NGUYÊN DO KHỞI RA CÁC MA SỰ
Khi bấy-giờ, đức Như-lai gần chấm-dứt thời thuyết-pháp, ở nơi
sư-tử-tọa, vin ghế thất-bảo, xoay về Tử-Kim-Sơn, trở lại dựa nơi ghế, bảo khắp
đại-chúng và ông A-nan rằng:
"Bọn ông là hàng Duyên-giác, Thanh-văn hữu-học, ngày nay,
đã hồi-tâm hướng về vô-thượng diệu-giác đạo Đại-bồ-đề, và tôi cũng đã chỉ-dạy
phép tu chân-chính; nhưng các ông còn chưa biết những ma-sự nhỏ-nhiệm trong lúc
tu-chỉ, tu-quán. Nếu cảnh ma hiện ra, ông không biết được, thì sẽ tu-tâm không
đúng và mắc vào tà-kiến; hoặc bị ma ngũ-ấm của ông, hoặc bị thiên-ma, hoặc mắc
quỷ-thần, hoặc gặp lỵ-mỵ, mà trong tâm không rõ, nhận giặc làm con. Lại nữa, có
khi được một ít đã cho là đủ, như Vô-văn tỷ-khưu được Đệ-tứ-thiền, nói ma là
chứng bậc thánh; đến khi quả-báo chư-thiên hết rồi, suy-tướng hiện ra, thì
phỉ-báng quả A-la-hán còn phải thụ-sinh, nên đọa vào ngục A-tỳ. Các ông hãy
nghe cho kỹ, nay tôi vì ông mà phân-biệt chín-chắn".
Ông A-nan đứng dậy, với các hàng hữu-học trong Hội, vui-mừng
đỉnh-lễ, kính nghe Phật từ-bi dạy-bảo.
Phật bảo ông A-nan và cả đại-chúng: "Các ông nên biết, mười
hai loài chúng-sinh trong thế-giới hữu-lậu, tâm-thể giác-viên bản-giác
diệu-minh, cùng thập phương chư Phật, không hai không khác. Do vọng-tưởng, các
ông mê chân-lý thành ra lỗi-lầm. Si-ái phát-sinh, sinh mê cùng khắp, nên có
hư-không; hóa mãi cái mê không thôi, nên có thế-giới sinh ra; các cõi-nước số
như vi-trần ở mười phương, trừ cõi vô-lậu, đều do vọng-tưởng mê-lầm kiến-lập.
Nên biết, hư-không sinh trong tâm ông, cũng như chút mây điểm trên vùng trời,
huống nữa là các thế-giới ở trong hư-không. Một người các ông phát-minh
chân-lý, trở về bản-tính, thì hư-không thập phương đó thảy đều tiêu-mất, làm
sao, các cõi-nước hiện có trong hư-không ấy, lại không rung-động. Các ông tu
thiền-định, trau-dồi phép Tam-ma-đề, tâm được thông-suốt, ám-hợp với các vị
Bồ-tát và các vị vô-lậu Đại-a-la-hán mười phương, thật sự vắng-lặng, thì tất-cả
Ma-vương, quỷ-thần và loài trời, phàm-phu, đều thấy cung-điện mình không cớ gì
đổ vỡ, đất-liền rung-động, các loài thủy-lục bay-nhảy, thảy đều kinh-sợ.
Phàm-phu tối-tăm, không rõ nên nghĩ-lầm; còn bọn kia đều được năm thứ
thần-thông, trừ lậu-tận-thông, đương luyến-tiếc cảnh trần-lao, làm sao, lại để
cho ông phá-hoại chỗ ở? Vậy nên các loài quỷ-thần, thiên-ma, vọng-lượng,
yêu-tinh, trong lúc ông tu phép Tam-muội, đều đến quấy-phá.
Song các ma kia, tuy có giận-dữ, nhưng bọn chúng ở trong
trần-lao, các ông ở trong diệu-giác, thì cũng như gió thổi ánh-sáng, như dao
chém nước, hẳn không đụng-chạm nhau được; ông như nước sôi, bọn kia như
giá-cứng, tạm gần hơi-ấm, thì không bao-lâu sẽ tiêu-tan. Chúng nó luống-ỷ
thần-lực, nhưng chỉ làm người khách; nếu chúng có thể phá-rối được, là do người
chủ ngũ-ấm trong tâm ông, nếu người chủ mê-lầm, thì khách được dịp khuấy-phá.
Đương lúc tu-thiền, giác-ngộ không lầm, thì các ma-sự kia không
làm gì ông được. Khi năm ấm đã tiêu-trừ, vào tính sáng-suốt, thì bọn tà-ma kia
là kẻ tối-tăm, sáng phá được tối, đến gần tự phải tiêu-mất, làm sao còn dám ở
lại khuấy-phá thiền-định. Nếu không tỏ-ngộ, bị ngũ-ấm làm cho mê-lầm, thời
chính ông là A-nan, lại phải làm con của ma và thành người ma. Như nàng
Ma-đăng-già, sức còn hèn-kém, chỉ dùng chú-thuật, bắt ông phá luật-nghi của
Phật; trong tám muông hạnh chỉ phá một giới; nhưng vì tâm ông thanh-tịnh, nên
vẫn chưa bị chìm-đắm. Bọn ma nầy, thì phá-hoại toàn thân bảo-giác của ông, như
nhà quan tể-thần, bỗng-nhiên bị tước hết, tịch hết, linh-đinh quanh-lộn, không
thể thương-cứu.
Comments
Post a Comment