PHẦN CHÍNH TÔNG
5. HÒA HỢP
A-nan, ông tuy đã ngộ
tâm-tính nhiệm-mầu sáng-suốt, vốn không phải nhân-duyên, không phải tự-nhiên,
nhưng còn chưa rõ tâm-tính như vậy không phải hòa-hợp mà sinh, cũng không phải
không hòa-hợp.
A-nan, nay tôi lại lấy
nơi tiền-trần hỏi ông, ông còn đem tất-cả những tính nhân-duyên hòa-hợp của
tư-tưởng sai-lầm thế-gian mà tự nghi-ngờ rằng chứng tâm Bồ-đề cũng do hòa-hợp
mà phát-khởi. Thì hiện nay, cái thấy của ông lại là hòa với cái sáng, hòa với
cái tối, hòa với cái thông-suốt hay hòa với cái ngăn-bịt? Nếu hòa với cái sáng
thì ông đang thấy sáng, cái sáng hiện đó, vậy chỗ nào xen-lộn với cái thấy? Cái
thấy cái sáng có thể nhận-rõ, còn hình-trạng xen-lộn, thì như thế nào? Nếu cái
sáng ra ngoài cái thấy, thì làm sao thấy được sáng? Còn nếu cái sáng tức là cái
thấy, thì làm sao lại thấy được cái thấy? Như cái thấy cùng khắp, thì còn chỗ
nào hòa được với cái sáng, còn như cái sáng cùng khắp, thì lẽ ra không hòa được
với cái thấy. Cái thấy đã khác với cái sáng thì khi xen-lộn vào, tất phải làm
mất tính-cách của cái sáng. Cái thấy xen vào, làm mất tính-cách của cái sáng mà
nói hòa với cái sáng là không đúng nghĩa. Đối với cái tối, cái thông-suốt và
cái ngăn-bịt thì cũng như vậy.
Lại nữa, A-nan, hiện nay
cái thấy nhiệm-mầu sáng-suốt của ông lại là hợp với cái sáng, hợp với cái tối,
hợp với cái thông-suốt hay hợp với cái ngăn-bịt? Nếu hợp với cái sáng thì đến
khi tối, cái sáng đã mất rồi, cái thấy đó đã không hợp với cái tối, làm sao
thấy được cái tối? Nếu khi thấy tôi mà không hợp với cái tối thì lẽ ra khi hợp
với cái sáng, không thấy được cái sáng; mà đã không thấy được sáng thì làm sao
họp với cái sáng và rõ-biết cái sáng không phải là tối. Đối với cái tối, cái
thông-suốt, cái ngăn-bịt thì cũng như vậy".
Ông A-nan bạch Phật rằng
: "Thưa Thế-tôn, như chỗ tôi suy-nghĩ, cái tâm-tính ấy đối với các
trần-cảnh và các tâm-niệm nhớ-nghĩ, không hòa-hợp chăng?"
Phật dạy: "Nay ông
lại nói tâm-tính không hòa-hợp thì tôi lại hỏi ông : Cái tính-thấy gọi là không
hòa-hợp đó, lại là không hòa với cái sáng, không hòa với cái tối, không hòa với
cái thông-suốt, hay không hòa với cái ngăn-bịt? Nếu không hòa với cái sáng, thì
giữa cái thấy và cái sáng phải có ranh-giới. Ông nay hãy xét cho kỹ : Chỗ nào
là cái sáng, chỗ nào là cái thấy. Nơi cái thấy và nơi cái sáng, thì lấy từ đâu
làm ranh-giới. A-nan, nếu bên cái sáng, chắc không có cái thấy, thì hai cái
không đến với nhau, cái thấy tự-nhiên không biết được cái sáng ở đâu, làm sao
mà thành-lập được ranh-giới. Đối với cái tối, cái thông-suốt, cái ngăn-bịt thì
cũng như vậy.
Lại cái thấy, gọi là
không hòa-hợp đó, là không hợp với cái sáng, không hợp với cái tối, không hợp
với cái thông-suốt hay không hợp với cái ngăn-bịt? Nếu không hợp với cái sáng,
thì cái thấy với cái sáng, tính trái-ngược nhau, như cái nghe với cái sáng,
không đụng chạm gì với nhau cả; thế thì, cái thấy còn không biết cái sáng ở
đâu, làm sao phát-minh được những lẽ hợp hay không hợp? Đối với cái tối, cái
thông-suốt, cái ngăn-bịt thì cũng như vậy.
Comments
Post a Comment