KINH THỦ LĂNG NGHIÊM
PHẦN CHÍNH TÔNG
13. CHỈ RÕ SỰ TIẾP TỤC
GIẢ DỐI SINH RA
The Reason for Continual Arisal
Khi bấy giờ, ông
Phú-lâu-na-di-đa-la-ni-tử ở trong đại-chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trật
vai áo bên phải, đầu gối bên phải chấm đất, chấp tay cung-kính mà bạch Phật
rằng: Đức Thế-tôn có oai-đức lớn, khéo vì chúng-sinh diễn-bày Đệ-nhất-nghĩa-đế
của Như-lai. Đức Thế-tôn thường cho rằng trong những người thuyết-pháp, tôi là
bậc nhất, song nay tôi nghe pháp-âm nhiệm-mầu của Như-lai, cũng như người điếc,
cách xa trăm bước, nghe tiếng muỗi mạt, vốn đã không thấy, huống nữa lại nghe.
Tuy Phật chỉ rõ, khiến cho tôi trừ được lầm-lạc, nhưng tôi chưa rõ chỗ rốt-ráo,
không còn nghi-hoặc của nghĩa ấy.
Bạch Thế-tôn, như bọn ông
A-nan, tuy được khai-ngộ, nhưng chưa trừ hết tập-khí hữu-lậu, còn bọn chúng tôi
là những người đã lên đến bậc vô-lậu trong Hội nầy, thì tuy đã hết các lậu,
nhưng nay nghe pháp-âm của Như-lai vừa dạy, còn mắc phải những điều nghi-hối.
"Bạch Thế-tôn, nếu
như hết thảy các thứ căn, trần, ấm, xứ, giới, vân vân... trong thế-gian, đều là
tính thanh-tịnh bản-nhiên Như-lai-tạng, thì làm sao bỗng-nhiên lại sinh ra các
tướng hữu-vi như núi, sông, đất liền, thứ lớp dời-đổi, trước sau quanh-lộn.
Lại đức Như-lai nói bốn
món đại địa, thủy, hỏa, phong, bản-tính viên-mãn dung-hòa, cùng khắp pháp-giới,
vẳng-lặng thường-trụ. Bạch Thế-tôn, nếu tính địa-đại cùng khắp, sao lại dung
được thủy-đại; nếu tính thủy-đại cùng khắp thì hỏa-đại không thể phát-sinh; làm
sao lại phát-minh hai tính thủy-đại và hỏa-đại đều cùng khắp hư-không, không
diệt lẫn nhau? Bạch Thế-tôn, tính địa-đại là ngăn-ngại, tính hư-không là
rỗng-suốt, làm sao hai đại ấy lại đều cùng khắp pháp-giới. Tôi nay không biết
nghĩa ấy do đâu, xin Phật phát lòng đại-từ, vén mây mê-lầm cho tôi và trong
đại-chúng." Ông Mãn-từ nói lời ấy rồi, năm vóc gieo xuống đất, kính mong
lời dạy từ-bi vô-thượng của đức Như-lai.
Khi bấy giờ, đức Thế-tôn
bảo ông Phú-lâu-na và các vị A-la-hán lậu-tận vô-học trong Hội rằng :
"Ngày nay Như-lai khắp vì trong Hội nầy chỉ-bày tính chân-thắng-nghĩa
trong thắng-nghĩa, khiến cho ở trong Hội nầy, những hàng định-tính Thanh-Văn và
hết thảy các bậc A-la-hán, chưa được hai phép nhân-không pháp-không, phát-tâm
hướng về thượng-thừa, đều được chỗ tu-hành chân-chính, thiết-thực không
xao-động của cảnh-giới tịch-diệt nhất-thừa. Ông hãy nghe kỹ, tôi sẽ vì ông mà
nói".
Các ông Phú-lâu-na kính
vâng pháp-âm của Phật, lẳng-lặng vâng nghe.
Phật dạy: "Ông
Phú-lâu-na, như ông vừa nói : Đã là bản-nhiên thanh-tịnh, làm sao bỗng-nhiên
lại sinh ra có núi sông, đất liền. Vậy ông không thường nghe Như-lai chỉ-dạy:
Tính-giác là diệu-minh, bản-giác là minh-diệu, hay sao?"
Ông Phú-lâu-na bạch:
"Thưa Thế-tôn, vâng, tôi thường nghe Phật chỉ-dạy nghĩa ấy."
Phật bảo: "Ông bảo
cái giác là minh, lại là vì bản-tính nó là minh, nên gọi nó là giác, hay là vì
giác được cái không minh, mà gọi là minh-giác?"
Ông Phú-lâu-na bạch:
"Nếu cái không-minh đó mà gọi là giác, thì nó không minh được cái
gì."
Phật dạy: "Nếu không
có sở-minh là không có minh-giác, thì có sở không phải là giác, mà không sở,
lại không phải là minh; và không minh, thì lại không phải là giác-tính
trạm-minh. Vậy tính-giác chắc là minh, do vọng-tưởng mà làm ra có minh-giác.
Giác không có gì là sở-minh, nhân có minh mà lập ra thành sở; đã giả-dối lập ra
có sở, mới sinh ra cái năng hư-vọng của các ông".
"Trong tính không
đồng, không khác, nổi dậy thành ra có khác; khác với cái khác kia, thì nhân cái
khác đó, mà lập-thành cái đồng. Phát-minh cái đồng, cái khác rồi, thì nhân đó,
mà lập ra cái không đồng, không khác. Rối-loạn như vậy, đối-dãi với nhau sinh
ra lao-lự; lao-lự mãi phát ra trần-tướng, tự vẩn-đục lẫn nhau; do đó, đưa đến
những trần-lao phiền-não. Nổi lên thì thành thế-giới, lặng xuống thì thành
hư-không; hư-không là đồng, thế-giới là khác; cái không đồng, không khác kia,
thật là pháp hữu-vi.
"Cái giác là
sáng-suốt, cái hư-không thì không hay-biết, hai cái đối-đãi với nhau, thành có
lay-động, cho nên có phong-luân nắm-giữ thế-giới. Nhân cái hư-không, mà sinh ra
có lay-động, phát-minh tính cứng, thì thành có ngăn-ngại; các loại kim-bảo đều
do minh-giác lập ra tính cứng, cho nên có kim-luân nắm-giữ cõi nước. Biết cái
cứng, thì thành có kim-bảo, rõ cái lay-động, thì phong-đại phát ra; phong-đại
và kim-bảo cọ-xát nhau, cho nên có hỏa-đại làm tính biến-hóa. Ngọn lửa xông
lên, kim-bảo sinh ra tính ướt, cho nên có thủy-luân trùm khắp các cõi mười
phương. Lửa bốc lên, nước sa xuống, giao nhau phát-hiện, mà lập-thành tính
cứng; chỗ ướt là bể lớn, chỗ khô là gò nổi; do cái nghĩa ấy, trong bể lớn kia,
hơi nóng thường bốc lên; trong gò nổi kia, sông ngòi thường chảy xuống. Thế
nước kém thế lửa, thì kết thành núi cao, vậy nên đá núi, đập thì có tia lửa,
nấu thì chảy ra nước. Thế đất kém thế nước, rút ra thành cỏ cây, vậy nên
rừng-rú bị đốt thì thành đất, vắt ra thì có nước.
Vọng-tưởng giao-xen
phát-sinh, xoay-vần làm chủng-tử cho nhau; do nhân-duyên ấy mà thế-giới
tiếp-tục.
Lại nữa, Phú-lâu-na,
vọng-tưởng chẳng phải gì khác, do tính giác-minh hóa ra lầm-lỗi; cái sở-minh
hư-vọng đã lập, thì phạm-vi của cái năng-minh không vượt khỏi được. Do
nhân-duyên ấy, nghe không ra ngoài tiếng, thấy không vượt khỏi sắc, sáu cái
vọng: Sắc, hương, vị, xúc vân vân..., đã thành lập, thì do đó, chia ra có thấy,
nghe, hay, biết.
Đồng-nghiệp ràng-buộc lẫn
nhau mà hợp, mà ly, mà thành, mà hóa. Cái thấy phát-minh, thì các sắc phát ra;
nhận rõ nơi sự thấy, thì thành có tư-tưởng; rồi ý-kiến khác nhau, thì thành ra
ghét, tưởng-niệm đồng nhau, thì thành ra yêu. Lan cái yêu ra, thành hạt giống,
thu-nạp tưởng-niệm, thành ra cái thai, giao-xen phát-sinh, hấp-dẫn bọn
đồng-nghiệp, nên có nhân-duyên sinh ra yết-la-lam, át-bồ-đàm, vân vân...
Thai-sinh, noãn-sinh, thấp-sinh hay hóa-sinh là tùy phần sở-ưng: Noãn chỉ do
tưởng-niệm mà sinh, thai thì nhân ái-tình mà có, thấp-sinh thì cơ-cảm mà hợp
lại, còn hóa-sinh thì phân-ly mà ứng-hiện. Khi tình, khi tưởng, khi hợp, khi
ly, thay-đổi lẫn nhau, nên các loài chịu nghiệp-báo cũng theo đó mà lên xuống;
do nhân-duyên ấy, chúng-sinh tiếp-tục.
Comments
Post a Comment