KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

 

 

PHẦN CHÍNH TÔNG



21. VĂN THÙ LỰA CHỌN CĂN VIÊN THÔNG

Manjushri Selects the Organ of Entry


 

Khi bấy-giờ, đức Như-lai bảo Ngài Văn-thù-sư-lỵ Pháp-vương-tử rằng: "Ông hãy xét trong 25 vị vô-học Đại-bồ-tát và A-la-hán, mỗi mỗi đều trình-bày phương-tiện hành-đạo lúc đầu, đều nói tu-tập tính viên-thông chân-thật; chỗ tu-hành của các vị kia, thật không có hơn, kém, trước, sau gì khác nhau. Nay tôi muốn khiến cho ông A-nan khai-ngộ, thì trong 25 phép tu, phép nào hợp với căn-cơ của ông ấy; lại, sau khi tôi diệt-độ rồi, chúng-sinh trong cõi nầy vào thừa Bồ-tát, cầu đạo vô-thượng, thì do pháp-môn phương-tiện gì, được dễ thành-tựu hơn?"

 

Tán-thán tính-giác vốn diệu và chỉ rõ mê-vọng vốn không

 

Ngài Văn-thù-sư-lỵ Pháp-vương-tử, vâng từ-chỉ của Phật, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật, dựa vào uy-thần của Phật, nói bài kệ đáp lại:

 

"Bản-tính biển Giác khắp đứng-lặng,

Tính khắp đứng-lặng  vốn nhiệm-mầu,

Bản-minh chiếu ra hình-như sở,

Lập tướng sở, bỏ mất bản-minh.

Do mê-vọng, mà có hư-không,

Nương hư-không, lập-thành thế-giới;

Tư-tưởng chăm-chú thành cõi-nước,

Hay-biết mọi việc, là chúng-sinh.

Hư-không sinh ra trong đại-giác,

Như một bọt-nước sinh trong bể;

Các nước hữu-lậu, như vi-trần

Đều nương hư-không, mà phát-sinh;

Bọt-nước diệt, vốn không hư-không,

Huống nữa là, hình-tướng ba cõi.

 

 ( Giác hải tánh trừng viên

Viên trừng giác nguyên diệu

Nguyên minh chiếu sanh sở

Sở lập chiếu tánh vong.

 

Mê vọng hữu hư không

Y không lập thế giới

Tưởng trừng thành quốc độ

Tri giác nãi chúng sanh.

 

Không sanh đại giác trung

Như hải nhất âu phát

Hữu lậu vi trần quốc

Giai tòng không sở sanh

Âu diệt không bổn vô

Huống phục chư tam hữu.)

 

Nêu rõ phương-tiện có mau chậm

 

Bản-tính xoay về, vốn không hai,

Phương-tiện tu-chứng có nhiều cách,

Cách nào cũng thông vào bản-tính,

Nói thuận, nghịch, chỉ là phương-tiện;

Do hàng sơ-tâm vào Tam-muội,

Bên mau, bên chậm không đồng nhau.

 

( Quy nguyên tánh vô nhị

Phương tiện hữu đa môn

Thánh tánh vô bất thông

Thuận nghịch giai phương tiện

Sơ tâm nhập tam muội

Trì tốc bất đồng luân. )

 

Lựa ra 6 trần

 

Vọng-tưởng kết-lại thành sắc-trần,

Hay-biết không thể thông-suốt được;

Làm sao, chính chỗ không thông-suốt,

Tu-hành, lại được tính viên-thông?

Âm-thanh xen-lộn với lời nói,

Chỉ nương theo ý-vị danh-từ;

Nếu một, không trùm được tất-cả,

Thì làm sao, được tính viên-thông?

Hương, chỉ lúc hợp, mới rõ-biết,

Lúc rời-cách, thì vốn không có;

Nếu sở-giác, không được thường-xuyên,

Thì làm sao, được tính viên-thông?

Vị, không phải bản-nhiên tự có,

Cần phải nếm, mới biết có vị;

Nếu giác-quan, không thường duy-nhất,

Thì làm sao, được tính viên-thông?

Xúc, do các vật chạm mà biết,

Không vật chạm, thì không thành xúc;

Khi hợp, khi ly, không nhất-định,

Thì làm sao, được tính viên-thông?

Pháp, cũng có tên là nội-trần,

Nương theo trần, tất phải có sở;

Năng sở, không viên-dung nhập một,

Thì làm sao, được tính viên-thông?

 

( Sắc tưởng kết thành trần.

Tinh liễu bất năng triệt.

Như hà bất minh triệt.

Ư thị hoạch viên thông?

Âm thanh tạp ngữ ngôn.

Đãn y danh cú vị.

Nhất phi hàm nhất thiết.

Vân hà hoạch viên thông?

Hương dĩ hợp trung tri.

Ly tắc nguyên vô hữu.

Bất hằng kỳ sở giác.

Vân hà hoạch viên thông?

Vị tánh phi bản nhiên.

Yếu dĩ vị thời hữu.

Kỳ giác bất hằng nhất.

Vân hà hoạch viên thông?

Xúc dĩ sở xúc minh.

Vô sở bất minh xúc.

Hợp ly tánh phi định.

Vân hà hoạch viên thông?

Pháp xưng vi nội trần.

Bằng trần tất hữu sở.

Năng sở phi biến thiệp.

Vân hà hoạch viên thông? )

 

Lựa-ra 5 căn

 

Cái thấy, tuy rỗng-suốt rất xa,

Nhưng thấy trước, mà không thấy sau;

Bốn-bề, còn thiếu mất một nửa,

Thì làm sao, được tính viên-thông!

Mũi, có thở ra và thở vào,

Chặng giữa, hiện không có hơi-thở,

Nếu không viên-dung sự cách-bức,

Thì làm sao, được tính viên-thông?

Ngoài sở-nhập, tính-nếm không thành,

Nhân các vị, mới có hay-biết;

Không có vị, rốt-ráo không có,

Thì làm sao, được tính viên-thông?

Thân biết-xúc với cảnh sở-xúc,

Đều có hạn, không phải cùng khắp;

Nếu không nhận tính không bờ-bến,

Thì làm sao, được tính viên-thông?

Ý-căn xen với các loạn-tưởng,

Đứng-lặng, rốt-cuộc không thấy gì;

Nếu không thoát được các tưởng-niệm,

Thì làm sao, được tính viên-thông?"

 

( Kiến tánh tuy đỗng nhiên.

Minh tiền bất minh hậu.

Tứ duy khuy nhất bán.

Vân hà hoạch viên thông?

Tỵ tức xuất nhập thông.

Hiện tiền vô giao khí.

Chi ly phỉ thiệp nhập.

Vân hà hoạch viên thông?

Thiệt phi nhập vô đoan.

Nhơn vị sanh giác liễu.

Vị vong liễu vô hữu.

Vân hà hoạch viên thông?

Thân dữ sở xúc đồng.

Các phi viên giác quán.

Nhai lượng bất minh hội.

Vân hà hoạch viên thông?

Ý căn tạp loạn tư.

Trạm liễu chung vô kiến.

Tưởng niệm bất khả thoát.

Vân hà hoạch viên thông? )

 

Lựa-ra 6 thức

 

Nhãn-thức, phát-khởi nhờ căn trần,

Gạn-cùng, vốn không có tự-tướng;

Cả tự-thể, còn không nhất-định,

Thì làm sao, được tính viên-thông?

Tâm nghe rỗng-thấu cả mười phương,

Là do sức hoằng-thệ rộng-lớn;

Sơ-tâm, không thể đến chỗ ấy

Thì làm sao, được tính viên-thông?

Quán đầu-mũi, vốn là duyên-cơ,

Chỉ để nhiếp-tâm được an-trụ;

Nếu cảnh-quán, lại thành sở-trụ,

Thì làm sao, được tính viên-thông?

Thuyết-pháp, diệu-dụng các danh-từ;

Cốt phải đã được khai-ngộ trước;

Nếu lời nói, không phải vô-lậu,

Thì làm sao, được tính viên-thông?

Giữ giới, chỉ câu-thúc cái thân,

Ngoài cái thân, lấy gì câu-thúc;

Vốn không phải cùng khắp tất-cả,

Thì làm sao, được tính viên-thông?

Thần-thông, do túc-tập từ trước,

 Nào dính gì ý-thức phân-biệt;

Tưởng-niệm, không thoát-ly sự-vật,

Thì làm sao, được tính viên-thông?

 

( Thức kiến tạp tam hoà.

Cật bổn xưng phi tướng.

Tự thể tiên vô định.

Vân hà hoạch viên thông?

Tâm văn đỗng thập phương.

Sanh vu đại nhân lực.

Sơ tâm bất năng nhập.

Vân hà hoạch viên thông?

Tỵ tưởng bổn quyền cơ.

Kỳ linh nhiếp tâm trụ.

Trụ thành tâm sở trụ.

Vân hà hoạch viên thông?

Thuyết pháp lộng âm văn.

Khai ngộ tiên thành giả.

Danh cú phi vô lậu.

Vân hà hoạch viên thông?

Trì phạm đãn thúc thân.

Phi thân vô sở thúc.

Nguyên phi biến nhất thiết.

Vân hà hoạch viên thông?

Thần thông bổn túc nhơn.

Hà quan pháp phân biệt.

Niệm duyên phi ly vật.

Vân hà hoạch viên thông? )

 

Lựa-ra 7 đại

 

Nếu quán cái tính của địa-đại,

Thì nó ngăn-ngại, không thông-suốt;

Pháp hữu-vi, không phải chân-tính,

Thì làm sao, được tính viên-thông?

Nếu quán cái tính của thủy-đại,

Quán-tưởng, đâu phải là chân-thật,

Nếu không đi đến Diệu-chân-như,

Thì làm sao, được tính viên-thông?

Nếu quán hỏa-đại, trừ dâm-dục,

Chán cái có, không phải thật ly;

Phương-tiện, không hợp với sơ-tâm,

Thì làm sao, được tính viên-thông?

Nếu quán cái tính của phong-đại,

Động, tĩnh, đâu phải không đối-đãi;

Đối-đãi, trái với vô-thượng-giác,

Thì làm sao, được tính viên-thông?

Nếu quán cái tính của không-đại,

Hư-không vô-tri, không hay-biết;

Không biết, khác hẳn với Bồ-đề,

Thì làm sao, được tính viên-thông?

Nếu quán cái tính của thức-đại,

Thức sinh-diệt, đâu phải thường-trụ,

Để tâm trong phân-biệt hư-vọng,

Thì làm sao, được tính viên-thông?

Tất-cả các hành đều vô-thường,

Tưởng-niệm, vốn trong vòng sinh diệt,

Nhân và quả, khác nhau như thế,

Thì làm sao, được tính viên-thông?"

 

( Nhược dĩ địa tánh quán.

Kiên ngại phi thông đạt.

Hữu vi phi thánh tánh.

Vân hà hoạch viên thông?

Nhược dĩ thủy tánh quán.

Tưởng niệm phi chơn thật.

Như như phi giác quán.

Vân hà hoạch viên thông?

Nhược dĩ hoả tánh quán.

Yếm hữu phi chơn ly.

Phi sơ tâm phương tiện.

Vân hà hoạch viên thông?

Nhược dĩ phong tánh quán.

Động tịch phi vô đối.

Đối phi vô thượng giác.

Vân hà hoạch viên thông?

Nhược dĩ không tánh quán.

Hôn độn tiên phi giác.

Vô giác dị bồ đề.

Vân hà hoạch viên thông?

Nhược dĩ thức tánh quán.

Quán thức phi thường trụ.

Tồn tâm nãi hư vọng.

Vân hà hoạch viên thông?

Chư hành thị vô thường.

Niệm tánh vô sanh diệt.

Nhân quả kim thù cảm.

Vân hà hoạch viên thông? )

 

 Hợp với giáo-thể cõi Sa-bà

 

Tôi nay xin bạch đức Thế-tôn,

Phật ra đời trong cõi Sa-bà,

Trong cõi nầy, lối dạy chân-thật,

Thanh-tịnh, do chỗ nói và nghe;

Nay muốn tu-chứngTam-ma-đề,

Thật nên do cái nghe mà vào."

 

( Ngã kim bạch Thế Tôn

Phật xuất ta-bà giới

Thử phương chơn giáo thể

Thanh tịnh tại âm văn

Dục thủ tam ma đề

Thật dĩ văn trung nhập. )

 

Xưng-tán ngài Quán-thế-âm

 

Rời cái khổ và được giải-thoát,

Hay thay cho ngài Quán-thế-âm;

Trong kiếp số như cát sông Hằng,

Vào cõi Phật như số vi-trần,

Được sức tự-tại rất to-lớn,

Bố-thí vô-úy cho chúng-sinh.

Ngài Quán-thế-âm, tiếng nhiệm-mầu,

Tiếng trong-sạch và tiếng hải-trào,

Cứu đời, mọi việc được yên-lành,

Xuất-thế-gian, được quả thường-trụ."

 

( Ly khổ đắc giải thoát

Lương tai Quán Thế Âm

Ư hằng sa kiếp trung

Nhập vi trần phật quốc

Đắc đại tự tại lực

Vô úy thí chúng sanh

Diệu âm Quán Thế Âm

Phạm âm hải triều âm

Cứu thế tất an ninh

Xuất thế hoạch thường trụ. )

 

Xưng-tán nhĩ-căn

 

Tôi nay kính bạch đức Như-lai,

Như lời ngài Quán-âm vừa nói:

Ví-như, có người trong yên-lặng,

Chung-quanh mười phương đều đánh trống,

Thì đồng-thời nghe khắp mười nơi,

Như thế, mới là viên-chân-thật.

Mắt bị ngăn-che, không thấy được,

Thiệt-căn, tỷ-căn cũng như vậy,

Thân-căn, lúc hợp mới biết-xúc,

Ý-căn, phân-vân không manh-mối;

Cách tường, nhĩ-căn vẫn nghe tiếng,

Dầu xa, dầu gần, đều nghe được;

Năm căn so-sánh thật không bằng,

Như thế, mới là thông-chân-thật.

Tính thanh-trần, có động, có tĩnh,

Trong tính-nghe thành có, thành không;

Khi không tiếng, gọi là không nghe,

Đâu phải thật không còn tính-nghe;

Không tiếng, tính-nghe đã không diệt,

Có tiếng, tính-nghe đâu phải sinh;

Trọn-rời cả hai thứ sinh-diệt,

Như thế, mới là thường-chân-thật.

Dầu cho, trong lúc đương ngủ mê,

Không vì không nghĩ, mà không nghe;

Tính-nghe ra ngoài sự suy-nghĩ,

Thân, ý không thể so bằng được.

 

( Ngã kim khải Như Lai

Như Quán Âm sở thuyết

Thí như nhân tĩnh cư

Thập phương câu kích cổ

Thập xứ nhất thời văn

Thử tắc viên chơn thật

Mục phi quán chướng ngoại

Khẩu tỵ diệc phục nhiên

Thân dĩ hợp phương tri

Tâm niệm phân vô tự

Cách viên thính âm hưởng

Hà nhĩ câu khả văn

Ngũ căn sở bất tề

Thị tắc thông chơn thật

Âm thinh tánh động tĩnh

Văn trung vi hữu vô

Vô thinh hiệu vô văn

Phi thật văn vô tánh

Thinh vô ký vô diệt

Thinh hữu diệc phi sanh

Sanh diệt nhị viên ly

Thị tắc thường chơn thật

Túng linh tại mộng tưởng

Bất vị bất tư vô

Giác quán xuất tư duy

Thân tâm bất năng cập.)

 

Chuyển mê thành ngộ

 

Hiện nay, trong cõi Sa-bà nầy,

Các thứ thanh-luận được truyền-bá,

Do chúng-sinh bỏ mất tính-nghe,

Theo thanh-trần, nên bị lưu-chuyển;

A-nan, tuy có tính nhớ dai,

Vẫn không khỏi mắc các tà-niệm;

Há không phải tùy chỗ chìm-đắm,

Xoay ngược dòng, thoát khỏi hư-vọng.

A-nan, ông hãy nghe cho chín,

Nay tôi nương uy-lực của Phật,

Tuyên-nói phép Tam-muội chân-thật,

Chắc như Kim-cương-vương, như-huyễn,

Không nghĩ-bàn, xuất-sinh chư Phật.

Ông nghe tất-cả pháp bí-mật

Của chư Phật, số như vi-trần,

Nếu trước hết, không trừ dục-lậu,

Nghe nhiều, chứa-chấp thành lầm-lỗi;

Dùng cái nghe thụ-trì Phật-pháp,

Sao lại không tự nghe cái nghe?

Tính-nghe không phải tự-nhiên sinh,

Nhân thanh-trần mà có danh-hiệu,

Xoay cái nghe, thoát-ly thanh-trần,

Cái thoát-ly ấy, gọi là gì?

Một căn, đã trở về bản-tính,

Thì cả sáu căn, được giải-thoát,

Thấy, nghe như bệnh lòa huyễn-hóa,

Ba cõi như hoa-đốm hư-không;

Xoay tính-nghe, gốc lòa tiêu-trừ,

Trần-tướng tiêu, giác-tính viên-tịnh.

Tột thanh-tịnh, trí-quang thông-suốt,

Thể tịch-chiếu trùm khắp hư-không,

Trở lại xem các việc thế-gian

Thật giống như chiêm-bao không khác.

Nàng Ma-đăng-già là chiêm-bao

Thì còn ai bắt ông được nữa?

Như các huyễn-sư khéo trong đời,

Làm trò, thành ra các trai, gái;

Tuy thấy các căn đều cử-động,

Cốt-yếu, do cái máy dật dây;

Nghỉ máy, tất-cả đều yên-lặng,

Các trò, trở thành không có tính.

Cả sáu căn cũng giống như thế,

Vốn đều nương một tính tinh-minh

Chia ra thành sáu thứ hòa-hợp;

Một nơi, đã rời-bỏ quay về,

Thì cả sáu, đều không thành-lập;

Trong một niệm, trần-cấu đều tiêu,

Chuyển-thành tính Viên-minh tịnh-diệu,

Còn sót trần-cấu là học-vị,

Sáng-suốt cùng-tột, tức Như-lai.

Hỡi đại-chúng và ông A-nan,

Hãy xoay lại cái nghe điên-đảo,

Xoay cái nghe về, nghe tự-tính,

Nhận tự-tính, thành đạo vô-thượng;

Thật-tính viên-thông là như thế."

 

( Kim thử ta-bà quốc.

Thanh luận đắc tuyên minh.

Chúng sanh mê bổn văn.

Tuần thinh cố lưu chuyển.

A-nan túng cường ký.

Bất miễn lạc tà tư.

Khởi phi tùy sở luân.

Triền lưu hoạch vô vọng.

A-nan nhữ đế thính:

Ngã thừa Phật oai lực.

Tuyên thuyết Kim cang vương.

Như huyễn bất tư nghị.

Phật mẫu chơn tam muội.

Nhữ văn vi trần Phật.

Nhất thiết bí mật môn.

Dục lậu bất tiên trừ.

Súc văn thành quá ngộ.

Tương văn trì phật phật.

Hà bất tự văn văn?

Văn phi tự nhiên sanh.

Nhơn thinh hữu danh tự.

Triền văn dữ thinh thoát.

Năng thoát dục thùy danh?

Nhất căn ký phản nguyên.

Lục căn thành giải thoát.

Kiến văn như huyễn ế.

Tam giới nhược không hoa.

Văn phục ế căn trừ.

Trần tiêu giác viên tịnh.

Tịnh cực quang thông đạt.

Tịch chiếu hàm hư không.

Khước lai quán thế gian.

Du như mộng trung sự.

Ma-đăng-già tại mộng.

Thùy năng lưu nhữ hình?

Như thế xảo huyễn sư.

Huyễn tác chư nam nữ.

Tuy kiến chư căn động.

Yếu dĩ nhất cơ trừu.

Tức cơ quy tịch nhiên.

Chư huyễn thành vô tánh.

Lục căn diệc như thị.

Nguyên y nhất tinh minh.

Phân thành lục hoà hợp.

Nhất xứ thành hưu phục.

Lục dụng giai bất thành.

Trần cấu ứng niệm tiêu.

Thành viên minh tịnh diệu.

Dư trần thượng chư học.

Minh cực tức Như Lai.

Đại chúng cập A-nan.

Triền nhữ đảo văn cơ.

Phản văn văn tự tánh.

Tánh thành vô thượng đạo.

Viên thông thật như thị.

Thử thị vi trần Phật.)

 

Chọn lấy nhĩ-căn làm phương-tiện thích-hợp

 

Đây thật là một đường thẳng tiến

Vào Niết-bàn của vi-trần Phật;

Các đức Như-lai trong quá-khứ

Đều đã thành-tựu pháp-môn nầy;

Các vị Bồ-tát trong hiện-tại

Điều viên-minh vào pháp-môn ấy;

Những người tu-học đời vị-lai

Đều nên nương theo pháp-môn đó;

Tôi cũng do pháp ấy mà chứng,

Không phải chỉ ngài Quán-thế-âm.

Thật như lời đức Phật Thế-tôn

Đã hỏi tôi về các phương-tiện

Để cứu-giúp, trong đời mạt-pháp,

Những người cầu pháp xuất-thế-gian

Thành-tựu được tâm-tính Niết-bàn

Thì ngài Quán-âm là hơn cả.

Còn tất-cả các phương-tiện khác

Đều là nhờ uy-thần của Phật,

Tức nơi sự, rời-bỏ trần-lao,

Không phải phép tu-học thường-xuyên,

Nông hay sâu cũng đồng nghe được.

 

( Nhất lộ niết-bàn môn.

Quá khứ chư Như Lai.

Tư môn dĩ thành tựu.

Hiện tại chư bồ tát.

Kim các nhập viên minh.

Vị lai tu học nhơn.

Đương y như thị pháp.

Ngã diệc tòng trung chứng.

Phi duy Quán Thế Âm.

Thành như Phật Thế Tôn.

Tuân ngã chư phương tiện.

Dĩ cứu chư mạt kiếp.

Cầu xuất thế gian nhơn.

Thành tựu niết-bàn tâm.

Quán Thế Âm vi tối.

Tự dư chư phương tiện.

Giai thị Phật oai thần.

Tức sự xả trần lao.

Phi thị trường tu học.

Thiển thâm đồng thuyết pháp.)

 

Đảnh-lễ cầu gia-bị

 

Xin đỉnh-lễ tính Như-lai-tạng,

Vô-lậu, không còn sự nghĩ-bàn,

Nguyện gia-bị cho đời vị-lai,

Nơi pháp-môn nầy, không lầm-lẫn.

Đây là phương-tiện dễ thành-tựu,

Nên đem dạy cho ông A-nan

Cùng những kẻ trầm-luân mạt-kiếp,

Chỉ dùng nhĩ-căn mà tu-tập,

Thì viên-thông chóng hơn pháp khác;

Tâm-tính chân-thật là như thế."

 

( Đảnh lễ Như Lai tạng.

Vô lậu bất tư nghị.

Nguyện gia bị vị lai.

Ư thử môn vô hoặc.

Phương tiện dị thành tựu.

Kham dĩ giáo A-nan.

Cập mạt kiếp trầm luân.

Đãn dĩ thử căn tu.

Viên thông siêu dư giả.

Chơn thật tâm như thị.)

 

 

NGHE PHÁP ĐƯỢC CHỨNG

 

Lúc ấy, ông A-nan cùng cả đại-chúng, thân tâm tỏ-rõ, nhận được sự khai-thị to-lớn, xem quả Bồ-đề và Đại-niết-bàn của Phật, cũng như có người nhân có việc phải đi xa, chưa trở về được, song đã biết rõ con đường về nhà. Trong Pháp-hội, cả đại-chúng, thiên-long bát-bộ, hàng Nhị-thừa hữu-học và tất-cả các Bồ-tát mới phát-tâm, số-lượng bằng mười số cát sông Hằng, đều được bản-tâm xa trần-tướng, rời cấu-nhiễm, được pháp-nhãn thanh-tịnh. Bà Tính-tỷ-khưu-ni nghe nói bài kệ xong, thành quả A-la-hán; vô-lượng chúng-sinh đều phát-tâm Vô-đẳng-đẳng-vô-thượng Chính-đẳng-chính-giác.


Comments

Popular posts from this blog