NHỮNG CẢNH THUỘC SẮC ẤM
"A-nan nên biết, ông ngồi đạo-trường, tiêu-diệt các niệm,
niệm đó nếu hết, thì tâm ly-niệm sáng-tỏ tất-cả, động-tĩnh không rời, nhớ quên
như một. Đương khi an-trụ nơi chỗ đó mà vào Tam-ma-đề, thì như người tỏ mắt ở
chỗ rất tối-tăm, tính-biết được diệu-tịnh, nhưng tâm chưa phát ra trí
sáng-suốt; thế thì gọi là phạm-vi của Sắc-ấm.
Nếu con mắt sáng-tỏ, mười phương rộng-mở, không còn tối-tăm nữa,
thì gọi là hết Sắc-ấm; người đó mới có thể vượt khỏi kiếp-trược, xét lại
nguyên-do, thì cỗi-gốc là vọng-tưởng kiên-cố.
A-nan, chính đương trong lúc chín-xét tính diệu-minh, tứ-đại
không kết-hợp, thì trong một thời-gian ngắn, tâm có thể ra khỏi các ngăn-ngại,
ấy gọi là tinh-minh trào ra tiền-cảnh; đó chỉ do công-dụng tạm được như thế,
không phải là chứng bậc thánh; nếu không nhận là chứng-ngộ, thì cũng gọi là
cảnh-giới tốt, nếu nghĩ là chứng bậc thánh, thì liền mắc các tà-kiến.
A-nan, lại đem cái tâm ấy chín-xét tính diệu-minh, trong thân
trở nên rỗng-suốt, người đó bỗng-nhiên, ở trong thân mình, nhặt ra các thứ
giun-sán mà cái thân vẫn y-nguyên, không bị tổn-thương; ấy gọi là tinh-minh
trào vào hình-thể, chỉ do tu-hành tinh-tiến, tạm thấy được như vậy, không phải
là chứng bậc thánh; nếu không nhận là chứng-ngộ, thì cũng gọi là cảnh-giới tốt,
nếu nghĩ là chứng bậc thánh, thì liền mắc các tà-kiến.
Lại dùng cái tâm ấy, chín-xét trong ngoài, khi đó ý-thức
tư-tưởng, ngoài bản-thân ra, còn bén vào các nơi khác, đắp-đổi làm khách, làm
chủ; bỗng-dưng ở giữa hư-không, nghe tiếng thuyết-pháp hoặc nghe mười phương
đồng diển-bày nghĩa thâm-mật; ấy gọi là tinh-thần đắp-đổi khi ly, khi hợp;
thành-tựu được thiện-chủng, thì tạm được như thế, không phải là chứng bậc
thánh; không nhận là chứng-ngộ, thì cũng gọi là cảnh-giới tốt; nếu nghĩ là
chứng bậc thánh, thì mắc các tà-kiến.
Lại dùng cái tâm ấy, đứng-lặng hiện ra sáng-suốt; tâm-quang
phát-minh, khắp cả mười phương thành sắc Diêm-phù-đàn, tất-cả các loài hóa làm
Như-lai; lúc bấy-giờ, bỗng thấy Phật Tỳ-lô-giá-na ngồi trên đài Thiên-quang, có
ngàn đức Phật vây quanh, trăm ức cõi-nước cùng với hoa sen đồng một thời hiện
ra; ấy gọi là ý-thức tiêm-nhiễm sự linh-ngộ, khi tâm-quang phát-minh, soi các
thế-giới, thì tạm được như thế, không phải là chứng bậc thánh; không nhận là
chứng-ngộ, thì cũng gọi là cảnh-giới tốt, nếu nghĩ là chứng bậc thánh, thì mắc
các tà-kiến.
Lại dùng cái tâm ấy, chín-xét tính diệu-minh, quan-sát không
ngừng, đè-nén, uốn-dẹp, dứt-trừ thái-quá; lúc bấy-giờ, bỗng-nhiên mười phương
hư-không thành sắc thất-bảo, hoặc sắc bách-bảo, đồng-thời cùng khắp, không
ngăn-ngại lẫn nhau; những sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, mỗi mỗi thuần-hiện ra, ấy
gọi là công-sức đè-nén quá phần, tạm được như thế, không phải là chứng bậc
thánh; không nhận là chứng-ngộ, thì cũng gọi là cảnh-giới tốt, nếu nghĩ là
chứng bậc thánh, thì mắc các tà-kiến.
Lại dùng cái tâm ấy, lặng-suốt chín-xét, trong-sáng không
tán-loạn; bỗng ở giữa đêm, thấy các thứ vật trong nhà tối, chẳng khác gì ban
ngày, mà những vật trong nhà tối đó cũng không diệt mất; ấy gọi là định-tâm
lặng-đứng cái thấy, nên thấy suốt chỗ tối-tăm, tạm được như thế, không phải là
chứng bậc thánh; không nhận là chứng-ngộ, thì cũng gọi là cảnh-giới tốt; nếu nghĩ
là chứng bậc thánh, thì mắc các tà-kiến.
Lại dùng cái tâm ấy, khắp vào tính hư-dung, bốn vóc bỗng đồng
như cỏ, như cây, lửa đốt, dao cắt toàn không hay-biết, khi thì ngọn lửa không
thể đốt cháy, dù cắt thịt cũng như chẻ cây; ấy gọi là năm trần đều tiêu; khi
bài-xích tính tứ-đại, một mặt vào chỗ thuần-nhất, tạm được như thế, không phải
là chứng bậc thánh; không nhận là chứng-ngộ, thì cũng gọi là cảnh-giới tốt; nếu
nghĩ là chứng bậc thánh, thì mắc các tà-kiến.
Lại dùng cái tâm ấy, thành-tựu tính thanh-tịnh, công-dụng tột
bậc, bỗng thấy mười phương núi sông, đất-liền đều thành cõi Phật, đủ bảy thứ
báu chói-sáng cùng khắp; lại thấy chư Phật Như-Lai, như số cát sông Hằng, đầy
khắp cõi hư-không, lâu-đài hoa-lệ; dưới thấy địa-ngục, trên xem thiên-cung,
không còn ngăn-ngại; ấy gọi là tư-tưởng ưa-chán chứa-nhóm ngày một sâu, lâu lắm
hóa-thành như thế, không phải là chứng bậc thánh; không nhận là chứng-ngộ, thì
cũng gọi là cảnh-giới tốt; nếu nghĩ là chứng bậc thánh, thì mắc các tà-kiến.
Lại dùng cái tâm ấy, nghiên-cứu sâu-xa, bỗng ở giữa đêm, thấy rõ
chợ-búa, làng-mạc, bà con quyến-thuộc phương xa, hoặc nghe lời nói; ấy gọi là
nén-ép cái tâm tột bậc nên nó bay ra, thấy được chỗ xa-cách, không phải là
chứng bậc thánh; không nhận là chứng-ngộ, thì cũng gọi là cảnh-giới tốt; nếu
nghĩ là chứng bậc thánh, thì mắc các tà-kiến.
Lại dùng cái tâm ấy, nghiên-cứu cùng-tột, thấy vị
thiện-tri-thức, rồi hình-thể biến-đổi, không duyên-cớ gì, trong giây-lát có
nhiều thứ thay-đổi; ấy gọi là tà-tâm; bị loài lỵ-mỵ hoặc mắc thiên-ma vào trong
tâm-thức, không duyên-cớ gì lại biết thuyết-pháp, thông-suốt các diệu-nghĩa,
không phải là chứng bậc thánh; không nhận là chứng-ngộ thì ma-sự tự tiêu-diệt;
nếu nghĩ là chứng bậc thánh, thì mắc các tà-kiến.
A-nan, mười thứ cảnh hiện ra trong thiền-định như thế, đều do
Sắc-ấm và tâm công-dụng giao-xen, nên hiện những việc đó; chúng-sinh ngu-mê,
không biết suy-xét tự lượng, gặp nhân-duyên ấy, mê không tự biết, bảo là lên
bậc thánh, thành tội đại-vọng-ngữ, phải đọa vào ngục Vô-gián. Sau khi Như-lai
diệt-độ rồi, các ông nên nương theo lời dạy, khai-thị nghĩa nầy trong đời
mạt-pháp, không để thiên-ma được dịp khuấy-phá; giữ-gìn che-chở cho chúng-sinh
thành đạo vô-thượng.
Comments
Post a Comment