KINH THỦ LĂNG NGHIÊM
PHẦN CHÍNH TÔNG
20. 25 CĂN TÁNH VIÊN THÔNG
Twenty-Five Means to Enlightenment
Ông A-nan và cả
đại-chúng, nhờ Phật khai-thị, tuệ-nhãn được viên-dung, thông-suốt, không còn
điều gì nghi-hoặc, đồng-thời chấp tay, đỉnh-lễ nơi hai chân mà bạch Phật rằng:
"Ngày nay, chúng tôi thân tâm sáng-suốt, chóng được vô-ngại; song tuy ngộ
được cái nghĩa một và sáu đều không còn, nhưng còn chưa rõ căn-tính bản-lai
viên-thông. Thưa Thế-tôn, chúng tôi xiêu-giạt bơ-vơ nhiều kiếp, ngờ đâu lại
được dự vào dòng giống của Phật, như đứa con mất sữa, bổng-nhiên gặp được
từ-mẫu. Nếu nhân cơ-hội nầy mà được thành-đạo, chỗ bản-ngộ phù-hợp với đạo-lý
vi-diệu đã được nghe, thì cùng với những người chưa nghe, không có sai-khác.
Xin Phật rủ lòng đại-bi ban cho chúng tôi những pháp bí-mật trang-nghiêm;
thành-tựu lời chỉ-dạy cuối-cùng của Như-lai." Nói lời ấy rồi, năm vóc gieo
xuống đất, lui về an-trụ nơi cơ-cảm sâu-nhiệm, trông mong Phật tâm-truyền cho.
Khi bấy giờ, đức Thế-tôn
bảo khắp các vị Đại-bồ-tát và các vị lậu-tận Đại-a-la-hán trong chúng rằng:
"Các ông là những vị Bồ-tát và A-la-hán sinh-trưởng trong Phật-Pháp, đã
chứng-quả vô-học, nay tôi hỏi các ông: Trong lúc ban-đầu mới phát-tâm, trong
thập-bát-giới, ngộ được viên-thông ở giới nào và do phương-tiện gì được
Tam-ma-đề?"
1. Bọn
ông Kiều-trần-na
VIÊN
THÔNG VỀ THANH TRẦN
Bọn ông Kiều-trần-na, năm
vị tỷ-khưu, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng:
"Ở Lộc-uyển và ở Kê-viên, chúng tôi được xem thấy đức Như-lai khi mới
thành-đạo. Chúng tôi do tiếng nói của Phật, tỏ-ngộ được Tứ-đế. Phật hỏi trong
hàng tỷ-khưu, thì trước tiên tôi thưa đã hiểu. Như-lai ấn-chứng cho tôi cái tên
là A-nhã-đa. Đi sâu vào bản-tính nhiệm-mầu, thì âm-thanh thật là viên-dung; tôi
do âm-thanh mà được quả A-la-hán. Phật hỏi về viên-thông, như chỗ chứng của
tôi, thì do âm-thanh là hơn cả".
2. Ông
Ưu-ba-ni-sa-đà
VIÊN
THÔNG VỀ SẮC TRẦN
Ông Ưu-ba-ni-sa-đà liền
từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng: "Tôi cũng
được thấy Phật trong lúc mới thành-đạo; tôi quán-tưởng bất-tịnh, sinh lòng
nhàm-chán rời-bỏ tột bậc, ngộ cái tính của các sắc, từ tướng bất-tịnh đến tướng
xương-trắng, tướng vi-trần, rồi tan về hư-không; cả hai cái không và cái sắc
đều không, thành-đạo vô-học. Đức Như-lai ấn-chứng cho tôi cái tên là Ni-sa-đà;
sắc của trần-cảnh đã hết, sắc của tính-diệu được mật-viên. Tôi do sắc-tướng mà
chứng-quả A-la-hán. Phật hỏi về viên-thông, như chỗ chứng của tôi, thì do
sắc-trần là hơn cả".
3. Ông
Hương-nghiêm-đồng-tử
VIÊN
THÔNG VỀ HƯƠNG TRẦN
Ông Hương-nghiêm-đồng-tử
liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng : "Tôi
nghe đức Như-lai dạy tôi quan-sát chín-chắn các tướng hữu-vi. Khi ấy tôi từ-giả
Phật, đầu-hôm về tĩnh-tọa trong nhà thanh-trai, thấy các tỷ-khưu đốt hương
trầm-thủy, hơi hương vẳng-lặng bay vào trong mũi tôi. Tôi quán cái hơi ấy,
không phải là cây, không phải là không, không phải là khói, không phải là lửa,
đi ra không dính vào đâu, đến nơi cũng không do đâu; do đó, ý-niệm phân-biệt
tiêu-diệt, phát-minh tính vô-lậu. Đức Như-lai ấn-chứng cho tôi cái hiệu là
Hương-nghiêm. Tướng hương tiền-trần bổng diệt, thì diệu-tính của hương là
mật-viên. Tôi do hương-nghiêm mà chứng-quả A-la-hán. Phật hỏi về viên-thông,
như chỗ chứng của tôi, thì do hương-trần là hơn cả".
4. Hai
vị Pháp-vương-tử Dược-vương, Dược-thượng
VIÊN
THÔNG VỀ VỊ TRẦN
Hai vị Pháp-vương-tử
Dược-vương, Dược-thượng, cùng với năm trăm Phạm-thiên trong Hội, liền từ chỗ
ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng: "Từ kiếp vô-thủy,
chúng tôi làm lương-y thế-gian, trong miệng thường nếm những cỏ cây, kim thạch
trong thế-giới Sa-bà nầy, số-mục lên đến mười vạn tám nghìn, biết hết các vị
đắng, chua, mặn, nhạt, ngọt, cay vân vân..., cùng với các vị biến-đổi, do các
vị kia hòa-hợp cùng sinh ra; thứ nào là lạnh, thứ nào là nóng, thứ nào có độc,
thứ nào không độc, tôi đều biết cả. Được thừa-sự các đức Như-lai, rõ-biết
bản-tính của vị-trần, không phải không, không phải có, không phải tức là thân
tâm, không phải thoát-ly thân tâm; do phân-biệt đúng bản-tính vị-trần mà được
khai-ngộ. Nhờ Phật ấn-chứng cho anh em chúng tôi cái danh-hiệu là Dược-vương và
Dược-thượng Bồ-tát; nay ở trong Hội nầy làm vị Pháp-vương-tử. Chúng tôi nhân
vi-trần mà giác-ngộ, lên bậc Bồ-tát. Phật hỏi về viên-thông, như chỗ chứng của
chúng tôi, thì do vị-trần là hơn cả".
5. Ông
Bạt-đà-bà-la
VIÊN
THÔNG VỀ XÚC TRẦN
Ông Bạt-đà-bà-la, với
mười sáu vị Khai-sĩ đồng-bạn, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật
mà bạch Phật rằng: "Bọn tôi, trước kia nơi đức Phật Uy-âm-vương, nghe Pháp
xuất-gia. Trong lúc chư tăng tắm, tôi theo thứ lớp vào phòng tắm; bỗng nhiên
ngộ được chân-tính của nước, đã không rửa bụi, cũng không rửa mình, chặng giửa
yên-lặng, được chỗ không có gì. Túc-tập không quên, nên đến ngày nay theo Phật
xuất-gia, được thành quả vô-học. Đức Phật kia, gọi tôi tên là Bạt-đà-bà-la. Do
phát-minh diệu-tính của xúc-trần, thành được bậc Phật-tử-trụ. Phật hỏi về
viên-thông, như chỗ chứng của tôi, thì do xúc-trần là hơn cả."
6. Ông
Ma-ha-ca-diếp và bà Tử-Kim-quang tỷ-khưu-ny
VIÊN
THÔNG VỀ PHÁP TRẦN
Ông Ma-ha-ca-diếp và bà
Tử-Kim-quang tỷ-khưu-ny, ... liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật
mà bạch Phật rằng: "Kiếp xưa, trong cõi nầy, có đức Phật ra đời, tên là
Nhựt-nguyệt-đăng diệt-độ rồi, chúng tôi thắp đèn sáng mãi cúng-dàng xá-lợi, lại
lấy vàng-thắm thếp hình-tượng Phật. Từ đó đến nay, đời nào đời nào, thân-thể
thường viên-mãn, sáng-ngời như vàng-thắm. Bọn Tử-kim-quang tỷ-khưu-ny nầy, tức
là quyến-thuộc của tôi lúc đó, cũng đồng một thời phát-tâm như tôi. Tôi quán
trong thế-gian, sáu trần đều dời-đổi tan-nát, chí dùng pháp không-tịch, tu định
diệt-tận, thì thân tâm mới có thể trải qua trăm nghìn kiếp như một thời-gian
gẩy ngón tay. Tôi do quán được các pháp là rỗng-không, mà thành quả A-la-hán.
Đức Thế-tôn bảo tôi tu hạnh đầu-đà bậc nhất. Diệu-tính của các pháp được
khai-ngộ, thì tiêu-diệt các lậu. Phật hỏi về viên-thông, như chỗ chứng của tôi,
thì do pháp-trần là hơn cả."
7. Ông
A-na-luật-đà
VIÊN
THÔNG VỀ NHÃN CĂN
Ông A-na-luật-đà liền từ
chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng: "Lúc tôi mới
xuất-gia, thường thích nằm ngủ, nên đức Như-lai quở tôi là loài
súc-sinh. Nghe lời Phật quở, tôi khóc-lóc tự-trách, suốt bảy ngày không ngủ, hư
cả hai con mắt. Đức Thế-tôn dạy tôi tu pháp "Lạc-kiến chiếu-minh kim-cương
tam-muội". Tôi không do con mắt, xem thấy mười phương rỗng-suốt tinh-tường
như xem cái quả trong bàn tay; đức Như-lai ấn-chứng cho tôi thành quả A-la-hán.
Phật hỏi về viên-thông, như chỗ chứng của tôi, thì xoay cái thấy trở về
bản-tính, đó là thứ nhất".
8. Ông
Chu-lỵ-bàn-đặc-ca
VIÊN
THÔNG VỀ TỶ CĂN
Ông Chu-lỵ-bàn-đặc-ca
liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng: "Tôi
thiếu tụng-trì, không có tuệ đa-văn. Khi mới gặp Phật, nghe Pháp và xuất-gia,
tôi cố nhớ một câu kệ của Như-lai, song trong một trăm ngày, hễ nhớ trước thì
quên sau, mà nhớ sau thì quên trước. Phật thương tôi ngu-muội, dạy tôi phép
an-cư, điều-hòa hơi-thở ra vào. Tôi quán hơi-thở, cùng-tột các tướng sinh, trụ,
dị, diệt nhỏ-nhiệm, đến từng sát-na; tâm tôi rỗng-suốt, được đại-vô-ngại, cho
đến hết các lậu, thành quả A-la-hán, trước pháp-tọa của Phật, được ấn-chứng
thành quả vô-học. Phật hỏi về viên-thông, như chỗ chứng của tôi, thì xoay
hơi-thở về tính rỗng không, đó là thứ nhất."
9. Ông
Kiều-phạm-bát-đề
VIÊN
THÔNG VỀ THIỆT CĂN
Ông Kiều-phạm-bát-đề liền
từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng: "Tôi mắc
khẩu-nghiệp, khinh-rẻ, chế-giễu vị sa-môn trong kiếp quá-khứ, nên đời đời mắc
bệnh nhai lại như trâu. Đức Như-lai chỉ-dạy cho tôi pháp-môn "Nhất-vị
thanh-tịnh tâm-địa". Tôi nhờ vậy, mà diệt được phân-biệt vào Tam-ma-đề;
tôi quán tính-biết-vị, không phải thân-thể, không phải ngoại-vật, liền đó vượt
khỏi các lậu thế-gian, bên trong giải-thoát thân tâm, bên ngoài rời-bỏ
thế-giới, xa-rời ba cỏi như chim sổ lồng, rời hết cấu-nhiễm, tiêu-diệt
trần-tướng, nên pháp-nhãn được thanh-tịnh, thành quả A-la-hán. Đức Như-lai
ấn-chứng cho tôi lên bậc vô-học. Phật hỏi về viên-thông, như chỗ chứng của tôi,
trả các vị về phân-biệt, xoay cái biết về tự-tính, đó là thứ nhất."
10. Ông
Tất-lăng-già-bà-ta
VIÊN
THÔNG VỀ THÂN CĂN
Ông Tất-lăng-già-bà-ta
liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng: "Tôi
lúc mới phát-tâm theo Phật nhập-đạo, thường nghe đức Như-lai dạy về những việc
không vui được trong thế-gian. Lúc đi khất-thực trong thành, tâm tôi đang
suy-nghĩ pháp-môn Phật dạy, giữa đường, không ngờ bị gai-độc đâm vào chân, cả
mình đau-đớn. Tâm-niệm tôi có biết cái đau-đớn ấy; tuy biết đau-đớn nhưng đồng-thời
giác-biết nơi tâm thanh-tịnh, không có cái đau và cái biết đau. Tôi lại
suy-nghĩ: Một thân-thể này, lẽ đâu có hai tính-biết; nhiếp-niệm chưa bao lâu,
thì thân tâm bỗng-nhiên rỗng-không; trong ba lần bảy ngày, các lậu đều tiêu
hết, thành quả A-la-hán; được Phật ấn-chứng lên bậc vô-học. Phật hỏi về
viên-thông, như chỗ chứng của tôi, thì thuần một giác-tính, rời-bỏ thân-thể, đó
là thứ nhất."
11. Ông
Tu-bồ-đề
VIÊN
THÔNG VỀ Ý CĂN
Ông Tu-bồ-đề liền từ chỗ
ngồi đứng dậy, đỉnh-lể nơi chân Phật mà bạch Phật rằng: "Từ nhiều kiếp đến
nay, tâm tôi được vô-ngại, tự nhớ thụ-sinh nhiều đời như số cát sông Hằng; lúc
còn trong thai mẹ, cũng liền biết tính không-tịch, như thế cho đến mười phương
đều thành rỗng-không và cũng khiến cho chúng-sinh chứng được tính-không; nhờ
đức Như-lai phát-minh tính-giác là chân-không, nên tính-không được viên-mãn
sáng-suốt, chứng quả A-la-hán, liền vào bảo-minh-không-hải của Như-lai,
tri-kiến đồng như Phật, được ấn-chứng thành quả vô-học; tính giải-thoát
rỗng-không, tôi là hơn cả. Phật hỏi về viên-thông, như chỗ chứng của tôi: Các
tướng đều xoay vào phi-tướng, năng-phi và sở-phi đều hết, xoay các pháp trở về
chỗ không có gì, đó là thứ nhất."
12. Ông
Xá-lỵ-phất
VIÊN
THÔNG VỀ NHÃN THỨC
Ông Xá-lỵ-phất liền từ
chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng: "Từ nhiều kiếp
đến nay, chỗ nhận-thấy của tôi được thanh-tịnh; tuy tôi thụ-sinh nhiều đời như
số cát sông Hằng như vậy, mà đối với các pháp biến-hóa thế-gian và
xuất-thế-gian, hễ thấy được đều thông-suốt, không có ngăn-ngại. Tôi ở giữa
đường, gặp anh em ông Ca-diếp-ba theo rõi, nói pháp nhân-duyên, thì ngộ được
tâm không có bờ-bến. Tôi theo Phật xuất-gia, chỗ nhận-thấy sáng-suốt viên-mãn,
được pháp đại-vô-úy, thành quả A-la-hán, làm trưởng-tử của Phật, từ miệng Phật
mà sinh ra, do Pháp-Phật mà hóa-sinh. Phật hỏi về viên-thông, như chỗ chứng của
tôi, thì tính-thấy của tâm-thể phát ra sáng-suốt, cùng-tột các tri-kiến, đó là
thứ nhất."
13.
Ngài Phổ hiền Bồ tát
VIÊN
THÔNG VỀ NHĨ THỨC
Ngài Phổ-hiền Bồ-tát liền
từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng: "Tôi đã
từng làm Pháp-vương-tử cho các đức Như-lai như số cát sông Hằng; thập phương
Như-lai dạy các đệ-tử có căn-cơ Bồ-tát, tu hạnh Phổ-hiền, hạnh đó, do tôi mà
đặt tên như vậy. Thưa đức Thế-tôn, tôi dùng tính-nghe của tâm-thể phân-biệt
tất-cả tri-kiến của chúng-sinh. Nếu ở phương khác, cách ngoài hằng-sa thế-giới,
có một chúng-sinh, trong tâm phát được hạnh-nguyện Phổ-hiền, thì liền trong lúc
ấy, tôi cưỡi voi sáu ngà, phân-thân thành trăm nghìn, đến chỗ người ấy. Dầu cho
người ấy nghiệp-chướng còn sâu, chưa thấy được tôi, tôi cũng thầm-kín xoa
đỉnh-đầu người ấy, ủng-hộ an-ủi, khiến cho được thành-tựu. Phật hỏi về
viên-thông, tôi nói chỗ bản-nhân của tôi là phát-minh tính-nghe của tâm-thể,
phân-biệt được tự-tại, đó là thứ nhất."
14. Ông
Tôn-đà-la-nan-đà
VIÊN
THÔNG VỀ TỶ THỨC
Ông Tôn-đà-la-nan-đà liền
từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng: "Lúc tôi
mới xuất-gia theo Phật nhập-đạo, tuy giữ đủ giới-luật, nhưng trong lúc tu
Tam-ma-đề, tâm thường tán-loạn, chưa được quả vô-lậu. Đức Thế-tôn dạy tôi và
ông Câu-si-la quán đầu lỗ-mũi-trắng. Lúc tôi bắt đầu tu quán ấy, trải qua ba
lần bảy ngày, thấy hơi-thở trong mũi ra vào như khói, thân tâm bên trong
sáng-soi thông-suốt thế-giới, khắp nơi thành trống-không thanh-tịnh, như ngọc
lưu-ly; tướng khói lần lần tiêu mất, hơi-thở hóa thành trắng, đến khi tâm được
khai-ngộ, các lậu hết sạch, thì những hơi-thở ra vào hóa-thành hào-quang,
soi khắp thập phương thế-giới, được quả A-la-hán. Đức Thế-tôn thụ-ký cho tôi sẽ
được quả Bồ-đề. Phật hỏi về viên-thông, tôi dùng phép nhiếp-thu ý-niệm nơi
hơi-thở, yên-lặng lâu ngày, phát ra sáng-suốt, sáng-suốt viên-mãn, diệt hết các
lậu, đó là thứ nhất."
15. Ông
Phú-lâu-na-di-đa-la-ni-tử
VIÊN
THÔNG VỀ THIỆT THỨC
Ông
Phú-lâu-na-di-đa-la-ni-tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật mà
bạch Phật rằng: "Tôi từ nhiều kiếp đến nay, tài biện-thuyết được vô-ngại,
tuyên-dương các pháp Khổ, Không, thấu-suốt tướng chân-thật, như thế cho đến các
pháp-môn bí-mật hằng-sa Như-lai, tôi phương-tiện chỉ-bày trong chúng, được sức
vô-úy. Đức Thế-tôn biết tôi có tài biện-thuyết lớn-lao, nên dùng pháp-luân
âm-thanh, dạy tôi tuyên-dương Chính-pháp. Tôi ở trước Phật, giúp Phật chuyển
pháp-luân, nhân nói Chính-pháp, thành quả A-la-hán. Đức Thế-tôn ấn-chứng cho
tôi thuyết-pháp hơn cả. Phật hỏi về viên-thông, tôi dùng pháp-âm hàng-phục
tà-ma ngoại-đạo, tiêu-diệt các lậu, đó là thứ nhất."
16. Ông
Ưu-ba-ly
VIÊN
THÔNG VỀ THÂN THỨC
Ông Ưu-ba-ly liền từ chỗ
ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng: "Chính tôi được
theo Phật vượt thành xuất-gia, xem thấy đức Như-lai sáu năm siêng-tu khổ-hạnh,
thấy đức Như-lai hàng-phục bọn tà ma, đối-trị các ngoại-đạo, giải-thoát các lậu
tham-dục thế-gian; tôi được nhờ Phật dạy giữ giới, cho đến ba nghìn uy-nghi,
tám vạn hạnh vi-tế, các tính-nghiệp và giá-nghiệp thảy đều thanh-tịnh; do đó,
thân tâm được tịch-diệt, thành quả A-la-hán, nay làm vị cương-kỷ trong chúng
của Như-lai; Phật ấn-chứng cho tôi giữ giới tu-thân hơn cả trong chúng. Phật
hỏi viên-thông, tôi do chấp-trì cái thân mà thân được tự-tại, lần đến chấp-trì
cái tâm mà tâm được thông-suốt, về sau cả thân và tâm tất-cả đều viên-thông,
tự-tại, đó là thứ nhất."
17. Ông
Đại-mục-kiền-liên
VIÊN
THÔNG VỀ Ý THỨC
Ông Đại-mục-kiền-liên
liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng: "Lúc
trước tôi khất-thực giữa đường, gặp ba anh em họ Ca-diếp-ba là ông
Ưu-lâu-tần-loa, ông Già-gia và ông Na-đề, giảng-nói nghĩa-lý nhân-duyên sâu-xa
của Như-lai; tôi liền phát-tâm, được rất thông-suốt; Như-lai ban cho áo ca-sa
đắp trên mình, râu tóc tự rụng. Tôi đi khắp mười phương được không ngăn-ngại,
phát-minh thần-thông, được trong chúng suy-tôn là vô-thượng, thành quả
A-la-hán. Không những riêng đức Thế-tôn, mà thập phương Như-lai đều khen sức
thần-thông của tôi thanh-tịnh tròn-sáng, tự-tại không e-sợ, Phật hỏi về
viên-thông, tôi do xoay ý-niệm trở về tính viên-trạm nên tâm-trí mở-bày,
như lắng nước đục, lâu thành trong-sáng, đó là thứ nhất."
18. Ông
Ô-xô-sắt-ma
VIÊN
THÔNG VỀ HỎA ĐẠI
Ông Ô-xô-sắt-ma, ở trước
đức Như-lai, chấp tay đỉnh-lễ nơi hai chân Phật mà bạch Phật rằng: " Tôi
thường nhớ trước kia, trong kiếp xa-xôi, tính có nhiều tham-dục; lúc ấy,
có đức Phật ra đời hiệu là Không-vương, bảo người đa-dâm như đống lửa hồng và
dạy tôi quán khắp những hơi nóng lạnh nơi trăm vóc tứ-chi; tôi nhờ quán như
vậy, mà được giác-tính sáng-suốt lặng-đứng bên trong, hoá tâm đa-dâm thành lửa
trí-tuệ. Từ ấy, các đức Phật đều gọi tên tôi là Hỏa-đầu. Tôi dùng sức
hỏa-quang-tam-muội mà thành quả A-la-hán; trong tâm phát đại-nguyện, khi các
đức Phật thành-đạo, thì làm lực-sĩ, thân ở bên Phật, uốn-dẹp bọn tà-ma
quấy-phá. Phật hỏi về viên-thông, tôi dùng pháp quán các hơi-ấm nơi thân tâm
đều lưu-thông không ngăn-ngại; các lậu đã tiêu, sinh ra ngọn lửa đại-trí
quý-báu, lên bậc vô-thượng-giác, đó là thứ nhất."
19.
Ngài Trì-địa Bồ-tát
VIÊN
THÔNG VỀ ĐỊA ĐẠI
Ngài Trì-địa Bồ-tát liền
từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng: "Tôi nhớ
kiếp xưa, khi đức Phật Phổ-quang ra đời, tôi làm tỷ-khưu, thường ở nơi các nẻo
đường bến đò, đất-đai hiểm-trở eo-hẹp, không đúng nguyên-tắc, có thể làm
tổn-hại đến xe ngựa, thì tôi đều đắp bằng, hoặc làm cầu-cống, hoặc gánh đất
cát; siêng-năng khó-nhọc như vậy trong suốt thời-gian vô-lượng Phật ra đời.
Hoặc có chúng-sinh, ở nơi chợ-búa, cần người mang đồ-vật, trước tiên tôi mang
hộ đến nơi, đến chốn, để đồ-vật xuống, liền đi ngay, không lấy tiền-thuê.
Khi đức Phật Tỳ-xá-phù ra
đời, thế-gian phần nhiều đói-kém; tôi cõng giúp người, không kể gần xa, chỉ lấy
một đồng tiền; hoặc có xe trâu sa xuống bùn-lầy, tôi dùng sức-mạnh đẩy bánh xe
lên cho khỏi khổ-não. Ông vua trong nước thuở đó thết-trai mời Phật; lúc ấy,
tôi liền sửa-sang đường đất bằng-phẳng, đợi Phật đi qua. Đức Tỳ-xá Như-lai xoa
đỉnh-đầu tôi mà bảo rằng: "Nên bình cái tâm-địa, thì tất-cả đất-đai trên
thế-giới đều bình". Tôi liền khai-ngộ, thấy vi-trần nơi thân-thể
cùng với tất-cả vi-trần tạo-thành thế-giới đều bình-đẳng không sai khác,
tự-tính của vi-trần không chạm-xát nhau, cho đến các thứ đao-binh cũng không
đụng-chạm gì; tôi do nơi pháp-tính ngộ được vô-sinh-nhẫn, thành quả A-la-hán,
xoay tâm về đại-thừa, nên hiện nay, ở trong hàng Bồ-tát; khi nghe các đức
Như-lai dạy về chổ tri-kiến của Phật như Diệu-liên-hoa, thì tôi chứng-tỏ
đầu-tiên, làm vị thượng-thủ. Phật hỏi về viên-thông, do tôi quán-kỹ hai thứ
trần nơi căn-thân và khí-giới đều bình-đẳng không sai khác, vốn là Như-lai-tạng
giả-dối phát ra trần-tướng; trần-tướng đã tiêu-diệt, thì trí-tuệ được viên-mãn,
thành-đạo vô-thượng, đó là thứ nhất."
20.
Ngài Nguyệt-quang-đồng-tử
VIÊN
THÔNG VỀ THỦY ĐẠI
Ngài Nguyệt-quang-đồng-tử
liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng: "Tôi
nhớ hằng-sa kiếp về trước, có đức Phật ra đời, hiệu là Thủy-thiên, dạy hàng
Bồ-tát tu-tập phép quán-thủy để vào Tam-ma-đề; nghĩa là quán ở trong thân, tính
nước không gì ngăn-ngại, quán từ nước-mũi, nước-bọt cho đến tất-cả các thứ tân,
dịch tinh, huyết, đại-tiện, tiểu-tiện; xoay-vần trong thân đều đồng một tính
nước, quán thấy nước trong thân cùng nước các bể hương-thủy của
Phù-tràng-vương-sát ở ngoài thế-giới, đều bình-đẳng không sai khác.
Tôi trong lúc ấy, mới
thành-tựu phép quán nầy, chỉ thấy được nước, chưa được không có thân; lúc đang
làm tỷ-khưu, tọa-thiền trong phòng, tôi có người đệ-tử dòm cửa sổ trông vào
phòng chỉ thấy nước trong, đầy khắp trong phòng, chứ không có gì; nó nhỏ-dại
không biết, liền lấy một miếng ngói ném vào trong nước, đập vào nước phát ra
tiếng, ngó quanh rồi bỏ đi; về sau, tôi xuất-định, liền thấy đau tim như ông
Xá-lỵ-phất bị con quỷ Vi-hại đập. Tôi tự suy-nghĩ: Nay tôi đã được đạo
A-la-hán, đã lâu không còn nhân-duyên mắc bệnh được nữa, làm sao ngày nay lại
sinh ra đau tim, không lẽ đã bị thoái-thất rồi chăng? Khi bấy giờ, đệ-tử của
tôi đi đến, kể lại cho tôi những việc như trước, tôi mới bảo nó, sau nầy, nếu
lại thấy nước, thì nên mở cửa, vào lấy viên ngói trong nước ấy đi. Đệ-tử
vâng-lời tôi bảo; về sau, khi tôi nhập-định, nó lại thấy nước với viên ngói
rõ-ràng, nó liền mở cửa, lấy viên ngói ra. Sau đó, tôi xuất-định, thì thân-thể
lại được như cũ.
Tôi đã gặp được vô-lượng
Phật, đến đức Sơn-hải-tự-tại-thông-vương Như-lai, thì tôi mới được không còn
thân riêng và cùng với nước bể hương-thủy thập phương thế-giới, đồng một tính
chân-không, không hai không khác; hiện nay, ở nơi đức Như-lai, được danh-hiệu
là Đồng-chân, dự Hội Bồ-tát. Phật hỏi về viên-thông, tôi do quán tính nước một
mực lưu-thông, được phép vô-sinh-nhẫn, viên-mãn đạo Bồ-đề, đó là thứ
nhất."
21.
Ngài Lưu-ly-quang Pháp-vương-tử
VIÊN
THÔNG VỀ PHONG ĐẠI
Ngài Lưu-ly-quang
Pháp-vương-tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật mà bạch Phật
rằng: "Tôi nhớ hằng-sa kiếp về trước, có đức Phật ra đời, hiệu là
Vô-lượng-thanh; ngài khai-thị tính bản-giác diệu-minh cho các hàng Bồ-tát và
dạy quán thế-giới và thân chúng-sinh nầy đều do sức lay-động của vọng-duyên
chuyển-biến ra. Tôi lúc bấy giờ, quán cái không-gian an-lập, quán cái thời-gian
thiên-lưu, quán cái thân-thể khi động, khi yên, quán cái thức-tâm niệm-niệm
sinh-diệt, tất-cả đều lay-động như-nhau, bình-đẳng không sai khác. Khi bấy giờ,
tôi giác-ngộ cái tính các thứ động ấy, đến không do đâu, đi không tới đâu;
tất-cả chúng-sinh điên-đảo, số như vi-trần trong mười phương đều đồng một
hư-vọng; như vậy, cho đến tất-cả chúng-sinh trong một tam-thiên đại-thiên thế-giới,
cũng như hàng trăm loài muỗi-mạt đựng trong một đồ-đựng, vo-vo kêu-ầm, ở trong
gang-tấc, ồn-ào rối-rít. Tôi gặp Phật chưa bao lâu, thì được pháp vô-sinh-nhẫn;
khi bấy giờ, tâm đã khai-ngộ, mới thấy cõi Phật Bất-động phương Đông, làm vị
Pháp-vương-tử. Tôi thừa-sự thập phương Phật, thân tâm phát ra sáng-suốt,
rỗng-thấu không ngăn-ngại. Phật hỏi về viên-thông, tôi do quan-sát sức lay-động
không nương vào đâu, ngộ được tâm Bồ-đề, vào được Tam-ma-địa, hợp với
nhất-diệu-tâm mà thập phương Phật truyền-dạy, đó là thứ nhất".
22.
Ngài Hư-không-tạng-Bồ-tát
VIÊN
THÔNG VỀ KHÔNG ĐẠI
Ngài Hư-không-tạng-Bồ-tát
liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng: "Tôi
cùng đức Như-lai chứng được thân vô-biên nơi đức Phật Định-quang; lúc ấy, tay
tôi cầm bốn hạt-châu-báu lớn, soi-tỏ cõi Phật thập phương số như vi-trần, đều
hóa-thành hư-không; lại ở nơi tự-tâm hiện ra trí đại-viên-kính, trong ấy phóng
ra mười thứ hào-quang, vi-diệu quý-báu, soi khắp các Phù-tràng-vương-sát
cùng-tột hư-không mười phương, đều vào trong viên-kính ấy, nhập với thân tôi và
thân tôi đồng như hư-không, không có ngăn-ngại lẫn nhau, thân tôi lại khéo vào
vi-trần quốc-độ, rộng làm việc Phật, được đại-tuỳ-thuận. Thần-lực lớn đó là do
tôi quán-kỹ tứ-đại không nương vào đâu, do vọng-tưởng mà có sinh-diệt, hư-không
không có hai và cõi Phật vốn là đồng, do phát-minh được tính-đồng mà chứng
vô-sinh-nhẫn. Phật hỏi về viên-thông, tôi quán hư-không không bờ-bến; vào
Tam-ma-đề, diệu-lực viên-mãn sáng-suốt, đó là thứ nhất".
23.
Ngài Di-Lặc Bồ-tát
VIÊN
THÔNG VỀ THỨC ĐẠI
Ngài Di-Lặc Bồ-tát liền
từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng: "Tôi nhớ
vi-trần-kiếp về trước, có đức Phật ra đời tên là Nhật-nguyệt-đăng-minh; tôi
được xuất-gia theo đức Phật kia, nhưng tâm còn trọng hư-danh thế-gian, ưa
giao-du với các vọng-tộc. Lúc ấy đức Thế-tôn dạy tôi tu-tập định duy-tâm-thức,
tôi được vào Tam-ma-đề; trải qua nhiều kiếp đến nay, dùng pháp Tam-muội ấy
phụng-sự hằng-sa Phật, tâm cầu hư-danh thế-gian diệt hết không còn. Đến khi đức
Phật Nhiên-đăng ra đời, tôi mới được thành-tựu
Vô-thượng-diệu-viên-thức-tâm-tam-muội. Tất-cả cõi nước Như-lai tột bờ-bến
hư-không, cho đến những điều tịnh, uế, có, không, đều do tâm tôi biến-hóa hiện
ra. Bạch Thế-tôn, do tôi rõ được tính duy-tâm-thức như vậy, nên nơi thức-tính,
xuất-hiện vô-lượng Như-lai và hiện nay, tôi được thụ-ký, liền sau đây,
bổ-xứ thành Phật nơi cõi này. Phật hỏi về viên-thông, tôi dùng phép
quán mười phương đều duy-thức, thức-tâm được tròn-sáng, chứng-nhập tính
viên-thành-thật, xa-rời tính y-tha-khởi và tính biến-kế-chấp, được pháp
vô-sinh-nhẫn, đó là thứ nhất".
24.
Ngài Đại-thế-chí Pháp-vương-tử
VIÊN
THÔNG VỀ KIẾN ĐẠI
Ngài Đại-thế-chí
Pháp-vương-tử cùng với năm mươi hai vị Bồ-tát đồng-tu một pháp-môn, liền từ chổ
ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng: "Tôi nhớ hằng-sa
kiếp trước, có đức Phật ra đời, tên là Vô-lượng-quang; lúc ấy mười hai đức
Như-lai kế nhau thành Phật trong một kiếp đức Phật sau hết, hiệu là
Siêu-nhật-nguyệt-quang, dạy cho tôi phép Niệm-Phật-tam-muội. Ví-như có người,
một đằng chuyên nhớ, một đằng chuyên quên, thì hai người ấy, dầu gặp cũng không
là gặp, dầu thấy cũng là không thấy; nếu cả hai người đều nhớ nhau, hai bên nhớ
mãi, khắc sâu vào tâm-niệm, thì đồng như hình với bóng, cho đến từ đời nầy sang
đời khác, không bao-giờ cách-xa nhau. Thập-phương Như-lai thương-tưởng
chúng-sinh như mẹ nhớ con, nếu con trốn-tránh, thì tuy nhớ, nào có ích gì; nếu
con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, thì đời đời mẹ con không cách-xa nhau. Nếu tâm
chúng-sinh nhớ Phật, tưởng Phật, thì hiện nay hay về sau, nhất-định thấy Phật;
cách Phật không xa thì không cần phương-tiện, tâm tự được khai-ngộ như người
ướp-hương thì thân-thể có mùi thơm, ấy gọi là hương-quang-trang-nghiêm.
Bản-nhân của tôi là dùng tâm niệm Phật mà vào pháp vô-sinh-nhẫn, nay ở cõi nầy
tiếp-dẫn những người niệm Phật về cõi Tịnh-độ. Phật hỏi về viên-thông, tôi
thu-nhiếp tất-cả sáu căn, không có lựa-chọn, tịnh-niệm kế-tiếp, được vào
Tam-ma-đề, đó là thứ nhất."
25.
Ngài Quán-thế-âm Bồ-tát
VIÊN
THÔNG VỀ NHĨ CĂN
Thuật lại chỗ tu-chứng
Khi bấy-giờ, ngài
Quán-thế-âm Bồ-tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật mà bạch
Phật rằng: "Thưa Thế-tôn, tôi nhớ vô-số hằng-sa kiếp về trước, có đức Phật
ra đời, hiệu là Quán-thế-âm; từ đức Phật kia, tôi phát-tâm Bồ-đề. Đức Phật kia
dạy tôi, do nghe, nghĩ và tu, mà vào Tam-ma-đề.
Ban đầu, ở trong
tính-nghe, vào được dòng viên-thông, không còn tướng sở-văn nữa. Trần-tướng đã
vẳng-lặng, hai tướng động, tĩnh rõ thật không sinh. Như vậy thêm lần, các tướng
năng-văn, sở-văn đều hết. Không dừng lại nơi chỗ dứt hết năng-văn, sở-văn mà
tiến lên nữa, thì năng-giác, sở-giác, đều không. Không-giác tột bậc viên-mãn,
các tướng năng-không, sở-không đều diệt. Sinh-diệt đã diệt, thì bản-tính
tịch-diệt hiện-tiền. Bỗng nhiên, vượt ngoài thế-gian và xuất thế-gian,
sáng-suốt cùng khắp mười phương, được hai cái thù-thắng: Một là, trên hợp với
bản-giác-diệu-tâm thập phương chư Phật, cùng với chư Phật Như-lai đồng một
từ-lực; hai là, dưới hợp với tất-cả chúng-sinh lục-đạo mười phương, cùng với
các chúng-sinh đồng một bi-ngưỡng.
Do từ-lực, hiện ra 32
ứng-thân
Bạch Thế-tôn, do tôi
cúng-dường đức Quán-âm Như-lai, nhờ Ngài truyền-thụ cho tôi Như-huyễn Văn-huân
Văn-tu Kim-cương-tam-muội, được cùng chư Phật đồng một từ-lực, nên làm cho thân
tôi thành-tựu 32 ứng-thân vào các cõi-nước.
Bạch Thế-tôn, nếu các vị
Bồ-tát vào Tam-ma-đề, tiến-tu pháp vô-lậu, thắng-giải hiện đã viên-mãn, tôi
hiện ra thân Phật, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được giải-thoát.
Nếu các hàng hữu-học tu
phép Diệu-minh vẳng-lặng, chỗ thắng-diệu đã viên-mãn. Tôi ở trước người kia,
hiện ra thân Độc-giác, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được giải-thoát.
Nếu các hàng hữu-học đoạn
12 Nhân-duyên; do các nhân-duyên đã đoạn mà phát ra thắng-tính và thắng-tính đó
hiện đã viên-mãn, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Duyên-giác, vì họ mà
thuyết-pháp khiến cho được giải-thoát.
Nếu các hàng hữu-học được
phép-không của Tứ-đế, tu đạo-đế vào diệt-đế, thắng-tính hiện viên-mãn, tôi ở
trước người kia, hiện ra thân Thanh-văn, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được
giải-thoát.
Nếu chúng-sinh muốn tâm
được tỏ-ngộ, không phạm vào cảnh ngũ-dục và muốn cho thân được thanh-tịnh, tôi
ở trước người kia, hiện ra thân Phạm-vương, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho
được giải-thoát.
Nếu các chúng-sinh muốn
làm Thiên-chúa, thống-lĩnh chư thiên, tôi ở trước người kia, hiện ra thân
Đế-thích, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu các chúng-sinh muốn
thân được tự-tại, đi khắp mười phương, tôi ở trước người kia, hiện ra thân
Tự-tại-thiên, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu các chúng-sinh muốn
thân được tự-tại, bay đi trên hư-không, tôi ở trước người kia, hiện ra thân
Đại-tự-tại-thiên, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu các chúng-sinh muốn
thống-lĩnh quỷ-thần, cứu-giúp cõi-nước, tôi ở trước người kia, hiện ra thân
Thiên-đại-tướng-quân, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu các chúng-sinh muống
sinh nơi thiên-cung, sai khiến quỷ-thần, tôi ở trước người kia, hiện ra thân
Thái-tử, con của Tứ-thiên-vương, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được
thành-tựu.
Nếu các chúng-sinh muốn
làm vua cõi người, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Vua, vì họ mà
thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu các chúng-sinh muốn
làm chủ gia-đình danh-tiếng, thế-gian kính-nhường, tôi ở trước người kia, hiện
ra thân Trưởng-giả vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu các chúng-sinh thích
đàm-luận những lời hay, giữ mình trong-sạch, tôi ở trước người kia, hiện ra
thân Cư-sĩ, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu các chúng-sinh muốn
trị cõi-nước, chia-đoán các bang, các ấp, tôi ở trước người kia, hiện ra thân
Tể-quan, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu các chúng-sinh thích
các số-thuật, tự-mình nhiếp-tâm giữ thân, tôi ở trước người kia, hiện ra thân
Bà-la-môn, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có người con trai
muốn học phép xuất-gia, giữ các giới-luật, tôi ở trước người kia, hiện ra thân
Tỷ-khưu, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có người con gái muốn
học phép xuất-gia, giữ các cấm-giới, tôi ở trước người kia, hiện ra thân
Tỷ-khưu-ni, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có người con trai
thích giữ ngũ-giới, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Ưu-bà-tắc, vì họ mà
thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có người con gái tự
giữ ngũ-giới, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Ưu-bà-di, vì họ mà
thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có người con gái
lập-thân trong nội-chính, để tu-sửa nhà nước, tôi ở trước người kia, hiện ra
thân Nữ-chúa hay thân Quốc-phu-nhân, mệnh-phụ, đại-gia, vì họ mà thuyết-pháp,
khiến cho được thành-tựu.
Nếu có chúng-sinh không
phá nam-căn, tôi ở trước người kia, hiện ra thân đồng-nam, vì họ mà
thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có người xử-nữ, thích
thân xử-nữ, không cầu sự xâm-bạo, tôi ở trước người kia, hiện ra thân đồng-nữ,
vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có chư-thiên muốn ra
khỏi loài trời, tôi hiện ra thân chư-thiên, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho
được thành-tựu.
Nếu có các con rồng muốn
ra khỏi loài rồng, tôi hiện ra thân rồng, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho được
thành-tựu.
Nếu có dược-xoa muốn
thoát khỏi loài mình, tôi ở trước họ, hiện ra thân dược-xoa, vì họ mà
thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có càn-thát-bà muốn
thoát khỏi loài mình, tôi ở trước họ, hiện ra thân càn-thát-bà, vì họ mà
thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có a-tu-la, muốn
thoát khỏi loài mình, tôi ở trước họ, hiện ra thân a-tu-la, vì họ mà
thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có khẩn-na-la muốn
thoát khỏi loài mình, tôi ở trước họ, hiện ra thân khẩn-na-la, vì họ mà
thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có ma-hô-la-già muốn
thoát khỏi loài mình; tôi ở trước họ, hiện ra thân ma-hô-la-già, vì họ mà
thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có chúng-sinh thích
làm người, tu cho được thân người, tôi hiện ra thân người, vì họ mà
thuyết-pháp, khiến cho được thành-tựu.
Nếu có loài phi-nhân,
hoặc có hình, hoặc không hình, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, muốn thoát khỏi
loài mình, tôi ở trước họ, hiện ra thân như họ, vì họ mà thuyết-pháp, khiến cho
được thành-tựu.
Ấy gọi là 32 ứng-thân
diệu-tịnh, vào các cõi-nước. Những thân ấy đều do vô-tác-diệu-lực của Văn-huân
Văn-tu Tam-muội, mà tự-tại thành tựu.
Do bi-ngưỡng, bố-thí 14
công-đức vô-úy
"Bạch Thế-tôn, do
tôi lại dùng vô-tác-diệu-lực của Văn-huân Văn-tu Kim-cương-tam-muội ấy, cùng
với tất-cả lục-đạo chúng-sinh trong mười phương ba đời, đồng một lòng
bi-ngưỡng, nên khiến các chúng-sinh, nơi thân-tâm tôi, được 14 thứ công-đức
vô-úy:
Một, là do tôi không tự
quán cái tiếng, mà quán cái tâm năng-quán, nên khiến cho chúng-sinh khổ-não
thập phương kia, quán cái âm-thanh, thì liền được giải-thoát.
Hai, là tri-kiến đã xoay
trở lại, khiến cho các chúng-sinh, dầu vào đống lửa, lửa không thể đốt được.
Ba, là quán cái nghe đã
xoay trở lại, khiến cho các chúng-sinh bị nước lớn cuốn đi, mà không chết-đuối.
Bốn, là diệt hết
vọng-tưởng, tâm không sát-hại, khiến các chúng-sinh vào những nước quỷ, quỷ
không thể hại được.
Năm, là huân-tập và
thành-tựu được tính-nghe, cả sáu căn đều tiêu về bản-tính, đồng như cái nghe,
cái tiếng, có thể khiến cho chúng-sinh, lúc đương bị hại, dao gãy từng đoạn,
khiến cho các binh-khí chạm vào thân người như cắt dòng nước, như thổi
ánh-sáng, bản-tính không hề lay-động.
Sáu, là huân-tập
tính-nghe sáng-suốt thấu khắp pháp-giới, thì các tính tối-tăm không thể toàn
được, có thể khiến cho chúng-sinh, tuy các loài dược-xoa, la-sát, cưu-bàn-trà,
tỳ-xá-già, phú-dan-na, vân vân ... ở gần một bên, con mắt chúng vẫn không thể
thấy được.
Bảy, là các tiếng đều
viên-tiêu, thấy-nghe đã xoay vào tự-tính, rời các trần-cảnh hư-vọng, có thể
khiến cho các chúng-sinh, những thứ cùm, dây, gông, xiềng không thể dính vào
mình được.
Tám, là diệt tướng
âm-thanh, viên-thông tính-nghe, phát-sinh từ-lực cùng khắp, có thể khiến cho
chúng-sinh đi qua đường hiểm, giặc không cướp được.
Chín, là huân-tập phát ra
tính-nghe, rời các trần-tướng, sắc-dục không lôi-kéo được, có thể khiến cho
tất-cả chúng-sinh đa-dâm, xa rời lòng tham-dục.
Mười, là thuần một
thật-tướng của âm-thanh, không còn gì là tiền-trần, căn và cảnh điều viên-dung,
không có năng, sở đối-đãi, có thể khiến cho tất-cả chúng-sinh nóng-giận, rời-bỏ
lòng thù-ghét.
Mười một, là tiêu-diệt
trần-tướng, xoay về tính bản-minh, thì pháp-giới, thân, tâm đều như ngọc
lưu-ly, sáng-suốt không ngăn-ngại, có thể khiến cho những kẻ ngu-ngốc u-mê,
xa-rời hẳn sự si-mê tối-tăm.
Mười hai, là viên-dung
các hình-tướng, xoay tính-nghe trở về đạo-trường bất-động, hòa vào thế-gian mà
không hủy-hoại thế-giới, cúng-dường được chư Phật Như-lai như số vi-trần, cùng
khắp mười phương, ở bên mỗi mỗi đức Phật, làm vị Pháp-vương-tử, có thể khiến
cho trong pháp-giới, những chúng-sinh không con, cầu có con trai, sinh ra đứa
con trai có phúc-đức trí-tuệ.
Mười ba, là sáu căn
viên-thông, soi-sáng không hai, trùm khắp thập phương thế-giới, thành-lập
đại-viên-kính Không-như-lai-tạng, vâng-lĩnh pháp-môn bí-mật của thập-phương
vi-trần Như-lai, không có thiếu-sót, có thể khiến cho trong pháp-giới, những
chúng-sinh không con, cầu có con gái, sinh ra người con gái có tướng-tốt, đoan-chính,
phúc-đức, dịu-dàng, được mọi người yêu-kính.
Mười bốn, là trong
tam-thiên đại-thiên thế-giới này, có trăm ức mặt trời, mặt trăng, các
Pháp-vương-tử hiện ở trong thế-gian, số-lượng có đến 62 số cát sông Hằng, đều
tu Phật-pháp, nêu gương-mẫu, giáo-hóa chúng-sinh, tùy-thuận chúng-sinh,
phương-tiện trí-tuệ của mỗi mỗi vị không đồng nhau. Do tôi được tính
viên-thông, phát ra diệu-tính của nhĩ-căn, cho đến thân-tâm nhiệm-mầu bao trùm
khắp pháp-giới, nên có thể khiến cho chúng-sinh chấp-trì danh-hiệu của tôi, so
với những người chấp-trì danh-hiệu của tất-cả các vị Pháp-vương-tử số-lượng
bằng 62 số cát sông Hằng kia, phúc-đức hai bên thật bằng bậc, không sai khác.
Bạch Thế-tôn, một
danh-hiệu của tôi cùng với rất nhiều danh-hiệu kia không khác, là do tôi tu-tập
được tính viên-thông chân-thật. Ấy gọi là 14 sức thí-vô-úy, đem phúc khắp cho
chúng-sinh.
Theo cơ-cảm hiện ra 4
diệu-đức không nghĩ-bàn
"Bạch Thế-tôn, do
tôi đã được Đạo tu-chứng viên-thông vô-thượng đó, nên lại khéo được 4
vô-tác-diệu-đức không nghĩ-bàn:
Một, là do tôi chứng được
tính-nghe chí-diệu, nơi tâm-tính không còn có tướng năng-văn, các sự thấy,
nghe, hay, biết không còn cách-biệt và đều thành một bảo-giác viên-dung
thanh-tịnh, nên tôi có thể hiện ra rất nhiều hình-dung nhiệm-mầu, nói ra vô-số
thần-chú bí-mật. Trong đó, hoặc hiện ra một đầu, 3 đầu, 5 đầu, 7 đầu, 9 đầu, 11
đầu, như thế cho đến 108 đầu, 1000 đầu, 10000 đầu, 84000 cái đầu, đầy-đủ các
tướng; hoặc hiện ra hai tay, 4 tay, 6 tay, 12 tay, 14, 16, 18, 20, 24, như thế
cho đến 108 tay, 1000 tay, 10000 tay, 84000 cái tay bắt-ấn; hoặc hiện ra hai
mắt, 3 mắt, 4 mắt, 9 mắt, như thế cho đến 108 mắt, 1000 mắt, 10000 mắt, 84000
con mắt báu thanh-tịnh; hoặc khi thì từ, hoặc khi thì oai, hoặc khi thì định,
hoặc khi thì tuệ, cứu-giúp chúng-sinh được rất tự-tại.
Hai, là do cái nghe, cái
nghĩ của tôi, thoát ra ngoài sáu trần như cái tiếng qua bức tường, không thể bị
ngăn-ngại, cho nên diệu-dụng của tôi có thể hiện mỗi mỗi hình, tụng mỗi mỗi
chú, hình đó, chú đó đều có thể đem sức vô-úy mà bố-thí cho các chúng-sinh; vì
thế, cõi nước thập phương như vi-trần đều gọi tôi là vị Thí-vô-úy.
Ba, là tôi tu-tập, phát
ra căn-tính bản-diệu viên-thông thanh-tịnh, nên đi qua thế-giới nào, đều khiến
cho chúng-sinh xả-thân, xả đồ trân-bảo, cầu tôi thương-xót.
Bốn, là do tôi được tâm
Phật, chứng đến chỗ rốt-ráo, nên có thể đem các thứ quý-báu cúng-dường thập
phương Như-lai, cả đến chúng-sinh lục-đạo trong pháp-giới, ai cầu vợ thì được
vợ, cầu con thì được con, cầu Tam-muội thì được Tam-muội, cầu sống lâu thì được
sống lâu, như thế, cho đến cầu Đại-niết-bàn thì được Đại-niết-bàn.
Kết-luận về viên-thông
nhĩ-căn
"Phật hỏi về
viên-thông, tôi do văn-chiếu Tam-muội nơi nhĩ-căn mà duyên-tâm được tự-tại;
nhân tướng nhập-lưu, được Tam-ma-đề, thành tựu quả Bồ-đề, đó là thứ nhất. Bạch
Thế-tôn, đức Phật Như-lai kia, khen tôi khéo được pháp-môn viên-thông, ở trong
Đại-hội, thụ-ký cho tôi cái hiệu là Quan-thế-âm; do tôi thấy-nghe thấu-suốt
mười phương, nên danh-tiếng Quan-âm cùng khắp thập phương thế-giới".
Khi bấy giờ, đức Thế-tôn
nơi sư-tử tọa, năm vóc đồng phóng ra hào-quang báu, rọi xa trên đỉnh thập
phương Như-lai số như vi-trần và trên đỉnh các vị Pháp-vương-tử, các vị Bồ-tát.
Các đức Như-lai kia, năm vóc cũng đồng phóng ra hào-quang báu, từ các thế-giới
số như vi-trần đến rọi trên đỉnh Phật và trên đỉnh các vị Đại-bồ-tát và
A-la-hán trong Hội; rừng cây, ao hồ đều diễn ra pháp-âm; hào-quang giao-xen
cùng nhau như lưới tơ báu. Cả trong đại-chúng được cái chưa từng có; tất-cả đều
được Kim-cương-tam-muội. Liền khi ấy, trời mưa hoa sen bách-bảo màu xanh, màu
vàng, màu đỏ, màu trắng xen-lộn lẫn nhau, thập phương hư-không hóa-thành sắc
thất-bảo. Đất liền, núi sông của cõi Sa-bà nầy cùng một lúc không hiện ra, chỉ
thấy vi-trần quốc-độ thập-phương hợp-thành một giới, tiếng hát ca-ngợi tự-nhiên
nổi lên.
Comments
Post a Comment