KINH THỦ LĂNG NGHIÊM
PHẦN CHÍNH TÔNG
16. CHỈ 2 NGHĨA QUYẾT ĐỊNH
Khi bấy giờ, đức Thế-tôn
thương-xót các hàng Thanh-văn, Duyên-giác trong Hội, chưa được tự-tại nơi tâm
Bồ-đề, và những chúng-sinh phát Bồ-đề-tâm trong đời mạt-pháp về sau, khi Phật
đã diệt-độ rồi, khai-thị cho đường tu-hành nhiệm-mầu pháp vô-thượng-thừa, và
chỉ-dạy ông A-nan với cả đại-chúng rằng: "Các ông quyết-định phát-tâm
Bồ-đề, đối với pháp Tam-ma-đề chư Phật Như-lai, không sinh mệt-mỏi, thì trước
hết, nên rõ hai nghĩa quyết-định, trong lúc bắt đầu phát-tâm tự-giác."
"Thế nào là hai
nghĩa quyết-định trong lúc mới phát-tâm. A-nan, nghĩa thứ nhất là: Nếu các ông
muốn rời-bỏ phép Thanh-văn, tu thừa Bồ-tát, vào tri-kiến của Phật, thì nên xét
kỹ chỗ phát tâm trong lúc tu-nhân với chỗ giác-ngộ trong lúc chứng-quả, là đồng
hay là khác nhau. A-nan, nếu trong lúc tu-nhân, đem cái tâm sinh-diệt làm cái
nhân tu-hành, đề cầu cho được cái quả bất-sinh bất-diệt của Phật-thừa, thì thật
không thể được. Do cái nghĩa đó, ông nên xét các pháp, có thể làm ra trong
khí-thế-gian, đều phải thay-đổi diệt mất. A-nan, ông xét các pháp, có thể làm
ra trong thế-gian, có cái gì là không hư-nát, nhưng không bao-giờ nghe hư-không
tan-rã, vì sao? Vì hư-không không phải là cái bị làm ra, do đó, trước sau không
hề tan mất. Thì trong thân ông, tướng cứng là địa-đại, thấm ướt là thủy-đại,
hơi ấm là hỏa-đại, lay-động là phong-đại; do bốn cái ấy ràng-buộc, mà chia cái
tâm-tính diệu-minh vẳng-lặng, cùng khắp của ông, làm ra cái thấy, cái nghe, cái
biết, cái xét, từ đầu đến cuối, tạo-thành năm lớp ô-trược.
"Thế nào là trược?
A-nan, ví như nước trong, bản-nhiên là trong-sạch, lại như những thứ bụi, đất,
tro, cát, bản-chất là ngăn-ngại; hai bên bản-nhiên thể-chất khác nhau, không
hợp nhau được. Có người thế-gian lấy đất bụi kia, ném vào nước sạch, thì đất
mất ngăn-ngại, nước mất trong-sạch, hình-trạng đục-vẩn, gọi đó là trược; năm
lớp ô-trược của ông cũng giống như vậy.
A-nan, ông thấy hư-không
khắp thập phương thế-giới. Bên không, bên thấy, không tách-rời nhau; có cái
không mà không thật-thể, có cái thấy mà không hay-biết, hai bên xen-lộn giả-dối
thành ra lớp thứ nhất, gọi là kiếp-trược.
Thân ông hiện ôm bốn món
đại làm tự-thể, che-bít những sự thấy, nghe, hay, biết, thành bị ngăn-ngại và
trở lại làm cho các thứ địa, thủy, hỏa, phong, thành có hay-biết; các điều đó
xen-lộn giả-dối thành ra lớp thứ hai, gọi là kiến-trược.
Lại trong tâm ông, những
sự nhớ-biết học-tập, phát ra tri-kiến, hiện ra tướng sáu trần, thì những sự đó,
rời tiền-trần không có tướng, rời tri-giác không có tính, xen-lộn giả-dối thành
ra lớp thứ ba, gọi là phiền-não-trược.
Lại tâm ông ngày đêm
sinh-diệt không ngừng, tri-kiến thì muốn lưu mãi ở thế-gian, nhưng nghiệp-báo
xoay-vần thì lại thường dời-đổi cõi nầy cõi khác, những điều đó xen-lộn giả-dối
thành ra lớp thứ-tư, gọi là chúng-sinh-trược.
Cái thấy, cái nghe của
ông, bản tính vốn không khác nhau, do các trần cách-trở, mà không duyên-cớ gì,
lại sinh ra khác nhau; trong tính thì vẫn biết nhau, nhưng trong dụng thì
trái-ngược nhau, cái đồng và cái khác đã mất hẳn chuẩn-đích, xen-lộn giả-dối
thành ra lớp thứ năm, gọi là mệnh-trược.
A-nan, nay ông muốn cho
cái sự thấy, nghe, hay, biết, xa xa hợp với bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh của
Như-lai, thì trước hết, phải lựa-bỏ cỗi-gốc sống chết, nương theo cái
không-sinh-diệt mà thành-tựu tính yên-lặng cùng khắp. Dùng cái yên-lặng mà xoay
các thứ sinh-diệt hư-vọng trở về nơi bản-giác, được tính không-sinh-diệt của
bản-giác làm cái tâm tu-nhân, thì về sau mới viên-thành chổ tu-chứng của
quả-vị. Như lắng nước đục đựng trong một cái đồ để yên, để yên mãi không lay-động,
thì đất cát tự chìm xuống và nước trong hiện ra, thế gọi là bắt đầu uốn-dẹp các
khách-trần phiền-não; gạn bùn hết sạch, chỉ còn nước trong, thì gọi là dứt hẳn
căn-bản vô-minh; tướng sáng-suốt đã tinh-thuần, thì tất-cả các điều biến-hiện
đều không gây ra phiền-não và hợp với đức mầu thanh-tịnh của Niết-bàn.
Nghĩa thứ hai là các ông
quyết muốn phát-tâm Bồ-đề, nơi thừa Bồ-tát, sinh lòng đại-dũng-mãnh, quyết-định
rời-bỏ các tướng hữu-vi, thì nên xét rõ cỗi-gốc phiền-não, những cái vô-minh
phát-nghiệp và nhuận-sinh vô-thủy đó, là ai làm, ai chịu?
A-nan, ông tu đạo Bồ-đề,
nếu không suy-xét cỗi-gốc phiền-não, thì không thể biết những căn-trần
phiền-não, thì không thể biết những căn-trần hư-vọng, nó điên-đảo ở chỗ nào;
chỗ điên-đảo còn không biết, thì làm sao uốn-dẹp được nó và chứng được quả-vị
Như-lai.
A-nan, ông hãy xem người
thế-gian cởi nút, hễ không thấy chỗ thắt nút, thì không biết cởi, chứ không hề
nghe hư-không bị phá-tan; vì sao? Vì hư-không không có hình-tướng, không thắt,
không cởi vậy. Thì như ông hiện nay, sáu thứ nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý làm
mai-mối cho giặc, tự cướp của báu trong nhà; do đó, từ vô-thủy, thế-giới
chúng-sinh sinh ra ràng-buộc, không thể vượt khỏi thế-gian sự vật.
A-nan, thế nào gọi là
thế-giới chúng-sinh? Thế là dời-đổi, giới là phương-hướng. Nay ông nên biết
những phương Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông-Nam, Tây-Nam, Đông-Bắc, Tây-Bắc, phương
trên, phương dưới là giới. Còn quá-khứ, vị-lai, hiện-tại là thế. Phương-hướng
có mười, số lưu-chuyển của thời-gian có ba, hết thảy chúng-sinh dệt cái vọng mà
thành như vậy; nơi sự dời-đổi trong thân, thế và giới gắn-bó với nhau. Nhưng
cái tính của giới đó, tuy là mười phương, song có chỗ nhất-định có thể chỉ rõ,
thì thế-gian chỉ nhận phương Đông, phương Tây, phương Nam, phương Bắc; phía trên,
phía dưới, thì không có vị-trí rõ-ràng; ở giữa cũng không có chỗ nhất-định. Số
bốn đã rõ rồi, nhân với số thế, thì ba lần bốn, bốn lần ba, xoay-vần là số mười
hai, nhân luôn ba lớp, một chục thành trăm, thành nghìn, thì tổng-quát trước
sau, ở trong sáu căn, mỗi mỗi có thể có đến một nghìn hai trăm công-năng.
A-nan, trong sáu căn đó,
ông lại xét-định chỗ hơn, chỗ kém. Như nhãn-căn xem-thấy, phía sau thì tối,
phía trước thì sáng, phương trước toàn sáng, phương sau toàn tối, kể cả ngó qua
bên phải bên trái, thì ba phần chỉ thấy được hai; tóm lại công-năng của
nhãn-căn không toàn-vẹn, trong ba phần công-năng thì một phần không có; vậy nên
biết nhãn-căn chỉ có tám trăm công-năng.
Như nhĩ-căn nghe khắp,
mười phương không sót, động thì giống như có xa có gần, tĩnh thì không có
bờ-bến; vậy nên biết nhĩ-căn đầy-đủ một nghìn hai trăm công-năng.
Như tỷ-căn ngửi-biết cả
lúc thở ra, thở vào; chỉ có trong lúc thở ra, thở vào mà còn thiếu trong lúc
hơi thở giao-tiếp; xét nơi tỷ-căn, ba phần còn thiếu một; vậy nên biết tỷ-căn
chỉ có tám trăm công-năng.
Như thiệt-căn phô-bày
cùng-tột trí thế-gian và xuất-thế-gian; lời nói có chừng hạn, nhưng lý thì
vô-cùng vô-tận; vậy nên biết thiệt-căn đầy-đủ một nghìn hai trăm công-năng.
Như thân-căn biết
xúc-trần, biết các cảm-xúc trái và thuận; khi hợp lại thì biết, khi rời ra thì
không biết, rời chỉ có một, hợp thì có hai; xét nơi thân-căn, ba phần còn thiếu
một; vậy nên biết thân-căn chỉ có tám trăm công-năng.
Như ý-căn thầm-lặng
dung-nạp tất-cả các pháp thế-gian, xuất-thế-gian trong mười phương ba đời; dù
thánh hay phàm, không pháp nào không bao-dung cùng-tột bờ-bến; vậy nên biết
ý-căn đầy-đủ một nghìn hai trăm công-năng.
A-nan, nay ông muốn ngược
dòng sinh-tử, xoay về tột gốc lưu-chuyển, đến chỗ không sinh-diệt, thì nên xét
trong sáu căn hiện đương thụ-dụng, cái gì là hợp, cái gì là ly, cái gì là sâu,
cái gì là nông, cái gì là viên-thông, cái gì là không viên-mãn. Nếu ngộ được
căn-tính viên-thông nơi đó, ngược lại dòng nghiệp dệt vọng vô-thủy kia và theo
được tính viên-thông, thì đối với sự tu-hành nơi cái căn không viên-thông,
hiệu-quả xấp bội, một ngày bằng một kiếp. Tôi nay đã chỉ rõ sáu căn viên-minh,
vốn có những số-lượng công-năng như thế; tùy ông lựa chọn nơi căn nào, có thể
nhập đạo được, thì tôi sẽ phát-minh, để cho ông được tăng-tiến trên đường
tu-hành. Thập-phương Như-lai, nơi mười tám giới, mỗi giới đều tu-hành được
viên-mãn vô-thượng Bồ-đề; trong các giới đó, cũng không có gì là hơn, là kém.
Chỉ vì ông căn-cơ thấp-kém, chưa thể viên-mãn trí-tuệ, tự-tại trong ấy được,
nên tôi bảo ông chỉ đi sâu vào một căn, đi sâu đến chỗ không còn vọng-tưởng,
thì cả sáu căn kia một thời đều thanh-tịnh".
Ông A-nan bạch Phật rằng:
"Thưa Thế-tôn, làm sao ngược dòng hư-vọng, đi sâu vào một căn, lại có thể
khiến cho sáu căn một thời đều thanh-tịnh?"
Phật bảo ông A-nan:
"Ông nay đã được quả Tu-đà-hoàn, đã diệt được kiến hoặc của ba cõi
thế-gian chúng-sinh, song còn chưa biết những tập-khí hư-vọng chứa-nhóm trong
căn từ vô-thủy; các tập-khí kia, phải nhân tu-đạo rồi mới đoạn được, huống chi,
trong đó còn có rất nhiều phân-loại, số-mục sinh-trụ dị-diệt.
Nay ông hãy xét sáu căn
hiện-tiền là một, hay là sáu. A-nan, nếu nói là một, thì lỗ tai sao không thấy,
con mắt sao không nghe, đầu sao không đi, chân sao không nói; còn nếu sáu căn
đó quyết-định là sáu, thì như trong Hội nầy, tôi chỉ-dạy pháp-môn nhiệm-mầu cho
ông, trong sáu căn của ông, cái gì lĩnh-thụ?"
Ông A-nan bạch: "Tôi
dùng lỗ tai nghe".
Phật dạy: "Lỗ tai
ông tự nghe, nào dính gì đến thân với miệng, mà miệng ông thì hỏi nghĩa, thân
ông thì đứng dậy kính vâng. Vậy nên biết rằng chẳng phải một, mà cuối-cùng
thành sáu, chẳng phải sáu, mà cuối-cùng thành một, rốt-cuộc cái căn của ông,
vốn không phải là một, hay là sáu. A-nan, ông nên biết cái căn ấy không phải
một, không phải sáu; do từ vô-thủy đắm-chấp trái-ngược, nên nơi tính viên-trạm,
sinh ra có cái một, cái sáu. Nay ông được quả Tu-đà-hoàn, tuy đã tiêu được cái
sáu, nhưng còn chưa quên cái một.
Như cái hư-không,
tham-hợp với các khí-mãnh; do hình-trạng khí-mãnh khác nhau, mà gọi là hư-không
khác nhau, đến khi trừ-bỏ khí-mãnh mà xem cái hư-không, thì nói hư-không là
một; chứ cái hư-không kia, làm sao lại vì ông mà thành đồng hay không đồng,
huống nữa, lại gọi là một hay không phải một.
Sáu căn hay-biết của ông
thì cũng như vậy.
Do hai thứ sáng và tối,
tỏ-bày lẫn nhau, nơi tính diệu-viên, làm dính tính yên-lặng, phát ra cái thấy;
cái thấy ánh ra thành sắc, kết cái sắc lại thành căn, gốc căn, thì gọi là tứ
đại thanh-tịnh, nhân gọi hình-thể con mắt như quả bồ-đào; bốn trần của phù-căn
rong-ruổi chạy theo sắc.
Do hai thứ động và tĩnh,
đối-chọi lẫn nhau, nơi tính diệu-viên, làm dính tính yên-lặng, phát ra cái
nghe; cái nghe ánh ra thành tiếng, cuốn cái tiếng lại thành căn, gốc căn, thì
gọi là tứ đại thanh-tịnh, nhân gọi hình-thể cái tai như lá mới cuốn; bốn trần
của phù-căn rong-ruổi chạy theo tiếng.
Do hai thứ thông và bịt,
phát-hiện lẫn nhau, nơi tính diệu-viên, làm dính tính yên-lặng, phát ra cái
ngữi; cái ngửi ánh ra thành hương, thu-nạp cái hương thành căn, gốc căn, thì
gọi đó là tứ đại thanh-tịnh, nhân gọi hình-thể cái mủi như hai móng tay rủ
xuống; bốn trần của phù-căn rong-ruổi chạy theo hương.
Do hai thứ nhạt và có vị,
tham-chước lẫn nhau, nơi tính diệu-viên, làm dính tính yên-lặng, phát ra cái
nếm; cái nếm ánh ra thành vị, thưởng-thức cái vị thành, thưởng-thức cái vị
thành căn, gốc căn, thì gọi là tứ đại thanh-tịnh, nhân gọi là tứ đại
thanh-tịnh, nhân gọi hình-thể cái lưỡi như mặt trăng mới khuyết; bốn trần của
phù-căn rong-ruổi chạy theo vị.
Do hai thứ ly và hợp,
so-sánh lẫn nhau, nơi tính diệu-viên, làm dính tính yên-lặng, phát ra cái biết
xúc; cái biết xúc ánh ra thành xúc, ôm-nắm cái xúc thành căn, gốc căn, thì gọi
là tứ đại thanh-tịnh, nhân gọi hình-thể cái thân như dáng trống cơm, bốn trần
của phù-căn rong-ruổi chạy theo xúc.
Do hai thứ sinh và diệt,
tiếp-tục lẩn nhau, nơi tính diệu-viên, làm dính tính yên-lặng, phát ra cái
biết; cái biết ánh ra thành các pháp, tóm-thu các pháp thành căn, gốc căn, thì
gọi là tứ đại thanh-tịnh, nhân gọi cái ý như cái thấy trong phòng tối; bốn trần
của phù-căn rong-ruổi chạy theo pháp".
"A-nan, sáu căn như
vậy do tính giác-minh kia chuyển thành minh-giác, mất tính sáng-suốt, dính với
cái vọng mà phát ra hay-biết. Vậy nên ông nay rời sáng rời tối, thì không có
cái thấy, rời động rời tĩnh, thì không có cái nghe, không thông không bịt, thì
cái ngửi không sinh, không vị không nhạt, thì cái nếm không phát ra, không ly
không hợp, thì cái biết xúc vốn không, không diệt không sinh, thì cái rõ-biết
không gá vào đâu.
Ông chỉ đi theo những
động-tĩnh, hợp-ly, không vị có vị, thông bịt, sáng tối, sinh diệt, cả mười hai
tướng hữu-vi đó, đi đến rút được một căn ra khỏi cái dính, phục vào bên trong,
phục trở về tính bản-chân, phát ra tính sáng-suốt bản-lai; tính sáng-suốt đó đã
phát-minh, thì năm chỗ dính khác cũng liền đó được giải-thoát.
Không do tiền-trần mà
khởi ra tri-kiến thì cái sáng-suốt không đi theo căn, chỉ gửi nơi căn mà phát
ra; nhân đó sáu căn có thể dùng thay lẫn nhau.
A-nan, há ông không biết
ở trong Hội nầy, ông A-na-luật-đà không có mắt mà thấy, rồng Bạt-nan-đà không
có tai mà nghe, thần-nữ Căng-già không có mũi mà nghe hương, ông
Kiều-phạm-bát-đề không lưỡi mà biết vị, thần Thuấn-nhã-đa không có thân mà biết
xúc, do hào-quang Như-lai ánh ra, làm cho ông ấy tạm-thời hiện ra có thân, chứ
bản-chất của ông là gió, thì thân-thể vốn không có; các vị Thanh-văn được
tịch-diệt trong diệt-tận-định, như ông Ma-ha-ca-diếp trong Hội nầy, đã diệt
ý-căn lâu rồi mà vẫn rõ-biết cùng khắp, không nhân tâm-niệm.
A-nan, nếu các căn của
ông đều được giải-thoát trọn-đủ, thì cái sáng-suốt trong tâm-tính phát ra; như
thế, thì các phù-trần và các tướng biến-hoá trong thế-gian sự vật đều tiêu mất,
như giá gặp nước sôi, ngay đó, liền hóa-thành vô-thượng tri-giác.
A-nan, như người thế-gian
kia, nhóm cái thấy nơi con mắt; nếu bảo nhắm kín, thì tướng tối hiện ra, cả sáu
căn đều tối, đầu và chân giống nhau. Người kia lấy tay rờ quanh ngoài thân-thể,
thì tuy không thấy, nhưng một phen nhận được đầu và chân rồi, thì cái hay-biết
vẫn đồng như trước kia.
Duyên vì cái thấy nhân
nơi sáng, nên khi tối thành ra không thấy, chứ không có sáng mà tự phát ra cái
thấy, thì các thứ tối hẳn không thể làm mờ được. Căn và trần đã tiêu rồi, làm
sao tính giác-minh lại không thành nhiệm-mầu cùng khắp".
Comments
Post a Comment