NHỮNG CẢNH THUỘC THỨC
ẤM
"A-nan, thiện-nam-tử kia, tu phép Tam-ma-đề, khi Hành-ấm
hết rồi, thì cái then-chốt lay-động u-ẩn chung, sinh ra các loài thế-gian, bỗng
được xóa-bỏ; giềng-mối vi-tế, quan-hệ sâu-xa gây-nghiệp chịu-báo của ngã-thể
chúng-sinh, cảm-ứng đều bặt-dứt. Người đó, hầu được đại-giác-ngộ nơi bản-tính
Niết-bàn, như khi gà gáy-tan, xem qua phương Đông, đã có ánh-sáng.
Sáu căn rỗng-lặng, không còn rong-ruổi nữa; trong và ngoài đều
lặng-sáng, vào được tính Vô-sở-nhập, thấu-suốt nguyên-do thụ-sinh của 12 loài
mười phương; xét-rõ nguyên-nhân do chấp-trước gây nên, các loài không thể
hấp-dẫn được; nơi thập phương thế-giới, đã nhận được tính-đồng; tính tinh-vi ấy
còn tồn-tại, phát-hiện ra một cách bí-ẩn, ấy thì gọi là phạm-vi của Thức-ấm.
Nếu trong tính-đồng đã chứng được của các loài, huân-tập
tiêu-hóa sáu căn, làm cho khi hợp, khi chia được tự-tại, cái thấy, cái nghe
thông nhau, tác-dụng thanh-tịnh thay-thế lẫn nhau, thì thập phương thế-giới với
lại thân-tâm đều như ngọc lưu-ly, trong ngoài sáng-suốt; thế gọi là hết Thức-ấm.
Người đó, mới vượt khỏi mạng-trược; xét lại nguyên-do, cỗi-gốc là vọng-tưởng
điên-đảo, huyễn-hóa rỗng-không.
A-nan nên biết Thiện-nam-tử đó, đã xét-cùng tính-không của các
hành, trở về bản-tính của thức, đã diệt được sinh-diệt, nhưng chưa viên-mãn chỗ
tinh-diệu của tịch-diệt. Người đó, có thể khiến nơi thân mình, các căn khác
nhau khi hợp, khi chia và thông-suốt với sự hay-biết các loài thập phương; cái
hay-biết đó thông-suốt vẳng-lặng, có thể vào tính bản-viên. Nếu nơi chỗ quay
về, lại lập ra cái nhân chân-thường, và quyết-định như thế là đúng, thì người
đó, sa vào cái chấp "nhân-sở-nhân", trở thành bạn-bè với bọn
Sa-tỳ-ca-la chấp có Minh-đế, mê-muội Bồ-đề của Phật, bỏ mất Chính-tri-kiến; ấy
gọi là bọn thứ nhất, lập cái tâm sở-đắc, thành cái quả sở-quy, trái xa tính
viên-thông, đi ngược đạo Niết-bàn, sinh ra giống ngoại-đạo.
A-nan, lại Thiện-nam-tử kia, xét-cùng tính-không của các hành,
đã diệt sinh-diệt, nhưng chưa viên-mãn chỗ tinh-diệu của tịch-diệt; nếu nơi
tính đã nhập được, lại ôm làm tự-thể của mình, cho rằng tất-cả chúng-sinh trong
mười hai loài, cùng-tột hư-không, đều từ trong thân mình phát-sinh ra và
quyết-định như thế là đúng, thì người đó, sa vào cái chấp
"năng-phi-năng", thành bạn-bè với bọn Ma-hê-thủ-la, hiện ra thân
vô-biên, mê-muội Bồ-đề của Phật, bỏ mất Chính-tri-kiến; ấy gọi là bọn thứ hai,
lập cái tâm năng-vi, thành cái quả năng-sự, trái xa tính viên-thông, đi ngược
đạo Niết-bàn, sinh ra giống Đại-mạn-thiên, chấp cái ta cùng khắp viên-mãn.
Lại Thiện-nam-tử kia, xét-cùng tính-không các hành, đã diệt
sinh-diệt, nhưng chưa viên-mãn chỗ tinh-diệu của tịch-diệt. Nếu trong lúc quay
về, thấy có chỗ sở-quy, lại tự nghĩ thân-tâm mình từ chỗ kia sinh ra và cả thập
phương hư-không cũng đều do chỗ kia sinh ra, rồi tức nơi cái chỗ sinh ra tất-cả
đó, nhận là cái thể chân-thường không sinh-diệt. Như thế, là ở trong sinh-diệt
sớm-chấp là thường-trụ, chẳng những lầm tính bất-sinh, mà cũng mê tính
sinh-diệt; an-trụ trong mê-lầm, trầm-trọng, mà quyết-định là đúng, thì người
ấy, sa vào cái chấp "Thường-phi-thường", thành bè-bạn của những kẻ
chấp có Tự-tại-thiên, mê-muội Bồ-đề của Phật, bỏ mất Chính-tri-kiến; ấy gọi là
bọn thứ ba, lập cái tâm nhân-y, thành cái quả vọng-kế, trái xa tính viên-thông,
đi ngược đạo Niết-bàn, sinh ra giống đảo-viên.
Lại Thiện-nam-tử kia, xét-cùng tính-không của các hành, đã diệt
sinh-diệt, nhưng chưa viên-mãn chỗ tinh-diệu của tịch-diệt. Nếu nơi chỗ
hay-biết, nhân sự hay-biết cùng khắp mà lập ra cái nhận-thức rằng cỏ cây thập
phương đều gọi là hữu-tình, cùng người không khác; rằng cỏ cây làm người, người
chết rồi trở lại thành cỏ cây thập phương; nơi cái hay-biết cùng khắp, không có
lựa-chọn và quyết-định như thế là đúng, thì người ấy, sa vào cái chấp
"Tri-vô-tri" thành bạn-bè của bọn Bà-tra, Tiển-ni, chấp tất-cả đều có
hay-biết, mê-muội Bồ-đề của Phật, bỏ mất Chính-tri-kiến; ấy gọi là bọn thứ tư,
chấp cái tâm viên-tri, thành cái quả sai-lầm, trái xa tính viên-thông, đi ngược
đạo Niết-bàn, sinh ra giống đảo-tri.
Lại Thiện-nam-tử kia, xét-cùng tính-không của các hành, đã diệt
sinh-diệt, nhưng chưa viên-mãn chỗ tinh-diệu của tịch-diệt. Nếu trong lúc, đã
được tùy-thuận tính viên-dung của các căn dùng thay lẫn nhau, lại nơi tính
viên-dung biến-hóa phát-sinh, cầu cái ánh-sáng của Hỏa-đại, ưa cái thanh-tịnh
của Thủy-đại, yêu cái chu-lưu của Phong-đại, xét cái thành-tựu của Địa-đại, rồi
sùng-phụng, mỗi mỗi cái, nhận những Tứ-đại kia là bản-nhân và lập nó làm tính
thường-trụ, thì người đó, sa vào cái chấp “Sinh-vô-sinh”, thành bè-bạn của bọn
Ca-diếp-ba và bọn Bà-la-môn, đem hết thân-tâm thờ lửa, thờ nước để cầu ra khỏi
sống chết; mê-muội Bồ-đề của Phật, bỏ mất Chính-tri-kiến; ấy gọi là bọn thứ
năm, chấp-trước phụng-thờ, mê-tâm theo vật, lập cái nhân hư-vọng, để mong-cầu
cái quả giả-dối, trái xa tính viên-thông, đi ngược đạo Niết-bàn, sinh ra giống
điên-hóa.
Lại Thiện-nam-tử kia, xét-cùng tính-không của các hành, đã diệt
sinh-diệt, nhưng chưa viên-mãn chỗ tinh-diệu của tịch-diệt. Nếu nơi cảnh
viên-minh, chấp cái rỗng-trống trong viên-minh, bác-bỏ tiêu-diệt các sự-vật
biến-hóa, lấy cái tính diệt-hẳn, làm chỗ quy-y của mình và quyết-định như thế
là đúng, thì người đó, sa vào cái chấp “Quy-vô-quy”, thành bạn-bè của bọn
chấp-không trong Vô-tưởng-thiên, mê muội Bồ-đề của Phật, bỏ mất Chính-tri-kiến;
ấy gọi là bọn thứ sáu, viên-thành cái tâm hư-vô, lập ra cái quả không-vong,
trái xa tính viên-thông, đi ngược đạo Niết-bàn, sinh ra giống đoạn-diệt.
Lại Thiện-nam-tử kia, xét-cùng tính-không của các hành, đã diệt
sinh-diệt, nhưng chưa viên-mãn chỗ tinh-diệu của tịch-diệt. Nếu nơi tính
viên-thường, củng-cố cái thân cho thường-trụ như tính ấy, mãi không suy-mất và
quyết-định như thế là đúng, thì người ấy, sa vào cái chấp “Tham-phi-tham”,
thành bè-bạn của bọn A-tư-đà, cầu được trường-sinh, mê-muội Bồ-đề của Phật, bỏ
mất Chính-tri-kiến; ấy gọi là bọn thứ bảy, chấp-trước cái mạng-căn, lập cái
nhân củng-cố vọng-thân, đi đến cái quả kéo dài sự nhọc-nhằn, trái xa tính
viên-thông, đi ngược đạo Niết-bàn, sinh ra giống vọng-điên.
Lại Thiện-nam-tử kia, xét-cùng tính-không của các hành, đã diệt
sinh-diệt, nhưng chưa viên-mãn chỗ tinh-diệu của tịch-diệt, xét chỗ các mạng
thông lẫn với nhau, lại muốn giữ lại trần-lao, sợ nó tiêu hết; khi ấy bèn ngồi
cung hoa-sen, hóa ra rất nhiều bảy thứ trân-bảo và những gái đẹp, buông-lung
tâm mình và quyết-định như thế là đúng, thì người ấy sa vào cái chấp
“Chân-vô-chân”, thành bè-bạn của bọn Cha-chỉ-ca-la, mê-muội Bồ-đề của Phật, bỏ
mất Chính-tri-kiến; ấy gọi là bọn thứ tám, lập cái nhân tà-tư, thành cái quả
xí-trần, trái xa tính viên-thông, đi ngược đạo Niết-bàn, sinh ra giống
Thiên-ma.
Lại Thiện-nam-tử kia, xét-cùng tính-không của các hành, đã diệt
sinh-diệt, nhưng chưa viên-mãn chỗ tinh-diệu của tịch-diệt. Nơi thức-thể
viên-minh, cỗi-gốc của sinh-mạng, phân-biệt chỗ tinh, chỗ thô, quyết-đoán chỗ
chân, chỗ ngụy; nơi nhân-quả đền-đáp, chỉ cầu cảm-ứng, trái với đạo thanh-tịnh;
nghĩa là, chỉ thấy Khổ-đế, đoạn Tập-đế, chứng Diệt-đế, tu Đạo-đế; ở nơi Diệt-đế
đã yên rồi, lại không cầu-tiến thêm nữa và quyết-định như thế là đúng, thì
người ấy, sa vào hàng định-tính Thanh-văn, thành bè-bạn của hàng Vô-văn-tăng,
bị tăng-thượng-mạn, mê-muội Bồ-đề của Phật, bỏ mất Chính-tri-kiến; ấy gọi là
bọn thứ chín, viên-mản tâm tinh-ứng, thành cái quả thú-tịch; trái xa tính
viên-thông, đi ngược đạo Niết-bàn, sinh ra giống triền-không.
Lại Thiện-nam-tử kia, xét-cùng tính-không của các hành, đã diệt
sinh-diệt, nhưng chưa viên-mãn chỗ tinh-diệu của tịch-diệt. Nếu ở nơi tính
Giác-minh thanh-tịnh viên-dung, phát-minh tính thâm-diệu, liền nhận là Niết-bàn
mà không tiến lên và quyết-định như thế là đúng, thì người ấy, sa vào hàng
định-tính Bích-chi, thành bè-bạn của các vị Duyên-giác, Độc-giác, không biết
hồi-tâm hướng về Đại-thừa, mê-muội Bồ-đề của Phật, bỏ mất Chính-tri-kiến; ấy
gọi là bọn thứ mười, viên-thành giác-tâm vẳng-lặng, lập ra cái quả trạm-minh,
trái xa tính viên-thông, đi ngược đạo Niết-bàn, sinh ra giống giác-ngộ
viên-minh, nhưng không hóa được tính-viên.
A-nan, mười thứ Thiền-na như thế, giữa đường hóa điên, nhân
nương theo sự mê-lầm, trong chỗ chưa đủ, lại nhận là đã chứng đầy-đủ; đều do
Thức-ấm và tâm công-dụng giao-xen, nên sinh những vị như thế. Chúng-sinh mê-mờ,
không biết tự xét, gặp cái đó hiện-tiền, mỗi mỗi đều dùng cái tâm mê-lầm, còn
ưa-thích những tập-quán cũ, mà tự dừng-nghỉ, cho đó là chỗ quay về rốt-ráo, tự
bảo đã đầy-đủ đạo vô-thượng Bồ-đề, thành tội đại-vọng-ngữ. Bọn ngoại-đạo tà-ma,
khi nghiệp-báo chiêu-cảm hết rồi, thì sa vào ngục Vô-gián; hàng Thanh-văn,
Duyên-giác thì không tiến thêm được nữa. Bọn ông để tâm giữ đạo Như-Lai, sau
khi tôi diệt-độ rồi, đem pháp-môn nầy truyền-bày trong đời mạt-pháp, khiến cho
tất-cả chúng-sinh đều rõ-biết nghĩa nầy, không để cho những ma tà-kiến tự gây
ra nạn lớn cho mình, giữ-gìn thương-cứu, tiêu-dứt các tà-duyên, khiến cho
thân-tâm vào được tri-kiến của Phật, từ lúc ban-đầu đến khi thành-tựu, không
mắc các đường trẽ.
Comments
Post a Comment