KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

QUYỂN I  


 PHẦN TỰA


DUYÊN-KHỞI CHUNG


Như vậy tôi được nghe trong một thời, Phật ở tịnh xá Kỳ-Hoàn thành Thất-La-Phiệt, cùng với chúng đại-tỷ-khưu một nghìn hai trăm năm mươi vị, đều là bậc vô lậu Ðại-A-la-hán. Các vị phật-tử trụ-trì, khéo vượt trên chư hữu, ở các quốc-độ đầy-đủ uy-nghi, theo Phật chuyển Pháp-luân, có khả-năng thật-hiện lời di-chúc nhiệm-mầu của Phật, nghiêm-giữ giới-luật thanh-tịnh để làm khuôn phép cho ba cõi, hiện thân vô số, cứu-vớt chúng-sinh, tột đời vị-lai, khỏi các trần-lụy. Các vị tên là : Ðại-trí Xá-lỵ-phất, Ma-ha Mục-kiền-liên, Ma-ha Câu-si-la, Phú-lâu-na-di-đa-la-ni-tử, Tu-bồ-đề, Ưu-ba-ni-sa-đà làm thượng-thủ.


Lại có vô số các vị Bích-chi vô-học và sơ-tâm đồng đến chổ Phật giảng đạo.


Nhằm ngày các vị tỷ-khưu mãn hạ tự-tứ, các vị Bồ-tát, từ mười phương đến, xin Phật giải-quyết nghi-hoặc, kính vâng đức Từ-Nghiêm, thỉnh-cầu nghĩa thâm-mật.


Ðức Như-Lai giải pháp-tọa, ngồi khoan-thai, vì cả trong Hội tỏ-bày nghĩa sâu. Chúng Hội thanh-tịnh được pháp chưa từng có. Giọng nói của Phật hòa-nhã như tiếng chim ca-lăng-tầng-già, nghe khắp mười phương. Hằng sa Bồ-tát đều đến đạo-trường, có ngài Văn-thù-sư-lỵ làm thượng-thủ.


DUYÊN-KHỞI RIÊNG


Khi ấy vua Ba-tư-nặc, nhân ngày kỵ phụ-vương, mở tiệc chay mời Phật thụ-trai nơi cung-cấm; vua sắm đủ các món ăn quý-báu, rồi thân đến rước Phật và các vị Ðại-Bồ-Tát. Trong thành lại có các trưởng-giả cư-sĩ đồng-thời cùng trai-tăng, chờ Phật đến chứng. Phật khiến ngài Văn-thù chia lãnh các vị Bồ-Tát và A-la-hán đi đến các nhà trai-chủ.

Duy có ông A-nan trước đả nhận lời mời riêng, đi xa chưa về, không kịp dự hàng tăng-chúng. Ông về một mình, không có Thượng-tọa và A-xà-lê cùng đi và ngày ấy cũng không được ai cúng-dường. Lúc bấy giờ ông cầm bình-bát vào trong một thành trên đường đi, theo thứ lớp khất-thực; tâm ông trước hết cầu được một người tối hậu đàn-việt làm trai-chủ, không kể sang hèn, phát-tâm làm sao cho tất-cả chúng sinh được viên-thành vô lượng công-đức. Ông A-nan đã biết đức Phật Thế-Tôn quở ông Tu-bồ-đề và ông Ðại-ca-diếp làm A-la-hán mà tâm không công-bằng. Ônh kính vâng lời dạy vô giá của Phật độ-thoát mọi điều chê-bai nghi-hoặc. Ông đến bên thành, thong-thả vào cửa, uy-nghi nghiêm-chỉnh, kính giữ phép hóa-trai.

Trong khi khất-thực, ông A-nan đi qua nhà người dâm-nữ Ma-đăng-già, bị phép huyển-thuật. Nàng ấy dùng tà-chú Tiên-phạm-thiên đạo Sa-tỳ-ca-la bắt vào phòng riêng, dựa-kề vuốt-ve làm cho ông A-nan gần phá giới-thể.

Ðức Như-lai biết ông A-nan mắc phải dâm-thuật, nên dùng trai rồi, liền trở về tịnh-xá. Vua cùng đại-thần, trưởng-giả cư-sĩ đều đi theo Phật, mong nghe những pháp chủ-yếu của đạo Phật.

Khi ấy trên đỉnh đức Thế-tôn, phóng hào-quang bách-bảo vô-úy; trong hào-quang hiện ra tòa sen báu nghìn cánh, có hoá-thân của Phật kết-già ngồi trên, tuyên-đọc thần-chú , khiến ngài Văn-thù đem chú nầy đến giúp-đỡ, tiêu-diệt tà-chú, đưa ông A-nan cùng nàng Ma-đăng-già đều về chỗ Phật ở.

Ông A-nan thấy Phật, đỉnh-lể khóc-lóc, giận mình từ vô-thủy đến nay, một bề học rộng nhớ nhiều, chưa toàn đạo-lực, tha-thiết xin Phật dạy cho những phép xa-ma-tha, tam-ma, thiền-na, là những phương-tiện tu-hành đầu tiên để thành đạo Bồ-đề của thập phương Như-lai. Lúc ấy lại có hằng-sa Bồ-tát, Ðại-A-la-hán và Bích-chi-Phật, từ mười phương đến, thảy đều mong nghe Phật dạy, lui về chổ ngồi, yên-lặng lĩnh-thụ thánh-chỉ của Phật. 


 PHẦN CHÍNH-TÔNG


PHẬT CHỈ THỂ-TÍNH TRONG-SẠCH SÁNG-SUỐT

CỦA "CHÂN-TÂM THƯỜNG-TRỤ"

RỜI TIỀN-TRẦN CÓ TÍNH PHÂN-BIỆT


Phật bảo ông A-nan : "Tôi với ông đồng phái, tình như anh em ruột; lúc ông mới phát-tâm thì ở trong Phật-pháp, thấy những tướng tốt gì mà bỏ được những ân-ái sâu-nặng thế-gian?"

Ông A-nan bạch Phật: "Tôi thấy 32 tướng của Như-lai tốt-đẹp lạ thường, hình-thể sáng-suốt như ngọc lưu-ly, thường tự suy-nghĩ: Tướng ấy không thể do dục-ái sinh ra, vì sao? giống dâm-dục nhơ-nhớp, tanh-hôi kết-cấu, máu mủ xen-lộn, làm sao sinh được thân vàng thắm chói trong-sạch sáng-suốt như vậy, nên tôi ước-mong, cắt tóc theo Phật tu-học".


Phật dạy: "Hay thay, A-nan, các ông nên biết hết thảy chúng-sinh từ vô-thủy đến nay sống chết nối luôn, đều do không biết thể-tính trong-sạch sáng-suốt của thường-trụ chân-tâm mà lại chỉ dùng các vọng-tưởng, vì vọng-tưởng đó không chân-thật nên mới có luân-hồi. Nay ông muốn học đạo vô-thượng Bồ-đề, phát-minh chân-tính thì nên lấy tâm ngay-thẳng mà đáp lại những câu hỏi của tôi. Thập phương Như-lai đều do một đường thoát-ly sinh-tử là dùng tâm ngay-thẳng. Tâm mà nói là ngay-thẳng thì cứ như vậy, từ địa-vị đầu đến địa-vị cuối cùng, chặng giữa, hẳn không có những tướng quanh-co".


A-nan, nay tôi hỏi ông : "Ðương khi ông do 32 tướng của Như-lai mà phát-tâm thì ông đem cái gì mà thấy và cái gì ưa-muốn?"

Ông A-nan bạch Phật: "Thưa Thế-tôn, ưa-muốn như vậy là dùng cái tâm và con mắt của tôi. Do mắt thấy tướng tốt Như-lai, tâm sinh ưa-muốn nên tôi phát-tâm muốn tu-hành thoát khỏi sống chết".

Phật bảo ông A-nan: "Như lời ông nói : Thật do tâm và con mắt mà có ưa muốn. Nếu không biết tâm và con mắt ở đâu thì không thể hàng-phục được trần-lao; ví như ông vua một nước bị giặc xâm-lấn, phát-binh đánh-dẹp, thì binh ấy cần biết giặc ở chỗ nào mới đánh-dẹp được. Hiện ông còn mắc phải luân-hồi là lỗi tại tâm và con mắt của ông". Nay tôi hỏi ông: "Tâm và con mắt ấy hiện ở chỗ nào?"


[1]

 VỌNG-TƯỞNG

CHẤP TÂM Ở TRONG THÂN


Ông A-nan bạch Phật : "Thưa Thế-Tôn tất-cả mười loài chúng-sinh trong thế-gian đều cho cái tâm hay biết là ở trong thân. Dầu tôi xem con mắt như hoa sen xanh của Như-lai cũng ở trên mặt Phật; tôi thấy con mắt vật-chất của tôi ở trên mặt tôi. Như vậy thì tâm hay biết thật ở trong thân".

Phật bảo ông A-nan : "Hiện nay ông ngồi trong giảng-đường Như-lai. Ông hãy xem rừng Kỳ-đà hiện ở chỗ nào?"

- Thưa Thế-tôn, giảng-đường cao lớn thanh-tịnh này ở trong vườn Cấp-cô-độc, còn rừng Kỳ-đà hiện thật ở ngoài giảng-đường.

- A-nan, nay ông ở trong giảng-đường thì ông thấy cái gì trước?

- Thưa Thế-tôn, tôi ở trong giảng-đường, trước thấy Như-lai, sau xem đại-chúng, rồi trông ra ngoài thấy vườn rừng.

- A-nan, do đâu ông thấy được vườn rừng?

- Thưa Thế-tôn, do các cửa giảng-đường mở rộng nên tôi ở trong thấy suốt được đến ra ngoài xa.

Khi ấy đức Thế-tôn, ở trong đại-chúng, đưa cánh tay kim-sắc xoa đầu ông A-nan, chỉ-bảo ông A-nan và đại-chúng rằng : "Có pháp Tam-ma-đề tên là Đại-phật-đỉnh-thủ-lăng-nghiêm-vương, gồm đủ muôn hạnh. Thập phương Như-lai đều do một pháp-môn ấy vượt lên đường diệu-trang-nghiêm. Ông nên chăm-chú lắng nghe". Ông A-nan đỉnh-lễ, kính vâng lời Phật dạy.

Phật bảo ông A-nan: "Như ông vừa nói: Ở trong giảng-đường, do cửa mở rộng nên ông trông xa thấy được rừng vườn; phỏng có chúng-sinh nào ở trong giảng-đường, không thấy Như-lai mà lại thấy được ngoài giảng-đường chăng?"

Ông A-nan bạch Phật: "Thưa Thế-tôn, ở trong giảng-đường không thấy Như-lai mà thấy được rừng suối ở ngoài, thật không có lẽ nào như vậy".

- A-nan, chính ông cũng vậy. Cái tâm của ông rõ-biết hết thảy. Nếu hiện nay cái tâm rõ-biết ấy thật ở trong thân thì trước hết nó phải rõ-biết trong thân-thể. Vậy có chúng-sinh nào, trước thấy bên trong thân, rồi sau mới thấy những vật ở ngoài không? Dầu không thấy được tim gan tì vị, nhưng móng tay mọc, tóc dài ra, gân chuyển, mạch nhảy, lẽ phải rõ-biết, sao lại không biết? Đã không biết bên trong, sao lại biết được bên ngoài? Vậy nên biết rằng ông nói cái tâm hay-biết hiện ở trong thân, thật không có lẽ nào như vậy.


[2]

 VỌNG-TƯỞNG

CHẤP TÂM Ở NGOÀI THÂN


Ông A-nan cúi đầu bạch Phật: "Tôi nghe lời Phật dạy như vậy, mới rõ tâm tôi thật ở ngoài thân. Vì sao? Ví như đèn thắp trong phòng, trước hết phải chiếu trong phòng, rồi sau mới do nơi cửa chiếu sáng ngoài sân. Hết thảy chúng-sinh không thấy bên trong thân mà riêng thấy bên ngoài, cũng như ngọn đèn, để ở ngoài phòng, không thể chiếu sáng trong phòng. Nghĩa ấy rõ-ràng, có lẽ không lầm, chưa biết có đúng với nghĩa-lý rốt-ráo của Phật hay không?"

Phật bảo ông A-nan: "Vừa rồi, các tỷ-khưu theo tôi khất-thực trong thành Thất-la-phiệt, nay đã về rừng Kỳ-đà. Tôi đã thụ-trai rồi, ông hãy xem trong hàng tỷ-khưu, khi một người ăn thì các người khác có no không?"

Ông A-nan bạch Phật: "Thưa Thế-tôn, không; vì rằng các tỷ-khưu tuy là A-la-hán, nhưng thân-thể khác nhau, lẽ nào một người ăn lại làm cho cả chúng đều no được".

Phật bảo ông A-nan: "Nếu cái tâm hay-biết của ông thật ở ngoài thân thì thân và tâm riêng-cách, tất-nhiên không dính-líu gì với nhau; vậy cái gì tâm biết thì thân không thể hay, cái gì thân hay thì tâm không thể biết. Nay tôi giơ tay đâu-la-miên cho ông xem, trong khi mắt ông thấy thì tâm ông có biết là tay của tôi không?"

Ông A-nan bạch Phật: "Thưa Thế-tôn, đúng thế".

Phật bảo ông A-nan: "Nếu thân với tâm cùng hay-biết một lúc với nhau thì làm sao tâm lại ở ngoài thân? Vậy nên biết rằng ông nói tâm hay-biết hiện ở ngoài thân, thật không có lẽ nào như vậy".


[3]

 VỌNG-TƯỞNG

CHẤP TÂM NÚP SAU CON MẮT


Ông A-nan bạch Phật: "Thưa Thế-tôn, như lời Phật dạy: vì không thấy bên trong, tâm không ở trong thân, vì thân tâm cùng biết, không thể rời nhau, tâm không ở ngoài thân, nay tôi suy-nghĩ, biết tâm ở một chổ!"

Phật dạy: "Chỗ ấy ở đâu?"

Ông A-nan bạch Phật: "Cái tâm hay-biết đã không biết bên trong mà lại thấy bên ngoài, theo ý tôi nghĩ thì nó núp sau con mắt. Ví như có người lấy chén lưu-ly úp vào hai con mắt, con mắt tuy có vật úp vào nhưng không làm ngăn-ngại, con mắt kia liền thấy thì liền phân-biệt được ngay. Song tâm hay-biết của tôi không thấy bên trong là vì tâm ở nơi con mắt; nhưng lại thấy bên ngoài rõ-ràng, không bị ngăn-ngại, là vì tâm núp sau con mắt".

Phật bảo ông A-nan: "Như ông vừa nói: Tâm núp sau con mắt như con mắt núp sau chén lưu-ly; vậy người kia đương khi lấy chén lưu-ly úp vào hai mắt, trông-thấy núi sông thì có trông-thấy chén lưu-ly không?"

-Thưa Thế-tôn, đúng thế, người ấy đương khi lấy chén lưu-ly úp vào hai mắt, thật có thấy chén lưu-ly.

Phật bảo ông A-nan: "Nếu tâm ông núp sau con mắt như con mắt núp sau chén lưu-ly thì trong khi trông-thấy núi sông sao không trông-thấy con mắt? Nếu trông-thấy con mắt thì con mắt hình như ngoại-cảnh, không thể liền thấy mà liền biết được. Nếu không thấy được con mắt thì sao lại nói rằng tâm hay-biết núp sau con mắt như con mắt núp sau chén lưu-ly? Vậy nên biết rằng ông nói cái tâm hay-biết núp sau con mắt như con mắt núp sau chén lưu-ly, thật không có lẽ nào như vậy".


[4]

 VỌNG-TƯỞNG

CHẤP MỞ MẮT THẤY SÁNG LÀ THẤY BÊN “NGOÀI” THÂN

NHẮM MẮT THẤY TỐI LÀ THẤY BÊN “TRONG” THÂN


Ông A-nan bạch Phật: "Thưa Thế-tôn, nay tôi lại nghĩ như vầy: Trong thân-thể chúng-sinh này, phủ-tạng ở trong, khiếu-huyệt ở ngoài, có tạng thì tối, có khiếu thì sáng. Nay tôi trả-lời Phật rằng: Mở mắt thấy sáng gọi là thấy bên ngoài, nhắm mắt thấy tối gọi là thấy bên trong. Nghĩa ấy thế nào?"

Phật bảo ông A-nan: "Đương khi ông nhắm mắt thấy tối, cái cảnh tối ấy là đối với mắt hay không đối với mắt. Nếu đối với mắt thì cái tối trước mắt, sao lại ở trong thân? Nếu thành ở trong thân thì khi ở trong phòng tối, không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng và đèn, cái gì ở trong phòng tối đó đều là tam-tiêu lục-phủ của ông hay sao? Còn như cái tối không đối với mắt, thì làm sao thành ra có thấy? Dầu tách-rời lối thấy bên ngoài mà cho rằng con mắt đối vào trong nên thấy tối, thì nhắm mắt thấy tối, gọi là thấy bên trong thân; vậy mở mắt thấy sáng sao lại không thấy cái mặt. Nếu không thấy cái mặt thì cái nghĩa con mắt đối vào trong, không thành-lập được. Còn như thấy được cái mặt thì cái tâm hay-biết ấy và con mắt đều ở ngoài hư-không, sao lại thành ở trong thân được? Nếu tâm và con mắt ở ngoài hư-không thì tất-nhiên không phải là thể-chất của ông, vì không lẽ hiện nay Như-lai thấy mặt ông cũng là thân của ông hay sao? Và như thế thì con mắt đã biết, thân ông lẽ phải không biết. Nếu ông chấp rằng thân và con mắt đều có biết thì ông phải có hai tính-biết, rồi chính một thân ông sẽ thành hai đức Phật hay sao? Vậy nên biết rằng ông nói thấy tối là thấy bên trong thân, thật không có lẽ nào như vậy".


[5]

 VỌNG-TƯỞNG

CHẤP TÂM HỢP VỚI CHỖ NÀO THÌ LIỀN CÓ Ở CHỔ ẤY


Ông A-nan bạch Phật: " Tôi thường nghe Phật chỉ-dạy tứ-chúng : Do tâm sinh nên các thứ pháp sinh, do pháp sinh nên các thứ tâm sinh. Nay tôi suy-nghĩ thì tức cái thể suy-nghĩ đó thật là tâm-tính của tôi, hễ hợp với chỗ nào thì tâm liền có ở chỗ đó, chứ không phải ở trong, ở ngoài hay ở chặng giữa".

Phật bảo ông A-nan: "Nay ông nói rằng : Do pháp sinh nên các thứ tâm sinh, hễ hợp với chỗ nào thì tâm liền có ở chỗ đó. Cái tâm ấy nếu không có tự-thể thì không thể hợp được; chứ còn nếu không có tự-thể mà vẩn hợp được thì giới thứ 19 cùng trần thứ 7 hợp lại được hay sao? Nghĩa ấy quyết không đúng. Còn nếu có tự-thể thì trong khi ông lấy tay tự gãi thân ông, cái tâm biết gãi của ông ở trong thân ra hay từ bên ngoài vào? Như ở trong thân ra thì lại phải thấy bên trong, còn như từ ngoài vào thì trước hết phải thấy cái mặt". 

Ông A-nan bạch Phật: " Thấy là con mắt, còn tâm thì biết chứ không phải thấy như con mắt; nói tâm thấy là không đúng nghĩa".

Phật dạy: " Nếu con mắt thấy được thì khi ông ở trong phòng, cái cửa có thấy được không? Lại những người chết rồi, vẫn còn con mắt, lẽ ra phải thấy được vật; mà nếu thấy được vật thì sao gọi là chết. A-nan, lại nếu cái tâm hay-biết của ông phải có tự-thể thì có một thể hay có nhiều thể? Nay tâm ở nơi thân ông, thể ấy cùng khắp cả mình hay không cùng khắp? Nếu tâm có một thể thì ông lấy tay gãi một chi, lẽ ra cả tứ chi đều biết; mà nếu đều biết thì lại không biết gãi ở chỗ nào. Nếu biết chỗ gãi thì cái thuyết một thể của ông tự-nhiên không thể thành-lập được. Nếu như có nhiều thể thì thành ra nhiều người, còn biết cái thể nào là thể của ông. Nếu cái thể ấy cùng khắp cả mình thì lại như trước kia, không biết được chỗ gãi. Nếu còn như không cùng khắp thì khi ông chạm trên đầu, đồng-thời cũng chạm dưới chân, hễ đầu có biết, lẽ ra chân phải không biết, nhưng hiện nay ông lại không phải như thế. Vậy nên biết rằng hễ hợp với chỗ nào, tâm liền có ở chỗ đó, thật không có lẽ nào như vậy".


[6]

VỌNG-TƯỞNG

CHẤP TÂM Ở CHẶNG GIỮA


Ông A-nan bạch Phật: "Thưa Thế-tôn, trong khi Phật nói  thật-tướng với các vị pháp-vương-tử như ngài Văn-thù, tôi có nghe đức Thế-tôn cũng dạy rằng: Tâm không ở trong, cũng không ở ngoài. Theo ý tôi nghĩ: Tâm ở trong thân, sao lại không thấy bên trong; tâm ở ngoài thân thì thân và tâm không cùng biết. Vì tâm không biết bên trong nên không thể nói tâm ở trong thân, vì thân và tâm cùng biết  nên nói tâm ở ngoài cũng không đúng lý. Nay thân và tâm cùng biết, lại tâm không thấy được bên trong thân thì tâm phải ở chặng giữa".

Phật bảo ông A-nan: "Ông nói "ở chặng giữa" thì cái giữa ấy chắc không lẫn-lộn và không phải không có chỗ. Nay ông nhận-định cái giữa ấy ở chỗ nào, ở nơi cảnh hay ở nơi thân? Nếu ở nơi thân mà ở một bên thì không phải là giữa; còn nếu ở giữa thân thì cũng như ở trong thân. Nếu cái giữa ở nơi cảnh thì có thể nêu ra được hay không thể nêu ra được? Không nêu ra được thì cũng như không có cái giữa, còn nêu ra được thì lại không nhất-định ở giữa. Vì sao? Ví như có người lấy một cây nêu, nêu một chỗ làm cái giữa, thì phương Đông trông qua, cái nêu lại ở phương Tây; phương Nam nhìn ra, cái nêu thành ở phương Bắc. Cái giữa nêu ra đã lẫn-lộn thì tâm phải rối-bời, không rõ ở đâu".

Ông A-nan bạch Phật: "Cái giữa của tôi nói, không phải hai thứ ấy. Như đức Thế-tôn thường dạy: Nhãn-căn và sắc-trần làm duyên, phát-sinh nhãn-thức. Nhãn-căn có phân-biệt, sắc-trần không hay-biết, nhãn-thức sinh ra ở giữa thì tâm ở chỗ đó".

Phật dạy: "Nếu tâm ông ở giữa căn và trần thì cái thể tâm ấy gồm cả hai bên hay không gồm cả hai bên? Nếu gồm cả hai bên thì ngoại-vật và tâm-thể xen-lộn, còn biết tâm là gì? Ngoại-vật không phải có biết như tâm-thể; bên có biết, bên không biết, trái hẳn lẫn nhau thì lấy cái gì làm cái ở giữa? Gồm cả hai bên cũng không được và nếu không phải có biết và cũng không phải không biết thì tức là không có thể-tính, lấy gì làm cái tướng ở giữa. Vậy nên biết rằng ông nói cái tâm phải ở chặng giữa, thật không có lẽ nào như vậy".


[7]

VỌNG-TƯỞNG

CHẤP TÂM KHÔNG DÍNH-DÁNG VÀO ĐÂU TẤT-CẢ


Ông A-nan bạch Phật: "Thưa Thế-tôn, trước đây tôi thấy Phật cùng chuyển pháp-luân với 4 vị đại-đệ-tử là Đại-mục-liên, Tu-bồ-đề, Phú-lâu-na, Xá-lỵ-phất, Phật thường dạy : Cái tính của tâm hay-biết cũng chẳng ở trong, cũng chẳng ở ngoài, cũng chẳng ở chặng giữa, chẳng ở chỗ nào cả, không dính-dáng vào đâu tất-cả thì gọi là tâm. Vậy tôi lấy cái không dính-dáng của tôi mà gọi là tâm, có được chăng?".

Phật bảo ông A-nan: "Ông nói tính của tâm hay-biết, không ở đâu cả. Vậy các vật-tượng thế-gian như hư-không và các loài thủy, lục, không, hành, gọi là tất-cả sự-vật mà ông không dính-dáng vào, là có hay là không có? Không, thì đồng như lông rùa, sừng thỏ, còn gì mà không dính-dáng? Đã có cái không dính-dáng thì không thể gọi là không. Không có tướng thì là không, không phải không thì có tướng; có tướng thì có chỗ ở, làm sao lại không dính-dáng được. Vậy nên biết rằng ông nói cái không dính-dáng vào đâu tất-cả gọi là tâm hay-biết, thật không có lẽ nào như vậy".


Khi bấy giờ ông A-nan, ở trong đại-chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trật vai áo bên phải, đầu gối bên phải chấm đất, chấp tay cung-kính mà bạch Phật rằng: "Tôi là em rất nhỏ của Như-lai, nhờ Phật thương-yêu, nay tuy được xuất-gia, còn ỷ-lại nơi lòng thương của Phật. Vì vậy nên tôi học rộng nghe nhiều mà chưa chứng-quả vô-lậu, không uốn-dẹp được chú Sa-tỳ-cà-la, bị nó bắt phải vào nhà dâm-nữ; nguyên-do là vì không biết đường tu-tập đi đến chỗ chân-thật. Cầu xin Thế-tôn đại từ thương-xót, chỉ-dạy cho chúng tôi đường tu Xa-ma-tha, cũng khiến cho những ngưòi không tin trừ-bỏ những tư-tưởng xấu".

Ông A-nan nói như vậy rồi, năm vóc gieo xuống đất, cùng với đại-chúng, hết lòng mong được nghe lời Phật dạy.


Khi bấy giờ đức Thế-tôn, từ trước mặt, phóng ra các thứ hào-quang, hào-quang ấy chói sáng như trăm nghìn mặt trời, khắp các thế-giới chư Phật, sáu thứ rung-động, như thật các cõi nước mười phương, nhiều như vi-trần, hiện ra trong một lúc. Oai-thần của Phật khiến các thế-giới  hợp lại thành một thế-giới. Trong thế-giới nầy, tất-cả các vị Bồ-tát hiện có, đều an-trụ nơi nước mình, chấp tay vâng nghe lời Phật dạy.


Phật bảo ông A-nan: “Tất-cả chúng-sinh từ vô-thủy đến nay điên-đảo nhiều cách, giống nghiệp tự-nhiên nhóm lại như chum quả ác-xoa. Những người tu-hành không thành được đạo vô-thượng Bồ-đề, đến nỗi lại thành Thanh-văn, Duyên-giác hoặc thành ngoại-đạo, chư Thiên, Ma-vương hay bà con Ma, đều do không biết hai chữ cỗi-gốc, tu-tập sai-lầm, cũng như nấu cát mà muốn thành cơm, dầu trải qua nhiều kiếp như vi-trần, rốt-cuộc vẫn không thể thành được. Thế nào là hai thứ cỗi-gốc? A-nan, một là cái cỗi-gốc sống chết vô-thủy, tức như ông ngày nay cùng các chúng-sinh dùng cái tâm phan-duyên mà làm tự-tính. Hai là cái thể bản-lai thanh-tịnh Bồ-đề Niết-bàn vô-thủy thì như hiện nay cái tính bản-minh thức-tính của ông, sinh ra các duyên ma lại bị bỏ rơi. Do các chúng-sinh bỏ rơi cái bản-minh ấy nên tuy cả ngày sống trong tính bản-minh mà không tự-giác, oan-uổng vào trong lục đạo.


A-nan, nay ông muốn biết đường tu Xa-ma-tha ra khỏi sống chết, tôi lại hỏi ông :

Liền đó đức Như-lai giơ cánh tay kim-sắc, co năm ngón tay, bảo ông A-nan : « Ông có thấy không ? »

Ông A-nan bạch Phật : « Thấy».

Phật bảo: “Ông thấy cái gì?”

Ông A-nan bạch: “Tôi thấy Như-lai giơ cánh tay, co ngón tay thành nắm tay sáng-ngời, chói tâm và con mắt của tôi”.

Phật bảo: “Ông đem cái gì mà thấy?”.

Ông A-nan bạch: “Tôi cùng đại-chúng đều đem con mắt mà thấy”.

Phật bảo ông A-nan: “Ông trả-lời tôi rằng Như-lai co ngón tay làm thành nắm tay sáng-ngời, chói tâm và con mắt của ông; con mắt ông thì thấy được, còn ông lấy cái gì làm tâm để đối với cái nắm tay chói-sáng của tôi?”.

Ông A-nan bạch: “Như-lai hiện nay gạn-hỏi tâm ở chỗ nào, tôi thì dùng tâm suy-nghĩ tìm-xét: Tức cái biết suy-nghĩ ấy, tôi lấy nó làm tâm”.


Phật bảo: “Sai rồi, A-nan, cái ấy không phải là tâm của ông”.

Ông A-nan giựt-mình, rời chỗ ngồi, chấp tay đứng dậy bạch Phật: “Cái ấy không phải là tâm tôi thì gọi là cái gì?”

Phật bảo ông A-nan: “Cái ấy là cái tưởng-tượng những tướng giả-dối tiền-trần, nó làm mê-lầm chân-tính của ông. Do từ vô-thủy cho đến đời này, ông nhận tên giặc ấy làm con, bỏ mất tính bản-lai thường-trụ nên phải chịu luân-hồi”.

Ông A-nan bạch Phật: “Thưa Thế-tôn, tôi là em yêu của Phật, vì tâm yêu Phật nên tôi xuất-gia. Tâm tôi chẳng những cúng-dường đức Như-lai, mà còn trải qua hằng-sa quốc-độ, thừa-sự chư Phật và các vị thiện-tri-thức; phát-lòng đại-dũng-mãnh, làm tất-cả những pháp-sự khó làm, là đều dùng cái tâm ấy. Dầu cho hủy-báng Phật-pháp, rời-bỏ hẳn thiện-căn, cũng nhân cái tâm ấy. Nay Phật phát-minh cái ấy không phải là tâm thì tôi thành không có tâm, như cây như đất, vì ngoài cái hay-biết ấy ra, tôi lại không còn gì nữa. Sao đức Như-lai lại bảo cái ấy không phải là tâm? Tôi thật kinh-sợ và cả trong đại-chúng nầy không ai là không nghi-hoặc, xin Phật rủ lòng từ-bi, chỉ-dạy cho những chỗ chưa giác-ngộ”.

Khi bấy giờ đức Thế-tôn chỉ-dạy ông A-nan và cả đại-chúng, khiến cho tâm được vô-sinh-pháp-nhẫn, nơi sư-tử-tọa, xoa đầu ông A-nan và bảo ông rằng: “Như-lai thường nói: Các pháp phát-sinh là duy-tâm biến-hiện, tất-cả nhân-quả, thế-giới, vi-trần, đều nhân cái tâm thành có thể-tính. A-nan, như trong các thế-giới, hết thảy sự-vật hiện có, cả đến ngọn cỏ lá, cây, sợi dây, thắt nút, gạn-xét cỗi-gốc, đều có thể-tính, dầu cho hư-không cũng có tên, có tướng; huống chi cái tâm sáng-suốt thanh-tịnh nhiệm-mầu, làm cho hết thảy sự vật có thể-tính mà tự mình lại không có thể-tính.

Nếu ông quyết-chấp cái tính hay-biết suy-xét phân-biệt là tâm của ông thì cái tâm ấy phải rời sự-nghiệp các trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, riêng có toàn-tính; chứ như hiện nay ông vâng nghe pháp-âm của tôi, đó là nhân cái tiếng mà có phân-biệt: dầu cho diệt hết tất-cả cái thấy, nghe, hay, biết, bên trong nắm-giữ cái u-nhàn, không biết, không nghĩ thì đó cũng còn là sự phân-biệt bóng-dáng pháp-trần mà thôi.

Chẳng phải tôi bảo ông chấp cái ấy không phải là tâm, nhưng ông phải, chính nơi tâm ông, suy-xét chín-chắn, nếu rời tiền-trần có tính phân-biệt, thì đó mới thật là tâm của ông. Nếu tính phân-biệt, rời tiền-trần, không còn tự-thể thì nó chỉ là sự phân-biệt bóng-dáng tiền-trần. Tiền-trần không phải thường-trụ, khi thay đổi diệt mất rồi, thì cái tâm nương vào tiền-trần ấy cũng đồng như lông rùa sừng thỏ và pháp-thân của ông cũng thành như đoạn-diệt, còn gì mà tu-chứng vô-sinh-pháp-nhẫn”.


CHỈ RÕ TÍNH-THẤY 


[1]

CHỈ RÕ TÍNH-THẤY  

LÀ "TÂM" THẤY KHÔNG PHẢI  CON MẮT THẤY


Lúc ấy ông A-nan cùng cả đại-chúng lặng-im ngơ-ngác.

Phật bảo ông A-nan: “Trong thế-gian, tất-cả những người tu-học, hiện tuy đã tu đến chín bậc định, nhưng không diệt hết được mê-lầm, thành A-la-hán, đều do chấp cái vọng-tưởng sống chết, lầm nó là tính chân-thật, vậy nên nay ông tuy được học rộng nghe nhiều, không thành chính-quả”.

Ông A-nan nghe rồi, lại đau-xót khóc-lóc, năm vóc gieo xuống đất, quỳ dài chấp tay mà bạch Phật rằng: “Từ khi tôi theo Phật phát-tâm xuất-gia, ỷ-thị oai-thần của Phật, thường tự mình suy-nghĩ, không cần phải tu, hầu như cho rằng đức Như-lai sẽ ban cho phép Tam-muội, không biết thân tâm vốn không thay-thế nhau được; bỏ mất bản-tâm của tôi; thân tuy xuất-gia nhưng tâm không đi vào chính-đạo, cũng như người con cùng-khổ, bỏ cha trốn-lánh. Ngày nay mới biết, tuy được nghe Phật-pháp nhiều, nếu không tu-hành thì chẳng khác gì người không nghe, cũng như người ta nói ăn mà không ăn, rốt-cuộc không thể no được.

Thưa Thế-tôn, chúng tôi hiện nay còn bị hai chướng ràng-buộc, do vì không biết tâm-tính yên-lặng thường-trụ, xin đức Như-lai thương-xót kẻ nghèo-khó rách-rưới, phát-khởi tâm nhiệm-mầu sáng-suốt, mở đạo-nhãn cho chúng tôi”.

Lúc ấy đức Như-lai từ chữ Vạn trước ngực, phóng ra hào-quang báu, hào-quang ấy rực-rỡ có trăm nghìn sắc, sáng khắp một lúc tất-cả thế-giới chư Phật mười phương số như vi-trần. Hào-quang soi khắp trên đỉnh các đức Như-lai Thập phương bảo-sát, xoay về soi đến ông A-nan và cả đại-chúng”, rồi Phật bảo ông A-nan rằng: “Nay tôi vì ông dựng pháp-tràng lớn, đồng-thời khiến cho tất-cả thập phương chúng-sinh được tâm-tính nhiệm-mầu sâu-kín, trong-sạch, sáng-suốt và đạo-nhãn thanh-tịnh.

A-nan, trước ông trả-lời rằng thấy nắm tay chói-sáng, cái chói-sáng nắm tay ấy do đâu mà có, làm sao thành ra nắm tay, ông đem cái gì mà thấy?”

Ông A-nan bạch: “Toàn thân Phật như vàng Diêm-phù-đàn, sáng-ngời như núi báu, do đức-tính thanh-tịnh sinh ra nên có hào-quang chói-sáng. Thật tôi lấy con mắt mà thấy năm ngón tay Phật co nắm lại, giơ cho người xem, nên có tướng nắm tay”.

Phật bảo ông A-nan: “Như-lai ngày nay xác-thật bảo ông. Những người có trí cần do ví-dụ mà được khai-ngộ. A-nan, ví như nắm tay tôi, nếu không có bàn tay tôi thì không thành nắm tay tôi, lại nếu không có con mắt ông, thì không thành cái thấy của ông. Lấy cái thấy của ông mà so-sánh với nắm tay của tôi, ý-nghĩa có cân nhau không?”

Ông A-nan bạch Phật: “Ðúng vậy, thưa Thế-tôn, đã không có con mắt của tôi thì không thành cái thấy của tôi, đem cái thấy của tôi so với nắm tay Như-lai, sự nghĩa giống nhau không khác”.

Phật bảo ông A-nan: “Ông nói giống nhau, nghĩa ấy không đúng. Vì sao? Như người không có  bàn tay thì tuyệt-nhiên không có nắm tay; chứ người không có con mắt kia, không phải hoàn-toàn không thấy. Là vì làm sao? Ông thử ra đường hỏi những người đui: Anh thấy cái gì? Thì những người đui kia chắc sẽ trả-lời: Hiện nay trước mắt tôi chỉ thấy tối đen, không thấy gì khác. Lấy cái nghĩa ấy mà xét thì tiền-trần tự tối, chứ cái thấy nào có hao-kém gì”.

Ông A-nan bạch Phật: “Những người đui trước mắt chỉ thấy tối đen, sao gọi là thấy được”.

Phật bảo ông A-nan: “Các người đui không có con mắt chỉ thấy tối đen, so với người có con mắt ở trong nhà tối thì hai cái tối đen ấy khác nhau hay không khác nhau?

- Thật vậy, thưa Thế-tôn, người ở trong nhà tối với những người đui kia, so-sánh hai cái tối đen thật không thể khác nhau.

- A-nan, nếu người không có con mắt, thấy trước hoàn-toàn tối đen, bỗng-nhiên được con mắt sáng, trở lại thấy các thứ sắc nơi tiền-trần mà gọi là con mắt thấy; thì người ở trong nhà tối kia, thấy trước hoàn-toàn tối đen, bỗng-nhiên được cái đèn sáng, cũng thấy các thứ sắc nơi tiền-trần, lẽ ra phải gọi là cái đèn thấy. Nếu như cái đèn thấy thì đèn đã thấy được, tự-nhiên không thể gọi là đèn; lại cái đèn nó thấy thì dính-líu gì đến ông. Vậy nên biết rằng đèn làm tỏ các sắc, nhưng thấy như vậy là mắt chứ không phải đèn; mắt làm tỏ các sắc, nhưng thấy như vậy là tâm chứ không phải mắt”.


Ông A-nan tuy được lời Phật dạy như vậy, cùng với đại-chúng, miệng tuy im-lặng, tâm chưa khai-ngộ, còn mong đức Như-lai từ-tâm chỉ-bày, chấp tay sạch lòng, đợi Phật dạy-bảo.



[2]

CHỈ RÕ TÍNH-THẤY “KHÔNG” LAY ĐỘNG

 CÒN “KHÁCH TRẦN” THÌ LAY ĐỘNG KHÔNG Ở YÊN


Khi bấy giờ đức Thế-tôn ruỗi tay Ðâu-la-miên sáng-ngời, mở năm ngón tay, bảo ông A-nan và đại-chúng rằng: “Lúc tôi mới thành-đạo, ở trong Lộc-viên, có dạy bọn ông A-nhã-đa, năm vị tỷ-khưu và tứ-chúng rằng” Tất-cả chúng-sinh không thành đạo Bồ-đề và A-la-hán, là do những phiền-não khách-trần mê-hoặc. Thuở đó, bọn ông do đâu mà khai-ngộ, hiện nay thành được thánh-quả?”

Khi ấy ông Kiều-trần-na đứng dậy bạch Phật: “Tôi nay già-cả, ở trong đại-chúng, riêng được cái danh là “Hiểu”, do tôi ngộ được hai chữ khách-trần mà thành chính-quả. Bạch Thế-tôn, ví-như người khách đi đường, vào trọ quán-xá, hoặc ngủ hoặc ăn, ăn ngủ xong rồi, xếp đồ lên đường, không ở yên được; nếu thật là người chủ, tự-nhiên không phải đi đâu. Tôi nghĩ như vầy: Không ở yên thì gọi là khách, còn ở yên thì gọi là chủ. Tôi lấy cái “không ở yên” làm ý-nghĩa chữ khách. Lại như mới tạnh, mặt trời chiếu-sáng trên cao, ánh sáng vào trong lỗ hỡ, bày-tỏ hình-dáng bụi trần giữa hư-không. Trần thì lay-động, hư-không thì yên-lặng. Tôi nghĩ như vậy: Ðứng-lặng gọi là không, lay-động gọi là trần, tôi lấy cái “lay-động” làm ý-nghĩa chữ trần”.

Phật dạy: “Ðúng thế”.

Khi bấy giờ đức Như-lai ở trong đại-chúng co năm ngón tay, co rồi lại mở, mở rồi lại co, bảo ông A-nan rằng: “Nay ông thấy gì?”.

Ông A-nan đáp: “Tôi thấy bàn tay Bách-bảo-luân của Như-lai, ở trong chúng, lúc mở lúc nắm”.

Phật bảo ông A-nan: “Ông thấy tay tôi ở trong chúng khi mở khi nắm, đó là tay tôi có mở có nắm hay là cái thấy của ông có mở có nắm?”.

Ông A-nan bạch: “Bàn tay báu của Thế-tôn ở trong chúng khi mở khi nắm; tôi thấy bàn tay Như-lai tự mở tự nắm, chứ không phải tính-thấy của tôi có mở có nắm”.

Phật bảo: “Cái gì động, cái gì tĩnh?”.

Ông A-nan bạch: “Bàn tay Phật không ở yên, chứ tính-thấy của tôi còn không có tĩnh, lấy gì gọi là không ở yên nữa”.

Phật dạy: “Ðúng thế”,

Lúc ấy đức Như-lai từ trong bàn tay, phát một đạo hào-quang báu qua bên phải ông A-nan, ông A-nan liền quay đầu trông qua bên phải, Phật lại phát một đạo hào-quang qua bên trái ông A-nan, ông A-nan lại cũng quay đầu trông qua bên trái. Phật bảo ông A-nan: “Hôm nay đầu ông vì sao lại lay-động?”

Ông A-nan bạch: “Tôi thấy đức Như-lai phát hào-quang báu qua bên trái và qua bên phải của tôi nên tôi trông qua bên trái bên phải, đầu tự lay-động.

- A-nan, ông trông hào-quang của Phật mà lay-động cái đầu, quay qua bên phải bên trái, đó là cái đầu của ông động hay là cái thấy động?

- Thưa Thế-tôn, đầu tôi tự-động chứ tính-thấy của tôi còn không ở đâu, lấy gì mà lay-động”.

Phật dạy: “Ðúng thế”.

Lúc bấy giờ đức Như-lai bảo với vả đại-chúng rằng: “Như các chúng-sinh lấy cái lay-động mà gọi là trần, lấy cái không ở yên mà gọi là khách, thì các ông hãy xem ông A-nan, đầu tự lay-động mà cái thấy không lay-động, lại hãy xem bàn tay tôi tự mở tự nắm mà cái thấy không ruỗi không co. Làm sao các ông hiện nay lại lấy cái động làm thân, lấy cái động làm cảnh, tự đầu đến cuối, niệm-niệm sinh-diệt, bỏ mất chân-tính, làm việc trái-ngược; tâm-tính mất chỗ chân-thật, nhận vật làm mình, xoay-vần trong ấy, tự-nhận lấy cái trôi-lăn trong lục-đạo”.


KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

QUYỂN II  


[3]

CHỈ TÍNH-THẤY 

LÀ TÂM KHÔNG SINH KHÔNG DIỆT


Khi bấy giờ ông A-nan cùng cả đại-chúng nghe lời Phật dạy, thân tâm thư-thái, nghĩ mình từ vô-thủy đến nay, bỏ mất bản-tâm, lầm-nhận sự phân-biệt bóng-dáng tiền-trần làm tâm, ngày nay được khai-ngộ như em bé mất sữa, bỗng gặp mẹ hiền, chấp tay lễ Phật, xin đức Như-lai, ở nơi thân tâm, chỉ ra chỗ chân chỗ vọng, chỗ hư chỗ thật, ở nơi hiện-tiền phát-minh ra hai tính sinh-diệt, và không sinh-diệt.

Khi ấy vua Ba-tư-nặc đứng dậy bạch Phật: “Trước tôi chưa được vâng nghe lời Phật dạy-bảo, tôi thấy bọn Ca-chiên-diên, Tỳ-la-chi-tử đều nói thân này chết rồi là mất hẳn và gọi đó là Niết-bàn; nay tuy được gặp Phật nhưng tôi vẩn còn hồ-nghi, xin Phật chỉ rõ thế nào chứng-biết tính không sinh-diệt nơi tâm này. Hiện nay các hàng hữu-lậu trong đại-chúng cũng đều trông mong được nghe điều ấy.”

Phật bảo: “Ðại-vương, thân ông hiện đó, nay tôi hỏi ông: Cái nhục-thân đó của ông có như kim-cương thường còn, không hư-hỏng hay lại cũng biến-đổi và tan-rã?

- Bạch Thế-tôn, thân tôi hiện nay rốt-cuộc về sau cũng thay-đổi và tiêu-diệt”.

Phật bảo: “Ðaị-vương, ông chưa hề bị diệt, làm sao lại biết được là phải diệt?

- Bạch Thế-tôn, cái thân vô-thường thay-đổi của tôi đây, tuy chưa hề bị diệt; song tôi xét nó hiện nay niệm-niệm dời-đổi, mãi mãi không thôi như lửa thành tro, lần lần tiêu mất; vì tiêu mất, mãi mãi không dừng nên tôi biết chắc thân này rồi phải diệt mất”.

Phật dạy: “Ðúng thế, Ðại-vương, tuổi-tác của ông nay đã già-yếu, vậy mặt mày của ông so với lúc còn bé thì như thế nào?

- Bạch Thế-tôn, lúc tôi bé nhỏ, da thịt mớn-mơ, đến khi trưởng-thành, huyết-khí sung-túc; nay thì tuổi già, ngày thêm suy-yếu, hình-sắc khô-gầy, tinh-thần lẫn-lộn, tóc bạc mặt nhăn, chừng sống không được bao lâu nữa, so-sánh sao được với lúc đương còn trẻ-mạnh!”

Phật bảo: “Ðại-vương, hình-dung của ông, nào phải đương trẻ mà già liền đâu?”

Vua bạch: “Thưa Thế-tôn, sự biến-hóa thầm-thầm dời-đổi, tôi thật không hay; nắng mưa thấm-thoát, lần đến thế nầy. Vì sao? Khi 20 tuổi, tuy gọi là trẻ, nhưng mặt mày của tôi đã già hơn khi 10 tuổi; khi 30 tuổi lại sút hơn lúc 20 tuổi và đến nay đã 60 lại thêm hai tuổi, trông lại lúc 50 tuổi, còn khỏe-mạnh hơn nhiều. Bạch Thế-tôn, tôi thấy thầm-thầm dời-đổi như thế; thân nầy đến nay tuy đã suy-yếu, nhưng trong sự thay-đổi, còn chia từng 10 năm. Nếu tôi suy-xét chín-chắn hơn nữa thì cái biến-đổi ấy đâu phải từng một kỷ, thật là mỗi năm mỗi thay-đổi; lại đâu mỗi năm mỗi thay-đổi mà cũng là mỗi tháng mỗi biến-hóa; lại không những mỗi tháng mỗi biến-hóa mà còn mỗi ngày mỗi đổi-thay; xét cho cùng, nghĩ cho kỹ, trong mỗi sát-na, trong mỗi niệm, nó không thể đứng yên, vậy nên tôi biết thân tôi rốt-cuộc phải biến-đổi và tiêu-diệt”.

Phật bảo: “Ðại-vương, ông thấy biến-hóa dời-đổi không ngừng, ngộ biết là phải diệt; vậy trong lúc diệt đó, ông có biết trong thân có cái gì không diệt chăng?”

Vua Ba-tư-nặc chấp tay bạch Phật: “Thật tôi không biết”.

Phật bảo: “Nay tôi chỉ cho ông cái tính không sinh-diệt, Ðại-vương, khi ông mấy tuổi, mới thấy nước sông Hằng”.

Vua bạch: “Khi tôi ba tuổi, mẹ tôi dắt đi yết-lễ thần Kỳ-bà-thiên thì đã đi qua sông ấy; lúc đó tôi liền biết là nước sông Hằng”.

Phật bảo: “Ðại-vương, như lời ông nói: Lúc 20 tuổi thì sút hơn lúc lên 10, cho đến nay đã 60 tuổi, từng năm, từng tháng, từng ngày, từng giờ, dời-đổi mãi mãi; vậy khi ông 3 tuổi thấy nước sông ấy, rồi đến khi 13 tuổi thì nước ấy thế nào?”

Vua bạch: “Tôi thấy nước ấy cũng giống khi 3 tuổi, như nhau không khác và đến nay tuổi đã 62, cũng vẫn không khác”.

(Vì TÁNH THẤY là “TÂM” KHÔNG SANH DIỆT)


Phật bảo: “Nay ông xét mình đầu bạc mặt nhăn, mặt ông chắc là nhăn hơn lúc trẻ; vậy cái thấy hiện nay của ông thấy sông Hằng so với cái thấy lúc nhỏ thấy sông Hằng, có già trẻ gì không?”

Vua bạch: “Thưa Thế-tôn, không”.

Phật bảo: “Ðại-vương, mặt ông tuy nhăn, nhưng cái thấy đó chưa hề bị nhăn; cái bị nhăn thì thay-đổi, còn cái không bị nhăn thì không có thay-đổi. Cái thay-đổi thì phải diệt, còn cái không thay-đổi kia, vốn không sinh-diệt, làm sao trong ấy, lại nhận sống cái chết của ông, mà ông còn dẫn những thuyết của bọn Mạt-già-lê kia bảo rằng thân này chết rồi diệt hẳn”.

Vua nghe lời Phật dạy như vậy, tin-biết về sau bỏ thân nầy qua thân khác, cùng với đại-chúng nhẩy-nhót vui-mừng, được cái chưa từng có.


[4]

CHỈ TÍNH-THẤY KHÔNG BỊ MẤT


Ông A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lễ Phật chấp tay, quỳ dài bạch Phật: “Thưa Thế-tôn, nếu cái thấy nghe đó thật không sinh-diệt thì làm sao đức Thế-tôn lại gọi bọn chúng tôi bỏ mất chân-tính, làm việc trái-ngược? Xin Phật mở lòng từ-bi, rửa sạch trần-cấu cho chúng tôi”.

Khi ấy Ðức Như-lai ruỗi cánh tay kim-sắc, ngón tay chỉ xuống, bảo ông A-nan rằng: “Ông nay thấy tay Mẫu-đà-la tôi là chính hay là ngược?”

Ông A-nan bạch: “Chúng-sinh thế-gian cho đó là ngược, còn tôi thì không biết thế nào là chính, thế nào là ngược”.

Phật bảo ông A-nan: “Nếu người thế-gian cho đó là ngược, thì người thế-gian gọi thế nào là chính?”

Ông A-nan bạch Phật: “Ðức Như-lai đưa cánh tay lên, tay Ðâu-la-miên chỉ lên trên không thì gọi là chính”.

Phật liền giơ cánh tay lên và bảo ông A-nan rằng: “Cái trái-ngược như thế, chỉ là đầu đuôi thay-đổi lẫn nhau; các người thế-gian lắp đi lắp lại mà xem thấy. Nay lấy cái thân ông và pháp-thân thanh-tịnh của chư Như-lai, so theo đó mà phát-minh, thì thân của Như-lai gọi là chính-biến-tri, thân của các ông gọi là tính trái-ngược; tùy ông xét kỹ nơi thân ông và thân Phật, cái gọi là trái-ngược đó, do ở chỗ nào mà gọi là trái-ngược?”

Khi ấy ông A-Nan cùng cả đại chúng chăm-chăm ngó Phật, tròng con mắt không lay-động, chẳng biết thân tâm chỗ nào trái-ngược. Phật phát-lòng từ-bi, thương-xót ông A-nan và đại-chúng, phát tiếng hải-triều, khắp bảo trong Hội: “Các thiện-nam-tử, tôi thường nói rằng : “Sắc, tâm, các duyên và các tâm-sở, các pháp sở-duyên, đều duy tâm-tính biến-hiện. Thân ông, tâm ông đều là những vật hiện ra trong tâm-tính. Làm sao các ông lại bỏ mất tâm-tính quý-báu ấy, nhận cái mê trong ngộ. Mê-muội thành có hư-không, trong hư-không mê-muội ấy, kết cái mê-muội thành ra có sắc; sắc xen với vọng-tưởng; tưởng tướng làm thân, nhóm các duyên lay-động bên trong, giong-ruổi theo cảnh-vật bên ngoài; rồi lấy cái tướng mờ-mịt lăng-xăng đó làm tâm-tính. Một phen lầm cái tướng ấy làm tâm thì quyết-định lầm cho rằng tâm ở trong sắc-thân, mà không biết sắc-thân, cho đến núi sông, hư-không, đất liền bên ngoài đều là những vật hiện trong tâm-tính; ví-như bỏ cả trăm nghìn biển lớn trong-lặng, chỉ nhận một cái bọt nước; rồi cho nó là toàn hết cả nước, cùng-tột các biển lớn. Bọn ông tức là những người mê-lầm nhiều lớp, như cánh tay tôi rủ xuống, không có sai khác. Như-lai gọi là đáng thương-xót đó”.


[5]

CHỈ TÍNH-THẤY KHÔNG CÓ CHỖ TRẢ VỀ


Ông A-nan vâng nghe lời Phật từ-bi cứu-độ dạy bảo, khóc lóc tréo tay mà bạch Phật rằng: "Tuy tôi vâng nghe diệu-âm của Phật như vậy, ngộ được chỗ thường-trụ viên-mãn sẵn có của tâm-tính, nhưng tôi ngộ được pháp-âm của Phật vừa dạy là tôi hiện lấy tâm phan-duyên mà thỏa-mãn chỗ ước-mong. Tôi luống được tâm ấy, chưa dám nhận là tâm-tính bản-lai; mong Phật thương xót, tuyên lời viên-âm, nhổ gốc nghi-ngờ của tôi, đem về đạo vô thượng."


Phật bảo ông A-nan: "Bọn ông còn lấy tâm phan-duyên mà nghe pháp thì cái pháp nhận được đó cũng chỉ là sở-duyên, chứ không phải nhận được pháp-tính. Ví như có người lấy ngón tay chỉ mặt trăng cho người khác thì người kia lẽ ra phải nhân ngón tay mà thấy mặt trăng. Nếu như người kia xem ngón tay và cho đó là mặt trăng thì người ấy chẳng những bỏ mất mặt trăng mà cũng bỏ mất cả ngón tay chỉ nữa. Vì sao? Vì nhận ngón tay chỉ làm mặt trăng vậy. Đâu những bỏ mất ngón tay lại cũng không phân biệt được sáng và tối. Vì sao? Vì lấy ngón tay tối làm mặt trăng sáng thì không rõ biết được hai tính sáng tối. Ông cũng như vậy. Nếu lấy cái phân-biệt pháp-âm tôi làm tâm của ông thì cái tâm ấy phải rời cái phân-biệt tiếng nói, có tính phân-biệt.

Ví như người khách ngủ trọ quán trạm, ở tạm rồi đi, rốt cuộc ở mãi không được, còn người giữ trạm thì không đi đâu, gọi là chủ trạm. Tâm cũng như vậy, nếu thật tâm ông thì không đi đâu, làm sao rời cái tiếng, lại không có tính phân-biệt? Nói như thế chẳng những đối với tâm phân-biệt các tiếng; cái phân-biệt hình-dung của tôi, rời các sắc-tướng, cũng không có tính phân-biệt; như vậy cho đến cái phân-biệt đều không, không phải sắc, không phải không, mà bọn Câu-xá-ly lầm là minh-đế, thì rời các pháp-trần, cũng không tính phân-biệt. Như vậy tâm-tính của ông đều có chỗ trả về, lấy gì mà làm chủ?"


Ông A-nan bạch: "Như tâm-tính của tôi đều có chỗ trả về, thì tâm-tính của Như-lai dạy, làm sao lại không có chỗ trả về? Xin Phật thương-xót chỉ bảo cho tôi điều ấy."

Phật bảo ông A-nan: "Hãy lấy cái tính thấy của ông thấy tôi đây. Tính thấy ấy tuy không phải là tâm-tính như mặt trăng thứ hai không phải thật là mặt trăng. Ông hãy nghe cho chín, nay tôi chỉ cho ông cái nghĩa không thể trả về.

A-nan, đại-giảng-đường nầy mở rộng phương Đông, khi mặt trời lên thì sáng, nửa đêm vắng trăng, mây mù mờ-mịt thì lại tối-tăm; chỗ có các cửa thì thấy thông-suốt; chỗ có tường nhà thì thấy ngăn bịt; chỗ phân-biệt được, thấy cảnh sắc-duyên; trong chỗ rỗng trống, toàn là hư-không; cảnh tượng mù-mịt khi bụi nổi lên; mưa tạnh trời thanh lại thấy trong sạch.

A-nan, ông đều xem rõ các tướng biến-hóa ấy, nay tôi trả các tướng ấy về chỗ bản-nhân của nó. Thế nào là bản-nhân? A-nan, trong các tướng biến-hóa, cái sáng trả về cho mặt trời. Vì sao? Vì không mặt trời thì không sáng, nguyên-nhân cái sáng thuộc về mặt trời, cho nên trả cho mặt trời. Cái tối trả về cho trăng tối, thông-suốt trả về cho các cửa, ngăn-bịt trả về cho tường nhà, sắc-duyên trả về cho phân-biệt, rỗng trống trả về cho hư-không, mù-mịt trả về cho bụi, trong sáng trả về cho tạnh, và trong thế-gian có những cái gì, cũng không ra ngoài mấy loại ấy.

Còn cái tính-thấy của ông thấy tám thứ kia thì ông định trả về đâu. Vì sao? Nếu trả về cho sáng thì lúc không sáng lại không thấy tối, nay tuy các thứ sáng tối có sai khác, cái thấy không có sai khác. Các cái thấy có thể trả về tự nhiên không phải là ông, còn cái không thể trả về được thì không phải là ông mà là ai nữa? Vậy thì biết tâm ông vốn là nhiệm-mầu trong sạch sáng-suốt, ông tự mê-lầm, bỏ mất tính bản-nhiên mà chịu luân-hồi, thường bị chìm đắm trong bể sống chết, nên Như-lai gọi là đáng thương xót".


[6]

CHỈ TÍNH-THẤY KHÔNG CÓ XEN TẠP


Ông A-nan bạch : "Tuy tôi biết tính-thấy ấy không thể trả về đâu, nhưng làm sao biết được đó là chân-tính của tôi".

Phật bảo ông A-nan : "Nay tôi lại hỏi ông : hiện ông chưa được đạo-quả vô-lậu thanh-tịnh, nhờ thần-lực của Phật, mới thấy được cõi sơ-thiền, không bị ngăn-ngại. Ông A-na-luật thì thấy cõi Diêm-phù-đề như xem quả am-ma-la trong bàn tay. Các vị Bồ-tát thấy trăm nghìn cõi thập phương Như-lai, cùng tột các quốc-độ thanh-tịnh, số như vi-trần, không chỗ nào không thấy. Còn chúng-sinh thì thấy rõ được không quá gang tấc.

A-nan, nay tôi cùng ông hãy xem cung-điện của Tứ-thiên-vương, chặng giữa xem khắp các loài thủy, lục, không, hành, tuy có nhiều hình-tượng sáng tối khác nhau, nhưng không cái gì là không phải tiền-trần chia cắt ngăn ngại. Ông hãy ở nơi đó phân-biệt cái gì là mình, cái gì là vật khác. Nay tôi hãy đưa ông lựa trong sự thấy đó, cái gì là tâm-thể của ông, cái gì là cái hình-tượng của vật. A-nan, cùng tột sức thấy của ông, từ mặt trời, mặt trăng đều là vật, chứ không phải ông; đến Thất-kim sơn, xem xét cùng khắp, tuy có những thứ hào-quang nhưng cũng là vật chứ không phải là ông; lần lần xem đến mây kéo, chim bay, gió động, bụi nổi, cây cối núi sông, cỏ rác người vật, đều là vật chứ không phải là ông.


A-nan, các vật gần xa đó, tuy sai khác nhau, nhưng đồng do cái thấy của ông thanh-tịnh trông thấy, thì các thứ vật kia tự có sai khác mà tính-thấy của ông không có sai khác. Cái thấy nhiệm-mầu sáng-suốt đó thật là tính-thấy của ông.

Nếu cái thấy là vật thì ông cũng có thể thấy cái thấy của tôi. Nếu cho rằng đồng thấy sự vật là thấy cái thấy của tôi thì khi tôi không thấy, sao lại không thấy được cái chỗ không thấy của tôi? Nếu nói rằng thấy cái không thấy thì tự-nhiên cái đó không phải là cái tướng của cái không thấy; còn nếu không thấy được chỗ không thấy của tôi, thì cái thấy bản-nhiên không phải là vật, làm sao lại không phải là ông?


Lại như cái thấy là vật thì đương khi ông thấy vật đó, ông đã thấy được vật, vật cũng thấy được ông, thế thì thể-tính xen lộn và ông cùng tôi với cả thế-gian không thành-lập được.

A-nan, nếu khi ông thấy là chính ông thấy, chứ không phải tôi, thì cái thấy cùng khắp đó không phải là ông thì còn là ai nữa.

Làm sao lại tự-nghi cái chân-tính của ông. Chân-tính của ông, ông không tự-nhận lấy, lại chấp lời nói của tôi, mà cầu chứng thật".


[7]

CHỈ TÍNH-THẤY KHÔNG LÀM NGĂN NGẠI


Ông A-nan bạch Phật rằng: Thưa Thế-tôn, nếu cái tính thấy đó chắc là tôi, chứ không phải ai khác, thì khi tôi cùng Như-lai xem cung-điện quý báo của Tứ-thiên-vương, xem mặt trời mặt trăng, cái thấy ấy cùng khắp cả cõi Sa-bà, khi lui về tịnh-xá thì chỉ thấy cảnh vườn chùa, đến khi thanh tâm nơi phòng chái thì lại chỉ thấy một chái nhà. Thưa Thế-tôn, cái thấy như vậy, bản thể của nó cùng khắp một cõi, nay ở trong phòng thì chỉ thấy một phòng; thế là cái thấy rút lớn thành nhỏ hay là tường nhà chia cắt làm cho đứt đoạn. Nay tôi không biết nghĩa đó thế nào, xin Phật vì tôi từ-bi chỉ rõ".


Phật bảo ông A-nan: "Tất-cả các thứ trong, ngoài, lớn nhỏ của thế-gian đều thuộc về tiền-trần, không nên nói rằng cái thấy có co có ruỗi. Ví như trong đồ vuông thì thấy hư-không vuông; nay tôi hỏi ông: Cái hư-không vuông thấy được trong đồ vuông ấy, là nhất-định vuông hay không nhất-định vuông? Nếu nhất-định vuông thì khi thay đồ tròn vào, lẽ ra hư-không tròn; nếu không nhất định thì trong đồ vuông, lẽ ra không có hư-không vuông. Ông nói không biết nghĩa đó do đâu, nghĩa đó như vậy, sao còn do đâu được.

A-nan, nếu muốn nhận được tính không vuông không tròn, chỉ trừ-bỏ cái vuông của đồ-đạc, chứ bản-thể hư-không vốn không vuông, không nên nói rằng lại phải trừ cả cái vuông của hư-không nữa.

Lại như lời ông hỏi: Khi vào trong phòng, rút cái thấy làm cho nhỏ lại thì khi ngửa xem mặt trời, há lại kéo cái thấy ngang với mặt trời? Nếu xây tường nhà chia-cắt cái thấy làm cho đứt-đoạn, thì đến khi xoi một lỗ nhỏ, sao lại không thấy dấu-nối. Nghĩa ấy không đúng.


Tất-cả chúng-sinh từ vô-thủy đến nay, lầm mình là vật, bỏ mất tâm-tính, bị vật xoay-chuyển, cho nên trong đó thấy lớn thấy nhỏ. Nếu biết chuyển được vật thì đồng với Như-lai, thân tâm đều viên-mãn sáng-suốt, nơi đạo-trường bất-động đó, trên đầu một mảy lông cũng có thể trùm-chứa thập phương quốc-độ".


[8]

CHỈ TÍNH-THẤY KHI "THỊ" VÀ "PHI-THỊ"

KHI "CHÂN VÀ VỌNG" CÓ CÙNG 1 CHÂN TÂM


Ông A-nan bạch Phật rằng: "Thưa Thế-tôn, nếu cái thấy đó, chắc là chân-tính của tôi thì cái chân-tính đó, hiện ở trước mắt tôi; cái thấy đó đã là chân-tính của tôi thì thân tâm tôi, hiện nay, lại là vật gì? Mà nay thân tâm ấy thật có phân-biệt, còn cái thấy kia thì không phân-biệt riêng gì thân tôi. Nếu nó thật là tâm tôi, làm cho tôi hiện nay có thấy, vậy tính-thấy ấy đã thật là tôi, còn thân nầy không phải là tôi thì nào khác gì đức Như-lai trước kia đã hỏi-vặn rằng: " Vật thấy được tôi". Xin Phật rủ lòng đại-từ, chỉ-bày cho chỗ chưa ngộ".


Phật bảo ông A-nan : "Nay ông nói rằng: Cái thấy ở trước mắt ông, nghĩa ấy không đúng. Nếu thật ở trước mắt ông và ông thật thấy được thì cái thấy đó đã có chỗ ở, không phải không chỉ ra được. Vậy nay tôi cùng ông ngồi trong rừng Kỳ-đà, trông khắp rừng, suối với các điện, đường, trên đến mặt trời, mặt trăng, trước đối với sông Hằng. Nay ông hãy ở trước sư-tử-tọa của tôi, giơ tay chỉ-bày trong  các tướng kia, chỗ dâm là rừng, cái sáng là mặt trời, ngăn-ngại là vách, thông-suốt là hư-không, như thế cho đến cỏ cây, mảy-mún, tuy lớn nhỏ khác nhau, nhưng đã có hình thì không cái gì là không chỉ đích ra được. Vậy nếu cái thấy, hiện ở trước mắt ông thì ông hãy lấy tay chỉ rõ đích-xác cái gì là cái thấy. A-nan, ông nên biết, nếu hư-không là cái thấy, thì hư-không đã thành cái thấy, còn cái gì mới là hư-không; nếu vật là cái thấy, thì vật đã là cái thấy, còn cái gì mới là vật. Ông hãy chín-chắn chia-chẻ trong muôn hiện-tượng, tách ra cái thấy, chỉ-bày cho tôi như các vật kia, rõ-ràng không lầm-lẫn".

Ông A-nan bạch: "Nay tôi ở giảng-đường nầy, trông xa đến sông Hằng, trên đến mặt trời, mặt trăng, giơ tay chỉ ra, đưa mắt trông ra, thì những cái chỉ được đều là vật, chứ không có cái gì là cái thấy. Bạch Thế-tôn, như lời Phật vừa dạy, chẳng những hàng hữu-lậu sơ-học Thanh-văn như chúng tôi, mà cho đến các vị Bồ-tát cũng không thể, ở nơi hiện-tượng muôn vật, chỉ ra cái thấy, rời tất-cả vật, riêng có tự-tính".

Phật dạy: "Đúng thế, đúng thế".


Phật lại bảo ông A-nan: "Như lời ông nói: Không có cái thấy, rời tất-cả vật, riêng có tự-tính; thì trong tất-cả các vật đã chỉ được, không có cái gì là cái thấy cả. Nay tôi lại bảo ông: Ông cùng Như-lai ngồi trong rừng Kỳ-đà, lại xem rừng vườn cho đến mặt trời mặt trăng, nhiều thứ hình-tượng khác nhau, trong đó, chắc không có cái thấy mà ông có thể chỉ ra được. Vậy ông hãy phát-minh trong các vật đó, có cái gì ra ngoài cái thấy?"

Ông A-nan bạch: "Thật tôi thấy khắp rừng Kỳ-đà nầy, không biết trong đó có cái gì ra ngoài cái thấy. Vì sao? Nếu cái cây ra ngoài cái thấy thì sao lại thấy cây, còn nếu cái cây tức là cái thấy thì sao lại là cây; như thế cho đến nếu hư-không ra ngoài cái thấy, thì sao thấy được hư-không, còn nếu hư-không tức là cái thấy, thì sao lại là hư-không. Tôi lại suy-nghĩ, phát-minh chín-chắn trong muôn hình-tượng, thật không có cái gì ra ngoài cái thấy cả".

Phật dạy: "Đúng thế, đúng thế".


Khi ấy trong đại-chúng, những vị chưa chứng-quả vô-học, nghe Phật dạy như thế, mờ-mịt chẳng biết nghĩa ấy đầu đuôi thế nào, nên đồng-thời sợ-hãi, không giữ được tâm thanh-tịnh.

Đức Như-lai biết đại-chúng tâm-niệm rối-loạn, sinh lòng thương-xót, an-ủi ông A-nan và cả đại-chúng rằng: "Các thiện-nam-tử, bậc vô-thượng Pháp-vương, lời nói chân-thật, như tính chân-như mà nói, không lừa không dối, không phải như bốn thứ luận-nghị càn-giỡ bất-tử của bọn Mạt-già-lê; ông hãy suy-nghĩ cho chín-chắn, chớ phụ lòng thương-mến của tôi".

Lúc ấy ngài Pháp-vương-tử Văn-thù-sư-lỵ thương xót hàng tứ-chúng, ở trong đại-chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ chân Phật, chấp tay cung-kính mà bạch Phật rằng: "Thưa Thế-tôn, đại-chúng nầy không ngộ được chỗ đức Như-lai phát-minh ra hai nghĩa "thị" và "phi-thị" nơi hai thứ "cái thấy" và "sắc không". Bạch Thế-tôn, nếu những hiện tượng sắc không nơi tiền-cảnh, tức là cái thấy, thì lẽ ra có chỗ chỉ được, còn nếu ra ngoài cái thấy, thì lẽ ra không thể thấy được; mà nay đại-chúng không rõ nghĩa ấy do đâu, nên mới kinh-sợ, chứ không phải vì trước đây thiện-căn ít-ỏi; kính mong đức Như-lai thương-xót, phát-minh cho rõ các vật-tượng ấy và cái thấy ấy vốn là vật gì, mà ở trong đó, lại không có các nghĩa "thị" và "phi-thị".
 


Phật bảo ngài Văn-thù cùng cả đại-chúng rằng: "Thập phương Như-lai và các vị đại-Bồ-tát ở trong tự-trụ Tam-ma-điạ, thì cái "thấy", cái "bị-thấy" và các tương-tướng hoa-đốm hư-không, vốn không có gì. Cái "thấy" và cái "bị thấy" đó vốn là tâm-tính Bồ-đề nhiệm-mầu trong-sạch sáng-suốt, làm sao trong đó, lại còn có các nghĩa "thị" và "phi-thị"?

Văn-thù, nay tôi hỏi ông: Như ông đây là Văn-thù, nơi ông lại có cái tức là Văn-thù hay không có Văn-thù?

- Bạch Thế-tôn, đúng thế. Tôi đây thật là Văn-thù, nơi tôi không có cái gì tức là Văn-thù, vì sao? Vì nếu có cái ấy, thì thành ra hai Văn-thù, nhưng tôi hiện nay không phải là không Văn-thù; trong đó thật không có hai tướng "thị" và "phi-thị".

Phật bảo: "Tính-thấy nhiệm-mầu sáng-suốt với các thứ sắc, không thì cũng như vậy. Vốn một tâm-tính vô-thượng Bồ-đề, lầm-nhận là sắc, không cùng với nghe, thấy, như dụi con mắt, thấy có hai mặt trăng, thì mặt trăng nào mới thật là mặt trăng, còn mặt trăng nào lại không phải là mặt trăng. Văn-thù, chỉ có một mặt trăng thật, trong ấy tự không có cái gì thật là mặt trăng hay không phải là mặt trăng. Vậy nên hiện nay, các ông phát-minh ra các thứ xem-thấy và trần-cảnh, đều gọi là vọng-tưởng, không thể ở trong đó, chỉ ra các nghĩa "thị" và "phi-thị". Nhưng do tất-cả đều là tâm-tính nhiệm-mầu sáng-suốt nên có thể làm cho các ông ra ngoài các nghĩa "chỉ được" và "không chỉ được".


[9]

CHỈ TÍNH-THẤY 

KHÔNG PHẢI LÀ TỰ-NHIÊN, NHÂN-DUYÊN, 

RỜI CÁC DANH-TƯỚNG 


Ông A-nan bạch Phật rằng: "Thưa Thế-tôn, thật như lời Pháp-vương dạy, tâm-tính cùng khắp thập phương thế-giới, yên-lặng thường-trụ, không có sinh-diệt; điều ấy so với thuyết ông Phạm-chi Sa-tỳ ca-la ngày xưa nói về minh-đế, hay các thuyết ngoại-đạo như bọn Đầu-hói nói có chân-ngã cùng khắp mười phương, khác nhau thế nào? Ở núi Lăng-già, đức Thế-tôn đã từng, vì các ông Đại-tuệ, chỉ-dạy rằng: Bọn ngoại-đạo kia thường nói tự-nhiên, còn Phật nói nhân-duyên, không phải cảnh-giới của bọn kia. Nay tôi xét cái tâm-tính đó tự-nhiên, không phải sinh, không phải diệt, xa-rời tất-cả các điều trái-ngược, luống-dối, giống như không phải là nhân-duyên, cũng không phải là cái tự-nhiên của bọn kia. Xin Phật khai-thị thế nào, cho chúng tôi khỏi mắc tà-kiến và được tâm-tính trong-sạch nhiệm-mầu sáng-suốt".


Phật bảo ông A-nan: "Nay tôi phương-tiện chỉ-bày, chân-thật bảo ông như vậy, ông còn chưa ngộ, lại lầm là tự-nhiên. A-nan, nếu chắc là tự-nhiên, tự phải chỉ rõ thể-tính tự-nhiên. Ông hãy xét cái tính-thấy kia lấy cái gì làm tự-thể. Cái thấy đó lại là lấy cái sáng làm tự-thể, lấy cái tối làm tự-thể, lấy hư-không làm tự thể hay lấy ngăn-bịt làm tự-thể. A-nan, nếu lấy cái sáng làm tự-thể thì lẽ ra không thấy được tối, nếu lấy hư-không làm tự-thể thì lẽ ra không thấy được ngăn-bịt, như vậy cho đến lấy các tướng tối mà làm tự-thể thì đến khi sáng, tính-thấy đã diệt mất rồi, làm sao còn thấy được sáng ?"


Ông A-nan bạch : "Chắc cái tính-thấy ấy không phải là tự-nhiên, thì nay tôi phát-minh được, nó do nhân-duyên mà sinh; nhưng tâm còn chưa rõ, xin hỏi đức Như-lai, nghĩa-lý thế nào cho hợp với tính nhân-duyên".


Phật dạy: "Ông nói nhân-duyên, tôi lại hỏi ông: Nay ông do nhân-duyên mà có thấy; tính-thấy hiện trước đó, vậy tính-thấy, ấy lại là nhân cái sáng mà có thấy, nhân cái tối mà có thấy, nhân hư-không mà có thấy hay nhân ngăn-bịt mà có thấy? A-nan, nếu tính-thấy nhân cái sáng mà có, thì lẽ ra không thấy được tối, còn như nhân cái tối mà có, thì lẽ ra không được sáng; như vậy cho đến nhân hư-không, nhân ngăn-bịt, thì cũng đồng như nhân cái sáng và cái tối. Lại nữa, A-nan, cái thấy ấy lại là nương cái sáng mà có thấy, nương cái tối mà có thấy, nương hư-không mà có thấy hay là nương ngăn-bịt mà có thấy? A-nan, nếu nương hư-không mà có thấy, thì lẽ ra không thấy được ngăn-bịt; nếu nương ngăn-bịt mà có thấy, thì lẽ ra không thấy được hư-không; như vậy cho đến nương cái sáng, nương cái tối cũng đồng như nương hư-không, nương ngăn-bịt. Nên biết tính-thấy như vậy, không phải nhân, không phải duyên, không phải tự-nhiên, cũng không phải không tự-nhiên, không có nghĩa "không phải" hay "không không phải", không có nghĩa "tức là" hay "không tức là", rời hết tất-cả các tướng, tức là tất-cả sự vật; làm sao trong ấy, ông lại định đem các danh-tướng hí-luận thế-gian mà phân biệt cho được. Thế cũng như lấy bàn tay, nắm-bắt hư-không, chỉ thêm nhọc sức, chứ làm sao hư-không lại để cho ông nắm-bắt".


Ông A-nan bạch Phật rằng : "Thưa Thế-tôn, chắc cái tâm-tính ấy, không phải nhân-duyên, thế sao đức Thế-tôn lại thường chỉ-dạy cho các hàng tỷ-khưu rằng : Tính-thấy có bốn thứ nhân-duyên, nghĩa là nhân hư-không, nhân ánh-sáng, nhân cái tâm và nhân con mắt. Nghĩa đó thế nào?


Phật bảo : A-nan, tôi nói như thế là nói về các tướng nhân-duyên thế-gian, đó không phải là đệ-nhất-nghĩa. A-nan, tôi lại hỏi ông : Các người thế-gian nói : Tôi thấy được, thì thế nào, họ gọi là thấy, còn thế nào, họ gọi là không thấy?"

Ông A-nan bạch : Người đời nhân ánh sáng mặt trời, mặt trăng và đèn, thấy các hình-tướng, thì gọi là thấy, còn nếu không có ba thứ ánh sáng đó, thì không thể thấy được."

- A-nan, nếu khi không sáng mà gọi là không thấy, thì lẽ ra không thấy được tối; nếu đã thấy được tối, thì khi đó, chỉ là không sáng, chứ đâu phải là không thấy. A-nan, nếu trong lúc tối, vì không thấy sáng mà gọi là không thấy; vậy nay, trong lúc sáng, không thấy cái tối, thì lại cũng phải gọi là không thấy; thế thì cả hai lúc sáng, tối, cũng đều gọi là không thấy cả. Còn nếu như hai cái sáng và tối tự lấn-át nhau, chứ không phải trong đó, tính-thấy của ông tạm-thời không có; thế thì biết cả hai lúc đều gọi là thấy, chứ sao lại gọi là không thấy. A-nan, vì vậy ông nên biết rằng : Trong lúc thấy sáng, cái thấy không phải là cái sáng, trong lúc thấy tối, cái thấy không phải là cái tối, trong lúc thấy hư-không, cái thấy không phải là hư-không, trong lúc thấy ngăn-bịt, cái thấy không phải là ngăn-bịt.


"Bốn nghĩa đó đã thành-lập rồi, ông lại nên biết : Khi nhận-thấy tính-thấy thì tính-thấy không phải là cái thấy. Tính-thấy còn rời cả cái thấy và cái thấy không thể đến nơi tính-thấy được; làm sao, ông còn nói đến những nhân-duyên, tự-nhiên và tướng hòa-hợp? Bọn Thanh-văn ông hẹp-hòi không biết, không thông-suốt được sự thật thanh-tịnh, nay tôi chỉ-dạy cho ông, ông nên khéo suy-nghĩ, không được trễ-nãi trên đường Bồ-đề nhiệm-mầu".


[10]

CHỈ KHI VỌNG  

LẠI CŨNG ĐỀU VỐN LÀ TÁNH NHƯ LAI TẠNG 


Ông A-nan bạch Phật rằng : "Thưa Thế-tôn, như đức Thế-tôn, vì bọn chúng-tôi, chỉ-dạy về nhân-duyên, tự-nhiên các tướng hòa-hợp và không hòa-hợp, tâm tôi còn chưa khai-ngộ; nay lại nghe Phật dạy "nhận-thấy tính-thấy không phải là cái thấy" thì càng thêm lúng-túng, cúi xin Phật thương-xót, bố-thí cho con mắt đại-trí-tuệ, chỉ-bày cho chúng tôi tâm-tính trong-sạch sáng-suốt". Ông A-nan nói như vậy rồi, khóc lóc đỉnh-lễ, vâng nghe thánh-chỉ của Phật.


Khi bấy giờ. đức Thế-tôn thương-xót ông A-nan và cả đại-chúng, định sẽ chỉ-dạy phép đại-tổng-trì là con đường tu-hành nhiệm-mầu các pháp Tam-ma-đề, bảo ông A-nan rằng : "Ông tuy nhớ lâu, chỉ thêm phần học rộng, nhưng nơi vi-mật quán chiếu Xa-ma-tha, tâm còn chưa rõ. Nay ông hãy nghe cho chín-chắn, tôi sẽ vì ông phân-tích chỉ-bày, đồng-thời cũng khiến cho những kẻ hữu-lậu tương-lai được quả Bồ-đề.


A-nan, tất-cả chúng-sinh luân-hồi trong thế-gian đều do hai nhận-thức sai-lầm, phân-biệt trái-ngược, chính nơi tâm-tính mà phát-sinh, chính theo nghiệp-báo mà xoay-vần. Hai nhận-thức ấy là gì? Một là nhận-thức sai-lầm nghiệp riêng của chúng-sinh, hai là nhận-thức sai-lầm nghiệp-chung của chúng-sinh.


Thế nào gọi là nhận-thức sai-lầm nghiệp-riêng? A-nan, như người thế-gian, con mắt bị bệnh lòa thì ban đêm trông ngọn đèn, riêng có thấy bóng tròn ngũ sắc bao-phủ. Ý ông nghĩ thế nào? Cái bóng tròn hiện ra nơi ngọn đèn, đó, là sắc của ngọn đèn hay là sắc của cái thấy? A-nan, nếu như là cái sắc của ngọn đèn, thì sao những người không lòa lại không cùng thấy, mà chỉ có người lòa mới thấy bóng tròn. Nếu như là sắc của cái thấy, thì cái thấy đã thành sắc rồi, còn cái người lòa kia thấy được bóng tròn thì gọi là cái gì?

Lại nữa, A-nan, nếu cái bóng tròn kia ngoài ngọn đèn, riêng mình tự có, thì lẽ ra khi trông qua bình-phong, bức màn, bàn trà, ghế ngồi, đều có bóng tròn hiện ra; còn nếu ngoài cái thấy, bóng tròn, riêng mình tự có, thì lẽ ra không thể thấy được, làm sao người lòa lại thấy bóng tròn. Vậy nên biết rằng : Sắc thật ở nơi ngọn đèn, cái thấy bị bệnh làm ra có bóng tròn. Cả cái bóng tròn và cái thấy bóng tròn đều là bệnh lòa. Nhận thấy được bệnh lòa thì cái nhận thấy đó không phải là bệnh; rốt-cuộc không nên nói rằng bóng tròn là ngọn đèn hay là cái thấy, trong đó còn có bệnh lòa không phải ngọn đèn, không phải cái thấy. Ví như mặt trăng thứ hai, không phải thật-thể mặt trăng và cũng không phải là cái bóng của mặt trăng. Vì sao? Vì thấy có mặt trăng thứ hai là do dụi mắt mà thành ra vậy. Các người có trí, không nên bảo rằng mặt trăng dụi mắt mà thành ra đó, là hình-tướng hay không phải là hình-tướng, là ra ngoài cái thấy hay không ra ngoài cái thấy. Bóng tròn cũng như vậy, nó do bệnh lòa mắt mà thành; nay dầu muốn gọi cái gì là ngọn đèn hay là cái thấy cũng không được, huống nữa, còn phân-biệt là không phải nhọn đèn hay không phải là cái thấy!


Thế nào gọi là nhận-thức sai-lầm nghiệp-chung? A-nan, cõi Diệm-phù-đề này, trừ nước biển-cả ra, trong đó đất-bằng có 3.000 châu, châu lớn chính giữa, bao-quát từ Đông sang Tây, có đến 2.300 nước lớn. Còn các châu nhỏ khác ở trong các biển, trong đó có châu đến 200, 300 nước hoặc có một chục, hai chục, cho đến 30, 40, 50, nước. A-nan, nếu ở trong đó có một châu nhỏ, chỉ có hai nước, mà riêng người trong một nước đồng-cảm ác-duyên, thì chúng-sinh trong nước đó thấy tất-cả những cảnh-giới không tốt; hoặc thấy hai mặt trời, hoặc thấy hai mặt trăng, cho đến thấy nhiều ác-tướng khác, như vựng, thích, bội, quyết, tuệ, bột, phi, lưu, phụ-nhĩ, hồng-nghê; chỉ nước đó thấy, còn chúng-sinh nước bên kia, thì vốn không thấy và cũng không nghe.


"A-nan, tôi nay đem hai việc đó, lui tới kết-hợp mà chỉ rõ.

A-nan, như cái nhận-thức sai-lầm nghiệp-riêng của chúng-sinh kia, thấy nơi ngọn đèn hiện ra bóng tròn, tuy giống như tiền-cảnh, nhưng rốt-cuộc là do bệnh lòa của người ấy tạo-thành. Lòa là bệnh của cái thấy, không phải do sắc-tướng tạo ra; song người nhận-thấy được bệnh lòa vẫn không có lỗi-lầm gì về cái thấy cả.

So-sánh với hiện nay, ông dùng con mắt xem thấy núi sông, cõi nước và các chúng-sinh, đều là do bệnh thấy vô-thủy tạo-thành. Cái thấy và cái bị thấy duyên nhau, hình-như hiện ra tiền-cảnh, thật-chất vốn là bệnh lòa, năng-kiến sở-kiến của tâm-tính mà thôi.

Giác-ngộ rằng thấy như thế tức là bệnh lòa, thì cái tâm giác-ngộ đó nhận-thức không lòa. Giác-ngộ thấy như thế là bệnh lòa, thì cái giác-ngộ đó không phải trong phạm-vi bệnh lòa; đó thật là nhận-thấy tính-thấy, sao còn gọi là thấy, nghe, hay, biết.

Vậy nên nay ông thấy tôi cùng ông và thập loại chúng-sinh trong thế-gian đều là thấy lòa, chứ không phải là thấy được cái bị bệnh lòa. Cái tính-thấy chân-thật kia, vốn ra ngoài bệnh lòa, cho nên không gọi là cái thấy.


A-nan, như lấy nhận-thức sai-lầm nghiệp-chung kia của chúng-sinh, so với nhận-thức sai-lầm nghiệp-riêng của một người, thì một người đau mắt cũng đồng như cả một nước kia; người đau mắt thấy bóng tròn là do bệnh lòa giả-dối sinh ra; còn trong một nước kia, hiện ra các thứ không tốt là do ác-duyên nghiệp-chung của chúng-sinh tạo nên; cả hai đều do nhận-thức sai-lầm vô-thủy giả-dối sinh ra. Tỷ-lệ với 3000 châu, với bốn biển lớn trong cõi Diêm-phù-đề, với thế-giới Sa-bà cho đến nước hữu-lậu và các chúng-sinh trong mười phương, đồng là nơi tâm-tính nhiệm-mầu sáng-suốt, các bệnh duyên thấy, nghe, hay, biết, sai-lầm, hòa-hợp giả-dối sinh ra, hòa-hợp giả-dối diệt mất. Nếu xa-rời được các bệnh duyên hòa-hợp và không hòa-hợp thì cũng diệt-trừ được các nguyên-nhân chết sống, đầu-đủ tính Bồ-đề không sinh-diệt, bản-tâm thanh-tịnh, bản-giác thường an-trụ.


A-nan, ông tuy đã ngộ tâm-tính nhiệm-mầu sáng-suốt, vốn không phải nhân-duyên, không phải tự-nhiên, nhưng còn chưa rõ tâm-tính như vậy không phải hòa-hợp mà sinh, cũng không phải không hòa-hợp.

A-nan, nay tôi lại lấy nơi tiền-trần hỏi ông, ông còn đem tất-cả những tính nhân-duyên hòa-hợp của tư-tưởng sai-lầm thế-gian mà tự nghi-ngờ rằng chứng tâm Bồ-đề cũng do hòa-hợp mà phát-khởi. Thì hiện nay, cái thấy của ông lại là hòa với cái sáng, hòa với cái tối, hòa với cái thông-suốt hay hòa với cái ngăn-bịt? Nếu hòa với cái sáng thì ông đang thấy sáng, cái sáng hiện đó, vậy chỗ nào xen-lộn với cái thấy? Cái thấy cái sáng có thể nhận-rõ, còn hình-trạng xen-lộn, thì như thế nào? Nếu cái sáng ra ngoài cái thấy, thì làm sao thấy được sáng? Còn nếu cái sáng tức là cái thấy, thì làm sao lại thấy được cái thấy? Như cái thấy cùng khắp, thì còn chỗ nào hòa được với cái sáng, còn như cái sáng cùng khắp, thì lẽ ra không hòa được với cái thấy. Cái thấy đã khác với cái sáng thì khi xen-lộn vào, tất phải làm mất tính-cách của cái sáng. Cái thấy xen vào, làm mất tính-cách của cái sáng mà nói hòa với cái sáng là không đúng nghĩa. Đối với cái tối, cái thông-suốt và cái ngăn-bịt thì cũng như vậy.

Lại nữa, A-nan, hiện nay cái thấy nhiệm-mầu sáng-suốt của ông lại là hợp với cái sáng, hợp với cái tối, hợp với cái thông-suốt hay hợp với cái ngăn-bịt? Nếu hợp với cái sáng thì đến khi tối, cái sáng đã mất rồi, cái thấy đó đã không hợp với cái tối, làm sao thấy được cái tối? Nếu khi thấy tôi mà không hợp với cái tối thì lẽ ra khi hợp với cái sáng, không thấy được cái sáng; mà đã không thấy được sáng thì làm sao họp với cái sáng và rõ-biết cái sáng không phải là tối. Đối với cái tối, cái thông-suốt, cái ngăn-bịt thì cũng như vậy".


Ông A-nan bạch Phật rằng : "Thưa Thế-tôn, như chỗ tôi suy-nghĩ, cái tâm-tính ấy đối với các trần-cảnh và các tâm-niệm nhớ-nghĩ, không hòa-hợp chăng?"

Phật dạy: "Nay ông lại nói tâm-tính không hòa-hợp thì tôi lại hỏi ông : Cái tính-thấy gọi là không hòa-hợp đó, lại là không hòa với cái sáng, không hòa với cái tối, không hòa với cái thông-suốt, hay không hòa với cái ngăn-bịt? Nếu không hòa với cái sáng, thì giữa cái thấy và cái sáng phải có ranh-giới. Ông nay hãy xét cho kỹ : Chỗ nào là cái sáng, chỗ nào là cái thấy. Nơi cái thấy và nơi cái sáng, thì lấy từ đâu làm ranh-giới. A-nan, nếu bên cái sáng, chắc không có cái thấy, thì hai cái không đến với nhau, cái thấy tự-nhiên không biết được cái sáng ở đâu, làm sao mà thành-lập được ranh-giới. Đối với cái tối, cái thông-suốt, cái ngăn-bịt thì cũng như vậy.

Lại cái thấy, gọi là không hòa-hợp đó, là không hợp với cái sáng, không hợp với cái tối, không hợp với cái thông-suốt hay không hợp với cái ngăn-bịt? Nếu không hợp với cái sáng, thì cái thấy với cái sáng, tính trái-ngược nhau, như cái nghe với cái sáng, không đụng chạm gì với nhau cả; thế thì, cái thấy còn không biết cái sáng ở đâu, làm sao phát-minh được những lẽ hợp hay không hợp? Đối với cái tối, cái thông-suốt, cái ngăn-bịt thì cũng như vậy.


"A-nan, ông còn chưa rõ tất-cả các tướng huyễn-hóa nơi tiền-trần, chính nơi tâm mà sinh ra, rồi theo nơi tâm mà diệt mất. Cái huyễn-hóa giả-dối gọi là tướng, mà cái tính chính là tâm-tính nhiệm-mầu sáng-suốt; như vậy, cho đến 5 ấm, 6 nhập, 12 xứ và 18 giới, nhân-duyên hòa-hợp giả-dối có sinh ra, nhân-duyên chia-lìa giả-dối gọi rằng diệt; mà không biết rằng sinh, diệt, đi, lại đều vốn là tính chân-như cùng khắp, không lay-động, nhiệm-mầu, sáng-suốt, thường-trụ của Như-lai-tạng. Trong tâm-tính chân-thường đó, cầu cho ra những cái đi, lại, mê, ngộ, sống, chết, hẳn không thể được.



 HIỂN THỊ "CHÂN-TÂM THƯỜNG-TRỤ"


[1]

THU NĂM ẤM VỀ TÁNH NHƯ-LAI-TẠNG


"A-nan, làm sao 5 ấm vốn là tính chân-như nhiệm-mầu của Như-lai-tạng ? 


A-nan, ví như có người đem con mắt trong-sạch, xem hư-không trong sáng, chỉ thấy một hư-không trong-sáng, hẳn không thấy gì. Người kia, không lý do gì, lại bắt con mắt không lay-động; ngó chăm mãi, phát ra mỏi-mệt thì ở giữa hư-không, riêng thấy có hoa-đốm lăng-xăng và có tất-cả những tướng giả-dối lộn-xộn; nên biết sắc-ấm cũng lại như vậy.

A-nan, các hoa-đốm lăng-xăng ấy, không phải từ hư-không mà đến, không phải từ con mắt mà ra. Thật vậy, A-nan, nếu từ hư-không mà đến, thì đã từ hư-không mà đến, rồi phải trở vào hư-không; mà đã có ra có vào, thì không phải là hư-không nữa. Hư-không, nếu lại không phải là hư-không, thì tự-nhiên không thể dung-nạp hoa-đóm sinh-diệt trong ấy, như thân-thể ông A-nan, không dung-nạp được một ông A-nan nữa.

Nếu, hoa-đốm từ con mắt mà ra, thì đã từ con mắt mà ra, rồi phải trở vào con mắt; lại cái tính hoa-đốm ấy đã từ con mắt mà ra, thì lẽ ra phải có thấy. Nếu như có thấy thì khi đi ra, đã làm hoa-đốm giữa hư-không, đến khi xoay về, phải thấy được con mắt. Nếu không có thấy, thì khi đi ra đã làm mờ hư-không, đến khi trở về phải làm mờ con mắt. Lại như thế, khi thấy hoa-đốm, lẽ ra con mắt không mờ, làm sao, chỉ khi thấy hư-không trong suốt, thì mới gọi là con mắt trong-sáng? Vậy nên biết rằng sắc-ấm là giả-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.


A-nan, ví như có người tay chân yên-ổn, trăm vóc điều-hòa, bỗng như quên mình, không có gì là trái là thuận; người ấy không lý do gì, lấy hai bàn tay xoa nhau giữa hư-không, thì nơi hai bàn tay giả-dối sinh ra những cảm xúc trơn, rít, lạnh, nóng. Nên biết thụ-ấm cũng lại như vậy.

A-nan, các cảm-xúc giả-dối kia, không phải từ hư-không mà đến, không phải từ bàn tay mà ra. Thật vậy, A-nan, nếu từ hư-không mà đến, thì đã sinh cảm-xúc nơi bàn tay, sao lại không sinh cảm-xúc nơi thân-thể, không lẽ hư-không lại biết lựa chỗ sinh ra cảm-xúc. Nếu như từ bàn tay mà ra, thì lẽ ra không cần hai bàn tay phải hợp lại. Lại đã từ bàn tay mà ra, thì khi bàn tay hợp lại, biết có cảm-xúc, đến khi bàn tay rời ra, thì cảm-xúc phải chạy vào và xương tủy cánh tay, lẽ ra phải biết đường vào của cảm-xúc; rồi lại phải có tâm hay-biết, biết ra, biết vào, và phải có một vật đi lại trong thân, sao lại phải chờ đến hai tay hợp lại mới gọi là cảm-xúc.Vậy nên biết rằng thụ-ấm là giả-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.


A-nan, ví như có người, khi nghe nói đến quả mơ chua thì trong miệng có nước bọt chảy ra; khi nghĩ đến đứng trên dốc cao thì lòng bàn chân ghê-rợn. Nên biết tưởng-ấm cũng lại như vậy.

A-nan, câu chuyện mơ chua như thế, không phải do quả mơ sinh ra, không phải do cái miệng mà vào. Thật vậy, A-nan, nếu do quả mơ sinh ra, thì quả mơ tự nói lấy, sao phải đợi người ta nói; nếu do cái miệng mà vào, thì lẽ ra cái miệng tự nghe lấy, cần gì đến lỗ tai; nếu riêng mình lỗ tai nghe, thì nước bọt kia, sao không từ lỗ tai chảy ra. Câu chuyện nghĩ đến đứng trên dốc cao cũng giống như vậy. Vậy nên biết rằng tưởng-ấm là giả-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.


A-nan, ví như dòng nước dốc, sóng mòi nối nhau, lớp trước lớp sau, không vượt khỏi nhau. Nên biết hành-ấm cũng lại như vậy.

A-nan, dòng nước như vậy không nhân hư-không mà sinh, không nhân nước mà có, không phải tính nước, cũng không ra ngoài hư-không và nước. Thật vậy, A-nan, nếu nhân hư-không mà sinh, thì cả thập phương hư-không vô cùng tận, phải thành dòng nước vô cùng tận và tự-nhiên thế-giới đều bị chìm-đắm cả. Nếu nhân nước mà có, thì dòng nước dốc ấy bản-tính lẽ ra không phải là nước nữa và hiện nay, đã có thể chỉ ra hai tướng của nước và của dòng nước khác nhau. Nếu dòng nước dốc tức là tính nước thì khi nước đứng lại, lẽ ra không phải là nước nữa; nếu ra ngoài hư-không và nước thì không có cái gì ở ngoài hư-không và, ngoài nước ra, không thể có dòng nước. Vậy nên biết rằng hành-ấm là giả-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.


A-nan, ví như có người lấy bình tần-già, bịt cả hai lỗ, rồi vác đầy bình hư-không, đi xa nghìn dặm, đem cho nước khác. Nên biết thức-ấm cũng lại như vậy.

A-nan, cái hư-không đó, không phải đến từ phương kia, cũng không phải đưa vào phương nầy. Thật vậy, A-nan, nếu đến từ phương kia, thì trong cái bình đã đựng hư-không đem đi, ở chỗ cũ cái bình phải thiếu hư-không; nếu đưa vào phương nầy, thì khi mở miệng bình trút ra, phải thấy hư-không ra. Vậy nên biết rằng thức-ấm là giả-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.



KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

QUYỂN III  


[2]

THU 6 NHẬP VỀ TÁNH NHƯ-LAI-TẠNG



"Lại nữa, A-nan, vì sao bản-tính của 6 nhập, vốn là tính chân-như nhiệm-mầu của Như-lai-tạng? A-nan, tức nơi tròng con mắt kia, ngó chăm phát ra mỏi-mệt, thì cả cái thấy và cái mỏi-mệt đó đều là thể-tính Bồ-đề chăm-chú phát ra tướng mỏi-mệt.

Nhân nơi hai thứ vọng-trần sáng và tối, phát ra cái thấy bên trong, thu-nạp các trần-tướng ấy gọi là tính-thấy; cái thấy đó rời hai trần sáng và tối kia, rốt-ráo không có tự-thể. Thật vậy, A-nan, ông nên biết cái thấy đó không phải từ nơi sáng, nơi tối mà đến, không phải từ nơi con mắt mà ra, cũng không phải do cái hư-không mà sinh. Ví cớ sao ? Nếu từ cái sáng mà đến, thì khi tối đã theo cái sáng mà diệt, lẽ ra không thấy được tối. Nếu từ cái tối mà đến, thì khi sáng phải theo cái tối mà diệt, lẽ ra không thấy được sáng. Nếu do con mắt mà sinh, hẳn không có sáng, có tối, thì cái thấy như vậy vốn không tự-tính. Nếu do hư-không mà ra, thì ngó trước thấy các trần-tượng, xoay về phải thấy con mắt; lại hư-không tự thấy, nào có dính gì chỗ thu-nạp của ông. Vậy nên biết rằng nhãn-nhập là luống-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.


"A-nan, ví như người lấy hai ngón tay bịt chặt hai lỗ tai, do lỗ tai mỏi-mệt, trong đầu hóa ra có tiếng; cả cái nghe cùng cái mỏi-mệt đồng là thể-tính Bồ-đề chăm-chú phát ra tướng mỏi-mệt.

Nhân nơi hai thứ vọng-trần động và tĩnh, phát ra cái nghe ở trong, thu-nạp cái trần-tượng đó, gọi là tính-nghe. Tính-nghe ấy rời hai trần động, tĩnh kia, rốt-ráo không có tự-thể. Thật vậy, A-nan, ông nên biết, cái nghe đó không phải từ nơi động, nơi tĩnh mà đến, không phải từ nơi lỗ tai mà ra, không phải do hư-không mà sinh. VÌ cớ sao? Nếu cái nghe kia từ nơi tĩnh mà đến, thì khi động phải theo cái tĩnh mà diệt, lẽ ra không nghe được động. Nếu từ nơi động mà đến, thì khi tĩnh sẽ theo cái động mà diệt, lẽ ra không biết được tĩnh. Nếu do lỗ tai mà sinh, hẳn không có động, có tĩnh, thì cái nghe như vậy vốn không tự-tính. Nếu do hư-không mà ra, thì đã có tính nghe, chắc không phải là hư-không nữa; lại hư-không tự nghe, nào có dính gì chỗ thu-nạp của ông. Vậy nên biết rằng nhĩ-nhập là luống-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.


"A-nan, ví như có người bịt gấp hai lỗ mũi, bịt lâu thành ra mỏi-mệt thì ở, trong lỗ mũi, nghe có cảm-xúc lạnh; nhân những cảm-xúc như thế, mà phân-biệt được là thông, là ngăn-bịt, là rỗng, là đặc, cho đến các mùi thơm, thối; cả cái ngửi cùng cái mỏi-mệt đồng là thể-tính Bồ-đề chăm-chú phát ra tướng mỏi-mệt.

Nhân nơi hai thứ vọng-trần thông và bịt, phát ra cái ngửi ở trong, thu-nạp các trần-tượng đó gọi là tính-biết-ngửi. Cái ngửi đó rời hai trần thông và bịt kia, rốt-ráo không có tự-thể. Nên biết cái ngửi đó, không phải từ cái thông, cái bịt mà đến, không phải từ nơi lỗ mũi mà ra, cũng không phải do hư-không mà sinh. Vì cớ sao? Nếu từ cái thông mà đến, thì khi bịt, cái ngửi đã mất rồi, làm sao mà biết được bịt; nếu nhân cái bịt mà có, thì khi thông, không còn cái ngửi, làm sao biết được các mùi thơm, thối. Nếu từ lổ mũi sinh ra, hẳn không có cái thông, cái bịt, thì cái ngửi như vậy vốn không tự-tính. Nếu do hư-không mà ra, thì cái ngửi đó, phải xoay lại ngửi lỗ mũi của ông; lại hư-không tự ngửi, nào có dính gì chỗ thu-nạp của ông. Vậy nên biết rằng tỷ-nhập là luống-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.


"A-nan, ví như có người dùng lưỡi liếm mép, liếm mãi sinh ra mỏi-mệt. Nếu người đó có bệnh thì có vị đắng. Còn người không có bệnh thì có chút vị ngọt. Do những cảm-xúc ngọt, đắng, mà bày tỏ cái tính-nếm; còn khi không động thì thường có tính-nhạt. Cả cái nếm và cái mỏi-mệt đồng là thể-tính Bồ-đề chăm-chú phát ra tướng mỏi-mệt.

Nhân nơi hai thứ vọng-trần nhạt và ngọt, đắng, phát cái nếm ở trong, thu-nạp các trần-tượng đó, gọi là tính-biết-nếm. Tính-biết-nếm ấy rời hai trần nhạt và ngọt, đắng kia, rốt-ráo không có tự-thể. Thật vậy, A-nan, ông nên biết rằng cái biết đắng, biết nhạt như vậy, không phải từ vị ngọt, đắng mà đến, không phải nhân tính nhạt mà có, không phải từ nơi lưỡi mà ra, cũng không phải do hư-không mà sinh. Vì cớ sao? Nếu từ các vị ngọt đắng mà đến, thì khi nhạt, cái biết-nếm đã diệt rồi, làm sao biết được nhạt; nếu từ cái nhạt mà ra thì khi ngọt, cái nếm đã mất rồi, làm sao biết được vị ngọt, đắng. Nếu do cái lưởi sinh ra, hẳn không có những vị ngọt, đắng và nhạt, thì cái biết-nếm ấy vốn không tự-tính. Nếu do hư-không mà ra, thì hư-không tự nếm, chứ không phải lưỡi ông nếm; lại hư-không tự biết, nào có dính gì đến chỗ thu-nạp của ông. Vậy nên biết rằng thiệt-nhập là luống-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.


"A-nan, ví-dụ như có người dùng bàn tay lạnh chạm bàn tay nóng, nếu thế bên lạnh nhiều hơn, thì bên nóng cũng thành lạnh theo, nếu thế bên nóng nhiều hơn, thì bên lạnh cũng thành ra nóng; rồi như vậy, do cái cảm-xúc nhận-biết trong lúc hợp lại mà rõ sự nhận-biết lúc rời  ra. Nếu cái thế chênh-lệch hiện-thành giữa nóng và lạnh, thì nhân đó phát ra mỏi-mệt mà có cảm-xúc. Cả cái biết cảm-xúc cùng cái mỏi-mệt đồng là thể-tính Bồ-đề chăm-chú phát ra tướng mỏi-mệt.

Nhân nơi hai vọng-trần ly và hợp, phát ra cái hay-biết ở trong, thu-nạp các trần-tượng đó, gọi là cái biết-cảm-xúc. Cái biết như thế, rời hai trần ly và hợp, trái và thuận kia, rốt-ráo không có tự-thể; thật vậy, A-nan, ông nên biết cái cảm-xúc đó, không phải từ cái ly, cái hợp mà tới, không phải từ cái trái, cái thuận mà có, không phải do nơi thân-thể mà ra, cũng không phải do nơi hư-không mà sinh. Vì cớ sao? Nếu từ cái hợp mà đến thì khi ly, cái biết đã mất rồi, làm sao biết được cái ly; đối với hai tướng trái và thuận thì cũng như vậy. Nếu từ thân-thể mà ra, hẳn không có những tướng ly, hợp, trái, thuận, thì cái biết-cảm-xúc của ông vốn không tự-tính. Nếu từ nơi hư-không mà ra, thì hư-không tự hay-biết, nào có dính gì chỗ thu-nạp của ông. Vậy nên biết rằng thân-nhập là luống-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.


"A-nan, ví như có người nhọc-mỏi thì ngủ, ngủ  chán thì thức dậy, khi nhận-biết trần-cảnh thì nhớ, khi hết nhớ thì gọi là quên. Các món sinh, trụ, dị, diệt, trái-ngược đó, thói-quen thu-nạp đưa vào trong, không lẫn-lộn nhau, gọi là ý-căn. Cả cái ý-căn cùng cái mỏi-mệt, đồng là thể-tính Bồ-đề chăm-chú phát ra tướng mỏi-mệt.

Nhân nơi hai thứ vọng-trần sinh và diệt, nhóm cái biết ở trong, thu-nạp pháp-trần bên trong, dòng thấy nghe đi ngược lại vào bên trong mà không đến đâu, gọi là cái ý-hay-biết. Cái ý-hay-biết đó rời hai trần thức và ngủ, sinh và diệt kia, rốt-ráo không có tự-thể. Thật vậy, A-nan, nên biết cái ý-căn hay-biết như thế, không phải từ nơi thức, nơi ngủ mà đến, không phải do cái sinh, cái diệt mà có, không phải từ nơi ý-căn mà phát ra, cũng không phải do nơi hư-không mà sinh. Ví cớ sao? Nếu từ nơi thức mà đến, thì khi ngủ đã theo cái thức mà diệt rồi, còn lấy cái gì làm cái ngủ; nếu chắc lúc sinh mới có, thì khi diệt, đã hóa như không có rồi, thì lấy cái gì mà biết là diệt. Nếu do cái diệt mà có, thì khi sinh, không có diệt nữa, lấy gì mà biết là sinh. Nếu do ý-căn mà ra, thì hai tướng thức, ngủ thay-đổi lẫn nhau nơi thân-thể, nếu rời hai tướng ấy ra, thì cái ý-hay-biết đó, cũng như hoa-đốm hư-không, rốt-ráo không có tự-tính. Nếu do hư-không mà sinh, thì hư-không tự biết, nào có dính gì chỗ thu-nạp của ông. Vậy nên biết rằng ý-nhập là luống-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.


[3]

THU MƯỜI HAI XỨ VỀ TÁNH NHƯ-LAI-TẠNG



"Lại nữa, A-nan, vì sao bản-tính của 12 xứ, vốn là tính chân-như nhiệm-mầu của Như-lai-tạng?

A-nan, ông hãy xem rừng cây Kỳ-đà và các suối ao đó; ý ông nghĩ thế nào? Như thế là sắc-trần sinh ra cái thấy, hay cái thấy sinh ra sắc-tướng?

A-nan, nếu cái thấy sinh ra sắc-tướng, thì khi thấy hư-không, không có sắc-tướng, lẽ ra tính-thấy sinh ra sắc-tướng đã tiêu mất rồi. Mà đã tiêu mất, thì tỏ ra hết thảy đều không; sắc-tướng đã không, thì lấy gì rõ được tướng hư-không? Đối với hư-không thì cũng như vậy.

Lại nếu sắc-trần sinh ra cái thấy, thì khi thấy hư-không, không có sắc, cái thấy liền tiêu mất đi, tiêu mất thì tất-cả đều không, lấy gì rõ được hư-không và sắc-tướng?

Vậy nên biết rằng cái thấy cùng sắc, không, đều không có xứ-sở; tức sắc-trần và cái thấy, hai xứ đó đều luống-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.


"A-nan, ông lại nghe trong vườn Kỳ-đà nầy, khi đồ-ăn dọn rồi thì đánh trống, khi chúng nhóm lại thì đánh chuông, tiếng chuông, tiếng trống trước sau nối nhau. Ý ông nghĩ thế nào? Như thế là, cái tiếng đến bên cái nghe hay cái nghe đến chỗ cái tiếng? A-nan, nếu như cái tiếng đó đến bên cái nghe, thì cũng như tôi khất-thực trong thành Thất-la-phiệt, tại rừng Kỳ-đà không có tôi nữa. Cái tiếng đó đã đến bên cái nghe của ông A-nan, thì lẽ ra ông Mục-Liên, ông Ca-Diếp không cùng nghe một lần, huống chi, trong nầy có 1250 vị Sa-môn, một khi nghe tiếng chuông, đồng đến chỗ ăn cơm cả.

Lại như cái nghe của ông đến bên cái tiếng, thì cũng như tôi đã về rừng Kỳ-đà rồi, trong thành Thất-la-phiệt, không còn tôi nữa; vậy khi ông nghe tiếng trống, cái nghe của ông đã đến nơi tiếng trống rồi, thì khi tiếng chuông cũng phát ra, lẽ ra ông không thể nghe cả hai bên, huống nữa, ông còn nghe được cả tiếng voi, ngựa, trâu, dê và nhiều tiếng khác. Còn nếu không đi đến với nhau, thì lại không nghe.

Vậy nên biết rằng cái nghe và cái tiếng đều không có xứ-sở; tức cái nghe và thanh-trần, hai xứ đều luống-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.


"A-nan, ông hãy ngửi hương chiên-đàn trong lư nầy, hương ấy, nếu đốt đến một thù, thì cả thành Thất-la-phiệt, trong 40 dặm, đồng-thời đều ngửi mùi thơm. Ý ông nghĩ thế nào? Mùi thơm ấy sinh ra, do cây chiên-đàn, do nơi lỗ mũi của ông hay do nơi hư-không? Nếu như mùi thơm ấy sinh ra do lỗ mũi của ông, thì đã gọi là do lỗ mũi sinh ra, tất phải từ lỗ mũi mà ra, lỗ mũi không phải chiên-đàn, làm sao trong lỗ mũi, lại có được mùi thơm chiên-đàn? Lại đã gọi rằng ông ngửi mùi thơm, thì mùi thơm phải vào trong lỗ mũi, còn trong lỗ mũi phát ra mùi thơm, mà nói rằng ngửi được, thì không đúng nghĩa.

Nếu sinh ra do nơi hư-không, thì tính hư-không thường còn, mùi thơm cũng phải thường có, cần gì phải đốt cây khô chiên-đàn trong lư rồi mới có. Nếu mùi thơm sinh ra do cây chiên-đàn, thì cái chất thơm ấy nhân đốt mà thành khói; nếu lỗ mũi ngữi được, thì lẽ ra khói phải xông đến lỗ mũi, làm sao, khói đó lên trên không, chưa được bao xa, mà trong 40 dặm đều ngửi thơm cả.

Vậy, nên biết rằng hương-trần và cái ngửi đều không có xứ-sở, tức cái ngửi và hương-trần hai xứ đều luống-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.


"A-nan, ông thường hai thời, ở trong chúng cầm bình-bát khất-thực. Trong đó, hoặc gặp những món tô, lạc, đề-hồ, gọi là vị quý.

Ý ông nghĩ thế nào? Vị đó sinh ra, do nơi hư-không, do nơi cái lưỡi hay do nơi đồ-ăn?

A-nan, nếu vị ấy sinh ra do nơi cái lưỡi của ông, thì ở trong miệng ông chỉ có một cái lưỡi; cái lưỡi lúc bấy giờ đã thành vị tô rồi, nếu gặp đường phèn, lẽ ra cái vị không dời-đổi, mà nếu không dời-đổi, thì không gọi được là biết vị, còn nếu dời-đổi, thì cái lưỡi không phải có nhiều tự-thể, làm sao, một cái lưỡi lại biết được nhiều vị? Nếu sinh ra do đồ-ăn, thì đồ-ăn không có tri-giác, làm sao tự biết được vị? Lại đồ-ăn tự biết, thì cũng đồng như người khác ăn, nào có dính gì đến ông, mà gọi rằng ông biết vị? Nếu sinh ra do hư-không, thì ông hãy nếm cái hư-không xem là vị gì. Nếu cái hư-không đó vị mặn, thì đã làm mặn cái lưỡi của ông, cũng phải làm mặn cái mặt của ông và mọi người trong cõi nầy, cũng giống như cá bể, đã thường chịu cái mặn, không còn biết thế nào là nhạt nữa. Nhưng nếu không biết nhạt, thì lại cũng không biết mặn. Mà đã không biết cái gì, thì làm sao còn gọi là biết vị?

Vậy nên biết rằng các vị và cái lưỡi biết nếm đều không có xứ-sở; tức cái biết nếm cùng với các vị, hai xứ đều luống-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.


"A-nan, ông thường sớm mai lấy tay xoa đầu, ý ông nghĩ thế nào? Trong việc biết xoa đó, lấy cái gì làm cái biết cảm-xúc? Cái biết ở nơi tay hay ở nơi đầu? Nếu nó ở nơi tay, mà cái đầu không biết, thì làm sao thành cái cảm-xúc ấy? Còn nếu nó ở nơi đầu, mà cái tay vô-dụng, thì làm sao gọi là cảm-xúc được. Nếu cả cái đầu và cái tay, mỗi cái đều có biết, thì một mình ông A-nan phải có hai cái biết cảm-xúc.

Nếu cả đầu và tay đều do một cảm-xúc sinh ra, thì tay và đầu lẽ ra chỉ có một tự-thể; mà nếu chỉ có một tự-thể, thì không năng, không sở, cảm-xúc không thành-lập được. Còn nếu là hai thể, thì cảm-xúc ở phía nào, ở bên năng, thì không ở bên sở, ở bên sở, thì không ở bên năng; không lẽ hư-không tạo-thành cảm-xúc cho ông?

Vậy nên biết rằng cảm-xúc và thân-căn đều không có xứ-sở; tức cái thân biết cảm-xúc cùng cái cảm-xúc, hai thứ đều luống-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.


"A-nan, ông thường trong ý duyên với ba tính: thiện, ác và vô-ký, sinh ra có các pháp-trần. Những pháp-trần đó tức nơi tâm mà sinh ra hay là rời cái tâm, riêng có chỗ khác?

A-nan, nếu tức nơi tâm, thì pháp-trần không phải là trần-cảnh nữa, và như thế, thì nó không phải là cái sở-duyên của tự-tâm, làm sao thành một xứ được? 

Nếu rời cái tâm, riêng có chỗ khác, thì bản-tính của pháp-trần là có biết hay không có biết?

Nếu có biết, thì gọi là tâm, nhưng nếu nó khác với ông và không phải trần-cảnh, thì cũng như cái tâm của người khác; còn nếu nó tức là ông và cũng tức là tâm, thì làm sao cái tâm nơi ông lại thành hai được?

Lại nếu như không có biết, cái pháp-trần đó đã không phải sắc, thanh, hương, vị, ly, hợp, lạnh, nóng và tướng hư-không, thì nó sẽ ở chỗ nào? Hiện nay nơi sắc, không, không thể chỉ nó ra được; không lẽ trong nhân-gian lại có cái ngoài hư-không?

Không có cảnh sở-duyên, thì ý-căn do đâu mà lập-thành một xứ được?

Vậy nên biết rằng pháp-trần cùng ý-căn đều không có xứ-sở; tức ý-căn cùng pháp-trần, hai xứ đều luống-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.


[4]

THU MƯỜI TÁM GIỚI VỀ TÁNH NHƯ-LAI-TẠNG


"Lại nữa A-nan, làm sao 18 giới vốn là tính chân-như nhiệm-mầu của Như-lai-tạng?

A-nan, như ông bày-tỏ : Nhãn-căn và sắc-trần làm duyên, sinh ra nhãn-thức. Thức đó lại là nhân nhãn-căn sinh ra, lấy nhãn-căn làm giới, hay nhân sắc-trần sinh ra, lấy sắc-trần làm giới?

A-nan, nếu nhân nhãn-căn sinh ra, mà không có sắc có không, thì không thể phân-biệt, dầu cho có cái thức của ông thì đem ra dùng về việc gì? Cái thấy của ông, ngoài những sắc xanh, vàng, trắng, đỏ, thì không thể biểu-hiện được; vậy do đâu mà lập thành ra giới?

Nếu nhân sắc-trần sinh ra, thì khi chỉ có hư-không, không có sắc, lẽ ra cái thức của ông phải diệt, làm sao còn biết được là hư-không? Nếu khi sắc-tướng biến-đổi thành hư-không, ông cũng biết rằng sắc-tướng biến-đổi, mà cái thức của ông thì không biến đổi; thế thì, do đâu mà lập sắc-trần làm giới? Nếu theo sắc-trần mà biến-đổi, thì tự-nhiên sắc-trần không thành giới được. Nếu không biến-đổi, thì là thường hằng, cái thức đã do sắc-trần sinh ra, lẽ ra không thể biết hư-không ở đâu?

Nếu gồm hai thứ nhãn-căn và sắc-trần chung cùng sinh ra ; vậy, như hợp lại, thì ở giữa phải ly, còn như ly ra, thì hai bên lại hợp, thể-tính xen-lộn, làm sao thành được giới?

Vậy nên biết rằng nhãn-căn sắc-trần làm duyên, sinh ra giới nhãn-thức, cả ba chỗ đều không, và ba giới nhãn-căn, sắc-trần và nhãn-thức, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.



"A-nan, lại như ông bày-tỏ : Nhĩ-căn và thanh-trần làm duyên, sinh ra nhĩ-thức. Thức đó nhân nhĩ-căn sinh ra, lấy nhĩ-căn làm giới, hay nhân thanh-trần sinh ra, lấy thanh-trần làm giới?

A-nan, nếu nhân nhĩ-căn sinh ra, mà không có hai tướng động, tĩnh hiện-tiền, thì cái biết của nhĩ-căn cũng không thành; mà đã không biết gì, thì cái biết còn không thành, huống nữa cái thức phân-biệt còn có hình-trạng gì.

Nếu nhân lỗ tai nghe thì đã không động, tĩnh, cái nghe cũng không thành ; làm sao lấy hình-sắc lỗ tai đối với xúc-trần, mà gọi được là giới nhĩ-thức ; và cái giới nhĩ-thức như thế, do đâu mà lập ra.

Nếu nhân thanh-trần mà sinh, thì cái nhĩ-thức nhân thanh-trần mà có, không có dính-líu gì đến cái nghe ; mà đã không nghe, thì cũng không biết các tướng thanh-trần ở đâu. Lại nói nhĩ-thức do thanh-trần sinh ra, dầu cho rằng thanh-trần, nhân cái nghe mà có tướng, thì cái nghe, lẽ phải nghe được nhĩ-thức. Nếu không nghe được nhĩ-thức, thì thanh-trần không phải là giới của nhĩ-thức. Nếu nghe được, thì nhĩ-thức cũng đồng như thanh-trần, và nhĩ-thức đã bị nghe, thì lấy cái gì biết được rằng đã nghe cái thức? Còn nếu cái thức không biết, thì cũng như cỏ như cây.

Lại không lẽ thanh-trần và cái nghe xen-lộn, thành ra giới ở giữa? Giới ở giữa đã không có, thì các tướng nội-căn, ngoại-trần, do đâu mà thành-lập được.

Vậy, nên biết rằng nhĩ-căn, thanh-trần làm duyên, sinh ra giới nhĩ-thức, cả ba chỗ đều không và ba giới nhĩ-căn, thanh-trần và nhĩ-thức, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.



"A-nan, lại như ông bày-tỏ: Tỷ-căn và hương-trần làm duyên, sinh ra tỷ-thức. Thức đó lại nhân tỷ-căn sinh ra, lấy tỷ-căn làm giới, hay nhân hương-trần sinh ra, lấy hương-trần làm giới?

A-nan, nếu nhân tỷ-căn sinh ra, thì trong tâm ông lấy cái gì làm tỷ-căn? Ông lấy cái hình-tướng mũi thịt như hai móng tay, hay lấy cái tính ngửi-biết lay-động làm tỷ-căn?

Nếu lấy cái hình-tướng mũi thịt, thì chất thịt là thân-căn và cái biết của thân-căn là cái biết cảm-xúc. Đã gọi là thân-căn thì không phải là tỷ-căn, đã gọi rằng cảm-xúc, thì đó là xúc-trần đối với thân-căn. Vậy, còn không có gì đáng gọi là tỷ-căn, do đâu mà lập thành giới?

Nếu lấy cái ngửi-biết làm tỷ-căn, thì trong tâm ông lấy cái gì làm cái có ngửi-biết? Nếu lấy lỗ mũi thịt, thì cái biết của chất thịt là xúc-trần, chứ không phải như tỷ-căn; nếu lấy cái hư-không làm cái có ngửi-biết, thì hư-không tự biết, còn xác-thịt lẽ ra không biết, như thế, thì lẽ ra hư-không là ông; thân của ông mà không có biết, thì ông A-nan hiện nay lẽ cũng không còn đâu nữa.

Nếu lấy cái hương làm cái có ngửi-biết, thì cái biết thuộc về hướng-trần, nào dính gì đến ông?

Nếu các mùi thơm, thối sinh ra do tỷ-căn của  ông, thì hai mùi thơm, thối kia không sinh ra do cây y-lan và cây chiên-đàn; hai vật đó không tới, ông tự ngửi lỗ mũi là thơm hay là thối; thối thì không phải thơm, thơm thì không phải thối; nếu cả hai mùi thơm, thối đều ngửi được cả, thì một người ông phải có hai tỷ-căn và đứng trước tôi hỏi đạo phải có hai ông A-nan, thì ông nào mới là tự-thể của ông. Còn nếu tỷ-căn là một, thì thơm, thối không hai, thối đã thành thơm, thơm đã thành thối, hai tính đó đã không có, thì lấy gì lập được thành giới?

Lại nếu nhân hương-trần mà có, thì tỷ-thức đã nhân hương-trần mà có, cũng như nhân con mắt có thấy, không thể thấy được con mắt; tỷ thức nhân hương-trần mà có, lẽ ra không biết được hương-trần. Nếu biết được hương-trần, thì không phải do hương-trần sinh ra, nếu không biết được hương-trần, thì không phải là tỷ-thức.

Hương-trần mà không ngửi biết là có, thì cái giới hương-trần không thành; tỷ-thức mà không biết hương-trần, thì cái giới của nó, không phải do hương-trần mà lập. Đã không có cái thức trung-gian, thì nội-căn, ngoại-trần cũng không thành và tất-cả những điều ngửi-biết kia rốt-ráo đều luống-dối.

Vậy, nên biết rằng tỷ-căn, hương-trần làm duyên, sinh ra tỷ-thức, cả ba chỗ đều không và ba giới tỷ-căn, hương-trần và tỷ-thức, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.



"A-nan, lại như ông bày-tỏ: Thiệt-căn và vị-trần làm duyên, sinh ra thiệt-thức. Thức đó lại nhân thiệt-căn sinh ra, lấy thiệt-căn làm giới, hay nhân vị-trần sinh ra, lấy vị-trần làm giới?

A-nan, nếu nhân thiệt-căn sinh ra, thì như trong thế-gian, những loại mía ngọt, mơ chua, hoàng-liên đắng, muối mặn, tế tân, gừng, quế cay, đều không có vị, ông tự nếm cái lưỡi là ngọt hay là đắng. Nếu cái lưỡi là đắng, thì lấy cái gì mà nếm cái lưỡi; cái lưỡi đã không thể tự nếm được, thì lấy gì mà có hay-biết; còn nếu cái lưỡi không đắng, thì tự-nhiên vị-trần không sinh ra, làm sao mà lập được thành giới?

Nếu nhân vị-trần sinh ra ; vậy thiệt-thức đã là vị rồi, thì cũng đồng như thiệt-căn, không thể tự nếm được, làm sao còn biết được là có vị hay không có vị? Lại tất-cả các vị không phải do một vật sinh ra. Các vị đã do nhiều vật sinh ra, thì cái thiệt-thức do vị-trần sinh ra, cũng phải có nhiều tự-thể. Nếu tự-thể của thiệt-thức là một và tự-thể đó thật do vị-trần sinh ra, thì các vị mặn, nhạt, chua, cay và nhiều vị khác nhau, do các thứ đó hòa-hợp cùng sinh ra, đều chỉ là một vị, lẽ ra không có phân-biệt; mà đã không có phân-biệt, thì không thể gọi là thức, làm sao còn gọi là giới thiệt-thức? Không lẽ hư-không lại sinh được cái thức của ông?

Nếu thiệt-căn, vị-trần, hòa-hợp mà sinh ra cái thức ở giữa, vốn không tự-tính, làm sao mà lập được thành giới?

Vậy, nên biết rằng thiệt-căn, vị-trần làm duyên, sinh ra thiệt-thức, cả ba chỗ đều không, và ba giới thiệt-căn, vị-trần và thiệt-thức, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.


"A-nan, lại như ông bày-tỏ: Thân-căn và xúc-trần làm duyên, sinh ra thân-thức. Thức đó lại là nhân thân-căn sinh ra, lấy thân-căn làm giới, hay nhân xúc-trần sinh ra, lấy xúc-trần làm giới?

A-nan, nếu nhân thân-căn sinh ra, không có cái duyên của hai cảm-xúc hợp và ly, thì thân-căn còn biết gì. Nếu nhân xúc-trần sinh ra mà không có thân-căn của ông, thì có ai không có thân-căn mà biết hợp, biết ly được.

A-nan, vật thì không biết cảm-xúc, thân-căn có biết, mới có cảm-xúc ; tức nơi cảm-xúc, mà biết có thân-căn, tức nơi thân-căn mà biết có cảm-xúc; nhưng đã tức là cảm-xúc, thì không phải thân-căn, mà đã tức là thân-căn, thì không phải cảm-xúc; cả hai tướng thân-căn và xúc-trần, vốn không có xứ-sở. Nếu xúc-trần hợp một với thân-căn, thì tức là tự-thể của thân-căn rồi; còn nếu rời hẳn với thân-căn, thì thành không có gì, như các tướng hư-không.

Nội-căn, ngoại-trần đã không thành, thì làm sao lập được cái thức ở giữa; cái thức ở giữa đã không lập được, thì nội-căn, ngoại-trần, bản-tính cũng rỗng-không và cái thức của ông do đâu mà lập được thành giới.

Vậy, nên biết rằng thân-căn, xúc-trần làm duyên, sinh ra thân-thức, cả ba chỗ đều không, và ba giới thân-căn, xúc-trần và thân-thức, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.


"A-nan, lại như ông bày-tỏ: Ý-căn và pháp-trần làm duyên, sinh ra ý-thức. Thức đó lại là nhân ý-căn sinh ra, lấy ý-căn làm giới, hay nhân pháp-trần sinh ra, lấy pháp-trần làm giới?

A-nan, nếu nhân ý-căn sinh ra, thì trong ý ông, chắc phải có chỗ nghĩ-ngợi mới phát-minh được cái ý của ông ; nếu không có các pháp-trần, thì ý-căn không thể sinh ra được. Rời các pháp-trần, ý-căn còn không có hình-tướng, thì đem ý-thức ra mà dùng vào việc gì?

Lại cái thức-tâm của ông với các thứ nghĩ-ngợi, các sự rõ-biết là đồng nhau hay khác nhau. Nếu đồng với ý-căn, thì tức là ý-căn rồi, làm sao lại do ý-căn sinh ra ? Nếu khác, mà không đồng với ý-căn, thì lẽ ra không còn biết gì. Nếu không biết gì, thì làm sao lại do ý-căn sinh ra; còng nếu có biết, thì làm sao lại chia ra ý-thứ và ý-căn? Chỉ hai tính đồng nhau, khác nhau còn không thành, làm sao lập được thành giới?

Nếu nhân pháp-trần sinh ra, thì các pháp trong thế-gian, không ngoài năm trần. Ông hãy xét các pháp sắc, thanh, hương, vị, xúc, có tướng rõ-ràng đối với năm căn, đều không thuộc về phần thu-nạp của ý-căn. Nếu ý-thức của ông quyết-định nương nơi pháp-trần mà sinh ra, thì ông hãy xét từng pháp, từng pháp, hình-trạng thế nào. Nếu rời hẳn các tướng sắc, không, động, tĩnh, thông, bịt, hợp, ly, sinh, diệt, thì rốt-ráo không thành một pháp nào cả. Lại, sinh cũng là các pháp như sắc, như không sinh ra, diệt cũng như các pháp như sắc, như không diệt mất. Các nguyên-nhân đã không thành, thì cái thức do nó sinh ra, còn có hình-tướng gì; hình-tướng còn không có, làm sao mà lập được thành giới. Vậy, nên biết rằng ý-căn, pháp-trần làm duyên, sinh ra ý-thức, cả ba chỗ đều không, và ba giới ý-căn, pháp-trần và ý-thức, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên".


[5]

THU BẢY ĐẠI VỀ TÁNH NHƯ-LAI-TẠNG


Ông A-nan bạch Phật : "Thưa Thế-tôn, đức Như-lai thường nói về nhân duyên hòa-hợp rằng: Tất-cả các thứ biến-hóa trong thế-gian đều nhân bốn món "Đại" hòa-hợp mà phát ra. Làm sao đức Như-lai lại bác-bỏ cả hai nghĩa nhân-duyên và tự-nhiên. Nay tôi không biết nghĩa đó thế nào, xin Phật rủ lòng thương-xót chỉ-bày cho chúng-sinh nghĩa rốt-ráo của trung-đạo, không còn các đều hý-luận."


Khi bấy giờ, đức Thế-tôn bảo ông A-nan rằng : "Trước đây ông nhàm-chán các pháp tiểu-thừa Thanh-Văn, Duyên-giác, phát tâm tha-thiết cầu đạo vô-thượng Bồ-đề, nên tôi lúc nầy chỉ-bày cho ông đệ-nhất-nghĩa-đế, làm sao ông lại còn đem những nhân-duyên vọng-tưởng hý-luận thế-gian mà tự ràng-buộc mình? Ông tuy nghe được nhiều pháp, nhưng cũng như người nói tên vị thuốc, mà đến khi thuốc thật ở trước mắt, thì lại không phân-biệt được. Như-lai gọi là rất đáng thương-xót. Nay ông hãy nghe cho kỹ, tôi sẽ vì ông phân-tách chỉ-bày và cũng để cho những người tu đại-thừa sau nầy thông-suốt được thật-tướng."

Ông A-nan yên-lặng kính vâng thánh-chỉ của Phật.

Phật dạy : "A-nan, như ông đã nói: Bốn món "Đại" hòa-hợp phát ra các thứ biến-hóa trong thế-gian. A-nan, nếu tính các món đại kia không phải hòa-hợp, thì không thể lẫn-lộn với các đại khác, cũng như hư-không không thể hòa-hợp được với các sắc-tướng. Nếu tính của các đại là hòa-hợp, thì cũng đồng như các thứ biến-hóa, thủy chung thành nhau, sinh diệt nối nhau, sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, sinh sinh diệt diệt, như vòng lửa quay tròn chưa hề dừng nghỉ. A-nan, như nước thành giá, giá lại thành nước.


Ông hãy xét cái tính của địa-đại, to thì làm đất liền, nhỏ thì làm vi-trần, cho đến lân-hư-trần, do chẻ chất cực-vi, là sắc-tướng nhỏ tột, ra 7 phần mà thành. Nếu chẻ lân-hư-trần nữa, thì thật là tính hư-không.

A-nan, nếu cái lân-hư-trần đó, chẻ ra thành được hư-không, thì biết hư-không cũng sinh ra được sắc-tướng. Nay ông hỏi rằng do hòa-hợp mà sinh ra các tướng biến-hóa trong thế-gian, thì ông hãy xét một cái lân-hư-trần, phải dùng bao nhiêu hư-không hợp lại mới có, không thể lân-hư-trần hợp lại thành lân-hư-trần. Lại lân-hư-trần đã chẻ được thành hư-không, thì phải dùng bao nhiêu sắc-tướng hợp lại, mới thành cả hư-không. Nhưng nếu sắc-tướng hợp lại, thì hợp sắc-tướng lại, không thể thành được hư-không; còn nếu hư-không hợp lại, thì hợp hư-không lại, không thể thành được sắc-tướng; sắc-tướng còn có thể chẻ được, chứ hư-không thì làm sao mà hợp được?

Ông vốn không biết trong Như-lai-tạng, tính sắc là chân-không, tính không là chân-sắc, bản-nhiên thanh-tịnh, cùng khắp pháp-giới, theo tâm chúng-sinh, đáp-ứng với lượng hay-biết, theo nghiệp mà phát-hiện; thế-gian không biết, lầm là nhân-duyên và tính tự-nhiên, đều là những so-đo phân-biệt của ý-thức, chỉ có lời nói, toàn không có nghĩa chân-thật.


"A-nan, hỏa-đại không có tự-thể, gửi nơi các duyên mà phát-hiện. Ông hãy xem các nhà, chưa ăn ở trong thành, khi muốn nhóm bếp, thì tay cầm kính hiển-vi, đưa trước ánh sáng mặt trời mà lấy lửa.

A-nan, phàm gọi là hòa-hợp, thì như tôi cùng ông và 1.250 vị tỷ-khưu, hiện nay, hợp-thành một chúng; tuy chúng chỉ có một, song gạn-xét về căn-bản, thì mỗi người đều có thân, đều có danh-tự họ-hàng của mình, như ông Xá-lỵ-phất, thì thuộc dòng Bà-la-môn, ông Ưu-lâu-tần-loa, thì thuộc dòng Ca-diếp-ba, cho đến ông A-nan, thì thuộc dòng họ Cù-đàm.

A-nan, nếu lửa đó nhân hòa-hợp mà có, thi khi người kia cầm kính lấy lửa nơi ánh sáng mặt trời, lửa đó từ trong kính mà ra, do bùi-nhùi mà có hay từ mặt trời mà đến?

A-nan, nếu từ mặt trời mà đến, thì lửa ấy đã đốt được bùi-nhùi trong tay của ông, những rừng cây mà ánh sáng mặt trời đi qua, lẽ ra đều bị đốt cả. Nếu từ trong kính mà ra, thì lửa ấy đã có thể từ trong kính ra đốt cháy bùi-nhùi, làm sao cái kính lại không chảy; cho đến cả cái tay ông cầm kính còn không thấy nóng, thì làm sao kính lại chảy được. Nếu do bùi-nhùi sinh ra, thì cần gì ánh sáng mặt trời và kính tiếp-đối với nhau, rồi sau lửa mới sinh ra. Ông hãy xét cho kỹ, kính do tay cầm, mặt trời thì đi trên trời, còn bùi-nhùi thì từ đất sinh ra, vậy lửa từ phương nào đi đến chỗ đó. Mặt trời và kính xa nhau, không phải hòa, không phải hợp, không lẽ lửa kia, không do đâu mà tự có.

Ông còn không biết trong Như-lai-tạng, tính hỏa là chân-không, tính không là chân-hỏa, bản-nhiên thanh-tịnh cùng khắp pháp-giới, theo tâm chúng-sinh, đáp-ứng với lượng hay-biết.

A-nan, ông nên biết rằng người đời cầm kính một chỗ, thì một chỗ có lửa sinh ra, khắp pháp-giới đều cầm kính, thì khắp pháp-giới bốc lửa. Lửa bốc khắp thế-gian, đâu có chỗ ở, theo nghiệp mà phát-hiện. Thế-gian không biết, lầm là nhân-duyên và tính tự-nhiên, đều là những so-đo phân-biệt của ý-thức, chỉ có lời nói, toàn không có nghĩa chân-thật.


"A-nan, tính nước không nhất-định, khi chảy, khi đứng không chừng. Như trong thành Thất-la-phiệt, các ông tiên Ca-tỳ-la, Chước-ca-la và các nhà đại-huyễn-thuật Bát-đầu-ma, Ha-tát-đa, vân vân... muốn cầu tinh Thái-âm để hòa với các thuốc huyễn-thuật, thì các ông ấy, trong lúc sáng trăng trong, tay cầm hạt châu Phương-chư, hứng nước trong ánh mặt trăng. Vậy, nước ấy từ trong hạt châu mà ra, do hư-không mà có hay từ mặt trăng mà đến?

A-nan, nếu từ mặt trăng mà đến, thì ở phương xa còn có thể làm cho hạt châu chảy ra nước, những rừng cây ánh sáng mặt trăng đi qua, lẽ ra đều phải phun nước; mà nếu phun nước, thì sao lại phải đợi có hạt châu Phương-như mới chảy nước được? Còn nếu không phun nước, thì rõ-ràng nước đó, không phải từ mặt trăng mà xuống. Nếu từ hạt châu mà ra, thì trong hạt châu ấy, thường phải chảy nước, sao còn phải đợi ánh sáng mặt trăng trong lúc nửa đêm? Nếu do hư-không mà sinh, thì hư-không không bờ-bến, nước cũng không giới-hạn; vậy từ cõi người đến cõi trời, lẽ ra đều phải chìm-ngập cả, làm sao lại còn có thủy, lục, không, hành? Ông hãy xét cho kỹ, mặt trăng từ trên trời đi qua, hạt châu do tay cầm, còn cái mâm hứng nước thì do người sắp đặt; vậy nước kia từ phương nào mà chảy đến đó. Mặt trăng và hạt châu xa nhau, không phải hòa, không phải hợp, không lẽ nưóc kia, không do đâu mà tự có.

Ông còn biết trong Như-lai-tạng, tính thủy là chân-không, tính không là chân-thủy, bản-nhiên thanh-tịnh, cùng khắp pháp-giới, theo tâm chúng-sinh, đáp-ứng với lượng hay-biết. Một chỗ cầm hạt châu, thì một chỗ nước chảy ra, khắp pháp-giới cầm hạt châu, thì đầy pháp-giới nước sinh ra. Thủy-đại sinh khắp thế-gian, đâu có chỗ ở, theo nghiệp mà phát-hiện; thế-gian không biết, lầm là nhân-duyên và tính tự-nhiên, đều là những so-đo phân-biệt của ý-thức, chỉ có lời nói, toàn không có nghĩa chân-thật.


"A-nan, phong-đại không có tự-thể, khi động, khi tĩnh không chừng. Ông thường sửa áo, vào trong đại-chúng, gấu áo Tăng-già-lê động đến người bên cạnh, thì có chút gió phảy qua mặt người kia. Gió đó lại là, do gấu áo ca-sa mà ra, do hư-không mà phát-khởi hay do mặt người kia mà sinh?

A-nan, nếu gió đó phát ra, do gấu áo ca-sa, thì ông đã mặc cả gió, lẽ ra cái áo phải bay tung ra, rời khỏi thân-thể của ông. Nay tôi thuyết-pháp, rũ áo ở trong Hội nầy, ông hãy xem cái áo tôi, gió ở chỗ nào? Không lẽ trong áo lại có chỗ chứa gió.

Nếu gió đó do hư-không sinh ra, thì khi cái áo ông không động, vì sao lại không phải gió? Và tính hư-không thường còn, thì gió lại phải thường sinh ra; khi không có gió, thì hư-không phải diệt mất. Gió diệt, thì có thể thấy được, còn hư-không diệt, thì hình-trạng thế nào? Lại nếu có sinh diệt, thì không gọi là hư-không và đã gọi là hư-không, thì làm sao lại phát ra gió được?

Nếu gió đó sinh ra do cái mặt người bị phảy, thì đã do mặt người đó sinh ra, lẽ ra phải phảy lại ông, sao tự ông sửa áo mà lại phảy ngược lại người kia?

Ông hãy xét cho kỹ: Sửa áo là do nơi ông, cái mặt thì thuộc về người kia, hư-không thì vắng-lặng, không thể lay-động, vậy gió từ phương nào giong-ruổi đến đó. Tính gió và tính hư-không cách xa nhau, không phải hòa, không phải hợp, không lẽ gió kia, không do đâu mà tự có.

Ông thật không biết trong Như-lai-tạng, tính phong là tính chân-không, tính không là chân-phong, bản-nhiên thanh-tịnh cùng khắp pháp-giới, theo tâm chúng-sinh, đáp-ứng với lượng hay-biết. A-nan, như một mình ông hơi động cái áo, thì có chút gió phát ra; khắp pháp-giới đều phảy, thì khắp cõi nước sinh ra phong-đại. Phong-đại đầy-nhẩy thế-gian, đâu có chỗ ở, theo nghiệp mà phát-hiện. Thế-gian không biết, lầm là nhân-duyên và tính tự-nhiên, đều là những so-đo phân-biệt của ý-thức, chỉ có lời nói, toàn không có nghĩa chân-thật.


"A-nan, hư-không không có hình, nhân sắc-tướng mà tỏ-bày ra. Như trong thành Thất-la-phiệt, chỗ cách xa sông, những người dòng Sát-lỵ, dòng Bà-la-môn, dòng Tỳ-xá, dòng Thủ-đà hay dòng Phả-la-đọa, dòng Chiên-đà-la, vân vân... khi dựng nhà mới, thì đào giếng mà lấy nước, đào đất ra một thước, thì trong đó có một thước hư-không, như vậy cho đến đào đất ra một trượng, thì trong đó lại được một trượng hư-không, hư-không nông hay sâu, tùy đào đất ra nhiều hay ít. Hư-không đó là nhân đất mà ra, nhân đào mà có hay không nhân gì mà tự sinh?

A-nan, nếu hư-không đó không nhân gì mà tự sinh, thì khi trước khi chưa đào đất, sao nơi đó lại không trống-rỗng, mà chỉ thấy đất liền, hẳn không thông-suốt. Nếu nhân đất mà ra, thì khi đất ra, phải thấy hư-không vào; nếu đất ra trước, mà không thấy hư-không vào, thì làm sao hư-không lại nhân đất mà ra. Còn nếu không ra, không vào, thì hư-không với đất vốn không khác nhau; không khác tức là đồng, thì khi đất ra, sao hư-không lại không ra. Nếu nhân đào mà ra, thì phải đào ra hư-không, chứ không đào ra đất; nếu không nhân đào mà ra, thì tự đào ra đất, làm sao lại thấy hư-không?

Ông hãy xét cho kỹ, nhận-rõ xét-chín: Đào, thì do tay người, theo phương hướng mà vận-chuyển, đất, thì từ nơi đất liền mà dời đi, còn hư-không, như vậy, thì nhân đâu mà ra. Đào là thật sự, hư-không là rỗng trống, không có tác-dụng gì với nhau, không phải hòa, không phải hợp, không lẽ hư-không không do đâu mà tự ra. Nếu cái hư-không đó, bản-tính viên-mãn cùng khắp, không có lay-động, thì nên biết hiện-tiền hư-không và bốn thứ địa, thủy, hỏa, phong, đều gọi là năm đại, tính thật viên-dung, vốn là tính Như-lai-tạng, không sinh, không diệt.

A-nan, tâm ông mê-muội, không ngộ được bốn đại vốn là tính Như-lai-tạng, ông hãy xét cái hư-không là ra, là vào hay không ra, không vào. Ông toàn không biết trong Như-lai-tạng, tính giác là chân-không, tính không là chân-giác, bản-nhiên thanh-tịnh, cùng khắp pháp-giới, theo tâm chúng-sinh, đáp-ứng với lượng hay-biết. A-nan, như một giếng trống không, thì hư-không sinh trong một giếng; hư-không thập phương, thì cũng như vậy. Không-đại cùng khắp mười phương, đâu có chỗ ở, theo nghiệp mà phát-hiện; thế-gian không biết, lầm là nhân-duyên và tính tự-nhiên, đều là những so-đo phân-biệt của ý-thức, chỉ có lời nói, toàn không có nghĩa chân-thật.


"A-nan, kiến-đại có giác-quan mà không phân-biệt, nhân các thứ sắc, không mà có. Như hiện nay ông ở trong rừng Kỳ-đà, sớm mai thì sáng, ban đêm thì tối, đến lúc nửa đêm, trăng tròn thì sáng, vắng trăng thì tối; những tướng sáng, tối ấy do cái thấy phân-tách. Cái thấy đó, lại là đồng một thể với các tướng sáng, tối và cả hư-không, hay không đồng một thể. Hoặc cũng đồng, cũng không phải đồng, hoặc cũng khác, cũng không phải khác?

A-nan, nếu cái thấy đó, cùng với sáng, tối và hư-không vốn là một thể, thì cái sáng, cái tối tiêu-diệt lẫn nhau, khi tối, thì không sáng, khi sáng thì không tối; nếu như cái thấy cùng một thể với cái tối, thì khi sáng, cái thấy phải tiêu mất; nếu cùng một thể với cái sáng, thì khi tối, cái thấy phải diệt rồi, mà đã diệt, thì làm sao còn thấy được sáng, thấy được tối. Còn như sáng và tối khác nhau, còn cái thấy thì không sinh không diệt, thì làm sao lại thành đồng một thể được?

Nếu cái thấy đó không phải đồng một thể với cái tối và cái sáng, thì ngoài cái sáng, cái tối và hư-không ra, ông hãy phân-tách cái thấy thành hình-tướng gì; rời cái sáng, cái tối và hư-không, cái thấy đó cũng đồng như lông rùa sừng thỏ; nếu tách hẳn ba thứ sáng, tối và hư-không, thì do đâu mà thành-lập được cái thấy?

Sáng và tối trái-ngược lẫn nhau, làm sao hoặc cũng là đồng; rời ba thứ sáng, tối và hư-không, cái thấy vốn không còn gì, làm sao hoặc cũng là khác. Bên hư-không, bên cái thấy, vốn không có bờ-cõi, làm sao lại không phải đồng; thấy cái tối, thấy cái sáng, tính không dời-đổi, làm sao lại không phải khác?

Ông hãy xét cho kỹ, suy-xét chín-chắn, nhận cho cùng, xét cho rõ, sáng là do mặt trời, tối là do đêm không trăng, thông-suốt thuộc về hư-không, ngăn-bịt thuộc về đất liền còn cái thấy, như vậy nhân đâu mà ra. Cái thấy có giác-quan, hư-không thì không hay-biết, không phải hòa, không phải hợp; không lẽ cái thấy, không do đâu mà tự phát ra. Còn như tất-cả các sự thấy, nghe, hay, biết, bản-tính viên-mãn cùng khắp, vốn không lay-động, thì nên biết kiến-đại cùng với hư-không không bờ-bến, không lay-động và bốn món đại : địa, thủy, hỏa, phong, có lay-động, đều gọi là sáu đại, tính thật là viên-dung, vốn là tính Như-lai-tạng, không sinh, không diệt.

A-nan, tính ông chìm-đắm, không ngộ được những sự thấy, nghe, hay, biết của ông vốn là tính Như-lai-tạng; ông hãy xét những thấy, nghe, hay, biết, đó là sinh hay diệt, là đồng hay là khác, là không phải sinh, không phải diệt, hay không phải đồng, không phải khác. Ông chưa từng biết trong Như-lai-tạng, cái thấy nơi tâm-tính là cái tính-minh của bản-giác; cái tính-minh của bản-giác biểu-lộ ra nơi cái thấy, bản-nhiên thanh-tịnh cùng khắp pháp-giới, theo tâm chúng-sinh đáp-ứng với lượng hay-biết.

Như nơi nhãn-căn, cái thấy cùng khắp pháp-giới, thì cái biết nghe, biết ngửi, biết nếm, biết xúc, biết các pháp, công-năng nhiệm-mầu sáng-suốt cũng cùng khắp pháp-giới, đầy-đủ thập phương hư-không, đâu có chỗ ở, theo nghiệp mà phát-hiện. Thế-gian không biết, lầm là nhân-duyên và tính tự-nhiên, đều là những phân-biệt so-đo của ý-thức, chỉ có lời nói, toàn không có nghĩa chân-thật.


"A-nan, thức-đại không có nguồn-gốc, nhân nơi sáu thứ căn, trần giả-dối phát ra. Nay ông hãy xem khắp thánh-chúng trong Hội này; ông dùng con mắt lướt qua, mắt ông trông khắp, chỉ như bóng trong gương, không phân-tách riêng-biệt. Cái thức ông, trong ấy theo thứ lớp chỉ ra đây là ông Văn-thù, đây là ông Phú-lâu-na, đây là ông Mục-kiền-liên, đây là ông Tu-bồ-đề, đây là ông Xá-lỵ-phất. Cái thức nhận-biết như thế sinh ra do cái thấy, do các tướng, do hư-không, hay không nhân gì bỗng-nhiên sinh ra?

A-nan, nếu cái thức của ông sinh ra do cái thấy; mà như không có các tướng sáng, tối và sắc, không, thì không còn cái thấy của ông; cái thấy còn không có, do đâu mà phát ra được cái thức? Nếu cái thức của ông sinh ra do các tướng, chứ không do cái thấy, thì đã không thấy sáng, cũng không thấy tối; sáng và tối đã không thấy, thì cũng không có sắc, không; các tướng kia còn không có, thì cái thức do đâu mà phát ra? Nếu cái thức sinh ra do hư-không, ngoài các tướng và ngoài cái thấy, thì ngoài cái thấy không có cảm-giác, tự-nhiên không thể biết được cái sáng, cái tối, các sắc-tướng và hư-không; ngoài các tướng, thì không có các duyên của tiền-trần, sự thấy, nghe, hay, biết, không do đâu mà thành-lập được. Ngoài hai thứ căn trần ra, nếu là không, thì cũng đồng như không có, còn nếu là có, thì cũng không đồng như các vật, dầu cho phát ra cái thức của ông, thì đem ra mà phân-biệt cái gì?

Nếu cái thức không nhân gì bỗng-nhiên mà phát ra, làm sao lại không phân-biệt mặt trăng sáng, trong lúc mặt trời đứng bóng?

Ông hãy xét kỹ, nhận-xét chín-chắn, cái thấy gá vào mắt của ông, các tướng thì trả về cho tiền-cảnh, cái gì có thể hình-trạng được, thì mới thành có, cái gì không có tướng, thì thành ra không; còn cái thức như vậy, nhân đâu mà ra?

Cái thức thì lay-động, cái thấy thì đứng-lặng, không phải hòa, không phải hợp, cho đến các sự nghe, ngửi, hay, biết, cũng đều như vậy. Không lẽ cái thức nhận-biết không do đâu mà phát ra.

Nếu cái thức đó không do đâu, thì nên biết cái thức-đại nhận-biết và cái căn-đại thấy, nghe, hay, biết, vẳng-lặng cùng khắp, bản-tính không nương vào đâu mà có; hai món đại ấy cùng với hư-không, địa, thủy, hỏa, phong, đều gọi là bảy đại, tính thật là viên-dung, vốn là tính Như-lai-tạng, không sinh, không diệt.

A-nan, tâm ông nông-nổi, không ngộ được cái nhận-biết các điều thấy-nghe, vốn là tính Như-lai-tạng. Ông hãy xét sáu cái thức là đồng hay là khác, là không hay là có, là không phải đồng, không phải khác, hay không phải không, không phải có. Ông vốn không biết trong Như-lai-tạng, cái thức nơi tâm-tính là cái tác-dụng nhận-biết của tính-minh bản-giác, và tính-minh bản-giác thật là chân-tính của thức-đại; bản-giác diệu-minh yên-lặng cùng khắp pháp-giới, ẩn-hiện thập-phương hư-không, đâu có chỗ ở, theo nghiệp mà phát-hiện. Thế-gian không biết, lầm là nhân-duyên, và tính tự-nhiên, đều là những so-đo phân-biệt của ý-thức, chỉ có lời nói, toàn không có nghĩa chân-thật".



GIÁC-NGỘ TÁNH NHƯ-LAI-TẠNG

Đem thâm-tâm phụng-sự cõi nước như vi-trần
Làm được như vậy mới gọi là báo ơn Phật


Khi bấy giờ, ông A-nan và cả đại-chúng nhờ Phật nhiệm-mầu chỉ-bày, thân tâm vắng-lặng, không điều ngăn-ngại. Cả trong đại-chúng đó, mỗi người tự biết tâm-tính cùng khắp mười phương, trông mười phương hư-không như xem cái vật, cái lá nắm trong bàn tay; tất-cả những vật có ra trong thế-gian, đều tức là tâm-tính Bồ-đề nhiệm-mầu sáng-suốt. Tâm-tính viên-mãn cùng khắp, trùm-chứa mười phương, trở lại xem cái thân cha mẹ sinh ra cũng như trong mười phương hư-không kia, thổi một vi-trần, dầu còn, dầu mất, chẳng khác biển lớn yên-lặng, nổi lên một bọt nước, dầu sinh hay diệt, cũng không dính-dáng gì. Rõ vậy tự biết-nhận được tâm-tính bản-lai thường-trụ không diệt, lễ Phật chấp tay, được cái chưa từng có, ở trước đức Như-lai, nói bài kệ tán-thán Phật: 

"Đức Thế-tôn bất-động,
Tổng-trì tính diệu-trạm,
Nói pháp Thủ-lăng-nghiêm,
Thật hy-hữu trong đời,
Khiến chúng tôi tiêu-diệt
Vọng-tưởng trong ức-kiếp,
Không trải qua tăng-kỳ
Mà chứng được pháp-thân.
Nguyện nay đã chứng-quả
Thành được vị Bảo-vương
Lại hóa-độ như thế
Cho cả hằng-sa chúng.
Đem thâm-tâm phụng-sự
Cõi nước như vi-trần,
Làm được như vậy mới
Gọi là báo ơn Phật.
Cúi xin đức Thế-tôn
Chứng-minh cho chúng tôi,
Thệ-nguyện quyết vào trước
Trong ngũ-trược ác-thế;
Nếu còn một chúng-sinh
Chưa thành được Phật-đạo,
Quyết không ở nơi đó
Chịu chứng-quả Niết-Bàn.
Kính thưa đức Đại-Hùng,
Đại-lực, Đại-Từ-Bi,
Trông-mong lại xét-trừ
Những điều lầm nhỏ-nhiệm,
Cho chúng tôi sớm lên
Đến bậc Vô-Thượng-Giác,
Nơi thập phương thế-giới
Ngồi đạo-trường thuyết-pháp.
Tính hư-không bất-diệt
Dầu có thể tiêu-mất,


Tâm-nguyện chắc-chắn nầy,
Quyết không hề lay-động."


( Diệu trạm tổng trì bất động tôn,

Thủ Lăng Nghiêm Vương thế hy hữu.

Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng.

Bất lịch tăng kỳ hoạch Pháp thân.

Nguyện kim đắc quả thành Bảo Vương

Hoàn độ như thị Hằng sa chúng.

Tương thử thâm tâm phụng trần sát,

Thị tắc danh vi báo Phật ân.

Phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh,

Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập.

Như nhất chúng sanh vị thành Phật,

Chung bất ư thử thủ Nê hoàn.

Ðại hùng đại lực đại từ bi,

Hy cánh thẩm trừ vi tế hoặc.

Linh ngã tảo đăng Vô Thượng Giác,

Ư thập phương giới tọa đạo tràng,

 

Thuấn-nhã-đa tánh khả tiêu vong,

Thước-ca-ra tâm vô động chuyển.)



KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

QUYỂN IV

Comments

Popular posts from this blog