NHỮNG CẢNH THUỘC TƯỞNG
ẤM
"A-nan, thiện-nam-tử kia, tu pháp Tam-ma-đề, khi Thụ-ấm hết
rồi, tuy chưa hết mê-lầm, nhưng tâm đã rời khỏi hình-hài như chim ra khỏi lồng,
điều ấy đã thành-tựu được rồi. Từ phàm-thân đó, tiến lên trải qua sáu mươi
thánh-vị Bồ-tát, được ý-sinh-thân, tùy-ý đi, ở, không còn ngăn-ngại. Ví-như có
người ngũ say nói mơ, người ấy tuy không hay-biết gì, nhưng lời nói đã có
âm-vận thứ-tự, khiến người không ngũ đều hiểu-biết được; ấy thì gọi là phạm-vi
của Tưởng-ấm.
Nếu biết động-niệm, tư-tưởng hư-vọng tiêu-trừ, thì nơi tâm
giác-minh, như bỏ hết bụi-nhơ, một dòng sinh-tử, đầu đuôi soi khắp, gọi là hết
Tưởng-ấm; người ấy mới có thể vượt khỏi phiền-não-trược, xét lại nguyên-do,
cỗi-gốc là vọng-tưởng dung-thông.
A-nan, thiện-nam-tử kia, Thụ-ấm đã hư-diệu, không còn mắc các
tà-lự, tính viên-định phát-minh, trong Tam-ma-đề, tâm lại ưa được viên-minh,
thúc-giục tư-tưởng, tham-cầu những thiện-xảo. Khi bấy-giờ, Thiên-ma chờ được
dịp ấy, cho tinh-thần gá vào người khác, miệng nói kinh-pháp; người đó thật
không biết bị ma gá vào, cũng tự bảo đã được vô-thượng Niết-bàn; đến chỗ thiện-nam-tử
cầu thiện-xảo kia, trải pháp-tọa thuyết-pháp. Thân-hình người đó giây-lát, hoặc
làm tỷ-khưu cho người kia thấy, hoặc làm Đế-thích, hoặc làm phụ-nữ, hoặc làm
tỷ-khưu-ni, hoặc nằm trong nhà tối, thân có hào-quang chói-sáng. Người tu-hành
ngu-mê, lầm là Bồ-tát, tin lời dạy-bảo, lay-chuyển cái tâm, phá luật-nghi của
Phật, lén làm việc tham-dục. Miệng ma ưa nói những sự may rủi biến-đổi, hoặc
nói Như-lai ra đời ở chỗ Mỗ, hoặc nói có kiếp-hỏa, hoặc nói có đao-binh,
khủng-bố người ta, khiến cho gia-tư không cớ gì phải hao mất. Ấy gọi là giống
quái-quỷ, tuổi già thành ma, khuấy-rối người tu-hành. Khi ma khuấy chán rồi, bỏ
thân người, không gá nữa, thì đệ-tử cùng thầy đều sa vào lưới pháp-luật. Ông
nên giác-ngộ trước, thì không vào luân-hồi; nếu mê-lầm không biết, thì đọa vào
ngục Vô-gián.
A-nan, lại thiện-nam-tử kia, Thụ-ấm đã hư-diệu, không mắc các
tà-lự, tính viên-định phát-minh; trong Tam-ma-đề, tâm lại ưa đi chơi, cho
tư-tưởng bay đi, tham-cầu trải qua nhiều nơi. Khi bấy giờ, Thiên-ma chờ được
dịp ấy, cho tinh-thần gá vào người khác, miệng nói kinh-pháp; người đó thật
không biết bị ma gá vào, cũng tự bảo đã được vô-thượng Niết-bàn, đến chỗ
thiện-nam-tử muốn đi chơi kia, trải pháp-tọa thuyết-pháp. Hình người đó không
thay-đổi, song những người nghe pháp, bỗng tự thấy mình ngồi trên hoa sen báu,
thân-thể hóa-thành thân vàng chói-sáng; cả một thính-chúng, mỗi người đều như
thế, được cái chưa từng có. Người tu-hành ngu-mê, lầm là Bồ-tát, tâm hóa
dâm-dật, phá luật-nghi của Phật, lén làm việc tham-dục. Miệng ma ưa nói các đức
Phật ứng-hóa ra đời, người Mỗ, chỗ Mỗ tức là hóa-thân của đức Phật Mỗ; người Mỗ
sẽ đến, tức là vị Bồ-tát Mỗ, đến giáo-hóa thế-gian. Người tu-hành thấy thế, tâm
sinh hâm-mộ, tà-trí thầm-thầm nổi lên, chủng-trí tiêu-diệt. Ấy gọi là giống
bạt-quỷ, tuổi già thành ma, khuấy-rối người tu-hành. Khi ma khuấy chán rồi, bỏ
thân người, không gá nữa, thì đệ-tử cùng thầy đều sa vào lưới pháp-luật. Ông
nên giác-ngộ trước, thì không vào luân-hồi; nếu mê-lầm không biết, thì đọa vào
ngục Vô-gián.
Lại thiện-nam-tử kia, Thụ-ấm đã hư-diệu, không mắc các tà-lự,
tính viên-định phát-minh; trong Tam-ma-đề, tâm lại ưa thầm-hợp, lặng-đứng cái
tư-tưởng, tham-cầu được khế-hợp. Khi bấy-giờ, Thiên-ma chờ được dịp ấy, cho
tinh-thần gá vào người khác, miệng nói kinh-pháp; người đó thật không biết bị
ma gá vào, cũng tự bảo đã được vô-thượng Niết-bàn, đến chỗ người thiện-nam-tử
cầu khế-hợp kia, trải pháp-tọa thuyết-pháp. Hình người đó và những người nghe
pháp, bề ngoài không có thay-đổi, nhưng lại khiến cho các thính-giả, trước khi
nghe pháp, tâm đã tự khai-ngộ, niệm-niệm dời-đổi, hoặc được túc-mạng-thông,
hoặc có tha-tâm-thông, hoặc thấy địa-ngục, hoặc biết các việc hay, dở trong
thế-gian, hoặc miệng nói bài kệ, hoặc tự tụng-kinh được, mỗi mỗi đều vui-vẻ,
được cái chưa từng có. Người tu-hành ngu-mê, lầm là Bồ-tát, tâm sinh ra
dính-dáng yêu-đương, phá luật-nghi của Phật, lén làm việc tham-dục. Miệng ma
thích nói Phật có lớn, nhỏ, đức Phật Mỗ là đức Phật trước, đức Phật Mỗ là đức
Phật sau, trong đó cũng có Phật thật, Phật giả, Phật trai, Phật gái; Bồ-tát
cũng thế. Người tu-hành thấy như vậy, bỏ sạch bản-tâm, dễ vào các tà-ngộ. Ấy
gọi là giống mỵ-quỷ, tuổi già thành ma, khuấy-rối người tu-hành. Khi ma khuấy
chán rồi, bỏ thân người, không gá nữa, thì đệ-tử cùng thầy đều sa vào lưới pháp-luật.
Ông nên giác-ngộ trước, thì không vào luân-hồi, nếu mê-lầm không biết, thì đọa
vào ngục Vô-gián.
Lại thiện-nam-tử kia, Thụ-ấm đã hư-diệu, không mắc các tà-lự,
tính viên-định phát-minh; trong Tam-ma-đề, tâm lại ưa biết cỗi-gốc; nơi sự vật
chuyển-hóa, muốn xét biết cùng-tột chung-thủy, thúc cái tâm sáng-suốt thêm,
tham-cầu nhận-biết chia-chẻ. Khi bấy-giờ, Thiên-ma chờ được dịp ấy, cho
tinh-thần gá vào người khác, miệng nói kinh-pháp. Người đó thật không biết bị
ma gá vào, cũng tự bảo đã được vô-thượng Niết-bàn, đến chỗ thiện-nam-tử cầu
biết cỗi-gốc kia, trải pháp-tọa thuyết-pháp. Người đó có uy-thần, làm cho những
người cầu-pháp đều kính-phục; khiến cho thính-chúng dưới pháp-tọa, khi chưa
nghe pháp, tự-nhiên tâm đã phục rồi; tất-cả bọn ấy đều cho rằng Niết-bàn,
Bồ-đề, pháp-thân của Phật, tức là cái xác-thịt hiện-tiền; cha con sinh nhau,
đời này đến đời khác, tức là pháp-thân thường-trụ không mất; đều chỉ hiện-tại,
tức là cõi Phật, không có cõi tịnh-cư và thân kim-sắc nào khác. Người tu-hành
tin-lĩnh những điều đó, bỏ mất bản-tâm, đem thân-mạng mà quy-y, được cái chưa
từng có; người đó ngu-mê, lầm là Bồ-tát, suy-xét cái tâm như thế, phá luật-nghi
của Phật, lén làm việc tham-dục. Miệng ma ưa nói, mắt, tai, mũi, lưởi đều là
tịnh-độ, hai căn nam nữ tức là chỗ thật Bồ-đề Niết-bàn; bọn không biết kia, đều
tin lời nhơ-nhớp đó. Ấy gọi là giống cổ-độc-quỷ và giống áp-thắng-quỷ, tuổi già
thành ma, khuấy-rối người tu-hành. Khi ma khuấy chán rồi, bỏ thân người, không
gá nữa, thì đệ-tử cùng thầy đều sa vào lưới pháp-luật. Ông nên giác-ngộ trước,
thì không vào luân-hồi, nếu mê-lầm không biết, thì đọa vào ngục Vô-gián.
Lại thiện-nam-tử kia, Thụ-ấm đã hư-diệu, không mắc các tà-lự,
tính viên-định phát-minh; trong Tam-ma-đề, tâm lại ưa biết các việc trước sau,
chín-xét cùng khắp, tham-cầu được thầm-cảm. Khi bấy giờ, Thiên-ma chờ được dịp
ấy; cho tinh-thần gá vào người khác, miệng nói kinh-pháp. Người đó thật không
biết bị ma gá vào, cũng tự bảo đã được vô-thượng Niết-bàn, đến chỗ thiện-nam-tử
cầu cảm-ứng kia, trải pháp-tọa thuyết-pháp, có thể khiến cho thính-chúng
tạm-thấy cái thân như đã trăm ngàn tuổi, tâm sinh ra ái-nhiễm, không thể
rời-bỏ, đem thân làm nô-bộc, cúng-dường tứ-sự, không biết mệt-mõi; lại khiến
cho mỗi người dưới pháp-tọa, tâm biết đó là vị Tiên-sư, là vị Thiện-tri-thức,
riêng sinh lòng pháp-ái, dính như keo-sơn, được cái chưa từng có. Người tu-hành
ngu-mê, lầm là Bồ-tát, gần-gũi tâm ma, phá luật-nghi của Phật, lén làm việc
tham-dục. Miệng ma ưa nói, ta ở kiếp trước, trong đời Mỗ, trước độ người Mỗ,
lúc đó là thê thiếp, anh em của ta, nên nay lại đến độ cho nhau; ta sẽ cùng các
người theo nhau về cảnh-giới Mỗ, cúng-dường đức Phật Mỗ; hoặc nói có cõi trời
đại-quang-minh riêng-biệt, Phật ở trong ấy, và là chỗ nghỉ-ngơi của tất-cả các
đức Như-lai. Bọn không biết kia, đều tin những lời phỉnh-gạt đó, bỏ mất
bản-tâm. Ấy gọi là giống lệ-quỷ, tuổi già thành ma, khuấy-rối người tu-hành.
Khi ma khuấy chán rồi, bỏ thân người, không gá nữa, thì đệ-tử cùng thầy đều sa
vào lưới pháp-luật. Ông nên giác-ngộ trước, thì không vào luân-hồi, nếu mê-lầm
không biết, thì đọa vào ngục Vô-gián.
Lại thiện-nam-tử kia, Thụ-ấm đã hư-diệu, không mắc các tà-lự,
tính viên-định phát-minh; trong Tam-ma-đề, tâm lại ưa đi sâu vào, khắc-khổ
siêng-năng, thích ở chỗ thầm-vắng, tham-cầu sự yên-lặng. Khi bấy-giờ, Thiên-ma
chờ được dịp ấy, cho tinh-thần gá vào người khác, miệng nói kinh-pháp. Người đó
thật không biết bị ma gá vào, cũng tự bảo đã được vô-thượng Niết-bàn, đến chỗ
thiện-nam-tử cầu thầm-lặng kia, trải pháp-tọa thuyết-pháp, khiến cho thính-chúng,
mỗi người đều biết nghiệp-cũ của mình; hoặc ở nơi đó, bảo một người rằng:
"Ngươi nay chưa chết đã làm súc-sinh", rồi bảo một người đạp cái đuôi
đằng sau, liền khiến người đó đứng dậy không được; cả trong một chúng đều hết
lòng kính-phục, có người móng tâm lên, thì nó đã biết ý; ngoài luật-nghi của
Phật ra, nó lại càng thêm khắc-khổ, chê-bai tỷ-khưu, mắng-nhiếc đồ-chúng,
phơi-lộ việc người ta, không tránh sự cơ-hiềm. Miệng ma ưa nói những họa phúc
chưa đến và khi đã đến rồi, thì mảy-may không sai. Ấy gọi là giống đại-lực-quỷ,
tuổi già thành ma, khuấy-rối người tu-hành. Khi ma khuấy chán rồi, bỏ thân
người, không gá nữa, thì đệ-tử cùng thầy đều sa vào lưới pháp-luật. Ông nên
giác-ngộ trước, thì không vào luân-hồi, nếu mê-lầm không biết, thì đọa vào ngục
Vô-gián.
Lại thiện-nam-tử kia, Thụ-ấm đã hư-diệu, không mắc các tà-lự,
tính viên-định phát-minh; trong Tam-ma-đề, tâm lại ưa hiểu-biết, siêng-năng
xét-tìm, tham-cầu biết túc-mạng. Khi bấy-giờ, Thiên-ma chờ được dịp ấy, cho
tinh-thần gá vào người khác, miệng nói kinh-pháp. Người đó thật không biết bị
ma gá vào, cũng tự bảo đã được vô-thượng Niết-bàn, đến chỗ thiện-nam-tử cầu
hiểu-biết kia, trải pháp-tọa thuyết-pháp. Người tu-hành bỗng-nhiên, nơi chỗ
thuyết-pháp, được hạt-châu báu lớn; hoặc khi ma hóa làm súc-sinh, miệng ngậm
hạt-châu với những vật kỳ-lạ như đồ trân-bảo, giản-sách, phù-độc, đến trao
trước cho người tu-hành, rồi sau cọ-gá vào thân-thể; hoặc khi ma bảo người nghe
pháp, có hạt-châu minh-nguyệt chôn ở dưới đất, đương soi-sáng chỗ đó, làm cho
các thính-giả được cái chưa từng có. Ma thường ăn cây thuốc, chứ không ăn cơm,
hoặc khi mỗi ngày chỉ ăn một bữa hạt vừng hoặc hạt mạch, do sức ma chấp-trì,
thân-hình vẫn béo-tốt. Ma lại chê-bai tỷ-khưu, mắng-nhiếc đồ-chúng, không tránh
sự cơ-hiềm; trong miệng ưa nói, kho báu phương khác và chỗ ẩn-cư của các bậc
thánh-hiền thập phương; những người đi theo sau, thường thấy có người kỳ-lạ. Ấy
gọi là giống quỷ-thần núi rừng, thổ-địa, thành-hoàng, sông núi, tuổi già thành
ma; hoặc khi kêu gọi làm điều dâm-dục, phá giới-luật Phật, cùng với những kẻ
thừa-sự, lén làm việc ngũ-dục; hoặc khi lại tinh-tiến, ăn toàn cỏ cây; việc làm
không nhất-định, cốt khuấy-rối người tu-hành. Khi ma khuấy chán rồi, bỏ thân
người, không gá nữa, thì đệ-tử cùng thầy phần nhiều sa vào lưới pháp-luật. Ông
nên giác-ngộ trước, thì không vào luân-hồi; nếu mê-lầm không biết, thì đọa vào
ngục Vô-gián.
Lại thiện-nam-tử kia, Thụ-ấm đã hư-diệu, không mắc các tà-lự,
tính viên-định phát-minh; trong Tam-ma-đề, tâm lại ưa các thứ biến-hóa
thần-thông,nghiên-cứu nguồn-gốc biến-hóa, tham-cầu có thần-lực. Khi bấy-giờ,
Thiên-ma chờ được dịp ấy, cho tinh-thần gá vào người khác, miệng nói kinh-pháp.
Người đó thật không hay-biết bị ma gá vào, cũng tự bảo đã được vô-thượng
Niết-bàn, đến chỗ thiện-nam-tử cầu thần-thông kia, trải pháp-tọa thuyết-pháp.
Người đó, hoặc tay cầm ngọn lửa, nắm chia ngọn lửa trên đầu tứ-chúng nghe pháp;
ngọn lửa trên đỉnh những người nghe pháp đều dài vài thước, mà cũng không đốt
cháy, cũng không có nóng. Người đó, hoặc đi trên nước như đi trên đất bằng,
hoặc ở giữa hư-không, ngồi yên không lay-động; hoặc vào trong bình, hoặc ở
trong đãy, hoặc vượt cửa sổ, hoặc thấu qua tường, không chút ngăn-ngại; chỉ đối
với đao-binh thì không được tự-tại. Người đó tự bảo là Phật, thân mặc bạch-y,
chịu tỷ-khưu lễ-bái, chê-bai Thiền-luật, mắng-nhiếc đồ-chúng, phơi-lộ việc
người, không tránh sự cơ-hiềm; trong miệng thường nói thần-thông tự-tại; hoặc
lại cho người thấy cõi Phật một bên, đó là do sức quỷ mê-hoặc, không có gì là
chân-thật. Người đó khen-ngợi việc hành-dâm, không từ-bỏ những việc làm
thô-tục, bảo những sự ôm-ấp lẫn nhau là truyền-pháp. Ấy gọi là những giống
sơn-tinh, hải-tinh, phong-tinh, hà-tinh, thổ-tinh, và những loài tinh-mỵ của
tất-cả cỏ cây đã sống nhiều kiếp, có sức lớn trong trời đất, hoặc là long-mỵ,
hoặc là tiên chết rồi, sống lại làm mỵ; hoặc quả-báo đạo-tiên đã hết, kể năm
thì phải chết, nhưng hình-hài không hư-nát, nên loài quái khác gá vào. Bọn ấy
tuổi già thành ma, khuấy-rối người tu-hành. Khi khuấy chán rồi, bỏ thân người
không gá nữa, thì đệ-tử cùng thầy phần nhiều sa vào lưới pháp-luật. Ông nên
giác-ngộ trước, thì không vào luân-hồi, nếu mê-lầm không biết, thì đọa vào ngục
Vô-gián.
Lại thiện-nam-tử kia, Thụ-ấm đã hư-diệu, không mắc các tà-lự,
tính viên-định phát-minh; trong Tam-ma-đề, tâm lại ưa vào chỗ diệt hết,
nghiên-cứu tính biến-hóa, tham-cầu cái rỗng-không sâu-nhiệm. Khi bấy-giờ,
Thiên-ma chờ được dịp ấy, cho tinh-thần gá vào người khác, miệng nói kinh-pháp.
Người đó thật không biết bị ma gá vào, cũng tự bảo đã được vô-thượng Niết-bàn,
đến chỗ thiện-nam-tử cầu rỗng-không kia, trải pháp-tọa thuyết-pháp. Ở trong
đại-chúng, hình của người đó bỗng hóa-thành không, cả chúng không thấy gì, rồi
lại từ hư-không bỗng-chốc hiện ra, khi còn, khi mất, được tự-tại; hoặc hiện cái
thân rỗng-suốt như ngọc lưu-ly, hoặc duỗi tay chân xuống, phát ra mùi thơm
chiên-đàn, hoặc đại-tiểu-tiện như đường-phèn cứng-chắc. Người đó chê-bai
phá-hoại giới-luật, khinh-rẻ những người xuất-gia; trong miệng thường nói,
không nhân-quả, chết rồi là diệt-hẳn, không có thân sau; lại các phàm, thánh,
tuy được phép không-tịch, vẫn lén làm việc tham-dục và người thụ-lĩnh cái
dâm-dục đó, cũng được tâm rỗng-không, bác không nhân-quả. Ấy gọi là những
giống-tinh-khí nhật-nguyệt bạc-thực, kim, ngọc, chi-thảo, lân, phụng, quy, hạc,
trải qua ngàn vạn năm không chết, làm tinh-linh sinh ra trong các quốc-độ, tuổi
già thành-ma, khuấy-rối người tu-hành. Khi ma khuấy chán rồi, bỏ thân người,
không gá nữa, thì đệ-tử cùng thầy phần nhiều sa vào lưới pháp-luật. Ông nên
giác-ngộ trước, thì không vào luân-hồi, nếu mê-lầm không biết, thì đọa vào ngục
Vô-gián.
Lại thiện-nam-tử kia, Thụ-ấm đã hư-diệu, không mắc các tà-lự,
tính viên-định phát-minh; trong Tam-ma-đề, tâm lại ưa sống lâu, gian-khổ
quan-sát tinh-vi, tham-cầu được nhiều tuổi; bỏ cái sống phân-đoạn, lại
trông-mong cái tướng vi-tế của biến-dịch sinh-tử được thường-trụ. Khi bấy-giờ,
Thiên-ma chờ được dịp ấy, cho tinh-thần gá vào người khác, miệng nói kinh-pháp.
Người đó không hề hay-biết bị ma gá vào, cũng tự bảo được vô-thượng Niết-bàn, đến
chỗ thiện-nam-tử cầu sống lâu kia, trải pháp-tọa thuyết-pháp. Người đó ưa nói,
đi về phương khác, không hề chậm-trễ, hoặc trải qua muôn dặm, giây-lát đã trở
lại và đều lấy được những vật nơi đó; hoặc ở một chỗ, hay trong một nhà, chỉ
trong vài bước, bảo người ta đi từ vách Đông qua đến vách Tây, nhưng người ta
đi mau cả năm không đến; nhân đó, người tu-hành tin-tưởng, nghi là Phật
hiện-tiền. Miệng ma thường nói, thập phương chúng-sinh đều là con ta, ta sinh
ra chư Phật, ta sinh ra thế-giới, ta là Phật đầu-tiên, tự-nhiên ra đời, không
nhân tu-hành mà đắc-đạo. Ấy gọi là ma trụ-thế-tự-tại-thiên, nó khiến bọn
quyến-thuộc chưa phát-tâm như bọn Giá-văn-trà hay là Tỳ-xá-đồng-tử cõi
Tứ-thiên-vương, thích cái hư-minh, đến ăn tinh-khí người tu-hành. Hoặc không
nhân ông thầy, chính người tu-hành tự mình xem-thấy, bọn đó tự xưng là thần
Chấp-kim-cương đến cho trường-thọ. Bọn đó hiện thân gái đẹp, thịnh-hành việc
dâm-dục, làm cho chưa đầy một năm, gan não người tu-hành đã khô-kiệt, miệng nói
lẩm-bẩm một mình, nghe như yêu-mỵ. Người ngoài chưa rõ nguyên-do, nên phần
nhiều người bị như thế, phải sa vào lưới pháp-luật và chưa kịp hành-hình đã
chêt khô trước. Thế là bọn ma khuấy-phá người tu-hành kia, đến phải ốm chết.
Ông nên giác-ngộ trước, thì không vào luân-hồi, nếu mê-lầm không biết, thì đọa
vào ngục Vô-gián.
A-nan, nên biết mười thứ ma ấy, trong đời mạt-pháp, hoặc
xuất-gia tu-hành ở trong đạo Phật, hoặc gá thân người, hoặc tự hiện-hình, đều
tự bảo đã thành Chính-biến-tri-giác, khen-ngợi dâm-dục, phá luật-nghi của Phật;
ma thầy trước cùng đệ-tử-ma, dâm-dục truyền nhau; tà-ma như thế, mê-hoặc tim
gan, ít thì chín đời, nhiều đến trăm đời, khiến cho người tu-hành chân-chính,
đều làm quyến-thuộc của ma, sau khi mạng-chung, chắc phải làm dân ma, bỏ mất
Chính-biến-tri, đọa vào ngục Vô-gián. Nay ông chưa nên vào Niết-bàn trước, dầu
được quả vô-học, cũng phát-nguyện vào trong đời mạt-pháp kia, phát-lòng
đại-từ-bi, cứu-độ cho chúng-sinh có lòng thâm-tín chân-chính, khiến cho khỏi
mắc tà-ma, được Chính-tri-kiến; nay tôi đã độ ông ra khỏi sống chết, ông
vâng-lời Phật dạy, thì gọi là báo-ơn Phật.
A-nan, mười thứ cảnh hiện ra trong thiền-định như thế, đều do
Tưởng-ấm và tâm công-dụng giao-xen, nên hiện ra những cảnh ấy; chúng-sinh
ngu-mê, không biết suy-xét tự-lượng, gặp nhân-duyên đó, mê không tự biết, tự
bảo là lên bậc thánh, thành tội đại-vọng-ngữ, phải đọa vào ngục Vô-gián. Bọn
ông cần phải, sau khi tôi diệt-độ rồi, đem những lời-dạy nầy của Như-lai
truyền-bày cho đời mạt-pháp, khiến cho khắp các chúng-sinh tỏ-ngộ nghĩa đó,
không để Thiên ma được dịp khuấy-rối; giữ-gìn che-chở cho chúng-sinh thành đạo
vô-thượng.
Comments
Post a Comment