Nhất tâm kính lễ Thập Phương Pháp Giới Thường Trụ Tam Bảo (3 lễ)
Nhất tâm kính lễ Tu Di Đăng Vương Phật (1 lễ)
Nhất tâm kính lễ Bảo Vương Phật (1 lễ)
Nhất tâm kính lễ Bảo Thắng Phật (1 lễ)
Nhất tâm kính lễ A Di Đà Phật (1 lễ)
Nhất tâm kính lễ Tỳ Bà Thi Phật (1 lễ)
Nhất tâm kính lễ Đa Bảo Phật (1 lễ)
Nhất tâm kính lễ Thích Ca Mâu Ni Phật (1 lễ)
Nhất tâm kính lễ Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật cập Thập Nhị Bộ Tôn Kinh. (1 lễ)
Nhất tâm kính lễ Thập Phương Chư Đại Bồ Tát Ma-ha tát. (1 lễ)
NGHI THỨC TRÌ TỤNG
Nam mô Đại Thông Phương Quảng Hội Thượng Phật Bồ Tát. ( 3 lần )
Lò trầm vừa nóng
Pháp giới hương xông
Mười phương hải hội Phật xa thông
Tùy chỗ kết mây lành
Lòng thành khẩn mong
Chư Phật hiện hư không
Nam mô Hương Vân Cái Bồ Tát Ma Ha Tát ( 3 lần )
Vô Thượng cao siêu pháp rộng sâu
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Nay Con nghe thấy xin trì tụng
Nguyện tỏ Như Lai nghĩa nhiệm mầu
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. ( 3 lần )
KINH ĐẠI THÔNG PHƯƠNG QUẢNG SÁM HỐI
DIỆT TỘI TRANG NGHIÊM THÀNH PHẬT
QUYỂN TRUNG
Bấy giờ đức Thế Tôn bảo Hư Không Tạng Bồ Tát Ma-ha-tát rằng : “
Này thiện nam tử ! Có bốn Pháp lành được nghe và tin nhận Chánh pháp. Những gì
là bốn ! Một là tâm hằng thanh tịnh an vui. Hay la tâm không kiêu mạn. Ba là
pháp lợi tự hiển hiện. Bốn là dạy người pháp lành không cầu danh lợi. Đó gọi là
bốn.
Thiện nam tử ! Lại có bốn Pháp lành
khi mở pháp thí. Những gì là bốn ! Một là giữ gìn Chánh pháp. Hai là tự thêm
trí huệ cho mình, cũng thêm trí huệ cho người nghe pháp. Ba là thường hành pháp
thiện nhơn. Bốn là chỉ dạy cho người biết thế nào là : cấu, tịnh, thanh, bạch.
Đó gọi là bốn.
Thiện nam tử ! Lại có bốn Pháp được
sức nhân từ, chẳng mất căn lành. Những gì là bốn ? Một là thấy kẻ kém trí huệ
chẳng cho là ngu. Hai là đối với kẻ tánh sân hận thường tu tâm từ. Ba là thường
diễn nói các nhân duyên. Bốn là thường niệm Vô Thượng Bồ Đề. Đó gọi là bốn.
Thiện nam tử ! Lại có bốn pháp chẳng
do người dạy mà hay tự thật hành Sáu Ba-la-mật. Những gì là bốn ? Một là thường
dùng pháp thí ban bố đạo pháp cho người. Hai là không nói tội hủy giới cấm của
người. Ba là khéo biết Tứ-nhiếp-pháp giáo hóa chúng sanh. Bốn là hiểu suốt pháp
sâu. Đó gọi là bốn.
Thiện nam tử ! Lại có bốn pháp hay
xả sự an vui thiền định hiện sanh nơi cõi Dục. Những gì là bốn ? Một là tâm thường
nhu hòa. Hai khéo được sức căn lành. Ba là chẳng bỏ tất cả chúng sanh. Bốn là
thường hay tu trí huệ phương tiện. Đó gọi là bốn.
Thiện nam tử ! Lại có bốn pháp ở
trong Phật pháp được không thối chuyển. Những gì là bốn ? Một là khỏi thọ vô lượng
sự sống chết. Hay là thường cúng dường vô lượng chư Phật. Ba là tu hành vô lượng
tâm từ. Bốn là tin hiểu vô lượng Phật huệ. Đó gọi là bốn.
Thiện nam tử ! Lại có bốn pháp
không đoạn Phật tánh. Những gì là bốn ? Một là vì chúng sanh mà không lui bản
nguyện. Hai là ưa thích hạnh kính tin bố thí. Ba là mạnh mẽ tinh tấn. Bốn là
thường hay thâm tâm tu hành Phật đạo. Đó gọi là bốn.
Bồ Tát Ma-ha-tát dạo khắp ba cõi,
làm các hạnh lợi ích chúng sanh, thường tu theo đạo xuất thế, nên không đoạn Phật
tánh !”
Khi Phật nói về Đại thừa tứ pháp,
có bốn vạn chư thiên phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, hai muôn năm ngàn người được Vô
sanh pháp nhẫn, bốn vạn tám ngàn Bồ Tát thông đạt Pháp giới nhẫn thiện Phật huệ.
Khi ấy đức Thế Tôn bảo Hư Không Tạng Bồ Tát Ma-ha-tát rằng : “
Ông nên thọ trì kinh này ! ”
Hư Không Tạng Bồ Tát thưa rằng : “
Bạch đức Thế Tôn ! Kinh này tên gọi là chi và con phải phụng trì như thế nào ?”
Đức Phật dạy : “ Kinh này tên là Đại
Thông Phương Quảng, hay phá cảnh giới ma, hoại quân ngoại đạo, tiêu trừ phiền
não, giải thoát năm dục cùng tà kiến trói buộc, phá ngục tam giới, đưa các loài
hữu tình ra khỏi biển sanh tử hướng về nhà Niết Bàn, làm cho cảnh khô héo lâu
được thấm nhuần lợi ích. Kinh này là chủng tử của chánh nhân, là mưa nhân duyên
lớn và mưa pháp Lục Độ, làm cho mầm hoa Tam Thừa của chúng sanh được nảy chồi
tươi tốt thành tựu cực quả Nhứt Thừa Bồ Đề. Thiện nam tử ! Nay ông hỏi tên
Kinh, Ta nói như thế, hãy nên thọ trì !”
Khi đó Hư Không Tạng Bồ Tát lại
thưa rằng : “ Bạch Đức Thế Tôn ! Con từ đời quá khứ đã ở nơi vô lượng chư Phật,
vô lượng hội xứ, trong vô lượng chúng, nghe thấy tất cả pháp, tất cả sự, tất cả
tướng, tất cả Thừa, nhưng chưa từng được nghe pháp hiếm có, sự hiếm có, tướng
hiếm có, Đại Thừa hiếm có nầy. Nay con xin thọ trì, khiến cho không đoạn tuyệt.
Bạch Đức Thế Tôn ! Chư Phật thường
trụ, Pháp Tăng bất diệt. Chúng sanh trong ba cõi tự sanh tự diệt, không thấy
Như Lai cùng với Pháp, Tăng, bảo rằng diệt độ. Chúng con ngày nay nhờ oai thần
của Phật, du hành ba cõi, cũng thuận thời nghi mà giả nói diệt độ. Bạch Đức Thế
Tôn ! Chúng con cùng với tám muôn Huệ Pháp Thân Đại Sĩ từ kiếp quá khứ lâu xa,
nguyện xin lưu thông kinh nầy, khiến cho chúng sanh trong pháp giới thọ trì đọc
tụng, tu hành đúng như thuyết, một thời thành Phật không dám phóng xả. Bạch Đức
Thế Tôn ! Sau khi Phật diệt độ, ở trong đời ác nếu có thiện nam tử thiện nữ
nhơn nào thọ trì đọc tụng biên chép kinh nầy, kẻ ấy sẽ được bao nhiêu phước ?”
Đức Phật bảo : “ Nầy thiện nam tử !
Nếu người nào đem trân bảo đầy cả Đại thiên thế giới để bố thí không bằng có
người được nghe danh hiệu Kinh nầy, phước sau còn thắng hơn trước. Lại hơn nữa,
nếu người nào đem trân bảo đầy cả mười ngàn thế giới để bố thí, không bằng có
người nhiếp trì Kinh nầy, phước sau còn thắng hơn trước. Lại hơn nữa, nếu người
nào đem trân bảo đầy cả mười muôn thế giới để bố thí, không bằng có người nhiếp
biên chép Kinh nầy một bài kệ, cho đến một câu, một chữ, phước sau còn thắng
hơn trước. Lại hơn nữa, tuy đem trân bảo đầy vô lượng thế giới để bố thí, không
bằng chí tâm đọc tụng một bài kệ của Kinh nầy, phước sau còn thắng hơn trước. Lại
hơn nữa, tuy bố thí cho tất cả chúng sanh trong khắp mười phương thế giới,
không bằng chí tâm giải nghĩa một câu, hoặc vì người nói nghĩa một bài kệ của
Kinh nầy, phước sau còn thắng hơn trước. Tại sao thế ? Vì bố thí tiền của thức
ăn là bố thí thuộc về thế gian, chỉ nuôi sống tánh mạng, không thoát khỏi sanh
diệt luân hồi. Còn bố thí pháp Đại Thừa để nuôi lớn đạo căn Bồ Đề cho chúng
sanh, có thể nối tiếp Huệ mạng chân thường của Tam Thừa hành giả.
Thiện nam tử ! Nếu đọc tụng thọ trì
Kinh nầy, xưa vốn là kẻ ác, nay là người thiện. Trước tuy kẻ khổ, nay là người
vui. Xưa vốn kẻ triền phược, nay là người giải thoát. Trước vốn kẻ chưa được độ,
nay là người được độ. Xưa vốn kẻ vô trí, nay là bậc luận sư. Trước vốn kẻ hữu lậu,
nay là người vô lậu. Xưa vốn kẻ phàm hạnh, nay là người thánh hạnh. Trước vốn kẻ
mất đạo, nay là người vào Thánh đạo. Thân tuy phàm phu, đọc tụng thọ trì Kinh nầy,
trí đồng với Thánh huệ. Căn bản tuy phiền não, đọc tụng thọ trì Kinh nầy, được
đồng chung cảnh Niết Bàn với chư Phật.”
Hư Không Tạng Bồ Tát thưa rằng : “
Bạch Đức Thế Tôn ! Như lời Phật vừa nói : ‘ vốn kẻ phàm hạnh, nay là người
thánh hạnh; căn bản tuy phiền não, đọc tụng thọ trì Kinh nầy, được đồng chung cảnh
Niết Bàn với chư Phật .’ Thế thì kẻ phá giới, tạo Ngũ Nghịch, phỉ báng chánh
pháp, đọc tụng thọ trì kinh nầy, cũng được đoạn trừ phiền não và cũng sẽ được
Niết Bàn ư ? Lời trên tuy đã minh bạch, nhưng cúi xin Thế Tôn vì con và chúng
sanh giải thích rành rõ thêm !”
Đức Phật bảo : “ Lành thay ! Lành
thay ! Thiện nam tử ! Ông nay khéo hỏi, Ta sẽ giải thích. Nầy thiện nam tử, tất
cả chúng sanh bởi chẳng được gặp Phật, cho nên tà kiến phạm giới, phỉ báng
Chánh pháp. Nếu Phật ở đời thì không phạm giới và phỉ báng Chánh pháp. Tại sao
thế ? Ví như ông trưởng giả chỉ có một con, nên nặng lòng yêu quí. Khi cha còn ở
nhà, ngày đêm dạy bảo việc nầy việc khác, con đều thuận theo. Người con ấy được
hiếu thuận là do cha dạy bảo, nên không có sự trái phạm. Thời gian sau, cha đi
xa không hẹn ngày trở lại, đứa con lãng quên mất lời cha dạy, phạm nhiều tội lỗi.
Bởi con không biết lúc nào cha về, nên tưởng là đã chết, bi thương kêu khóc. Có
lúc lại tợ hồ ngỗ nghịch, sầu não mất tâm, quên hẳn lời cha dạy khi xưa, dường
chẳng hiếu thuận, thốt lời như phỉ báng. Một thời gian lâu sau, người cha ở
phương xa lại trở về, đứa con vui mừng, nhớ lời cha dạy khi trước, giữ gìn không
trái phạm. Bởi con thấy cha, nên tin rằng cha mình chưa chết. Thế thì không thể
cho là đứa con mãi phạm tội nghịch. Bởi nay con đã biết giữ lời dạy bảo của
cha, thuận theo mà làm, nên không phải là phỉ báng.
Nầy thiện nam tử ! Ông trưởng giả tức
là Như Lai. Đức con tức là tất cả chúng sanh. Dạy bảo tức là giáo giới Đại Thừa.
Đi xa tức là phương tiện Niết Bàn, hiện thân hóa độ phương khác. Không thấy cha
tưởng đã chết, tức cho Phật vĩnh viễn diệt độ. Sầu não, bi thương mất tâm, tức
là bị vô minh che tối. Chẳng giữ lời cha dạy, tức là phạm giới. Thốt lời nói
cha mất hẳn, tức là phạm tội ngũ nghịch. Mê chánh lý nói lời chẳng hiếu thuận,
tức là tội phỉ báng.
Như Lai cũng thế, khi du hóa phương
khác xong, lại hiện thân, chúng sanh nhìn thấy liền sanh lòng tin biết rằng Phật
chưa diệt. Phật vì chúng sanh thuyết pháp khiến hoàn phục bản tâm, nên chẳng thể
còn gọi đó là phạm giới. Bởi chẳng biết mới nói diệt, nên chẳng thể cho rằng thật
đọa vào tội nghịch. Vì thuận theo lời dạy, thật hành đúng lý được giải ngộ, nên
chẳng thể cho rằng thật có báng pháp.
Thiện nam tử ! Người đọc tụng thọ
trì Kinh nầy, có thể tiêu trừ tội nặng và các phiền não từ vô lượng kiếp sanh tử.
Nghe tên kinh nầy, tức là được nghe danh hiệu Phật. Thấy kinh nầy, tức là được
thấy Phật. Trì kinh nầy, tức là trì thân Phật. Hành kinh nầy, tức là làm việc
Phật. Thuyết kinh nầy, tức là nói pháp Phật. Giải kinh nầy, tức là giải nghĩa
Phật. Nếu làm việc Phật, khéo giải nghĩa Phật, người như thế, vĩnh viễn không
còn phiền não. Bởi tại sao ? Vì người ấy đã được gặp kinh, khéo biết dứt trừ
phiền não.
Thiện nam tử ! Giả sử lấy tám muôn
kiếp làm một ngày, ba mươi ngày làm một tháng, mười hai tháng làm một năm. Căn
cứ theo số năm giả lập ấy mà tính kể, trải qua trăm ngàn ức kiếp mới được gặp một
Đức Phật. Lại qua số kiếp đó, mới được gặp một Đức Phật nữa. Được gặp kinh nầy
còn khó lâu hơn số nói trên. Gặp kinh nầy tức là được gặp chư Phật mười phương
ba đời. Vì thế người có trí hãy nên thọ trì đọc tụng biên chép và giải thuyết.
Công đức ấy hay trừ được trọng tội, tà kiến, vô minh, phiền não, kết lậu, trụ
nơi phước điền, và hay tiêu được vô lượng sự cúng dường của thế gian.”
Hư Không Tạng Bồ Tát thưa rằng : “ Bạch Đức Thế Tôn ! Bậc Bich
Chi Phật còn chẳng thể tiêu được sự cúng dường của thế gian, phương chi kẻ phàm
phu có thể tiêu trừ được ? ”
Đức Phật bảo : “ Thiện nam tử ! Nói Bich Chi Phật không thể tiêu
được của cúng dường, lẽ đó không đúng hẳn. Bích Chi Phật tuy không hay thuyết
pháp độ người, nhưng nếu nhập thiền Tam muội, rồi từ Tam muội xuất định, khởi đại
thần thông độ cho tất cả chúng sanh, là có thể tiêu được của cúng dường ! ”
Bấy giờ Hư Không Tạng Bồ Tát lại thưa rằng : “ Bạch Đức Thế Tôn
! Trong kinh có nói : Kẻ tà kiến phá giới không được cùng tịnh chúng ở một quốc
độ, uống chung một nước sông, và cùng Bồ Tát, thuyết giới, sám hối, tự tứ. Người
đó đã sụt lui mất Thánh đạo, không được đứng vào số tăng chúng. Như thế tại sao
lại nói : Kẻ trọng tội tà kiến hành trì kinh nầy, tiêu được của cúng dường ? Nếu
tiêu được của cúng dường, tức là cùng với chư Phật đồng hưởng ngôi Ứng Cúng,
hơn ngôn A La Hán và Bích Chi Phật. Cúi xin Đức Thế Tôn từ bi phân biệt nói rõ.
Con nghe hiểu xong, lại vì chúng sanh giải thuyết như lời Phật dạy, khiến cho họ
được giải thoát ! ”
Phật bảo Hư Không Tạng Bồ Tát rằng : “ Lành thay ! Lành thay !
Thiện nam tử ! Ông hôm nay đầy đủ lòng từ bi, thương xót chúng sanh mà hỏi việc
nầy. Vậy hãy lắng nghe cho kỹ và suy xét nhớ lấy cho khéo, Ta sẽ vì ông mà giải
thích rành rẽ. Thiện nam tử ! Cảnh giới của kinh nầy không phải hàng Thanh Văn
Duyên giác có thể biết, cũng không phải cảnh giới suy nghĩ của các ma vương,
ngoại đạo, phàm phu. Kinh nầy duy Phật mới có thể biết, ông cũng sẽ được đạt.
Thiện nam tử ! Khi xưa Ta hành đạo Bồ Tát nói pháp bố thí, thật
hành bố thí, nhưng không quán sát tốt xấu để thành tựu ruộng phước, mà chỉ bảo
: Bố thí cho loài súc sanh được trăm phước báo, bố thí cho kẻ Xiển Đề được ngàn
phước báo. Thiện nam tử ! Kẻ đoạn căn lành chết đọa vào hàng Xiển Đề. Kẻ không
biết hổ thẹn chết đọa vào hàng súc sanh. Sanh sanh và Xiển Đề ngày kia quả lành
thành thục, thì có thể nhận sự cúng dường cho người gieo trồng ruộng phước, huống
chi là kẻ tà kiến phá giới ư ? Nghĩa ấy như thế. Kinh Đại Thông Phương Quảng có
sáu đức lớn không thể nghĩ bàn, hay khiến cho kẻ phá giới, phạm Ngũ Nghịch, phỉ
báng chánh pháp, tà kiến phiền não, được trừ diệt hết tội, có thể nhận sự cúng
dường ! ”
Hư Không Tạng Bồ Tát thưa rằng : “ Bạch Đức Thế Tôn ! Chư Phật
Như Lai không thể nghĩ bàn ! Kinh Đại Thông Phương Quảng có sức oai thần không
thể nghĩ bàn ! Người thọ trì kinh nầy, công đức cũng không thể nghĩ bàn ! ”
Đức Phật bảo : “ Như thế ! Như thế ! Ông nói rất đúng. Thọ trì
kinh nầy được công đức vô biên không thể nghĩ bàn ! ”
Bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo Hư Không Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát rằng
: “ Nầy thiện nam tử ! Ta nhớ thuở xưa về đời quá khứ, có một kiếp gọi là Thanh
Tịnh, Ta ở trong kiếp đó cúng dường chín mươi hai ức na do tha Đức Phật. Bởi thời
gian đó Ta hành pháp Tiểu Thừa, nên có rất nhiều lầm lỗi, phạm giới vô lượng,
nên không được các Đức Như Lai thọ ký cho. Lại trải qua kiếp ấy, đến kiếp gọi
là Nhạo Kiến. Ta ở trong kiếp đó, cúng dường bốn mươi hai ức Đức Phật, cũng
không thấy các Đức Như Lai ấy thọ ký cho. Lại trải kiếp qua kiếp ấy, đến một kiếp
tên là Phạm Âm. Ta ở trong kiếp đó, cúng dường hai mươi hai ức Đức Phật, cũng
không thấy các Đức Như Lai ấy thọ ký cho. Lại trải kiếp qua kiếp ấy, đến một kiếp
tên là Tâm Hỷ. Ta ở trong kiếp đó, cúng dường tám mươi bốn ngàn chư Phật, cũng
không thấy các Đức Như Lai ấy thọ ký cho. Lại trải kiếp qua kiếp ấy, đến một kiếp
tên là Cứu Khổ, cõi nước tên Trang Nghiêm, Đức Phật hiệu là Đại Thí, Như Lai, Ứng
Cúng, Chánh Biến Tri, đầy đủ mười hiệu. Ta ở trong kiếp đó, cúng dường bốn mươi
ức chư Phật, được nghe Kinh nầy, dứt hết phiền não, nhưng cũng không được Phật
thọ ký.
Nầy thiện nam tử ! Thuở xưa Ta từng đem đủ tất cả các món cúng
dường dâng lên chư Phật, song không thấy các Đức Như Lai ấy thọ ký cho. Thiện
nam tử ! Khi xưa Ta ở trong ngần ấy kiếp, cúng dường ngần ấy chư Phật, tôn trọng
ngợi khen, trừ được phiền não, giữ oai nghi cấm giới, đầy đủ hạnh pháp Thanh
Văn, tu phạm hạnh trong sạch, học hạnh bố thí, giữ tất cả giới, thật hạnh đầu
đà, xa lìa kiêu mạn, giận hờn ngu si. Ta lại khéo nhẫn nhục, phát từ tâm nghe
như thế nào nói như thế ấy, chăm chỉ siêng năng. Tất cả chỗ được nghe, Ta nhận
giữ không quên, thường ở nơi xa vắng, vào các pháp thiền định. Khi xuất định lại
tùy nơi, văn-huệ đọc tụng suy xét. Nhưng tuy hành trì ngần ấy công hạnh, cũng
không thấy các đức Như Lai thọ ký cho Ta, là tại vì sao ? Bởi Ta thọ cấm giới
mà hủy phạm rất nhiều, đắm sâu pháp Thanh văn cùng hạnh Nhị thừa, lại không được
nghe kinh Đại thừa Phương Quảng. Vì thế các bậc Bồ Tát nên xa lìa hạnh Nhị thừa,
tu tập kinh điển đại thừa Phương Quảng, danh hiệu Phật Ta đã cúng dường thuở ấy,
dầu dùng một kiếp mà tuyên thuyết cũng không thể nói ra hết được.
Thiện nam tử ! Trải thời gian đó về sau Ta được gặp đức Phật Định
Quang. Ngài vì vô lượng đại chúng nói kinh Đại thừa Đại Thông Phương Quảng. Khi
đó ta được nghe, được thấy đức Phật nói kinh nầy, thọ trì đọc tụng, suy xét
nghĩa lý, liền đắc Vô-sanh-Pháp-nhẫn. Ngay thời gian đó, đức Định Quang Như Lai
mới thọ ký cho Ta. Ngài bảo : ” Đời sau ông sẽ được thành Phật hiệu là Thích Ca
Mâu Ni, Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, đầy đủ mười hiệu. Bởi thế, thiện nam
tử ! Nên thọ trì kinh nầy, tất sẽ mau chứng ngôi Phật quả, huống chi là việc
tiêu sự cúng dường của Trời, người. Cho nên Kinh điển Đại thừa là kho tàng quí
báu, có sức bố thí không thể nghĩ bàn, huệ thí cho kẻ phá giới, nghèo nàn. Người
tu theo pháp nầy như được châu báu.
Thiện nam tử ! Đại thừa như nước biển cả, tiểu thừa như nước vết
chân. Đại thừa như núi Tu Di, tiểu thừa như tổ kiến. Đại thừa như nhựt nguyệt,
tiểu thừa như ánh lòe. Kinh thừa nầy là đại thừa, không thể nghĩ bàn, dung nạp
tất cả chúng sanh, cũng như hư không. Trong tất cả các thừa, thừa này là bậc nhứt.
Đại thừa nầy là Vô thượng thừa. Tiểu thừa có hạn lượng, không thể độ tất cả.
Duy Vô thượng thừa mới có thể độ tất cả chúng sanh. Nếu hành trì theo Vô lượng
hư không đại thừa nầy, thì như hư không chẳng có hạn lượng cũng không có hình sắc.
Đại thừa cũng như thế, vô hạn lượng vô chướng ngại, tất cả chúng sanh nương nhờ
nơi đây nên quan sát tướng của thừa này rộng rãi dung nạp rất nhiều. Trong vô
lượng kiếp nói công đức của đại thừa và kẻ hành trì theo thừa nầy, không làm
sao cùng tận được. Trong tất cả các thừa, đại thừa này tối thắng. Chí tâm thọ
trì đại thừa, sẽ được đến ngồi cội Bồ Đề, không còn bị ràng buộc chướng ngại.
Vô thượng thừa nầy thắng tất cả hạ liệt thừa. Ta ngồi dưới cội Bồ Đề, quan sát
mười hai chân duyên, vì thương xót chúng sanh nên nói kinh Đại thừa. Mười
phương các chúng sanh nếu tu theo thừa nầy, sẽ được không tăng giảm, sức dung
thọ như hư không. Cho nên đại thừa có công năng thần thông trí huệ lớn chẳng thể
nghĩ bàn. Vì thế tất cả chúng sanh đều nên tu tập. Tất cả chúng cõi Trời, Thiên
ma và ngoại đạo, muốn trừ phiền não ràng buộc, nên quy y đại thừa. Như thế quyết
sẽ được đầy đủ Lục thần thông, Tam minh, Tam đạt, có thể dẹp các ma, ngoại đạo,
cùng những bọn tà kiến. Pháp đại thừa rất thiết yếu, hay phá các phiền não, khiến
đầy đủ mọi căn lành, cho nên công năng của đại thừa thật khó nghĩ bàn ! Tất cả
các pháp thế gian cùng các pháp xuất thế và pháp hữu học, vô học, đều nhiếp
trong Đại thừa.
Thiện nam tử ! Nếu chúng sanh nào làm điều ác, lại gần gũi kẻ tà
kiến, hạng ác tri thức, nên bảo họ mau cải hối và tránh xa ngay những người ấy,
quay lại quy y Đại thừa. Nếu người chẳng ưa thích cầu học Đại thừa, thì không
thể phá được phiền não. Muốn cầu giải thoát phải học Đại thừa. Nếu có đại nhân
hiểu đại sự, nghe nói đại thừa sanh lòng hoan hỷ, nên biết đó tức là hạng người
đại thừa. Hành giả được tâm vắng lặng, đầy đủ thần thông, đều nhờ bởi dùng Đại
thừa để tự trang nghiêm. Nếu có người nào hành đại hạnh, đó là không làm dứt hạt
giống Tam Bảo. Nếu có người nào hướng theo pháp Đại thừa, kẻ đó liền được vô lượng
phước, có thể đến thế giới mười phương, cúng dường mười phương vô lượng chư Phật.
Như thế kinh Đại Thừa Phương Quảng, các thừa thế gian không thể thắng nổi, đầy
đủ oai đức phá sanh tử. Cho nên Đại thừa thật khó nghĩ bàn, khiến được sắc lực,
được tự tại thành tựu, đầy đủ pháp tánh chân thường. Nếu ai nương theo Đại thừa
này, người đó sẽ được hưởng sự vui vô thượng. Bậc có thể xả mình bố thí, tu đạo
từ bi, do vì đó được Vô thượng thừa. Bậc trì giới tinh tấn, tu phạm hạnh có thể
dùng thần thông, che nhựt nguyệt, đều do từ lâu đã tu hạnh Đại thừa. Nếu tự tâm
thường tinh tấn, siêng cần tu tập, người đó được Đại thừa. Nếu bị vô lượng quả
báo khổ não, tu theo Đại thừa tất được trừ diệt. Nếu có thể an trụ nơi Kinh điển
Đại thừa, sẽ được hưởng sự an vui như chư Phật, lại đầy đủ chánh niệm, thường
tinh tấn, được Tứ như ý thần thông lực. Bậc nương theo chánh pháp và chân
nghĩa, đều do từ lâu đã tu kinh Đại thừa. Bậc đầy đủ Thập lực, Tứ vô sở úy, ba
mươi hai tướng đẹp trang nghiêm đắc Kim cang Tam muội cùng Nhứt thiết trí, đều
do từ lâu đã tu pháp Đại thừa.
Thiện nam tử ! Nếu người nào trì kinh Đại thừa này từ một chữ, một
câu, cho đến một bài kệ, sẽ được thoát hết các khổ nạn, trọn không đọa ác đạo,
được đến chốn an vui. Trong đời ác về sau, nếu ai được bản kinh nầy, Ta đều thọ
ký cho chắc chắn sẽ thành Phật đạo. Nếu trì kinh này, Phật thường gần người đó,
kẻ ấy cũng thường gần Phật. Người đó hộ trì Phật pháp, chư Phật cũng hộ trì kẻ ấy,
khiến cho được đại thần thông, đại trí huệ, hay chuyển đại pháp luân, độ các nẻo
sanh tử, phá hoại ma quân. Khi xưa Ta ở chỗ đức Định Quang Như Lai nghe kinh
Phương Quảng nầy, nên được an trụ Pháp nhẫn, được thọ ký hiệu là Thích Ca Mâu
Ni Phật. Sau khi Ta diệt độ, nếu ai tu học kinh nầy, Ta cũng thọ ký cho người
đó sẽ thành Phật. Kẻ nào ở đời vị lai, hiểu được nghĩa kinh nầy, nên vì những
chúng sanh mê tối mà diễn nói. Như Lai tuy chẳng còn hiện ở đời, song ngôi Tam
Bảo vẫn chẳng dứt, cũng như Phật còn hiện thế. Vì sao ? Bởi Ta từ nơi vô lượng
chư Phật, đã thọ trì kinh điển nầy, từng ở trong đời mạt kiếp, vì người mà diễn
nói, nên ngày nay mới được ba mươi hai tướng.”
Khi ấy Hư Không Tạng Bồ Tát thưa rằng : “Bạch Đức Thế Tôn ! Tất cả chư Phật đều nói ba mươi hai tướng, nay Thế Tôn cũng nói ba mươi hai tướng. Vậy do nhân hạnh gì mà được thành tựu các tướng đẹp ấy, cúi xin đức Thế Tôn chỉ dạy cho chúng con !”
Phật bảo Hư Không Tạng Bồ Tát : “Nầy thiện nam tử ! Như Lai do
thành tựu vô lượng công đức, nên mới được ba mươi hai tướng. Dù Ta nói đến cùng
kiếp các nhân hạnh ấy cũng không thể hết. Nay Ta sẽ vì ông mà nói lược qua thôi
: Như Lai do chí tâm tịnh giới nên được tướng lòng bàn chân bằng phẳng. Do tu tất
cả hạnh huệ thí nên được tướng lòng bàn chân có ngàn vòng xoáy. Do chẳng lừa dối
tất cả chúng sanh, nên được tướng gót chân đầy đặn. Do hộ trì chánh pháp, nên
được tướng ngón tay thon dài. Do không phá hoại người, nên được tướng tay chân
có màng mỏng giao tiếp. Do dùng đôi mắt vui tươi nhiệm mầu khi cúng dâng bố
thí, nên được tướng tay chân mềm mại. Do đem thức ăn trong sạch bố thí, nên được
bảy chỗ nơi thân đầy đặn. Do ưa vui nghe chánh pháp, nên được tướng bắp vế tròn
trặn như con hươu. Do che dấu tội lỗi của người nên được tướng mã âm tàng. Do
tu pháp thập thiện, nên được tướng thân trên như sư tử vương. Do thường đem
pháp lành giáo hóa chúng sanh nên được tướng đôi vai bằng no đầy. Do cứu giúp
người khỏi sợ hãi nên được tướng cánh tay, khuỷu tay tròn trặn. Do thấy người
kiến tạo ngôi Tam Bảo vui mừng giúp đỡ, nên được tướng tay dài chấm gối. Do thường
tu muôn pháp lành, nên được tướng thân hình thanh tịnh. Do thường cho thuốc người
bệnh, nên được tướng ăn vật gì đến cổ đều không lộ hiện. Do thường phát tâm
trang nghiêm tu pháp lành, nên được tướng hàm sư tử. Do đối với tất cả chúng
sanh một lòng bình đẳng, nên được tướng bốn mươi cái răng. Do vui vẻ hòa hợp
không tranh kiện nên được tướng răng kín. Do đem trân bảo bố thí nên được tướng
răng bằng. Do thân miệng ý trong sạch, nên được tướng răng cửa trắng. Do giữ bốn
điều lỗi của miệng, nên được tướng lưỡi rộng dài. Do thành tựu vô lượng công đức,
nên được tướng các thức uống ăn vào miệng đều biến thành thượng vị. Do thường
đem lời dịu dàng nói với chúng sanh, nên được tướng phạm âm. Do tu tập từ tâm
nên được tướng đôi mắt rộng dài. Do chí tâm cầu đạo Vô thượng Bồ đề, nên được
tướng lông mi như ngưu vương. Do khen ngợi công đức của người, nên được tướng bạch
hào. Do cung kính cúng dường cha mẹ, Hòa thượng, A xà Lê sư, nên được tướng nhục
kế. Do ưa thích nói pháp Đại thừa, nên được tướng thân mềm mại. Do vui mừng trải
tọa cụ cho bậc tôn trưởng, nên được tướng Kim quang minh. Do xa lìa việc xúm với
nhau nói chuyện thế gian, nên được tướng mỗi mỗi chân lông đều hiện sắc xanh biết.
Do vui nhận lời răn dạy của bạn lành, sư trưởng, nên được tướng lông trên thân
nhỏ mướt. Do chẳng đem việc ác gán cho chúng sanh, nên được tướng sắc tóc ánh
nhuần. Do thường khuyên chúng sanh tu Tam muội, nên được tướng viên mãn như Ni
câu đà. Do sanh xứ nào cũng ưa thích tạo tượng Phật, nên được tướng sức như đại
lực sĩ.
Thiện nam tử ! Bồ Tát Ma ha tát thành tựu vô lượng công đức như
thế, nên được ba mươi hai tướng cùng các vẽ đẹp trang nghiêm.”
Hư Không Tạng Bồ Tát thưa rằng : ” Bạch Đức Thế Tôn ! Con quán
các pháp đều không có tướng mạo, lại quan Như Lai cũng chẳng phải thật có các
nhân hạnh đó, tại sao Thế Tôn lại nói rộng tu muôn hạnh ? Con quán từ Phật Pháp
Tăng. Cho đến Khổ Tập Diệt Đạo, Ngũ ấm, Lục nhập, Thập nhị nhân duyên, các Ba
la mật, nhân quả trong ngoài, không, Vô tướng Vô nguyện đều chẳng thấy sanh ra,
chẳng thấy diệt mất, như huyễn, như hóa, như bóng, như vang, như trăng dưới nước,
như lông rùa, như sừng thỏ, như hoa đốm giữa hư không, như thạch nữ có con, như
mặc bóng áo, như cỡi bóng chim trắng, tợ có tợ không. Và tất cả các pháp có,
không, chẳng có chẳng không, chẳng thường chẳng đoạn, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng
trong chẳng ngoài, chẳng kiến chẳng thức, cũng đều như hư không. Thế sao Phật lại
nói ta tu các pháp ? Con quán Như Lai cũng chẳng phải chúng sanh, thọ mạng, sĩ
phu, cũng chẳng phải mắt, chẳng phải sắc, chẳng phải sắc tướng hành. Chẳng phải
tai, chẳng phải thanh, chẳng phải thanh tướng hành. Chẳng phải mũi, chẳng phải
hương, chẳng phải hương tướng hành. Chẳng phải lưỡi, chẳng phải vị, chẳng phải
vị tướng hành. Chẳng phải thân, chẳng phải xúc, chẳng phải xúc tướng hành. Chẳng
phải ý, chẳng phải pháp, chẳng phải pháp tướng hành. Chẳng phải thức, chẳng phải
sắc, chẳng phải thức sắc tướng hành. Chẳng phải sắc, chẳng phải khổ, chẳng phải
sắc khổ tướng hành. Con quán Như Lai chẳng phải ta, chẳng phải người, chẳng phải
hành, chẳng phải ấm, chẳng thật chẳng hư, chẳng tụ chẳng tán, chẳng ra chẳng
vào, thọ tưởng hành thức cũng lại như thế. Con quán Như Lai không đi, không lại,
không có trụ xứ, không có tâm ý thức, không có nghiệp thân miệng ý, chẳng một
chẳng hai, không có quá khứ, hiện tại, vị lai, chẳng nhơ chẳng sạch, không có
ta, người, chúng sinh, thọ giả. Con quán các pháp chẳng thường, chẳng đoạn,
không sanh, không diệt, không tu, không hành, không xả, không thọ, rốt ráo thường
trú. Như Lai và các pháp đều như thế, tại sao THế Tôn lại nói rộng tu muôn hạnh
?”
Bấy giờ đức Phật khen ngợi Hư Không Tạng Bồ Tát Ma ha tát rằng :
” Lành thay ! Lành thay ! Thiện nam tử ! Ông ở trong thời quá khứ từng đã cúng
dàng vô lượng chư Phật, đã thấu hiểu từ lâu nghĩa Không của Vô thượng Đại thừa,
đã biết suốt muôn Pháp đều về Không Tịch, cũng như hiểu rõ chư Phật vẫn rốt ráo
thường trú. Thiện nam tử ! Ví như hạt châu lưu ly quý báu ở trong bùn trải qua
ngàn năm, vì tánh nó vốn trong sạch, nên khi ra khỏi bùn vẫn còn nguyên bản chất.
Các ông nay cũng như thế, thấu rõ pháp tướng tánh vốn thanh tịnh. Các ông tuy ở
trong ba cõi, trong đám bùn lầy năm món ô trược, giúp Phật để hoằng dương giáo
hóa, cũng không bị bùn làm ô nhiễm. Bởi không bị ô nhiễm, nên hỏi Ta nghĩa đó.
Thiện nam tử ! Hãy để ý lắng nghe, Ta nói cho biết ! Tất cả muôn
pháp nguyên lai không có tướng mạo. Do có văn tự, nên tạm nói có pháp. Thật ra
trong pháp không có văn tự, trong văn tự không có pháp. Vì lưu bá nên có ngôn
ngữ văn tự, trong văn tự không có Bồ Đề, trong Bồ Đề cũng không có văn tự,
nhưng trong đạo thế tục nói ra có văn tự, chúng sanh, Phật tánh. Lại đạo Vô thượng
Bồ Đề vốn chẳng lìa văn tự.
Thiện nam tử ! Nói đúng ra, Như Lai vô tận vô sanh, chẳng tu chẳng
hành, nhưng lìa các sự tu hành thì không vào Chánh vị. Như Lai cũng chẳng phải
bậc Nhứt sanh Bổ xứ lên cõi trời Đâu suất đà, chẳng từ đó mà hạ sanh nhân gian,
chẳng ở thai, chẳng ở đời, đối với tất cả các pháp tâm không trụ trước. Như Lai
chẳng nói Ta đã vượt khỏi sanh già bịnh chết, chẳng nói trong bốn phương mỗi
phương đi bảy bước, cũng chẳng tự nói Ta là bậc Vô thượng tôn ở thế gian. Như
Lai chẳng phải thật ở trong cung, vui cùng thế nữ, chẳng tập những kỹ thuật của
thế gian, cũng chẳng học cởi ngựa đấu sức. Vì muốn độ chúng sanh, nên thị hiện
cảnh người già. Vì phá hoại sự tham chấp sắc thân, nên thị hiện tướng bịnh khổ.
Vì phá hoại sự tham thọ hưởng, nên thị hiện tướng chết. Vì phá hoại lòng tham đắm
ngã và ngã sở, nên thị hiện tướng Sa môn xuất gia. Vì muốn khiến chúng sanh chẳng
cầu thân nơi hàng Phạm Thiên Đế Thích, mà cần cầu pháp Vô thượng xuất thế, nên
thị hiện vượt cung thành thoát ly sự ràng buộc trong ba cõi. Lại thị hiện chẳng
phải nhân quả trước sau, thị hiện không sân ái.
Thế nên sự dùng ba mươi hai tướng trang nghiêm sắc thân, là vì
muốn chỉ cho chúng sanh ruộng phước tốt lành. Xả trân châu áo gấm, bỏ chuỗi anh
lạc, buông thả kẻ Xiển đà la theo phục vụ, là thị hiện rũ sạch tất cả muôn
duyên phiền não. Cắt bỏ râu tóc, là thị hiện xa lìa sự tham trước tất cả pháp.
Thọ trì áo cà sa, là thị xa điều phục chúng sanh. Đến ông Uất Đà Già A La tham
hỏi thọ pháp, là thị hiện phá hoại tâm tự cao. Tu sáu năm khổ hạnh, là vì hàng
phục ngoại đạo. Thọ thức ăn uống, là thị hiện tùy thuận theo pháp thế tục. Thọ
dược thảo là thị hiện sự biết vừa đủ. Ngồi trên đệm cỏ, là tỏ sự phá trừ kiêu mạn.
Chư thiên, Long thần, khen ngợi cung kính, là nêu rõ quả báo công đức trang
nghiêm. Hàng phục ngoại ma, là tỏ sức dõng mãnh. Tay mặt chỉ xuống đất, là tỏ
công lực của sự tạo phước. Đại địa chấn động, là tỏ sự báo ân. Tu Vô tướng vô
nguyện đắc Vô thượng Bồ đề, là thị hiện biết suốt các pháp tướng.
Thiện nam tử ! Quán các pháp bình đẳng, nên gọi là Phật. Trí huệ
của Phật không ai thắng nổi, nói pháp thiết yếu, biết Phật quá khứ hiện tại vị
lai, vì nghĩa đó nên gọi là Như Lai. Thấy biết rành rõ việc ba đời, các pháp
lành, chẳng lành, nên gọi là Tát bà nhã. Lời nói chân thật nên gọi là Thiên
nhơn sư. Nếu hành giả có thể quán như thế đó gọi là Bồ Tát. Như quán khác đi,
chẳng thể gọi Bồ Tát, gọi là lừa dối tất cả chư Phật. Tất cả các đức Như Lai,
thật ra chẳng xuất chẳng nhập, chẳng sanh chẳng diệt. Vì độ chúng sanh nên nói
là xuất thế, lại vì độ chúng sanh nên bảo là nhập Niết Bàn !”
Khi ấy Hư Không Tạng Bồ Tát thưa rằng : ” Bạch đức Thế Tôn ! Con
biết lý không của pháp tướng đã từ lâu. Chư Phật Như Lai không ra đời, không diệt
độ, không sanh nơi vương cung, không tịch dưới cây song thọ, rốt ráo thường trụ,
vì độ chúng sanh mà tu các hạnh khổ và nhập Niết bàn. Chư Phật Như Lai không động
chuyển, chân thật thường còn, ứng thân trong ba cõi, hiện năm thứ pháp thân. Những
gì là năm ? Đó là : thật tướng pháp thân, Công đức pháp thân, Pháp tánh pháp
thân, Ứng hóa pháp thân, Hư không pháp thân.
Thế nào gọi là Thật tướng pháp thân ? Như Lai trải vô số kiếp tu
hành, chứng ngộ tướng chân thật của các pháp, nên gọi là Thật tướng pháp thân.
Thế nào gọi là Công đức pháp thân ? Đức Phật vì độ chúng sanh,
nên ra công tích hạnh, muôn đức lành tròn đầy, nên gọi là Công đức pháp thân.
Thế nào gọi là Phát tánh pháp thân ? Như Lai ngộ suốt cùng tận sự
lý của tất cả pháp tướng, từ nơi cảnh mà hiểu tỏ nghĩa Không. Sự tỏ ngộ ấy tròn
trặn đầy đủ, từ nơi cảnh mà được tên, nên gọi là Pháp tánh pháp thân.
Thế nào gọi là Ứng hóa pháp thân ? Đức Phật ra đời ứng thân đủ
khắp năm cõi thiện ác để cứu vớt muôn vật. Từ chỗ ứng hóa ấy mà được tên, nên gọi
là Ứng hóa pháp thân.
Thế nào gọi là Hư không pháp thân ? Hư không vô biên, pháp thân
cũng vô biên. Hư không chẳng thể đo lượng, pháp thân cũng chẳng đo lượng. Thân
của Như Lai cũng thế, như cõi thái hư, vì độ chúng sanh nên ứng hiện ra năm phần.
Nên biết Như Lai không sanh không diệt, các pháp cũng thế, vì độ chúng sanh nên
Phật hiện, Pháp hưng ! ”
Bấy giờ đức Phật bảo Hư Không Tạng Bồ Tát : “ Nầy thiện nam tử !
Ông với Như Lai cùng hiểu suốt pháp tướng. Tất cả cảnh giới đều không ngăn
không ngại !”
Thiện nam tử ! Đời vị lai có một kiếp tên là Thanh Tịnh, cõi nước
tên Khoái Lạc. Nơi quốc độ ấy toàn dùng các vị Đại Bồ Tát luận giảng Đại thừa. Ở
đó hãy còn không nghe thấy danh từ Nhị thừa, huống chi là ác đạo ! Trong thời
kiếp và cõi nước đó, ông sẽ được thành Phật hiệu là Thanh Tịnh Trang Nghiêm,
Như Lai, Ứng Cúng Chánh Biến Tri, đầy đủ mười hiệu. Phần đông chư Bồ Tát ở các
phương khác đều tới quốc độ ấy để nghe nhận kinh Đại thừa Đại thông Phương Quảng.
Vì thế tất cả chúng sanh nếu có ai nghe danh hiệu Hư Không Tạng Bồ Tát, lễ bái,
cúng dường tất sẽ được sanh sang thế giới Khoái Lạc kia. Nên biết người đó chỉ
trải qua mười đức Phật, sẽ được thọ ký ! ”
Chánh Pháp Minh Như Lai.
Chính là đời hiện nay,
Quán Thế Âm Bồ Tát,
Bậc thành công đức diệu,
Đủ lòng đại từ bi,
Nơi trong một thân tâm
Hiện ra ngàn tay mắt
Soi thấy khắp pháp giới
Hộ trì các chúng sanh
Khiến phát lòng đạo sâu
Dạy trì chú Viên Mãn
Cho xa lìa đường ác (TỨ ÁC THÚ)
Được sanh trước Như Lai
Những tội nặng vô gián
Cùng bịnh ác lâm thân,
Khó nỗi cứu vớt được
Cũng đều khiến tiêu trừ
Các tam muội, biện tài
Sự mong cầu hiện tại
Đều cho được thành tựu
Quyết định chẳng nghi sai
Khiến mau được ba thừa
Và sớm lên quả Phật
Sức oai thần công đức
Khen ngợi chẳng hay cùng!
Cho nên con một lòng
Quy mạng và đảnh lễ
VÔ NGẠI ĐẠI-BI TÂM ÐÀ-RA-NI
Quang, thọ khó suy lường,
Sáng lặng khắp mười phương.
Thế Tôn Vô Lượng Quang,
Cha lành cõi Liên ban.
Thần lực chẳng tư nghì,
Sống lâu A tăng kỳ.
A Di Đà Như Lai,
Tiếp dẫn lên liên đài.
Cực Lạc cõi thuần tịnh,
Công đức lạ trang nghiêm.
Nơi tất cả quần sanh,
Vượt lên ngôi Bất thối.
Mười phương hằng sa Phật.
Đều ngợi khen Vô Lượng.
Cho nên hôm nay con,
Nguyện sanh về An Dưỡng.
Nam mô Liên trì hải hội Phật Bồ Tát. (3 lần)
(Tiếp tụng)
VÔ LƯỢNG THỌ NHƯ LAI CHÂN NGÔN
NAM MÔ RÁT NA TRA DẠ DA.
NAM MÔ A RỊ DA. A MI TÁ BÀ DA. TÁT THA GA TÁ DA. A RA HA TI. SAM DẮT SAM BUÝT ĐÀ DA. TÁT DA THA.
UM ! A MI RỊ TI. A MI RỊ TÔ NA BÀ VÊ. A MI RỊ TÁ SAM BÀ VÊ. A MI RỊ TÁ GA BÊ. A MI RỊ TÁ SUÝT ĐÊ. A MI RỊ TÁ SI TÊ. A MI RỊ TÁ VI CA LĂN TÊ.
A MI RỊ TÁ VI CA LĂN TÁ GA MI NỊ. A MI RỊ TÁ GÀ GA NA KY TI CA LI. A MI RỊ TÁ LÔ ĐÔ VI SA PHẠ LI. SẠT VA RỊ THÁ SA ĐÀ NI. SẠT VA MA CA LI. SA KHẤT SÁ DU CA LI. SÓA HA.
UM! BÚT RUM! HÙM!
( 7, 21, 49... hoặc 108 lần )
PHẬT THUYẾT A-DI-ÐÀ KINH
NHƠN HẠNH VÃNG SANH
Nam mô Tây Phương Cực Lạc thế giới, Đại từ đại bi,
Tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật.
(Kế tiếp niệm)
Nam Mô A Di Đà Phật
(Tùy ý, hoặc 1 ngàn câu trở lên)
Chuyên tụng Vô Lượng Thọ Như Lai Đà Ra Ni cũng được vãng sanh, nhưng vì câu chân ngôn dài khó nhiếp tâm hơn sáu chữ hồng danh, nên sau khi trì chú lại tiếp niệm Phật.
Về cách trì niệm, tệ nhơn lại phối hợp với môn Thiền của Ngài Trí Giả, khiến cho Thiền, Tịnh được dung hòa. Pháp thức này chia thành bốn giai đoạn đi từ cạn đến sâu:
1 – Ký số niệm: Hành giả lấy mười câu làm một đơn vị, niệm xong 10 câu lần một hột chuỗi. Người hơi dài có thể niệm suốt. Như hơi ngắn thì chia làm hai đoạn, mỗi đoạn 5 câu. Cần phải niệm rành rẽ rõ ràng, nhiếp tâm lắng nghe, ghi nhớ từ 1 đến 10 câu. Vì còn sự ghi nhớ ấy, nên gọi là ký số.
2 – Chứng số niệm: Khi niệm đã thuần, thì không cần ghi nhớ từ 1 đến 10. Niệm đủ mười câu, liền tự biết một cách hồn nhiên. Đó gọi là chứng số. Lúc này tâm hành giả được tự tại hơn. Ý niệm càng chuyên nhứt.
3 –Chỉ quán niệm: Lúc mới niệm, dứt tất cả tư tưởng phiền tạp, duy yên tĩnh lắng nghe, gọi là Chỉ. Khi yên tĩnh đã lâu, tâm muốn hôn trầm, liền khởi ý niệm Phật tha thiết, tựa như con sa vào vòng tội khổ, gọi cha mẹ cứu vớt. Sự khởi ý tưởng đến Phật đó, gọi là Quán. Hai cách nầy cứ thay đổi lẫn nhau, tán loạn dùng phép Chỉ, hôn trầm dùng phép Quán.
4 – Tịch tĩnh niệm: Khi Chỉ Quán đã thuần, hôn trầm tán loạn tiêu tan, hành giả liền một niệm buông bỏ tất cả. Lúc ấy trong quên thân tâm, ngoài quên thế giới, đạo lý diệu huyền cũng xả, cho đến cái không cũng trừ. Bấy giờ tâm niệm vắng lặng sáng suốt, chỉ còn hồn nhiên một câu niệm Phật mà thôi. Đến Giai-đoạn nầy Tịnh tức là Thiền, có niệm đồng với không niệm, tạm mệnh danh là Tịch tĩnh niệm.
Pháp thức niệm trên đây, sau nhiều năm bị chướng ngại trong lúc hành trì, tệ nhơn đã suy tư nghiên cứu, vạch ra một đường lối để áp dụng riêng cho mình. Nay cũng mong nó đem lợi ích lại cho hàng liên hữu.
( Lại CHUYÊN NIỆM “ Nam Mô A Di Đà Phật”. Nghĩa là ngoài thời khóa kể trên, trong một ngày đêm, khi nào có thể liền nhiếp THÂN TÂM vào danh hiệu “NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT”, lâu ngày sẽ được NIỆM PHẬT BA-LA-MẬT, mới biết diệu dụng của câu niệm phật “BẤT KHẢ TƯ NGHỊ”, không thể dùng văn tự ngôn ngữ SUY NGHĨ mà bàn luận biết được. Cho nên, qúi vị phải hành trì cho thiết thật.
Tuy nhiên, nếu qúi vị thích chuyên trì “CHÚ ĐỊA-BI”, chuyên trì “ 1 THỦ-NHÃN”, chuyên “ THAM-THIỀN”, chuyên “TỤNG KINH”… thì cũng phải hành như “CHUYÊN” NIỆM PHẬT vậy).
PHẬT THUYẾT KINH A DI ĐÀ
Hòa Thượng Thích Trí-Tịnh Việt dịch
Đại Thông Phương Quảng
Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật
Đại Bi Sám Pháp
Hòa ThượngThích Thiền-Tâm Việt dịch
Comments
Post a Comment