KINH THỦ LĂNG NGHIÊM
PHẦN CHÍNH TÔNG
11. THU 7 ĐẠI VỀ TÁNH NHƯ LAI TẠNG
Ông A-nan bạch Phật :
"Thưa Thế-tôn, đức Như-lai thường nói về nhân duyên hòa-hợp rằng: Tất-cả
các thứ biến-hóa trong thế-gian đều nhân bốn món "Đại" hòa-hợp mà
phát ra. Làm sao đức Như-lai lại bác-bỏ cả hai nghĩa nhân-duyên và tự-nhiên.
Nay tôi không biết nghĩa đó thế nào, xin Phật rủ lòng thương-xót chỉ-bày cho
chúng-sinh nghĩa rốt-ráo của trung-đạo, không còn các đều hý-luận."
Khi bấy giờ, đức Thế-tôn
bảo ông A-nan rằng : "Trước đây ông nhàm-chán các pháp tiểu-thừa
Thanh-Văn, Duyên-giác, phát tâm tha-thiết cầu đạo vô-thượng Bồ-đề, nên tôi lúc
nầy chỉ-bày cho ông đệ-nhất-nghĩa-đế, làm sao ông lại còn đem những nhân-duyên
vọng-tưởng hý-luận thế-gian mà tự ràng-buộc mình? Ông tuy nghe được nhiều pháp,
nhưng cũng như người nói tên vị thuốc, mà đến khi thuốc thật ở trước mắt, thì
lại không phân-biệt được. Như-lai gọi là rất đáng thương-xót. Nay ông hãy nghe
cho kỹ, tôi sẽ vì ông phân-tách chỉ-bày và cũng để cho những người tu đại-thừa
sau nầy thông-suốt được thật-tướng."
Ông A-nan yên-lặng kính
vâng thánh-chỉ của Phật.
Phật dạy : "A-nan,
như ông đã nói: Bốn món "Đại" hòa-hợp phát ra các thứ biến-hóa trong
thế-gian. A-nan, nếu tính các món đại kia không phải hòa-hợp, thì không thể
lẫn-lộn với các đại khác, cũng như hư-không không thể hòa-hợp được với các sắc-tướng.
Nếu tính của các đại là hòa-hợp, thì cũng đồng như các thứ biến-hóa, thủy chung
thành nhau, sinh diệt nối nhau, sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, sinh sinh diệt
diệt, như vòng lửa quay tròn chưa hề dừng nghỉ. A-nan, như nước thành giá, giá
lại thành nước.
Ông hãy xét cái tính của
địa-đại, to thì làm đất liền, nhỏ thì làm vi-trần, cho đến lân-hư-trần, do chẻ
chất cực-vi, là sắc-tướng nhỏ tột, ra 7 phần mà thành. Nếu chẻ lân-hư-trần nữa,
thì thật là tính hư-không.
A-nan, nếu cái
lân-hư-trần đó, chẻ ra thành được hư-không, thì biết hư-không cũng sinh ra được
sắc-tướng. Nay ông hỏi rằng do hòa-hợp mà sinh ra các tướng biến-hóa trong
thế-gian, thì ông hãy xét một cái lân-hư-trần, phải dùng bao nhiêu hư-không hợp
lại mới có, không thể lân-hư-trần hợp lại thành lân-hư-trần. Lại lân-hư-trần đã
chẻ được thành hư-không, thì phải dùng bao nhiêu sắc-tướng hợp lại, mới thành
cả hư-không. Nhưng nếu sắc-tướng hợp lại, thì hợp sắc-tướng lại, không thể
thành được hư-không; còn nếu hư-không hợp lại, thì hợp hư-không lại, không thể
thành được sắc-tướng; sắc-tướng còn có thể chẻ được, chứ hư-không thì làm sao
mà hợp được?
Ông vốn không biết trong
Như-lai-tạng, tính sắc là chân-không, tính không là chân-sắc, bản-nhiên
thanh-tịnh, cùng khắp pháp-giới, theo tâm chúng-sinh, đáp-ứng với lượng
hay-biết, theo nghiệp mà phát-hiện; thế-gian không biết, lầm là nhân-duyên và
tính tự-nhiên, đều là những so-đo phân-biệt của ý-thức, chỉ có lời nói, toàn
không có nghĩa chân-thật.
"A-nan, hỏa-đại
không có tự-thể, gửi nơi các duyên mà phát-hiện. Ông hãy xem các nhà, chưa ăn ở
trong thành, khi muốn nhóm bếp, thì tay cầm kính hiển-vi, đưa trước ánh sáng
mặt trời mà lấy lửa.
A-nan, phàm gọi là
hòa-hợp, thì như tôi cùng ông và 1.250 vị tỷ-khưu, hiện nay, hợp-thành một
chúng; tuy chúng chỉ có một, song gạn-xét về căn-bản, thì mỗi người đều có
thân, đều có danh-tự họ-hàng của mình, như ông Xá-lỵ-phất, thì thuộc dòng
Bà-la-môn, ông Ưu-lâu-tần-loa, thì thuộc dòng Ca-diếp-ba, cho đến ông A-nan,
thì thuộc dòng họ Cù-đàm.
A-nan, nếu lửa đó nhân
hòa-hợp mà có, thi khi người kia cầm kính lấy lửa nơi ánh sáng mặt trời, lửa đó
từ trong kính mà ra, do bùi-nhùi mà có hay từ mặt trời mà đến?
A-nan, nếu từ mặt trời mà
đến, thì lửa ấy đã đốt được bùi-nhùi trong tay của ông, những rừng cây mà ánh
sáng mặt trời đi qua, lẽ ra đều bị đốt cả. Nếu từ trong kính mà ra, thì lửa ấy
đã có thể từ trong kính ra đốt cháy bùi-nhùi, làm sao cái kính lại không chảy;
cho đến cả cái tay ông cầm kính còn không thấy nóng, thì làm sao kính lại chảy
được. Nếu do bùi-nhùi sinh ra, thì cần gì ánh sáng mặt trời và kính tiếp-đối
với nhau, rồi sau lửa mới sinh ra. Ông hãy xét cho kỹ, kính do tay cầm, mặt
trời thì đi trên trời, còn bùi-nhùi thì từ đất sinh ra, vậy lửa từ phương nào đi
đến chỗ đó. Mặt trời và kính xa nhau, không phải hòa, không phải hợp, không lẽ
lửa kia, không do đâu mà tự có.
Ông còn không biết trong
Như-lai-tạng, tính hỏa là chân-không, tính không là chân-hỏa, bản-nhiên
thanh-tịnh cùng khắp pháp-giới, theo tâm chúng-sinh, đáp-ứng với lượng
hay-biết.
A-nan, ông nên biết rằng
người đời cầm kính một chỗ, thì một chỗ có lửa sinh ra, khắp pháp-giới đều cầm
kính, thì khắp pháp-giới bốc lửa. Lửa bốc khắp thế-gian, đâu có chỗ ở, theo
nghiệp mà phát-hiện. Thế-gian không biết, lầm là nhân-duyên và tính tự-nhiên,
đều là những so-đo phân-biệt của ý-thức, chỉ có lời nói, toàn không có nghĩa
chân-thật.
"A-nan, tính nước
không nhất-định, khi chảy, khi đứng không chừng. Như trong thành Thất-la-phiệt,
các ông tiên Ca-tỳ-la, Chước-ca-la và các nhà đại-huyễn-thuật Bát-đầu-ma,
Ha-tát-đa, vân vân... muốn cầu tinh Thái-âm để hòa với các thuốc huyễn-thuật,
thì các ông ấy, trong lúc sáng trăng trong, tay cầm hạt châu Phương-chư, hứng
nước trong ánh mặt trăng. Vậy, nước ấy từ trong hạt châu mà ra, do hư-không mà
có hay từ mặt trăng mà đến?
A-nan, nếu từ mặt trăng
mà đến, thì ở phương xa còn có thể làm cho hạt châu chảy ra nước, những rừng
cây ánh sáng mặt trăng đi qua, lẽ ra đều phải phun nước; mà nếu phun nước, thì
sao lại phải đợi có hạt châu Phương-như mới chảy nước được? Còn nếu không phun
nước, thì rõ-ràng nước đó, không phải từ mặt trăng mà xuống. Nếu từ hạt châu mà
ra, thì trong hạt châu ấy, thường phải chảy nước, sao còn phải đợi ánh sáng mặt
trăng trong lúc nửa đêm? Nếu do hư-không mà sinh, thì hư-không không bờ-bến,
nước cũng không giới-hạn; vậy từ cõi người đến cõi trời, lẽ ra đều phải
chìm-ngập cả, làm sao lại còn có thủy, lục, không, hành? Ông hãy xét cho kỹ,
mặt trăng từ trên trời đi qua, hạt châu do tay cầm, còn cái mâm hứng nước thì
do người sắp đặt; vậy nước kia từ phương nào mà chảy đến đó. Mặt trăng và hạt
châu xa nhau, không phải hòa, không phải hợp, không lẽ nưóc kia, không do đâu
mà tự có.
Ông còn biết trong
Như-lai-tạng, tính thủy là chân-không, tính không là chân-thủy, bản-nhiên
thanh-tịnh, cùng khắp pháp-giới, theo tâm chúng-sinh, đáp-ứng với lượng
hay-biết. Một chỗ cầm hạt châu, thì một chỗ nước chảy ra, khắp pháp-giới cầm
hạt châu, thì đầy pháp-giới nước sinh ra. Thủy-đại sinh khắp thế-gian, đâu có
chỗ ở, theo nghiệp mà phát-hiện; thế-gian không biết, lầm là nhân-duyên và tính
tự-nhiên, đều là những so-đo phân-biệt của ý-thức, chỉ có lời nói, toàn không
có nghĩa chân-thật.
"A-nan, phong-đại
không có tự-thể, khi động, khi tĩnh không chừng. Ông thường sửa áo, vào trong
đại-chúng, gấu áo Tăng-già-lê động đến người bên cạnh, thì có chút gió phảy qua
mặt người kia. Gió đó lại là, do gấu áo ca-sa mà ra, do hư-không mà phát-khởi
hay do mặt người kia mà sinh?
A-nan, nếu gió đó phát
ra, do gấu áo ca-sa, thì ông đã mặc cả gió, lẽ ra cái áo phải bay tung ra, rời
khỏi thân-thể của ông. Nay tôi thuyết-pháp, rũ áo ở trong Hội nầy, ông hãy xem
cái áo tôi, gió ở chỗ nào? Không lẽ trong áo lại có chỗ chứa gió.
Nếu gió đó do hư-không
sinh ra, thì khi cái áo ông không động, vì sao lại không phải gió? Và tính
hư-không thường còn, thì gió lại phải thường sinh ra; khi không có gió, thì
hư-không phải diệt mất. Gió diệt, thì có thể thấy được, còn hư-không diệt, thì
hình-trạng thế nào? Lại nếu có sinh diệt, thì không gọi là hư-không và đã gọi
là hư-không, thì làm sao lại phát ra gió được?
Nếu gió đó sinh ra do cái
mặt người bị phảy, thì đã do mặt người đó sinh ra, lẽ ra phải phảy lại ông, sao
tự ông sửa áo mà lại phảy ngược lại người kia?
Ông hãy xét cho kỹ: Sửa
áo là do nơi ông, cái mặt thì thuộc về người kia, hư-không thì vắng-lặng, không
thể lay-động, vậy gió từ phương nào giong-ruổi đến đó. Tính gió và tính
hư-không cách xa nhau, không phải hòa, không phải hợp, không lẽ gió kia, không
do đâu mà tự có.
Ông thật không biết trong
Như-lai-tạng, tính phong là tính chân-không, tính không là chân-phong,
bản-nhiên thanh-tịnh cùng khắp pháp-giới, theo tâm chúng-sinh, đáp-ứng với
lượng hay-biết. A-nan, như một mình ông hơi động cái áo, thì có chút gió phát
ra; khắp pháp-giới đều phảy, thì khắp cõi nước sinh ra phong-đại. Phong-đại
đầy-nhẩy thế-gian, đâu có chỗ ở, theo nghiệp mà phát-hiện. Thế-gian không biết,
lầm là nhân-duyên và tính tự-nhiên, đều là những so-đo phân-biệt của ý-thức,
chỉ có lời nói, toàn không có nghĩa chân-thật.
"A-nan, hư-không
không có hình, nhân sắc-tướng mà tỏ-bày ra. Như trong thành Thất-la-phiệt, chỗ
cách xa sông, những người dòng Sát-lỵ, dòng Bà-la-môn, dòng Tỳ-xá, dòng Thủ-đà
hay dòng Phả-la-đọa, dòng Chiên-đà-la, vân vân... khi dựng nhà mới, thì đào
giếng mà lấy nước, đào đất ra một thước, thì trong đó có một thước hư-không,
như vậy cho đến đào đất ra một trượng, thì trong đó lại được một trượng
hư-không, hư-không nông hay sâu, tùy đào đất ra nhiều hay ít. Hư-không đó là
nhân đất mà ra, nhân đào mà có hay không nhân gì mà tự sinh?
A-nan, nếu hư-không đó
không nhân gì mà tự sinh, thì khi trước khi chưa đào đất, sao nơi đó lại không
trống-rỗng, mà chỉ thấy đất liền, hẳn không thông-suốt. Nếu nhân đất mà ra, thì
khi đất ra, phải thấy hư-không vào; nếu đất ra trước, mà không thấy hư-không
vào, thì làm sao hư-không lại nhân đất mà ra. Còn nếu không ra, không vào, thì
hư-không với đất vốn không khác nhau; không khác tức là đồng, thì khi đất ra,
sao hư-không lại không ra. Nếu nhân đào mà ra, thì phải đào ra hư-không, chứ
không đào ra đất; nếu không nhân đào mà ra, thì tự đào ra đất, làm sao lại thấy
hư-không?
Ông hãy xét cho kỹ,
nhận-rõ xét-chín: Đào, thì do tay người, theo phương hướng mà vận-chuyển, đất,
thì từ nơi đất liền mà dời đi, còn hư-không, như vậy, thì nhân đâu mà ra. Đào
là thật sự, hư-không là rỗng trống, không có tác-dụng gì với nhau, không phải
hòa, không phải hợp, không lẽ hư-không không do đâu mà tự ra. Nếu cái hư-không
đó, bản-tính viên-mãn cùng khắp, không có lay-động, thì nên biết hiện-tiền
hư-không và bốn thứ địa, thủy, hỏa, phong, đều gọi là năm đại, tính thật
viên-dung, vốn là tính Như-lai-tạng, không sinh, không diệt.
A-nan, tâm ông mê-muội,
không ngộ được bốn đại vốn là tính Như-lai-tạng, ông hãy xét cái hư-không là
ra, là vào hay không ra, không vào. Ông toàn không biết trong Như-lai-tạng,
tính giác là chân-không, tính không là chân-giác, bản-nhiên thanh-tịnh, cùng khắp
pháp-giới, theo tâm chúng-sinh, đáp-ứng với lượng hay-biết. A-nan, như một
giếng trống không, thì hư-không sinh trong một giếng; hư-không thập phương, thì
cũng như vậy. Không-đại cùng khắp mười phương, đâu có chỗ ở, theo nghiệp mà
phát-hiện; thế-gian không biết, lầm là nhân-duyên và tính tự-nhiên, đều là
những so-đo phân-biệt của ý-thức, chỉ có lời nói, toàn không có nghĩa
chân-thật.
"A-nan, kiến-đại có
giác-quan mà không phân-biệt, nhân các thứ sắc, không mà có. Như hiện nay ông ở
trong rừng Kỳ-đà, sớm mai thì sáng, ban đêm thì tối, đến lúc nửa đêm, trăng
tròn thì sáng, vắng trăng thì tối; những tướng sáng, tối ấy do cái thấy
phân-tách. Cái thấy đó, lại là đồng một thể với các tướng sáng, tối và cả
hư-không, hay không đồng một thể. Hoặc cũng đồng, cũng không phải đồng, hoặc
cũng khác, cũng không phải khác?
A-nan, nếu cái thấy đó,
cùng với sáng, tối và hư-không vốn là một thể, thì cái sáng, cái tối tiêu-diệt
lẫn nhau, khi tối, thì không sáng, khi sáng thì không tối; nếu như cái thấy
cùng một thể với cái tối, thì khi sáng, cái thấy phải tiêu mất; nếu cùng một
thể với cái sáng, thì khi tối, cái thấy phải diệt rồi, mà đã diệt, thì làm sao
còn thấy được sáng, thấy được tối. Còn như sáng và tối khác nhau, còn cái thấy
thì không sinh không diệt, thì làm sao lại thành đồng một thể được?
Nếu cái thấy đó không
phải đồng một thể với cái tối và cái sáng, thì ngoài cái sáng, cái tối và
hư-không ra, ông hãy phân-tách cái thấy thành hình-tướng gì; rời cái sáng, cái
tối và hư-không, cái thấy đó cũng đồng như lông rùa sừng thỏ; nếu tách hẳn ba
thứ sáng, tối và hư-không, thì do đâu mà thành-lập được cái thấy?
Sáng và tối trái-ngược
lẫn nhau, làm sao hoặc cũng là đồng; rời ba thứ sáng, tối và hư-không, cái thấy
vốn không còn gì, làm sao hoặc cũng là khác. Bên hư-không, bên cái thấy, vốn
không có bờ-cõi, làm sao lại không phải đồng; thấy cái tối, thấy cái sáng, tính
không dời-đổi, làm sao lại không phải khác?
Ông hãy xét cho kỹ,
suy-xét chín-chắn, nhận cho cùng, xét cho rõ, sáng là do mặt trời, tối là do
đêm không trăng, thông-suốt thuộc về hư-không, ngăn-bịt thuộc về đất liền còn
cái thấy, như vậy nhân đâu mà ra. Cái thấy có giác-quan, hư-không thì không
hay-biết, không phải hòa, không phải hợp; không lẽ cái thấy, không do đâu mà tự
phát ra. Còn như tất-cả các sự thấy, nghe, hay, biết, bản-tính viên-mãn cùng
khắp, vốn không lay-động, thì nên biết kiến-đại cùng với hư-không không bờ-bến,
không lay-động và bốn món đại : địa, thủy, hỏa, phong, có lay-động, đều gọi là
sáu đại, tính thật là viên-dung, vốn là tính Như-lai-tạng, không sinh, không
diệt.
A-nan, tính ông chìm-đắm,
không ngộ được những sự thấy, nghe, hay, biết của ông vốn là tính Như-lai-tạng;
ông hãy xét những thấy, nghe, hay, biết, đó là sinh hay diệt, là đồng hay là
khác, là không phải sinh, không phải diệt, hay không phải đồng, không phải
khác. Ông chưa từng biết trong Như-lai-tạng, cái thấy nơi tâm-tính là cái
tính-minh của bản-giác; cái tính-minh của bản-giác biểu-lộ ra nơi cái thấy,
bản-nhiên thanh-tịnh cùng khắp pháp-giới, theo tâm chúng-sinh đáp-ứng với lượng
hay-biết.
Như nơi nhãn-căn, cái
thấy cùng khắp pháp-giới, thì cái biết nghe, biết ngửi, biết nếm, biết xúc,
biết các pháp, công-năng nhiệm-mầu sáng-suốt cũng cùng khắp pháp-giới, đầy-đủ
thập phương hư-không, đâu có chỗ ở, theo nghiệp mà phát-hiện. Thế-gian không
biết, lầm là nhân-duyên và tính tự-nhiên, đều là những phân-biệt so-đo của
ý-thức, chỉ có lời nói, toàn không có nghĩa chân-thật.
"A-nan, thức-đại
không có nguồn-gốc, nhân nơi sáu thứ căn, trần giả-dối phát ra. Nay ông hãy xem
khắp thánh-chúng trong Hội này; ông dùng con mắt lướt qua, mắt ông trông khắp,
chỉ như bóng trong gương, không phân-tách riêng-biệt. Cái thức ông, trong ấy
theo thứ lớp chỉ ra đây là ông Văn-thù, đây là ông Phú-lâu-na, đây là ông
Mục-kiền-liên, đây là ông Tu-bồ-đề, đây là ông Xá-lỵ-phất. Cái thức nhận-biết
như thế sinh ra do cái thấy, do các tướng, do hư-không, hay không nhân gì
bỗng-nhiên sinh ra?
A-nan, nếu cái thức của
ông sinh ra do cái thấy; mà như không có các tướng sáng, tối và sắc, không, thì
không còn cái thấy của ông; cái thấy còn không có, do đâu mà phát ra được cái
thức? Nếu cái thức của ông sinh ra do các tướng, chứ không do cái thấy, thì đã
không thấy sáng, cũng không thấy tối; sáng và tối đã không thấy, thì cũng không
có sắc, không; các tướng kia còn không có, thì cái thức do đâu mà phát ra? Nếu
cái thức sinh ra do hư-không, ngoài các tướng và ngoài cái thấy, thì ngoài cái
thấy không có cảm-giác, tự-nhiên không thể biết được cái sáng, cái tối, các
sắc-tướng và hư-không; ngoài các tướng, thì không có các duyên của tiền-trần,
sự thấy, nghe, hay, biết, không do đâu mà thành-lập được. Ngoài hai thứ căn
trần ra, nếu là không, thì cũng đồng như không có, còn nếu là có, thì cũng
không đồng như các vật, dầu cho phát ra cái thức của ông, thì đem ra mà
phân-biệt cái gì?
Nếu cái thức không nhân
gì bỗng-nhiên mà phát ra, làm sao lại không phân-biệt mặt trăng sáng, trong lúc
mặt trời đứng bóng?
Ông hãy xét kỹ, nhận-xét
chín-chắn, cái thấy gá vào mắt của ông, các tướng thì trả về cho tiền-cảnh, cái
gì có thể hình-trạng được, thì mới thành có, cái gì không có tướng, thì thành
ra không; còn cái thức như vậy, nhân đâu mà ra?
Cái thức thì lay-động,
cái thấy thì đứng-lặng, không phải hòa, không phải hợp, cho đến các sự nghe,
ngửi, hay, biết, cũng đều như vậy. Không lẽ cái thức nhận-biết không do đâu mà
phát ra.
Nếu cái thức đó không do
đâu, thì nên biết cái thức-đại nhận-biết và cái căn-đại thấy, nghe, hay, biết,
vẳng-lặng cùng khắp, bản-tính không nương vào đâu mà có; hai món đại ấy cùng
với hư-không, địa, thủy, hỏa, phong, đều gọi là bảy đại, tính thật là
viên-dung, vốn là tính Như-lai-tạng, không sinh, không diệt.
A-nan, tâm ông nông-nổi,
không ngộ được cái nhận-biết các điều thấy-nghe, vốn là tính Như-lai-tạng. Ông
hãy xét sáu cái thức là đồng hay là khác, là không hay là có, là không phải
đồng, không phải khác, hay không phải không, không phải có. Ông vốn không biết
trong Như-lai-tạng, cái thức nơi tâm-tính là cái tác-dụng nhận-biết của
tính-minh bản-giác, và tính-minh bản-giác thật là chân-tính của thức-đại;
bản-giác diệu-minh yên-lặng cùng khắp pháp-giới, ẩn-hiện thập-phương hư-không,
đâu có chỗ ở, theo nghiệp mà phát-hiện. Thế-gian không biết, lầm là nhân-duyên,
và tính tự-nhiên, đều là những so-đo phân-biệt của ý-thức, chỉ có lời nói, toàn
không có nghĩa chân-thật".
Comments
Post a Comment