KINH THỦ LĂNG NGHIÊM
PHẦN CHÍNH TÔNG
14. CÁC ĐẠI KHÔNG
NGĂN NGẠI LẪN NHAU
The Reason for Perfect Penetration
Phú-lâu-na, tư-tưởng
thương-yêu ràng buộc lẫn nhau, yêu mãi không rời, thì những cha mẹ con cháu
trong thế-gian sinh nhau không ngớt, bọn nầy thì lấy dục-tham làm gốc. Lòng
tham, lòng yêu giúp nhau tăng-trưởng, tham mãi không thôi, thì các loài
thai-sinh, noãn-sinh, thấp-sinh, hóa-sinh trong thế-gian, tùy sức mạnh-yếu,
ăn-nuốt lẫn nhau; bọn nầy thì lấy sát-tham làm gốc. Lấy thân người ăn con dê,
dê chết làm người, người chết làm dê, như vậy cho đến mười loài chúng-sinh chết
sống, sống chết, ăn-nuốt lẫn nhau, nghiệp dữ cùng sinh ra tột đời vị-lai, bọn
nầy thì lấy đạo-tham làm gốc.
Người nầy mắc nợ
thân-mệnh người kia, người kia trả nợ cũ cho người nầy; do nhân-duyên ấy, trải
qua trăm nghìn kiếp, thường ở trong đường sống chết. Người nầy yêu cái tâm
người kia, người kia ưa cái sắc người nầy, do nhân-duyên ấy, trải qua trăm
nghìn kiếp, thường ở trong vòng ràng-buộc. Duy ba món sát, đạo, dâm làm gốc và
vì nhân-duyên đó, nghiệp-quả tiếp-tục.
Phú-lâu-na, ba thứ
tiếp-tục điên-đảo ấy, đều do tính sáng-suốt rõ-biết của giác-minh, nhân rõ-biết
phát ra có tướng, theo vọng-tưởng mà kiến-chấp sinh ra, các tướng hữu-vi núi
sông, đất liền thứ lớp dời-đổi, đều nhân cái hư-vọng đó, mà xoay-vần sau
trước".
Ông Phú-lâu-na bạch:
"Nếu cái diệu-giác đó, bản-tính là diệu-minh, cùng với tâm Như-lai, không
thêm không bớt, mà không cớ gì bỗng-nhiên lại sinh ra các tướng hữu-vi núi
sông, đất liền; vậy Như-lai hiện nay đã chứng được bản-giác diệu-minh, không có
phân-biệt, thì đến lúc nào lại sinh ra núi sông, đất liền và các tập-lậu
hữu-vi?"
Phật bảo ông Phú-lâu-na:
"Ví như người mê, nơi một xóm làng, lầm phương Nam làm phương Bắc, thì cái
mê ấy, lại là nhân mê mà có hay nhân ngộ mà ra?"
Ông Phú-lâu-na bạch:
"Người mê như vậy, cũng không nhân mê, cũng không nhân ngộ. Vì sao? Mê,
vốn không có gốc, làm sao lại nhân mê? Còn ngộ, không phải cái sinh ra mê, làm
sao lại nhân ngộ?"
Phật dạy: "Người mê
kia, chính trong lúc mê, bỗng có người ngộ chỉ-bày cho được ngộ. Phú-lâu-na, ý
ông nghĩ thế nào? Người ấy giải-trừ được cái mê đi, thì đối với xóm làng đó,
còn có sanh mê nữa không?
- Thưa Thế-tôn, không.
- Phú-lâu-na, Như-lai
mười phương thì cũng như vậy. Cái mê đó không có gốc, tính nó rốt-ráo là
rỗng-không; xưa vốn không mê, chỉ hình-như có mê, có giác; giác được cái mê,
thì cái mê diệt và giác, không sinh ra mê.
Cũng như người lòa thấy
hoa-đốm giữa hư-không, nếu trừ được bệnh lòa, thì hoa đốm nơi hư-không diệt
mất. Bỗng có người ngu, ở chỗ hư-không mà hoa-đốm kia đã diệt rồi, lại mong đợi
hoa-đốm sinh lại. Ông xét người ấy, là ngu hay là trí-tuệ?"
Ông Phú-lâu-na bạch:
"Hư-không vốn không có hoa-đốm, vì hư-vọng mà thấy có sinh diệt; thấy
hoa-đốm diệt mất nơi hư-không đã là điên-đảo rồi; lại còn muốn bảo nó sinh lại,
thì thật là điên-dại; làm sao còn gọi người điên như vậy, là ngu hay là
trí-tuệ."
Phật dạy: "Ông hiểu
như vậy, làm sao còn hỏi tính-giác diệu-minh, không có phân-biệt của chư Phật
Như-lai, lúc nào lại sinh ra núi sông, đất liền.
Lại như quặng vàng lộn
với vàng ròng, khi vàng đã luyện thành ròng rồi, thì không xen-lộn được nữa;
cũng như cây đã đốt ra tro, thì không thành cây được nữa; Bồ-đề Niết-bàn chư
Phật Như-lai thì cũng như vậy.
"Phú-lâu-na, ông lại
hỏi về địa, thủy, hỏa, phong, bản-tính viên-mãn dung-hòa, cùng khắp pháp-giới,
nghi sao tính nước, tính lửa lại không lấn nhau, diệt nhau và nêu ra hư-không
và địa-đại đều cùng khắp pháp-giới, lẽ ra không dung được nhau.
Phú-lâu-na, ví như
hư-không, bản-thể không phải các tướng, mà không ngăn-cản các tướng phát-huy.
Vì sao? Phú-lâu-na, nơi hư-không kia, mặt trời soi thì sáng, mây kéo thì tối,
gió lay động, trời tạnh thì trong, hơi đọng, thì dục, bụi nổi thì mù,
nước đứng thì ánh. Ý ông nghĩ thế nào? Các tướng hữu-vi khác nhau như vậy, nhân
các cái kia mà sinh, hay nhân hư-không mà có. Phú-lâu-na, nếu như do các cái
kia sinh ra, thì khi mặt trời soi, đã là mặt trời sáng, mười phương thế-giới
đều thành sắc của mặt trời, làm sao giữa hư-không, lại còn thấy mặt trời tròn.
Nếu là hư-không sáng, thì hư-không phải tự soi lấy, làm sao lúc giữa đêm mây-mù,
lại không sinh ra sáng-chói. Vậy nên biết rằng cái sáng đó, không phải mặt
trời, không phải hư-không và cũng không ra ngoài hư-không và mặt trời. Xét cái
tướng vốn là vọng, không thể chỉ-bày, cũng như muốn hoa-đốm hư-không kết-thành
quả hư-không, làm sao còn gạn-hỏi cái nghĩa lấn-diệt lẫn nhau? Xét cái tính,
vốn là chân, chỉ là tính-giác diệu-minh, tính-giác diệu-minh, vốn không phải là
nước hay là lửa, làm sao còn hỏi về nghĩa không dung được nhau?
Bản-tính diệu-minh
chân-thật thì cũng như vậy. Ông phát-minh cái hư-không, thì có hư-không hiện
ra; địa, thủy, hỏa, phong, mỗi mỗi phát-minh, thì mỗi mỗi hiện ra; nếu cùng
phát-minh, thì cùng hiện ra.
Thế nào là cùng hiện ra?
Phú-lâu-na, như trong một chỗ có nước, hiện ra bóng mặt trời, hai người đồng
xem mặt trời trong nước; rồi một người đi phương Đông, một người đi phương Tây,
thì hai bên đều có mặt trời theo mình cùng đi, một cái về phương Đông, một cái
về phương Tây, không có chuẩn-đích nhất-định. Không nên gạn-hỏi rằng, mặt trời
đó là một, sao lại mỗi cái đi theo mỗi người? Các mặt trời đã thành hai, làm
sao trước kia chỉ hiện ra có một? Hư-vọng quanh-lộn như thế, không thể lấy gì
làm bằng cứ.
"Phú-lâu-na, ông đem
cái sắc, cái không, mà lấn-cướp lẫn nhau nơi Như-lai-tạng, thì Như-lai-tạng
theo ông làm sắc, làm không, cùng khắp pháp-giới; vậy nên trong ấy, gió thổi
thì động, hư-không thì lặng, mặt trời thì sáng, mây mù thì tối: Chúng sinh
mê-lầm, trái với giác-tính, hợp với trần-tướng, cho nên phát ra trần-lao, có
các tướng thế-gian.”
"Tôi lấy tính diệu-minh,
không diệt không sinh, hợp với Như-lai-tạng, thì Như-lai-tạng chỉ là
tính-giác-diệu-minh, soi khắp pháp-giới; vậy nên trong ấy, một là vô-lượng,
vô-lượng là một, trong nhỏ hiện ra lớn, trong lớn hiện ra nhỏ, đạo-trường
bất-động cùng khắp thế-giới mười phương, thân trùm cả hư-không vô-tận mười
phương, nơi đầu một mãy lông, hiện ra cõi Bảo-vương, ngồi trong vi-trần, chuyển
bánh xe pháp lớn; diệt trần-tướng, hợp giác-tính, nên phát ra tính-giác
chân-như nhiệm-mầu sáng-suốt.
"Nhưng Như-lai-tạng
bản-tính diệu-viên, không phải là tâm, là không, là địa, là thủy, là phong, là
hỏa; không phải là nhãn, là nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; không phải là sắc, là
thanh, hương, vị, xúc, pháp; không phải là nhãn-thức-giới, cho đến không phải
là ý-thức-giới; không phải là minh, là vô-minh, là hết minh, là hết vô-minh,
cho đến không phải là lão, là tử, là hết lão tử; không phải là khổ, là tập, là
diệt, là đạo; không phải là trí, là đắc; không phải là bố-thí, là trì-giới, là
tinh-tiến, là nhẫn-nhục, là thiền-định, là trí-tuệ, là Ba-la-mật-đa, cho đến
cũng không phải là Như-lai, là Ứng-cúng, là Chính-biến-tri; không phải là
Đại-niết-bàn, là đức Thường, đức Lạc, đức Ngã, đức Tịnh, vì cái đó, đều không
là các pháp thế-gian và xuất-thế-gian vậy.”
"Tức cái bản-tính
minh-diệu Như-lai-tạng, cũng tức là tâm, là không, là địa, là thủy, là phong,
là hỏa; tức là nhãn, là nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; tức là sắc, là thanh, hương,
vị, xúc, pháp; tức là nhãn-thức-giới, cho đến là ý-thức-giới; tức là minh, là
vô-minh, là hết minh, là hết vô-minh, cho đến tức là lão, là tử, là hết lão tử;
tức là khổ, là tập, là diệt, là đạo; tức là trí, là đắc; tức là bố-thí, là
trì-giới, là tinh-tiến, là nhẫn-nhục, là thiền-định, là trí-tuệ, là
Ba-la-mật-đa, cho đến tức là Như-lai, là Ứng-cúng, là Chính-biến-tri; tức là
Đại-niết-bàn, là đức Thường, đức Lạc, đức Ngã, đức Tịnh; do cái đó, tức là các
pháp thế-gian và xuất-thế-gian vậy.”
"Tức cái tính-giác
diệu-minh Như-lai-tạng, rời cả các nghĩa "tức", "phi" và
cũng là "tức", là "phi"; làm sao chúng-sinh ba cõi thế-gian
và các hàng Thanh-văn, Duyên-giác xuất-thế-gian, lấy cái tâm hay-biết sự vật,
mà đo-lường được vô-thượng Bồ-đề của Như-lai, dùng tiếng nói thế-gian, mà vào
được tri-kiến của Phật. Ví như, những cây đàn cầm, sắt, không-hầu, tỳ-bà, tuy
có tiếng hay, nhưng nếu không có ngón tay hay, thì rốt-cuộc cũng không phát ra
được. Ông cùng chúng-sinh thì cũng như vậy. Tâm-tính chân-thật, mỗi người
đều đầy-đủ, nhưng khi tôi ấn ngón tay, thì hải-ấn phát ra hào-quang, còn các
ông tạm móng tâm lên, thì trần-lao đã nổi, do vì không siêng-năng cầu đạo
vô-thượng-giác, ưa nhớ tiểu-thừa, được một ít đã cho là đủ".
Ông Phú-lâu-na bạch:
"Chân-tâm viên-giác diệu-minh của tôi và của Như-lai, đều viên-mãn không
hai, mà tôi, trước kia mắc vọng-tưởng vô-thủy, ở lâu trong luân-hồi, nay được
thánh-thừa, còn chưa rốt-ráo; Thế-tôn, thì khắp tất-cả các vọng đều diệt trọn,
chỉ có diệu-dụng tính chân-thường. Xin hỏi đức Như-lai, hết thảy chúng-sinh, vì
nhân gì mà có vọng, tự che tính diệu-minh, mà chịu chìm-đắm như vậy?"
Phật bảo ông Phú-lâu-na:
"Ông tuy trừ được lòng nghi, nhưng còn những điều lầm chưa dứt hết. Nay
tôi lại đem những việc hiện-tiền thế-gian mà hỏi ông. Há ông không nghe trong
thành Thất-la-phiệt, có anh Diễn-nhã-đạt-đa, buổi mai lấy gương soi mặt,
bỗng-nhiên ưa cái đầu trong gương, lông mày, con mắt có thể thấy được, rồi
giận-trách cái đầu mình, sao lại không thấy mặt mày, cho là giống yêu-quái, rồi
không cớ gì phát điên bỏ chạy. Ý ông nghĩ thế nào, người đó vì nguyên-nhân gì,
vô cớ phát điên bỏ chạy?"
Ông Phú-lâu-na bạch:
"Tâm người ấy điên, chứ không có cớ gì khác."
Phật dạy: "Tính
diệu-giác viên-mãn sáng-suốt, bản-lai là diệu-minh cùng-khắp; đã gọi là vọng,
thì làm sao có nhân, nếu có nguyên-nhân, thì sao gọi là vọng? Chỉ tự các vọng
tưởng xoay-vần làm nguyên-nhân cho nhau, theo cái mê, chứa cái mê, trải qua
kiếp số như vi-trần; tuy Phật phát-minh, còn không biết trở về. Nguyên-nhân cái
mê như vậy, là nhân mê tự có, biết cái mê không có nhân, thì cái vọng không chỗ
nương-tựa, còn không có sinh, thì muốn đem cái gì mà làm cái diệt. Người được
đạo Bồ-đề như người tỉnh-giấc kể chuyện trong chiêm-bao; tâm dầu rõ-ràng, nhưng
không thể có nhân-duyên gì lấy được những vật trong chiêm-bao; huống nữa, cái
mê lại không có nhân, vốn không có gì cả. Như anh Diễn-nhã-đạt-đa trong thành
kia, đâu có nhân-duyên, mà tự sợ đầu mình bỏ chạy, bỗng-nhiên hết điên, thì cái
đầu đâu phải từ ngoài đưa tới; dầu chưa hết điên, cái đầu cũng không hề mất.
Phú-lâu-na, tính của cái vọng là như vậy, làm sao còn có nguyên-nhân được.”
"Ông chỉ không theo
phân-biệt ba thứ tiếp-tục nơi thế-gian, nghiệp-quả, chúng-sinh", thì ba
duyên đã đoạn rồi, ba nhân không sinh ra nữa, và tính điên của anh
Diễn-nhã-đạt-đa trong tâm ông tự hết. Hết, tức là tâm-tính Bồ-đề trong-sạch
sáng-suốt, bản-lai cùng khắp pháp-giới, không do ai đưa lại, nào cần gì phải
tu-chứng nhọc-nhằn vất-vả.
Ví như có người, ở nơi áo
mình, buộc một hạt châu như-ý, mà không hay-biết, nên phải xin ăn rong-ruổi
phương xa, nghèo-nàn rách-rưới; tuy người ấy thật nghèo-nàn, nhưng hạt châu
không hề bị mất; bỗng-nhiên có người khôn, chỉ hạt châu ra cho, thì người ấy
muốn gì được nấy, thành giàu-có lớn, rồi mới ngộ được hạt châu quý-hóa ấy,
không phải do ở ngoài đưa tới".
Comments
Post a Comment