KINH THỦ-LĂNG-NGHIÊM GIẢNG GIẢI
HT THANH TỪ
LƯỢC THẢO
1. Duyên khởi
Kinh Lăng-nghiêm là bộ
kinh quan trọng đối với người tu thiền. Nếu chúng ta học kỹ sẽ thấy hướng tu rõ
ràng và biết được những ma chướng, trong kinh gọi là Ngũ ấm ma, để không bị lầm
lẫn.
Trước tiên, tôi nói qua
về người dịch. Ngài Bát-thích-mật-đế, ở đạo tràng Chế Chỉ - Quảng Châu dịch
văn. Ngài Di-già-thích-ca người xứ Ô-trành, miền Bắc Ấn Độ dịch sang tiếng
Trung Hoa. Tể tướng Phòng Dung nhuận bút.
Có hai điều nghi về bộ
kinh Lăng-nghiêm.
Nghi thứ nhất: Thường ở
Trung Hoa thời đó, việc dịch kinh phần nhiều là do vua chúa đứng ra chủ trương,
rồi thỉnh các vị tăng Ấn Độ hợp tác với các học sĩ trong nước dịch kinh chứ
không dịch riêng tư, nên việc dịch thuật được hoàn bị. Nhưng bộ kinh này ghi do
ba người thực hiện, lại chỉ có bản chữ Hán, không có bản chữ Phạn để đối chiếu.
Tương truyền ngài
Bát-thích-mật-đế người Thiên Trúc tức Ấn Độ, do lòng quý kính bộ kinh này, muốn
đem truyền bá sang Trung Hoa. Nhưng đây là một trong năm bộ kinh mà người Ấn Độ
thời ấy xem là quốc bảo, cấm không được đem ra ngoài nước. Ngài bèn chép kinh
vào lụa mỏng, cuốn nhỏ rồi xẻ thịt bắp đùi nhét vào băng bó lại, sau đó theo
các thuyền buôn qua đến Quảng Đông.
Khi đến Nam Thuyên, ngài
gặp cư sĩ Phòng Dung, trước từng là Tể tướng vào thời hoàng đế Võ Tắc Thiên,
nhưng do phạm lỗi nên bị chuyển đến làm quan ở đất này. Cư sĩ Phòng Dung là một
vị học vấn uyên thâm, có tài văn chương, cũng là người hâm mộ Phật pháp. Khi
nghe ngài Bát-thích-mật-đế nói về kinh Lăng-nghiêm ông rất vui mừng, mới cùng
hợp tác để dịch. Bản kinh nhét trong bắp đùi bị máu mủ làm lem luốc, phu nhân
Phòng Dung chế ra một thứ thuốc, khi để bản kinh vào nồi nấu với thuốc thì máu
mủ tan hết mà chữ vẫn không mất.
Phần dịch Phạn Hán, ngài
Bát-thích-mật-đế đọc tiếng Phạn, ngài Di-già-thích-ca, có thể đã ở Trung Hoa
lâu hơn, dịch sang tiếng Hán, gọi là dịch ngữ, sau cùng Phòng Dung mới bút thọ.
Bút thọ là nhuận bút, tức là hoàn chỉnh lại những lời lẽ chưa được trôi chảy,
chưa thông suốt, nên kinh Lăng-nghiêm văn chương rất lưu loát.
Sau khi dịch kinh xong,
ngài Bát-thích-mật-đế nghe ở Ấn Độ đang có lệnh truy nã ngài, nên vội vàng mang
bản chữ Phạn trở về Ấn. Vì lý do đó nên kinh Lăng-nghiêm ở Trung Hoa chỉ có bản
chữ Hán, chứ không có bản chữ Phạn để lưu lại và đối chiếu.
Nghi thứ hai: Về duyên
khởi của bộ kinh. Thông thường các kinh đều có phần duyên khởi, tức là lý do
đức Phật nói pháp. Bộ kinh Lăng-nghiêm hòa hội giữa Thiền tông và Mật tông. Do
mang tính chất vừa Thiền vừa Mật, nên trong Đại tạng xếp kinh này vào phần Mật
tông, chứ không nằm ở phần Giáo.
Lý do Phật nói kinh này
khác với bên Nguyên thủy. Theo hệ Nguyên thủy ghi lại:
Một hôm ngày A-nan ôm
bát đi vào thành Xá-vệ khất thực. Trên đường đi khát nước, ngài thấy một thiếu
nữ dòng Thủ-đà-la đang gánh nước, bèn hỏi xin nước. Cô gái ngẩng đầu lên thấy
vị Tỳ-kheo trẻ tuổi, hỏi ra mới biết là ngài A-nan. Tự xét mình thuộc giai cấp
thấp, cô không dám mang nước lại nên đứng xa xa thưa rằng:
- Thưa tôn giả! Con
không tiếc chi với ngài, nhưng con thuộc dòng hạ tiện không dám đến gần Sa-môn.
Ngài A-nan trả lời:
- Tôi chỉ xin nước, chứ
không nói tới chuyện dòng họ. Tất cả mọi người đều mang dòng máu cùng đỏ, nước
mắt cùng mặn như nhau, không vì dòng họ mà cách biệt. Tôi đang khát, xin cô cho
tôi nước.
Thiếu nữ nghe ngài A-nan
nói năng bình dị, cô liền đem nước dâng cho. Thấy ngài A-nan có tướng mạo đẹp
đẽ, ngôn ngữ dễ thương, cô ôm lòng thương mến, cứ tưởng nhớ mãi thành bệnh
tương tư, xanh xao vàng vọt. Mẹ cô thấy vậy tra hỏi lý do, biết được con mình
thương ngài A-nan, nếu không kết duyên được thì sẽ chết. Bà cố khuyên lơn mãi
mà không được, nên đi tìm A-nan và đề nghị ý muốn đó, ngài quyết liệt từ chối.
Bà trở về thuật lại và khuyên con nên bỏ ý định, nhưng Ma-đăng-già vẫn nhất
quyết không nghe. Bà đành chiều ý con dùng mưu kế dụ dỗ A-nan vào phòng mà không
thành. Từ đó, mỗi khi ngài đi khất thực, cô lẽo đẽo theo sau.
Về đến chỗ Phật, A-nan
thưa lại sự việc. Phật cho gọi Ma-đăng-già đến hỏi lý do, cô thưa thật với Phật
là cô thương và muốn làm vợ A-nan. Phật bảo:
- A-nan là Sa-môn. Nếu
muốn làm vợ và được gặp A-nan thì con phải cạo tóc xuất gia, tinh tấn tu học
mới có cơ hội gặp.
Nghe nói xuất gia sẽ
được gần A-nan, bất chấp sự phản đối của mẹ, cô cạo tóc xin gia nhập Ni đoàn.
Phật giảng cho nghe về sự bất tịnh của thân và đạo lý giải thoát của người xuất
gia. Cô nỗ lực tu hành đắc quả A-la-hán trước ngài A-nan.
Như vậy, câu chuyện này
được kể lại rất hiền lành. Thiếu nữ chỉ thuộc giai cấp thấp chứ không phải là
dâm nữ, cũng không nói thần chú. Nhưng trong kinh Lăng-nghiêm thì nói
Ma-đăng-già là một dâm nữ, cùng với mẹ dùng thần chú Sa-tỳ-ca-la tiên Phạm
thiên để mê hoặc A-nan, làm cho ngài suýt mất giới thể v.v... Vì A-nan bị người
dùng thần chú để bắt nên Phật phải dùng thần chú để cứu, đó là lý do nói kinh.
Đồng thời cũng mượn câu chuyện chú thuật này để lồng tinh thần Mật tông vào, về
sau nói tới Lăng-nghiêm thì đa số chúng ta nhớ tới phần chú hơn là phần kinh.
Kinh Lăng-nghiêm hòa hội
giữa Thiền và Mật. Từ đầu kinh đến quyển sáu mang tính cách Thiền tông, quyển
bảy nói về thần chú của Mật tông, sau đó lại chỉ ra các bệnh của Thiền. Như
vậy, toàn bộ bản kinh thì tám phần là nói về Thiền, chỉ hai phần nói về Mật.
Nhưng về nhân duyên ban đầu để nói kinh, chúng ta thấy đã có mang sắc thái của
Mật tông.
Các thiền sư rất quý
Kinh Lăng-nghiêm. Như ngài Huyền Sa Sư Bị nhập thất quên cả sớm chiều, khi đọc
kinh Lăng-nghiêm ngày liền ngộ bản tâm, từ đó ứng đối lẹ làng cùng kinh điển
phù hợp. Cho nên đối với ngài kinh Lăng-nghiêm là tối quan trọng, nhiều vị khác
cũng thấy như vậy.
Khi đọc kinh này chúng
ta thấy rất kỳ đặc và trân quý, văn chương rất hay, trình bày lý lẽ hết sức
khúc chiết, đồng thời chỉ thẳng chỗ chân thật của sự tu hành. Cho nên đối với
những nghi vấn kia không có gì quan trọng. Chúng ta học Phật là học lẽ thật,
không nên vì những lý do nhỏ chung quanh mà nghi ngờ kinh điển.
2. Những nhà sớ giải
Bộ kinh Lăng-nghiêm sau
khi được dịch thành chữ Hán, những học giả ở Trung Hoa đều chú trọng. Từ đời
Đường đến đời Thanh có rất nhiều nhà chú thích, sớ giải về bản kinh này.
3. Dịch Hán-Việt
Có nhiều bản dịch từ Hán
sang Việt.
4. Giảng đề kinh
Kinh Thủ-lăng-nghiêm nói
đủ là Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ-tát Vạn
Hạnh Thủ-lăng-nghiêm Kinh.
Đại Phật Đảnh là dụ, Thủ-lăng-nghiêm là
pháp, chỉ cho chánh định Cứu cánh kiên cố. Định này không tướng mạo, không
hạn lượng, hàng Quyền thừa và Nhị thừa cũng không thấy được, nên ví như đảnh
tướng của Phật gọi là Vô kiến đảnh tướng, chỉ có Phật mới thấy.
Thủ-lăng-nghiêm là dịch âm chữ Phạn Suramgama, tên của một thứ đại
định, dịch nghĩa là Cứu cánh kiên cố. Còn có nhập xuất động tịnh thì định đó
chưa gọi là kiên cố, chỉ định của tự tánh không nhập xuất, không tịnh động,
luôn hiện hữu mới là định kiên cố. Như vậy Đại Phật Đảnh là dụ cho chánh định
Thủ-lăng-nghiêm, là định của tự tánh, chỉ người nào ngộ được tự tánh mới biết,
người nào chứng được quả Phật mới thấy.
Như Lai Mật Nhân Tu
Chứng Liễu Nghĩa. Định Thủ-lăng-nghiêm
là nhân thầm kín nghiêm mật của chư Phật Như Lai, nên gọi là Mật Nhân.
Chư Phật ngộ được nhân này làm gốc, rồi từ đó tu chứng được quả liễu nghĩa, nên
gọi là Tu Chứng Liễu Nghĩa.
Chư Bồ-tát Vạn Hạnh, khi chư Bồ-tát ngộ nhập được định Thủ-lăng-nghiêm rồi
thì muôn hạnh từ đó ứng hiện đầy đủ.
Như vậy, định
Thủ-lăng-nghiêm là nhân của chư Bồ-tát tu để chứng được quả liễu nghĩa, cũng là
gốc muôn hạnh của chư Bồ-tát. Phật và Bồ-tát đều y nhân này mà thành tựu đạo
quả, những người sau cũng nơi nhân này để tu thành Bồ-tát và Phật.
Đây chính là đường lối tu hành căn bản của chúng ta.
Kinh nghĩa là khế cơ và khế Lý. Chữ Kinh này thường đã
nghe giải thích nhiều rồi, nên ở đây không cần giải thích lại nữa.
Tóm lại, Đại
Thừa Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ-tát Vạn Hạnh
Thủ-lăng-nghiêm Kinh, nghĩa là kinh nói về định Thủ-lăng-nghiêm, định này
chỉ người chứng được mới thấy - ví như tướng đảnh của đức Phật, là nhân của chư
Như Lai tu hành, chứng được quả liễu nghĩa, cũng là gốc muôn hạnh của chư
Bồ-tát.
Comments
Post a Comment