tâm của ông”.
Ông A-nan giựt-mình, rời
chỗ ngồi, chấp tay đứng dậy bạch Phật: “Cái ấy không phải là tâm tôi thì gọi là
cái gì?”
Phật bảo ông A-nan: “Cái
ấy là cái tưởng-tượng những tướng giả-dối tiền-trần, nó làm mê-lầm chân-tính
của ông. Do từ vô-thủy cho đến đời này, ông nhận tên giặc ấy làm con, bỏ mất
tính bản-lai thường-trụ nên phải chịu luân-hồi”.
Ông A-nan bạch Phật:
“Thưa Thế-tôn, tôi là em yêu của Phật, vì tâm yêu Phật nên tôi xuất-gia. Tâm
tôi chẳng những cúng-dường đức Như-lai, mà còn trải qua hằng-sa quốc-độ,
thừa-sự chư Phật và các vị thiện-tri-thức; phát-lòng đại-dũng-mãnh, làm tất-cả
những pháp-sự khó làm, là đều dùng cái tâm ấy. Dầu cho hủy-báng Phật-pháp,
rời-bỏ hẳn thiện-căn, cũng nhân cái tâm ấy. Nay Phật phát-minh cái ấy không
phải là tâm thì tôi thành không có tâm, như cây như đất, vì ngoài cái hay-biết
ấy ra, tôi lại không còn gì nữa. Sao đức Như-lai lại bảo cái ấy không phải là
tâm? Tôi thật kinh-sợ và cả trong đại-chúng nầy không ai là không nghi-hoặc,
xin Phật rủ lòng từ-bi, chỉ-dạy cho những chỗ chưa giác-ngộ”.
Khi bấy giờ đức Thế-tôn
chỉ-dạy ông A-nan và cả đại-chúng, khiến cho tâm được vô-sinh-pháp-nhẫn, nơi
sư-tử-tọa, xoa đầu ông A-nan và bảo ông rằng: “Như-lai thường nói: Các pháp
phát-sinh là duy-tâm biến-hiện, tất-cả nhân-quả, thế-giới, vi-trần, đều nhân cái
tâm thành có thể-tính. A-nan, như trong các thế-giới, hết thảy sự-vật hiện có,
cả đến ngọn cỏ lá, cây, sợi dây, thắt nút, gạn-xét cỗi-gốc, đều có thể-tính,
dầu cho hư-không cũng có tên, có tướng; huống chi cái tâm sáng-suốt thanh-tịnh
nhiệm-mầu, làm cho hết thảy sự vật có thể-tính mà tự mình lại không có
thể-tính.
Nếu ông quyết-chấp cái
tính hay-biết suy-xét phân-biệt là tâm của ông thì cái tâm ấy phải rời
sự-nghiệp các trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, riêng có toàn-tính; chứ như
hiện nay ông vâng nghe pháp-âm của tôi, đó là nhân cái tiếng mà có phân-biệt:
dầu cho diệt hết tất-cả cái thấy, nghe, hay, biết, bên trong nắm-giữ cái
u-nhàn, không biết, không nghĩ thì đó cũng còn là sự phân-biệt bóng-dáng
pháp-trần mà thôi.
Chẳng phải tôi bảo ông chấp cái ấy không phải là tâm, nhưng ông phải, chính nơi tâm ông, suy-xét chín-chắn, nếu rời tiền-trần có tính phân-biệt, thì đó mới thật là tâm của ông. Nếu tính phân-biệt, rời tiền-trần, không còn tự-thể thì nó chỉ là sự phân-biệt bóng-dáng tiền-trần. Tiền-trần không phải thường-trụ, khi thay đổi diệt mất rồi, thì cái tâm nương vào tiền-trần ấy cũng đồng như lông rùa sừng thỏ và pháp-thân của ông cũng thành như đoạn-diệt, còn gì mà tu-chứng vô-sinh-pháp-nhẫn”.
Lúc ấy ông A-nan cùng cả
đại-chúng lặng-im ngơ-ngác.
Phật bảo ông A-nan:
“Trong thế-gian, tất-cả những người tu-học, hiện tuy đã tu đến chín bậc định,
nhưng không diệt hết được mê-lầm, thành A-la-hán, đều do chấp cái vọng-tưởng
sống chết, lầm nó là tính chân-thật, vậy nên nay ông tuy được học rộng nghe
nhiều, không thành chính-quả”.
KINH VĂN:
爾時世尊在大眾中, 舒金色臂, 摩阿難頂, 告示阿難及諸大眾: 有三摩提名大佛頂首楞嚴王具足萬行十方如來一門超出妙莊嚴路。汝今諦聽。阿難頂禮伏受慈旨。
Nhĩ thời Thế tôn tại đại chúng trung. thư kim sắc tí ma A-nan
đảnh. Cáo thị A-nan cập chư đại chúng: “Hữu tam-ma-đề danh Đại Phật đảnh
Thủ-lăng-nghiêm vương, cụ túc vạn hạnh thập phương Như Lai nhất môn siêu xuất
diệu trang nghiêm lộ, nhữ kim đế thính.” A-nan đảnh lễ phục thọ từ chỉ.
Khi ấy trong hội chúng, Đức Thế tôn duỗi cánh tay màu vàng xoa
đảnh A-nan, nói với A-nan cùng đại chúng: “Có pháp tam-ma-đề, gọi là Đại
Phật ̉đảnh Thủ-lăng-nghiêm vương, đầy đủ vạn hạnh, là pháp môn trang nghiêm
vi diệu mà mười phương Như Lai đều từ đó lưu xuất, nay ông nên nghe kỹ.” A-nan
đảnh lễ, cung kính lắng nghe lời dạy từ bi của Thế tôn.
GIẢNG:
Thông thường, đoạn kinh này nằm ở phần sau, nhưng Lão Pháp sư Viên Anh nhận thấy nếu để ở phía sau thì không phù hợp nên đưa vào nơi đây. Tôi (HT. Tuyên Hóa) đọc kỹ nhiều lần, thấy cũng hợp lý nên đưa vào đoạn này để giảng.
Khi ấy nghĩa là khi các vị Đại a-la-hán và các vị Đại bồ-tát nhiều như số cát sông Hằng trong khắp mười phương đều đến dự pháp hội, đều mong muốn lắng nghe lời dạy vi diệu của Như Lai.
Và khi A-nan cầu khẩn Đức Phật giảng giải phương tiện tối sơ mà các đức Như Lai trong mười phương đã tu tập để chứng được các món xa-ma-tha, tam-ma và thiền-na vi diệu. Đó là lúc Đức Thế tôn duỗi cánh tay màu vàng xoa đảnh A-nan.
Cánh tay của Đức Phật vốn có sắc vàng, chẳng phải màu vàng do kim loại mạ vào. Trong đạo Phật, việc xoa đầu biểu tượng lòng từ bi che chở bảo hộ cho toàn thể chúng sinh. Nay Đức Phật cũng thế, biểu hiện lòng thương yêu, nhưng không phải lòng thương yêu thông thường mà hơn thế nữa, đó là lòng tư bi rộng lớn, che chở, bảo hộ bao trùm khắp mọi loài chúng sinh, khiến cho các ma chướng bị tiêu trừ. Đó không phải là tình thương ích kỷ, bi lụy mà mọi người thường nghĩ đến. Quý vị hãy lưu ý kỹ điểm này.
Trong tất cả các loại tình yêu trên đời, tình yêu cha mẹ
dành cho con cái là thứ tình yêu lớn mạnh nhất. Bất luận con cái có đối xử tệ
hại với cha mẹ đến mức nào, họ cũng đều tha thứ cho cả. “Nó là trẻ con mà!” Cha
mẹ thường tự an ủi như vậy. “Nó có hiểu biết điều gì đâu!” Ngay cả khi con cái
đánh cha và mắng chửi mẹ, cha mẹ chỉ nhìn chúng một cách buồn cười, không nghĩ
là nó đang làm điều gì sai trái.
Quý vị sẽ hỏi: “Tại sao cha mẹ lại suy nghĩ như vậy? Vì họ quá thương yêu con mình. Tình thương cha mẹ dành cho con cái sâu thẳm hơn, mạnh mẽ hơn tình yêu giữa vợ chồng nhiều.
Về phương diện này, tôi rất lấy làm ngạc nhiên đối với người Mỹ. Đến khi con cái mười tám tuổi, nó hoàn toàn được phép tự lập. Đôi khi cha mẹ không còn để ý gì đến con cái vào lứa tuổi ấy nữa. Đó là điều rất hay, rất tốt để khuyến khích con cái tự lập. Vấn đề quan trọng là con cái vào tuổi ấy thường không đủ kinh nghiệm để có những nhận định chính chắn nên chúng dễ dàng vướng vào định hướng sai lầm. Nó dễ bị cuốn hút vào những cám dỗ hiện thời hay bị lôi cuốn bởi những bạn bè không đứng đắn. Một khi đã bị chìm ngập trong bùn rồi thì không dễ gì trở về lại với chính mình. Kết quả hiện nay ở Mỹ có rất nhiều lớp trẻ không thừa nhận quốc gia của mình. Họ không thèm đếm xỉa gì đến ý nghĩa của gia đình, thậm chí họ còn không biết chính họ là gì. Từ sáng đến tối, họ chỉ biết hút LSD và hút cần sa cùng những loại ma túy khác đến mức họ đánh mất toàn bộ bản chất trong sáng của mình, hoàn toàn bị mê mờ. Nếu hỏi họ đã làm gì được cho đất nước mình.
Họ sẽ nói:
“Tổ quốc đã làm được gì cho tôi nào?” Nếu quý vị hỏi họ về gia đình.
Họ sẽ trả lời:
“Tôi chẳng có gia
đình.”
Quý vị có thể hiểu rằng họ vừa rời bỏ gia đình, nên tất nhiên là họ không có gia đình nữa, nên họ tuyên bố là họ không có gia đình. Họ bị rơi vào một khoảng không to lớn. Tôi thấy họ thật đáng thương.
Đức Phật thương yêu
và che chở cho toàn thể mọi chúng sinh còn mạnh hơn cả tấm lòng của cha mẹ
thương con. Đức Phật xoa đảnh đầu là biểu tượng cho lòng thương yêu che chở đó.
Chỉ cần một mũi thuốc chích vào người thôi là đã tiếp truyền sinh khí cho máu
huyết và sinh lực mình rồi, thế nên khi Đức Phật xoa đảnh đầu, hào quang phóng
ra từ bàn tay của Ngài sẽ xua tan tất cả những u ám trong tâm. Bằng cách đó,
Đức Phật đã đưa quý vị ra khỏi ác đạo và làm tăng trưởng thiện căn trong tâm
quý vị.
Quý vị sẽ than thở:
“Con đã lỡ mất dịp may, nếu con được sinh ra trong thời Đức Phật còn tại thế, thì có lẽ con sẽ thỉnh cầu Đức Phật xoa đảnh đầu con, mọi ác nghiệp sẽ được tiêu trừ và thiện căn sẽ được tăng trưởng.”
Ai bảo rằng quý vị không được sinh ra trong thời Phật tại thế? ai bảo rằng đến
bây giờ quý vị mới được sinh ra? Quý vị không nên trách cứ ai cả mà chỉ nên
trách mình. Có than tiếc cũng vô ích thôi. Đừng nên hối tiếc nữa, không thể oán
trách người khác, không thể oán trách trời và càng không nên oán trách Phật.
Nay chúng ta được sinh ra, nên bây giờ chúng ta phải học Phật pháp. Nếu chúng ta có lòng chí thành cao độ. Đức Phật sẽ thị hiện và xoa đảnh để biểu lộ lòng từ bi che chở mọi chúng sinh. Mặc dù Đức Phật đã nhập niết-bàn, nhưng giáo pháp chân chính của Ngài vẫn còn phổ biến khắp nơi trên thế gian. Quý vị không nên nghĩ rằng Đức Phật đã từ bỏ chúng ta, Đức Phật luôn luôn hiện hữu quanh chúng ta, chỉ do vì chúng ta không thấy được Ngài mà thôi. Nếu trong mọi công việc hằng ngày, nằm ngồi, ăn cơm, mặc áo đều được thực hành trong pháp thân Phật, thế là chúng ta đã được sống cùng với Đức Phật. Đó chỉ là vì mắt trần của người thường chưa có được thần thông để nhìn thấy Đức Phật.
Đức Phật xoa đảnh A-nan, nói với A-nan cùng với đại chúng: “Có một loại định (tam-ma-đề) gọi là Đại Phật đảnh Thủ-lăng-nghiêm vương, đầy đủ muôn hạnh, là pháp môn trang nghiêm vi diệu, mà mười phương Như Lai đều từ đó lưu xuất.”
Không những A-nan
mà tất cả mọi người trong pháp hội, các vị đại tỷ-khưu đại bồ-tát, quốc vương
đại thần, trưởng giả cư sĩ đều được Đức Phật chỉ dạy môn đại định cứu cánh kiên
cố là định bao trùm tất cả loại định trong các pháp môn tu tập. Tất cả các Đức
Như Lai trong khắp mười phương đã chứng được Phật quả nhiệm mầu đều nhờ vào
pháp môn vi diệu thù thắng này.
Nay ông nên lắng nghe kỹ:
Đức Phật bảo A-nan “Hãy chú tâm lắng nghe cho kỹ! Đừng lơ đãng khi nghe Như Lai giảng kinh, hãy đem hết năng lực tinh thần mà chú ý lắng nghe. Đừng khởi dậy vọng tưởng. Đừng ngồi đây trong suốt thời giảng kinh mà tâm ý lang thang xem cảnh ngoài phố.”
A-nan đảnh lễ, cung kính lắng nghe lời dạy từ bi của Thế tôn.
Khi A-nan nghe Đức Thế tôn chỉ
dạy như vậy, A-nan đứng dậy cung kính đảnh lễ Đức Phật, lễ phép chờ đợi lời chỉ
dạy cao quý, A-nan vẫn cung kính quỳ trước Đức Phật chờ nghe giáo pháp vi diệu
của Thế tôn về Thủ-lăng-nghiêm đại định, là vua trong tất cả các môn định.
KINH VĂN:
佛告阿難: “汝我同氣, 情均天倫,當初發心, 於我法中, 見何勝相, 頓捨世間深重恩愛?”
Phật cáo A-nan, nhữ ngã đồng khí, tinh quân thiên luân, đương sơ
phát tâm, ư ngã pháp trung kiến hà thắng tướng, đốn xả thế gian thâm trọng ân
ái?”
Đức Phật bảo A-nan: “Ông với Như Lai là anh em cùng một dòng
họ, khi mới phát tâm tu tập trong giáo pháp của Như Lai, ông thấy điểm thù
thắng nào mà từ bỏ ân ái sâu nặng thế gian để xuất gia?”
GIẢNG:
A-nan cung kính chờ đợi được nghe lời chỉ dạy từ bi của Đức Phật. Nhưng trước tiên Đức Phật lại gạn hỏi nguyên nhân ban đầu khiến A-nan phát tâm xuất gia ra sao.
Đức Phật bảo A-nan “Ông với Như Lai là anh em cùng một dòng họ.”
A-nan và Đức Phật là anh em chú bác. Đức Phật nói với A-nan “Ông và tôi như là anh em ruột.” Khi người ta nói “anh em cùng một dòng họ”, có nghĩa là ở trên đời, tình bà con dòng họ là đều quan trọng hơn tất cả mọi thứ khác. Những dạng quan hệ bà con như thế tạo nên một vòng luân hồi tự nhiên. Sau khi mình làm con trai hoặc con gái trong một gia đình, quý vị sẽ trở thành cha hoặc mẹ trong gia đình ấy. Còn nếu quý vị hiếu thảo với cha mẹ mình thì sau này con cái mình sẽ có lòng hiếu thuận với quý vị. Nếu quý vị không có lòng hiếu thảo với cha mẹ, thì con cái quý vị sau này cũng không có hiếu thảo với quý vị. Nên nói rằng:
“Bách thiện hiếu vi tiên
Cực ác dâm tối trọng”
(Trong các điều thiện,
lòng hiếu thuận là hàng đầu. Trong các điều ác, tà dâm là tội rất nặng).
Ở Trung Hoa, lòng hiếu thuận được xem là căn bản của các điều thiện. Trong văn học Trung Hoa, có ghi chuyện của Hai mươi bốn người con hiếu thảo, như chuyện: “Đường Tương khóc cầu dưa” sau đây:
Cha mẹ của Đường Tương bị bệnh, thích ăn dưa hấu, một loại dưa được trồng nhiều ở miền Bắc Trung Hoa. Tuy nhiên, lúc ấy là mùa Đông, tuyết phủ đầy mặt đất, làm sao có được dưa hấu? Nên Đường Tương phải gieo hạt giống dưa xuống đất đóng băng, rồi nằm phủ thân mình trên đất để làm cho băng tan, rồi bắt đầu khóc than kể lể: “Cầu mong cho hạt giống dưa này chóng nẩy mầm, kết trái để cho cha mẹ tôi ăn mà khỏi bệnh.” Đường Tương vừa than vãn, vừa khóc thảm thiết cho đến khi có phép lạ xảy ra. Chẳng gì khác hơn, đó là sự cảm ứng từ các vị bồ-tát, chư Phật hoặc là từ quỷ thần. Ngay lúc ấy, có một quả dưa mọc ra, lớn lên, chín dần để cho Đường Tương hái đem về dâng cho cha mẹ dùng. Đó là sự cảm ứng mầu nhiệm đáp lại lòng mong cầu chân thành của người con chí hiếu. Nên người ta thường dẫn chuyện: “Đường Tương khốc qua” để nói về hạnh hiếu.
Còn chuyện “Mạnh Tông khóc măng” như sau:
cha mẹ của Mạnh Tông thích ăn măng tre, anh ta không thể tìm đâu ra. anh ta đến
bên bụi tre ngồi khóc. Anh khóc cho đến khi có một mụt măng mọc lên từ chỗ nước
mắt của anh giọt xuống. Sự tình lạ lùng ấy không thể nào hiểu nỗi. Đừng có mong
dùng tâm suy lường mà hiểu được. Từ đó có tích “Mạnh Tông khóc măng.”
Lại có Vương Tường, cả cha mẹ đều bị bệnh nặng Trong tiết mùa đông băng giá, cha mẹ ăn cá chép. Vương Tường nghèo quá không có tiền để mua. Nước ở các sông hồ đều đóng băng, thế nên ông ta cởi áo nằm trên băng tuyết. ở miền Bắc Trung Hoa băng đóng rất dày vào mùa đông, nhưng thân nhiệt trong người ông đã làm cho băng tan. Làm thế, ông ta mới câu được cá chép từ kẽ băng nứt. Nhưng bỗng dưng có một con cá chép từ kẽ băng tan nhảy lên. Vương Tường ôm cá chạy về nhà kể cho cha mẹ nghe chuyện xảy ra. Cha mẹ Vương Tường nói: “Chúng ta sẽ không ăn con cá này nữa, vì có thể cá này là con trai của Long Vương gởi đến cho chúng ta.” Rồi đem cá phóng sinh.
Dù họ không ăn, nhưng bệnh tình của họ vẫn được thuyên giảm liền. Đó là chuyện “Vương Tường.”
Lòng hiếu thuận chân
thực có thể cảm động đến Trời. Con trai, con gái nên chú tâm đặc biệt thực hành
hạnh hiếu thuận. Vua Thuấn của Trung Hoa là người chí hiếu, đến nỗi voi trên
rừng cũng xuống giúp ông cày ruộng, chim cũng giúp ông gieo hạt.
Khi mới phát tâm tu tập trong giáo pháp của Như Lai, ông thấy được điểm thù thắng nào mà từ bỏ ân ái sâu nặng thế gian mà xuất gia?
Đức Phật hỏi A-nan, trước hết điều gì đã khiến ông từ bỏ tình cảm thế gian để sống đời xuất gia ông đã cảm nhận được trạng thái thù thắng nào trong tâm thức khiến ông phát tâm xuất gia?
Trên đời này, tình thương của cha mẹ và con cái rất lớn lao
và tình yêu giữa vợ chồng cũng rất mãnh liệt. Nếu con người có khả năng chuyển
hóa tình cảm giữa vợ chồng với nhau sang sự yêu thích học tập Phật pháp, thì
chẳng có ai mà không được chứng ngộ. Bất hạnh thay, hầu hết mọi người đều không
làm như vậy. Nếu quý vị làm được như thế, đó thật là điều tốt đẹp bất khả tư
nghì.
KINH VĂN:
阿難白佛:我見如來三十二相, 勝妙殊絕, 形體映徹猶如瑠璃。
A-nan bạch Phật: Ngã kiến Như Lai tam thập nhị tướng, thắng diệu
thù tuyệt, hình thể ánh triệt do như lưu ly.
A-nan bạch Phật: “Bạch Thế tôn, do con thấy ba mươi hai tướng
tốt thù thắng vi diệu tuyệt vời của Như Lai, hình thể sáng chói trong suốt
như ngọc lưu ly.”
GIẢNG:
“Nói nhanh” Đức Phật bảo:“Không được suy nghĩ, hãy nói ngay điều gì đó đã khiến ông xuất gia?”
Do A-nan đã chuẩn bị để trả lời một cách đơn giản nên A-nan bạch Phật: “Bạch Thế tôn, do con thấy ba mươi hai tướng tốt thù thắng vi diệu của Như Lai”
Từ “vô kiến đảnh tướng” ở trên đảnh đầu nổi lên như nhục kế, cho đến dáng dấp cân đối tuyệt hảo, đến ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm của thân Phật, ba mươi hai tướng tốt ấy rất thù thắng, vi diệu, tuyệt vời, đẹp hơn tất cả những gì mà A-nan đã thấy được. A-nan nói: “Không có gì trên đời có thể so sánh được với dáng dấp trang nghiêm, tuyệt hảo như thân tướng Như Lai.”
Báo thân Phật là hình thể sáng chói, trong suốt
như ngọc lưu ly.
KINH VĂN:
常自思惟, 此相非是欲愛所生. 何以故? 欲氣麁濁腥臊交遘, 膿血雜亂。不能發生勝淨妙明紫金光聚。是以渴仰從佛剃落.
Thường tự tư duy, thử tướng phi thị dục ái sở sanh. Hà dĩ cố?
dục khí thô trược, tinh tháo giao cấu, nùng huyết tạp loạn. Bất năng phát sanh
thắng tịnh diệu minh tử kim quang tụ. Thị dĩ khát ngưỡng tòng Phật thế lạc.
Con thường tự suy nghĩ những tướng tốt này không phải do ái dục
mà sanh ra. Sao vậy? Vì dục khí thì thô nặng và dơ bẩ̉n. Từ sự uế tạp và thối
tha ấy giao hợp với nhau tạo thành một thứ tinh huyết hỗn tạp. Từ đó không thể
sinh ra một thân thể thù thắng, thanh tịnh, sáng chói vi diệu như khối vàng
tía này, do đó mà con khá́t ngưỡng, theo Phật xuất gia.
GIẢNG:
Khi A-nan thường tự suy nghĩ những tướng tốt này không thể do ái dục sinh ra.
A-nan thường dùng tâm thức phân biệt của hàng phàm phu, tâm phàm phu là chủ thể của sự sinh diệt. A-nan nghĩ : làm sao mà ba mươi hai tướng tốt kia lại có thể được sinh ra từ sự đam mê, dâm dục và tình yêu luyến ái được?
Vì dục khí thì thô nặng và dơ bẩn. Từ sự uế tạp và thối tha ấy giao hợp với nhau tạo thành một thứ tinh huyết hỗn tạp.
Đàn ông, đàn bà giao hợp với nhau và cho việc ấy là tốt, nhưng thực chất là làm phóng ra những dục khí cực kỳ hôi thối. Không thể tin từ thân thể do ái dục của nam nữ sinh ra một thân thể thù thắng thanh tịnh, sáng chói, vi diệu như khối vàng tía này.
Suy nghĩ
như vậy, A-nan khát ngưỡng theo Phật xuất gia.
A-nan đã từ bỏ một thứ tình yêu, đó là tình luyến ái của gia đình để lấy một tình yêu khác đó là yêu vẻ đẹp phát ra từ thân tướng trang nghiêm vi diệu của Đức Phật. Đó là lý do khiến A-nan xuất gia.
Ngay đây, A-nan
đã phát khởi sai lầm.
A-nan xuất gia không phải vì ước nguyện chân chính là tu tập đạo lý nên sau khi xuất gia rồi, A-nan chỉ tập trung vào việc học tập kinh điển. Trước đây tôi đã khuyên quý vị nên chuyển tình yêu vợ chồng trai gái thành lòng yêu thích học tập Phật pháp. Nhưng điều ấy không có nghĩa là chỉ bằng tình yêu không thôi mà có thể chấm dứt được sinh tử.
Quý vị sẽ hỏi: “Chúng con phải làm điều gì?”
Quý vị phải chân thực tu tập chính pháp. Quý vị phải ý thức trọn vẹn những việc quý vị đang làm vào mọi lúc mọi nơi. Quý vị không nên xao nhãng dù chỉ trong thoáng chốc mà phải thường hành trì Phật pháp. Từ sáng sớm cho đến đêm phải nghiên cứu thực hành Kinh Thủ-lăng-nghiêm, phải siêng năng ngồi thiền và nghe giảng Pháp. Đừng khởi vọng tưởng và đừng nói chuyện nhiều, vì chẳng ai có thể giúp được quý vị trong khi học kinh và khi tham thiền. Quý vị nên buộc mọi sinh hoạt của mình vào trong công phu và hy sinh mọi thứ khác để tu học Phật pháp. Như thế thì những kiến thức thu thập được sẽ giúp quý vị có được trí tuệ và chánh kiến.
Nhưng vì A-nan chỉ quan tâm duy nhất đến tình yêu nơi thân thể của Đức Phật, nên không lo tu tập định lực. A-nan nghĩ rằng (như A-nan đã thú nhận trong kinh văn)“Đức Phật là anh em chú bác với con, trong tương lai Đức Phật sẽ trao cho con định lực.” A-nan không nhận ra rằng chẳng ai có thể thay thế cho mình trong khi tu tập, cả thân lẫn tâm. A-nan rất thông minh, có lẽ còn thông minh hơn bất kỳ người nào ở đây. Nhưng khi A-nan tập trung vào việc học tập kinh điển thay vì phí thời giờ vào việc thiền định, tư chất A-nan lại tỏ ra quá lanh lợi. A-nan thông thạo ngôn từ nhưng đó không phải là cốt tủy. A-nan có thể thuộc lòng tất cả các bài pháp Đức Phật đã giảng dạy không hề sai một chữ, nhưng chẳng có được chút định lực nào cả, nên A-nan đã bị hàng phục bởi tà chú “Tiên phạm thiên” của con gái Ma-đăng-già.
Thay vì học hỏi từ trí tuệ, học hỏi sự tỉnh giác, đạo đức của Đức Phật, A-nan chỉ tự mình mô phỏng theo hình tướng của Như Lai. Trong đời trước, có lẽ A-nan quá đắm chấp vào hình tướng, thế nên A-nan chỉ chú ý vào khía cạnh hời hợt của sự vật. Mặc dù A-nan thuộc lòng các kinh Đức Phật đã giảng, nhưng không chú tâm vào chỉ thú Kinh muốn nhắm đến. A-nan quá bận tâm đến hình tướng của Đức Phật đến nỗi ngày nào mà không được nhìn thấy Đức Phật thì ngày đó A-nan không được vui.
Bất kỳ ai muốn đạt được năng lực chánh định, trước hết họ phải từ bỏ luyến ái. Nhưng thay thế tình yêu bằng sự ghét bỏ lại là một lỗi lầm khác. Quý vị nói rằng: “Tôi chẳng yêu thương ai hết cả, tôi xem thường bất kỳ mọi người mà tôi gặp. Hãy tránh xa tôi ra! Tôi muốn ở một mình. Tôi chỉ muốn tự mình tu tập thôi!”
Với thái độ này, quý vị sẽ chẳng bao giờ đạt
được chánh định. Quý vị phải không được quá yêu hoặc quá ghét. Phải nên như là
chẳng có gì khác biệt giữa quý vị và mọi người khác. Mọi người đều bình đẳng.
Nếu quý vị là một, là bình đẳng với mọi người thì còn có ai để yêu thương, còn
ai để ghét bỏ?
Quý vị sẽ nói: “Tôi chẳng thể nào làm nổi chuyện đó được, quá khó!”
Nếu quý vị chịu khó khổ nhọc, quý vị sẽ đạt được tánh chân thực. Nếu quý
vị không chịu khổ nhọc, quý vị không thể nào đạt được. Hãy theo những lời dạy
này, đừng nghe theo những suy tưởng của riêng cá nhân mình.
“Bình thường tâm thị đạo.” Tâm bình đẳng mới khế hợp với đạo. Vì A-nan ưa thích thân tướng trang nghiêm của Đức Phật, nên A-nan có thể từ bỏ sức hấp dẫn sâu đậm của tình ái thế tục và xả bỏ râu tóc để xuất gia. Khi Đức Phật còn tại thế, những vị theo Phật xuất gia, không cần phải cạo tóc. Đức Phật chỉ cần nói : “Lành thay, lành thay, ông nay đã từ bỏ cuộc sống thế tục, để sống đời xuất gia; hãy để cho râu tóc tự rụng và đắp y hoại sắc vào người.”
Ngay sau khi Đức Phật nói xong, râu tóc của vị tỷ-khưu ấy tự rơi xuống, vì Đức Phật đã dùng thần thông khiến cho râu tóc tự rụng. Nay Đức Phật đã nhập niết-bàn, chúng ta phải phát nguyện thọ giới tại giới đàn. Nhưng khi Đức Phật còn tại thế, các tỷ-khưu có được giới thể ngay sau khi Đức Phật nói những lời vắn tắt “Thiện lai! Tỷ-khưu,” họ được đắp giới y liền.
Ở Trung Hoa giới đàn thường kéo dài
trong vòng ba năm. Nhưng rồi ba năm rốt cục cũng được xem là quá dài nên có một
phương pháp khoa học được chấp nhận để đẩy nhanh tiến trình đó, đến nỗi có
người được thọ giới chỉ trong vòng năm mươi ba ngày. Hiện nay có giới đàn chỉ
truyền giới trong vòng mười tám ngày, thậm chí có giới đàn chỉ truyền giới
trong vòng bảy ngày. Thời đại cơ giới đang tiến đến thời đại điện tử, đến mức ở
Ta Yu San, Hồng Kông, giới đàn chỉ cần thời gian ba ngày để truyền giới. Thực
ra, giới đàn truyền giới trong ba ngày là không đúng pháp.
KINH VĂN:
佛言:“善哉阿難。汝等當知一切眾生,從無始來生死相續,皆由不知常住真心性淨明體,用諸妄想; 此想不真故有輪轉。
Phật ngôn:“Thiện tai A-nan. Nhữ đẳng đương tri nhất thiết chúng
sanh, tòng vô thủy lai sanh tử tương tục, giai do bất tri thường trụ chân tâm
tính tịnh minh thể, dụng chư vọng tưởng; thử tưởng bất chân, cố hữu luân
chuyển.
Đức Phật nói: “Lành thay! A-nan. Các ông nên biết tất cả
chúng sinh từ vô thỉ đến nay chịu sanh tử tương tục do vì không nhận ra
chơn tâm thường trụ, thể tánh vốn trong sạch sáng suốt, mà nhận lầm các
vọng tưởng; các vọng tưởng này vốn chẳng chân thật, thế nên bị luân
chuyển.”
GIẢNG:
Đức Phật nói: “Lành thay! A-nan.”
Đức Phật khuyến khích A-nan, bảo rằng A-nan đã làm một việc rất tốt là đã phát tâm xuất gia trở thành một vị tỷ-khưu Rồi Đức Phật nói với các vị Đại tỷ-khưu Đại a-la-hán, đại bồ-tát và tất cả mọi người có mặt trong hội chúng rằng:
Các ông nên biết tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay chịu sanh tử tương tục. Chúng sanh phải trải qua vòng sống chết nối tiếp theo nhau không hề dừng nghỉ, rồi bỏ lại đằng sau một đống xương cao ngất như núi.
Sinh ra rồi chết, chết rồi lại sinh ra, rồi lại chết đi. Quý vị từ đâu đến? Quý vị sẽ đi về đâu? quý vị chẳng thể nào biết được. Quý vị bị sai sử bởi các nghiệp duyên, nghiệp chướng. Quý vị sẽ tái sinh ở chốn nào? Từ trước đến nay quý vị ở nơi đâu? Quý vị chẳng hề biết được mình từ đâu đến đây và rồi mình sẽ đi về đâu sau khi chết?
Quý vị sẽ hỏi: “Tại sao lại có chuyện sống chết?”
Vì quý vị hoàn toàn không hiểu.
Do vì không nhận ra chơn tâm thường trụ.
Chơn tâm thường trụ ấy vốn không lay động, không sinh không diệt, không dơ không sạch, chẳng thể thêm vào hoặc vơi bớt đi. Vì “tâm” này không lay động nên được gọi là “thường trụ.” Vì chẳng có gì làm cho tâm ấy lớn thêm hoặc nhỏ bớt đi nên gọi là “chân.”
Chỉ nhận biết “chân tâm” không thôi, chưa đủ, quý vị còn phải nhận ra:
Thể tánh vốn trong sạch, sáng suốt của chơn tâm thường trụ đó. Đây chính là tự tánh, là Pháp tánh của quý vị. Tự tánh ấy vốn trong suốt và thanh tịnh, soi khắp cả mười phương. Quý vị đã quên bẵng chơn tâm ấy đi. Giống như viên ngọc minh châu dấu trong chéo áo vậy.
Trong kinh Pháp Hoa kể chuyện một trưởng giả rất giàu, có
người con bất hạnh bỏ nhà đi lang thang. Nhưng trước khi người con ra đi, người
cha sợ con mình sẽ bị nghèo túng, khi hết sạch tiền bạc sẽ trở thành kẻ sống
đầu đường xó chợ, nên người cha bí mật khâu một viên ngọc như ý vào trong chéo
áo của người con.
Sau thời gian sống lang thang, như dự đoán của người cha, người con hết sạch tiền bạc, thành một kẻ đói rách lang thang. Nhưng người con không hề biết mình có được một viên ngọc minh châu vô giá nằm trong chéo áo. Thế nên anh ta không thể nào sử dụng của quý báu ấy vào lợi ích cho cuộc đời mình. Bản tánh trong sạch sáng suốt, thường trụ, không dao động, chân thật của chân tâm cũng giống như viên ngọc quý giá ấy vậy. Do vì không biết về nó nên quý vị không thể sử dụng nó vào việc lợi lạc được.
Mà nhận lấy các vọng tưởng.
Quý vị đã sử dụng tâm ý thức để sống, đó là đối tượng của sinh diệt.
Các vọng tưởng này vốn chẳng chơn thật. Nhưng các vọng tưởng này lại điều khiển quý vị khiến cho quý vị mê muội. Nó sai sử quý vị chạy loanh quanh rồi dìm quý vị xuống vũng bùn. Do vì sự hành xử của quý vị đã lấy vọng tưởng làm cội gốc.
Thế nên bị luân
chuyển trong vòng luân hồi bất tận. Nhưng nếu một khi vọng tưởng ấy bị loại
trừ, được chuyển hóa hết sạch trong tâm thì quý vị sẽ nhận ra ngay chân tâm của
mình. Khi ấy sinh tử cũng chấm dứt luôn.
KINH VĂN:
汝今欲研無上菩提真發明性。應當直心詶我所問。十方如來同一道故, 出離生死皆以直心。心言直故,如是乃至終始,地位中間,永無諸委曲相。
Nhữ kim dục nghiên vô thượng bồ-đề chân phát minh tính. Ưng
đương trực tâm thù ngã sở vấn. Thập phương Như Lai đồng nhất đạo cố, xuất li
sanh tử giai dĩ trực tâm. Tâm ngôn trực cố, như thị nãi chí chung thủy, địa vị
trung gian, vĩnh vô chư ủy khúc tướng.
Nay ông muốn thấu rõ quả vị vô thượng bồ-đề và phát minh chân
tánh, ông phải dùng trực tâm đáp ngay lời Như Lai hỏi. Mười phương Như Lai
ra khỏi sinh tử, đều nhờ trực tâm. Do tâm và lời nói đều ngay thẳng như thế,
cho đến khoảng thời gian trước, sau, và thời kỳ trung gian tuyệt nhiên không
có lời nói cong vạy.
GIẢNG:
Kinh Duy-ma-cật nói: “Trực tâm là đạo tràng,” nên Đức Phật dạy A-nan rằng:
Nay ông muốn thấu rõ quả vị vô thượng bồ-đề và phát minh chơn tánh, ông phải trực tâm đáp ngay lời tôi hỏi. Đức Phật muốn nói: “Đừng suy nghĩ, đừng dùng vọng tưởng mà cố gắng tìm ra lời giải đáp đúng đắn. Đừng vật lộn với nó như thể ông đang đánh nhau với tôi và ông phải tìm thủ đoạn nào đó để đánh bại tôi, như thể là trong nghệ thuật quân sự, người ta phải quyết định tính toán phương thức phản công như thế nào để thắng.”
Đức Phật e ngại rằng nếu A-nan cố tìm cách trả lời quanh co, thì sẽ khó đạt được chân lý.
Tại sao trực tâm là đạo tràng?
Ngay trước khi quý vị khởi dậy một niệm tưởng, đó gọi là chân tâm, đó là trực tâm, là đạo tâm, tức đệ nhất nghĩa đế. Đó còn gọi là “đệ nhất niệm,” là sự thật tối sơ ngay trước khi lời nói phát ra. Ngay khi quý vị khởi niệm suy nghĩ mình nên nói điều gì thì ngay đó đã khởi dậy vọng tưởng, không còn bóng dáng của chân tâm nữa. Đó là tâm ý thức, đã hoàn toàn rơi vào “đệ nhị niệm” rồi. Thay vì trả lời tức khắc, dùng trực tâm để biểu hiện điều mình muốn nói thì quý vị suy tính: “A! Ta không nên trả lời như thế kia. Nếu ta nói như thế, ta bị cho là sai. Ta nên nói như thế này đúng hơn.” Rồi quý vị lại suy nghĩ và lại thay đổi ý định lần nữa.
Tại sao khi quý vị nói phải nên dùng “đệ nhất niệm.” Vì mười phương Như Lai ra khỏi sinh tử đều nhờ trực tâm.
Có một bài thơ mô tả về chữ tâm 心 :
“Tam điểm như tinh tượng
Hoành câu tợ nguyệt tà
Phi mao cập đới giác
Tố giác giả do tha.
Tạm dịch :
Ba điểm như vì sao sáng
Nét cong như mảnh trăng non
Từ loài mang lông đội sừng
Cho đến bậc giác ngộ cũng đều do tâm kia mà thành tựu.
Mười pháp giới đều không vượt ra ngoài một niệm lưu xuất từ tâm kia mà có được. Tâm niệm ấy không những khiến cho quý vị rơi vào cõi giới súc sinh mà cũng khiến cho quý vị tu tập thành Phật. Không những chỉ có Đức Phật được thành tựu từ “tâm” này mà cả các loài quỷ thần cũng được tạo nên từ tâm; cho đến chư thiên, các vị a-la-hán và bồ-tát cũng thế. Chẳng hạn như bây giờ quý vị đang tham cứu Phật pháp, đang học kinh Thủ-lăng-nghiêm mà chẳng hề sợ hãi bất kỳ điều gì khó khăn xảy đến. Đó là vì quý vị liên tục gieo trồng hạt giống tâm niệm vào mảnh đất tâm kiên cố từ vô lượng đời trước. Một hạt giống bồ-đề đã bén rễ nên bây giờ quý vị được học Phật pháp. Dĩ nhiên đây chỉ là một niệm từ chân tâm đã được trợ duyên nhờ huân tập và thường xuyên suy nghĩ về nó.
“Ta có nên
theo học Phật pháp hay không?”
Quý vị suy nghĩ đề tài này lui tới mãi cho đến cuối cùng quý vị có quyết định dứt khoát.
Do tâm và lời nói đều ngay thẳng như thế.
“Như thế,” tiếng Hán là như thị 如是, nó có liên quan đặc biệt với “trực tâm,” nó không có nghĩa như cụm từ xuất hiện ở đầu kinh văn này.
Cho đến khoảng thời gian đầu, thời gian
cuối và cả thời kỳ trung gian.
“Thời gian cuối” có nghĩa là sự giác ngộ nhiệm mầu, chứng được quả vị Phật.
“Thời gian đầu” có nghĩa là càn huệ địa, đứng đầu trong Thập tín,
những quả vị này sẽ được bàn kỹ trong phần kinh văn sau.
“Thời kỳ trung gian” là thời gian tu tập dài lâu giữa đoạn càn huệ địa đến khi chứng được quả vị Phật, trải qua các quả vị bồ-tát cho đến Đẳng giác và Diệu giác. Qua suốt thời gian đó, chư Phật trong quá khứ đều tuyệt nhiên không nói lời cong vạy.
Các Đức Phật đều chỉ vận dụng trực tâm, vì thế
nên các Ngài đều thành Phật.
A-nan sẽ không vận dụng được trực tâm để trả lời câu hỏi của Đức Phật, lại trả lời quanh co khiến ông không thể đạt được chân lý. Thế nên Đức Phật trước hết muốn giải thích rõ ràng, đã khuyên A-nan nên trả lời thẳng mà không nên trả lời lộn lạo.
Đức Phật bảo: “Nay Như Lai sẽ giảng bày yếu chỉ pháp
môn tu tập cho ông nghe; Như Lai sẽ giảng giải cách phát minh chơn tánh, giáo
lý ban đầu liên quan đến việc tu chứng quả vị Phật, thế nên ông không nên quá
thờ ơ hoặc tìm những lời quanh co tránh né khi trả lời câu hỏi của Như Lai. Ông
nên dùng trực tâm mà trả lời.
KINH VĂN:
阿難,我今問汝:當汝發心,緣於如來三十二相。將何所見誰為愛樂?
A-nan ngã kim vấn nhữ. Ðương nhữ phát tâm, duyên ư Như Lai tam
thập nhị tướng. Tương hà sở kiến thùy vị ái nhạo?
A-nan, nay tôi hỏi ông: “Ngay khi ông vừa mới phát tâm là do ông
thích ba mươi hai tướng tốt của Như Lai. Vậy ông lấy gì để thấy và ông ưa
thích cái gì?
GIẢNG:
Một lần nữa Đức Phật lại hỏi A-nan:
A-nan, nay tôi hỏi ông: ngay khi vừa mới phát tâm. Khi quyết định xuất gia tu đạo, khi A-nan dùng tâm thức suy nghĩ về hình tướng của Như Lai là do ông thích ba mươi hai tướng tốt của Như Lai. A-nan bị bất ngờ gặp phải câu hỏi này. Đây là ý nghĩa của sự ưa thích ba mươi hai tướng tốt. Thế nên Đức Phật hỏi: Ông lấy gì để thấy và ông ưa thích cái gì?”
KINH VĂN:
阿難白佛言: 世尊如是愛樂用我心目。由目觀見如來勝相心生愛樂,故我發心願捨生死。
A-nan bạch Phật ngôn: Thế tôn! Như thị ái nhạo dụng ngã tâm mục.
Do mục quán kiến Như Lai thắng tướng tâm sanh ái nhạo, cố ngã phát tâm nguyện
xả sanh tử.
A-nan bạch Phật: “Bạch Thế tôn! Sự yêu thích như thế là do tâm
và mắt của con. Do mắt thấy tướng thù thắng của Như Lai nên tâm ưa thích và
phát tâm nguyện xả bỏ sinh tử.”
GIẢNG:
A-nan bạch Phật: “Bạch Thế tôn! Sự yêu thích như thế là do tâm và mắt của con.”
Hầu hết mọi người sẽ cho rằng A-nan trả lời rất đúng, A-nan đã dùng mắt và tâm để thấy Đức Phật. Nhưng theo kinh văn, quý vị sẽ thấy câu trả lời này hoàn toàn sai lầm.
Do mắt thấy tướng thù thắng của Như Lai nên
tâm ưa thích.
Con dùng mắt để nhìn ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của Như Lai nên tâm con phát sinh lòng ưa thích. Con yêu thích cái gì ở thân tướng Như Lai? Con thấy những tướng thù thắng và trang nghiêm tinh khiết nơi thân Như Lai; thân đó chắc chắn chẳng phải được sinh ra từ ái dục.
Và phát tâm xả bỏ sinh tử.
Con muốn theo Phật xuất gia tu đạo, lý do con xuất gia là như thế.
Đó là nội dung câu trả lời của A-nan trước Đức Phật.
KINH VĂN:
佛告阿難: 如汝所說,真所愛樂因于心目,若不識知心目所在, 則不能得降伏塵勞.
Phật cáo A-nan: “Như nhữ sở thuyết, chân sở ái nhạo nhân vu tâm
mục, nhược bất thức tri tâm mục sở tại, tắc bất năng đắc hàng phục trần lao.
Đức Phật bảo A-nan: “Như ông nói, thật chỗ yêu thích là do
tâm và mắt, nếu ông không biết tâm và mắt ở đâu thì không thể nào hàng phục
được trần lao.”
GIẢNG:
A-nan thưa với Đức Phật rằng lý do khiến A-nan quyết định xuất gia là vì A-nan thấy những tướng tốt thù thắng của Đức Phật nên tâm khởi niệm yêu thích.
Đức Phật bảo A-nan: “Như ông nói, thật chỗ yêu thích là do tâm và mắt.
Tuy vậy, quý vị có biết tâm mình ở đâu không? Quý vị có biết mắt mình
có khả năng thấy được hay không? Quý vị có biết mắt ở nơi nào không?
Quý vị phản đối: “Những câu hỏi ấy hoàn toàn là vô lý, mắt ở trên mặt và tâm thì ở trong thân. ai mà chẳng biết điều đó!”
Nhưng đó không phải là chân tâm của quý vị, cũng chẳng phải là cái thấy chân thật của quý vị. Ẩn đằng sau câu hỏi của Đức Phật là tri kiến Như Lai.
Nếu ông không biết tâm và mắt ở đâu thì không thể nào hàng phục được trần lao.
“Trần” có nghĩa là dơ bẩn,
“lao” có nghĩa là nhiễu loạn, xáo trộn. Sự dơ bẩn, ô uế, làm nhiễu loạn tâm
quý vị, nó quấy rối tự tánh của quý vị. Thế nên quý vị không thể nào chuyển hóa
vọng tưởng thành chân tâm được. Nó giống như khi hai đạo quân giao chiến với
nhau, sẽ có một bên thắng trận. Quý vị sẽ chiến thắng nếu quý vị hàng phục được
trần lao, nghĩa là khi quý vị cắt đứt được vòng sinh tử.
KINH VĂN:
譬如國王為賊所侵,發兵討除,是兵要當知賊所在。
Thí như quốc vương vi tặc sở xâm, phát binh thảo trừ, thị binh
yếu đương tri tặc sở tại.
Ví như quốc vưưng, khi có giặc đến xâm chiếm nước mình, muốn
phát binh đi trừ dẹp, thì cần phải biết giặc ở nơi đâu.
GIẢNG:
Đức Phật trình bày một ví dụ: Ví như quốc vương khi có giặc đến xâm chiếm nước mình. Giặc muốn xâm chiếm lãnh thổ, vua muốn phát binh đi trừ dẹp. Chế ngự chúng và đuổi chúng ra khỏi nước mình, nhưng quân đội do vua phái đi cần phải biết giặc ở nơi đâu.
Cũng như vậy, lý do khiến quý vị
không chấm dứt được sinh tử từ vô lượng kiếp là vì quý vị không biết tâm và mắt
ở đâu.
KINH VĂN:
使汝流轉心目為咎。吾今問汝唯心與目今何所在 ?
Sử nhữ lưu chuyển tâm mục vi cữu. Ngô kim vấn nhữ duy tâm dữ mục
kim hà sở tại?
Lỗi lầm là ở tâm và mắt khiến ông bị lưu chuyển. Nay tôi hỏi
ông, riêng tâm và mắt nay ở chỗ nào?
GIẢNG:
Đức Phật càng nói càng thấy đạo lý trong ấy thật đơn giản: “Như Lai sẽ nói rõ hơn cho các ông biết rằng lỗi lầm là ở tâm và mắt khiến ông bị lưu chuyển. Tại sao các ông phải chịu sinh tử? Nguyên nhân nào khiến quý vị bị luân chuyển trong sinh tử, triển chuyển luân hồi vô cùng tận trong vòng lục đạo? Tâm và mắt quý vị phải chịu trách nhiệm. Tâm và mắt đã phạm sai lầm khi làm cho quý vị phải trải qua sinh tử và làm cho quý vị không thể nào đạt được sự tự do. Do chính nó là thủ phạm.
Nay tôi hỏi ông, riêng tâm và mắt nay ở chỗ nào?
“Nói nhanh lên!” Đức Phật khuyến khích A-nan.
KINH VĂN:
阿難白佛言:世尊,一切世間十種異生,同將識心居在身內。縱觀如來青蓮花眼,亦在佛面.
A-nan bạch Phật ngôn: Thế tôn! Nhất thiết thế gian thập chủng dị
sanh, đồng tương thức tâm cư tại thân nội. Túng quán Như lai thanh liên hoa
nhãn diệc tại Phật diện.
A-nan bạch Phật : “Bạch Đức Thế tôn, tất cả mười loài dị sinh ở
trong thế gian đồng cho rằng tâm ở trong thân. Con thấy dù con mắt sen xanh
của Như Lai, cũng nằm ở trên mặt.”
GIẢNG:
Trong phần này của kinh văn, A-nan đã không trả lời với trực tâm. A-nan đang trả lời quanh co. Khi A-nan được Đức Phật hỏi: “Tâm ông ở đâu, mắt ông ở đâu.” A-nan ngơ ngác và không biết phải trả lời ra sao cho đúng. A-nan liền nắm lấy tình huống và nói: Bạch Đức Thế Tôn… Tôi tin rằng lúc ấy A-nan nói rất nhỏ. Tại sao? Vì A-nan không tự tin nơi mình, A-nan không biết mình sẽ nói đúng hay sai, A-nan chỉ đoán mò dựa trên hiểu biết của mình. A-nan còn do dự nói ngập ngừng chứ không dám nói mạnh.
A-nan đưa ra: Tất cả mười loài dị sanh ở trong thế gian. Những điều này sẽ được giảng kỹ ở phần kinh văn sau nên tôi sẽ không nói ở đây. Các loài chúng sinh bao gồm: thai sanh, noãn sanh, thấp sanh và hóa sanh, loài có tưởng, loài không có tưởng… tất cả đều có ghi rõ trong Kinh Kim Cương. Căn bản là như vậy, có tất cả mười hai loại chúng sinh, nhưng ở đây loại chúng sinh không có sắc tướng (vô sắc) và loại không có tưởng (vô tưởng) không được đề cập đến.
Thế nên A-nan nói nhỏ nhẹ: “tất cả mười loài dị sinh ở trong thế gian đồng
cho rằng tâm ở trong thân.
Tâm ở đây là “thức tâm”, là tâm phải chịu sinh diệt, là tâm phân biệt, tâm suy lường. A-nan chẳng chú trọng đến mình, chỉ đề cập đến mười loại chúng sinh, A-nan không nói đến mình vì sợ rằng mình có chút nào sai khác với các loài chúng sinh ấy. Nên A-nan nói: “Tất cả chúng sinh trong mười phương cũng đều như thế cả, không phải chỉ riêng mình con là A-nan , cũng giống như vậy thôi.”
Giọng nói của A-nan hơi hạ thấp xuống một tí, hàm ý rằng: “Rốt cục, tất cả mọi người đều biết rằng tâm ở bên trong…”
Con thấy dù con mắt sen xanh của Như Lai cũng nằm ở trên mặt.
A-nan nói: “khi con cúi về phía trước chăm chú
nhìn vào đôi mắt của Như Lai trong sáng và lớn như hoa sen, nó cũng ở trên mặt
của Đức Phật.” Sự ghi nhận của A-nan ám chỉ một cách vi tế: “thật là đơn giản,
mắt của Như Lai cũng ở trên mặt Như Lai đó thôi, tại sao Như Lai còn hỏi con”
Nhưng A-nan thực sự không dám quả quyết nói ra lời nói ấy.
KINH VĂN:
我今觀此浮根四塵,秖在我面。如是識心實居身內.
Ngã kim quán thử phù căn tứ trần, chỉ tại ngã diện. Như thị thức
tâm thật cư thân nội.
Nay con quan sát các căn thô phù của tứ trần này, chỉ ở trên
mặt con. Và cũng quán sát như vậy, thức tâm thực là ở trong thân con.
GIẢNG:
A-nan thưa: “Bạch Thế Tôn, con mắt sen xanh của Thế tôn là ở trên mặt của Ngài. Nay con quán sát các căn thô phù của tứ trần này đều ở trên mặt của con.
Các “phù căn” là mắt,
tai, mũi, lưỡi đều ở trên mặt. Còn tứ trần là: sắc, hương, vị, xúc. Nó rất rõ
rệt và dễ nhận ra.
Và cũng quán sát như thế, thức tâm thực là ở trong thân con.
Khi con suy nghĩ về điều ấy sâu hơn, tâm thức phân biệt của con có thể nhận biết sự thoải mái hay bực bội, tốt hay xấu. Thực sự thức tâm ấy là ở trong thân con.”
Đó là cách A-nan trả lời câu hỏi của Đức Phật.
KINH VĂN:
佛告阿難:汝今現坐如來講堂。觀祇陀林今何所在? 世尊,此大重閣清淨講堂在給孤園。今祇陀林實在堂外。
Phật cáo A-nan: “Nhữ kim hiện tọa Như lai giảng đường, quán
Kì-đà lâm kim hà sở tại?” Thế tôn thử đại trùng các thanh tịnh giảng đường, tại
Cấp Cô viên. Kim Kì-đà lâm, thực tại đường ngoại.
Đức Phật bảo A-nan: “Nay ông hiện đang ngồi trong giảng đường
cùng Như Lai, ông xem thấy vườn cây Kỳ-đà đang ở chỗ nào?” –Bạch Thế tôn,
giảng đường thanh tịnh nhiều tầng rộng lớn này là ở trong vườn ông Cấp Cô Độc.
Còn rừng Kỳ-đà, đúng là ở bên ngoài giảng đường.
GIẢNG:
Vừa nghe A-nan trả lời rằng tâm ở trong thân còn mắt thì ở trên mặt. Đức Phật không trả lời ngay mà hỏi A-nan câu khác:
Đức Phật bảo A-nan: “Nay ông hiện đang ngồi trong giảng đường cùng Như Lai. Ông xem thấy vườn cây Kỳ-đà đang ở chỗ nào?
Ngay khi ông nhìn thấy rừng của “Kỳ-đà–Hoàng tử chiến
thắng.” Khu rừng ấy ở nơi nào? Đức Phật không có một chỉ định rõ ràng tâm thức
ở trong hay ở ngoài thân, chỉ đưa ra câu hỏi khác để ngăn chặn vọng tưởng của
A-nan.
A-nan trả lời Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, giảng đường thanh tịnh, nhiều tầng, rộng lớn này là ở trong vườn ông Cấp Cô Độc.
Giảng đường rộng lớn, thanh tịnh của Đức Phật là ở trong vườn của ông Cấp Cô Độc.
Còn rừng Kỳ-đà thực là ở ngoài giảng đường. Giảng đường nơi chúng con đang ngồi là ở trong vườn. Còn rừng Kỳ-đà thực là ở bên ngoài giảng đường.
Rồi Đức Phật bảo
A-nan:
KINH VĂN:
阿難,汝今堂中,先何所見? 世尊,我在堂中,先見如來,次觀大眾。如是外望,方矚林園。
A-nan, nhữ kim đường trung, tiên hà sở kiến?
– Thế tôn, ngã tại
đường trung, tiên kiến Như lai thứ quán đại chúng. Như thị ngoại vọng, phương
chúc lâm viên.
A-nan, nay đang ngồi trong giảng đường, trước hết ông thấy gì?
– Bạch Thế tôn, con nay trong giảng đường, trước hết thấy Như Lai, rồi thấy
đại chúng. Như thế nhìn ra ngoài, con thấy được rừng cây.
GIẢNG:
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni nghe A-nan nói rằng các phù căn: mắt, tai, mũi, lưỡi và tứ trần: sắc, thanh, hương, vị là bên ngoài thân (trên thân). Trong khi thức tâm thì A-nan bảo rằng ở trong thân. Rồi Đức Phật lại hỏi vườn Kỳ-đà ở đâu. Nay Đức Phật lại hỏi: “A-nan , nay ông đang ngồi trong giảng đường, trước hết ông thấy gì?”
A-nan vốn đã cho rằng tâm ở trong thân, thế nên
Đức Phật hỏi A-nan thấy gì trước tiên khi ngồi trong giảng đường.
A-nan trả lời: “Bạch Thế Tôn, con nay trong giảng đường, trước hết thấy Như Lai.”
Người đầu tiên con thấy được trong giảng đường là Như Lai, rồi thấy đại chúng, sau đó, con thấy các Đại bồ-tát, Đại a-la-hán, các vị Thanh văn.
Khi nhìn ra ngoài con thấy được rừng cây. Con thấy được rừng cây Kỳ-đà và vườn của ông Cấp Cô Độc.
KINH VĂN:
阿難,汝矚林園,因何有見?
世尊,此大講堂戶牖開豁,故我在堂得遠瞻見。
A-nan, nhữ chúc lâm viên, nhân hà hữu kiến?
– Thế tôn, thử đại
giảng đường hộ dũ khai hoát, cố ngã tại đường đắc viễn chiêm kiến.
A-nan, khi ông thấy rừng cây là nhờ vào đâu mà thấy được?
– Bạch
Thế tôn, do các cửa của giảng đường này mở rộng, nên con ở trong giảng đường
thấy suốt ra ngoài xa.
GIẢNG:
Đức Phật tiếp tục hỏi: A-nan khi ông thấy rừng cây là nhờ vào đâu mà thấy được?
Bằng cách nào mà ông thấy được rừng cây? Nhờ vào cái gì
mà ông có thể thấy được nó? Quý vị sẽ có nhận xét: Dường như Đức Phật càng về
sau càng ít giảng nói đạo lý hơn. Nhưng thực ra trong lời nói của Đức Phật có ý
nghĩa rất sâu xa. Khi chúng ta tham cứu thật sâu sắc, ta sẽ nhận ra đạo lý ấy.
A-nan trả lời:
– Bạch Thế Tôn, do các cửa của giảng đường này mở rộng, nên con ở trong giảng đường thấy suốt ra ngoài xa.
Từ bên trong giảng
đường, con có thể nhìn thấy được rừng cây của Kỳ-đà và vườn của ông Cấp Cô
Độc.
KINH VĂN:
佛告阿難,如汝所言,身在講堂。戶牖開豁遠矚林園。亦有眾生在此堂中,不見如來見堂外者。阿難答言世尊在堂。不見如來能見林泉。無有是處。阿難,汝亦如是.
Phật cáo A-nan, như nhữ sở ngôn, thân tại giảng đường, hộ dũ
khai hoát, viễn chúc lâm viên. Diệc hữu chúng sanh tại thử đường trung, bất
kiến Như Lai kiến đường ngoại giả? A-nan đáp ngôn: Thế tôn, tại đường bất kiến
Như Lai, năng kiến lâm tuyền, vô hữu thị xứ. A-nan, nhữ diệc như thị.
Đức Phật bảo A-nan: “Như ông vừa nói, ở trong giảng đường, do cửa mở rộng, nên có thể nhìn ra thấy được vườn rừng. Liệu có người ở trong giảng đường không thấy Như Lai, mà thấ́y được vật bên ngoài không?
A-nan thưa: “Bạch Thế tôn, ở trong giảng đường, không thấy Như Lai, mà thấy được rừng suối là điều không thể có.”
– Này A-nan, ông cũng như vậy.
GIẢNG:
Đoạn kinh này Đức Phật muốn hỏi vặn lại A-nan.
Đức Phật bảo A-nan: “Như ông vừa nói, ở trong giảng đường, do cửa mở rộng, nên có thể nhìn ra thấy được vườn rừng.”
Ông trả lời hoàn toàn đúng. Ông đang ở trong
giảng đường và ông có thể nhìn thấy được rừng Kỳ-đà và vườn ông Cấp Cô Độc.
Liệu có người ở trong giảng đường không thấy Như Lai mà thấy được vật bên ngoài không?
Liệu có người nào không thấy được Như Lai mà thấy
được vườn rừng bên ngoài giảng đường chăng? Điều ấy có thể được không?” Đức
Phật hỏi A-nan như vậy.
A-nan thưa: “Bạch đức Thế tôn, ở trong giảng đường, chẳng thấy Như Lai, mà thấy được rừng suối là điều không thể có.”
“Nếu có người ở trong
giảng đường,” A-nan đáp: “Người ấy chắc chắn sẽ thấy Như Lai, không có lý gì
người ấy thấy được cảnh vật bên ngoài giảng đường mà không thấy được Đức Phật ở
trong giảng đường.” A-nan trả lời rất quả quyết.
Đức Phật đáp: Này A-nan, ông cũng như vậy.
A-nan nói rằng không
thể có được chuyện một người ngồi trong giảng đường mà không thấy Như Lai trong
đó, Đức Phật tiếp tục bảo với A-nan rằng, A-nan cũng giống như người ở trong
giảng đường mà không thấy được Như Lai, chỉ thấy những cảnh tượng bên ngoài
giảng đường.
KINH VĂN:
汝之心靈一切明了。若汝現前所明了心實在身內。爾時先合了知內身。頗有眾生先見身中後觀外物?
Nhữ chi tâm linh nhất thiết minh liễu. Nhược nhữ hiện tiền sở
minh liễu tâm thực tại thân nội, nhĩ thời tiên hợp liễu tri nội thân. Phả hữu
chúng sanh tiên kiến thân trung hậu quán ngoại vật?
Tâm linh của ông thông suốt rõ ràng tất cả mọi vật. Nếu tâm
hiện tiền thông suốt rõ ràng ấy thật là ở trong thân ông, thì trước hết nó
phải biết được những gì trong thân ông. Liệu có nơi nào thấy được trong thân
trước rồi sau mới thấy cảnh vật bên ngoài chăng?
GIẢNG:
“Tâm linh” có nghĩa tâm là vật tối linh trong tất cả vạn vật và tâm có cái dụng là hiểu biết rõ ràng, rộng khắp mọi vật. Thế mà tâm linh của ông thông suốt rõ ràng tất cả mọi vật thì đó chỉ là cái biết của thức tâm.
Nếu tâm hiện tiền thông suốt rõ ràng ấy thực là ở trong thân ông, thì trước hết
nó phải biết được những gì ở trong thân ông.
Đức Phật đồng ý rằng nếu tâm của A-nan thực ở trong thân, như A-nan nói thì A-nan trước tiên phải biết tất cả những thứ trong thân mình ra sao, cũng giống như người ở trong giảng đường có thể thấy được những gì đang ở trong đó. Nhưng liệu có người nào thấy được trong thân trước rồi sau mới quan sát được cảnh vật bên ngoài chăng?
Đức Phật hỏi A-nan như vậy. Đức Phật biết rằng
A-nan chưa hiểu được, A-nan vẫn hoàn toàn chưa biết được bản thể chơn tâm ra
sao. A-nan vẫn khéo léo vận dụng vọng tưởng, tức thức tâm của mình để trả lời.
Thế nên Đức Phật tiếp tục giảng giải.
KINH VĂN:
縱不能見心肝脾胃,爪生髮長,筋轉脤搖。誠合明了,如何不知。必不內知,云何知外?
Túng bất năng kiến tâm can tỳ vị, trảo sanh phát trưởng, cân
chuyển thân dao, thành hợp minh liễu, như hà bất tri? Tất bất nội tri, vân hà
tri ngoại?
Dù chẳng thấy tim, gan, tỳ, vị… nhưng móng tay mọc ra, tóc
dài, gân chuyển, mạch đập, lẽ ra phải biết rõ. Tại sao chẳng biết? Nếu đã
không biết chuyện bên trong thân, làm sao biết vật ngoài thân?
GIẢNG:
Đức Phật bảo A-nan: “Ông nói tâm ông ở trong thân và khả năng thấy thì ở nơi mắt ông, nhưng nếu tâm ông với tính biết, nằm ở trong thân thì lẽ ra ông biết tim, gan, tỳ, vị… ra sao. Dù chẳng thấy tim, gan, tỳ, vị… lẽ ra ông phải biết những hiện tượng xảy ra bên ngoài như móng tay mọc ra, tóc dài, gân chuyển, mạch đập. Lẽ ra ông phải biết rõ mỗi giây nó mọc được bao nhiêu phần của inch. Thực vậy ông phải biết tất cả về chúng.
Nếu đã không biết những chuyện xảy ra ở bên trong thân, làm sao biết vật ngoài thân?
Tâm ở bên
trong mà ông không hay biết những thứ đang diễn ra bên trong. Thế tại sao ông
không biết những gì đang xảy ra ở bên trong.
KINH VĂN:
是故應知,汝言覺了能知之心,住在身內,無有是處。
Thị cố ưng tri, nhữ ngôn giác liễu năng tri chi tâm, trú tại
thân nội, vô hữu thị xứ.
Thế nên phải biết, ông nói tâm hiểu biết này ở bên trong thân,
là không hợp lý.
GIẢNG:
Đức Phật bảo A-nan, “Lý lẽ của ông không đứng vững.” Vì ông không biết được những gì ở bên trong ông. Thế nên phải biết, ông nói tâm hay hiểu biết này ở bên trong thân, là không hợp lý.
Sau khi dùng những ví dụ
và lý lẽ khác nhau. Đức Phật nói thẳng với A-nan thật là sai lầm khi cho cái
tâm suy lường hiểu biết ấy là ở trong thân ông.
KINH VĂN:
阿難稽首而白佛言: 我聞如來如是法音,悟知我心實居身外。
A-nan khể thủ, nhi bạch Phật ngôn: Ngã văn Như Lai như thị pháp
âm, ngộ tri ngã tâm thật cư thân ngoại.
A-nan cúi đầu đảnh lễ bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn, con nghe
lời khai thị của Như Lai như thế, nên nhận ra tâm con đúng là ở ngoài thân.”
GIẢNG:
Ý của A-nan cho rằng tâm ở trong thân thì không thể đứng vững. Đức Phật đã xốc cho A-nan bật ra khỏi sự mê dại và phá hủy sự cố chấp của A-nan. Thế nên A-nan vốn rất thông thạo lễ nghi, liền cúi đầu đảnh lễ, nghĩa là gieo năm vóc sát đất đảnh lễ Thế Tôn.
Rồi bạch Phật “Bạch Thế Tôn, con nghe lời khai thị của Như Lai như thế, nên nhận ra tâm con thực ở ngoài thân.”
“Tâm con
không ở trong thân con, nó đã chạy ra ngoài, con biết chắc nó ở đâu rồi.” A-nan
tuyên bố như vậy. Người ta không thể nào biết chắc chắn tâm của họ chạy ra
ngoài lúc nào nhưng bây giờ A-nan bỗng nhiên nói rằng đã biết tâm mình ở nơi
nào rồi.
KINH VĂN:
所以者何? 譬如燈光然於室中, 是燈必能先照室內,從其室門後及庭際。一切眾生不見身中,獨見身外。亦如燈光居在室外,不能照室.
Sở dĩ giả hà? Thí như đăng quang nhiên ư thất trung, thị đăng
tất năng tiên chiếu thất nội, tòng kì thất môn hậu cập đình tế. Nhất thiết
chúng sanh bất kiến thân trung, độc kiến thân ngoại. Diệc như đăng quang cư tại
thất ngoại bất năng chiếu thất.
Tại sao? Ví như có ngọn đèn sáng ở trong nhà, trước tiên chắc
chắn phải soi chiếu trong nhà, rồi theo cửa mở, mới chiếu ra ngoài sân. Tất
cả chúng sinh sở dĩ không thấy trong thân, mà chỉ thấy ngoài thân. Cũng
giống như ngọn đèn sáng để ngoài nhà, nên không thể soi chiếu trong phòng
được.
GIẢNG:
Tại sao? “Tại sao con nói tâm con đã chạy ra ngoài?.” Ví như có ngọn đèn sáng ở trong nhà, trước tiên chắc chắn phải soi chiếu trong nhà, rồi theo cửa mở, mới chiếu ra ngoài sân.
A-nan lý luận: “Nếu tâm con ở trong thân, chắc hẳn nó sẽ thấy những gì đang diễn ra bên trong thân con, cũng vậy ngọn đèn ở trong phòng chắc chắn sẽ chiếu sáng căn phòng.”
Tất cả các chúng sinh sở dĩ không thấy trong thân, mà chỉ thấy ngoài thân, cũng giống như ngọn đèn sáng để ngoài nhà, nên không thể soi chiếu trong phòng được.
Đức Phật chỉ
rõ ràng người ta không thể thấy được tim, gan, tỳ, vị…; thế nên A-nan kết luận
rằng tâm ở bên ngoài cũng giống như ngọn đèn để ở ngoài nhà. Đèn ở phía ngoài
nhà nên không thể chiếu sáng được đồ vật ở trong phòng.
KINH VĂN:
是義必明將無所惑,同佛了義.得無妄耶?
Thị nghĩa tất minh tương vô sở hoặc, đồng Phật liễu nghĩa. Đắc
vô vọng da?
Nghĩa này chắc đã rõ ràng, không có gì nghi ngờ và hoàn toàn
đúng với nghĩa rốt ráo của Đức Phật. Như thế không biết có đúng chăng?
GIẢNG:
Nghĩa này chắc đã rõ ràng. A-nan xác định “lý lẽ con trình bày chính xác lắm rồi,” không có gì nghi ngờ. A-nan tiến sâu vào sự phán đoán hoàn toàn đúng với nghĩa rốt ráo của Đức Phật. “Ý của con trùng hợp với nghĩa rốt ráo của Đức Phật. Con chẳng suy nghĩ sai lầm chút nào. Đó chẳng phải là ý kiến của con hay sao? Con tin là Đức Phật sẽ tán thành.
Như thế không biết có đúng chăng?
Thực ra, A-nan vẫn chưa xác quyết: “Con tin chắc rằng lý lẽ này
không sai.”
KINH VĂN:
佛告阿難,是諸比丘適來從我,室羅筏城循乞摶食歸祇陀林。我已宿齋。汝觀比丘一人食時諸人飽不? 阿難答言不也世尊。何以故。是諸比丘。雖阿羅漢軀命不同.云何一人能令眾飽?
Phật cáo A-nan, thị chư tỷ-khưu thích lai tòng ngã, Thất-la-phiệt thành tuần khất đoàn thực, quy kỳ-đà lâm. Ngã dĩ túc trai, nhữ quán tỷ-khưu, nhất nhân thực thời chư nhân bão phủ? A nan đáp ngôn: Phất dã, Thế tôn! Hà dĩ cố? Thị chư tỷ-khưu, tuy a-la-hán, xu mạng bất đồng. Vân hà nhất nhơn, năng linh chúng bão?
Đức Phật bảo A-nan: “Các vị tỷ-khưu vừa rồi cùng Như Lai tuần
tự khất thực trong thành Thất-la-phiệt, nay đã trở về rừng Kỳ-đà. Như Lai đã
thọ trai xong, nay hỏi các tỷ-khưu, khi một người ăn, các người khác có no
không?” A-nan thưa: “Bạch Thế tôn, không thể. Tại sao? Các vị tỷ-khưu này tuy
đã chứng quả a-la-hán, nhưng thân mạng không đồng. Làm sao một người ăn mà tất
cả đều no được?
GIẢNG:
A-nan chắc chắn rằng Đức Phật sẽ tán thành với quan điểm
tâm ở ngoài thân. ai cũng tin chắc Đức Phật sẽ không phê phán quan điểm này.
Đức Phật bảo A-nan: “Các vị tỷ-khưu vừa rồi cùng Như Lai tuần tự khất thực trong thành Thất-la-phiệt, nay đã trở về rừng Kỳ-đà.
Các vị tỷ-khưu theo thứ tự khất thực từng nhà, rồi trở về nghỉ ở vườn cây do Thái tử Kỳ-đà cúng dường. Ở Ấn Độ người dân ăn bằng cách vo tròn từng miếng thực phẩm bằng tay rồi ăn (gọi là đoàn thực), đó cũng là cách mà Đức Phật và các vị tỷ-khưu ăn. Ngày nay ở nước Miến Điện, người ta dùng bình bát, nhưng những người xuất gia vẫn dùng rau và cơm bằng tay phải, không dùng thìa (muỗng) và đũa. Họ nhặt thức ăn bằng tay và vo tròn lại rồi ăn. Đối với họ, ăn lối đó trông rất ngon lành, dù rất ngon nhưng tôi chẳng biết vì tôi chưa ăn thử.
Như Lai đã thọ trai
xong, nay hỏi các tỷ-khưu khi một người ăn, các người khác có no không?”
Như Lai đã thọ trai xong rồi, quan sát đại chúng đang ăn: có một vài vị tỷ-khưu thọ trai chưa xong. Bây giờ nếu chỉ có một người ăn thì những người kia có được no không?
Nếu có ai còn nghi ngờ về điều này, ngày mai chúng
ta hãy thử xem. Chỉ để một mình tôi dùng cơm thôi còn những vị khác hãy nhìn
tôi ăn một lúc rồi xem thử quý vị có no không? Lúc ấy sẽ chứng minh được nghĩa
lý trong kinh.
A-nan thưa: “Bạch Thế tôn không thể. Tại sao?
Câu trả lời có ý phủ định. A-nan e ngại Đức Phật không hiểu ý nên A-nan tiếp tục diễn giải: “Tại vì sao mà con nói họ không thể no khi chỉ có một người ăn.”
Các vị tỷ-khưu này
tuy đã chứng quả a-la-hán nhưng thân mạng không đồng.
Mặc dù các vị tỷ-khưu ấy đã được khai ngộ, họ đều đã có được thần thông, nhưng thân mạng họ vẫn không giống nhau. Hình dáng, khuôn mặt của họ đều khác nhau. Nếu họ là một thì khi một người ăn tất cả đều no. Nhưng họ chưa phải là một, mỗi người có một thân mạng khác nhau.
Làm sao mà một người ăn
mà tất cả đều no được?
KINH VĂN:
佛告阿難:若汝覺了知見之心,實在身外,身心相外,自不相干。則心所知身不能覺;覺在身際,心不能知。
Phật cáo A-nan: Nhược nhữ giác liễu tri kiến chi tâm, thật tại
thân ngoại, thân tâm tương ngoại, tự bất tương can. Tắc tâm sở tri, thân bất
năng giác; giác tại thân tế, tâm bất năng tri.
Đức Phật bảo A-nan: “Nếu cái tâm thấy nghe hiểu biết của ông
thực ở ngoài thân, thì thân tâm tách biệt nhau, tự nó không liên quan với
nhau. Vậy điều gì tâm biết thì thân ắt không biết, và những gì thân biết thì
tâm không thể biết.”
GIẢNG:
Đức Phật bảo A-nan “Nếu cái tâm thấy nghe hiểu biết của ông thực ở ngoài thân, thì thân tâm tách biệt nhau, không liên quan với nhau.
Nếu cái tâm hiểu biết, tính toán, phân biệt, ấy mà ở bên ngoài thân thì chẳng
có gì liên quan giữa hai thực thể với nhau. Nó phải chia ra hai đường, nó không
cùng với nhau một nơi. Thân là thân mà tâm là tâm, thân phải tách rời hoàn toàn
với tâm: “Ông không nên để ý đến việc của tôi”–chúng nói với nhau như vậy– “và
tôi cũng chẳng thèm để ý gì đến ông.”
Vậy điều gì tâm biết thì ắt thân không biết được và những gì thân biết được thì tâm không thể biết.
Thân sẽ không biết đến tâm hoặc bị ảnh
hưởng bởi tâm, còn nếu cái tâm hiểu biết ấy ở trong thân thì tâm sẽ không biết
gì về thân cả.
KINH VĂN:
我今示汝兜羅綿手,汝眼見時,心分別不? 阿難答言,如是世尊。佛告阿難,若相知者,云何在外?
Ngã kim thị nhữ đâu-la miên thủ, nhữ nhãn kiến thời, tâm phân biệt phủ?
A-nan đáp ngôn, như thị Thế-tôn.
Phật cáo A-nan, nhược tương tri giả,
vân hà tại ngoại?
Nay Như Lai đưa cánh tay đâu-la miên cho ông xem, khi mắt ông thấy, tâm ông có phân biệt chăng?”
A- nan thưa: Bạch Thế tôn, đúng vậy.
Đức
Phật bảo A-nan: Nếu thân tâm cùng biết nhau, thế sao ông nói tâm ở ngoài
thân?”
GIẢNG:
Đâu-la miên là tiếng Pali, Hán dịch là tế hương miên.
Cánh tay của Đức Phật có sắc trắng như tuyết, rất mềm và mịn như vải lụa.
Nay tôi sẽ liên hệ đến một chi tiết trong môn nhân tướng học.
Nếu quý vị cầm bàn tay của một người nào mà thấy nó mềm mịn như vải lụa thì
người đó có một tương lai rất tốt, đầy hứa hẹn, hậu vận sẽ rất sang quý. Tay
của những người bình thường rất thô cứng. Chẳng hạn như bàn tay tôi, cứng và
thô như tấm gỗ, không mịn mềm như vải lụa. Tuy nhiên chỉ có bàn tay mềm thôi
không đủ biểu hiện một tương lai tốt đẹp. Sắc diện mới có khả năng quan trọng
biểu lộ vấn đề này. Cái gì là những nét đặc điểm của người anh hùng? Có phải là
dáng dấp mạnh mẽ chăng?
Nói chung, bàn tay phụ nữ mềm hơn bàn tay đàn ông rất nhiều. Nếu
quý vị chưa tin điều này quý vị có thể để ý xem khi lần tới có dịp bắt tay phụ
nữ. Về nam giới tôi đã gặp hai người có bàn tay rất mềm. Vậy mà suốt thời gian
tôi gặp họ, không có người nào biểu hiện dấu hiệu họ là bậc vĩ nhân, vì thân
tướng của họ không tương xứng. Tôi cũng có một vị đệ tử có bàn tay rất mềm dịu,
anh ta không làm việc lao động nặng nhọc, nhưng anh ta cũng rất bình thường.
Một người học trò của tôi, cũng là người bà con, có bàn tay rất mềm nhưng trước
khi tôi đến nước Mỹ anh ta chẳng làm được điều gì vĩ đại. Tôi chẳng biết anh ta
đã thành tựu được trong lãnh vực gì không trong thời đó.
Đức Phật bảo A-nan Nay tôi đưa cánh tay Đâu-la-miên cho ông xem, khi mắt ông thấy, tâm ông có phân biệt không?
Khi mắt ông thấy cánh tay tôi,
tâm ông có biết rằng cánh tay tôi là tay Đâu-la-miên ?
A-nan thưa: “Bạch Thế tôn, đúng thế”
Vâng, mắt con thấy và tâm
con phân biệt. Tâm con liền phân định ngay điều mình ưa thích. Mắt liền biết:
“à, cánh tay Đâu-la-miên của Đức Phật rất đẹp. Đây là ba mươi hai tướng tốt của
Như Lai.”
Đức Phật bảo A-nan “Nếu thân tâm cùng biết nhau, thế sao ông nói tâm ở ngoài thân?”
Nếu tâm ông biết được mắt thấy gì, sao ông lại nói tâm ông ở
ngoài thân? Nếu nó ở ngoài thân làm sao nó lại nhận biết những gì mắt thấy? Dù
vậy hãy chú ý Đức Phật không nói tâm ở bên trong. Nếu tâm đã được xác định rõ
ràng như thế rồi thì đó là sai lầm.
KINH VĂN:
是故應知,汝言覺了能知之心,住在身外,無有是處 。
Thị cố ưng tri, nhữ ngôn giác liễu năng tri chi tâm trú tại thân
ngoại, vô hữu thị xứ.
Thế nên phải biết, ông nói tâm thấy nghe hiểu biết ở ngoài
thân, thật không có lý.
GIẢNG:
Do vì ý kiến của A-nan cho rằng tâm là ở bên trong thân không dứt khoát, nên A-nan chuyển sang ý định cho rằng tâm ở ngoài thân. Đức Thế tôn đã dùng rất nhiều ví dụ để chỉ dạy cho A-nan, nhưng bất hạnh thay, A-nan chỉ biết dùng tâm ý thức của mình để phân tích Phật pháp, mà tâm ấy là đối tượng của sinh diệt. A-nan chưa nhận ra được thể tánh thanh tịnh sáng suốt của chơn tâm thường trụ. Thế nên Đức Phật phê phán A-nan một lần nữa.
Thế nên phải biết, ông nói tâm thấy nghe hiểu biết ở ngoài thân, thật không có lý.
Đức Phật
nói: “Ông sai rồi. Tâm tính toán và tâm hiểu biết ấy không ở bên ngoài thân
ông. Ông hiểu không? Ông lầm rồi!”
KINH VĂN:
阿難白佛言:世尊,如佛所言,不見內故,不居身內。身心相知,不相離故,不在身外。我今思惟知在一處。
A-nan bạch Phật ngôn: Thế tôn! Như Phật sở ngôn, bất kiến nội
cố, bất cư thân nội. Thân tâm tương tri, bất tương ly cố, bất tại thân ngoại.
Ngã kim tư duy, tri tại nhất xứ.
A-nan bạch Phật: Bạch Thế tôn, như lời Phật dạy, vì chẳng thấy
bên trong, nên tâm con chẳng phải ở trong thân. Vì thân tâm đều biết nhau, mà
chẳng rời nhau nên tâm con chẳng phải ở ngoài thân. Nay con suy nghĩ, biết nó
ở tại một chỗ.
GIẢNG:
A-nan suy xét. ‘Nó
lại ở đây rồi’ ! Do vì A-nan còn lo ngại rằng mình sẽ sai lầm.
A-nan bạch Phật: “Bạch Thế tôn như lời Phật dạy,”
A-nan nghĩ
rằng: “con theo Phật xuất gia đã lâu, con lắng nghe những lời chỉ dạy của Đức
Phật, bao gồm những giáo lý mà Đức Phật đã giảng, là những lời khai thị đã được
hiển bày.
Vì thân, tâm đều biết nhau mà chẳng rời nhau, nên tâm con chẳng phải ở ngoài thân.
Nay Đức Phật bảo nó chẳng phải ở ngoài.
Nay con suy nghĩ, biết nó ở tại một chỗ.
Ở bên ngoài thì không đúng. Nay con có một suy nghĩ
khác. ở bên trong cũng không đúng, vậy thì tâm con chắc hẳn phải có một chỗ
riêng biệt.
KINH VĂN:
佛言處今何在。阿難言。此了知心。既不知內而能見外。如我思忖潛伏根裏。
Phật ngôn: Xứ kim hà tại?
A-nan ngôn: Thử liễu tri tâm, ký bất
tri nội, nhi năng kiến ngoại, như ngã tư thổn, tiềm phục căn lý.
Đức Phật hỏi: “Nay ở nơi nào?”
A-nan thưa: “Do tâm rõ biết này
chẳng biết những gì bên trong, mà lại thấy được những thứ bên ngoài. Như con
suy xét, thì nó núp bên trong con mắt.”
GIẢNG:
Đức Phật hỏi: “Nay tâm ở nơi nào?”
À, ông nói tâm chắc là ở một nơi nào đó. Nơi ấy là gì? Tâm ông ở đâu? Nói nhanh lên!”
Đó là nội dung
Đức Phật hỏi A-nan.
A-nan thưa: “Do cái tâm rõ biết này không biết những gì bên trong mà lại thấy được những vật bên ngoài. Như con suy xét thì…
Trước đây, A-nan nói: “Như con suy nghĩ.” A-nan lại nói: “Nay con suy xét.” Đó cũng vẫn là công việc của thức tâm. “Suy nghĩ” hay “suy xét” cả hai đều là cái dụng của tâm ý thức, là đối tượng của sinh diệt. A-nan suy điều gì? Tâm nó núp ở trong con mắt.
Mắt tức là nhãn căn. Tâm ẩn dấu trong bộ phận này. A-nan nói: Tâm bị ẩn dấu nơi đó, khiến người ta không thể nhìn thấy nó được. Nghĩa của chữ “ẩn núp” là như vậy.
Đức Phật không đáp lại ý này ngay lúc đó. Thực ra ý kinh muốn để
cho quý vị rơi vào nơi lơ lững một hồi lâu. Ngày nay, tôi nghe nhiều người cho
rằng họ không hiểu được kinh. Quý vị không hiểu thì chẳng phải nói làm gì, mà
cần một phải nghe trọn vẹn hết kinh văn, thì mới có thể hiểu được. Nếu quý vị
nghe không hết thì làm sao mà hiểu được? Dĩ nhiên là quý vị không thể nào hiểu
được. Nếu quý vị đã hiểu kinh rồi, tại sao đây là lần đầu tiên quý vị đến nghe
giảng kinh? Quý vị không nên nói: “Tôi không hiểu gì cả, tôi không nghe nữa.”
Đó chỉ là vì quý vị không hiểu những điều quý vị đang nghe giảng.
KINH VĂN:猶如有人取瑠璃㼝 合其兩眼,雖有物合,而不留礙。彼根隨見,隨即分別。
Do như hữu nhơn, thủ lưu-ly uyển, hiệp kỳ lưỡng nhãn, tuy hữu
vật hiệp, nhi bất lưu ngại. Bỉ căn tùy kiến, tùy tức phân biệt.
Ví như có người lấy chén lưu ly úp lên con mắt, tuy có vật
phủ lên mà mắt chẳng bị ngăn ngại. Khi mắt thấy được, liền theo đó có sự
phân biệt.
GIẢNG:
A-nan liền đưa ra cho Đức Phật một ví dụ để biện minh cho luận điểm của mình.
Ví như có người lấy chén lưu ly úp lên con mắt, tuy có vật phủ lên mà mắt chẳng bị ngăn ngại.
Thực ra, chẳng có ai làm như thế, nhưng A-nan phát kiến ra có người đeo kính là sát với nghĩa trong kinh văn hơn. Vào thời Đức Phật, kính đeo mắt bây giờ được gọi là chén lưu ly. Kính tuy đeo vào phía trước mắt, nhưng không ngăn ngại, khiến mắt vẫn có thể thấy được vật. Trong ví dụ của A-nan, tâm được biểu thị bằng mắt. Và mắt, nơi A-nan cho rằng tâm ẩn núp trong đó, được biểu thị bằng kính (chén lưu ly). Tâm ta, theo ý của A-nan, là nằm ẩn sau mắt, nhưng mắt không làm cho tâm bị chướng ngại không thể thấy được.
Khi mắt thấy được, theo đó liền có sự phân biệt.
Đó là ngay khi quý vị thấy, tâm liền biết. Sự phân biệt ấy xảy ra nơi nhãn căn (mắt), nơi mà theo A-nan nói, là tâm ẩn núp trong đó. A-nan nghĩ rằng: “Lần này, lý thuyết mà ta vừa phát hiện ra chắc là phải đúng.”
A-nan vẫn còn nghĩ mình rất là thông minh: “Hãy xem tôi thông minh chưa! Mọi điều Đức Phật gạn hỏi, tôi đều trả lời được.” Tại sao A-nan vẫn tiếp tục mắc phải sai lầm? Bởi vì A-nan đã sử dụng thức tâm sinh diệt. Bất kỳ tình huống nào, A-nan luôn luôn dùng cái tưởng để suy xét mọi khía cạnh của sự việc. Sự suy nghĩ của A-nan đã dựa trên sự tưởng tượng phát khởi từ tâm ý thức và A-nan đã tưởng rằng tâm ý thức ấy là chân tâm. A-nan không hề biết rằng chân tâm thì chẳng hiện hữu cũng chẳng không hiện hữu. Chân tâm chính là tự tánh.
A-nan giống như người đã
lạc đường, nên càng đi, càng bị lạc xa hơn; càng đi lạc, càng nghĩ là mình đã
đi đúng đường. Thế nên bây giờ A-nan lại đưa ra những lý lẽ khác với Đức Phật
để biện minh cho ý của mình.
KINH VĂN:
然我覺了能知之心,不見內者,為在根故。分明矚外,無障礙者,潛根內故。
Nhiên ngã giác liễu năng tri chi tâm bất kiến nội giã, vị tại
căn cố. Phân minh chúc ngoại, vô chướng ngại giả, tiềm căn nội cố.
Song cái tâm rõ biết của con chẳng thấy được bên trong, là vì
nó ở trong con mắt. Nhưng nó vẫn thấy được vật bên ngoài rõ ràng không bị
chướng ngại, là vì tâm núp sau con mắt.
GIẢNG:
Song cái tâm rõ biết của con chẳng thấy được bên trong là vì nó ở trong con mắt.
Tại sao tôi không thể thấy được bên trong thân tôi? Là
vì tâm tôi núp trong con mắt rồi?
Nhưng vẫn thấy được vật bên ngoài rõ ràng không bị chướng ngại, là vì tâm núp sau con mắt.
Tại sao tôi chỉ nhìn thấy bên ngoài chứ không nhìn
thấy được bên trong? Là do ở tâm tôi cũng tức là tánh thấy; khả năng để thấy
được, đang ẩn nấp trong con mắt, thế nên không có gì ngăn ngại khi nhìn ra
ngoài. Liệu A-nan có đúng không trong lý luận này? Đoạn kinh văn sau đây sẽ chỉ
bày sáng tỏ vấn đề ấy.
KINH VĂN:
佛告阿難,如汝所言,潛根內者,猶如瑠璃。彼人當以瑠璃籠眼,當見山河,見瑠璃不?
如是世尊,是人當以瑠璃籠眼,實見瑠璃。
Phật cáo A-nan, như nhữ sở ngôn, tiềm căn nội giả, do như lưu ly. Bỉ nhơn đương dĩ lưu ly lung nhãn, đương kiến sơn hà, kiến lưu ly phủ?
Như
thị Thế tôn, thị nhơn đương dĩ lưu ly lung nhãn, thật kiến lưu ly.
Đức Phật bảo A-nan: Như ông vừa nói, tâm núp sau con mắt, như con mắt núp sau chén lưu ly. Vậy người kia sau khi úp chén lưu ly lên mắt, mà xem thấy núi sông, thật có thấy chén lưu ly không?
Bạch Thế tôn:
Đúng thế, khi người ấy úp chén lưu ly lên mắt, thật có thấy chén lưu ly.
GIẢNG:
Khi nghe A-nan dùng ví dụ về chén lưu ly, Đức Phật bảo A-nan: Như ông vừa nói tâm núp sau con mắt, như mắt núp sau chén lưu ly. “Giả sử đúng như cách ông nghĩ.” Đức Phật nói: “và tâm thì núp sau mắt. Vậy người kia sau khi úp chén lưu ly lên mắt mà xem thấy núi sông, thật có thấy chén lưu ly không?
Khi người trong ví dụ này mang kiếng vào để nhìn, rồi họ quan sát núi
sông và đất liền và anh ta vẫn nhìn thấy cặp mắt kiếng. Đó là điều Đức Phật
muốn hỏi A-nan và cách A-nan trả lời câu hỏi của Đức Phật.
KINH VĂN:
佛告阿難:汝心若同瑠璃合者,當見山河,何不見眼。
Phật cáo A-nan: Nhữ tâm nhược đồng lưu ly hiệp giả, đương kiến
sơn hà, hà bất kiến nhãn?
Đức Phật bảo: “Nếu tâm ông giống như con mắt núp sau chén lưu
ly, thì khi xem thấy núi sông, sao ông không thấy con mắt?”
GIẢNG:
Đức Phật bảo A-nan “Khi ông mang kính, ông có thể thấy
được núi sông, đất liền và ông cũng có thể thấy được cả mắt kiếng. Nếu tâm ông
giống như con mắt núp sau chén lưu ly. Nếu tâm ông ở trong con mắt thì mắt ông
sẽ giống mắt kiếng ở trong ví dụ này. Thế nên khi tâm ông thấy được núi sông,
đất liền. Thì khi xem thấy núi sông, sao ông không thấy con mắt?”
Có người sẽ nói: “Con thấy được mắt mình.” Tôi cũng thấy được mắt tôi nếu như tôi nhìn vào gương. Nếu quý vị có thể nhìn được con mắt của chính mình bằng cách hồi quang phản chiếu thì ở đây Đức Phật sẽ tán thành với chúng ta chẳng cần phải tu tập gì nữa cả. Nhưng con mắt thịt của người phàm phu không thể tự thấy chính mắt mình được. Nên mặc dù A-nan đã chứng được quả vị thứ nhất của hàng a-la-hán thì con mắt thịt của A-nan vẫn không thể nào thấy con mắt của chính mình.
Nên Đức Phật hỏi A-nan “Ông lập nên sự so sánh tâm ẩn núp trong mắt giống như mắt bị úp lên chén lưu ly, phải không? Thế thì mắt ông sẽ giống như chén lưu ly trong ví dụ ấy, và vì ông nói rằng ông có thể thấy được chén lưu ly, thế tại sao vào mọi lúc, ông đều không thấy được mắt của chính mình?”
Đó là điều Đức Phật gạn hỏi A-nan .
KINH VĂN:
若見眼者,眼即同境,不得成隨。若不能見云何說言此了知心。潛在根內如瑠璃合?
Nhược kiến nhãn giả, nhãn tức đồng cảnh, bất đắc thành tùy.
Nhược bất năng kiến, vân hà thuyết ngôn, nhữ liễu tri tâm, tiềm phục căn nội,
như lưu ly hiệp?
Nếu thấy được mắt thì mắt đồng như cảnh bị thấy. Như vậy chẳng
thành nghĩa tùy thấy. Còn nếu chẳng thấy con mắt thì tại sao ông lại nói tâm
hiểu biết này núp trong con mắt như con mắt núp sau chén lưu ly?
GIẢNG:
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni gạn hỏi A-nan thêm: “Nếu thấy được mắt thì mắt đồng như cảnh bị thấy.” Đó thật rõ ràng là A-nan không thấy được mắt mình, nhưng Đức Phật ngại rằng A-nan sẽ trở nên lầm lẫn khi A-nan quyết đoán rằng A-nan thấy được mắt mình. Thế nên Đức Phật chỉ ra rằng nếu A-nan thấy được mắt mình, có nghĩa mắt của A-nan là vật ở bên ngoài A nan, không phải là một bộ phận trên thân thể của A-nan. Như vậy chẳng thành nghĩa tùy thấy.
A-nan, ông không nên quyết đoán như vậy, vì khi ông nghĩ như thế thì “nhãn căn theo đó mà thấy được ngay và sự phân biệt cũng theo đó có liền.”
Còn nếu chẳng thấy mắt, tại sao ông nói tâm hiểu biết này núp trong con mắt như con mắt núp sau chén lưu ly?
Nếu ông không thấy được mắt mình? Thì làm sao ông lại
quyết đoán tâm ông ẩn núp sau con mắt như cách mắt mang kính? Ví dụ về chén
lưu ly úp trên con mắt ấy không ổn. Nó hoàn toàn không hợp lý.
KINH VĂN:
是故應知,汝言覺了能知之心潛伏根裏,如瑠璃合。無有是處。
Thị cố ưng tri, nhữ ngôn giác liễu năng tri chi tâm tiềm phục
căn lý, như lưu ly hiệp. Vô hữu thị xứ.
Thế nên phải biết, ông nói cái tâm hiểu biết suốt khắp núp
trong con mắt giống như con mắt nấp sau chén lưu ly. Điều đó vô lý.
GIẢNG:
Thế nên–do những lời Đức Phật giảng giải ở trước–phải biết ông nói cái tâm hiểu biết suốt khắp ấy. Núp trong con mắt giống như con mắt nấp sau chén lưu ly là điều vô lý.
A-nan nói rằng cái tâm hiểu biết rõ ràng
suốt khắp ấy núp trong con mắt là điều vô lý. Lý lẽ của ông không đúng. Ông lại
sai lầm một lần nữa rồi!
KINH VĂN:阿難白佛言,世尊我今又作如是思惟。是眾生身藏腑在中,竅穴居外。有藏則暗,有竅則明。
A-nan bạch Phật ngôn: Thế tôn! Ngã kim hựu tác, như thị tư duy, thị chúng sanh thân, phủ tạng tại trung, khiếu huyệt cư ngoại, hữu tạng tắc ám, hữu khiếu tắc minh.
A-nan bạch Phật: “Bạch Thế tôn, nay con có suy nghĩ như vậy:
thân thể con người, tạng phủ ở trong, khiếu huyệt ở ngoài. Nơi tạng phủ thì
tối, nơi khiếu huyệt thì sáng.
GIẢNG:
A-nan bị Đức Phật quở trách nên liền đưa ra lý luận khác để trả lời câu hỏi của Thế Tôn.
A-nan bạch Phật: “Bạch Thế tôn, nay con suy nghĩ như vậy. Bây giờ con suy nghĩ theo cách này: Thân thể con người, tạng phủ ở trong, khiếu huyệt ở ngoài.
Chữ “con người” trong các câu này nghĩa là sao? chữ này xuất hiện rất nhiều trong kinh văn nhưng chưa được giải thích. Nguyên nghĩa trong kinh văn là chúng sinh (衆 生) có nghĩa là sinh nhiều lần. Nghĩa là đã gây ra vô số nghiệp duyên nên có kết quả là sự sinh ra. Mỗi một quý vị đều không phải được sinh ra từ chỉ một nghiệp duyên mà từ nhiều nhân duyên. Như một vụ mùa cần phải có rất nhiều nhân duyên ngoài yếu tố đơn giản là gieo hạt giống – phải có yếu tố đất đai, ánh sáng mặt trời, mưa. Con người chúng ta cũng được sinh ra từ rất nhiều nhân duyên khác nhau.
“Ngũ tạng” gồm có: tim, gan, tỳ, phổi, thận.
“Lục phủ” gồm: ruột già, ruột non, tam tiêu, túi mật, bao tử, bàng quang.
“Lục phủ” nằm ẩn bên trong, được gọi là “dơ bẩn” vì mọi thứ ở trong đó đều là
phân và nước tiểu.
Còn về khiếu huyệt, con người có bảy khiếu huyệt đó là hai mắt, hai mũi, hai lỗ tai và một miệng – nơi mà quý vị không ngừng tìm cách lấp đầy cho nó. Ngày hôm nay quý vị ăn vào thật no, nhưng ngày mai lại đói. Thế nên quý vị lại ăn để lấp đầy lỗ trống đó nhưng ngày hôm sau quý vị lại đói nữa. Mọi thứ đều đã tiêu mất rồi. Bên trong là sự tiêu hóa những chất mới và loại trừ những chất cũ. Tiến trình này gây cho con người vô số phiền nhiễu. Ăn cũng là việc quá phiền phức. Hãy nghĩ xem nếu quý vị không bỏ ra ba tiếng đồng hồ một ngày để ăn ba bữa thì chúng ta có thể sử dụng thời giờ phụ trội đó để nghe giảng kinh hoặc ngồi thiền. Nhưng vì quý vị phải ăn ba bữa một ngày quý vị phải bị bận rộn suốt ngày chỉ vì để nhét vào lỗ miệng ấy. Nhưng cuối cùng quý vị không bao giờ lấp đầy nó được cả.
Ở nơi tạng phủ thì tối, nơi khiếu huyệt thì sáng.
Vì tạng phủ nằm ẩn trong thân, nên nó bị tối. Làm sao mà người ta biết được
những thứ bên ngoài? Vì nhờ những khiếu huyệt, nên nơi đó thì sáng. Nay A-nan
không đề cập việc ấy như là mắt trong ví dụ trước mà liên hệ với khiếu huyệt.
A-nan quả thật lanh lợi và rất thông minh.
KINH VĂN:
今我對佛,開眼見明,名為見外,閉眼見暗名為見內。是義云何 ?
Kim ngã đối Phật, khai nhãn kiến minh, danh vi kiến ngoại; bế
nhãn kiến ám, danh vi kiến nội, thị nghĩa vân hà?
Nay con đối trước Phật, mở mắt thấy sáng, gọi là thấy bên ngoài,
khi nhắm mắt thấy tối gọi là thấy bên trong. Nghĩa ấy đúng chăng?
GIẢNG:
A-nan thông minh hơn chúng ta rất nhiều. Chúng ta không thể suy nghĩ được nhiều cách để trả lời như thế. Có biết bao nhiêu phương án đã có sẵn trong đầu A-nan rồi. A-nan đưa ý kiến này tiếp theo ý kiến khác. Bất kỳ khi nào Đức Phật hỏi, A-nan đều có được câu trả lời. A-nan luôn luôn có chuyện để nói. Trong đầu A-nan luôn luôn đầy ắp những lý lẽ, ý kiến, tưởng tượng và sự suy xét. A-nan là người nổi bật nhất trong hàng đệ tử Phật về học rộng. Chỗ nào không có đạo lý, A-nan sẽ tạo ra đạo lý. Ông ta có lẽ là một luật sư hạng nhất.
Nay con đối trước Phật, mở mắt thấy sáng gọi là thấy bên ngoài, khi nhắm mắt thấy tối gọi là thấy bên trong.
“Khi con thấy ánh sáng đó gọi là
thấy bên ngoài còn khi thấy tối gọi là thấy bên trong.” A-nan hỏi Phật: nghĩa
ấy có đúng chăng?
KINH VĂN:佛告阿難:汝當閉眼,見暗之時,此暗境界,為與眼對,為不對眼? 若與眼對,暗在眼前,云何成內?
Phật cáo A-nan: Nhữ đương bế nhãn, kiến ám chi thời, thử ám cảnh
giới, vi dữ nhãn đối, vi bất đối nhãn? Nhược dữ nhãn đối, ám tại nhãn tiền, vân
hà thành nội?
Đức Phật bảo A-nan: Khi ông nhắm mắt thấy tối, bóng tối có
sẵn ở trước mắt ông hay sao? Nếu có sẵn trước mắt ông thì bóng tối ấy là ở
trước mắt ông, sao lại nói ở là bên trong?
GIẢNG:
Thay vì nói cho A-nan biết lập luận mới nhất của A-nan là đúng hay sai. Đức Phật chỉ hỏi A-nan câu hỏi khác.
Đức Phật bảo A-nan: “Khi ông nhắm mắt thấy tối…” Ông nói rằng khi ông nhắm mắt lại và thấy tối cho rằng đó là thấy bên trong. Nhưng bóng tối ấy có sẵn ở trước mắt ông hay sao?
Nói cho
tôi biết. Nhanh lên!
Nếu có sẵn ở trước mặt ông thì bóng tối ấy là ở trước mặt ông. Sao lại nói là bên trong.
Sao ông lại nói thấy tối là thấy bên trong?
KINH VĂN:
若成內者。居暗室中無日月燈。此室暗中皆汝焦府。若不對者,云何成見?
Nhược thành nội giả, cư ám thất trung, vô nhựt nguyệt đăng, thử
thất ám trung, giai nhữ tiêu phủ? Nhược bất đối giả, vân hà thành kiến?
Nếu thật ở bên trong thì khi ông vào trong nhà tối không có
ánh sáng mặt trời, mặt trăng hay đèn thì bóng tối trong phòng ấy là từ tam
tiêu và ngũ tạng của ông hay sao? Còn nếu nó chẳng có trước mắt ông thì
làm sao có nghĩa thấy?
GIẢNG:
Nếu thật ở bên trong, Đức Phật tiếp tục “Nếu ông lý luận rằng bóng tối trước mặt ông thực là từ bên trong ông. Thì khi ông vào trong nhà tối, không có ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và đèn thì bóng tối trong phòng ấy là do từ tam tiêu và tạng phủ của ông phát ra.
Bóng tối ấy chắc là xuất phát từ tam tiêu, lục phủ, ngũ tạng của ông. Toàn căn phòng sẽ trở thành các bộ phận trong cơ thể và trong ruột của ông. Tại sao? Vì rất tối và vì ông vừa nói rằng bóng tối mà ông thấy được là bên trong thân ông. Tam tiêu bao gồm thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu. Tam tiêu thuộc về lục phủ. Chức năng của tam tiêu rất quan trọng trong thân thể con người. Nếu bộ phận này bị hỏng, chắc chắn sẽ gây ra bệnh tật rất khó chữa.
Còn nếu nó chẳng phải ở trước mặt ông, làm sao có nghĩa thấy?
Nếu bóng tối chẳng phải ở trước mặt ông, làm sao mà ông thấy được nó? Nếu ông chỉ có thể thấy được những gì ở mắt, thì làm sao ông có thể thấy được những gì phía sau mắt ông?
Đức Phật đang đánh đổ lập luận mới nhất của A-nan từ mọi
khía cạnh và A-nan khó có thể đưa ra thêm một dòng lý lẽ nào để tiếp tục trả
lời Đức Phật.
KINH VĂN:
若離外見,內對所成。合眼見暗,名為身中。開眼見明,何不見面?
Nhược ly ngoại kiến, nội đối sở thành; hiệp nhãn kiến ám, danh
vi thân trung, khai nhãn kiến minh, hà bất kiến diện?
Nếu bỏ qua cái thấy bên ngoài, mà cho rằng con mắt hướng vào
bên trong nên thấy tối, thì khi nhắm mắt thấy tối, gọi là thấy trong thân. Vậy
khi mở mắt thấy sáng sao chẳng thấy được khuôn mặt?
GIẢNG:
Đức Phật tiếp tục hỏi: Nhưng giả sử bỏ qua cái thấy bên ngoài mà cho rằng mắt hướng vào bên trong nên thấy tối. Giả sử có hai loại cái thấy và quý vị có thể hướng vào bên trong để thấy. Thì khi nhắm mắt thấy tối, gọi là thấy trong thân. Vậy khi mở mắt thấy sáng, sao chẳng thấy được khuôn mặt.
“Ông đồng ý là khi thấy được bóng tối có nghĩa là thấy được bên trong
thân, thế khi ông mở mắt để nhìn ra bên ngoài, tại sao ông không thể nhìn thấy
được khuôn mặt của mình và bảo cho tôi biết nó ra sao?” Lưu ý rằng A-nan không
phản đối rằng ông ta có thể thấy khuôn mặt của chính mình trong gương, đó là
điều mà người khác thường làm khi nghe qua cuộc thảo luận này. Có khi họ còn
không có được tấm gương!
KINH VĂN:
若不見面,內對不成。 見面若成,此了知心及與眼根,乃在虛空。 何成在內?
Nhược bất kiến diện, nội đối bất thành. Kiến diện nhược thành,
thử liễu tri tâm, cập dữ nhãn căn, nãi tại hư không, hà thành tại nội?
Nếu chẳng được thấy mặt thì chẳng có cái thấy bên trong. Nếu
thấy được mặt thì cái tâm rõ biết này và con mắt phải ở ngoài hư không, làm
sao ở phía trong được?
GIẢNG:
Nếu chẳng thấy được mặt, thì chẳng có cái thấy ở bên trong. Tôi chỉ hỏi ông nếu ông có thể thấy được mặt mình, thì ông chẳng có gì phải nói nữa cả. Nhưng nếu ông chẳng thể thấy được mặt mình với đôi mắt mở rộng, thì làm sao mà ông có thể nhắm mắt mà thấy được bên trong? Đây là điều ông phải chứng minh. Nhưng lập luận của ông không có nguyên lý căn bản.
Nếu thấy được mặt thì cái tâm rõ biết này và con mắt phải ở ngoài hư không, làm sao ở phía trong được?
“Nếu ông cho rằng ông thực sự có thể thấy khuôn mặt của ông
được, thế thì cái tâm phân biệt và mắt ông không thể nào ở trên mặt ông, thì
ông không thể nào thấy được mặt mình. Nhưng nếu ông thấy được mặt mình thì tại
sao ông nói tâm và cái thấy là ở bên trong?”
KINH VĂN:
若在虛空,自非汝體,即應如來,今見汝面,亦是汝身?
Nhược tại hư không, tự phi nhữ thể, tức ưng Như lai, kim kiến
nhữ diện, diệc thị nhữ thân?
Nếu ở ngoài hư không thì nó chẳng phải là tự thể của ông, thế
nay Như Lai thấy được mặt ông, Như Lai cũng là thân của ông hay sao?
GIẢNG:
Nếu ở ngoài hư không thì nó chẳng phải là tự thể của ông.
Hư không chẳng phải là thân thể của ông nếu tâm và mắt ông đều ở trong hư không thì chúng chẳng có chút nào liên quan với ông. Vậy mà–nếu ông nói chúng nó có sự liên quan với ông. Như ông nói những thực thể tách biệt kia ở trong hư không là bộ phận của thân thể ông. Thế nay Như Lai thấy được mặt của ông, Như Lai cũng là thân của ông hay sao?
Đức Phật bảo A-nan “Nếu ông muốn nói thân và tâm
ông đều ở ngoài hư không thì chúng nó không phải là bộ phận của thân thể ông.
Còn nếu ông nói tâm và mắt của ông đang treo lơ lững ngoài hư không và nó cũng
là bộ phận của thân thể ông thì lẽ ra, Như Lai đang nhìn thấy được gương mặt
ông từ vị trí thuận lợi trong không gian thì nó cũng là một phần của thân thể
ông hay sao? Trong trường hợp đó Như Lai đã hóa thành ông, điều ấy hợp lý
chăng?”
KINH VĂN:
汝眼已知,身合非覺。必汝執言身眼兩覺,應有二知。即汝一身應成兩佛。
Nhữ nhãn dĩ tri, thân hiệp phi giác. Tất nhữ chấp ngôn, thân
nhãn lưỡng giác, ưng hữu nhị tri. Tức nhữ nhứt thân ưng thành lưỡng Phật.
Trong trường hợp đó, khi mắt ông biết thì thân ông vẫn không
biết. Ắt là ông cho thân và mắt đều biết, thì phải thành hai cái biết. Tức là
một thân của ông có thể thành hai vị Phật.
GIẢNG:
Trong trường hợp đó, khi mắt ông biết thì thân ông vẫn không biết. Phải chăng đó là cách đúng đắn? Nếu ông cho thân và mắt đều biết thì phải thành hai cái biết.
Nếu ông khăng khăng cho lý lẽ này là đúng thì theo đó sẽ có hai cái biết, một của thân và một của mắt, mỗi bộ phận phải có một cái biết riêng biệt khác nhau. Tức là một thân ông có thể thành hai vị Phật.
Tại
sao? Vốn chỉ có một cái biết duy nhất để chứng ngộ Phật tánh. Nay ông có hai
cái biết thì ông sẽ trở thành hai vị Phật. Liệu quý vị có thể trở thành hai vị
Phật được không?
KINH VĂN:
是故應知,汝言見暗,名見內者,無有是處。
Thị cố ưng tri, nhữ ngôn kiến ám, danh kiến nội giả, vô hữu thị
xứ.
Thế nên phải biết, khi ông nói thấy tối là thấy trong thân,
điều ấy vô lý.
GIẢNG:
Thế nên phải biết vì những lý lẽ khác nhau vừa được bàn
luận, ông nên biết rằng khi ông nói thấy tối là thấy trong thân, điều ấy vô lý.
Một lần nữa, lý lẽ của ông là không đúng.
KINH VĂN:
阿難言,我常聞佛開示四眾,由心生故種種法生,由法生故種種心生。
A-nan ngôn: Ngã thường văn Phật, khai thị tứ chúng, do tâm sanh
cố, chủng chủng pháp sanh, do pháp sanh cố, chủng chủng tâm sanh.
A-nan thưa: Con thường nghe Đức Phật dạy tứ chúng, do tâm sinh
nên các pháp sinh; do pháp sinh nên các thứ tâm sinh.
GIẢNG:
Nay A-nan lại hỏi Phật: A-nan thưa: Con thường nghe Đức Phật dạy tứ chúng.
Trước đây, A-nan thường đem ý riêng của mình để tưởng tượng ra nơi chỗ của tâm và mắt. Mỗi ý tưởng đều bị Đức Phật bác bỏ. Nên nay không dám trình bày ý riêng của mình nữa mà trích dẫn lời khai thị của Đức Phật. nói: “Con nghe Đức Phật thường khai thị cho tứ chúng.” Tứ chúng là tỷ-khưu, tỷ-khưu ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di. Tỷ-khưu và tỷ-khưu ni là những nam nữ đã xuất gia. Còn ưu bà tắc, ưu-bà-di là những Phật tử tại gia đã thọ nhận năm giới (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu). Ưu bà tắc, Ưu-bà-di còn được gọi là cư sĩ.
Do tâm sinh nên các pháp sinh.
Vì quý vị có tâm – Đức Phật đang nói về tâm ý thức–nên các pháp theo tâm ý thức ấy mà sinh khởi. Đây có nghĩa là sự biểu hiện của thức (thức biến) hiện bày ra mọi hiện tượng. Các pháp vốn không có tự tánh, nó chỉ hiện hữu bởi nhiều yếu tố nhân duyên.
Vì các pháp sinh nên các thứ tâm sinh.
“Vì
nhân duyên sinh ra các pháp, nên mọi tâm ý thức đều sinh khởi. Đây là giáo pháp
mà Thế tôn giảng giải cho con nên chẳng cần nghi nghờ gì nữa.” A-nan nói: “Nay
căn cứ vào giáo pháp Đức Thế tôn đã dạy, con có một suy nghĩ khác.”
KINH VĂN:
我今思惟,即思惟體實我心性, 隨所合處,心則隨有。亦非內外中間三處 。
Ngã kim tư duy, tức tư duy thể, thật ngã tâm tánh, tùy sở hiệp
xứ, tâm tắc tuỳ hữu, diệc phi nội ngoại trung gian tam xứ.
Nay con suy nghĩ, thì cái thể của suy nghĩ ấy thực là tâm con,
tuỳ chỗ hoà hợp, tâm theo đó mà có, chẳng phải ba chỗ trong, ngoài và ở giữa.
GIẢNG:
Nay con suy nghĩ –A-nan lại suy nghĩ nữa. Ông ta suy nghĩ điều gì? Thì cái thể của suy nghĩ ấy thực là tâm con. Cái thể của suy tưởng ấy là tánh của tâm con. Cái nhận thức, hiểu biết ấy là tánh của tâm con (tánh mà A-nan nêu ra đây không phải là tự tánh, thể tánh) mà vẫn còn là tâm ý thức.
Tùy
chỗ hòa hợp, tâm theo đó mà có.
Bất kỳ lúc nào tâm ấy gặp đủ yếu tố nhân duyên, nó liền kết hợp với những yếu tố nhân duyên đó mà hiện hữu. Bất kỳ khi nào những yếu tố này kết hợp với nhau, ở đó có sự hiện hữu của tâm. Nếu không có sự kết hợp của các yếu tố nhân duyên thì tâm không hiện hữu.
Chẳng phải ba chỗ trong ngoài và chặng giữa.
Tâm chẳng phải ở trong, chẳng phải ở ngoài, chẳng phải ở giữa. Đúng hơn, bất kỳ khi nào hội đủ yếu tố nhân duyên thì tâm hiện hữu. Nếu không hội đủ nhân duyên thì có lẽ chẳng có tâm.
Một lần nữa, những gì A-nan trình bày dường
như đúng nhưng lại sai. A-nan vẫn chưa nhận thức được về tâm một cách rõ ràng.
Thế nên:
KINH VĂN:
佛告阿難,汝今說言由法生故種種心生。隨所合處,心隨有者。是心無體,則無所合。若無有體而能合者,則十九界因七塵合。是義不然。
Phật cáo A-nan: Nhữ kim thuyết ngôn do pháp sinh cố chủng chủng
tâm sanh. Tuỳ sở hợp xứ, tâm tuỳ hữu giả. Thị tâm vô thể, tắc vô sở hợp. Nhược
vô hữu thể nhi năng hợp giả, tắc thập cửu giới nhân thất trần hợp. Thị nghĩa
bất nhiên.
Đức Phật bảo A-nan: Nay ông nói do pháp sanh nên các thứ tâm
sanh, tùy chỗ hòa hợp, tâm tùy theo đó mà có. Tâm ấy nếu không có tự thể,
chắc là không có chỗ hòa hợp. Nếu không có tự thể mà hòa hợp thì cũng
giống như giới thứ mười chín hòa hợp với trần thứ bảy. Nghĩa ấy không đúng.
GIẢNG:
Đức Phật sử dụng lại lập luận của A-nan để trả lời. Đức Phật bảo A-nan: Nay ông nói do pháp sanh nên các thứ tâm sanh, tùy chỗ hòa hợp, tâm tùy theo đó mà có.
Ông nói rằng tâm hiện hữu bất kỳ lúc nào hòa hợp với các pháp. Nếu không có sự hòa hợp thì dĩ nhiên tâm không hiện hữu. Đó là cách ông lập luận. Nhưng tâm ấy nếu không có tự thể, chắc là không có chỗ hòa hợp.
Nhưng cái tâm ông đang đề cập đến ấy có tự thể chăng? Nếu nó không có tự thể hoặc không có hình tướng thì nó không thể hòa hợp với các thứ khác. Nếu nó không có sắc tướng thì nó sẽ nương vào đâu mà hòa hợp?
Nếu không có tự thể mà
hòa hợp được,
Sẽ vô lý nếu cứ khăng khăng rằng nó có thể hòa hợp được với mọi vật mặc dù nó không có tự thể, nhưng giả sử ông cứ khăng khăng như thế thì cũng giống như giới thứ mười chín hòa hợp với trần thứ bảy. Nghĩa ấy không đúng.
“Vốn chỉ có mười tám giới nay thành ra có mười chín giới. Giới vừa mới phát sinh thêm, như ông vừa lập luận, là do tâm ông hiện hữu. Mười tám giới là gì? Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là sáu căn cộng với sáu trần là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp và khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần sẽ sinh ra khởi sáu thức là: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Tổng cộng là mười tám giới. Sáu căn và sáu trần tiếp xúc nhau gọi là mười hai xứ (thập nhị xứ) hay mười hai lối vào (thập nhị nhập).”
Đức Phật chỉ ra sự thêm
thắt hợp lý trong lập luận của A-nan là sự hiện hữu của giới thứ mười chín, nơi
mà giả sử như cái tâm-không-có-tự-thể ấy “hiện hữu khi nó hòa hợp với vật.”
Những vật mà tâm hòa hợp cũng giống như trần thứ bảy, nghĩa này vẫn không đúng.
A-nan phạm sai lầm thêm một lần nữa.
KINH VĂN:
若有體者如.汝以手自挃 其體。汝所知心為復內出為從外入。若復內出還見身中。若從外來先合見面.
Nhược hữu thể giả, như nhữ dĩ thủ tự trất kỳ thể, nhữ sở tri tâm
vi phục nội xuất, vi tùng ngoại nhập? Nhược phục nội xuất, hoàn kiến thân
trung. Nhược tùng ngoại lai tiên hợp kiến diện.
Nếu tâm có tự thể, khi ông lấy tay gãi trên thân thì tâm ông
có nhận ra cái biết từ bên trong thân ra, hay do ngoài thân mà có? Nếu từ
trong thân ra thì phải trở lại thấy trong thân. Nếu từ ngoài vào thì trước
hết phải thấy được mặt của ông.
GIẢNG:
Bây giờ Đức Phật giải thích lý do tại sao ngài cho rằng A-nan mắc sai lầm một lần nữa.
Nếu tâm có tự thể Đức Phật nói rõ thật là vô lý khi nói tâm không có tự thể. Nhưng nếu như tâm có tự thể, nếu tâm quý vị có tâm thể thì: Khi ông lấy tay tự gãi trên thân thì tâm ông có nhận ra cái biết là từ trong thân ra hay do ngoài thân mà có?
Có phải chăng tâm xuất hiện từ bên trong
hay thể tánh của tâm là từ bên ngoài đi vào? Trước tiên ông cứ cho rằng tâm ông
là ở bên trong. Nhưng bây giờ thì ông không cho nó là ở bên trong, bên ngoài
hay ở giữa nữa. Thế thì nó ở đâu? Phải chăng tâm ông sẽ hiện hữu khi tùy chỗ hòa
hợp với vật? Tâm ông có biết khi mình gãi trên thân, thì cái biết ấy là từ
ngoài vào hay từ trong ra?
Nếu nó từ trong thân ra thì nó phải thấy trở lại trong thân. Đã chứng tỏ được rằng tâm không thể ở bên trong, vì nếu ở bên trong thì nó phải thấy được những thứ ở trong thân.
Nếu nó từ ngoài vào thì trước hết nó phải
thấy được mặt của ông.
Nếu tâm ông ở bên ngoài thì lẽ ra nó phải thấy được mặt ông, trước khi nhận ra chỗ ông gãi vì ngứa, tâm ông có thấy được mặt của mình không?
A-nan trở nên bối rối khi Đức Phật nêu lên điểm này.
KINH VĂN:
阿難言:見是其眼,心知非眼,為見非義。
A-nan ngôn: Kiến thị kỳ nhãn, tâm tri phi nhãn, vi kiến phi
nghĩa.
A-nan thưa: Thấy là ở con mắt, còn cái biết nơi tâm thì không
phải do mắt, (Thế tôn nói) tâm thấy là không hợp lý.
GIẢNG:
A-nan quyết đoán rằng lời giải thích của Đức Phật là quá phi lý bởi vậy nên A-nan không đồng ý và bắt đầu phản bác:
A-nan thưa: Thấy là
ở con mắt. Còn cái biết nơi tâm thì không phải do mắt”
Mắt thấy sự vật, tâm chỉ biết các sự vật ấy mà thôi. (Thế tôn nói) tâm thấy là không hợp lý.
Quý vị cho rằng tâm thấy là hoàn toàn sai lầm, hoàn toàn không hợp lý. Trước đây, Đức Phật đã quở trách A-nan và nói: “Thật không có nghĩa ấy.” Nay A-nan đáp lại với lời phê phán y như vậy. “Như Lai nói rằng nếu tâm có từ bên ngoài thì lẽ ra nó phải thấy khuôn mặt. Nhưng tâm chỉ có thể biết, nó không thể thấy được, thấy được là do mắt.”
A-nan càng lý luận càng
lạc xa mục tiêu.
KINH VĂN:
佛言:若眼能見,汝在室中門能見不? 則諸已死,尚有眼存,應皆見物。若見物者,云何名死。
Phật ngôn: Nhược nhãn năng kiến, nhữ tại thất trung, môn năng
kiến phủ? Tắc chư dĩ tử, thượng hữu nhãn tồn, ưng giai kiến vật. Nhược kiến vật
giả, vân hà danh tử?
Đức Phật bảo: Giả sử như mắt có thể thấy thế khi ông ở trong
nhà, cái cửa có thể thấy được chăng? Cũng thế, khi người chết, mắt họ vẫn
còn, lẽ ra vẫn còn thấy được vật. Nếu thấy được vật, sao gọi là chết?
GIẢNG:
Đức Phật bảo: Giả sử như mắt có thể thấy thế khi ông ở trong nhà, cái cửa có thể thấy được chăng?
Những cánh cửa trong phòng có thể nhìn thấy được cảnh vật chăng?
Cũng thế, khi người chết mắt họ vẫn còn, lẽ ra
vẫn còn thấy được vật. Nếu thấy được vật sao gọi là chết?
Thực vậy, dĩ nhiên khi quý vị chết rồi thì mắt không còn thấy được nữa, cho dù thể trạng của mắt vẫn còn nguyên. Nếu như sau khi chết mắt vẫn còn thấy được thì làm sao mà gọi là chết?
Nhưng thời đại ngày nay, mắt của người chết lại được móc ra rồi cất vào ngân hàng mắt. Nó vẫn còn sử dụng được. Điều này có chứng minh được gì về lý giải của Đức Phật trong kinh này chăng khi nói mắt không thể nhìn thấy được nữa sau khi chết ?
Cho dù mắt ấy còn có thể
thấy được, cũng cần phải có thêm năng lực của tánh giác sáng suốt của con người
nữa mới khiến cho mắt có thể thấy được. Mắt cũng giống như những khung cửa, tự nó
không thể thấy được. Nó như cơ thể trong suốt, giống như những cửa sổ, qua đó
người ta có thể nhìn thấy được cảnh vật. Còn trong cơ thể của người đã chết,
không còn sinh lực gì nữa.
KINH VĂN:
阿難又汝覺了能知之心,若必有體,為復一體,為有多體?
今在汝身,為復遍體,為不遍體?
A-nan, hựu nhữ giác liễu năng tri chi tâm, nhược tất hữu thể, vi phục nhứt thể, vi hữu đa thể?
Kim tại nhữ thân, vi phục biến thể, vi bất biến
thể?
Lại nữa A nan, nếu tâm hiểu biết của ông có tự thể, thì có một thể hay nhiều thể?
Nó ở nơi thân ông là khắp cả thân hay chẳng khắp cả
thân?
GIẢNG:
Đức Phật tiếp tục giảng giải cho đệ tử: Lại nữa, A-nan, nếu tâm hiểu biết của ông là có tự thể. Nếu ông quả quyết cho rằng cái tâm suy lường phân biệt được mọi thứ ấy có tự thể, thì (tâm ấy) có một thể hay có nhiều thể? Cái tâm của ông ấy chỉ có một thể hay có nhiều thể? Tâm ấy ở nơi thân ông, là khắp cả thân hay chẳng khắp cả thân?
Cái thể này nó ở nơi đâu trong thân ông? Nó có ở khắp nơi thân ông hay không?
KINH VĂN:
若一體者。則汝以手挃一肢時。四肢應覺。若咸覺者,挃應無在。若挃有所,則汝一體,自不能成。
Nhược nhứt thể giả, tắc nhữ dĩ thủ, trất nhứt chi thời, tứ chi
ưng giác. Nhược hàm giác giả, trất ưng vô tại, nhược trất hữu sở, tắc nhữ nhứt
thể, tự bất năng thành.
Nếu tâm chỉ có một thể thì khi ông lấy tay gãi một chỗ trên
thân thì lẽ ra các nơi khác trên thân đều có cảm giác. Nếu tất cả thân
phần đều có cảm giác, thì chỗ gãi không nhất định. Nếu chỗ gãi nhất định thì
nghĩa tâm có một thể là không hợp lý.
GIẢNG:
Nếu tâm chỉ có một thể thì khi ông lấy tay gãi một chỗ trên thân thì lẽ ra các nơi khác trên thân đều có cảm giác.
Chúng ta hãy giả định rằng nếu như tâm có một thể, cư trú ngay trong tâm mình. Thì khi quý vị dùng tay gãi lên một chỗ trên chân hoặc tay mình, lẽ ra cả hai tay và hai chân đều phải có cảm giác.
Tại sao? Vì quý vị nói rằng chỉ có một tâm duy nhất. Nhưng thực ra, nếu quý vị gãi lên một chi phần thân thể thì lẽ ra chỉ có riêng chi phần ấy có cảm giác thôi, ba chi phần kia phải hoàn toàn không biết chỗ gãi.
Nếu tất cả thân phần đều có cảm giác thì chỗ gãi không nhất định.
Nếu ông nói rằng khi gãi vào một chân, thì chân kia và cả hai tay đều biết, cớ sao ông lại cho rằng chỉ có một chỗ gãi duy nhất trên thân? Vì toàn thân có cảm giác như thể được gãi khắp nơi trên thân.
Nếu chỗ gãi không nhất định, thì nghĩa tâm có một thể không hợp lý.
Nếu quý vị có cảm giác chỗ
gãi chỉ là một nơi nhất định trên thân thì quý vị không thể lập luận rằng tâm
chỉ là một thể duy nhất trong toàn thân.
KINH VĂN:
若多體者,則成多人。 何體為汝?
Nhược đa thể giả, tắc thành đa nhân. Hà thể vi nhữ?
Nếu có nhiều thể thì thành ra có nhiều người. Vậy thể nào là
của ông?
GIẢNG:
Nếu có nhiều thể. Đoạn này giải thích tại sao ba chi phần
thân thể kia không nhận được cảm giác khi ta gãi ở chi phần thứ tư. Nếu nhận
được cảm giác ấy thì thành ra có nhiều người. Nếu tâm ông có nhiều tâm thể thì
trong ông không chỉ là một người. Vậy trong trường hợp ấy, Thể nào là của ông?
KINH VĂN:
若遍體者,同前所挃。若不遍者,當汝觸頭,亦觸其足。頭有所覺足應無知。今汝不然。
Nhược biến thể giả, đồng tiền sở trất; Nhược bất biến giả, đương
nhữ xúc đầu, diệc xúc kỳ túc. Đầu hữu sở giác, túc ưng vô tri. Kim nhữ bất
nhiên.
Nếu ở khắp thân thì như đã nói trước đây (chỗ gãi không nhất
định), nếu chẳng khắp thân thì khi ông xoa đầu rồi sờ chân, nếu đầu biết thì
chân phải không biết. (Nhưng) trường hợp này không đúng với ông.
GIẢNG:
Nếu ở khắp thân thì như đã nói trước đây (chỗ gãi không nhất định).
Đức Phật kiên nhẫn nhắc lại lời giải thích ở trước. Nếu ông nói rằng tâm ông là một thể duy nhất biến khắp thân ông thì lẽ ra khi ông gãi ở một nơi thì toàn thể mọi phần thân thể phải nhận được cảm giác.
Nếu chẳng khắp thân thì khi ông xoa đầu rồi sờ chân, nếu khi đầu biết thì chân phải không biết. Nhưng trường hợp này không đúng với ông.
Nhưng nếu ông nói rằng tâm ông không
bao trùm khắp thân thì chân ông sẽ không có được cảm giác khi ông xoa đầu.
Nhưng dù ông có xoa đầu hay không thì chân ông vẫn có cảm giác khi tiếp xúc với
mọi vật. Thế nên không thể nói tâm ở khắp trên thân và cũng không thể nói tâm
chẳng bao trùm khắp thân.
KINH VĂN:
是故應知,隨所合處,心則隨有,無有是處。
Thị cố ưng tri, tùy sở hiệp xứ, tâm tắc tùy hữu, vô hữu thị xứ.
Thế nên phải biết, tùy chỗ hòa hợp, tâm theo đó mà hiện hữu
là không hợp lý.
GIẢNG:
Thế nên phải biết, tùy chỗ hòa hợp, tâm theo đó mà hiện
hữu là không hợp lý. Đây là lần thứ năm A-nan cố gắng hết sức mình để xác định
tâm mình ở đâu và Đức Phật một lần nữa chỉ bày những lý lẽ của hàng đệ tử đưa
ra là không có căn cứ.
KINH VĂN:
阿難白佛言:世尊我亦聞佛與文殊等諸法王子談實相時,世尊亦言:心不在內,亦不在外。
A-nan bạch Phật ngôn: Thế tôn, ngã diệc văn Phật dữ Văn-thù đẳng
chư pháp vương tử, đàm thật tướng thời, Thế tôn diệc ngôn: Tâm bất tại nội,
diệc bất tại ngoại.
A-nan bạch Phật: Bạch Thế tôn, con được nghe khi Thế tôn cùng
với ngài Văn-thù-sư-lợi và các vị pháp vương tử bàn về nghĩa thực tướng, Thế
tôn nói: Tâm chẳng phải ở trong, cũng không phải ở ngoài.
GIẢNG:
A-nan lại dùng lời Phật dạy để làm căn cứ cho luận điểm của mình, để chứng minh cho ý kiến của mình là thông lợi.
A-nan bạch Phật: “Bạch Thế tôn con được nghe Thế tôn cùng với Ngài Văn-thù-sư-lợi và các vị Pháp vương tử bàn về nghĩa thực tướng.
“Đây chính là những lời Đức Phật đã giảng
giải chứ không phải là những lời con bịa ra. Chính Thế tôn đã nói như vậy.”
Ngay khi A-nan vừa mở miệng trình bày, A-nan liền muốn biện minh cho luận điểm của mình bằng cách viện dẫn lời dạy của Đức Phật. Quả là A-nan có rất nhiều biện tài.
Văn-thù-sư-lợi là Bồ-tát Diệu Cát Tường, còn gọi là Bồ-tát Diệu Đức. Ngài cùng với Bồ-tát Quán Thế Âm, vị Bồ-tát thường lắng nghe âm thanh ở thế gian và Bồ-tát Phổ Hiền, vị Bồ-tát biểu tượng cho nguyện lực vĩ đại, là các vị Đại Bồ-tát, là những Pháp vương.
Thế nào là nghĩa “thực tướng”? Thực
tướng nghĩa là tướng chân thực, cũng còn gọi là chân tâm hằng có của chúng ta
xưa nay.
Thực tướng có ba nghĩa:
Vô tướng tức là thực tướng. Tức là không có một tướng hư vọng nào cả. Nhưng mà bản thể của nó chẳng phải là không.
Nhưng không có gì là không có tướng. Vô tướng chính là thực tướng. Tức là tùy duyên mà hiện hữu. Hết thảy các sự hiện hữu mầu nhiệm trên thế gian vốn đều chẳng phải là không có tướng.
Nhưng chẳng phải vô tướng là thực tướng. Tức là chân
không nhưng chẳng ngại diệu hữu. Diệu hữu chẳng ngại chân không. Như thật muốn
nói đến sự hiện hữu chân thực, ắt phải dứt tuyệt hẳn các tướng, rời hẳn các
danh xưng, vì thực tướng vốn chẳng dính một vật.
Như thật muốn nói đến hết thảy đều là không thì điểm linh quang từ chân tâm vốn chẳng phải mê mờ, ứng dụng thảy đều tự tại.
Thế tôn cùng Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói về thực tướng, nó chẳng phải ở trong, chẳng phải ở ngoài, tức nói về chân tâm vốn không hình tướng, bản nhiên vốn thường thanh tịnh, rời xa tất cả hình tướng.
Chân tâm vốn đã vô tướng, vốn không có nơi chốn, nên
không thể nói ở trong hay ở ngoài được. Lại nữa, chân tâm vốn tròn đầy, bao
trùm khắp chốn, giống như hư không. Nên tuy không ở nơi nào, nhưng không nơi
nào mà chẳng có.
Thế tôn nói: “Tâm chẳng phải ở trong, cũng không phải ở ngoài.”
Hàm ý của A-nan trong câu này là: “Bạch Thế tôn đây chính là lời của Thế tôn
từng nói. Nay con chỉ lặp lại. Sao Thế tôn cho đó là sai?”
KINH VĂN:如我思惟,內無所見,外不相知。內無知故,在內不成。身心相知,在外非義。今相知故,復內無見,當在中間。
Như ngã tư duy, nội vô sở kiến, ngoại bất tương tri, nội vô tri
cố, tại nội bất thành, thân tâm tương tương tri, tại ngoại phi nghĩa, kim tương
tri cố, phục nội vô kiến, đương tại trung gian.
Theo con suy nghĩ, nếu tâm ở bên trong mà không thấy được vật
bên trong, còn ở ngoài thì tâm và thân chẳng biết nhau. Vì tâm không biết ở
trong, nên nghĩa ở trong không hợp lý. Vì thân tâm biết nhau, nên nói tâm ở
ngoài cũng chẳng phải. Nay vì thân tâm biết nhau, và lại cũng không thấy
được bên trong, nên tâm chắc chắn ở giữa.
GIẢNG:
Theo con suy nghĩ: Nay con suy nghĩ kỹ một lần nữa. Nếu tâm ở bên trong mà không thấy được vật bên trong.
Khi nói tâm ở bên trong, phải hàm ý rằng tâm có thể thấy được trong thân.
Còn ở ngoài thì thân và tâm chẳng
biết nhau.
Đức Phật đã chỉ rằng nếu tâm ở ngoài thân thì thân tâm lẽ ra chẳng biết nhau.
Vì tâm không biết ở trong, nên nghĩa ở trong không hợp lý.
Do tâm không biết được những gì ở bên trong thân, nên không thể nói được rằng tâm ở trong thân.
Vì thân và tâm biết nhau nên nói tâm ở ngoài cũng chẳng phải.
Thân và tâm cùng chia xẻ với nhau cái biết. Như Đức Phật vừa giảng giải, chỉ ra cho A-nan rõ thân tâm cùng biết nhau khi mắt thấy bàn tay Phật và tâm nhận biết bàn tay ấy. Nếu thân tâm ngoài nhau, thì sẽ không có cùng tánh biết ấy. Thế nên thân tâm không thể ở ngoài nhau được.
Nay vì thân tâm biết nhau, và lại cũng không thấy được bên trong.
Bây giờ con mới hiểu được
điều này. Con nhận ra tâm con chắc chắn là ở giữa. A-nan bây giờ quả quyết rằng
tâm mình ở giữa. Nói chắc chắn ở giữa là chỗ nào thì A-nan không nói được. Đó
là chỗ ở giữa trong thân, hay là ở giữa phía ngoài của thân. Đó là lý do mà Đức
Phật tiếp tục gạn hỏi A-nan.
KINH VĂN:
佛言:汝言中間,中必不迷,非無所在。今汝推中,中何為在? 為復在處,為當在身?
Phật ngôn: Nhữ ngôn trung gian, trung tất bất mê, phi vô sở tại.
Kim nhữ suy trung, trung hà vi tại? Vi phục tại xứ, vi đương tại thân?
Đức Phật bảo: Ông nói tâm ở giữa, chỗ ấy hẳn là không phải
bỗng dưng mà có, hoặc không có vị trí nhất định. Nay ông phải xét kỹ, điểm
giữa ấy là nơi nào? Là tại cảnh bên ngoài, hay là ở trên thân?
GIẢNG:
Đức Phật bảo: Ông nói tâm ở giữa, chỗ ấy hẳn là không phải bỗng dưng mà có, hoặc không có vị trí nhất định.
Chỗ giữa mà ông nói phải có một nơi chốn nhất định, phải biết chắc chắn về nó. Do vậy nay ông phải xét kỹ điểm giữa ấy là nơi nào?
Phải suy nghĩ về câu hỏi này thật kỹ. Đức Phật nhấn
mạnh vào điểm này.
Điểm giữa ấy là nơi nào? Là tại cảnh bên ngoài hay là ở trên thân?
Điểm giữa ấy là một nơi nào đó ở cảnh vật bên ngoài hay là ở nơi thân
ông?
KINH VĂN:
若在身者,在邊非中,在中同內。若在處者,為有所表,為無所表? 無表同無,表則無定。
Nhược tại thân giả, tại biên phi trung, tại trung đồng nội.
Nhược tại xứ giả, vi hữu sở biểu, vi vô sở biểu? Vô biểu đồng vô, biểu tắc vô
định.
Nếu điểm giữa ấy ở nơi thân, khi ở một bên thân thì chẳng phải
là ở giữa, nếu ở giữa thân thì đồng như ở trong thân. Nếu điểm giữa là nơi
cảnh (xứ), thì điểm ấy nêu ra được hay không nêu ra được? Nếu không nêu ra
được thì đồng như không có, còn nêu ra được thì điểm ấy không có vị trí
nhất định.
GIẢNG:
Nếu điểm giữa ấy ở nơi thân, khi ở một bên thân thì chẳng phải là ở giữa, nếu ở giữa thân thì đồng như ở trong thân.
Giả sử như điểm giữa mà ông cho là vị trí của tâm là ở trong thân, phải chăng nó ở một bên thân? Thế thì chẳng phải là ở giữa. Phải chăng nó ở giữa thân? Đó là nói tâm ở trong thân và chúng ta đã phủ nhận điều ấy không hợp lý.
Nếu điểm giữa là nơi cảnh thì điểm ấy nêu ra được hay không nêu ra được?
Nếu ông nói điểm giữa ấy là một nơi nào đó thì ông có thể chỉ ra nó ở đâu không? Có một điểm nào cho phép chúng ta có thể liên tưởng đến nó?
Nếu không nêu ra được thì đồng như không có.
Nếu không xác định được sự hiện hữu của điểm giữa ấy, nếu ông không thể nào chỉ ra được nó hiện hữu ở một vị trí nào đó thì nó chẳng tồn tại. Là ông vẫn chưa chỉ được ra điểm giữa ấy.
Còn nêu ra được thì điểm ấy không có vị trí nhất định.
Tại sao Đức Phật lại nói điều này?
KINH VĂN:
何以故? 如人以表,表為中時。東看則西南觀成北。表體既混,心應雜亂 。
Hà dĩ cố? Như nhơn dĩ biểu, biểu vi trung thời, đông khán tắc
tây, nam quan thành bắc. Biểu thể ký hỗn, tâm ưng tạp loạn.
Tại sao? Ví như có người cắm cây nêu để làm điểm giữa, nếu
nhìn từ phương Đông thì cây nêu ở phía Tây, nếu nhìn từ phương Nam thì cây
nêu ở phía Bắc. Tiêu điểm đã không rõ ràng thì tâm ông cũng thành rối loạn.
GIẢNG:
Tại sao?
Ví như có người cắm cây nêu. Có người cắm một dấu hiệu trên mặt đất rồi nói: “Nơi đây là điểm giữa.”
Nếu nhìn từ phương Đông thì cây nêu ở phương Tây. Nếu nhìn từ phương Nam thì cây nêu ở phương Bắc.
Tiêu điểm ấy có thể nói là “ở giữa.” Nhưng nếu khi ông đứng ở phía Đông của cây nêu thì tiêu điểm ấy lại ở phía Tây của ông. Làm sao nói nó ở giữa được? Còn khi ông phải đứng ở phía Nam của tiêu điểm ấy thì điểm ấy lại nằm ở phía Bắc của ông. Điểm này cũng không phải là ở giữa. Điều cốt yếu là như tôi đã nói trước đây, cả mười phương đều không thực có. Quý vị có thể cho rằng nơi nào đó là ở phía Nam của quý vị nhưng nếu khi quý vị đi về hướng Nam của điểm ấy thì nó trở thành phía Bắc, nhưng khi quý vị đi về hướng Bắc của điểm ấy thì nó lại nằm ở phía Nam. Thế nên điểm ấy là ở hướng nào? Không có cách nào xác định được. Nghĩa lý trong đoạn kinh này cũng tương tự như vậy.
Tiêu điểm đã không rõ ràng thì tâm ông cũng thành rối loạn.
Tiêu điểm không biểu thị cho một điều gì hết thảy, nó không thể xác định cho một vị trí ở giữa. Nếu tâm ở giữa, nó cũng sẽ không xác định được, cũng như tiêu điểm ấy, sẽ bị nhầm lẫn.
Nói rốt ráo, nơi nào là điểm giữa? Chẳng có nơi nào là điểm giữa cả. Thế nên điểm giữa mà ông đề cập đến cũng là sai lầm.
KINH VĂN:
阿難言:我所說中.非此二種,如世尊言,眼色為緣生於眼識。眼有分別,色塵無知。識生其中,則為心在。
A-nan ngôn: Ngã sở thuyết trung, phi thử nhị chủng, như Thế tôn
ngôn, nhãn sắc vi duyên, sanh ư nhãn thức. Nhãn hữu phân biệt, sắc trần vô tri.
Thức sanh kì trung, tắc vị tâm tại.
A-nan thưa: Con nói điểm giữa, chẳng phải là hai thứ ấy. như
Thế tôn dạy, mắt gặp sắc trần, duyên sanh nhãn thức. Mắt thì có phân biệt,
còn sắc trần thì vô tri. Thức phát sinh trong khoảng giữa ấy, đó chính là
tâm con.
GIẢNG:
A-nan thưa: Con nói điểm giữa, chẳng phải là hai thứ ấy.
“Không xác định được tâm là trong hay ngoài. Bạch Thế tôn, ý con muốn nói là
như vậy.”
Như lời Thế tôn dạy: Mắt gặp sắc trần, duyên sanh nhãn thức.
“Bạch Thế tôn đó chính là điều Thế tôn đã giảng giải trước đây.”
A-nan vẫn vận dụng những lời Thế tôn đã giảng giải từ trước để làm luận điểm cho mình.
“Bạch Thế tôn, Thế tôn đã từng nói rằng khi mắt thấy sắc trần, thức liền sinh khởi trong khoảng trung gian.”
Mắt thì có phân biệt. Tại sao có sự duyên sinh của nhãn thức và của cái thấy khi mắt gặp sắc trần? Bởi vì mắt khởi phân biệt.
Sắc
trần thì vô tri, thức phát sinh trong khoảng giữa ấy đó chính là tâm con.
Sắc trần tự nó không thể biết, nhưng khi mắt tiếp xúc với sắc
trần, tâm phân biệt liền sinh khởi ở trong khoảng trung gian (của sắc trần và
mắt). Nơi đó chính là tâm con. Khoảng giữa mà con nói đến ấy là nơi mà mắt và
tâm tiếp xúc với nhau làm sinh khởi nhãn thức. Đó chính là tâm.
KINH VĂN:佛言:汝心若在,根塵之中,此之心體,為復兼二,為不兼二?
Phật ngôn: Nhữ tâm nhược tại, căn trần chi trung, thử chi tâm
thể, vi phục kiêm nhị, vi bất kiêm nhị?
Đức Phật bảo: Tâm ông nếu ở khoảng giữa căn và trần, vậy tâm
thể ấy gồm cả hai bên, hay không gồm cả hai bên?
GIẢNG:
Đức Phật lắng nghe A-nan trình bày luận giải của A-nan và phản bác: “Tâm ông nếu ở khoảng giữa căn và trần, vậy tâm thể ấy gồm cả hai bên hay không gồm cả hai bên”.
Giả sử như ông nói, tâm ở giữa mắt và sắc trần. Vậy
tâm bao gồm cả hai bên, tâm nằm ở một bên hay nằm cả hai bên?
KINH VĂN:
若兼二者,物體雜亂。物非體知,成敵兩立。云何為中? 兼二不成,非知不知,即無體性。中何為相?
Nhược kim nhị giả, vật thể tạp loạn. Vật phi thể tri, thành địch
lưỡng lập, vân hà vi trung? Kiêm nhị bất thành, phi tri bất tri, tức vô thể
tánh. Trung hà vi tướng?
Nếu gồm cả hai bên thì căn trần lẫn lộn. Trần thì không biết,
căn thì có biết, hai thứ đối lập nhau. Chỗ nào gọi là điểm giữa? Gồm cả hai
bên cũng không được, vì không phải có biết và cũng không phải không có
biết, tức là không có thể tánh. Điểm giữa ấy lấy gì làm tướng?
GIẢNG:
Nếu gồm cả hai bên–Nếu tâm ông, cái tâm ông nói nằm ở điểm giữa, nó bao gồm cả căn và trần thì căn trần lẫn lộn. Thế thì bên nào là thể của tâm (căn) ông và bên nào là vật (trần)? Ông có phân biệt rõ được không? Nếu không thể phân biệt được thì nó là một hỗn hợp rối loạn, tập hợp với nhau một cách vô trật tự.
Trần thì không biết, căn thì có biết, hai thứ ấy đối lập nhau.
Trần (vật) thì không biết gì cả, trong khi nhãn căn của ông có một tâm thể. Hai điều ấy mâu thuẫn nhau.
Chỗ nào gọi là điểm giữa?
Điểm giữa mà ông nói là ở đâu? Có phải tâm ông ở giữa–nhãn căn? Hay ở giữa vật mà con mắt ông đã thấy được?
Gồm cả hai bên cũng không được vì không phải có biết và cũng không phải không có biết tức là không có thể tánh.
Nếu tâm ông không bao gồm cả hai bên mắt (nhãn căn) và sắc trần thì sẽ không biết được điều gì cả. Vậy tâm ấy không có được tánh biết. “Điểm giữa” ấy lấy gì làm tướng?
Phân tích đến chỗ cùng cực. Đâu là tâm ông?
KINH VĂN:
是故應知當在中間無有是處.
Thị cố ưng tri, đương tại trung gian, vô hữu thị xứ.
Thế nên phải biết tâm ở chặng giữa là không có lý.
GIẢNG:
Thế nên phải biết tâm ở chặng giữa là không có lý.
Này
A-nan từ những lý do đã nêu trên, ông nên biết rằng những lập luận của ông, cho
rằng tâm ở chặng giữa là không đứng vững, không có nguyên lý nào như vậy cả.
KINH VĂN:
阿難白佛言世尊。我昔見佛與大目連。須菩提.富樓那, 舍利弗四大弟子,共轉法輪。常言覺知分別心性,既不在內,亦不在外,不在中間,俱無所在。一切無著,名之為心。則我無著,名為心不 ?
A-nan bạch Phật ngôn: Thế tôn, ngã tích kiến Phật dữ đại Mục-kiền-liên,
Tu-bồ-đề, Phú-lâu-na, Xá-lợi-phất tứ đại đệ tử, cộng chuyển pháp luân. Thường
ngôn giác tri phân biệt tâm tánh, kí bất tại nội, diệc bất tại ngoại, bất tại trung gian, câu vô sở tại. Nhất thiết vô trước,
danh chi vi tâm. Tắc ngã vô trước danh vi tâm phủ?
A-nan bạch Phật: Bạch Thế tôn, xưa nay con thấy Phật cùng bốn vị
đệ tử lớn là ngài Đại Mục-kiền-liên, Tu bồ-đề, Phú-lâu-na, Xá-lợi-phất cùng
chuyển pháp luân. Đức Phật thường nói: tâm tánh hiểu biết phân biệt không
phải ở trong, không phải ở ngoài, không phải ở chặng giữa, đều không có nơi
chỗ. Hết thảy đều không dính mắc, đó gọi là tâm. Vậy cái không dính mắc
của con có được gọi là tâm chăng?
GIẢNG:
Người ta cho rằng A-nan bắt đầu lúng túng khi nghe Đức Phật phản bác lập luận của A-nan lại một lần nữa.
A-nan đã cạn kiệt hết kiến thức của mình đến mức hết biện bác được nữa. Lúc này A-nan không còn lối thoát nào nữa, chẳng còn cách nào nữa cả. Thế nên, một lần nữa A-nan vận dụng những đạo lý mà Đức Phật đã giảng trước đây vào tình huống hiện tại với một nỗ lực cứu thoát mình ra khỏi bế tắc.
A-nan bạch Phật: “Bạch Thế tôn xưa nay con thấy Phật cùng bốn vị đệ tử lớn là Ngài Mục-kiền-liên. Hán dịch là “Thái thúc thị”, nghĩa là người con của dòng họ chuyên ăn rau đậu.”
Tu-bồ-đề (Subhuti), Hán dịch là “Không sinh.”
Phú-lâu-na (Purna), Hán dịch là “Mãn từ tử”, nghĩa là người con của lòng từ.
Xá-lợi-phất cùng chuyển pháp luân.
Chuyển pháp luân có nghĩa là đem giáo pháp Đức Phật đã giảng dạy mà giáo hóa chúng sinh, làm cho giáo pháp ấy được lưu truyền bằng cách này hoặc bằng cách khác ở khắp mọi nơi. Cũng như đạo lý trong kinh Thủ-lăng-nghiêm nay được giảng giải khắp mọi đạo tràng vậy. Đó là lý do được gọi là pháp luân “bánh xe pháp.” Việc chuyển bánh xe pháp khiến cho đạo lý được hiển bày và quét sạch thiên ma ngoại đạo. Khi những tà phái ngoại đạo nào gặp bánh xe pháp này, những tà kiến đó liền bị nghiền nát.
Đức Phật thường giảng trong tạng A-hàm và Phương đẳng rằng: “Tâm tánh hiểu biết phân biệt không phải ở trong, không phải ở ngoài, không phải ở chặng giữa, đều không có nơi chỗ.
Nếu bản tánh của tâm tính toán, hiểu biết, phân biệt ấy không ở phía trong, chẳng ở bên ngoài, có lẽ nó ở giữa hai vị trí ấy, nhưng mà cũng không ở một nơi chốn nhất định, chẳng có một nơi chốn nào cả.
Hết thảy đều không dính mắc, đó gọi là tâm.
Cái tâm hiểu biết ấy không hề dính mắc. Cái tâm mà con đang đề cập tới cũng không dính mắc. Nhưng con không biết người ta có gọi đó là “tâm” không?
A-nan nghĩ rằng nếu mình hỏi với cách như thế, chắc có lẽ Đức Phật sẽ đồng ý với điều mà A-nan cho là “tâm.” Vì chính Đức Phật cũng đã nói như vậy.
Nhưng những điều Đức Phật đã nói trước đây chỉ khế hợp với pháp thế gian. Giáo pháp của Đức Phật vào thời ấy tương hợp với sự hiểu biết của căn cơ người nghe vào thời ấy. Căn cơ hàng Tiểu thừa không hiểu được giáo pháp Đại thừa nếu nói về chơn tâm mà không có lời giảng giải cho họ thì họ không thể nào tin được, thế nên Đức Phật giảng nói cho họ về thức tâm (tâm phân biệt).
Đức Phật tùy
thuận theo pháp thế gian, nhưng nay A-nan lại muốn nhận lấy thức tâm phân biệt
của hàng phàm phu ấy làm tâm mình. A-nan có đúng chăng? Cơ bản quan điểm của
A-nan cũng xuất phát từ cái nhìn của hàng phàm phu. Nhưng “tâm” mà Đức Phật
đang nói đến lại không phải là thức tâm, “tâm” ấy chính là “chân tâm thường
trụ.” Không phải là tâm chứa đầy vọng tưởng. Thế mà A-nan cứ cho rằng tâm sinh
khởi vọng tưởng ấy chính là chân tâm của mình, A-nan tiếp tục phạm sai lầm như
nhận kẻ cướp làm con mình.
KINH VĂN:
佛告阿難:汝言覺知分別心性,俱無在者。世間虛空,水陸飛行,諸所物象,名為一切。汝不著者,為在為無?
Phật cáo A-nan: Nhữ ngôn giác tri phân biệt tâm tánh, câu vô tại
giả. Thế gian hư không, thủy lục phi hành, chư sở vật tượng, danh vi nhất thiết;
nhữ bất trước giả, vi tại vi vô?
Đức Phật bảo A-nan: Ông nói bản tánh của tâm hiểu biết phân
biệt này đều không ở tại đâu cả. Vậy các vật có hình tướng trên thế gian như
hư không và các loài thủy, lục, không, hành… tất cả các vật. Cái dính
mắc mà ông nói đó là hiện hữu hay không hiện hữu?
GIẢNG:
Một lần nữa, Đức Phật lại phản bác lời giải thích của A-nan bằng câu hỏi:
Đức Phật bảo A-nan Ông nói bản tánh của tâm hiểu biết phân biệt này nó đều không ở tại đâu cả.
Không có sự dính mắc thì sẽ không có một
nơi chốn nhất định.
Vậy các vật có hình tướng trên thế gian như hư không và các loài thủy, lục, không, hành… tất cả các vật.
Có hai loại thế gian: hữu tình thế gian và khí thế gian. Thế gian hữu tình gồm các loại chúng sinh. Khí thế gian gồm các hiện tượng và vật thể như núi, sông, đất liền và nhà cửa các loại.
Những vật này cùng với hư không và các loại trần cảnh đều được tạo thành bởi hai loại: y báo và chánh báo.
Y báo là khí thế gian, gồm núi sông đất liền, chánh báo là các loại chúng sinh. Thế giới này đều tạo thành bởi hai loại này.
Trong
tất cả các hiện tượng trên thế gian, nay được ông xếp vào loại nào? Nơi nào mà
ông không bị dính mắc? Cái dính mắc mà ông nói là hiện hữu (mà không dính mắc),
hay không hiện hữu (mà không dính mắc) Có nơi nào để nói ông không dính mắc hay
không? Nếu như chỗ dính mắc ấy không có thì đồng như chỗ ấy không hiện hữu.
KINH VĂN:
無則同於龜毛兔角。云何不著?
Vô tắc đồng ư quy mao thố giác. Vân hà bất trước?
Nếu không hiện hữu thì đồng như lông rùa sừng thỏ. Sao gọi là
không dính mắc?
GIẢNG:
Nếu không hiện hữu thì đồng như lông rùa sừng thỏ.
Quý vị có bao giờ thấy được lông rùa và sừng thỏ chưa? Nói cách khác là những thứ ấy không hiện hữu trên thế gian. Sao gọi là không dính mắc.
Nếu nó không hiện hữu
thì quý vị thử nghĩ nó dính mắc vào cái gì?
KINH VĂN:
有不著者,不可名無。無相則無,非無則相。相有則在,云何無著?
Hữu bất trước giả, bất khả danh vô. Vô tướng tắc vô, phi vô tắc
tướng. Tướng hữu tắc tại, vân hà vô trước?
Nếu đã có cái không dính mắc thì không thể gọi là không.
Không tướng thì không. Chẳng không thì phải có tướng. Có tướng thì phải có
chỗ nơi, làm sao lại nói là không dính mắc?
GIẢNG:
Nếu đã có “cái không dính mắc” thì không thể gọi là không.
Ông hãy giả định rằng có một nơi nào đó có cái gọi là không dính mắc. Thế thì ông không thể nói chẳng có gì hết thảy ở nơi chỗ ấy cả.
Ông đã nói là không dính mắc, nhưng nếu đã có một nơi gọi là không dính mắc thì vẫn còn có sự hiện hữu, thì làm sao lại nói là không dính mắc được? Nhưng nếu sự thực là không có gì hiện hữu cả. Nếu ở đó không có gì hết – tại sao ông lại muốn gán cho nó cái tên “không dính mắc”? Đây thực là đặt thêm một cái đầu trên đầu hay cưỡi lừa tìm lừa vậy.
Không tướng thì không.
Nếu ông không có gì dính mắc thì không hiện hữu.
Chẳng không thì phải có tướng. Có tướng thì phải có chỗ nơi, sao gọi là không dính mắc?
Nhưng
nếu nó không hiện hữu tức nó phải có hình tướng. Nếu một vật đã có sắc tướng,
chắc chắn nó phải có nơi chốn hiện hữu. Nếu nó đã có nơi chốn, sao nói nó không
có sự dính mắc.
KINH VĂN:
是故應知,一切無著,名覺知心,無有是處。
Thị cố ưng tri, nhất thiết vô trước, danh giác tri tâm, vô hữu
thị xứ.
Thế nên phải biết tất cả cái không dính mắc mà gọi là tâm
hiểu biết (của ông), là không có lý.
GIẢNG:
Đã qua bảy lần A-nan hết sức cố gắng xác định vị trí của tâm nhưng đều thất bại. Đức Phật nói:
Thế nên phải biết tất cả cái không dính mắc mà gọi là tâm hiểu biết (của ông), thật không có lý.
Nói rằng tâm ông là
hết thảy những gì không dính mắc là không đúng. Lập luận của ông không đứng
vững, nó hoàn toàn không hợp lý.
KINH VĂN:
爾時阿難在大眾中,即從座起,偏袒右肩,右膝著地,合掌恭敬,而白佛言:
Nhĩ thời A-nan tại đại chúng trung, tức tòng tòa khởi, thiên đản
hữu kiên, hữu tất trước địa, hiệp chưởng cung kính, nhi bạch Phật ngôn:
Khi ấy A-nan ở trong đại chúng, đứng dậy bày vai áo bên phải,
đầu gối bên phải quỳ xuống đất, chắp tay cung kính bạch Phật:
GIẢNG:
Trong suốt thời gian đối thoại với Đức Thế tôn, A-nan đã lập luận một cách quanh quẩn không có lối ra. A-nan đã đi lòng vòng mà không tìm ra được lý lẽ chính xác, vì A-nan đã dùng tâm thức phân biệt bỏ quên chân tâm của mình. Thế nên từ vô thỉ đến nay. A-nan không thể nào thể nhập vào pháp giới nhiệm mầu. A-nan đã không thấu thoát được, không qua được cuộc khảo nghiệm.
Khi ấy A-nan ở trong đại chúng từ chỗ ngồi đứng dậy.
Lúc ấy trong hội chúng có rất nhiều vị Đại a-la-hán, Đại tỷ-khưu Đại bồ-tát.
Bày vai áo bên phải có nghĩa là khi đắp y, A-nan để cho phía vai bên phải của mình bày ra. Như quý vị thấy tôi đang đắp y là hình ảnh đúng như trong kinh mô tả: bày vai áo bên phải.
Ở Trung Hoa, việc đắp y bày vai bên phải không được xem là biểu hiện sự tôn kính, nhưng theo phong tục ấn Độ, đặc biệt là trong truyền thống Đạo Phật, việc bày vai áo bên phải là biểu lộ lòng tôn kính tối cao. Khi A-nan bày vai áo bên phải và đầu gối bên phải quỳ xuống đất, cử chỉ này biểu trưng cho sự thanh tịnh của thân nghiệp. Thân không thể nào tạo ác nghiệp khi thân ở trong tư thế ấy.
Chắp tay cung kính.
Điều này biểu hiện cho sự thanh tịnh của ý nghiệp.
Bạch Phật, việc này biểu hiện sự thanh tịnh của khẩu nghiệp.
Khi A-nan cung kính cầu
thỉnh Đức Phật chỉ dạy giáo pháp, ba nghiệp thân khẩu ý hoàn toàn thanh tịnh.
KINH VĂN:
我是如來最小之弟,蒙佛慈愛,雖今出家,猶恃憍憐,所以多聞未得無漏。
Ngã thị Như Lai tối tiểu chi đệ, mông Phật từ ái, tuy kim xuất
gia, du thị kiêu lân, sở dĩ đa văn, vị đắc vô lậu,
Con là em nhỏ nhất của Thế tôn. Nhờ Thế tôn thương yêu, nay tuy
con đã xuất gia, nhưng vẫn còn ỷ lại lòng yêu thương của Thế tôn, do đó
chỉ được đa văn mà chưa được quả vô lậu.
GIẢNG:
Nay A-nan suy xét lại tại sao ông ta đã hoài phí thời gian từ khi theo Phật xuất gia. A-nan thưa:
Con là em nhỏ nhất của Thế tôn.
Trong dòng họ của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni có bốn vị vua và tám người con trai. Vua cha của Đức Phật là một trong bốn vị vua ấy. Mỗi vị vua có hai người con trai. A-nan là người nhỏ tuổi nhất trong số các anh em đó.
Nhờ Thế tôn thương yêu nay tuy đã xuất gia,
“Con đã theo Đức Phật, theo đời sống của người xuất gia”
Khi xuất gia, có nghĩa là rời khỏi ngôi nhà vô minh. Có thể nói đó là ngôi nhà mà mọi người đang cư ngụ. Người xuất gia rời khỏi ngôi nhà tam giới là dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Người xuất gia phải rời khỏi ngôi nhà phiền não và rời khỏi ngôi nhà thế gian, đó là gia đình người ấy đang sinh sống. Khi quý vị đã xuất gia có nghĩa là quý vị phải rời xa ngôi nhà thế tục và luôn cả những ngôi nhà vô minh, ngôi nhà phiền não và ngôi nhà tam giới. Nhưng mặc dù A-nan đã rời ngôi nhà thế tục, A-nan vẫn chưa chế ngự được những tình cảm luyến ái của mình. A-nan vẫn chưa ra khỏi ngôi nhà vô minh phiền não và ngôi nhà tam giới.
Nhưng vẫn còn ỷ lại lòng yêu thương của Thế tôn,
A-nan thú nhận mình đã quá ỷ lại vào sự quan hệ gia đình với Đức Phật. Đôi khi A-nan tự cho phép mình phóng túng đôi chút để tạo sự chú ý ở Đức Phật. Đôi khi A-nan hành xử như một chú điệu nghịch ngợm có chủ ý, hoặc A-nan cố ý phạm lỗi không tuân thủ oai nghi. A-nan trông cậy ở cảm tình của Đức Phật chăm sóc đến mình.
Do đó chỉ được đa văn mà chưa được quả vô lậu.
A-nan tập
trung vào việc học rộng nhớ nhiều mà ít siêng năng tu tập định lực. A-nan chỉ
mới đạt được quả vị đầu tiên của hàng A-la-hán, chưa đạt được quả vị thứ tư nên
chưa được quả vị vô lậu. Đến quả vị thứ tư mới đoạn trừ hẳn sinh tử và không bị
tái sinh trở lại trong tam giới. Nhưng ở quả vị thứ nhất vẫn còn bị sinh tử trở
lại trong tam giới, vẫn còn trong địa vị hữu lậu.
KINH VĂN:
不能折伏娑毘羅呪,為彼所轉溺於婬舍。當由不知真際所詣。
Bất năng chiết phục Sa-tỳ-la chú, vi bỉ sở chuyển, nịch ư dâm
xá. Đương do bất tri chơn tế sở nghệ.
Nên con không thể chiết phục được chú thuật Sa-tỳ-ca-la, bị
nó xoay chuyển và sa vào nhà dâm, tất cả chỉ vì không biết chỗ quy hướng chân
tâm.
GIẢNG:
Nên con không thể chiết phục được chú thuật Ta-tỳ-ca-la. Con không thể nào chống chọi nổi với tà chú của Tiên phạm thiên mà ngoại đạo tóc vàng thường sử dụng, đó là tà pháp của bàng môn tả đạo. Con không có đủ đạo lực để hàng phục được chúng.
Bị nó xoay chuyển và sa vào nhà dâm,
“Tà chú đã làm cho con bị đắm chìm trong mê muội như thể con bị chìm trôi trong biển.”
Còn có một cách giải thích khác trong Hán ngữ, chữ nịch (溺) có nghĩa là “chìm đắm” và còn có nghĩa là “nước tiểu.” A-nan đang diễn tả rằng ông ta bị dính mắc những thứ bất tịnh.
A-nan đã bước vào nơi nhà thổ dơ bẩn, nơi mà chính phụ nữ bán thân cho người hành lạc. A-nan nhận ra mình bị kẹt dính trong đó như thể bị rơi vào hầm nước thải không có lối nào thoát ra được.
Nếu Đức Phật không dùng chú Thủ-lăng-nghiêm để giải cứu thì A-nan không còn có cơ hội để sau này được kiết tập Kinh tạng. Nếu như Kinh tạng đã được kiết tập trọn vẹn, chắc hẳn là do một người nào khác chớ không phải do A-nan. May mắn thay, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã dùng chú Thủ-lăng-nghiêm để giải cứu A-nan, thế nên A-nan mới có thể kiết tập Kinh Thủ-lăng-nghiêm và ghi lại cho chúng ta biết nhân duyên Đức Phật thuyết kinh này.
Tất cả chỉ vì không
biết chỗ quy hướng chân tâm.
Chơn tế là một tên gọi khác của chơn tâm.
Tại sao con lại bị sa vào nhà dâm? Vì con không biết được cội nguồn của chơn tâm nơi đâu.
Đến chính
lúc này, A-nan vẫn còn cố gắng xác định cho được tâm ở nơi nào. A-nan đang bị
chùng lại bởi trí thông minh của mình. A-nan vẫn bị xoay chuyển loanh quanh mà
không biết đường ra.
KINH VĂN:
唯願世尊大慈哀愍,開示我等奢摩他路。令諸闡提,隳彌戾車。
Duy nguyện Thế tôn đại từ
ai mẫn, khai thị ngã đẳng, xa-ma-tha-lộ, linh chư xiển-đề, huy di-lệ-xa.
Cúi mong đức Thế tôn mở rộng lòng từ, thương xót chỉ dạy cho chúng con, pháp TU THIỀN ĐỊNH (Xa-ma-tha), khiến cho hàng nhất-xiển-đề và miệt-lệ-xa thoát khỏi tà kiến.
GIẢNG:
Cúi mong đức Thế tôn mở rộng lòng từ,
Nay con chỉ có một
ước nguyện, cúi mong Đức Thế tôn mở rộng lòng đại từ đại bi cứu độ con thoát
khỏi khổ đau, ban cho con niềm vui giải thoát. Cúi mong Thế tôn thương xót chỉ
dạy cho chúng con pháp tu thiền định (xa-ma-tha) khiến cho kẻ nhất-xiển-đề và
miệt-lệ-xa thoát khỏi tà kiến.
Cúi mong Thế Tôn, không những chỉ dạy cho riêng mình con mà còn cho toàn thể mọi người trong đại chúng này, những người thường khởi tâm nghi ngờ trong khi nghe pháp. Xin Thế tôn chỉ dạy cho chúng con cách tu tập chánh định, chỉ bày cho chúng con pháp môn tu tập chỉ quán.
Nhất-xiển-đề là phiên âm từ tiếng Sanskrit, Hán dịch là “tín căn bất cụ túc” nghĩa là “chưa có lòng tin đầy đủ.” Nhất-xiển-đề là những người mà chưa có niềm tin đầy đủ đối với Phật pháp. Niềm tin chưa đầy đủ đồng nghĩa với không có niềm tin. Nhất-xiển-đề còn có nghĩa là “phần thiêu thiện căn– đốt cháy sạch các căn lành.” Điều gì sẽ còn lại khi các căn lành bị cháy sạch? Chắc chắn là các nghiệp ác.
Pháp sư Trúc Đạo Sinh (Tao Sheng) khi giảng kinh Đại Bát Niết-bàn ở Trung Hoa. Lúc ấy, Kinh Niết-bàn lưu hành ở Trung Hoa chưa được trọn bộ. Chỉ có được cuốn thượng, chưa có cuốn hạ. Trong những cuốn đầu, Kinh dạy: “Nhất-xiển-đề không có Phật tánh, không thể thành Phật.”
Các Pháp sư đương thời hầu hết đều giảng theo ý kinh là hàng nhất-xiển-đề không thể tu tập thành Phật được. Thực ra, những cuốn Kinh cuối cùng của bộ kinh này lại nói rằng nhất-xiển-đề cũng có Phật tánh, cũng có thể tu tập thành Phật. Nhưng lúc ấy, những cuốn kinh sau cùng này chưa được lưu truyền ở Trung Hoa.
Tuy vậy, Pháp sư Trúc Đạo Sinh đã thông đạt được ý kinh ngay từ đầu, nên Pháp sư không giảng kinh theo trào lưu đương thời. Thay vào đó Ngài giảng rằng kẻ nhất-xiển-đề cũng có Phật tánh, cũng có thể thành Phật. Kết quả là các Pháp sư khác chống đối, hiềm khích Trúc Đạo Sinh. Họ cho rằng Trúc Đạo Sinh điên rồ khi giảng giải nghịch với ý kinh và đã làm sai khác với lời Phật dạy. Thực ra, Pháp sư Trúc Đạo Sinh không nói ý kinh là sai hoặc cho là Đức Phật giảng nói không đúng. Mà Trúc Đạo Sinh thấu hiểu được đạo lý ẩn đằng sau lời kinh, nên mặc dù chưa đọc được những cuốn sau cùng của bộ kinh mà Pháp sư đã hiểu được rằng giáo pháp của Đức Phật không hề mang tinh thần như vậy. Nhưng vì sự hiềm khích đã sinh khởi, không còn có ai đến nghe Trúc Đạo Sinh giảng kinh nữa, thế nên Pháp sư vào núi Hổ Khâu, thuộc Tô Châu, gần Thượng Hải, gom đá núi lại rồi giảng kinh cho đá nghe, xiểng dương tinh thần nhất-xiển-đề cũng có Phật tánh. Pháp sư hỏi đá núi: “Tôi nói nhất-xiển-đề cũng có Phật tánh, quý vị nghĩ sao. Tôi nói có đúng không?” Những tảng đá núi lặng lẽ gật đầu tán thành. Thế nên nói:
Sinh công thuyết pháp
Ngoan thạch điểm đầu
(Trúc Đạo Sinh giảng pháp
Đá thán phục cúi đầu!)
Cơ bản là, dĩ nhiên đá thì vô tri, không thể cựa động, vậy mà đá cũng biết xúc động với lời giảng kinh chân thực của Pháp sư Đạo Sinh nên lặng lẽ cúi đầu tán thán. Có rất nhiều nguyên nhân để có kết quả như thế, tôi tin rằng có rất nhiều quỷ thần và nhiều linh hồn đến ngồi trên các tảng đá núi để nghe giảng kinh.
Chuyện này có nhiều nguyên nhân: Tôi tin là có rất nhiều quỷ thần đang ngồi hoặc nằm trên các tảng đá núi. Trong một giây suy nghĩ, họ không thể nằm trên đá mà phải ngồi khi lắng nghe kinh. Khi nghe Pháp sư Đạo Sinh hỏi như thế các vị quỷ thần rất phấn khích biểu lộ sự đồng tình nên đã làm cho các tảng đá lay động. Hoặc là có khi trong các đời trước, tiền thân của các tảng đá này cũng có linh tánh, nay ẩn tàng trong hình dạng một tảng đá. Đây là lý do bảo chứng cho đá tán thán chỉ thú của ý kinh. Thế nên người đời sau truyền tụng:
Sinh công thuyết pháp
Ngoan thạch điểm đầu
Tuy vậy, kẻ nhất-xiển-đề rất khó giáo hóa và cứu độ. Khi quý vị giảng giải đạo lý cho họ, họ không bao giờ tin hẳn ngay. Họ sẽ nói: “Này, ai thèm nghe những lời như thế!”
Bất luận quý vị có nói hay cỡ nào họ cũng không tin. Họ giống như ngoại đạo Ma-ha Câu-hi-la (*) nhận “vô chấp” làm luận thuyết của mình. Bất luận quý vị có nói với họ điều gì họ đều không nghe, họ đều không chấp nhận. Đó là hàng nhất-xiển- đề.
Miệt-lệ-xa hay di-lệ-xa là phiên âm từ tiếng Sanskrit, Hán dịch là “ái trược” nghĩa là thích làm việc xấu ác. Kẻ miệt-lệ-xa thường thích những nơi chốn bất tịnh. Miệt-lệ-xa còn có nghĩa là “ác kiến.” Hầu như tri kiến của mọi người đều chân chính, nhưng tri kiến của hạng người này thì rất xấu ác. Họ không thải ra thứ gì ngoại trừ độc dược, không những chỉ tai hại cho riêng họ thôi mà còn ảnh hưởng đến nhiều người khác muốn bắt chước họ. Thế nên mọi người nên tự sống thức tỉnh và trong sáng, đừng tìm thú vui trong các hành vi xấu ác.
A-nan cầu thỉnh Đức Phật cứu vớt hàng
miệt-lệ-xa và ngăn ngừa cho mọi người khỏi bị rơi vào nơi ác xấu, thoát khỏi
những tình huống như đã nêu trên.
KINH VĂN:
作是語已,五體投地,及諸大眾,傾渴翹佇,欽聞示誨.
Tác thị ngữ dĩ, ngũ thể
đầu địa, cập chư đại chúng, khuynh khát kiều trử, khâm văn thị hối.
Sau khi thưa thỉnh, A-nan gieo năm vóc xuống đất, cùng toàn thể
đại chúng kính cẩn đứng trông chờ được nghe lời chỉ dạy của Đức Phật.
GIẢNG:
Sau khi thưa thỉnh, A-nan gieo năm vóc xuống đất,
“Năm vóc” gồm hai tay, hai chân và đầu. Tư thế này là biểu hiện sự kính trọng cao tột nhất trong tất cả. A-nan đảnh lễ gieo năm vóc xuống đất, cùng toàn thể đại chúng
Không những chỉ có A-nan đảnh lễ Đức Phật sau khi thưa thỉnh xong mà toàn thể đại chúng cũng đều đảnh lễ Đức Phật.
Kính cẩn đứng trông chờ
được nghe lời chỉ dạy của Đức Phật.
“Kính cẩn trông chờ” là biểu hiện đại chúng lắng nghe một cách chăm chú, theo dõi những lời chỉ dạy mà Đức Phật sẽ ban cho đại chúng, theo dõi giáo lý tu tập thiền định mà A-nan đã thỉnh cầu. Họ đều khao khát giáo pháp một cách nhiệt thành không thể nào diễn tả được, như thể khát nước đang trông chờ được uống. Huệ mạng pháp thân của những vị này đang bị khô úa, nên họ trông chờ Đức Phật rưới nước pháp để nuôi lớn pháp thân huệ mạng cho họ.
Câu “kính cẩn
đứng trông chờ” có một nghĩa khác nữa là mọi người đang đứng ở cuối gian phòng
đều mong ngóng sẵn sàng được nghe rõ hơn lời dạy của Đức Phật. Những người
kiết tập Kinh dùng những thuật ngữ đầy biểu tượng để nói đến sự vui mừng của
thính chúng khi được nghe thuyết pháp.
“Đứng trông chờ” cũng có nghĩa là những người đứng xa nơi Đức Phật, khi chờ nghe giảng pháp họ phải đứng nhón chân lên có thể nhìn thấy được Đức Phật. Tại sao họ muốn thấy Đức Phật? Vì mọi người đều ưa nhìn ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của Như Lai. Mọi người ai cũng muốn chiêm ngưỡng. Kể cả các vị Đại bồ-tát, a-la-hán, tỷ-khưu, cư sĩ trong hội Thủ-lăng-nghiêm. Tôi nghĩ là các vị ấy đều có nhiều ít tâm niệm như tâm niệm của A-nan. Bởi vì lý do A-nan xuất gia là quá ưa thích ba mươi hai tướng tốt của Đức Phật và cũng vì ưa thích tám mươi vẻ đẹp của Đức Phật mà nhiều người khác trong chúng hội đến nghe Đức Phật thuyết kinh Thủ-lăng-nghiêm.
Từ “cung kính” là dùng để nhắc
lại một lần nữa các quốc vương, quan đại thần, trưởng giả, cư sĩ đều đứng chờ
với lòng tôn kính tối cao để nghe Đức Phật giảng nói về giáo lý tu tập chánh
định.
KINH VĂN:
爾時世尊從其面門,放種種光,其光晃耀,如百千日。
Nhĩ thời Thế tôn tòng kì
diện môn, phóng chủng chủng quang, kỳ quang hoảng diệu, như bách thiên nhật.
Khi ấy từ trên cửa mặt (khoảng giữa hai chân mày) của Đức Thế
tôn phóng ra các thứ hào quang. Các hào quang ấy sáng chói như trăm ngàn
mặt trời.
GIẢNG:
Khi ấy khi A-nan gieo năm vóc sát đất và đại chúng chú tâm, khát ngưỡng đứng chờ kính cẩn lắng nghe lời chỉ dạy của Thế tôn.
Đức Thế tôn từ diện môn (khoảng giữa hai chân mày) phóng ra các thứ hào quang.
Diện môn
面門 là tiếng Hán, ở đây là nói đến khuôn mặt. Quí vị không nên tìm
kiếm một cánh cửa nào đó trên gương mặt của Đức Phật. Chẳng có cánh cửa nào
trên gương mặt của Đức Phật cả, mà chỉ có các cửa sổ. Mắt của Đức Phật là cửa
sổ, và mũi Ngài là những hang động mà nơi đó, người ta có thể ngồi thiền và tập
định. Không những điều ấy có thể xảy ra nơi lỗ mũi của Đức Phật mà có thể xảy
ra nơi mũi của chúng ta. Nếu quý vị muốn gọi đó là cửa, nhưng chẳng cần phải
chẻ sợi tóc làm tư làm gì.
Từ khuôn mặt của Đức Phật, phóng ra các thứ hào quang, các hào quang ấy sáng chói như trăm ngàn mặt trời.
Đức Phật phóng ra không những chỉ
một loại mà gồm rất nhiều loại hào quang từ diện môn của mình. Nói chung hào
quang thường có năm màu, nhưng trong năm màu ấy, có rất nhiều màu hòa hợp có
thể phân tích ra được. Hào quang của Đức Phật mạnh và sáng hơn điện chớp, soi
chiếu khắp nơi. ánh sáng mặt trời chiếu xuống trái đất với năng lượng rất lớn
và rất mạnh, nhưng Đức Phật phóng hào quang có ánh sáng rất mãnh liệt, gấp ngàn
lần so với ánh sáng mặt trời. Quý vị thử nói trong đó có bao nhiêu đạo hào
quang? Khi A-nan kiết tập kinh này, A-nan đã diễn tả hào quang của Đức Phật
sáng chói như vậy vì chính A-nan đã chứng kiến được cảnh tượng ấy.
KINH VĂN:
普佛世界六種震動。如是十方微塵國土一時開現。
Phổ Phật thế giới, lục
chủng chấn động. Như thị thập phương, vi trần quốc độ, nhất thời khai hiện.
Sáu điệu chấn động khắp các cõi Phật. Mười phương cõi nước
như số vi trần đồng thời hiện ra.
GIẢNG:
Sáu điệu chấn động khắp các cõi Phật.
Đức Phật trụ thế không chỉ riêng ở thế giới Ta-bà của chúng ta, mà khắp cả các thế giới khác. Cả hàng triệu thế giới đều trải qua sáu loại chấn động. Có ba loại hình chấn động là: Động, dõng, khởi.
Động là sự chuyển động của trái đất giống như một cơn động đất vậy.
Dõng là đột nhiên bị rung động, khiến cho lòng đất từ từ phóng
vọt lên giống như nước phun lên từ dòng suối.
Khởi là sự chấn động dữ dội trên mặt đất. Đôi khi trái đất có thể bị chấn động dữ dội trồi lên thành chỗ cao hoặc chìm sâu xuống chỗ thấp. Hiện nay trái đất của chúng ta đang ở giữa thời kỳ biến chuyển của sáu loại chấn động.
Ba loại khác là thanh chấn động: gọi là chấn, hống và kích.
Chấn không giống như động mà chỉ là một dạng rung nhẹ của quả đất. Khi dạng chấn động này xảy ra, thì mặt đất bị nứt nẻ ra từng mảng và thường làm nhà cửa sụp đổ.
Hống là khi từ trong lòng đất phát ra những âm thanh
mà thế gian chưa từng nghe.
Kích là âm thanh vang ra khi mặt đất bị tách ra thành từng mảnh và hai phần của khối nứt va chạm vào nhau.
Sáu điệu chấn động xảy ra bởi nhiều
nguyên nhân: khi có người trên thế gian tu hành sắp thành Phật hoặc khi có
người tu tập được giác ngộ, nhưng chưa chứng được quả vị Phật, như khi chứng
được quả vị a-la-hán hoặc khi ma vương muốn phá hủy tâm đạo của người tu hành ở
thế gian. Thế nên sáu điệu chấn động ấy lại có thiện cảnh và ác cảnh. Khi xảy
ra các cảnh chấn động tốt lành và hay đẹp là khi ở nơi thế gian có một Đức Phật
vừa thành đạo hoặc có người được chứng ngộ. Khi ấy bất luận sự chấn động của
sáu dạng ấy dữ dội đến ngần nào cũng không làm cho mọi loài chúng sinh trên thế
gian bị tổn thương.
Khi Ma vương muốn thi thố ma lực nhiễu hại tâm đạo của người tu hành nơi thế gian, nó có thể sát hại nhiều người và trút cơn giận dữ bằng sự phá hoại. Khi có một cơn động đất ở một nước nào đó làm cho nhiều người bị chết và bị nạn, rồi ở các nước khác cũng bị xảy ra những tai nạn như vậy. Đó là khi ma vương muốn khoe sức mạnh cơ bắp của mình để hăm dọa loài người ở thế gian, và muốn bành trướng phạm vi quyền lực của mình. Cũng giống như một cuộc phô diễn thế lực chính trị, ma vương biễu diễn thế lực với loài người chúng ta như muốn nói: “Hãy xem thần lực của ta lớn mạnh dường nào. Ta có thể chuyển trời, lật đất.” Bởi vậy nên quý vị phải biết phân biệt kỹ lưỡng khi ta gặp những hiện tượng xảy ra là tốt lành hay xấu ác vì có rất nhiều hiện tượng sai biệt nhau.
Nói về chuyện động đất, tôi nhớ mình đã trải qua một trận động đất vào
một đêm sau khi mẹ tôi qua đời.
Khi ấy tôi đang thực hành hạnh báo hiếu cư tang bên cạnh mộ mẹ
tôi. Tôi đang lúc tĩnh tọa, thấy mọi vật đều rỗng không, chẳng còn thấy gì là
vật, chẳng còn thấy gì là tôi nữa. Lúc ấy tôi chợt cảm nhận một sự rung chuyển
làm xúc động toàn thân. Tôi tự nghĩ “A! Loài ma nào mà có khả năng làm lay động
thân tôi như thế này? Sức mạnh của nó chắc phải dữ dội lắm.” Tôi không biết đó
chỉ là một cơn động đất. Ngày hôm sau có người đến bảo cho tôi biết có một cơn
động đất vừa mới xảy ra – một trận động đất kỳ quặc. Cái giếng gần nơi tôi
ngồi thiền bỗng phun vọt lên những tia lửa. Đây là những dòng nước bằng lửa
phun ra từ miệng giếng. Chứ không phải là nham thạch phun ra từ núi lửa. Thật
là có quá nhiều chuyện quái lạ trên thế gian này.
Tôi biết có nhiều người suy nghĩ: “Chắc là lòng giếng thông với mỏ lưu huùnh, là chất nham thạch phun ra trên mặt đất mỗi khi có núi lửa. Đó là lý do dòng lửa phun vọt ra từ miệng giếng.”
Có thể suy nghĩ của họ đúng như vậy. Một khi trên mặt đất xảy ra sáu điệu chấn động thì mười phương cõi nước như số vi trần đồng thời hiện ra.
Có bao nhiêu số vi trần hết thảy? Không thể
nào tính kể được, nên các cõi nước xuất hiện nhiều như số vi trần không thể nào
tính đếm được. Các vị Đại a-la-hán, Đại bồ-tát, Đại tỷ-khưu, Trưởng lão, Cư sĩ,
quốc vương, quan đại thần đều trông thấy các cõi nước này đồng thời xuất hiện.
Quý vị có thể biết được cảm giác của mọi người lúc ấy ra sao không?
KINH VĂN:
佛之威神 ,令諸世界 合成一界。
Phật chi oai thần, linh chư
thế giới, hợp thành nhất giới.
Do oai thần của Phật, khiến các thế giới vi trần ấy hợp thành
một cõi.
GIẢNG:
Do oai thần của Phật. Đức Phật dùng năng lực tinh thần và năng lực thần thông khiến các thế giới vi trần ấy hợp thành một cõi.
Mặc dù các cõi nước nhiều không tính kể được mà chúng vẫn hiệp lại làm một. Chẳng hạn như ngày nay chúng ta có thể phóng một bức ảnh từ kích cỡ rất nhỏ thành bức ảnh có kích thước rất lớn, hoặc thu hẹp lại một bức ảnh cực kỳ lớn thành một tấm ảnh rất nhỏ. Quý vị có cho rằng đó là nhờ thần thông không?
Cũng tương tự như vậy,
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni dùng năng lực thần thông làm cho những nơi chốn xa xôi
gần sát nhau lại bằng cách gom lại vô số cõi nước khắp cả tam thiên đại thiên
thế giới lại thành chỉ một quốc độ như thể ngày nay ta thu hẹp lại một bức ảnh
lớn.
Và tuy thế, mặc dù các cõi nước hiệp lại thành một nhưng mỗi
quốc độ vẫn còn giữ được toàn bộ tinh túy từ trong trật tự nguyên ủy của chúng.
Mỗi quốc độ đều trụ trong vị trí riêng biệt của chúng không hề lẫn lộn. Nguyên
nhân mà Đức Phật làm cho các thế giới hiệp lại với nhau là để cho mọi loài
chúng sinh khắp các cõi nước có thể được nghe Đức Phật giảng nói diệu pháp mầu
nhiệm không thể nghĩ bàn.
KINH VĂN:
其世界中,所有一切諸大菩薩,皆住本國,合掌承聽.
Kỳ thế giới trung, sở hữu nhất thiết chư đại bồ-tát, giai trụ bổn quốc, hợp chưởng thừa thính.
Trong các cõi nước ấy, các vị Đại bồ-tát ở nơi quốc độ của
mình đều chắp tay lắng nghe lời Phật dạy.
GIẢNG:
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni gom tất cả các cõi nước lại thành một vì Đức Phật muốn cho mọi loài chúng sinh có thể nghe được Đức Phật giảng nói về Đại định Thủ-lăng-nghiêm, để cho các vị Đại bồ-tát ở khắp các quốc độ đến để học hỏi giáo pháp này. Thế nên Đức Phật phóng hào quang từ diện môn, là ánh sáng rực rỡ như ngàn mặt trời chiếu khắp cả mọi quốc độ.
Trong các cõi
nước ấy các vị Đại bồ-tát ở nơi quốc độ của mình đều chắp tay lắng nghe lời
Phật dạy. Lắng nghe Đức Phật Thích-ca Mâu-ni giảng kinh Thủ-lăng-nghiêm.
KINH VĂN:
佛告阿難,一切眾生,從無始來,種種顛倒。業種自然,如惡叉聚。
Phật cáo A-nan: Nhất
thiết chúng sanh tòng vô thỉ lai, chủng chủng điên đảo, nghiệp chủng tự
nhiên, như ác-xoa tụ.
Đức Phật bảo A-nan: Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay, theo
các thứ điên đảo, tự nhiên tạo thành các giống nghiệp như chùm hạt ác-xoa.
GIẢNG:
Sau khi Đức Phật gom tất cả thế giới nhiều như hạt vi trần lại thành một thế giới mà trong mỗi một thế giới đều chứa đủ những trật tự của toàn thể, các Đại bồ-tát ở trong mỗi cõi nước này đều khát ngưỡng, trông ngóng, ngẩng mặt trông chờ Đức Phật thuyết pháp. Cũng như các vị bồ-tát đều mang tâm khát ngưỡng không thể diễn tả được. Hết thảy họ đều ước mong được uống được nước pháp từ nơi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni.
Tất cả quý vị có lẽ đều trải qua cái khát khắc nghiệt. Khi đói, sau một thời gian ngắn, quý vị có thể cảm thấy cảm giác đói sẽ dịu đi một chút. Nhưng nếu quý vị khát nước, có thể là do hậu quả của việc ăn quá mặn mà không có nước để uống thì rất khó chịu.
Tại sao các vị Đại bồ-tát lại vô cùng khát ngưỡng? Vì họ đã ăn quá nhiều muối phiền não. A-nan là người đã chú tâm đặc biệt vào việc học rộng hiểu nhiều mà thờ ơ với việc tu tập định lực, là người đã ăn quá nhiều muối học rộng nghe nhiều. Nay họ muốn uống nước thiền định để hóa giải cơn khát để làm dịu mát tấm lòng. Thế nên đại chúng đều khát ngưỡng ngước nhìn trông đợi nơi Đức Phật.
Khi tôi giảng giải điều này, cổ họng tôi cũng cảm thấy khô khát. Nhưng cảm giác khát khao ấy xuất phát từ việc giảng nói. Trong khi sự khát khao của các vị Đại bồ-tát lại xuất phát từ việc chưa được thấm nhuần giáo pháp của Đức Phật.
Một số người ở đây chưa thông hiểu việc này nên nói: “Tôi không hiểu
nổi những điều tôi đọc được trong kinh.” Nếu quý vị biết được rằng điều không
hiểu đó chính là quý vị đã hiểu. Nếu quý vị thực sự không hiểu thì ngay đó mới
biết được là mình thiếu trí tuệ. Quý vị ngồi đó và không biết mình có hiểu hay
không. Nay quý vị đã biết rằng mình không hiểu được ý kinh mà quý vị vừa mới
đọc, điều đó có nghĩa là quý vị đã hiểu được chút ít.
Nếu quý vị có ước nguyện sẽ hiểu được rõ ràng minh bạch từng ý kinh, nếu quý vị hiểu ý kinh thông suốt ngay bây giờ thì chẳng còn điều gì đáng nói. Trong trường hợp đó, Pháp sư này chẳng còn để lại món gì cho quý vị dùng cả. Nếu quý vị hiểu được ý kinh trước khi tôi giảng thì tôi còn có ích gì cho đời sau. Tôi hoàn toàn vô dụng. Tuy nhiên, để hiểu được ý kinh ngay tức khắc thì không dễ gì. Cũng không dễ gì hiểu được mọi việc, dù là muốn biết mọi việc thế gian chỉ trong vòng một ngày. Đôi khi việc ấy rất cần. Khi quý vị đọc nhiều kinh, quý vị hoàn toàn biết được một cách tự nhiên. Tại sao quý vị chưa hiểu? Vì quý vị chưa đọc được nhiều.
Đức Phật bảo A-nan.
Ngay bây giờ tôi giảng kinh cho quý vị. Quý vị là những người đang đọc đến đoạn kinh này. Như trong kinh văn, Đức Phật đang giảng giải cho A-nan. Nhưng tôi không phải là Đức Phật và quý vị không phải là A-nan. Tôi chỉ là người giải thích những sử liệu về A-nan cho quý vị.
“Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay.”
Tất cả mọi loài chúng sinh từ noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh, loài có hình sắc, loại không có hình sắc, loài có tưởng, loài không có tưởng, loài không hoàn toàn có tưởng, loài không hoàn toàn không có tưởng.
Khi Đức Phật giảng kinh, chính Đức Phật không thể hoàn toàn giải thích rõ ràng
tường tận mọi chỉ thú của kinh. Khi Đức Phật nói: “Từ vô thỉ đến nay,” nghĩa là
từ một thời gian mà không có điểm khởi đầu chính xác. Quý vị có thể nói thời
điểm ấy là lúc nào không? Nếu quý vị muốn tìm kiếm một sự hợp lý thì đoạn kinh
trên hoàn toàn không đáp ứng cho quý vị được.
Nhưng thực ra, không có cách nào để xác định được con người xuất hiện ở thế gian bắt đầu từ lúc nào.
Khởi thủy là gì? Để giải thích đơn giản là
hãy lấy ví dụ trong một gia đình. Khi quý vị nói “Tôi là cha của con tôi” thì
cha quý vị là con của ai? Cha của quý vị là ông nội của con quý vị. Vậy thì ông
nội là con của ai? Quý vị truy tìm gốc gác của gia đình mình cho đến khi không
thể truy tìm được nữa. Quý vị có thể nói: “Người này là vị tổ đầu tiên khai
sinh ra gia đình tôi.” Nhưng ai là cha của vị tổ đầu tiên ấy? Truy chỗ này tìm
chỗ kia, quý vị vẫn không thể nào tìm ra được. Nên có người nói rằng con người
phát sinh từ loài khỉ, vậy loài khỉ phát sinh từ cái gì?
Nếu loài khỉ có thể chuyển thành người, làm sao quý vị biết được toàn thể loài người đều phát sinh từ khỉ. Liệu có người nào phát sinh từ heo, từ chó, từ bò không? Nếu từ khỉ có thể làm phát sinh ra loài người thì loài người cũng có thể được phát sinh từ bò, heo, ngựa. Mọi người ai cũng đều phải trải qua vô số lần biến chuyển. Thế nên truy tìm kỹ lưỡng, quý vị sẽ thấy rằng mình không có chỗ khởi đầu.
Nay với thành tựu của khoa học và khám phá của
ngành khảo cổ, người ta biết được những việc đã xảy ra cách đây hàng ngàn năm
về trước, về những hiện tượng đã xảy ra như thế nào vào hàng chục ngàn năm về
trước. Họ biết những nơi nào còn sót lại xương của loài người sống cách đây
hàng vạn hoặc hàng triệu năm. Để làm gì? Có phải đó là bằng chứng của mọi việc?
Chẳng thể như thế được. Nó chẳng chứng minh được một điều gì hết.
Quý vị sẽ nói: “Nếu nó chẳng chứng tỏ được điều gì cả, tại sao xã hội lại đầu tư rất nhiều tiền để nghiên cứu và thí nghiệm?”
Đó là một sự điên đảo của thế gian này. Không còn việc gì để làm nên họ kiếm việc để làm. Nếu họ không làm những việc điên đảo này, tại sao tài nguyên thế giới trở nên cạn kiệt và bị lãng phí như vậy?
Nếu quý vị thực sự hiểu, quý vị có thể nói được thực chất của thế giới này là gì không? Phải tìm cho ra được những điều chân thực và mang đến đây cho tôi nhìn thấy mới được.
Tôi nói mọi người đều
sinh ra từ một trạng thái mơ hồ (vô minh) và chết đi trong một giấc mộng.
Quý vị nói: “Nhưng họ cũng đã làm cho đất nước lợi lạc.” Họ chỉ là những con người hồ đồ làm những việc hồ đồ mà thôi. Họ cho rằng mình là những người thông minh nhưng thực ra họ đang đánh lừa họ vì họ không thể nào tìm ra được nơi khởi đầu.
“Từ vô thỉ đến nay.” Người ta không thể nói được điều
gì hơn cuộc đời của một con người và một phả hệ không biết nơi khởi đầu, không
có chỗ kết thúc của người ấy. Cũng như sinh mạng của quý vị thử nói nó bắt đầu
lúc nào?
Quý vị liền trả lời:
“Sinh mạng của tôi bắt đầu khi tôi được sinh ra.” Nếu cuộc đời thực sự được bắt đầu từ khoảng thời gian ngắn ngủi ấy thì không sao, nhưng chỉ e ngại sinh mạng quý vị không được khởi đầu từ một khoảng thời gian ngắn ngủi như thế. Đó mới là vấn đề.
Theo các thứ điên đảo.
Điều ngu muội mà tôi có đề cập trước đây chính là sự điên đảo, là sinh ra trong sự mơ hồ (vô minh) và chết đi trong giấc mộng. Quý vị lại nói: “Tôi đã dành những thực phẩm quý giá nhất để nuôi dưỡng thân này và những y phục tốt đẹp nhất để trang sức cho nó mà!”
Thế có nghĩa là gì? Rốt ráo điều ấy
có nghĩa gì?
Như tôi đã nói từ trước, quý vị chỉ làm một việc là trang sức một mớ quần áo lộng lẫy cho một cái nhà vệ sinh. Vậy việc ấy có gì lớn lao chăng? Đó chính điên đảo.
Thích bày ra một số việc để làm trong khi chẳng có việc gì để làm cả đó là hành động xuất phát từ “các thứ điên đảo.”
Đó là không
nhận ra được chơn tánh thanh tịnh của mình mà bị rơi vào vọng tưởng phân biệt.
“À!”– quý vị nói – “Như thế nầy mới thực sự là hay.” Nói như thế
thì điều ấy thực sự là tốt chăng? Hoặc quý vị nói: “Như thế kia thì mới thực là
dở.” Nói thế thì điều kia thực sự là xấu xa chăng? Nếu quý vị quán chiếu sâu
sắc hơn, quý vị sẽ nhận ra những thứ điên đảo này không có thực. Cái gì là tốt,
cái gì là xấu? Đó là sự phân biệt từ cái nhìn của con người, họ phân chia hiện
tượng thành ra có tốt và xấu, thiện và ác, phải và trái. Trong tánh Như Lai
tạng, không có sự phân biệt như vậy, vốn không có một ý kiến gì cả ở trong tánh
Như Lai tạng. Trong ấy hoàn toàn thanh tịnh. Mắt ta có thể thấy được núi sông,
đất liền, cây cối thảo mộc, vô số hiện tượng nhưng đó chỉ là sự biểu hiện của
thức.
Khi quý vị đã thực sự nhận ra lý không sinh không diệt của các pháp thì quý vị sẽ hiểu được xưa nay vốn không có một pháp nào cả. Nhưng đạo lý này không phải dễ nhận ra. Chúng ta chỉ có thể hiểu được đạo lý này một cách dần dần thôi.
Tự nhiên tạo thành các giống nghiệp như chùm hạt ác-xoa.
Sự vô
minh của chúng sinh dẫn họ hành động một cách điên đảo và những thứ hành động
điên đảo ấy lại tạo ra vô số loại nghiệp. Tùy theo những loại nghiệp khác nhau
mà họ phải trải qua những quả báo khác nhau. Tại sao chúng sinh tạo ra những
nghiệp ác? Vì vô minh, vì thiếu trí tuệ, vì điên đảo trong mộng tưởng. Vọng
tưởng khiến họ tạo các ác nghiệp và do họ tạo ác nghiệp nên họ phải chịu quả
báo đau khổ.
Có ba tiến trình:
Vọng tưởng dẫn đến tạo nghiệp ác rồi dẫn đến thọ quả báo khổ đau. Đức Phật so sánh tiến trình liên tục ấy như chùm hạt ác-xoa.
Ác-xoa là một loại trái cây ở ấn Độ chúng mọc thành chùm, mỗi chùm gồm
ba quả. Mặc dù quý vị chưa bao giờ thấy chùm trái ác-xoa nhưng kinh văn đã
giảng giải rất rõ ràng, ai cũng đều có thể hiểu được chùm ác-xoa gồm ba trái
dính nhau tượng trưng cho ba thứ: vô minh, nghiệp và quả. Nó liên kết với nhau,
dính liền nhau cùng một cuống. Quý vị không thể thấy quả nào ở trước quả nào,
từng hạt kế tiếp nhau như vòng tròn liên tục từ đời này qua đời khác, kiếp này
qua kiếp khác. Quý vị nói chúng bắt đầu ở nơi đâu? Nó chẳng có chỗ khởi đầu. Là
một chu kỳ bất tận của vòng luân hồi sinh tử trong lục đạo.
Mỗi người chúng ta đều sinh ra nơi thế gian này, giống như hạt vi trần bỗng chốc nổi lên cao, bỗng chốc chìm xuống thấp, chợt chìm chợt nổi, thoắt còn thoắt mất. Khi gieo nhiều nghiệp nhân tốt lành, quý vị sẽ được sinh trong tầng lớp cao quý. Khi tạo nhiều nghiệp bất thiện thì sẽ bị đọa lạc. Do vậy, quý vị đừng nên làm những việc ác vì thế giới này được vận hành bởi đạo lý nhân quả, bởi quy luật của nghiệp và quả. Và hạt giống nghiệp sẽ vận hành đạo lý này một cách tự nhiên, nghĩa là quý vị sẽ phải nhận lấy quả báo từ những nghiệp nhân do quý vị đã tạo.
Có một vài điểm khác biệt giữa “nghiệp” và
“nhân.” Nghĩa là bất kỳ lúc nào quý vị gieo trồng một nghiệp nhân thì quý vị
sẽ gặt hái lấy “nghiệp quả.” “Nhân” là một hành vi đặc biệt dẫn đến một kết quả
tương ứng trong tương lai.
Còn “nghiệp” là một tiến trình chung nhất trong đó những sự kiện tất yếu này phải xảy ra. Cũng giống như khi gieo một hạt giống vào lòng đất trong mùa xuân. Đây là nguyên nhân mà kết quả là vào cuối mùa trồng trọt, sẽ mang lại sự gặt hái vào mùa thu. Toàn bộ tiến trình từ gieo trồng cho đến khi trổ hạt và gặt hái phải trải qua hằng tháng, đó là “nghiệp.” Cái nhân quý vị gieo trồng dứt khoát sẽ gặt hái được kết quả. Nếu quý vị gieo trồng những hạt giống tốt, quý vị sẽ gặt hái được vụ mùa tốt. Nếu quý vị gieo trồng những hạt giống xấu, chắc chắn quý vị sẽ thu hoạch một vụ mùa kém cỏi.
Nghiệp được tạo nên bởi
những việc mà quý vị thường làm nhất trong đời. Ví dụ như khi quý vị điều hành
công việc buôn bán, nghĩa là quý vị dự vào “thương nghiệp.”
Nghề nghiệp có thể là nghiệp tốt hoặc nghiệp xấu. Nếu quý vị làm nghề hàng thịt chẳng hạn, như vậy nghề của quý vị là nghiệp sát. Nếu quý vị làm trộm cướp thì đó là nghiệp đạo (ăn trộm). Nếu quý vị chẳng làm gì hết ngoài tà hạnh dâm dục thì quý vị đã tạo nghiệp dâm. Nếu quý vị không bao giờ nói lời chân thật đó là quý vị đã tạo nghiệp vọng ngữ. Nói chung, bất kỳ quý vị thường làm một việc gì thì đó là nghiệp của quý vị và quả báo sẽ đi theo liền, tương ứng với nghiệp của quý vị đã tạo.
Như vậy, nghiệp được tạo ra do từ một niệm vô
minh từ vô thỉ. Từ vô minh tạo ra nghiệp, từ nghiệp dẫn đến thọ quả khổ. Ba món
này như một chùm quả ác-xoa. Đây là lý do tại sao Đức Phật giảng giải rõ ràng
tiến trình của nghiệp cho A-nan trong đoạn kinh văn này.
KINH VĂN:諸修行人不能得成無上菩提,乃至別成聲聞緣覺。及成外道,諸天魔王,及魔眷屬。
Chư tu hành nhân, bất
năng đắc thành vô thượng bồ-đề, nãi chí biệt thành thanh văn, duyên giác cập
thành ngoại đạo, chư thiên, ma vương, cập ma quyến thuộc.
Những người tu hành không thành được đạo vô thượng bồ-đề, mà chỉ
thành thanh văn, duyên giác hoặc thành ngoại đạo, chư thiên, ma vương và quyến
thuộc của ma…
Giảng: Những người tu hành không thành được đạo Vô thượng bồ-đề.
Ở đây bao gồm tất cả hàng ngoại đạo cũng như hàng Phật tử. Những người khi tu
đạo mà mong cầu chứng được điều gì đó, thành tựu điều gì đó. Những gì họ mong
cầu là đạt được quả vị Vô thượng bồ-đề. Bồ-đề là sự thành tựu Phật quả. Bồ-tát
được gọi là bậc Thượng sĩ, còn Đức Phật được gọi là Vô thượng sĩ và Vô thượng
bồ-đề là cảnh giới đã thành tựu quả vị Phật. Mà chỉ thành Thanh văn, Duyên
giác.
Liệu những người tu hành có thể đạt được quả vị nào khác Phật
quả? Thanh văn là những người nghe Phật thuyết pháp mà giác ngộ. Họ tu tập pháp
Tứ diệu đế. Duyên giác là những người tu tập theo pháp Thập nhị nhân duyên.
Hoặc thành ngoại đạo, chư Thiên, Ma vương và quyến thuộc của ma…
Thế nào nghĩa là ngoại đạo? Từ này rất thường được đề cập trong
kinh này. Những ai mà “mong cầu ở ngoài tâm có pháp” thì được xem như ngoại
đạo. Thực vậy, những người mà chưa đạt được sự giác ngộ hay chưa chứng được
Phật quả có thể nói theo một ý nghĩa khác, là còn ở bên ngoài đạo. Có rất nhiều
cõi trời, cõi trời gần chúng ta nhất là cõi trời Tứ thiên vương. Cõi trời này
nằm phía trên núi Tu-di, bao trùm một nửa núi Tu-di, ở bốn phía Đông – Nam –
Tây – Bắc. Bốn vị vua cai quản các cõi trời này là Trì Quốc Thiên vương, Tăng
Trưởng Thiên vương, Quảng Mục Thiên vương và Đa Văn Thiên vương. Thọ mạng của
chư Thiên trong các cõi trời này là năm trăm năm. Thế nên đối với loài người
chúng ta, năm mươi năm chỉ bằng một ngày một đêm nơi các cõi trời này.
Phía trên cõi trời Tứ thiên vương là cõi trời Tam thập tam
thiên. Thọ mạng của chư Thiên cõi trời này là một nghìn năm. Cõi nhân gian một
trăm năm tương đương một ngày một đêm trên cõi trời này. Có tất cả ba mươi ba
cõi trời hết thảy, mỗi phương Nam, Bắc, Đông, Tây của núi Tu-di có tám cõi trời
– tất cả là ba mươi hai và cõi trời thứ ba mươi ba nằm trên núi Tu-di. Chủ của
cõi trời Tam thập tam thiên nguyên là một phụ nữ. Một hôm bà ta thấy tượng Phật
ở trong một ngôi chùa bị dột nát. Bà ta phát tâm lợp lại mái chùa khiến cho mưa
không giọt xuống tượng Phật nữa. Bà ta vốn là một người nghèo, nhưng bà khuyến
khích ba mươi hai người bạn của bà cùng phát tâm cúng dường lo việc sửa chùa.
Do phước đức phát sinh từ hạnh nguyện này khiến cho ba mươi ba người này được
sinh vào cõi trời và trở thành thiên chủ của ba mươi ba cõi trời này.
Trong thần chú Thủ-lăng-nghiêm, câu “Nam mô nhân đà ra da.” “Nam
mô” nghĩa là quy y, “Nhân đà ra da” nghĩa là thiên chủ của cõi trời Tam thập
tam thiên. Cõi Trời Tứ thiên vương và cõi trời Tam thập tam thiên vương là hai
cõi trời đầu tiên ở Lục dục thiên. Các cõi trời còn lại sẽ được giải thích chi
tiết ở phần sau. Ma vương cư ngụ ở Lục dục thiên. ở đó không chỉ có Ma vương mà
toàn bộ ma dân cũng cư ngụ ở đó gồm: ma nữ, ma con, ma cháu và rất nhiều quyến
thuộc. Ma quỷ cũng có quyến thuộc, con cháu, đồ đệ. Nó làm bá chủ một cõi trời,
lập thành ma cung. Phần nhiều những người tu theo ngoại đạo đều dẫn đến kết
cuộc là sinh trong các cõi này. Bậc thượng thì làm Ma vương, bậc trung thì làm
ma dân, bậc hạ thì làm ma nữ. Ma nữ đặc biệt là rất đẹp và rất quyến rũ. Bất
lụân quý vị là ai, như A-nan chẳng hạn dù đã chứng được quả vị thứ nhất của
hàng a-la-hán, mà cũng không có đủ định lực để làm chủ mình khi nhìn thấy một
ma nữ, nên A-nan đã gần như muốn thử bất cứ món gì. Ma nữ rất có quyền lực. Quý
vị là những người tu đạo nên hết sức cẩn trọng đừng để loài ma này quyến rũ
mình. Điều đó có ý nghĩa như thế nào?
Nếu quý vị không có đủ định lực thì quý vị sẽ không thể duy trì
được sự an định, khi gặp tình huống này sẽ bị ma xoay chuyển và quý vị sẽ thấy
mình bị kéo lê lết theo sau một con ma nữ rồi rơi xuống hố ma. Nếu tôi nói
nhiều ma vương sẽ than phiền: “Ngài nói nhiều quá và cứ phơi bày xấu xa của
chúng tôi.” Thế nên tôi xin dừng. Nói chung là hãy nên thận trọng, hãy phát huy
định lực tối cao, lúc ấy chẳng có gì để sợ hãi. Đây là sự thử nghiệm tuyệt
duyệt nhất mà tôi xin ban tặng cho quý vị.
KINH VĂN:皆由不知二種根本,錯亂修習。猶如煮沙欲成嘉饌。縱經塵劫,終不能得。
Giai do bất tri nhị chủng
căn bản, thố loạn tu tập. Dụ như chử sa dục thành gia soạn. Túng kinh trần
kiếp, chung bất năng đắc.
Đều do không biết hai món căn bản, nên tu tập sai lầm. Họ cũng
như người nấu cát mà mong thành cơm. Dù có trải qua nhiều kiếp như vi trần
nhưng rốt ráo vẫn không thể đạt được những gì mong muốn.
Giảng: Tại sao họ không thể thành Phật hoặc lại còn trở thành ma
vương?
Đều do không biết hai món căn bản, nên tu tập sai lầm. Hai món
căn bản này rất là quan trọng sẽ được giảng giải trong đoạn văn sau. Và do vì
họ không hiểu được nên họ bị sai lầm trong khi tu tập. Kết quả thành ra mê mờ.
Họ không biết làm sao hành trì cho đúng pháp chân chính. Ví dụ như ở Ấn Độ có
một phái ngoại đạo chuyên thực hành pháp tu khổ hạnh bằng cách ngủ trên giường
đinh. Họ cho rằng người ta sẽ được công đức nhờ dám tu tập hạnh khổ nhọc như
vậy. Có công đức gì trong việc làm ấy? Dù quý vị có ngủ trên dao đi nữa, cũng
vô ích mà thôi. Có một số người khác cố làm cho được những thói quen của loài
bò và loài chó.
Họ bắt chước y hệt cử chỉ của các loài vật này. Tại sao vậy? Đó
cũng như là tình trạng nhầm lẫn mê mờ phương pháp tu hành chân chính. Họ thực
hành lối tu khổ hạnh vô ích chẳng đạt được kết quả gì cả, dù họ có tu hành khổ
nhọc đến đâu đi nữa. Họ giống như việc gì? Bây giờ Đức Phật mới đưa ra một ví
dụ. Họ cũng như người nấu cát mà mong muốn thành cơm. Dù có trải qua nhiều kiếp
như vi trần nhưng rốt ráo vẫn không thể đạt được những gì mong muốn. Cát hoàn
toàn chỉ biến thành cát, cát không thể biến thành thức ăn được. Những người này
không hiểu được hai món căn bản nên mê mờ, nhầm lẫn trong công phu tu tập.
Chung quy sẽ dẫn đến những việc tương tự như vậy.
KINH VĂN:云何二種。阿難一者無始生死根本。則汝今者與諸眾生。用攀緣心為自性者.
Vân hà nhị chủng? A-nan,
nhất giả vô thỉ sanh tử căn bản, tắc nhữ kim giả, dữ chư chúng sanh, dụng phan
duyên tâm vi tự tánh giả.
Những gì là hai món căn bản? Một là căn bản sinh tử, từ vô
thỉ, chính là tâm phan duyên mà hiện nay ông và toàn thể chúng sinh nhận làm
tự tánh.
Giảng: “Những gì là hai thứ căn bản?”
Nay Đức Phật sẽ giảng rõ hai món căn bản cho A-nan, tôi nghĩ mọi
người đều muốn biết hai món căn bản ấy là gì. Tuy nhiên, tôi sẽ không giải
thích về ý này vội.
Trước hết, tôi muốn đề cập đến người em cùng cha khác mẹ của Đức
Phật là Tôn-đà-la Nan-đà (Sundarananda), vì trước đây tôi chưa nói về nhân vật
này. Ông ta rất yêu vợ mình là nàng Tôn-đà-lợi (Sundari). Hai người có thể nói
là như keo sơn. Họ ở bên nhau suốt ngày, chẳng hề rời nhau. Do đó để phân biệt
ông ta với Ngài A-nan, Nan-đà được gắn thêm tên vợ mình là Tôn-đà-lợi, thành ra
Tôn-đà-la Nan-đà. Một hôm Đức Phật đi ngang qua nơi Tôn-đà-la Nan-đà đang ở.
Đức Phật đến vương cung khất thực, gặp lúc vợ chồng Tôn-đà-la Nan-đà đang ăn
cơm. Khi Tôn-đà-la Nan-đà thấy Đức Phật đang đến, ông ta rời khỏi người vợ và
dặn lại:
– Hãy đợi một lát, tôi ra cúng dường cho Đức Phật.
Người vợ liền bảo:
– Ông đi cúng dường cho Đức Phật thì rất tốt nhưng hãy trở lại đây tức thì,
đừng có đi luôn!
Tôn-đà-la Nan-đà đáp:
– Dĩ nhiên. Tôi trở lại liền.
Nàng Tôn-đà-lợi liền nhỗ một bãi nước miếng xuống đất rồi nói:
– Nếu ông không trở lại trước khi bãi nước miếng này khô, thì tôi sẽ không để
cho ông vào giường với tôi.
Tôn-đà-la Nan-đà cũng lưu tâm đến lời khuyên này và hứa:
– Chắc chắn tôi sẽ trở về ngay.
Rồi ông ta liền mang thức ăn, rau quả đến cúng dường Đức Phật.
Ông ta đến dâng bình bát cho Đức Phật, nhưng ông thấy sao mà Đức Phật làm những
việc kỳ lạ quá? Đức Phật đã dùng thần thông. Mỗi khi Tôn-đà-la Nan-đà bước đến
một bước để dâng bát cho Đức Phật thì Đức Phật lùi lại một bước. Thế nên Tôn-đà-la
Nan-đà vẫn cứ tiến tới để theo kịp Đức Phật, nên chỉ còn vài bước nữa là cả hai
về đến Tinh xá Kỳ hoàn. Mặc dù thực tế là từ Tinh xá về đến nhà Tôn-đà-la
Nan-đà rất xa. Khi đã về đến Tinh xá rồi, Đức Phật bảo Tôn-đà-la Nan-đà:
– Đừng về nhà nữa, hãy ở đây với tôi, sống cuộc đời của người
xuất gia. Tôn-đà-la Nan-đà vô cùng sửng sốt, đến nỗi toàn thân ông ta nổi da
gà. Ông ta nói rõ ràng dứt khoát:
– Tôi không thể nào ở lại đây được. Tôn-đà-lợi đang đợi tôi ở
nhà. Tôi chẳng thể nào lưu lại đây được. Tôi phải về nhà thôi.
Đức Phật bảo:
– Ông chẳng thể nào về nhà được, để tôi chỉ cho ông xem một số cảnh rồi hãy xét
lại suy nghĩ của mình.
Đức Phật dẫn Tôn-đà-la Nan-đà đến nơi có đàn khỉ đang sinh sống,
rồi hỏi:
– Những con khỉ này và nàng Tôn-đà-lợi, ai đẹp hơn?
Tôn-đà-la Nan-đà đáp ngay:
– Dĩ nhiên là nàng Tôn-đà-lợi đẹp hơn. Sao lại có thể so sánh như vậy được?
Đức Phật xác định việc so sánh ấy là hoàn toàn đúng rồi đưa ông
ta lên cung trời. Khi đi dạo, họ chú ý đến cung điện rực rỡ, nơi những cung nữ
đang bận rộn trong việc chùi rửa và trang hoàng. Có khoảng năm trăm thiên nữ
đang ở trong cung điện này, người nào cũng đẹp, không thể nào so sánh được.
Tôn-đà-la Nan-đà hỏi một cung nữ:
– Tại sao các người làm những việc này?
Họ đáp:
– Chúng tôi trang hoàng cung điện chuẩn bị để đón người em họ của Đức Phật là
Tôn-đà-la Nan-đà. Sau khi ông ta tu tập, ông ta sẽ sinh lên cõi trời để hưởng
phước. Năm trăm thiên nữ ở đây sẽ là vợ của ông ta. Tôn-đà-la Nan-đà rất lấy
làm vui thích.
Đức Phật hỏi:
– Này Nan-đà, những thiên nữ ở đây và nàng Tôn-đà-lợi ai đẹp hơn?
Tôn-đà-la Nan-đà đáp liền :
– Dĩ nhiên là những thiên nữ này đẹp hơn. Làm sao lại có thể so sánh như thế
được. Nàng Tôn-đà-lợi chỉ đáng như con khỉ dưới kia thôi.
Đức Phật bảo: – Đúng vậy, cung điện này đang chuẩn bị sẵn sàng
để đón ông. Sau khi đi dạo khắp hoàng cung, Đức Phật đưa người em mình xuống
dạo chơi ở địa ngục. ở đây, họ thấy hai con quỷ đang đun một chảo dầu. Một con
thì đang ngủ say và con kia dù đã tỉnh ngủ rồi nhưng hai mắt còn mở chưa ra.
Tôn-đà-la Nan-đà thấy vậy đoán chừng: “Những con quỷ này đang muốn chụm lửa đun
sôi vạc dầu, nhưng nó không muốn làm. Thì ra là những con quỷ lười.” Nghĩ vậy
rồi ông ta thúc vào một con quỷ và hỏi: Các ông đun bếp này để nấu gì vậy?
Con quỷ nhỏ nhất tròn xoe đôi mắt mệt mỏi nhìn chăm ông ta rồi
gắt gỏng hỏi lại:
– Việc ấy có can hệ gì đến ông?
Tôn-đà-la Nan-đà đáp lại:
– Tôi chỉ muốn biết thôi.
– Muốn biết hả, được rồi, tôi sẽ nói cho mà biết.
Đức Phật có một người em trai đang tu tập mà chỉ mong được hưởng
phước báo ở cõi nhân thiên. Ông ta sẽ sinh ở cõi trời và hưởng phước báu ở đó
năm trăm năm. Đến khi hưởng hết phước rồi ông ta sẽ bị đọa vào địa ngục. Khi
ông ta đến đây thì cũng vừa lúc bọn tôi đun sôi vạc dầu này. Ông ta sẽ bị luộc
trong ấy. Tôn-đà-la Nan-đà sững sốt đến nỗi tóc dựng đứng. Đột nhiên ông ta
hiểu được toàn bộ tình huống và nghĩ: “Những thiên nữ ở cõi trời này thì đáng
giá thật, nhưng hưởng phước báu ở nơi đây với họ năm trăm năm thì cũng chẳng
quý báu gì, khi hết phước lại phải kết thúc đời mình trong chảo dầu sôi. Tốt
hơn hết là ta nên theo Đức Phật xuất gia trở thành tỷ-khưu. Thế nên ông ta quên
bẵng nàng Tôn-đà-lợi và đồng ý xuất gia với Phật.
Để độ thoát cho Tôn-đà-la Nan-đà, Đức Phật cùng đi với ông ta
lên trời rồi xuống địa ngục. Nhưng việc độ thoát cho A-nan anh của Tôn-đà-la
Nan-đà lại tỏ ra khó hơn. Đức Phật giải thích một đạo lý mà A-nan không hiểu
được. Đức Phật lại giảng giải thêm một đạo lý khác nữa mà A-nan vẫn không hiểu
được. Đức Phật vẫn tiếp tục giảng giải và A-nan vẫn còn trong mơ hồ. Nay Đức
Phật khai thị hai món căn bản giúp cho mọi người vốn đã bị mê mờ trong công phu
tu tập. Đức Phật muốn giúp cho A-nan hiểu trực tiếp rõ ràng công phu của mình
để A-nan có thể chứng được Phật quả trong tương lai. A-nan, một là căn bản sinh
tử từ vô thỉ,
Từ vô thỉ kiếp đến nay, quý vị đã phải chịu sinh rồi sinh, chết
rồi chết, chết rồi sinh, sinh lại chết… Tôi đã giảng giải đạo lý này cho quý vị
rồi: “Do không nhận ra chơn tâm thường trụ, thể tánh thanh tịnh sáng suốt mà
nhận lầm các vọng tưởng. Các vọng tưởng này vốn chẳng chân thật, nên bị luân
chuyển.” Căn bản sinh tử đã được khai thị một lần nữa trong đoạn văn này rồi.
Nó chính là tâm phan duyên mà hiện nay ông và toàn thể chúng sinh – không chỉ
riêng mình ông, mà tất cả mọi loài – nhận làm tự tánh.
“Nhận tâm phan duyên” là chuyên hành xử dựa trên vọng tưởng.
Chẳng hạn như quý vị đi học nhưng lại đem hết sức mình ra để mong được điểm tốt
với thầy dạy của bạn bằng cách nịnh nọt thầy. Quý vị tâng bốc giáo sư bằng
những tước hiệu của họ và tặng những mỹ từ với hy vọng giáo sư sẽ hài lòng. Sao
vậy? Vì mong mỏi giáo sư sẽ cho quý vị nhiều điểm. Quý vị nghĩ rằng: “Rõ ràng
giáo sư sẽ cho ta điểm tám mươi, nhưng nếu mình tử tế với thầy, tặng quà cho
thầy hay chút đồ vật gì đó thì có thể ông ta sẽ tăng điểm cho mình gấp đôi.”
Quý vị thủ lợi bằng một cách vi tế như vậy. Đó là một ví dụ của tâm phan duyên.
Một ví dụ khác xảy ra trong khi ứng cử Tổng thống hoặc Dân biểu hoặc Tỉnh
trưởng.
Các ứng cử viên đi lại khắp nơi để cổ động giành phiếu cho mình
và nài nỉ, khẩn khoản cầu viện sự ủng hộ từ phía bạn bè phe cánh của mình. Đó
cũng là một trường hợp của “tâm phan duyên.” Thay vì để cho mọi việc diễn biến
một cách tự nhiên. Nếu theo diễn biến tự nhiên, quý vị sẽ trở thành Tổng thống,
thì lẽ ra quý vị chẳng cần phải mở chiến dịch vận động rùm beng để cho mọi
người biết quý vị xứng đáng là Tổng thống. Đạo đức của quý vị quá hiển nhiên
rồi và mọi người đều ngưỡng mộ bạn. Bạn khỏi phải cần thuyết phục mọi người,
họ tự nhiên sẽ đề cử quý vị làm Tổng thống. Đó là phương cách lý tưởng để tiến
hành, còn ngoài ra đều rơi vào lãnh vực của tâm phan duyên.
Một sự kiện khác minh họa cho điểm này là chuyện vua Nghiêu của
nước Trung Hoa, khi vua Nghiêu đã già, ông muốn tìm kiếm người có tài đức xứng
đáng để giao việc trị nước cho người ấy. Vua Nghiêu nghe rằng có Sào Phụ và Hứa
Do là người hiền tài đức hạnh trong thiên hạ nên quyết định giao việc trị nước
lại cho Sào Phụ. Tại sao lại gọi là Sào Phụ, Sào (巢 ) nghĩa là tổ chim. Do
ông ta sinh sống ở một nơi rất kỳ quặc. Ông ta làm một cái chòi tranh ở trên
cây giống như tổ chim rồi ở trên đó. Cách sống của ông ta rất đơn giản, đến nỗi
ông ta dùng hai bàn tay úp lại múc nước để uống. Có người thấy ông ta uống nước
như vậy, mới nghĩ rằng ông ta không có vật dụng để đựng nước nên cho ông ta một
cái vỏ trái bầu.
Ông ta treo vỏ trái bầu khô trên một cành cây nhưng nó lại gây
nên tiếng lóc cóc ầm ĩ mỗi khi gió thổi qua, thấy nó quá phiền toái nên cuối
cùng ông ta lại vứt nó đi. Vua Nghiêu nghe đức hạnh, tài năng cùng sự thanh
bạch của Sào Phụ, quyết định nhường ngôi cho ông ta. Vua đến gặp ông để thông
báo ý định của mình: “Trẫm nay đã già, ông nên thay trẫm nhận việc trị dân,
trẫm sẽ nhường ngôi cho ông.” Ngay sau khi câu nói của vua Nghiêu vừa thoát ra
khỏi miệng, Sào Phụ liền lấy tay bịt tai mình lại, bỏ đi nói một cách dí dỏm:
¬Tôi chẳng có một chút thích thú gì khi nghe nói những nói những
lời như vậy. Thực ra, những lời nói của Ngài đã làm bẩn tai tôi. Sào Phụ đi về
hướng bờ sông để rửa tai thực. Bấy giờ, rất tình cờ Sào Phụ lại gặp Hứa Do cũng
đang ở bến sông, ông ta đang tắm cho trâu. Hứa Do hỏi:
– Tại sao ông xuống đây để rửa tai?
– Ông vua Nghiêu kia thật là điên rồ, –Sào Phụ trả lời khi đã rửa tai xong–Ông
ta đến tìm tôi, nói rằng muốn giao đất nước cho tôi, muốn tôi trị vì quốc gia
này. Lời nói của ông đã làm bẩn tai tôi, nên tôi xuống đây để rửa.
Nghe vậy, Hứa Do la lên:
– Thế thì làm sao mà trâu của tôi lại phải uống thứ nước dơ bẩn mà ông đã dùng
để rửa tai xong. Trâu của tôi không thể nào uống thứ nước bẩn thỉu ấy được.
Nói xong, Hứa Do dẫn trâu lên phía trên dòng sông để cho trâu
được uống nước trong sạch. Quý vị thấy vào thời xưa, bậc hiền nhân không những
từ chối ngôi vua mà còn có những lời phản ứng khẳng khái khi tai mình bị bôi
nhọ bởi những lời như vậy.
Thế mà ngày nay người ta lại nói:
“Nè, quý vị hãy bỏ phiếu bầu cử cho tôi làm Tổng thống. Hãy chọn tôi làm dân biểu
cho quý vị.” Các ứng cử viên mở những cuộc vận động chính trị, tạo sự liên kết
xuyên quốc gia, thương lượng đi đêm, mặc cả cửa sau, ngay cả mua chuộc cả phiếu
bầu. Nhưng Sào Phụ và Hứa Do lại không bị “tâm phan duyên.” Họ đã biểu hiện đức
hạnh cao quý và vô cùng thanh khiết. Nhận lấy tâm phan duyên này, quý vị lầm
cho rằng đó chính là tự tánh. Quý vị nhận lầm tâm phàm phu làm bản tâm của
mình, vậy nên làm sao mà chẳng bị luân hồi trong sinh tử? Quý vị không nhận ra
được bản tâm là gì, thay vì vậy, quý vị nhận giặc làm con, trong tương lai nó
sẽ lấy sạch châu báu trong nhà cửa của quý vị. Đó chẳng gì khác hơn là vọng
tưởng, nó khiến cho quý vị nghĩ rằng mình có chút thành tựu bởi đã dùng tâm
phan duyên. Đây chính là sai lầm mà A-nan đã mắc phải.
KINH VĂN:二者,無始菩提涅槃元清淨體。則汝今者識精元明,能生諸緣,緣所遺者。
Nhị giả, vô thỉ bồ-đề
niết bàn nguyên thanh tịnh thể. Tắc nhữ kim giả thức tinh nguyên minh, năng
sanh chư duyên, duyên sở di giả.
Thứ hai là nguyên thể thanh tịnh của bồ-đề niết-bàn từ vô thỉ.
Đó chính là cái thức tinh nguyên minh của ông. Hiện nay hay sinh khởi các
duyên bị ông quên mất.
Giảng: Thứ hai là nguyên thể thanh tịnh của bồ-đề niết-bàn từ vô
thỉ.
Chẳng có khởi đầu nên Đức Phật gọi là “vô thỉ”; ngay cả những gì xảy ra trước
lúc khởi đầu.
Bồ-đề là tiếng Phạn (bodhi), dịch nghĩa là giác ngộ được đạo lý.
Có ba nghĩa:
1. Chơn tánh bồ-đề: tức là Phật tánh mà mọi chúng sanh đều vốn có sẵn. Thông
thường mọi chúng sanh đều có chơn tánh bồ-đề này.
2. Thật trí bồ-đề: tức là trí tuệ chân chính chẳng phải là tà tuệ.
3. Phương tiện bồ-đề: Tức là phương tiện của những người sau khi đã chứng đạo,
họ quán sát căn cơ, nghiệp lực của chúng sinh mà có phương cách thích hợp để
giáo hóa.
Ba dạng bồ-đề này có thể xem là một, phân ra gọi là ba, thực ra
chỉ là một. Cả ba chính là chân tánh bồ-đề và do nơi chân tánh bồ-đề mà có
được. Thật trí bồ-đề và phương tiện bồ-đề. Rốt ráo, bồ-đề do đâu mà có? Bồ-đề
chẳng từ đâu mà có mà cũng chẳng đi về đâu. Mỗi người chúng ta xưa nay vốn đã
từng có sẵn tánh bồ-đề trong mình rồi. Chẳng người nào có tánh bồ-đề ít hơn
hay nhiều hơn người kia. Tánh bồ-đề ấy không tăng thêm không giảm bớt; không
sinh ra, không mất đi chẳng thanh tịnh, chẳng dơ uế. Nhiều người nghĩ rằng sau
khi chết mới chứng được niết-bàn. Nhưng thực ra không nhất thiết phải sau khi
chết mới đạt được cảnh giới niết-bàn. Niết-bàn chính là sự chứng đạo,
Niết-bàn (nirvana) là tiếng Phạn dịch nghĩa là “không sinh,
không diệt.” Do không sinh không diệt nên sinh tử không còn nữa. Một người
chứng được niết-bàn là khi họ đạt đến tình trạng không bị đối kháng bởi vấn đề
sống và chết nữa. Nhưng niết-bàn không chỉ có nghĩa là sự nhập diệt của Đức
Phật. Khi Đức Phật nhập diệt gọi là Ngài nhập niết-bàn, Đức Phật chứng nhập vào
niết-bàn với đầy đủ bốn đức: thường, lạc, ngã, tịnh. Có một số người học Phật
có cái nhìn chưa rõ ràng, cho rằng niết-bàn chính là chết nhưng niết-bàn là còn
nhấn mạnh đến cái không phải chết. Những ai vướng mắc vào quan điểm này chưa
phải là người thông hiểu Phật pháp. Đó chính là thức tinh nguyên minh của ông.
Chữ “nguyên” có nghĩa là cội gốc của bản thể thanh tịnh. Nghĩa
là cái mà chẳng phải nhiễm ơ, chẳng phải thanh tịnh, không thêm, không bớt. Ánh
sáng của nó vốn thường soi chiếu khắp nơi. Chữ “thức” ở đây không phải là tám
thức, chẳng phải mạt-na hay a-lại-da thức. Nó chẳng liên quan gì đến tám thức
ấy cả. Nó chính là cái tối tinh, tối diệu của thức, thể tánh của nó bản nguyên
thanh tịnh, nó chỉ là tên gọi khác của bồ-đề niết-bàn. Cụm từ được dùng ở đây
là nhờ vào lối văn chương bóng bẩy tránh sự lặp lại. Nó chính là khía cạnh rất
tinh vi và mầu nhiệm của thức, của Phật tánh bản hữu của chân tâm thường trụ,
tánh tịnh minh thể. Hiện nay hay sinh khởi các duyên mà bị ông quên mất.
Vì những nhân duyên này sinh khởi, nên quý vị phải bị đẩy đi
xa, xa mãi nơi quý vị muốn trở thành, cũng giống như người càng chạy càng xa
mãi nơi mình đứng. Tôi đã từng nói trước rằng A-nan càng trả lời những vấn nạn
của Đức Phật thì càng đi xa dần mục tiêu cần nhắm đến đó sao? Tất cả các duyên
này đều lưu xuất từ thức tinh nguyên minh mà có, nhưng sau một thời gian dài
chấp giữ các duyên này, nên dường như bỏ quên mất thức tinh nguyên minh. Cái gì
bị bỏ quên?
Chẳng cái gì cả. Thực vậy. Thức tinh nguyên minh dường như bị bỏ
quên nhưng không phải như vậy. Bản thể bổn nguyên vốn thanh tịnh. Bồ-đề
niết-bàn là của báu chân thực trong nhà quý vị. Cơ bản là nó ở ngay bên cạnh
quý vị nhưng quý vị không biết cách sử dụng nó để làm lợi ích cho mình. Bởi vì
quý vị không biết cách sử dụng của báu ấy nên nó dường như bị bỏ quên. Như thể
quý vị có một viên ngọc quý vô giá mà quý vị đem cất giấu vào nơi rất kín đến
nỗi sau một thời gian dài quý vị không còn nhớ mình cất giấu viên ngọc ở đâu
nữa. Khi quý vị đã quên không biết nó ở đâu thì không thể biết cách sử dụng nó
cho có lợi ích. Mặc dù quý vị bị khốn quẫn nhưng không thể nào sử dụng được
viên ngọc và hưởng được lợi ích từ viên ngọc quý ấy. Cũng giống như thể viên
ngọc không có ở trong nhà quý vị vậy. Nên quý vị phải dùng thứ gì để thay thế?
Quý vị dùng vọng tưởng của quý vị, dùng tâm phan duyên của mình để thay thế.
Trong khi quý vị quên mất chơn tâm của mình và một khi chơn tâm đã bị bỏ quên
thì nó cũng hoàn toàn giống như bị mất. Đây chính là lý do tại sao quý vị không
thể thành Phật, thay vì vậy lại bị trói buộc trong vòng sinh tử, do vì quý vị
không nhận ra chơn tâm.
KINH VĂN:由諸眾生遺此本明,雖終日行,而不自覺,枉入諸趣。
Do chư chúng sanh di thử
bổn minh, tuy chung nhật hành, nhi bất tự giác, uổng nhập chư thú.
Do các chúng sinh bỏ quên tánh bản minh này, tuy trọn ngày
mình sử dụng nó mà chẳng tự biết, nên bị trôi lăn oan uổng trong các cõi.
Giảng: Do các chúng sinh bỏ quên tánh bản minh này. Chúng sinh
dường như bỏ quên thể tánh thường trụ thanh tịnh sáng suốt của chơn tâm. Nhưng
thật sự chơn tâm không mất. Tuy trọn ngày mình sử dụng mà chẳng tự biết.
Chúng sinh sống trong thể tánh thanh tịnh, trong chân tâm thường
trú hằng ngày. Bởi vì vọng tưởng vốn xuất phát từ chơn tâm, đó chính là tâm
phan duyên lưu xuất từ một niệm sinh khởi từ vô thỉ. Tất cả mọi hiện tượng đều
chỉ là sự biểu hiện từ chân tâm và niệm khởi này theo sát quý vị từ sáng đến
tối, nhưng quý vị không thể nào nhận biết được niệm ấy. Quý vị chỉ biết làm thế
nào để vận dụng tâm vọng tưởng của mình mà thôi. Chơn tâm được biểu hiện qua
tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm, tánh biết. Có người từng hỏi: “Phật
tánh là gì?”
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đáp:
– Tại mắt gọi là tánh thấy
– Tại tai gọi là tánh nghe
– Tại mũi gọi là tánh ngửi
– Tại lưỡi gọi là tánh nếm
– Tại thân gọi là tánh biết (do xúc chạm)
– Tại nơi ý gọi là tánh nhạy bén linh lợi
Đức Phật đã trả lời như vậy. Cái gì là Phật tánh? Đó là tánh
thấy, tánh nghe… Đó là cách thế tự nhiên như khi tay mình cầm đồ vật. Tất cả
những điều này đều là biểu hiện sự vi tế, bất khả tư nghì của chân tâm. Nhưng
không ai biết được điều này. Bây giờ A-nan vẫn còn mê mờ, thế nên Đức Phật dùng
rất nhiều cách ví dụ để giảng giải cho A-nan. Nên bị trôi lăn oan uổng trong
các cõi.
Vì chúng sinh mãi chấp cứng vào tâm phan duyên nên phải trôi lăn
vào trong các cõi mà chẳng biết những nghiệp mình tạo ra hằng ngày. Nơi thọ
sanh là nơi mà quý vị mong mỏi nhắm đến. Quý vị đi thẳng một mạch đến đó. Rồi
quý vị sẽ kết thúc đời mình ở nơi đâu? ở trong các cõi. Đó là trong sáu nẻo
luân hồi. Có ba cảnh giới lành là: cõi trời, a-tu-la và cõi người. Có ba cảnh
giới không lành là súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục. Bất kỳ quý vị tạo ra nghiệp
gì, thì quý vị phải nhận chịu quả báo của việc ấy. Do không nhận ra được chân
tâm bổn tánh, nên chấm dứt đời mình trong sáu nẻo luân hồi, dù không muốn vào
đó mà cũng vẫn phải vào. Cảnh giới a-tu-la có khi được xem như cảnh giới không
lành. A-tu-la được gọi là những kẻ thích đánh nhau. Họ luôn luôn sẵn sàng cãi
vã, nổi nóng với tất cả mọi người. a-tu-la (asuras) là tiếng Phạn, tiếng Hán
dịch là vô thù 無 酬–không có rượu–cũng có nghĩa là tác bất đoan chính 作不端正 là làm những việc không
đúng đắn. A-tu-la vốn thích uống rượu, nhưng khi họ sống ở cõi trời họ không có
rượu để uống.
Còn nghĩa tác bất đoan chính, là có liên quan đến các vị a-tu-la
nam, họ có thân hình xù xì, mặt mày xấu xí, môi sứt, răng vẩu. Nhưng a-tu-la
nữ thì rất đẹp. Ngọc hoàng Thượng đế một khi gặp a-tu-la nữ đẹp lộng lẫy như
thế liền lấy làm vợ. Một hôm Ngọc hoàng Thượng đế tức Đế thích (sakra), muốn đi
nghe Đức Phật giảng kinh, ông ta có thể biến thành thân người để đến thế giới
ta-bà này để nghe Đức Phật giảng kinh. Nhưng bà vợ a-tu-la đanh đá chua ngoa
của ông ta lại nổi cơn ghen: “Ông chỉ được đến đó mỗi một ngày thôi. Chẳng biết
loài yêu mỵ hay hồ ly tinh nào đã hớp hồn ông. Ông đang chạy theo con hồ ly
tinh nào phải không?” Bà ta buộc tội ông chồng léng phéng với một phụ nữ khác.
Không chỉ phụ nữ ở thế gian là giới duy nhất biết ghen tuông với chồng của họ.
Cuối cùng bà vợ của Đế thích quyết định tự mình theo dõi chồng để xem thử ông
làm gì (thời đại ấy chưa có thám tử tư để thuê mướn làm việc ấy, nên bà ta phải
tự mình tiến hành cuộc điều tra). Khi Đế thích vào trong pháp hội nghe kinh ông
ta đảnh lễ cung kính Pháp sư rồi tìm chỗ ngồi.
Thật tình cờ, hôm ấy có một người phụ nữ ngồi bên cạnh Đế thích.
Khi người vợ a-tu-la thấy vậy, bà ta liền hiện nguyên hình đối diện với Đế
thích rồi ca thán: “Thảo nào ngày nào ông cũng đến đây kết bè bạn với đám phụ
nữ này.” Ngọc đế rất giận dữ: “Tôi đến đây để nghe giảng kinh, bà lại chen vào
quấy rầy làm náo động cả đạo tràng. Bà gây chướng ngại thật là trầm trọng.” Nói
xong Ngọc đế đánh bạt tai vào bà ta, bà ta khóc chạy đi tìm cha của mình, đòi
ly dị và không trở về nhà chồng nữa. Cha bà ta liền bênh vực và hứa sẽ tiến
hành cuộc chiến tranh với Ngọc đế. “Ta sẽ đánh bại hắn ta và chiếm ngôi.” Ông
an ủi con mình “Đừng bận tâm gì cả!” Chiến tranh xảy ra. Mỗi ngày vua a-tu-la
đều đánh nhau với Ngọc hoàng. Ngọc hoàng trưng dụng hết biểu chương của mình
(gồm vương miện, quả cầu và nghi trượng) nhưng lực lượng dữ dội hung bạo của
a-tu-la chế ngự được cả ba thành phần này của Ngọc hoàng, dần dần Ngọc hoàng bị
đánh bại, ông ta bị mất vị thế rất nhanh. Là một Phật tử có tín tâm, Ngọc hoàng
đến đảnh lễ Đức Phật cầu cứu. Đức Phật ban cho ông tấm y ca-sa và bảo ông:
“Mang y ca-sa này về rồi cắt rọc ra thành từng giải băng nhỏ,
phát cho mỗi người lính của ông một giải, ra lệnh họ cột vào cánh tay, rồi bảo
họ đọc câu: “Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật-đa” (Trí tuệ cao tột để đưa qua bờ giải
thoát). Ngọc Hoàng làm đúng như lời Phật dạy. Toàn bộ lính trời đều học thuộc
lòng câu “Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật-đa.” Khi cuộc chiến kế tiếp xảy ra, vua
a-tu-la bị lính trời đánh bại. Họ hoàn toàn không tiên liệu được sức mạnh của
đạo quân trời như vũ bão, chấp nhận thua cuộc một lần và mãi mãi. A-tu-la còn
được gọi là “làm những việc không đúng đắn.” Họ có phước báu ở cõi trời, nhưng
không có quả báo về đức hạnh. a-tu-la không những chỉ có trong cõi trời mà ở
cõi nhân gian cũng có. Quân đội, thổ phỉ và trộm cướp là a-tu-la ở trong cõi
người. Nhưng ở đây phải có một sự phân biệt rõ. Ở quốc độ này (nước Mỹ) quân
đội là một nghĩa vụ mà mọi người dân bắt buộc phải tham gia.
Nên một số binh lính không phải là a-tu-la. Một số người này bị
buộc vào quân đội lúc còn quá nhỏ tuổi. Mười tám tuổi họ đã phải vào lính, với
lứa tuổi ấy, họ chưa có được một chút ít định lực nào cả. Chỉ nghe nói đến
chiến tranh, họ đã hoảng sợ rồi. Quân đội chiến đấu được huấn luyện năm năm,
thông thường, họ được hai mươi ba tuổi nếu vào lính năm mười tám tuổi và được
huấn luyện năm năm, với khoảng thời gian ấy, họ có một ít định lực và Kinh
nghiệm, nếu ra chiến trường, họ cũng có được một ít can đảm để đối phó. Nếu họ
quá trẻ, định lực chưa được mạnh, thiếu kinh nghiệm, không có được can đảm và
quyết tâm. Thế nên tôi nghĩ tình trạng quân đội hiện nay, không phải người lính
nào cũng là a-tu-la. Thời xưa, ai mà thực sự muốn làm lính hoặc muốn làm thổ
phỉ mới được liệt vào hàng a-tu-la.
Ngoài binh lính thổ phỉ ra còn có một loại a-tu-la khác. Chẳng
hạn những người có tính nóng nảy, luôn luôn xung đột với người khác, những
người ấy cũng mang bản tính của a-tu-la. Nói chung, a-tu-la là những kẻ có tập
khí nóng nảy. Ngựa hoang là một loại a-tu-la. Trong giới quỷ đói (ngạ quỷ) cũng
có a-tu-la. Phần nhiều chúng sinh phải đọa vào bốn đường ác này. Đây là ý chính
của đoạn kinh văn này. Một số chúng sinh không quên mất chân tánh của mình nên
sinh lại trong loài người hay loài trời, nhưng đó vẫn là “trôi lăn vào trong
các cõi mà không hề biết.” Nghĩa là quý vị đã chọn lầm đường mà không biết.
KINH VĂN:阿難,汝今欲知奢摩他路,願出生死,今復問汝。即時如來舉金色臂,屈五輪指,語阿難言: 汝今見不? 阿難言:見。
A-nan ! Nhữ kim dục tri
xa-ma-tha lộ, nguyện xuất sanh tử, kim phục vấn nhữ. Tức thời Như lai cử kim
sắc tý, khuất ngũ luân chỉ, ngữ A-nan ngôn ! Nhữ kim kiến phủ? A-nan ngôn:
Kiến.
A-nan, nay ông muốn biết con đường tu tập thiền định (samatha),
với ước nguyện được thoát khỏi sinh tử, tôi lại hỏi ông. Như Lai đưa cánh tay
sắc vàng lên, co năm ngón tay lại rồi hỏi A-nan:
– Ông có thấy chăng?
A-nan thưa :
– Bạch Thế tôn, con có thấy.
Giảng: Như Lai đưa cánh tay sắc vàng lên. Khi Như Lai sắp hỏi
A-nan, Như Lai đưa cánh tay sắc vàng lên phía trước và co năm ngón tay lại rồi
hỏi A-nan. Ông có thấy chăng?
Quý vị có thể thấy cách Đức Phật đối xử với A-nan như trẻ con,
bằng cách hỏi A-nan một câu quá đơn giản là có thấy Như Lai đưa cánh tay lên
rồi co năm ngón tay lại hay không. Những ngón tay của Đức Phật được gọi là luân
chỉ 輪 指 vì nơi bàn tay và bàn chân của Phật có thiên bức luân tướng 千幅輪 相–nhiều vân tay như hình
bánh xe. Quý vị có thể cho rằng “luân chỉ” có nghĩa là khi co năm ngón tay lại
lần lượt từng ngón: một-hai-ba-bốn-năm. Đó là điều mà mọi người đều có thể thấy
được. Tại sao Đức Phật lại hỏi một câu đơn giản như thế? Bây giờ thì quý vị có
thể cho câu hỏi đó là đơn giản, nhưng thực ra thì không phải như vậy. Càng
chiêm nghiệm sâu vào câu hỏi của Đức Phật trong phần kinh văn, càng thấy nghĩa
thâm sâu vi diệu hơn. Đó chính là động dụng bình thường hàng ngày mà quý vị có
thể nhận ra từ Phật tánh vốn có sẵn bên trong.
Những giác quan thường nghiệm mà quý vị giao tiếp hằng ngày với
trần cảnh đều là biểu hiện của Phật tánh. Nhưng quý vị không hiểu rõ được rằng
những biểu hiện ấy một khi đi qua sự cảm nhận của quý vị, những gì sai dường
như có vẻ đúng, những gì đúng thì dường như sai, những gì không mất thì dường
như mất. Nhưng cơ bản là quý vị chưa từng đánh mất nó mà dường như nó bỏ rơi
quý vị. Vốn quý vị chưa từng quên mất nó, nhưng mà quý vị hoàn toàn không thể
nào nhớ đến nó cả. Thế nên của báu trong nhà quý vị, là sự tĩnh lặng trên mảnh
đất tâm mà quý vị không dễ gì nhận ra được. Sao vậy? Vì từ vô thỉ đến nay, cội
gốc sinh tử – tâm phan duyên đã quá mạnh. Nếu tâm phan duyên biến mất, liền
ngay đó quý vị nhận ra Phật tánh sẵn có của mình liền. A-nan thưa: Bạch Thế
tôn, con có thấy.
Hãy quán sát thật kỹ điểm này. Tại sao Như Lai đưa cánh tay sắc
vàng của Ngài lên rồi co năm ngón tay lại? Đó là Như Lai muốn khai thị cho
A-nan thấy được thường trụ chân tâm, tánh tịnh minh thể được hiển bày qua nhãn
căn, qua tánh thấy. Và đó là lý do Như Lai chú tâm trong việc khai triển ý
nghĩa của cái thấy trong đoạn kinh văn tiếp theo. Đức Phật muốn khai thị cho
A-nan được giác ngộ bản tâm thông qua tánh thấy. Thế nên các vị Tổ Trung Hoa,
các bậc Đại đức cao tăng trong Thiền tông thường đưa lên một ngón tay khi có
người xin được khai thị. Đó cũng là một cách khai thị cho môn đệ được chứng ngộ
thông qua tánh thấy. Có khi quý vị thỉnh cầu được khai thị, chư Tổ chỉ đưa mắt
tròn xoe nhìn trừng trừng không nói.
Qua đó, họ ngầm ý bảo quý vị phải ngay nơi tánh thấy, phải trực
tiếp nhận ra tất cả mọi vấn đề. Thế nên trong Thiền tông, các vị Tổ thường có
cái nhìn rất là dữ dội. Các vị Thiền sư thường có những cử chỉ những hành động
để giúp cho đệ tử của mình đạt được giác ngộ. Nếu quý vị nhận ra, thì quý vị
tức khắc được chứng ngộ nếu không thì đành bỏ lỡ cơ hội. Đa số các vị Tổ Trung
Hoa đã vận dụng lối khai ngộ đệ tử như vậy. Nhưng họ là những người đã chứng
ngộ, nên họ hoàn toàn thích ứng khi dùng cách dạy người như vậy. Còn quý vị thì
không thể nói: “Tôi nghe các vị Tổ chỉ cần đưa một ngón tay, thế nên ai gặp
tôi, chỉ cần tôi đưa lên một ngón tay là họ ngộ liền.”
Quý vị đã ngộ chưa? Nếu quý vị chưa ngộ thì làm sao dạy họ như
thế được. Nếu quý vị chưa giác ngộ, thì quý vị không nên giúp người khác trong
khi không biết được một sự thực là chính mình vẫn còn trong vòng hữu lậu. Cố
gắng cứu giúp người khác trong khi trước hết, chẳng thèm để ý mình là người đã
thành tựu đạo nghiệp chưa. Cũng giống như một vị bồ-tát bằng đất sét đi qua
sông, vị này đã có một thời gian rất nghiêm túc để phòng hộ cho chính mình. Cho
đến trước khi cố gắng tìm cách vượt sông, vị ấy vẫn còn toàn vẹn, nhưng ngay khi
vị ấy gặp nước, vị ấy bị phân ra và tiêu tán mất. Nếu quý vị chưa đạt đến tình
trạng vô lậu, mà quý vị lại thích đi ra giúp đỡ mọi người thì quý vị sẽ bị
cuốn hút bởi môi trường xã hội, quý vị sẽ thấy mình bị đắm chìm ở trong đó.
Quý vị sẽ bị môi trường thế gian xoay chuyển mình chứ mình không
thể nào chuyển hóa người khác được. Quý vị sẽ bị dục lạc thế gian xoay chuyển
chứ không xoay chuyển được thế gian. Thế nên trước khi quý vị chứng ngộ, có
được năng lực vô lậu thì quý vị luôn luôn còn ở trong tình trạng nguy hiểm.
Chẳng hạn như đối với kinh này, nếu chính tôi không thông hiểu ý chỉ của kinh
thì tôi sẽ không thể nào giảng giải cho quý vị được. Tôi không dám nói rằng tôi
hiểu thông suốt ý kinh, nhưng thành thực mà nói, tôi hiểu rõ ý kinh hơn quý vị.
Do vì tôi hiểu rõ hơn quý vị, nên tôi giảng nói những gì tôi biết để cho quý vị
cũng được biết theo. Nhưng dù vậy, tôi cũng chỉ giảng nói một phần ít thôi. Nếu
tôi giảng hết những gì tôi biết, sợ sẽ không có đủ thời gian, nên tôi chỉ đưa
ra những điểm chính yếu.
KINH VĂN:佛言: 汝何所見? 阿難言:我見如來舉臂屈指,為光明拳,曜我心目。佛言: 汝將誰見? 阿難言: 我與大眾同將眼見 。 佛告阿難汝今答我,如來屈指為光明拳,耀汝心目汝目可見,以何為心,當我拳耀?
Phật ngôn: Nhữ hà sở
kiến? A-nan ngôn: Ngã kiến Như lai cử tý khuất chỉ, vi quang minh quyền, diệu
ngã tâm mục. Phật ngôn: Nhữ tương thuỳ kiến? A-nan ngôn: Ngã dữ đại chúng đồng
tương nhãn kiến. Phật cáo A-nan: Nhữ kim đáp ngã, Như lai khuất chỉ, vi quang minh
quyền, diệu nhữ tâm mục. Nhữ mục khả kiến, dĩ hà vi tâm, đương ngã quyền diệu?
Đức Phật hỏi:
– Ông thấy cái gì?
A-nan đáp:
– Con thấy Như Lai đưa cánh tay lên và co năm ngón lại thành nắm tay sáng
chói chiếu vào tâm và mắt của con.
Đức Phật hỏi:
– Ông lấy cái gì để thấy?
A-nan thưa:
– Cả đại chúng và con đều thấy bằng mắt.
Đức Phật bảo A-nan;
– Như ông vừa trả lời, nói rằng Như Lai co năm ngón lại thành nắm tay sáng
chói chiếu vào tâm và mắt ông. Mắt ông có thể thấy được, nhưng ông lấy gì làm
tâm để cho nắm tay sáng chói chiếu vào?
Giảng: Đức Phật hỏi:
– Ông thấy cái gì? Đức Phật vẫn đang còn giảng pháp. Ngài chưa nhập định.
A-nan đáp:
– Con thấy Như Lai đưa cánh tay lên và co năm ngón lại thành nắm tay sáng chói
chiếu vào tâm và mắt của con. Bạch Thế Tôn, con thấy Ngài duỗi cánh tay ra, co
năm ngón lại thành nắm tay chói sáng. Những ánh sáng ấy quá chói chang chiếu
vào mắt con khiến con không mở mắt ra được. Tâm con cũng bị chói chang như vậy.
Đức Phật hỏi:
– Ông lấy cái gì để thấy? Ông thấy bằng cái gì?
A-nan thưa:
– Cả đại chúng và con đều thấy bằng mắt. A-nan không trả lời chỉ cho riêng mình
mà cho tất cả mọi người trong đại chúng. Ông ta còn đưa ra những nhân chứng.
Như cách các luật sư trong tòa án trưng bày những chứng cớ để chứng minh cho bị
cáo không phải là kẻ cắp. Họ viện dẫn cả bạn bè và người thân đóng vai nhân
chứng. Thế nên nếu A-nan chỉ trả lời cho riêng một mình ông thôi, xác định rằng
ông thấy là do chính mắt của ông thì câu trả lời vẫn có thể sai lạc với câu hỏi.
Thế nên A-nan lôi kéo thêm người ủng hộ bằng cách gom vào cả đại chúng. “Mọi
người trong đại chúng đều cho rằng mắt thấy, họ đều dùng mắt để nhìn thấy.”
Đức Phật bảo A-nan:
– Ông vừa trả lời câu hỏi, nói rằng Như Lai co năm ngón lại thành nắm tay sáng
chói chiếu vào tâm và mắt ông. Mắt ông có thể thấy được, nhưng ông lấy cái gì
làm tâm để cho nắm tay sáng chói chiếu vào? Điều đó là sai lầm, mắt ông có khả
năng thấy được, nhưng ông cho cái gì là tâm để nó bị chiếu bởi nắm tay sáng
chói của Như Lai? Ông nhận cái gì làm tâm? Đức Phật tiến sang một bước khác.
KINH VĂN:阿難言:如來現今徵心所在,而我以心推窮尋逐。即能推者,我將為心。 佛言: 咄,阿難.此非汝心。
A-nan ngôn: Như Lai hiện
kim trưng tâm sở tại, nhi ngã dĩ tâm suy cùng tầm trục. Tức năng suy giả, ngã
tương vi tâm. Phật ngôn: Đốt, A-nan. Thử phi nhữ tâm.
A-nan thưa:
– Đức Phật gạn hỏi tâm ở chỗ nào, nay con dùng tâm suy xét cùng tột để tìm
kiếm. Con cho rằng chính cái biết suy nghĩ tìm kiếm ấy là tâm con.
Đức Phật bảo:
– Sai rồi A-nan, đó chẳng phải là tâm ông.
Giảng: A-nan thưa:
– Đức Phật gạn hỏi tâm ở chỗ nào. Bạch Thế tôn, Ngài gạn hỏi tâm con ở nơi nào,
nay con dùng tâm suy xét cùng tột để tìm kiếm. A-nan tìm kiếm tâm mình “Con đã
tìm kiếm mọi nơi, khắp mọi chốn, đem hết sức cùng lực kiệt ra tìm kiếm. Con đã
truy tìm ra tâm con.” Con cho rằng chính cái biết suy nghĩ tìm kiếm ấy chính là
tâm con. Con có khả năng suy nghĩ, tìm kiếm mọi vật, thế nghĩa là có một cái
tâm. Thế nên cái năng lực truy tìm mọi vật có lẽ là tâm của con. A-nan nói “cho
rằng” có nghĩa là chưa tin chắc là đúng. Nhưng A-nan nghĩ rằng những gì Ngài
nói cũng có được chút ít đạo lý và A-nan tin tưởng mình sẽ thành công trong
việc tìm kiếm tâm. Lát sau A-nan mới biết mình bị Đức Phật quở trách.
Đức Phật bảo:
– Sai rồi! A-nan!
Đây cũng chính là lời mà Đức Phật dùng để quở trách ông
A-nậu-lâu-đà. “Không được rồi! Không được rồi! Sao ông lại ngủ?.” Đức Phật quở
trách ông và kết quả của lời trách mắng ấy là A-nậu-lâu-đà không ngủ suốt một
tuần lễ, mắt ông phải bị mù. Với sự trợ lực của Đức Phật, ông đạt được thiên
nhãn. Ở đây, Đức Phật cũng dùng những lời tương tự để trả lời A-nan . Đức Phật
không nói A-nan là đúng hay sai, Ngài chỉ dùng lời như vậy để quở trách A-nan .
Tại sao Đức Phật quở trách A-nan? Vì câu trả lời của A-nan là một sai lầm
nghiêm trọng, nó hoàn toàn sai. Trước đây, A-nan đã khăng khăng nhận thức tâm
phân biệt làm chơn tâm, đó đã là một sai lầm rồi. Nay A-nan vẫn chưa nhận ra.
Đôi lúc có người tỉnh ngộ khi họ thấy một điều gì trong lúc tâm
họ đang hoàn toàn tập trung cao độ. A-nan đã hết sức chú tâm trong khi thưa hỏi
Đức Phật, và ngay lúc đó, Đức Phật chỉ cho A-nan thấy nắm tay sáng chói với hy
vọng A-nan sẽ nhận ra rằng chính nhờ và tánh thấy mà nhận ra được chơn tâm.
Nhưng A-nan đã khiến cho Đức Phật thất vọng một lần nữa, khi nói rằng nhờ vào
tâm và mắt mà thấy được. Đức Phật tiếp tục hướng dẫn A-nan bằng cách chỉ dạy:
“Được rồi, đúng là mắt có thể thấy được, nhưng ông cho cái gì là tâm?” Lại một
lần nữa A-nan nói rằng cái biết suy nghĩ tìm kiếm là tâm. Nhưng thực ra đó chỉ
là thức tâm phân biệt. Thế nên Đức Phật dùng âm thanh để dẫn dắt A-nan đến chỗ
ngộ đạo thông qua tánh nghe.
Đức Phật gọi lớn: “Sai rồi!” bằng âm điệu rất nghiêm khắc, Ngài
dùng oai đức để giúp cho A-nan được giác ngộ khi nghe được âm thanh này. Nhưng
A-nan đã bị trượt xuống dốc mê mờ quá sâu dày. A-nan chỉ biết có tri kiến mà
hoàn toàn thờ ơ với việc tu tập định lực. Đức Phật đã dành nhiều công sức để
khai thị cho A-nan , nhưng A-nan vẫn chưa nhận ra được. Khi Đức Phật biết được
điều này, Đức Phật đã dùng tâm từ bi để hướng dẫn A-nan bằng cách giảng giải
rất từ tốn: A-nan, đây chẳng phải là tâm ông.
KINH VĂN:阿難矍然,避座合掌.起立白佛: 此非我心,當名何等?
A-nan quắc nhiên, tị tọa
hợp chưởng, khởi lập bạch Phật: Thử phi ngã tâm, đương danh hà đẳng?
A-nan giật mình, rời chỗ ngồi, đứng dậy chắp tay bạch Phật: – Đó
chẳng phải là tâm của con, vậy thì nó là gì?
Giảng:
A-nan quá sững sốt đến nỗi bật đứng dậy. Kinh ngạc và lo lắng, A-nan đứng dậy
để tránh khỏi phạm lỗi bất kính khi bạch với Đức Phật:
A-nan giật mình, rời chỗ ngồi, chắp tay đứng dậy bạch Phật:
– Cái ấy chẳng phải là tâm con, vậy thì nó là gì? Nếu cái biết suy nghĩ tìm
kiếm ấy chẳng phải là tâm thì Thế tôn gọi nó là gì? A-nan không còn biết phải
làm gì nữa. Bỗng nhiên như người mất hồn.
KINH VĂN:佛告阿難,此是前塵,虛妄相想,惑汝真性。由汝無始至于今生,認賊為子,失汝元常,故受輪轉 。
Phật cáo A-nan, thử thị
tiền trần, hư vọng tướng tưởng, hoặc nhữ chân tánh. Do nhữ vô thỉ, chí vu kim
sanh, nhận tặc vi tử, thất nhữ nguyên thường, cố thọ luân chuyển.
Đức Phật bảo A-nan
– Đó là sự tưởng tượng những tướng giả dối của tiền trần, nó làm mê mờ chân
tánh của ông. Do từ vô thỉ đến nay, ông nhận giặc này làm con, bỏ mất tánh
nguyên thường nên phải chịu luân hồ̀i.
Giảng: Đoạn kinh văn này không những chỉ giải thích riêng cho
vấn nạn của A-nan mà còn cho cả tôi, cho quý vị và cho tất cả mọi người khác.
Mọi người nên biết rằng từ vô thỉ đến nay, chúng ta đã nhận giặc làm con, chúng
ta đã bị che mờ bản tánh, tánh giác không hiển bày được nên bị luân hồi trong
sinh tử.
Đức Phật bảo A-nan:
“A-nan, đừng lo lắng, đừng bối rối. Ông vừa hỏi cái khả năng hay biết, suy xét
của ông gọi là gì phải không? Nay Như Lai sẽ chỉ dạy chi tiết rõ ràng cho ông.”
– Đó là sự tưởng tượng những tướng giả dối của tiền trần. “Giả
dối” có nghĩa là không thật. Cái tâm hay suy xét ấy không phải là tự tánh của ông,
chẳng phải là chơn tâm của ông. Nó chỉ là một dạng rất vi tế của vọng tưởng tạo
nên sự phân biệt. Bóng dáng của tiền trần. Nó làm mê mờ chân tánh của ông. Do
từ vô thỉ cho đến nay, ông nhận tên giặc này làm con.
Ông đã nhận lầm tướng hư vọng của tiền trần làm con mình, thế
nên bỏ mất tánh nguyên thường. Ông đánh mất toàn bộ viên ngọc quý của mình,
đánh mất toàn bộ gia sản, đánh mất tâm bản nguyên, đánh mất thường trụ chơn
tâm. Ý nghĩa đoạn kinh văn này cũng giống như đoạn trên. Thực ra không phải quý
vị đánh mất bản tâm; mà chỉ là dường như đánh mất. Điều này khiến cho quý vị
phải chịu luân hồi. Bởi vì quý vị không nhận ra của báu trong nhà mình, không
biết cách sử dụng của báu ấy, thế nên quý vị mãi bị chìm nổi trôi lăn trong
vòng sống chết. Vòng sinh tử ấy xoay chuyển quý vị, khiến quý vị không thể nào
vượt qua được. Đó là lý do tại sao quý vị hiện hữu nơi thế gian, đời này, đời
sau rồi đời này nối tiếp đời khác, xoay vần bất tận, chợt chìm chợt nổi, chợt
cao, chợt thấp. Có khi quý vị sinh ra trong cõi trời, có khi rơi xuống cõi nhân
gian. Nên có bài kệ:
Xuất mã phúc, nhập lư thai
Diêm vương điện thượng kỷ độ hồi
Thủy tùng Ngọc đế điện tiền quá
Hựu đáo Diêm quân oa lý lai.
Nghĩa là:
Ra khỏi bụng ngựa, lại vào thai lừa
Biết bao lần lui tới chỗ Diêm vương
Vừa mới theo nhau qua trước điện Ngọc hoàng
Lại thấy vào trong chảo dầu của Diêm vương.
Đôi khi quý vị trở thành ngựa, lúc khác lại làm lừa. Quý vị lê
gót qua lại trước điện Diêm vương không biết bao nhiêu lần. Quý vị cũng giống
như Tôn-đà-la Nan-đà, người mà Đức Phật đã đưa thăm cung trời, nói rằng nếu ông
ta chịu tu hành, ông ta sẽ được hưởng phước báo tái sinh ở đó, với năm trăm
thiên nữ hầu hạ. Tôn-đà-la Nan-đà canh cánh bên lòng niềm hỷ lạc ấy. Nhưng ông
ta quên mất cái chảo dầu của Diêm vương, vì một khi hưởng phước báu ở cõi trời
hết thì ông sẽ rơi xuống địa ngục, nơi ông sẽ bị nấu trong chảo dầu sôi. Con
đường luân hồi rất là nguy hiểm. Một khi quý vị đã bắt đầu luân chuyển trong
ấy, nếu quý vị có chút ít cẩn trọng, quý vị sẽ chấm dứt việc đi vào con đường
dữ; còn nếu khi quý vị đã đặt chân vào nẻo ác rồi thì khó mà trở lui được nữa.
Thế nên bây giờ khi quý vị đã được sinh ở cõi người rồi, quý vị phải mau mau
giác ngộ. Đừng tiếp tục như A-nan mãi nhận giặc làm con.
KINH VĂN:阿難白佛言世尊我佛寵弟。心愛佛故令我出家。我心何獨供養如來,乃至遍歷恒沙國土,承事諸佛,及善知識發大勇猛,行諸一切難行法事,皆用此心。縱令謗法,永退善根,亦因此心。若此發明不是心者,我乃無心,同諸土木,離此覺知更無所有。云何如來說此非心? 我實驚怖,兼此大眾,無不疑惑。唯垂大悲,開示未悟.
A-nan bạch Phật ngôn: Thế
tôn, ngã Phật sủng đệ, tâm ái Phật cố, linh ngã xuất gia. Ngã tâm hà độc cúng
dường Như lai, nãi chí biến lịch, hằng-sa quốc độ, thừa sự chư Phật, cập thiện
tri thức, phát đại dõng mãnh, hành chư nhất thiết nan hành pháp sự, giai dụng
thử tâm. Túng linh báng pháp vĩnh thối thiện căn, diệc nhân thử tâm. Nhược thử
phát minh bất thị tâm giả, ngã nãi vô tâm, đồng chư thổ mộc, ly thử giác tri
cánh vô sở hữu. Vân hà Như lai, thuyết thử phi tâm? Ngã thật kinh bố, kiêm thử
đại chúng, vô bất nghi hoặc. Duy thùy đại bi, khai thị vị ngộ.
A-nan bạch Phật:
–Bạch Đức Thế tôn, con là em của Phật, vì tâm kính yêu Phật nên con xuất gia.
Tâm con chẳng những cúng dường Như Lai mà còn trải qua nhiều quốc độ như
cát sông Hằng, thừa sự chư Phật và thiện tri thức; phát tâm đại dõng mãnh,
làm tất cả những pháp sự khó làm, là đều vận dụng tâm này. dù con có hủy
báng phật pháp, rời bỏ thiện căn, cũng do tâm này. Nay Đức Phật chỉ rõ cái
ấy không phải là tâm, thì con thành ra không có tâm, như gỗ như đá, vì ngoài
cái hay biết ấy ra, con chẳng còn gì khác nữa. Sao Như Lai lại bảo cái ấy chẳng
phải là tâm? Con thật kinh sợ và trong đại chúng ai cũng nghi hoặc. Cúi xin
Đức Phật rủ lòng từ bi chỉ dạy cho những người chưa được giác ngộ.
Giảng: Sau khi nghe Đức Phật giảng giải A-nan vẫn không hiểu,
vẫn muốn tranh luận từng chi tiết.
A-nan bạch Phật:
– Con là em của Phật.
A-nan nói rằng: “Con là người em họ nhỏ nhất và được Đức Phật
cưng chìu yêu thương nhất. Khi con đứng bên cạnh Đức Phật, con giống như đứa
trẻ thơ. Chữ “cưng chìu” có nghĩa là Đức Phật để cho A-nan tự ý mặc tình sống
theo cách của mình. A-nan không cố gắng kiềm chế chính mình, muốn làm gì tùy ý.
Vì tâm kính yêu Phật nên con xuất gia.
A-nan nói rằng chính do tâm ông yêu thích ba mươi hai tướng đẹp
của Đức Phật. Khuôn mặt của Đức Phật giống như vầng trăng tròn sáng và giống
như ngàn mặt trời chiếu sáng. Ba mươi hai tướng tốt của Đức Phật là tuyệt hảo.
“Thế nên khi Đức Phật khuyên con xuất gia, con liền đồng ý, vì con yêu mến đức
tính trang nghiêm và ba mươi hai tướng đẹp của Đức Phật.” A-nan đã quên bẵng
nhân duyên khiến cho mình xuất gia là do A-nan thấy ba mươi hai tướng tốt của
Đức Phật. Tâm con chẳng những cúng dường Như Lai.
Tâm của con không những chỉ cúng dường Thế Tôn, mà còn trải qua
nhiều quốc độ như cát sông Hằng thừa sự chư Phật và Thiện tri thức. Khi A-nan
nói “thừa sự” có nghĩa là “con đã từng đến để phụng sự toàn thể chư Phật, cúng
dường chư Phật, cung kính đảnh lễ chư Phật, và con cũng đã từng làm như thế đối
với vô số chư vị Thiện tri thức. Phát tâm đại dõng mãnh, làm tất cả những pháp
sự khó làm, là đều vận dụng tâm này. Con làm tất cả mọi việc mà mọi người khác
không thể làm được. Mọi người thường sợ khổ, nhưng con không hề sợ khổ. Con
phụng thờ chư Phật và quan tâm đến những việc mà chư Phật cần đến. Con nhẫn
chịu những việc mà người khác không thể thực hành và kham nhẫn. Tất cả những
điều mà con làm được ấy đều là do ở tâm con. Nguyên nhân mà con có thể làm phát
sinh công đức nhờ vào việc cúng dường Tam bảo đều là do vận dụng tâm này. Dù
con có hủy báng Phật pháp, rời bỏ hẳn thiện căn, cũng do tâm này.
Dù Thế tôn cho rằng con hủy báng Phật pháp mà nói những điều
này. Dù con có thối chuyển hoặc dứt bỏ hẳn thiện căn đến mức không còn gì nữa
cả thì con vẫn dùng cái tâm này. Có thể nói lại ý này như sau: giả sử A-nan có
hủy báng Phật pháp, thì A-nan vẫn cho rằng chính tâm của A-nan làm việc ấy.
Nay Đức Phật chỉ rõ đó không phải là tâm, thì con thành ra không
có tâm, như gỗ như đá. Vì ngoài cái hay biết ấy ra con chẳng còn gì khác nữa.
A-nan thực sự bối rối khi nói như vậy, “Con đã trở thành vật vô tri vô giác, con
chẳng khác gì đất đá hoặc cỏ cây vì con không có tâm. Nếu con tách biệt hẳn với
thức tâm phân biệt này thì ngoài đó ra còn có cái gì khác chăng? Chẳng có gì
khác nữa cả. Khả năng hiện thời của con lắng nghe được Kinh pháp chính là nhờ
tâm này. Ngoài nó ra, con chẳng có gì nữa cả.” Sao Như Lai lại bảo cái ấy chẳng
phải là tâm? Con thật kinh sợ và trong đại chúng ai cũng đều nghi hoặc.
“Nay con thực sự lo lắng. Thế tôn vừa bảo rằng đó chẳng phải là
tâm con. Và chẳng riêng gì con, con tin rằng mọi người đều có nhiều nghi hoặc
khi nghe Thế tôn bảo như thế. Và sự lo lắng sợ hãi của con cũng như sự nghi
hoặc của đại chúng thực là khó chịu đựng nổi.” Do chữ “nghi hoặc” có nghĩa là
đại chúng chưa thông hiểu được lời dạy của Như Lai và chưa hỏi được điều ấy.
Tại sao A-nan nói rằng đại chúng có nhiều nghi hoặc và chính A-nan rất là sửng
sốt? Đó là vì tất cả thành viên trong pháp hội chỉ đóng vai khán giả, thế nên
họ không có ý tự đặt mình vào trong tình trạng như A-nan. Nhưng A-nan lại đặc
biệt hoàn toàn rất chú tâm vào lời giảng. Thế nên khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni
bảo rằng A-nan không có tâm thì ông ta hoàn toàn sửng sốt.
“Không có tâm ư? Chưa có gì đâu! Đoạn sau ông sẽ thấy ta còn
không có cả thân mạng nữa kìa!” A-nan nói rằng mọi người trong pháp hội nghe
lời đối thoại giữa Đức Phật và A-nan thảy đếu có nhiều nghi hoặc, nhưng thực ra
đó quả là điều A-nan suy diễn bằng tâm ý thức của mình. A-nan nghĩ rằng: “Có lẽ
những người này vẫn còn chưa hiểu.” Nhưng A-nan không biết được rằng còn có các
vị Đại bồ-tát đang có mặt trong pháp hội, mặc dù họ không nói gì cả, nhưng họ
đã quá thông hiểu. Với sự đánh giá hời hợt của mình, A-nan đã suy diễn mọi việc
theo chiều hướng trầm trọng hơn. Thực vậy, tôi tin các thành viên trong pháp
hội như Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí, không lẽ
các Ngài lại có những nghi hoặc ấy hay sao? Cúi xin Đức Phật rủ lòng từ bi chỉ
dạy cho những người chưa được giác ngộ. Lòng từ bi có năng lực giải thoát cho
mọi người thoát khỏi khổ đau. A-nan thưa: “Xin Thế tôn cứu giúp cho chúng con
thoát khỏi sự thất vọng; và khai thị cho chúng con, những người chưa thông hiểu
được giáo lý, đến được chỗ giác ngộ.”
KINH VĂN:爾時世尊,開示阿難,及諸大眾, 欲令心入無生法忍。
Nhĩ thời Thế tôn, khai
thị A-nan, cập chư đại chúng, dục linh tâm nhập vô sanh pháp nhẫn.
Lúc bấy giờ Đức Thế tôn chỉ dạy cho A-nan và cả đại chúng,
muốn cho tâm họ được vô sanh pháp nhẩn.
Giảng: Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn. Là lúc A-nan thưa thỉnh Đức Phật
khai thị cho những người chưa được giác ngộ. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thương
mến người em họ và phát khởi lòng yêu thương che chở cho A-nan. Thế nên Đức Thế
tôn chỉ dạy cho A-nan và cả đại chúng, muốn cho tâm họ đạt được vô sinh pháp
nhẫn. “Vô sanh pháp nhẫn” nghĩa là gì? Có ba loại “nhẫn.” Sinh nhẫn, pháp nhẫn
và vô sinh pháp nhẫn. Là trạng thái chẳng có sinh mà cũng chẳng có pháp. Tức là
trạng thái chẳng có pháp sinh ra, cũng chẳng có pháp diệt đi. Khi quý vị đã đạt
được vô sinh pháp nhẫn, quý vị sẽ thấy mỗi một pháp giới trong lục phàm và tứ
thánh chẳng có một pháp nào được sinh ra và cũng chẳng có một pháp nào hoại
diệt. Pháp giới tứ thánh siêu việt hẳn dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Trong
khi sáu cõi giới phàm phu lại nằm trong tam giới, nhưng trong ấy chẳng có cõi
giới nào sinh ra hoặc diệt đi.
Vậy nên bản thể của các pháp là như như bất động. Vì các pháp
vốn như như bất động nên các pháp chẳng sinh chẳng diệt. Trước khi được khai
ngộ, quý vị nghĩ: “Ồ! Không, chẳng có sinh cũng chẳng có diệt, vạn pháp đều
tan biến thành không cả.” Khi một nỗi sợ hãi len vào tâm tư quý vị: quý vị
không thể nào chịu đựng nổi ý niệm về sự sợ hãi ấy. Nhưng nếu một khi quý vị đã
chứng được cảnh giới bất sinh bất diệt – thực ra thì cảnh giới ấy chẳng có vẻ
gì là khác lạ như quý vị thường nghĩ và khó có thể chịu đựng nổi về cảnh giới
ấy, vì quý vị đã chứng được vô sinh pháp nhẫn rồi. Nên chắc chắn là quý vị sẽ
có được sự cảm ứng rất lớn với đạo không thể nghĩ bàn được. Trạng thái cảm ứng
đạo giao xảy ra khi quý vị sắp sửa đạt đến sự giác ngộ nhưng chưa có được sự
biểu hiện.
Khi sự cảm ứng đạo giao xảy ra, chỉ còn có một cách duy nhất là
quý vị ôm ấp nó trong tim mình. Chỉ một mình mình biết, không thể đi quanh nói
cho người nào khác biết được. Đó được gọi là cảnh giới vô sinh pháp nhẫn. Khi
quý vị thấy được rằng tất cả núi sông đất liền đều lưu xuất từ tự tánh của
mình: thấy được rằng ba cõi chỉ là biểu hiện của tâm, thấy được rằng vạn pháp
chỉ là biến hiện của thức. Một khi quý vị chứng được cảnh giới ấy thì mọi sự,
mọi pháp đều thoát khỏi ý niệm sinh diệt. Mọi hiện tượng mà quý vị thấy được
như núi sông đất liền, cỏ cây hoa lá đều chỉ là một hiện hữu nhất như. Đó chính
là vô sanh pháp nhẫn vậy.
Đức Bồ-tát Quan Thế Âm có nói:
“Sinh diệt ký diệt, tịch diệt hiện tiền”
(Khi đã vượt qua cảnh giới sinh diệt rồi thì cảnh giới tịch diệt chính ở ngay
trong hiện tại.) Tức là do A-nan không thể nào nhập vào được món nhẫn này, nên
bây giờ Đức Phật mới chỉ dạy cho toàn thể đại chúng, mong muốn cho mọi người
trong chúng và tất cả chúng sinh đều chứng được vô sinh pháp nhẫn.
KINH VĂN:於師子座,摩阿難頂,而告之言: 如來常說諸法所生,唯心所現。一切因果世界微塵,因心成體。
Ư sư tử tòa, ma A-nan
đảnh, nhi cáo chi ngôn: Như lai thường thuyết, chư pháp sở sanh, duy tâm sở
hiện, nhất thiết nhân quả, thế giới vi trần, nhân tâm thành thể.
Từ nơi toà sư tử, đức phật xoa đầu A-nan rồi bảo rằng: Như Lai
thường nói các pháp phát sinh đều do từ tâm biểu hiện. Tất cả nhân quả và
thế giới nhiều như vi trần đều nhân nơi tâm mà có thể tính (hiện hữu)
Giảng: Từ nơi tòa sư tử: đây không có nghĩa là Đức Phật ngồi
trên lưng sư tử hoặc là chỗ ngồi của Đức Phật được khắc chạm hình dáng của sư
tử mà do pháp âm của Đức Phật được ví như tiếng gầm của loài sư tử, thế nên nơi
mà Đức Phật giảng pháp được gọi là tòa sư tử.
Đức Phật xoa đầu A-nan Đức Phật lấy tay Ngài xoa đảnh đầu A-nan.
Trong đạo Phật việc xoa đảnh đầu là biểu hiện lòng từ ái cao tột nhất, phát ra
một năng lực lớn lao để nhiếp thọ chúng sinh. Rồi bảo rằng: “Như Lai thường nói
các pháp phát sinh đều do từ tâm biểu hiện.” Như Lai từ lâu nay đã thường nói
rằng hết thảy mọi pháp, đều là sự biểu hiện của tâm. Tất cả nhân quả nhân tiếp
liền nhân, quả nối liền quả, hết thảy các pháp trên thế gian và suốt khắp thế
giới nhiều như vi trần đều nhân nơi tâm mà có. Tất cả đều là sự hiển bày từ tâm
chúng ta. Thế nên cổ văn Trung Hoa có câu:
Nhược nhân thức đắc tâm Đại địa vô thốn thổ. (Nếu người nào nhận
ra được bản tâm của mình, thì dưới chân mình không còn có một tấc đất). Vậy thì
đó là cái gì? Đất dưới chân mình đi đâu mất rồi? Đó là một cách diễn tả của
Thiền tông về sự trớ trêu của điều bất khả tư nghì. Thật là không may khi chưa
nhận ra được bản tâm của mình, nên trái đất vẫn là một hạt bụi rất lớn.
KINH VĂN:阿難,若諸世界,一切所有,其中乃至草葉縷結。詰其根元,咸有體性。縱令虛空亦有名貌。
A-nan, nhược chư thế
giới, nhất thiết sở hữu, kỳ trung nãi chí thảo diệp lự kiết, cật kỳ căn nguyên,
hàm hữu thể tánh. Túng linh hư không diệc hữu danh mạo.
A-nan, như tất cả sự vật hiện hữu trong thế giới từ ngọn cỏ, lá
cây, sợi dây, nút thắt… khi gạn xét cội gốc của nó, mỗi thứ đều có thể tánh.
Cho đến như hư không cũng có tên gọi và dáng mạo.
Giảng: Đức Phật lại gọi tên A-nan một lần nữa, A-nan, như tất cả
sự vật hiện hữu trong thế giới từ ngọn cỏ, lá cây, sợi dây, nút thắt… khi gạn
xét cội gốc của nó, mỗi thứ đều có thể tánh, cho đến như hư không cũng có tên
gọi và dáng mạo. Hết thảy mọi thứ trên thế gian này gồm cả núi sông đất liền,
tất cả vạn tượng như cây cỏ, thảo mộc, sợi dây, nút thắt cho đến như cả hư
không, nó vẫn có cái tên là “hư không” và dáng mạo về “hư không.” Tất cả đều có
một thể tánh.
KINH VĂN:何況清淨妙淨明心,性一切心,而自無體?
Hà huống thanh tịnh diệu
tịnh minh tâm, tánh nhất thiết tâm, nhi tự vô thể?
Huống gì bản tâm thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu này là bản
chất của tất cả mọi tâm niệm mà tự nó lại không có thể tánh hay sao?
Giảng: Huống chi bản tâm thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu mà lại
không có thể tánh. Tâm ấy chắc chắn phải có thể tánh.
KINH VĂN:若汝執悋 .分別覺觀,所了知性,必為心者,此心即應離諸一切色香味觸,諸塵事業別有全性。
Nhược nhữ chấp kháp, phân
biệt giác quán, sở liễu tri tánh, tất vi tâm giả, thử tâm tức ưng ly chư nhứt
thiết, sắc hương vị xúc, chư trần sự nghiệp, biệt hữu toàn tánh,
Nếu ông chấp chặt tánh phân biệt hiểu biết, cho đólà tâm, thì
tâm này khi rời tất cả sắc thanh, hương, vị, xúc, thì tâm ấy phải riêng có
toàn tánh.
Giảng: Nếu ông chấp chặt nếu ông nhất quyết chấp giữ mọi ý kiến,
mọi ý niệm, mọi suy đoán cố hữu, như một kẻ keo kiệt giữ kho vàng. Bảo rằng
tánh hiểu biết phân biệt là tâm thì tâm này khi rời tất cả sắc, thanh, hương,
vị, xúc (tách rời hẳn các hoạt dụng của các trần) thì tâm ấy phải riêng có toàn
tánh. Nếu cái tâm phân biệt ấy là chân tâm thì lẽ ra nó sẽ hiện hữu mà không
cần bất kỳ sự liên hệ nào với sắc, thanh, hương, vị, xúc. Mặc dù chỉ đề cập
đến năm món. Nhưng đều hàm ý đến cả sáu trần. Nếu thức tâm phân biệt thực là
chân tâm thì lẽ ra tâm ấy sẽ tiếp tục tồn tại ngay cả khi cái tâm có toàn tánh
kia, siêu việt hẳn các cảm giác khi tiếp xúc với sáu trần. Lẽ ra phải có một
cái tâm khác, ngoài cái tâm hình thành ngay khi các căn (mắt, tai, mũi, lưỡi,
thân ý tiếp xúc với các trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Có phải đó
chính là giải pháp chăng? Không? Đức Phật chỉ đưa ra giả thiết này để khai thị
cho A-nan.
KINH VĂN:如汝今者,承聽我法。此則因聲而有分別。
Như nhữ kim giả, thừa
thính ngã pháp, thử tắc nhơn thanh, nhi hữu phân biệt.
Như ông nay nghe pháp của Như Lai, đó là nhân âm thanh mà có
sự phân biệt.
Giảng: Bây giờ Đức Phật bắt đầu giải thích rằng A-nan không có
một thức tâm phân biệt nào hiện hữu mà tách rời hẳn sự nhận thức về nó. Còn như
hiện nay, khi ông nghe pháp của tôi, đó là nhân âm thanh mà có sự phân biệt.
“A-nan, ông đang ở đây, nghe tôi giảng pháp và nhờ có âm thanh mà ông có được
sự phân biệt. Đó không phải là trường hợp mà ông có thể nghe khi không có âm
thanh” Đức Phật chủ yếu khai thị cho A-nan biết rằng chơn tâm chính là ở tại
ngay nơi căn tánh của sáu căn: mắt, tai, mũi, thân, ý. Vốn không dao động.
Còn sáu thức là do sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp duyên theo
trần cảnh mà có, nên các thức ấy là dao động, nên chẳng phải chân thực, nên các
thức ấy thuộc về vọng tưởng. Thực ra, nhờ vào sáu căn và sáu thức mà có cái
dụng của thấy, nghe, hay, biết. Thực là rất khó phân tích cho rõ điểm này.
Chẳng qua là khi sáu căn tiếp xúc với các cảnh, cũng như tấm gương trong liền
phản chiếu hình ảnh, vốn chẳng có phân biệt gì cả. Còn sáu thức khi duyên với
các cảnh thì liền sinh khởi phân biệt. Nên mới có sự phân biệt và không phân
biệt. Đó chính là sự khác nhau giữa thức và căn.
KINH VĂN:縱滅一切見聞覺知,內守幽閑,猶為法塵,分別影事。
Túng diệt nhứt thiết kiến
văn giác tri, nội thủ u nhàn, do vi pháp trần, phân biệt ảnh sự.
Dù có diệt hết cái thấy, nghe, hiểu, biết mà giữ được sự
thanh thản, lặng lẽ bên trong, đều do bóng dáng của sự phân biệt pháp
trần vẫn còn.
Giảng: Dù có diệt hết cái thấy, nghe, hiểu, biết mà giữ được sự
thanh thản, lặng lẽ bên trong. Cho dù tạm thời quý vị ngưng hẳn lại việc thấy,
nghe, hiểu, biết, đó cũng chỉ là trạng thái của sự vắng lặng. Chứng đạt được
trạng thái này cũng cần phải có công phu. Một khi quý vị đã diệt được hẳn sự
thấy, nghe, hiểu, biết, là quý vị có thể an trụ trong trạng thái khinh an. Đó
là cảm giác lặng lẽ không có niệm vọng động và quý vị không phải làm gì trong
đó cả. Tâm quý vị hoàn toàn vắng lặng và không còn phải lo ngại điều gì cả.
Ngoại đạo cho đây là cảnh giới cao tột nhất mà người tu hành có thể đạt được.
Họ ngồi yên lặng và không còn thấy mình (vô ngã), thấy người (vô nhân) nữa.
Thấy mọi vật đều trống không, kể cả thân thể họ cũng tan biến luôn và họ cho đó
là chỗ dụng công đắc lực. Đó là ý nghĩa của “sự thanh thản lặng lẽ bên trong” ở
trong phần chánh văn.
Thực ra, đây là chỉ có được chút cảm ứng nhờ vào công phu đắc
lực, nhờ vào sự đào luyện tâm linh nên giữ được “sự thanh thản, lặng lẽ bên
trong” này. Vậy nên hàng ngoại đạo cho trạng thái này là tột đỉnh, họ hết sức
cố gắng để duy trì trạng thái định này. Không để nó tiêu tán mất. Họ không muốn
công phu của mình trở nên vô dụng. Nhưng thực ra trong dạng cảnh giới này, đều
do bóng dáng của sự phân biệt pháp trần vẫn còn. Cảnh giới “thanh thản lặng lẽ”
bên trong ấy chỉ là hoạt dụng của thức thứ sáu (ý thức) và tâm thức. Chữ pháp ở
trong chánh văn có nghĩa là đối tượng của tâm ý thức. Đến đây thì năm thức
trước (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) biến mất.
Cái nghe và cái thấy không còn hướng ra bên ngoài nữa, tánh ngửi
và tánh nếm không còn tác động đến quý vị nữa và thân xác không còn bị ảnh
hưởng bởi sự xúc chạm nữa. Thức thứ sáu (ý thức) lúc này được gọi là “độc đầu ý
thức.” Nó chỉ hoạt động khi năm thức trước ngưng hoạt động. Chẳng hạn như trong
mơ là một biểu hiện của độc đầu ý thức. Còn trạng thái “thanh thản, lặng lẽ” đề
cập trong kinh văn là một trường hợp khác. Đó là khi năm thức trước đã hoàn
toàn vắng bặt rồi, quý vị cảm thấy cái thấy nghe, hiểu biết của mình hoàn toàn
biến mất, nhưng quý vị vẫn còn ý thức. Trong đó vẫn còn bóng dáng của pháp trần
rất nhỏ nhiệm vi tế, rất khó nhận biết tường tận được. Đó chính là sự phân biệt
pháp trần còn rơi rớt lại trong tâm.
Đó không phải là cảnh giới chân thực, khi quý vị đến được trạng
thái này sẽ thấy mọi việc diễn ra rất tốt đẹp, nhưng với cái nhìn từ Phật pháp
thì quý vị chưa đạt được ngay cả bước đầu tiên. Đừng tự thỏa mãn, hãy nên cứu
xét lại mình cẩn thận hơn. “Ồ! Đây là cảnh giới tuyệt diệu do ngồi thiền.”
Thay vì vậy, quý vị nên tiếp tục công phu tiến tới. Nếu quý vị dừng lại ở đây
thì rất dễ rơi vào ngoan không, nơi mà cái thấy, nghe, hiểu, biết biến mất và
không còn một thứ gì nữa cả. Nhưng cảnh giới ngoan không ấy chẳng ích lợi gì
cho việc phát triển kinh nghiệm thiền của quý vị cả. Thức thứ sáu (ý thức) và
độc đầu ý thức là cái dễ dàng dẫn quý vị đến con đường tẻ và sự sai lầm.
Độc đầu ý thức có bốn loại:
Tán vị độc đầu: tâm tán loạn hàng ngày thường sinh khởi niệm phân biệt.
Cuồng loạn độc đầu: khi có người phát điên và nói năng cuồng loạn. Thức thứ sáu
(ý thức) của họ lúc ấy ở trong sự cuồng loạn, họ không điều khiển ý thức được
nữa.
Mộng trung độc đầu: khi trong mơ, quý vị thấy mọi thứ với đầy đủ sắc màu và
những vật kỳ dị là độc đầu ý thức đang tác yêu tác quái.
Định trung độc đầu: đó là trạng thái “thanh thản lặng lẽ” mà Kinh văn đang nói
đến. Trong đó cái thấy, nghe, hiểu, biết hoàn toàn vắng bặt, nhưng định trung
độc đầu ý thức vẫn đang còn hoạt dụng.
KINH VĂN:我非勅汝,執為非心。但汝於心,微細揣摩,若離前塵,有分別性,即真汝心。
Ngã phi sắc nhữ, chấp vi
phi tâm. Đãn nhữ ư tâm, vi tế sủy ma, nhược ly tiền trần, hữu phân biệt tánh,
tức chơn nhữ tâm.
Chẳng phải tôi bảo ông chấp cái ấy không phải là tâm. Nhưng
ông phải suy xét chính chắn, nếu có một thể tánh phân biệt khi rời hẳn
tiền trần thì đó chính là tâm ông.
Giảng: Đức Phật bảo A-nan: Chẳng phải tôi bảo ông chấp cái ấy
không phải là tâm. Như Lai không ra lệnh cho ông phải đồng ý với những gì Như
Lai nói. Nhưng ông phải suy xét chính chắn, nếu có một thể tánh phân biệt khi
rời hẳn tiền trần thì đó chính là tâm ông. Nếu khi lìa hẳn tiền trần ông vẫn
còn thể tánh phân biệt thì đó là tâm chân thật của ông.
KINH VĂN:若分別性離塵無體,斯則前塵分別影事。
Nhược phân biệt tánh ly
trần vô thể, tư tắc tiền trần phân biệt ảnh sự
Nếu tánh phân biệt này khi rời hẳn tiền trần mà không còn tự
thể thì đó chỉ là bóng dáng phân biệt của tiền trần.
Giảng: Nếu tâm phân biệt này khi rời hẳn tiền trần mà không còn
tự thể. Nếu quý vị không thể nào tìm thấy được tự thể của tánh phân biệt khi
tách rời hẳn tiền trần thì đó chỉ là bóng dáng phân biệt của tiền trần. Đó
không phải là chân tâm.
KINH VĂN:塵非常住,若變滅時,此心則同龜毛兔角。則汝法身同於斷滅。其誰修證無生法忍?
Trần phi thường trụ,
nhược biến diệt thời, thử tâm tắc đồng qui mao thố giác. Tắc nhữ pháp thân,
đồng ư đoạn diệt. Kỳ thuỳ tu chứng vô sanh pháp nhẫn?
Trần ấy chẳng phải là thường trụ, khi nó biến diệt thì cái
tâm ấy cũng như lông rùa sừng thỏ. Ắt pháp thân ông cũng đồng như đoạn
diệt. Ai là người tu chứng vô sinh pháp nhẫn?
Giảng: Đoạn kinh văn này đã giải thích vấn đề rõ ràng hơn một
chút. Trần chẳng phải là thường trụ, khi nó biến diệt thì cái tâm ấy cũng như
lông rùa sừng thỏ. Khi đối diện với tiền trần mà quý vị móng khởi tâm niệm, quý
vị sẽ cho rằng ở đó có một niệm phân biệt và niệm phân biệt chính ấy là tâm của
mình. Nếu khi đối diện tiền trần lại có tâm phân biệt, còn khi không đối diện
tiền trần thì không có tâm phân biệt. Tâm phân biệt ấy cũng biến diệt luôn vậy.
Vậy nên khi không gặp tiền trần thì không khởi tâm niệm, khi không có tâm phân
biệt, thì tâm ông ở đâu?
Tâm ấy cũng giống như lông rùa sừng thỏ. Khi nào rùa mọc lông?
Không bao giờ. Khi nào thì thỏ mọc sừng? Không bao giờ. Như thế ông hoàn toàn
chẳng có tâm. Ắt pháp thân của ông đồng như đoạn diệt. Bởi vì ông chẳng có tâm
nên pháp thân của ông cũng không hiện hữu. Làm sao mà ông lại có được pháp thân
khi chẳng có tâm? Ai là người tu chứng vô sinh pháp nhẫn. Quý vị sẽ lấy cái gì
để tu chứng đạo quả, để đạt được giác ngộ? Nếu quý vị không có thân cũng chẳng
có tâm, ai là người tu tập để chứng được vô sinh pháp nhẫn?
KINH VĂN:即時阿難與諸大眾,默然自失。
Tức thời A-nan, dữ chư
đại chúng, mặc nhiên tự thất.
Lúc ấy A-nan cùng toàn thể đại chúng đều im lặng, ngơ ngác
(thấy mình như mất điều gì).
Giảng: Đức Phật giải thích rằng nếu tâm hiện hữu khi có sự phân
biệt với tiền trần, thì khi tách khỏi tiền trần ra thì tâm sẽ không còn phân
biệt nữa. Như thế phải chăng có nghĩa là không có tâm? Nếu không có tâm thì
cũng không có pháp thân, thì ai là người tu chứng vô sinh pháp nhẫn? A-nan và
đại chúng đều suy nghĩ như thế và thấy rằng mình đúng.
Lúc ấy A-nan và toàn thể đại chúng đều im lặng ngơ ngác (thấy
mình như mất điều gì). Không ai còn biết nói điều gì nữa cả. Họ chỉ biết nhìn
nhau, nhưng lần này không phải là do họ đã nhập vào đại định.
KINH VĂN:佛告阿難:世間一切諸修學人,現前雖成九次第定,不得漏盡,成阿羅漢,皆由執此生死妄想,誤為真實。是故汝今雖得多聞,不成聖果.
Phật cáo A-nan: Thế gian
nhất thiết chư tu học nhân, hiện tiền tuy thành cửu thứ đệ định, bất đắc lậu
tận thành A-la-hán, giai do chấp thử sanh tử vọng tưởng, ngộ vi chơn thiệt, thị
cố nhữ kim, tuy đắc đa văn, bất thành Thánh quả.
Đức Phật bảo A-nan: Tất cả mọi người tu học trong thế gian,
mặc dù nay đã được cửu thứ đệ định, nhưng không hết sạch mê lầm, thành bậc
a-la-hán, đều do vì chấp vào vọng tưởng sinh diệt, lầm cho đó là tính chân
thực. Thế nên nay ông tuy được học rộng nghe nhiều mà chưa thành thánh quả.
Giảng: Đức Phật bảo A-nan Đức Phật thấy mọi người trong pháp hội
đều bồn chồn lo lắng, hoàn toàn mất khả năng tự chủ. Họ đều như kẻ mất hồn.
Giáo lý Khổng Mạnh nói về tâm như sau:
Tâm đến và đi không có thời gian nhất định
Chẳng biết ở nơi đâu.
Nên được gọi là tâm
Quý vị không thể nào biết được giờ nào thì tâm móng khởi, khi
nào thì tâm lặng yên và quý vị không biết được tâm đi đâu. Có lẽ vì vậy nên nó
là tâm. Tuy nhiên cái tâm mà Khổng Tử nói đến ở đây cũng chỉ là tâm vọng tưởng,
không phải là chân tâm. Đã là chân tâm thì làm sao lại có ra vào? Nó chẳng có
một lối ra hoặc cổng vào nào cả. Mạnh Tử cũng nói:
“Khi người ta có con gà, con chó bị mất, người ta tìm mọi cách
để bắt về lại biết có thể tìm lại được. Nhưng khi thoạt mất tâm mình rồi thì họ
chẳng biết phải tìm kiếm nơi đâu.”
Ởđây cũng vậy, Mạnh Tử đang nói về cái tâm sinh khởi vọng tưởng
suốt từ sáng tới tối, cái tâm chạy đông, chạy tây, chạy tới, chạy lui. Mạnh Tử
hoàn toàn chưa biết cách chiêm nghiệm kỹ vào tâm của chính mình để có thể bảo
tâm ấy đừng có chạy loanh quanh nhiều đường vô ích. Tôi đã nói với quý vị rằng
cái tâm vọng tưởng có thể khiến cho quý vị chỉ trong khoảng một niệm tưởng là
quý vị có mặt ngay ở Nữu Ước mà không cần phải có tiền mua vé máy bay hay tàu
lửa, quý vị có thể dạo chơi trên cầu Brooklyn mà không cần phải đáp xe buýt đến
đó. Thực là một cách đi du lịch mà không tốn tiền, nhưng đó là một nỗ lực rất
lớn lao của tâm. Những lời nói về tâm của Mạnh Tử cũng là đề cập đến tâm thức phân
biệt, cái tâm mà đã quá quen thuộc với A-nan. Tâm thức phân biệt thì vô thường,
còn chân tâm thì thường hằng. Tất cả mọi người tu học trong thế gian mặc dù nay
đã được cửu thứ đệ định. Tức là Tứ thiền: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ
thiền và Tứ không, gồm:
– Không vô biên xứ
– Thức vô biên xứ
– Vô sở hữu xứ
– Phi phi tưởng xứ
cộng thêm Diệt thọ tưởng định, thành tất cả là chín món.
Nhưng không diệt hết sạch mê lầm hay thành bậc a-la-hán, đều do
vì chấp vào vọng tưởng sinh diệt. Tại sao khi họ tu tập đã đạt được chín bậc
thiền định rồi mà không vượt qua, không chuyển hóa hết sạch mọi mê lầm và chứng
được a-la-hán? Đó là vì họ dính mắc quá sâu vào vọng tưởng sinh diệt. Lầm cho
đó là tánh chân thực.
Họ phạm phải lỗi lầm cho vọng tưởng là chân thực. Thế nên nay
ông tuy được học rộng nghe nhiều mà chưa được thành Thánh quả. Vào thời điểm
Đức Phật giảng kinh này, A-nan đã chứng được sơ quả a-la-hán, nhưng tại sao Đức
Phật lại nói mặc dù A-nan đã đạt quả vị ấy cùng với học vấn uyên thâm nhưng
A-nan vẫn chưa hoàn toàn chứng được quả vị Thánh? Đức Phật có ý muốn nói rằng
A-nan chưa chuyển hóa sạch hết được mọi mê lầm, A-nan chưa hết sạch hữu lậu.
Đối với Tiểu thừa, sơ quả a-la-hán được xem như là dự vào bậc Thánh rồi nhưng
với bồ-tát thừa thì chưa.
1. PHÁP XA MA THA
Comments
Post a Comment