AN LẬP CÁC THÁNH VỊ
1. Càn-huệ-địa
"A-nan, thiện-nam tử ấy, lòng dục-ái khô-cạn, căn và cảnh
không ngẫu-hợp, thân-tàn hiện-tiền, không còn tiếp-tục sinh nữa, nắm cái tâm
rỗng-sáng, thuần là trí-tuệ; tính trí-tuệ sáng-suốt cùng khắp, soi-thấu
thập-phương thế-giới; chỉ có cái tuệ khô-khan ấy, nên gọi là Càn-tuệ-địa,
tập-khí ngũ-dục mới khô-cạn, chưa tiếp-giáp với dòng nước Pháp của các đức
Như-lai.
2. Thập-tín
Tức lấy cái tâm ấy, chính giữa chính giữa lần vào, tính
viên-diệu mở-mang, từ chỗ chân-diệu-viên lại phát ra chân-diệu. Tính diệu-tín
thường-trụ, tất-cả vọng-tưởng diệt hết không còn, trung-đạo được thuần-chân,
gọi là Tín-tâm-trụ.
Chân-tín tỏ-rõ, tất-cả đều viên-thông, ba thứ ấm, giới, nhập
không thể làm ngăn-ngại; như thế, cho đến trong vô-số kiếp quá-khứ, vị-lai,
tất-cả tập-khí xả-thân, thụ-thân đều hiện ra trước mặt, thiện-nam-tử ấy đều có
thể nhớ-nghĩ được, không quên mất gì; gọi là Niệm-tâm-trụ.
Tính diệu-viên thuần-chân, chân-tinh phát-hóa ra, các tập-khí
vô-thủy đều thông vào một tính tinh-minh, chỉ dùng tinh-minh ấy, tiến đến chỗ
chân-tịnh; gọi là Tinh-tiến-tâm.
Tâm-tinh hiện-tiền, thuần-dùng trí-tuệ; gọi là Tuệ-tâm-trụ.
Nắm-giữ trí-tuệ sáng-suốt, lặng-đứng cùng khắp, tính tịch-diệu
thường đứng-lại; gọi là Định-tâm-trụ.
Định-quang phát-minh, đi sâu vào tính sáng-suốt, chỉ có tới, chứ
không lui; gọi là Bất-thối-tâm.
Tâm an-nhiên đi tới, giữ-gìn không mất, giao-tiếp với khí-phần
thập-phương Như-lai; gọi là Hộ-pháp-tâm.
Giữ-gìn tính giác-minh, có thể dùng diệu-lực xoay từ-quang của
Phật về nơi mình và hướng về Phật mà an-trụ, cũng như hai gương sáng đối nhau,
trong đó các bóng nhiệm-mầu lớp-lớp lồng nhau; gọi là Hồi-hướng-tâm.
Tự-tâm thầm xoay Phật-quang trở về, được vô-thượng diệu-tịnh
thường-trụ của Phật, an-trụ nơi vô-vi, được không bỏ mất; gọi là Giới-tâm-trụ.
Tự-tại an-trụ nơi giới, có thể đi khắp mười phương, tùy nguyện
mà đi; gọi là Nguyện-tâm-trụ.
3. Thập-trụ
A-nan, thiện-nam-tử đó, dùng phương-tiện chân-chính phát được
mười cái tâm ấy, tâm-tinh đã phát-huy, mười cái dụng ấy xen-lẫn với nhau,
viên-thành một tâm; gọi là Phát-tâm-trụ.
Trong tâm phát ra sáng-suốt, như ngọc lưu-ly trong-sạch, ở trong
hiện ra vàng-ròng; dùng cái diệu-tâm trước kia, sửa-sang thành chỗ nương-đứng;
gọi là Trị-địa-trụ.
Tâm-địa biết khắp, đều được rõ-ràng, đi cùng mười phương, được
không ngăn-ngại; gọi là Tu-hành-trụ.
Hạnh đồng với Phật, nhận khí-phần của Phật như thân trung-ấm tự
cầu cha mẹ, âm-tín thầm-thông vào giống Như-lai; gọi là Sinh-quý-trụ.
Đã vào đạo-thai, chính mình nhờ được sự nuối-nấng của tính-giác,
như cái thai đã thành, tướng người không thiếu; gọi là Phương-tiện-cụ-túc-trụ.
Hình-dáng như Phật, tâm-tướng cũng vậy; gọi là Chính-tâm-trụ.
Thân tâm hợp-thành, ngày càng tăng-trưởng; gọi là Bất-thối-trụ.
Linh-tướng mười thân, một thời đầy-đủ; gọi là Đồng-chân-trụ.
Hình đã thành, ra khỏi thai, chính mình làm Phật-tử; gọi là
Pháp-vương-tử-trụ.
Nghi-biểu đã thành người lớn, như khi một quốc-vương, phân-công
ủy-nhiệm cho thái-tử các việc nước, thì quốc-vương kia, lúc thái-tử trưởng-thành,
bày ra lễ quán-đỉnh; gọi là Quán-đỉnh-trụ.
4. Thập-hạnh
A-nan, thiện-nam-tử đã thành Phật-tử rồi, đầy-đủ diệu-đức
vô-lượng của Như-lai và tùy-thuận mười phương; gọi là Hoan-hỉ-hạnh.
Khéo biết làm lợi-ích cho tất-cả chúng-sinh; gọi là Nhiêu-ích-hạnh.
Tự-giác và giác-tha, được không chống trái; gọi là
Vô-sân-hận-hạnh.
Theo các chủng-loại mà hiện ra sắc-thân cùng-tột vị-lai, ba đời
đều bình-đẳng, mười phương được thông-suốt; gọi là Vô-hận-hạnh.
Tất-cả đều hợp về đồng, nơi các thứ pháp-môn, được không
sai-lầm; gọi là Ly-si-loạn-hạnh.
Rồi ở trong đồng, hiện ra các cái khác, nơi mỗi mỗi tướng khác,
mỗi mỗi đều thấy là đồng; gọi là Thiện-hiện-hạnh.
Như vậy, cho đến mười phương hư-không, đầy khắp vi-trần và trong
mỗi mỗi vi-trẩn hiện ra thập phương thế-giới; hiện vi-trần, hiện thế-giới,
không ngăn-ngại nhau; gọi là Vô-trước-hạnh.
Các thứ hiện-tiền, đều là Đệ-nhất-ba-la-mật-đa; gọi là
Tôn-trọng-hạnh.
Viên-dung như vậy, có thể thành-tựu quy-tắc của chư Phật mười
phương; gọi là Thiện-pháp-hạnh.
Mỗi mỗi đều là Nhất-chân-vô-vi Thanh-tịnh-vô-lậu, vì tính
bản-nhiên là như vậy; gọi là Chân-thật-hạnh.
5. Thập-hồi-hướng
A-nan, thiện-nam-tử đó đầy-đủ thần-thông, thành-tựu Phật-sự rồi,
toàn là một tinh-chân thuần-khiết, xa các lỗi-lầm, chính khi hóa-độ chúng-sinh
mà diệt tướng năng-độ, sở-độ, xoay tâm vô-vi hướng về đường Niết-bàn; gọi là
Cứu-hộ nhất-thiết chúng-sinh, Ly-chúng-sinh-tướng hồi-hướng.
Diệt-hoại tất-cả cái gì có thể diệt-hoại, viễn-ly các sự ly; gọi
là Bất-hoại hồi-hướng.
Tính bản-giác đứng-lặng, giác-ngộ bằng Phật; gọi là
Đẳng-nhất-thiết-Phật hồi-hướng.
Tinh-chân phát ra sáng-suốt, tâm-địa như Phật-địa, gọi là
Chí-nhất-thiết-xứ hồi-hướng.
Thế-giới và Như-lai, dung-hợp vào nhau, được không ngăn-ngại;
gọi là Vô-tận-công-đức-tạng hồi-hướng.
Nơi đồng với Phật-địa, trong ấy phát-sinh ra các nhân
thanh-tịnh, nương nhân ấy mà phát-huy, đi đến đạo Niết-bàn; gọi là
Tùy-thuận-bình-đẳng-thiện-căn hồi-hướng.
Chân-căn đã thành-tựu, thập phương chúng-sinh đều là bản-tính
của mình, bản-tính viên-mãn thành-tựu, không bỏ mất chúng-sinh; gọi là
Tùy-thuận-đẳng-quán-nhất-thiết chúng-sinh hồi-hướng.
Tức tất-cả pháp, ly tất-cả tướng, cả tức và ly, hai cái đều
không dính; gọi là Chân-như-tướng hồi-hướng.
Thật được như-như, mười phương không ngăn-ngại; gọi là
Vô-phược-giải-thoát hồi-hướng.
Tính-đức viên-mãn thành-tựu, lượng của pháp-giới diệt; gọi là
Pháp-giới-vô-lượng hồi-hướng.
6. Tứ-gia-hạnh
A-nan, thiện-nam-tử đó, tu hết 41 tâm thanh-tịnh ấy rồi, thì lại
thành-tựu bốn thứ gia-hạnh diệu-viên:
Tức lấy Phật-giác, dùng làm tâm mình, như ra nhưng chưa ra,
ví-như dùi cây để cho ra lửa mà đốt cái cây; gọi là Noãn-địa.
Lại lấy tâm mình, thành chỗ đứng của Phật, hình-như nương, nhưng
không phải nương, ví-như người lên chóp núi cao, thân đã vào hư-không, nhưng ở
dưới còn chút ngăn-ngại; gọi là Đỉnh-địa.
Tâm và Phật là đồng, khéo được trung-đạo, ví-như người biết
nhịn, không phải ôm vào, nhưng cũng không phải phát ra; gọi là Nhẫn-địa.
Số-lượng đều tiêu-diệt, mê, giác và trung-đạo, cả hai đều không
có gì; gọi là Thế-đệ-nhất-địa.
7. Thập-địa
A-nan, thiện-nam-tử đó thông-suốt đúng-đắn đạo Đại-bồ-đề, chỗ
giác-ngộ thông với Như-lai, cùng-tột cảnh-giới của Phật; gọi là Hoan-hỉ-địa.
Tính khác nhập với đồng, tính đồng cũng diệt; gọi là Ly-cấu-địa.
Thanh-tịnh cùng-tột, sáng-suốt sinh ra; gọi là Phát-quang-địa.
Sáng-suốt tột, giác viên-mãn; gọi là Diệm-tuệ-địa.
Tất-cả cái đồng, cái khác, không thể đến được; gọi là
Nan-thắng-địa.
Bản-tính thanh-tịnh vô-vi, chân-như tỏ-lộ; gọi là Hiện-tiền-địa.
Tột bờ-bến chân-như; gọi là Viễn-hành-địa.
Một tâm chân-như; gọi là Bất-động-địa.
Phát cái dụng chân-như; gọi là Thiện-tuệ-địa.
A-nan, các Bồ-tát đó, từ đây về trước, công-hạnh tu-tập đã xong,
công-đức được viên-mãn, cũng gọi địa nầy là Tu-tập-vị; bóng từ, mây diệu, trùm
bể Niết-bàn; gọi là Pháp-vân-địa.
8. Kết-thúc bằng hai quả-vị Đẳng-giác và Diệu-giác
Như-lai ngược dòng trở lại, vị Bồ-tát đó thuận dòng đi tới,
giác-ngộ vào chỗ giao-tiếp với nhau; gọi là Đẳng-giác.
A-nan, từ tâm Càn-tuệ đến Đẳng-giác rồi, giác đó mới bắt-đầu được
Sơ-càn-tuệ-địa trong tâm Kim-Cương; như vậy lớp-lớp tu đơn, tu kép 12 vị mới
cùng tột Diệu-giác, thành đạo Vô-thượng.
Các thứ địa ấy, đều lấy trí Kim-cương quán-sát mười thứ ví-dụ
như-huyễn sâu-xa, trong Xa-ma-tha, dùng phép Tỳ-bà-xá-na của các đức Như-lai mà
thanh-tịnh tu-chứng, lần-lượt đi sâu vào.
A-nan, như thế, đều dùng ba tiệm-thứ tăng-tiến, nên khéo
thành-tựu 55 vị trong đường Bồ-đề chân-thật. Làm cái quán như vậy, gọi là
chính-quán; nếu quán cách khác, gọi là tà-quán".
Comments
Post a Comment