KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

 

 

PHẦN CHÍNH TÔNG



18. NGUỒN GỐC THẮT NÚT

The Source of the Knot

 

Ông A-nan bạch Phật rằng : "Thưa Thế-tôn, tuy Như-lai đã dạy nghĩa quyết-định thứ hai, song tôi xem trong thế-gian, những người cởi nút, nếu không biết đầu nút ở đâu, thì chắc không thể cởi được. Bạch Thế-tôn, tôi và các hàng hữu-học Thanh-văn trong Hội nầy cũng giống như vậy. Từ vô-thủy đến nay, chúng tôi cùng sinh, cùng diệt với các thứ vô-minh, tuy được thiện-căn nghe nhiều Phật-pháp thế nầy, nhưng tiếng là xuất-gia mà cũng như người sốt-rét cách nhật; xin nguyện đức Đại-từ thương-xót kẻ chìm-đắm, chính nơi thân tâm hiện nay, chỉ cho chúng tôi thế nào là nút, do đâu mà cởi, cũng khiến cho chúng-sinh khổ-não vị-lai được khỏi luân-hồi, không sa vào ba cõi."

Nói lời ấy rồi, ông A-nan và cả đại-chúng, năm vóc gieo xuống đất, khóc-lóc thành-khẩn, trông-mong lời khai-thị vô-thượng của đức Như-lai.

 

Khi bấy giờ, đức Thế-tôn thương-xót ông A-nan và hàng hữu-học trong Hội, lại cũng vì tất-cả chúng-sinh đời vị-lai tạo cái nhân xuất-thế, làm cái đạo-nhãn tương-lai; Ngài dùng tay sáng-ngời xoa đỉnh-đầu ông A-nan. Liền khi ấy, trong tất-cả thế-giới, chư Phật mười phương, sáu thứ rung-động; các đức Như-lai, số như vi-trần; trong các cõi ấy, mỗi Ngài đều có hào-quang báu từ nơi đỉnh-đầu phát ra; hào-quang ấy, đồng một thời từ các cõi kia đến rừng Kỳ-đà, soi nơi đỉnh-đầu của đức Như-lai; tất-cả đại-chúng đều được cái chưa từng có.

Khi bấy giờ, ông A-nan và cả đại-chúng đều nghe các đức Như-lai mười phương, số như vi-trần, tuy khác miệng, nhưng đồng một lời, bảo ông A-nan rằng: "Hay thay cho A-nan! Ông muốn biết cái câu-sinh vô-minh là cái đầu nút, khiến ông phải luân-hồi sinh tử, thì nó chính là sáu căn của ông, chứ không phải vật gì khác; ông lại muốn biết tính vô-thượng Bồ-đề, khiến ông chóng chứng đạo-quả an-vui, giải-thoát, vẳng-lặng, diệu-thường, thì cũng chính là sáu căn của ông, chứ không phải vật gì khác".

 

Ông A-nan, tuy được nghe pháp-âm như vậy, tâm còn chưa rõ, cúi đầu bạch Phật: "Làm sao cái khiến cho tôi bị luân-hồi, sống chết hay được an-vui, diệu-thường, cũng đều là sáu căn, chứ không phải vật gì khác?"

Phật bảo ông A-nan: "Căn và trần, đồng một nguồn, cột và cởi không phải hai, cái thức phân-biệt là luống-dối như hoa-đốm giữa hư-không. A-nan, nhân cái trần, mà phát ra cái biết của căn, nhân cái căn, mà có ra cái tướng của trần, tướng-phần sở-kiến và kiến-phần năng-kiến đều không có tự-tính, như những hình cây lau gác vào nhau.

 

Vậy nên nay ông chính nơi tri-kiến, lập ra tướng tri-kiến, thì tức là cỗi-gốc vô-minh; chính nơi tri-kiến, không có tướng tri-kiến, thì đó là vô-lậu chân-tịnh Niết-bàn, làm sao trong ấy lại còn có vật gì khác."

 

Khi bấy giờ, đức Thế-tôn muốn lặp lại nghĩa nầy mà nói bài kệ rằng:

 

"Nơi chân-tính hữu-vi là không,

Vì duyên-sinh, nên giống như-huyễn;

Vô-vi, thì không sinh, không diệt,

Chẳng thật như hoa-đốm hư-không.

Nói cái vọng để tỏ cái chân,

Vọng, chân ấy, cả hai đều vọng;

Còn không phải chân và phi-chân,

Làm sao có năng-kiến, sở-kiến,

Thức ở giữa, không có thật-tính,

Vậy nên, như hình lau gác nhau.

Cột và cởi đồng một sở-nhân,

Thánh và phàm không có hai đường.

Hãy xét tính hình lau gác nhau,

Đâu phải là không hay là có.

Mê-mờ nghĩa đó, là vô-minh,

Phát-minh nghĩa đó, thì giải-thoát.

Cởi nút, tuy phải theo thứ lớp,

Sáu đã cởi, một cũng không còn.

Nơi các căn, chọn tính viên-thông,

Nhập-lưu được, thì thành chánh-giác.

Thức A-đà-na rất nhỏ-nhiệm,

Tập-khí lưu-hành như nước dốc;

E lầm là chân hay phi-chân,

Nên tôi thường không diễn-giảng đến,

Tự-tâm trở-chấp lấy tự-tâm,

Không phải huyễn, thành ra pháp-huyễn.

Không chấp-trước, không gì phi-huyễn

Cả cái phi-huyễn còn không sinh,

Pháp-huyễn, làm sao thành-lập được.

Ấy gọi như-huyễn Tam-ma-đề,

Bảo-giác chắc như Kim-cương-vương,

Không nhiễm, tịnh như diệu-liên-hoa;

Gẩy ngón tay, vượt hàng vô-học;

Pháp ấy, không gì so-sánh được,

Là một đường thẳng vào Niết-bàn,

Của các đức Thế-tôn mười phương".

 

(Chơn tánh hữu vi không,

Duyên sanh cố như huyễn,

Vô vi vô khởi diệt,

Bất thật như không hoa.

Ngôn vọng hiển chư chơn,

Vọng chơn đồng nhị vọng,

Do phi chơn phi chơn,

Vân hà kiến sở kiến?

Trung gian vô thật tánh,

Thị cố nhược giao lô.

Kết giải đồng sở nhơn,

Thánh phàm vô nhị lộ.

Nhữ quán giao trung tánh,

Không hữu nhị cu phi,

Mê hối tức vô minh,

Phát minh tiện giải thoát.

Giải kiết nhân thứ đệ,

Lục giải nhứt diệc vong,

Căn tuyển trạch viên thông,

Nhập lưu thành chánh giác.

Đà-na vi tế thức,

Tập khí thành bộc lưu.

Chơn phi chơn khủng mê,

Ngã thường bất khai diễn.

Tự tâm thủ tự tâm,

Phi huyễn thành huyễn pháp,

Bất thủ vô phi huyễn,

Phi huyễn thượng bất sanh,

Huyễn pháp vân hà lập?

Thị danh diệu liên hoa,

Kim cang vương bảo giác.

Như huyễn tam-ma-đề,

Đờn chỉ siêu vô học.

Thử A-tì-đạt-ma,

Thập phương Bạc-già-phạm,

Nhất lộ niết-bàn môn.)

 

Lúc ấy, ông A-nan và cả đại-chúng nghe lời từ-bi dạy-bảo của Phật, kệ-tụng tinh-túy, diệu-lý trong-suốt, tâm được khai-ngộ, đồng tán-thán là pháp chưa từng có.


Comments

Popular posts from this blog